Phan Đăng Lưu với Nam kỳ khởi nghĩa
Phan Đăng Thuận
16/1/2024
Phan Đăng Lưu (1902 - 1941) sinh ra trong một gia đình trí thức Nho học ở một vùng đất giàu truyền thống yêu nước. Ông sớm tham gia Đảng Tân Việt, trở thành một yếu nhân của tổ chức này. Ông là một trong những người ủng hộ chủ trương Tân Việt sáp nhập với Thanh niên, hoạt động theo khuynh hướng vô sản. Ông trở thành một trong những lãnh đạo cách mạng tiền bối của Đảng. Ông đã anh dũng hi sinh sau Nam kỳ khởi nghĩa.
Hoàn cảnh diễn ra Nam kỳ khởi nghĩa
Cuối năm 1938, Chính phủ Bình dân Pháp bị sụp đổ, Chính phủ của Daladier lên thay tình hình chính trị nước Pháp thay đổi. Chính phủ Daladier ngày càng thiên hữu, tìm mọi cách xóa các chính sách tiến bộ dân chủ của chính phủ tiền nhiệm. Ở thuộc địa, chính quyền Pháp thăng tay đàn áp, xóa bỏ những cải cách dân chủ của Chính phủ Bình dân trước đó. Đứng trước hoàn cảnh đó, tháng 3/1939, Đảng ta đã ra bản Tuyên ngôn nêu rõ hiểm họa phát xít đang đến gần, Chính phủ phản động Daladier ở Pháp đang trắng trợn bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ, tăng cường bóc lột nhân dân chính quốc và các thuộc địa (Đọc kỹ tuyên bố này).
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương, bọn Pháp lập tức thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng. Chúng ban bố lệnh tổng động viên nhằm bắt người cướp của để cung cấp cho chiến tranh. Toàn quyền Ca-tơ-ru chủ trương “đánh mau lẹ và toàn diện vào các tổ chức cộng sản”.
Đồng chí Phan Đăng Lưu (1902 - 1941)
Sài Gòn và cả đất nước nóng bỏng tình thế chiến tranh. Thuế khóa quốc trái tăng vọt, lương thực bị vơ vét. Công nhân viên chức bị giảm lương tăng giờ làm. Thanh niên bị gọi đi lính. Các tổ chức quần chúng hợp pháp bị giải tán. Các quyền tự do dân chủ tối thiểu bị thủ tiêu. Không khí căng thẳng ngột ngạt bao trùm khắp nơi.
Trước tình hình đó, theo chủ trương của Đảng, Phan Đăng Lưu được Trung ương chuyển vào hoạt động ở Sài Gòn nhằm khôi phục lại phong trào cách mạng ở nơi đây và xây dựng các căn cứ cách mạng trong nhân dân. Là một người có tri thức, linh hoạt nhanh nhạy, có uy tín trong nhân dân, được nhiều người biết đến trong thời kỳ hoạt động ở Huế, anh đã có nhiều đóng góp với phong trào. Người dân Sài Gòn vẫn nhớ về anh với những tên gọi thân thương “Ông đồ Nghệ”, “Thầy mỹ tự”(1)
Tháng 11/1939, Hội nghị Trung ương VI họp tại nhà ông Hai My, Hóc Môn - Bà Điểm (Gia Định). Dự Hội nghị có các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần… do đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư của Đảng chủ trì. Hội nghị đánh dấu bước chuyển hướng đúng đắn về chỉ đạo chiến lược và sách lược của Đảng ta, kiên quyết giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, mở đầu một thời kỳ đấu tranh mới của cách mạng Việt Nam. “Với tư cách là ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí (Phan Đăng Lưu –TG) đã đóng góp rất tích cực vào việc đề ra chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng”(1).
Hội nghị khẳng định: “Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào mục đích ấy mà giải quyết”(2).
Để tập trung mọi lực lượng phục vụ nhiệm vụ chủ yếu là chống chiến tranh đế quốc, chống ách cai trị của đế quốc giành độc lập dân tộc, Hội nghị tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất mà thay bằng khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc.
Nhà tù Buôn Ma Thuột - nơi đồng chí Phan Đăng Lưu bị giam cầm. Ảnh: Tư liệu
Do đó Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương, dựa trên cơ sở liên minh công nông, đoàn kết với tất cả các tầng lớp, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, chĩa mũi nhọn vào kẻ thù chủ yếu của dân tộc là bọn đế quốc thống trị và tay sai của chúng.
Hội nghị đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu là một bước đi đúng hướng. Đây là sự trở lại của tư tưởng Nguyễn Ái Quốc mà Người đã nêu ra trong bản Chính cương vắn tắt nhân ngày thành lập Đảng (3/2/1930). Sau gần một thập kỷ lãnh đạo cách mạng, Đảng ta mới khẳng định lại nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu còn nhiệm vụ dân chủ sẽ được giải quyết sau. Thực tiễn cách mạng đã chứng minh Nghị quyết ấy là hoàn toàn đúng đắn. Nó có một ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cách mạng Đông Dương. Tham dự Hội nghị lịch sử này, với vốn tri thức của mình, Phan Đăng Lưu đã đóng góp vào việc đề ra chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng ta. Phan Đăng Lưu không trực tiếp được học với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhưng về mặt tâm quang giữa hai con người này đã có sự gặp gỡ. “Đường Kách Mênh” đi vào con người ông một cách sâu sắc và nhất quán không có gì lay chuyển được trong con người Phan Đăng Lưu là vấn đề giải phóng dân tộc.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương VI được phổ biến mau lẹ xuống các chi bộ khắp cả nước để thảo luận nghiên cứu. Không may, ngày 17/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Lê Duẩn bị địch bắt. Đây là một tổn thất cho cách mạng. Các đồng chí còn lại Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần họp với đại biểu Xứ ủy và Thành ủy bàn việc thực hiện Nghị quyết ở nhà số 8 phố Cần Giuộc. Ngày 21/4/1940 đồng chí Võ Văn Tần bị địch bắt tại Sài Gòn. “Và như vậy, trong Ban chấp hành Trung ương chỉ còn lại đồng chí Phan Đăng Lưu. Một trách nhiệm và khó khăn thật lớn đặt lên vai đồng chí Phan Đăng Lưu, trong lúc đang cần một cơ quan lãnh đạo tập thể mạnh để ứng phó kịp thời với những vấn đề thật nóng bỏng đang được đặt ra”(3).
Cùng với quá trình triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương VI, Phan Đăng Lưu cùng với Đảng bộ Nam Kỳ tích cực hoạt động xây dựng lại những cơ sở cách mạng và tổ chức quần chúng bị kẻ thù phá vỡ, khẩn trương củng cố và mở rộng phong trào trong toàn xứ.
Ngày 22/6/1940, nước Pháp đầu hàng phát xít Đức. Ngày 23/9/1940, Nhật tấn công Lạng Sơn, quân Pháp ở đây thất bại nhanh chóng. Những sự kiện đó đã tác động sâu sắc đến tình hình cách mạng nước ta. Phan Đăng Lưu đã liên tiếp tham dự chỉ đạo các Hội nghị của Xứ ủy Nam Kỳ, có những phương hướng hoạt động đúng đắn phù hợp với tình hình mới.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông và Xứ ủy Nam Kỳ, phong trào cách mạng Nam Kỳ nhanh chóng được khôi phục trở lại. Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế được thành lập từ xã thôn đến tỉnh và chuẩn bị thống nhất đến cấp xứ. Công tác nông vận phát triển mạnh. Trước đó, Phan Đăng Lưu cùng với Võ Văn Tần trực tiếp chỉ đạo xây dựng các đội tự vệ, du kích trên cơ sở các tổ chức Nông hội, Công hội, Thanh niên phản đế. Với vốn tri thức quân sự học được ở trường Quân sự Hoàng Phố, ông soạn những tài liệu về chiến tranh để huấn luyện các lực lượng vũ trang. Hầu hết các tỉnh Nam Kỳ đã có đội tự vệ. Một nét đáng chú ý là mặc dù địch khủng bố gắt gao nhưng Phan Đăng Lưu đã có nhiều chỉ đạo kịp thời để khôi phục và phát triển tổ chức Đảng. Trong một thời gian ngắn, tỷ lệ đảng viên tăng 66%, 19 tỉnh trên 21 tỉnh Nam Kỳ đã thành lập được Tỉnh ủy chính thức, chỉ Hà Tiên và Bà Rịa là mới có ban cán sự tỉnh.
Sài Gòn - Chợ Lớn là trung tâm chính trị, quân sự của xứ Nam Kỳ thuộc địa. Vì vậy, khi đến địa bàn này, với tư cách là ủy viên thường vụ Trung ương Đảng, trực tiếp phụ trách Nam Kỳ, Phan Đăng Lưu đi sát Thành ủy nêu phương hướng giải quyết từng công tác cụ thể. Ông chỉ rõ: Sài Gòn - Chợ Lớn là nơi tập trung công nhân, nhân dân lao động, tiểu tư sản, trí thức, thanh niên, học sinh, những tầng lớp ở những mức độ khác nhau để tiếp thu cách mạng. Nhưng ở đây, bọn Tờ-rốt-kít tay sai của thực dân Pháp ra sức tranh giành quyền lãnh đạo quần chúng với Đảng ta. Bọn trí thức tư sản như: Nguyễn Phan Long, Trần Văn Khá, Lê Quang Đệ… cũng như bộ phận phản động đội lốt tôn giáo trong Cao Đài, Hòa Hảo… có ảnh hưởng trong các tầng lớp trung gian và lôi kéo cả công nhân để phục vụ cho mục đích đen tối của chúng. Cho nên ta cần xây dựng tốt cơ sở Đảng, thành lập và mở rộng Mặt trận phản đế trong thành phố dưới nhiều hình thức nhằm tập hợp quần chúng để giáo dục họ, đưa họ vào cuộc đấu tranh cách mạng.
Với trí tuệ của mình, ông khẳng định: “Tranh thủ được các tầng lớp trung gian, cô lập được bọn phản động, bọn Tờ-rốt-kít là chúng ta nắm chắc phần thắng”(4).
Thực hiện Chỉ thị của ông, Xứ ủy và Thành ủy thành lập các ban dân vận: trí thức vận và binh lính vận. Không những vậy, Phan Đăng Lưu luôn nhắc nhở phải ra sức củng cố và phát triển cơ sở Đảng ở các Xí nghiệp, trường học, đường phố. Do khôn khéo và kiên quyết, Phan Đăng Lưu đã cùng với Xứ ủy và Thành ủy đã thành lập được một số ban dân vận hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt là công tác binh vận. Chúng ta đã liên lạc được với một số sĩ quan xây dựng được một số cơ sở trong quân đội. Lúc này lại xuất hiện tư tưởng không chín chắn, quá coi trọng binh vận, cho rằng đây là lực lượng chính để chuẩn bị cho công tác khởi nghĩa. Với tri thức quân sự của mình, ông Lưu đã nhìn thấy rõ bản chất của quân đội là kỷ luật rất chặt chẽ, nếu chúng ta không nắm được những người chỉ huy thì khó lòng mà điều khiển được quân đội. Những người chỉ huy quân đội tư sản thì phần lớn hoặc là sĩ quan nhà nghề hoặc là xuất thân từ tầng lớp trên cho nên việc tuyên truyền giác ngộ họ có những khó khăn. Phan Đăng Lưu đã kịp thời uốn nắn những khuynh hướng sai lầm quá coi trọng công tác binh vận mà coi nhẹ những vấn đề khác: chú trọng công tác binh vận là đúng, nhưng vấn đề quan trọng hàng đầu là phong trào của quần chúng và lực lượng vũ trang cách mạng cho nên phải trên cơ sở phát triển Đảng mà đẩy mạnh phong trào quần chúng và xây dựng các đội du kích tự vệ.
Nắm vững Nghị quyết Trung ương VI, với trí tuệ của mình, Phan Đăng Lưu đã đóng góp nhiều công lao to lớn cho phong trào cách mạng Nam Kỳ. Trong lúc này, tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, bọn Tờ-rốt-kít tập hợp những tên phản động đủ màu sắc lập một mặt trận chống cộng sản và vu cáo Đảng ta. Chúng tìm mọi cách phá hoại ảnh hưởng của Đảng, lái quần chúng vào con đường đầu hàng tiêu cực. Một số công nhân ở Bưu điện, Ác-xơ-nan (xưởng đóng tàu) cũng bị bọn Tờ-rốt-kít lôi kéo. Quần chúng hoang mang dao động, tình hình trở nên phức tạp. Với tri thức của mình, là người lãnh đạo cuộc đấu tranh chính trị tư tưởng, văn hóa chống lại bọn Tờ-rốt-kít, Phan Đăng Lưu đã sử dụng diễn đàn báo chí để đập tan những luận điệu phản động cơ hội chủ nghĩa. Ông thường xuyên nhắc nhở Thành ủy nỗ lực giải thích cho nhân dân thấy rõ âm mưu của địch.
Dưới sự dìu dắt và lãnh đạo của Phan Đăng Lưu, phong trào yêu nước, phong trào cách mạng Nam Kỳ ngày càng phát triển mạnh. Phong trào càng phát triển thì kẻ thù càng tăng cường khủng bố. Chính điều này làm tăng thêm mâu thuẫn giữa quần chúng nhân dân với bọn thực dân và tay sai. Thế nhưng, một số đồng chí lại cho rằng ta hoạt động mạnh nên địch khủng bố sẽ làm cho các lớp lưng chừng lo sợ và rời xa ta. Với sự hiểu biết của mình, Phan Đăng Lưu đi sâu vào cơ sở quần chúng giải thích, uốn nắn những quan điểm sai lầm đó: Phải thấy rằng chính vì ta còn yếu, cho nên mới có hiện tượng một số quần chúng trung gian e ngại. Ta phải mạnh, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, tích cực tranh thủ đồng chí quần chúng trung gian và muốn thế, trước tiên phải xây dựng cơ sở Đảng vững mạnh trong công nhân, nông dân, nhân dân lao động.
Để phong trào cách mạng ở Nam Kỳ phát triển không đi chệch mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương VI, Phan Đăng Lưu đã trực tiếp đi sâu vào từng nhà máy, xí nghiệp, bến cảng… Ông luôn bám sát phong trào của quần chúng. Với sự thông minh, nhanh nhẹn của mình, Phan Đăng Lưu đã nhiều lần qua mắt bọn thực dân Pháp và tay sai. Ông đi vào các xưởng máy, bến cảng để kiểm tra hoạt động của các cơ sở Đảng. Ông đặc biệt chú ý xây dựng cơ sở Đảng ở xưởng FACI(5). Đây là xưởng sản xuất vũ khí cung cấp cho quân đội thực dân. Phan Đăng Lưu muốn biến FACI thành nơi cung cấp vũ khí cho cách mạng khi cần thiết, còn về lâu dài thì FACI là nơi sản xuất vũ khí cho chúng ta sau này. Vì vậy, ông yêu cầu phải xây dựng chi bộ ở nơi đây thật vững mạnh.
Sau khi nước Pháp rơi vào tay phát xít Đức (22/6/1940), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Nam Kỳ và Phan Đăng Lưu, phong trào cách mạng ở Nam Kỳ càng ngày càng dâng cao. Các cuộc đấu tranh biểu tình bãi công bãi thị ngày một nhiều hơn. Cờ, khẩu hiệu luôn luôn phấp phới trên các đường phố. Bọn thực dân Pháp ở Đông Dương hốt hoảng hoang mang. Lợi dụng thực dân Pháp suy yếu, phát xít Nhật đã gây sức ép với Pháp. Phát xít Nhật tìm mọi cách để xâm chiếm Đông Dương. Phan Đăng Lưu tổ chức kêu gọi bọn thực dân Pháp liên kết với Đảng Cộng sản Đông Dương và nhân dân Việt Nam chống lại phát xít Nhật. Nhiều viên chức các công sở, kể cả sở nhà binh Pháp cũng tìm cách liên lạc với cách mạng.
Ngoài các cuộc đấu tranh biểu tình ngày càng rầm rộ của nhân dân Nam Kỳ thì Đảng ta đã tranh thủ lôi kéo tầng lớp binh lính người Việt trong quân đội Pháp hoặc đào ngũ hoặc đứng vững về phía cách mạng ngày một nhiều. Binh lính ngày càng đồng tình ủng hộ cách mạng. Song thực dân Pháp đã không đáp lại lời kêu gọi của Đảng ta cùng hợp tác chống phát xít Nhật mà còn thẳng tay đàn áp những tổ chức cách mạng, bóc lột nhân dân ta càng thậm tệ. Tình hình chính trị ở Nam Kỳ trở nên căng thẳng ngột ngạt.
Lúc này khi phát xít Nhật gây chuyện rắc rối làm áp lực ở biên giới phía Bắc Đông Dương thì ở phía Tây Nam, Nhật xúi giục Thái Lan đưa quân đội, tàu chiến tới biên giới Lào và Cămpuchia khiêu khích và chuẩn bị khiêu chiến với Pháp. Việc nổ ra chiến tranh Pháp - Thái, buộc thực dân Pháp phải điều động quân đội ra biên giới Tây Nam. Lính người Việt đóng ở Nam Kỳ không muốn ra chết trận thay cho Pháp, không muốn chết vì quyền lợi của Pháp. Anh em binh lính rất hưởng ứng khẩu hiệu: “Không đi làm bia đỡ đạn chết thay cho Pháp!”. Anh em muốn nổi dậy khởi nghĩa, thà chết cho cách mạng còn hơn chết vì quyền lợi của đế quốc!
Trong hoàn cảnh đó, tháng 7/1940, Xứ ủy Nam Kỳ triệu tập Đại hội toàn xứ tại nhà bà Lê Thị Lợi (Năm Dẹm) ấp Tân Thuận, xã Tân Hương, quận Châu Thành (Mỹ Tho) với sự tham dự 24 đại biểu thuộc 19 tỉnh trong số 21 tỉnh Nam Kỳ. Lúc này với tư cách là ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng phụ trách Đảng bộ Nam Kỳ, Phan Đăng Lưu đã tham dự cuộc họp. Ông lắng nghe báo cáo của từng người, của từng địa phương. Ông hỏi đi hỏi lại, cặn kẽ tỉ mỉ về sự lãnh đạo của Đảng bộ. Trong không khí chung mọi người muốn tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, ông luôn bình tĩnh nhắc nhở mọi người: “Nguyên tắc khởi nghĩa là phải chuẩn bị đầy đủ, phải có quyết tâm cao. Chúng ta không thể đùa với khởi nghĩa, không thể đưa quần chúng vào chỗ hy sinh vô ích”(6). Trong tình trạng bị đàn áp, hơn nữa binh lính lúc này rất căm phẫn nên mọi người chủ trương khởi nghĩa. Trong ký ức của nhà văn Sơn Tùng làm sao quên được cuộc gặp gỡ với ông già Năm Thái ở “bệnh viện Bà Thuý đen” trong cánh rừng Miền Đông Nam Bộ năm nào. Ông già Năm Thái, người tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ tâm sự: “Sáu Phong à! (Sáu Phong tên của nhà văn Sơn Tùng lúc đó). Lúc mọi người bàn đánh tao khoái lắm. Tao muốn đánh một trận cho thật đã”(7). Bằng trí tuệ sự nhạy bén của người lãnh đạo “đồng chí Phan Đăng Lưu không đồng ý khởi nghĩa vì thời cơ chưa tới, lực lượng ta chưa đủ. Muốn khởi nghĩa thắng lợi còn phải có sự liên kết hưởng ứng của Trung Kỳ và Bắc Kỳ(8). Lúc này Pháp đã đầu hàng Đức. Mọi người cứ tưởng Pháp đầu hàng Đức là Pháp yếu. Không phải! Rõ ràng tầm nhìn của một người lãnh đạo đã nhìn nhận ra vấn đề Pháp đầu hàng Đức nhưng bọn thực dân Pháp ở Đông Dương vẫn mạnh. Trong Hội nghị Xứ ủy có một số đồng chí lãnh đạo có uy tín ủng hộ ý kiến của Phan Đăng Lưu nhưng không dám nói. Tuy nhiên, ý kiến của Phan Đăng Lưu là một cái nhìn sáng suốt. Việc Phan Đăng Lưu không tán thành khởi nghĩa là một quyết định khó khăn. “Trong Hội nghị Xứ uỷ chỉ một mình đồng chí Phan Đăng Lưu dám nói mạnh là tán thành chủ trương khởi nghĩa”(9). Ở đây người lãnh đạo với trí tuệ của mình đã có một chủ trương trái với số đông. Việc Phan Đăng Lưu quyết định hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ là một việc làm khó khăn cũng giống như quyết định kéo pháo ra ở mặt trận Điện Biên Phủ và thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ý kiến của Phan Đăng Lưu không tạo thành một cuộc tranh luận gay gắt và không dẫn tới phân liệt. Cuối cùng, đồng chí Phan Đăng Lưu quyết định ra Bắc hỏi ý kiến Trung ương. Như chúng ta đều biết, lúc này Trung ương đã bị bắt chỉ còn một mình đồng chí Phan Đăng Lưu cho nên ông có thể nhân danh Trung ương mà hoãn Nam Kỳ khởi nghĩa. Lúc này tình hình Nam Kỳ hết sức căng thẳng Xứ uỷ vẫn quyết tâm khởi nghĩa. Bởi vậy ông không muốn lấy ý kiến của mình để áp đặt cho Xứ uỷ. Ông muốn có được sự đồng thuận của tập thể. Mặc dù không đồng tình với chủ trương khởi nghĩa, nhưng người trí thức cách mạng ấy vẫn tuân thủ nguyên tắc của Đảng.
Những ý kiến của Phan Đăng Lưu về hoãn khởi nghĩa ở Nam Kỳ đã không được Xứ ủy Nam Kỳ tuân thủ một cách nghiêm túc. Lệnh khởi nghĩa được Xứ ủy Nam đưa ra khi thời cơ chưa chín muồi. Bởi vậy thực dân Pháp đã đàn áp khởi nghĩa trong bể máu. Phan Đăng Lưu vừa về đến Sài Gòn cũng rơi vào tay giặc. Bất chấp chế độ hà khắc của nhà tù, Phan Đăng Lưu đã “tổ chức luôn một cuộc kiểm điểm tập thể rút bài học về khởi nghĩa Nam Kỳ, về chính sách đối với nhà thờ, chùa chiền…”(10). Những bài học kinh nghiệm về khởi nghĩa Nam Kỳ mà ông chỉ ra đã làm giàu thêm kho tàng kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng của Đảng ta.
Tháng 3 năm 1941, thực dân Pháp đưa ông ra xét xử tại tòa án binh. Tại đây, bằng lời lẽ đanh thép, ông hiên ngang kết tội thực dân Pháp, bảo vệ chính nghĩa ucar khởi nghĩa Nam Kỳ. “Đế quốc Pháp còn xâm lược, còn áp bức bóc lộtđất nước chúng tôi thì nhân dân chúng tôi còn nổi dậy làm cách mạng. Cho tới ngày thắng lợi hoàn toàn”(11). Thực dân Pháp kết án tử hình. Ngày 26 tháng 8 năm 1941, chúng đưa ông ra xử bắn tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Bà Điểm, Hóc Môm. Phan Đăng Lưu đã “hiến tất cả đời mình cho cách mạng. Anh chỉ thấy một con đường: đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho đồng bào”(12). Ông sống chiến đấu cho mục đích và lý tưởng của mình. Ông đã để lại trong trang sử vàng dân tộc một tấm gương cao đẹp sáng ngời tinh thần cách mạng của một người cộng sản, “một người trí thức cách mạng tiêu biểu”(13) .
Chú thích:
(1) Lưu Phương Thanh (1986), Đồng chí Phan Đăng Lưu một cán bộ lãnh đạo kiên cường và sáng suốt, Báo Sài Gòn giải phóng, số 3283, ngày 22/1/1986, tr.2
(2) Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ (2002), Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.44
(3) Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ (2002), Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.94.
(4) Ngô Nhật Sơn (1987), Đồng chí Phan Đăng Lưu, Nxb Nghệ Tĩnh, tr.47
(5) FACI viết tắt của FORGES, ATELIERS ET CHANTIERS D'INDOCHINE, chuyên về rèn, công xưởng ở Đông Dương.
(6) Ngô Nhật Sơn (1987), Đồng chí Phan Đăng Lưu, Nxb Nghệ Tĩnh, tr.52.
(7) Phỏng vấn nhà Văn Sơn Tùng do Phan Đăng Thuận thực hiện vào năm 2004.
(8) Hoàng Thanh Đạm (2001), Phan Đăng Lưu với Nam Kỳ khởi nghĩa, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 1 (128), trang 17 – 19.
(9) Lời phỏng vấn đồng chí Dương Quang Đông do Trần Công Lý thực hiện.
(10) Ngô Nhật Sơn (1987), Đồng chí Phan Đăng Lưu, Nxb Nghệ Tĩnh, tr.58
(11) Ngô Nhật Sơn (1987), Đồng chí Phan Đăng Lưu, Nxb Nghệ Tĩnh, tr.58
(12) Ngô Nhật Sơn (1987), Đồng chí Phan Đăng Lưu, Nxb Nghệ Tĩnh, tr.12
(13) Lời đ/c Lê Duẩn phát biểu tại Bảo tàng Cách mạng năm 1959
Tài liệu tham khảo
1. Hoàng Thanh Đạm (2001), Phan Đăng Lưu với Nam Kỳ khởi nghĩa, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 1 (128)
2. Nguyễn thị Ngọc Hải: Trần Quốc Hương người thầy của những nhà tình báo huyền thoại, nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2003.
3. Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ (2002), Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ, Nxb Chính trị Quốc gia
4. Phan Đăng Lưu tiểu sử (2015), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
5. Lưu Phương Thanh (1986), Đồng chí Phan Đăng Lưu một cán bộ lãnh đạo kiên cường và sáng suốt, Báo Sài Gòn giải phóng, số 3283, ngày 22/1/1986.
6. Nguyễn Thành (1998), Phan Đăng Lưu - Tiểu sử, tác phẩm, Nxb Thuận Hoá.
7. Ngô Nhật Sơn (1987), Đồng chí Phan Đăng Lưu, Nxb Nghệ Tĩnh.