Đề nghị công nhận kỷ lục Guinness Dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần, Nghệ AN 4 đời 5 lần đi sứ Trung Quốc
Nguyễn Trọng Nghĩa - Nguyễn Trọng Phác
12/1/2024
Họ Nguyễn Trọng - Trung Cần, xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là một Dòng họ có lịch sử hơn 500 năm với Truyền thống Văn hóa - Khoa bảng - Ngoại giao, bốn đời liên tiếp năm lần đi sứ Trung Quốc, gánh vác công việc Triều đình, xây dựng Đất nước, bảo vệ, giữ gìn bờ cõi quốc gia.
Lịch sử và truyền thống của Dòng họ đã được các học giả, các nhà khoa học dày công sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật, biên soạn trong các tác phẩm Đại Nam Nhất Thống chí, Lịch Đăng khoa, Sứ thần Việt Nam, Nam Đàn xưa và nay, Nghệ An ký, Thanh Chương huyện chí, Văn bia Nghệ An, Tam đại Hoàng hoa Tứ đại sứ Nguyễn Trọng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Truyền thống Văn hóa - Khoa bảng Dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần… và được lưu trữ trong các viện, bảo tàng, trung tâm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của Quốc gia và địa phương, như: Viện Sử học, Viện Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bảo tàng Nghệ An, Thư viện Nghệ An…
Những tư liệu lưu trữ của Gia tộc và các tác phẩm của các học giả, các nhà nghiên cứu đã làm sáng tỏ và ghi nhận đức hạnh, công lao với dân, với nước của các danh nhân của Dòng họ, đặc biệt là tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đương, Nguyễn Trọng Đường và Nguyễn Trọng Võ, 4 đời liên tiếp đi sứ Trung Quốc 5 lần:
1. Nguyễn Trọng Thường (1680 -1737), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Thịnh 8 (1712) đời Lê Dụ Tông, làm quan trải nhiều chức đến Đông các Đại học sĩ, Triều liệt đại phu, Trung trinh đại phu, Khuông Mỹ doãn (1732); Hình bộ Hữu Thị lang, Tả Thị lang, Giám thí khoa thi Hội (1733); Hộ bộ Hữu Thị lang, Lại bộ Tả Thị lang; năm Long Đức 3 (1734) tiếp và đi sứ nhà Thanh; năm Vĩnh Hựu 3 (1737) làm Chánh sứ Cống sứ Bắc triều, khi trở về đến Hán Khẩu thì lâm bệnh mất, được gia tặng Công bộ Thượng thư, tước Cần Quận công.
Với vai trò Chánh sứ của triều đình Đại Việt vào thời Lê trung hưng, ông đã làm trọn việc “toàn quân mệnh”, không làm “nhục mệnh vua” của một Sứ thần trong giai đoạn vương triều có nhiều biến chuyển, mở đầu cho truyền thống ngoại giao xuất sắc, lừng lẫy của dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần, hiếm thấy trong lịch sử ngoại giao Việt Nam thời phong kiến.
Hiện dòng họ còn lưu giữ được 8 đạo sắc phong triều đình ban cho tiến sỹ Nguyễn Trọng Thường, đã góp phần vào việc khẳng định thêm vị trí vẻ vang, xứng đáng với dân với nước của ông, trong đó có sắc phong cử ông giữ chức vụ làm quan ở biên giới đạo Hưng Hóa và xứ Lạng sơn… Ông được hai lần ghi danh trên Văn bia Quốc Tử Giám, được Lê triều phong mỹ tự và Nguyễn triều phong Đoan túc Dực bảo Trung hưng tôn thần.
Ông cũng đã có công sưu tập 113 bài thơ, một bài phú, ba bài văn do nhạc phụ của ông là Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn sáng tác năm 1715 trên đường đi sứ và đặt tên cho cuốn sách là Mặc Ông Sứ Tập.
2. Nguyễn Trọng Đương (1723-1786), Con trai của Nguyễn Trọng Thường, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng 30 (1769) đời Lê Hiển Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm Hiệu lý, làm Phó sứ sang nhà Thanh (1761), trở về thăng Đốc trấn Lạng Sơn, tước Lạp Sơn bá.
Con cháu dòng họ chụp ảnh lưu niệm tại Văn Miếu Quốc Tử Gi ám nhân dịp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trao tặng 3 pho tượng danh nhân - tiến sĩ cho dòng họ
Khi làm Đốc trấn Lạng Sơn vào năm 1785, ông đã tổ chức trùng tu xây dựng lại đài Ngưỡng Đức một cách chắc chắn bằng gạch đá (trước đó làm bằng tranh tre), là một công trình làm nơi dừng chân nghỉ và đón tiếp các Sứ đoàn nước ta đi sứ sang Trung Quốc và trở thành như một cột mốc biên giới vững chắc giữa nước ta và Trung Quốc. Ông cũng đã cho dựng bia ghi dấu và trực tiếp soạn bài văn bia Trùng tu quan thượng Ngưỡng Đức đài bi ký. Ông tử trận khi làm Đốc trấn Thuận Quảng (6-1786), được truy phong Hữu Thị lang, tước hầu; được triều Nguyễn sắc phong là Dực bảo Trung hưng linh phù chi Thần thờ ở đình Trung Cần, Văn Thánh tổng, huyện và được ghi danh trên Văn bia Quốc Tử Giám.
Ông sống có đức hạnh, từng giúp đỡ người Hoa kiều làm ăn yên ổn, tốt đẹp, nên được họ lập đền thờ sống ở Lạng Sơn và có bức trướng ca ngợi:
“Bút phượng tốt đẹp, nối nghiệp tiền nhân, sáng đức như ông, tất đời được bảo hộ, mọi người được thấm ơn ông. Xứng đáng là những cây hòe, cây quế trước sân. May được gặp ông khiến cho kẻ xa quy phục về gần, làm yên dân tứ phương, tụ hợp hàng hóa tứ phương, trao đổi với nhau ai về chốn nấy. Phải chăng là, ông coi dân như con, và dân gặp được ông như được gặp cha mẹ vậy”.
Lại có câu ngợi ca công đức của ông: “Danh văn Bắc Đẩu, Đức trứ Nam bang, cái Trung Châu bút dã”. Nghĩa là, Tiếng tăm như sao Bắc Đẩu, Đức lớn rạng trời Nam, ngọn bút trùm đất Trung Châu.
3. Nguyễn Trọng Đường (1746-1811), cháu đích tôn của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường và cháu gọi tiến sỹ Nguyễn Trọng Đương bằng chú ruột. Năm 34 tuổi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Hợi, Cảnh Hưng 40 (1779) đời Lê Hiển Tổng. Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, tên ông được ghi ở bia thứ 9, hàng thứ nhất dãy bên trái.
Ông làm quan đến chức Hiệu thảo. Năm Nhâm Dần (1782), giữ chức Thanh hình Hiến sát sứ đạo Sơn Nam; Năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), được triều đình cử làm Phó sứ cùng Chánh sứ Hoàng Bình Chính và Phó sứ Lê Hữu Dung sang tuế cống nhà Thanh. Ông được hoàng đế nhà Thanh khen ngợi ban chức Lưỡng quốc Hàn lâm và bức đại tự 4 chữ Tam thế sứ hoa thêu trên lá cờ bằng gấm đặc biệt nổi danh đất Trung Châu (Trung Quốc). Khi về, ông được thăng Thị chế, Đốc trấn Lạng Sơn, tước Chi Phong bá.
Ngày vinh quy, ông cũng đi theo con đường của ông nội và thân phụ đã từng đi, miễn phu sai, lệ phí cho dân; Khởi xướng xây dựng đình Trung Cần và phụng chỉ cho khai thác gỗ ở Lạp Sơn (ngàn thiên Nhẫn) làm đình với cách thức trang trí tuyệt xảo, là một kỳ quan hiếm có, là công trình văn hóa tiêu biểu thờ phụng các vị có công với dân, với nước của đất Trung Cần, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của tổng Nam Kim thời bấy giờ, ngày nay là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia…
Hội thảo Dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần với sự nghiệp bang giao, xây dựng và bảo vệ đất nước
Hiện dòng họ còn lưu giữ sắc phong của vua Thành Thái triều Nguyễn phong Thần cho Nguyễn Trọng Đường và được thờ ở đình Trung Cần.
“Sắc cho xã Trung Cần, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An phụng thờ thần: Tiến sĩ Khâm sai, Đốc trấn Lạng Sơn. Thần đã có công bảo vệ Đất nước, che chở phù hộ cho dân, nhiều lần tỏ rõ linh ứng, đến nay vẫn chưa được dự phong. Nay [Trẫm] kính noi mệnh lớn, tưởng nhớ công lao tốt đẹp của thần, phong cho là Đoan túc Dực bảo Trung hưng, chuẩn cho phụng thờ như trước. Thần hãy phù hộ, bảo vệ cho con dân của ta. Hãy nghe theo”.
4. Nguyễn Trọng Võ, con trai của Tiến sỹ Nguyễn Trọng Đường, là Nho sinh được triều Minh Mệnh thứ 2 có chiếu triệu vào Kinh, đặc ban Phó Đốc học thành Gia Định (1821). Đây là một chức vụ rất quan trọng, phụ trách việc học tập của cả thành Gia Định, bao gồm 5 trấn là Phiên An, Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Thanh và Hà Tiên (tức toàn bộ vùng đất Nam bộ ngày nay). Sau đó ông được bổ làm Công bộ Chủ sự, Thự Lang trung, Cai bạ Lang trung, thăng Hàn lâm viện Thị độc sĩ; Thiêm sự Công bộ (tháng 7/1826); phái đi làm Tham hiệp Sơn Tây (tháng 9/1826), rồi lần lượt giữ các chức Tham hiệp Nam Định (3/1828), Hiệp trấn Hưng Hóa (7/1828), thăng đến Binh bộ Hữu Thị lang (1833), Thự Hữu Tham tri bộ Binh, hàm Tòng nhị phẩm.
Năm Giáp Thân (1824) làm Phó sứ sang nhà Thanh, khi về đoàn đem theo sách Đài quy, Vua Minh Mệnh xem và dụ bảo cho triều thần “nên xét rõ sách này, chước lượng mà làm”, triều đình Huế đã tham khảo và hoàn thiện hệ thống Lục khoa (6 khoa, tương ứng với sáu bộ: Lại, Lễ, Binh, Hình, Công) và chức quan Giám sát Ngự sử, góp phần tăng cường hơn nữa hiệu quả giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan ở Trung ương với các thành, doanh, trấn; năm Mậu Tí (1828) ông lại được sung làm Chánh sứ sang nhà Thanh, lúc sang có thứ phu nhân là Nguyễn Thị Sách cùng đi.
Bốn đời liên tiếp là ông - cha - cháu - chắt học hành đỗ đạt cao, năm lần đi sứ, làm quan giúp vua, phù trợ triều đình, phụng sự nhân dân, có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp bang giao, thể hiện lòng tự tôn dân tộc, chủ quyền thiêng liêng của Quốc gia, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là vừa là sứ thần vừa làm quan trấn giữ biên giới với Trung Quốc lại được vua quan Trung quốc, người dân Trung quốc và sử sách ghi nhận, ngợi ca công đức, con cháu nối dòng hiển đạt, trung hiếu vẹn toàn, rạng rỡ gia phong, rạng ngời Đất nước là điều hiếm có trong lịch sử các triều đại Phong kiến Việt Nam.
Nhân sự kiện Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, Viện Sử học Việt Nam, UBND huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học “Dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần với sự nghiệp bang giao, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, để góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị lịch sử, truyền thống Văn hóa - Khoa bảng - Ngoại giao của của Gia tộc, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội… Hội đồng Gia tộc Dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Khoa học và Công Nghệ An, UBND huyện Nam Đàn hướng dẫn Dòng họ lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận Kỷ lục Guinness Dòng họ có 4 đời, 5 lần đi sứ.