Bác Hồ với tâm nguyện "ai cũng được học hành"
Lê Trung Kiệt
12/1/2024
Năm học mới 2023 - 2024 đã được một tháng rưỡi. Theo Báo Công Thương "Những tỉnh, thành phố đã quyết định miễn học phí cho học sinh năm học 2023 - 2024 gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Nội. Năm học trước, theo Báo Lao động, cả nước có tám địa phương thực hiện miễn giảm học phí cho học sinh gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Kạn, Cần Thơ, Quảng Bình, Bắc Ninh. Điều đó đáng khích lệ, góp phần cải thiện an sinh xã hội.
Bác Hồ với học sinh sinh viên
Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt cuộc đời vì nước - vì dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của đời mình. Bất luận lúc nào, ở đâu, với ai, Bác luôn nêu cao tấm gương sáng ngời về đạo đức, lối sống giản dị, nét đẹp của con người nhân văn cả về tư tưởng và hành động. Người nói: " Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành..." (Hồ Chí Minh "về vấn đề giáo dục", Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997, tr. 149).
Xoay quanh vấn đề "ai cũng được học hành" (Hồ Chí Minh) có nhiều câu hỏi đặt ra: Thực hiện việc "Xã hội hóa giáo dục" như thế nào? Thi hay không thi tốt nghiệp THPT?
Giáo dục - Đào tạo cùng với Khoa học - Công nghệ là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, toàn xã hội chung tay góp công, góp của vào việc "xã hội hóa giáo dục". Thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo mà không có cái nhìn về nơi "thôn cùng xóm vắng" (Nguyễn Trãi) và "ai cũng được học hành" (Hồ Chí Minh) là phiến diện, không lấy quan điểm hệ thống để tiếp cận.
Tại cuộc họp Tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bao gồm 11 môn thi: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục Kinh tế - Pháp luật, Công nghệ và Tin học. Trong đó, có các môn thi bắt buộc và các môn thi tự chọn.
Vấn đề là các môn thi bắt buộc là mấy môn, gồm những môn nào? Để tổ chức thi tốt nghiệp THPT đảm bảo khách quan, công bằng nên chăng tổ chức điểm chấm thi tại các thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ? Thi hay không thi tốt nghiệp THPT, lợi và hại gì?
Nếu "Mọi chủ trương, đường lối, chính sách đều phải xuất phát từ thực tế" thì xin trao đổi trên những thực tế sau đây:
- Nếu các môn thi bắt buộc là 2 môn: Ngữ Văn và Toán, thì các môn học bắt buộc: Ngoại ngữ, Lịch sử tại sao không thi?
- Nếu các môn thi bắt buộc là 3 môn: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ, thì môn Lịch sử là môn học bắt buộc tại sao không thi? Hơn nữa "Quê hương nếu ai không nhớ - Sẽ không lớn nổi thành người".
- Nếu các môn thi bắt buộc là 4 môn: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, thì quá nặng cho người học.
Bác Hồ tới thăm Trường thiếu nhi các dân tộc vùng cao Việt Bắc tại tỉnh Thái Nguyên năm 1960
(Hiện nay Bộ Giáo duc - Đào tạo đưa ra các phương án để các cơ sở giáo dục lựa chọn làm tôi liên tưởng đến kiểu ra đề Làm văn cho học sinh trước đây: Mở đầu đề Làm văn thường trích dẫn ý kiến của ai đó và tiếp theo là dùng thơ văn để minh họa cho ý kiến trên.)
Nếu nhằm mục đích tiết kiệm tiền của Nhân dân, "ai cũng được học hành" (Hồ Chí Minh), và hơn nữa dành nhiều thời gian cho người học tập trung ôn luyện thi tuyển sinh trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thì nên chăng các cơ sở giáo dục (Trường, Trung tâm) tổ chức xét, duyệt cấp chứng nhận hoàn thành Chương trình THPT cho học viên, học sinh?