Hội thảo khoa học: Phát triển kinh tế xã hội miền Tây Nghệ An
Sáng ngày 19/6 tại huyện Con Cuông, UBND tỉnh cùng với Viện kinh tế Việt nam tổ chức Hội thảo "Phát triển miền Tây Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Tham dự Hội thảo, về phía Trung ương có các đồng chí: Trương Đình Tuyển - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ Trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; PGS, TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng; các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc Viện Kinh tế Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương.
Sáng ngày 19/6 tại huyện Con Cuông, UBND tỉnh cùng với Viện kinh tế Việt nam tổ chức Hội thảo "Phát triển miền Tây Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Tham dự Hội thảo, về phía Trung ương có các đồng chí: Trương Đình Tuyển - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ Trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; PGS, TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng; các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc Viện Kinh tế Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Lãnh đạo 11 huyện, thị ở miền Tây Nghệ An.
Toàn cảnh Hội thảo
Miền Tây Nghệ An có diện tích rộng lớn (gần 13.800 km2); là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An, khu vực bắc Trung bộ và cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của tỉnh; có tiềm năng và lợi thế phát triển sản xuất và chế biến sản phẩm nông - lâm nghiệp - thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu; là địa bàn có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống;... Xác định tầm quan trọng đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020 tại Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 với 27 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội và môi trường cho từng giai đoạn đến năm 2015, năm 2020, trong đó có 4 chỉ tiêu về phát triển kinh tế, 18 chỉ tiêu về phát triển văn hóa - xã hội, 5 chỉ tiêu về bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng, dự báo có 4/27 chỉ tiêu quan trọng trong Quyết định số 2355/QĐ-TTg khó đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020 gồm: chỉ tiêu về tăng trưởng; cơ cấu kinh tế; thu nhập bình quân đầu người; thu ngân sách.
Đ/c Nguyễn Xuân Đường phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nhấn mạnh đây là cuộc hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của miền Tây Nghệ An trong thời gian tới. Do đó, rất mong muốn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia,... "hiến kế" để tìm kiếm một cách tiếp cận mới, từ đó xác lập một tầm nhìn mới, thiết kế một chiến lược mới cho phát triển miền Tây Nghệ An.
PGS.Ts Trần Đình Thiên phát biểu đề dẫn tại Hội thảo (Ảnh: Báo Nghệ An)
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Tây thành một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, gắn vùng nguyên liệu với khai thác, chế biến khoáng sản, sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp. Xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao với trung tâm là Nghĩa Đàn nhằm khai thác tiềm năng nông nghiệp khu vực miền Tây, tạo ra sản phẩm có chất lượng, năng suất, hiệu quả và làm điển hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ. Do đó, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia cần bám sát mục tiêu này để thảo luận nhằm thiết kế một tầm nhìn mới cho miền Tây Nghệ An trong giai đoạn hiện nay.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, trao đổi tại Hội thảo
"Hiến kế" của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An “Theo tôi, việc coi miền Tây là trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là cần thiết và chính xác. Tôi không nói đến điểm mới mà nói đến vấn đề cũ trên góc nhìn mới. Đó chính là sự hội nhập càng sâu sắc, các tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển và đang có một xu hướng dịch chuyển về tiêu dùng. Trên thế giới và cả trong nước, người tiêu dùng đang có xu hướng giảm dần nhu cầu sử dụng tinh bột, chuyển sang sử dụng chất hữu cơ, tăng cường rau quả. Tầng lớp trung lưu phát triển tạo ra xu hướng tiêu dùng với yêu cầu sạch hơn, an toàn hơn”. Đây chính là cơ hội để miền Tây Nghệ An với tiềm năng lợi thế về diện tích, thổ nhưỡng, con người, sản phẩm và các giá trị đặc hữu khác thực hiện cuộc cách mạng trong nông nghiệp nhằm đáp ứng các đòi hỏi của thị trường. Nghệ An và miền Tây của tỉnh phải biết lựa chọn những lĩnh vực có lợi thế so sánh cao nhất, có tác động lan tỏa lớn nhất. Chúng ta không thể làm tất cả mọi thứ được vì nguồn lực chúng ta có hạn. Ở Việt Nam lợi thế so sánh là du lịch, nông nghiệp và công nghệ thông tin. Ở Nghệ An, 3 lợi thế so sánh này đều hội tụ đủ, riêng khu vực miền Tây, 2 lợi thế so sánh nổi trội là du lịch và nông nghiệp. Cần phải biết khai thác hai mũi nhọn này của vùng.
Về nông nghiệp, theo tôi miền Tây Nghệ An phải phát triển sản xuất rau quả và sản phẩm đặc sản như: cam, chanh leo, dứa, thanh long… Đối với cây dược liệu, khu vực Tây Nghệ An cũng là vùng có lợi thế để phát triển, Vùng Tây Nam có thể phát triển được các loại dược liệu đặc hữu như: tam thất, đông trùng hạ thảo, các loại sâm. Lãnh đạo các cấp cần có cách để tạo ra phong trào trồng dược liệu, nhất là phát triển dược liệu dưới tán rừng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, khu vực Tây Nghệ An đặc biệt có tiềm năng phát triển đàn trâu, bò. Tuy nhiên để phát huy được giá trị cần phải mở rộng quy mô lớn hơn, trong đó khuyến khích mở rộng chăn nuôi theo hình thức công nghiệp. Ngoài ra, cần phát triển các làng nghề truyền thống và sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gắn với các doanh nghiệp để đưa ra thị trường. Trên cơ sở đó, sẽ tập trung đầu tư, phát triển du lịch, trong đó chú trọng du lịch cộng đồng, trải nghiệm.
Về giải pháp phát triển miền Tây trong thời gian tới: theo tôi phải thay đổi về tư duy, chuyển từ tư duy phát triển nền nông nghiệp toàn diện sang tư duy phát triển nền nông nghiệp đa chức năng và tất nhiên là phải dựa trên lợi thế so sánh. Trên cơ sở đó để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng. Coi trọng chế biến nhất là chế biến nông sản nhưng không nên suy nghĩ cực đoan là thứ gì cũng đưa vào chế biến. Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo chất lượng và giá trị của sản phẩm. Một nguyên tắc là cái gì tươi thì ngon hơn và thị trường tiêu thụ rộng hơn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng nêu một số ý kiến tại Hội thảo
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng nêu một số ý kiến về hướng khai thác nguồn lực để phát triển miền Tây Nghệ An, trong đó tập trung vào vào các giải pháp để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, con người, tài chính.
Đại biểu tham gia thảo luận
Tham gia thảo luận, nhiều ý kiến góp ý về xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ làm động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Tây tỉnh Nghệ An; phát triển lâm nghiệp bền vững; giải pháp chủ yếu để phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng…
Đ/c Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Báo Nghệ An)
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đã đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu, đánh giá để phát triển miền Tây Nghệ An trong công tác quy hoạch, phát triển nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch, công nghiệp văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh và các ngành cân nhắc, tính toán để thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao nhất, nhằm phát triển miền Tây Nghệ An một cách hiệu quả. Đồng chí đề nghị tập trung phân tích về định hướng để phát triển miền Tây Nghệ An, theo đó trước hết cần tập trung cho quy hoạch phát triển miền Tây Nghệ An trong quy hoạch tổng thể phát triển Nghệ An. Đối với phát triển sản xuất ở khu vực miền Tây, cần hướng đến hai mục tiêu là phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo. Đồng chí nhấn mạnh, phải tính toán để khắc phục hạn chế hiện nay là sản phẩm trồng trọt làm ra chưa đồng đều nên kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào chế biến còn khó khăn; đồng thời tính toán năng suất, chất lượng, giá trị trên một đơn vị diện tích. Phải nghiên cứu để phát triển dược liệu ở khu vực này, miền tây có các hồ thủy điện lớn, cần nghiên cứu để khai thác hiệu quả nhằm phát triển ngành thủy sản. Công nghiệp khai khoáng cần nghiên cứu tiếp cận theo hướng cấp những mỏ vật liệu xây dựng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời mỏ khoáng sản nào hiệu quả thì mới đưa vào khai thác. Lưu ý đến phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại; quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, nhất là tập trung cho công tác giáo dục trong khu vực; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; chú trọng đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Kết luận Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu các ngành, các địa phương sau cuộc hội thảo triển khai cụ thể trên địa bàn; đặc biệt là ngành Nông nghiệp, Khoa học và Công nghệ, Du lịch cần phải có chương trình, đề án hết sức cụ thể để triển khai trên địa bàn miền Tây Nghệ An.
Minh Tú - Hồ Thủy
Ảnh: Hồ Thủy