Chùa Sơn Hải - ngôi chùa cổ có giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của cư dân vùng biển Nghi Lộc

Hoàng Anh
12/1/2024

Chùa Sơn Hải cách thành phố Vinh khoảng 24 km về phía Đông Bắc, cách trung tâm thị trấn huyện Nghi Lộc 8 km về phía Đông. Chùa tọa lạc trên một địa thế bằng phẳng, thuộc xóm Chùa, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc. Chùa quay mặt về hướng Tây Nam, sau lưng có rú Ngang làm thế tựa. Nhìn sang hướng Tây Tây Nam là biển Cửa Hiền. Xa xa về hướng Đông Nam là dòng sông Cấm. Phía Đông Bắc có Bãi Lữ tạo nên cảnh sắc sơn thủy hữu tình.

Cùng với các di tích như kênh nhà Lê, đền Cuông, chùa Sơn Hải trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh hấp dẫn, góp phần vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và du lịch tâm linh của vùng.
Chùa được xây dựng thời Nguyễn, gồm 03 tòa: Tiền đường, Thiêu hương và Chính điện. Theo chiều dài của lịch sử dân tộc, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Hiện nay, khuôn viên chùa có diện tích 4837,5 m2 gồm có các hạng mục tam quan và 05 tòa nhà liền nhau theo kiểu trùng thềm điệp ốc.
Từ ngoài nhìn vào đầu tiên là tam quan: tam quan được xây dựng thời Nguyễn bằng chất liệu gạch thẻ, vôi vữa tam hợp, gồm có 3 cửa: chính môn, tả môn và hữu môn.

Cảnh quan Chùa Sơn Hải nguồn vanhoaxahoi.vn

Chùa Sơn Hải được xây dựng để thờ Phật theo hệ phái giáo Bắc Tông mang tư tưởng Đại Thừa, các vị Phật, Bồ Tát được thờ ở chùa gồm có nhiều vị tuy nhiên ở đây xin trình bày 3 nhân vật tiêu biểu có ảnh hưởng lớn đến tín ngưỡng của người dân địa phương đó là Tam Thế Phật, Phật thích ca mâu ni, Quan âm bồ tát… Ngoài ra chùa còn phối thờ các vị thần như: Tứ vị thánh nương, thần Cao Sơn Cao Các, Tam tòa thánh mẫu, Bạch y công chúa, Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn.v.v..
Tam Thế phật: Theo sách “Chùa Việt” của GS Trần Lâm Biền thì tam thế có nghĩa là ba thời với tên gọi đầy đủ là “Tam thế thường trị diệu pháp thân” (pháp thân là cái thân chân thật, cái đạo thế pháp tính: diệu đẹp), sáng, sạch, tinh tế, màu nhiệm, thoát khỏi phiền não… Thường trụ luôn luôn tồn tại, không lệ thuộc vào bất cứ điều kiện nào, không sinh, không diệt, không thay đổi, không gián đoạn) có ý nghĩa là cái chân thật, đẹp đẽ của đức phật ở cả ba thời: Qúa khứ, hiện tại, vị lai, vĩnh hằng không phụ thuộc vào hình danh, sắc, tướng của thế giới hữu tình, không lệ thuộc vào không gian, thời gian.

Hệ thống tượng cổ được lưu giữ trong chùa

Tam Thế phật có ý nghĩa tượng trưng, biểu tượng cho chư Phật, cho phật tính trường tồn vượt không gian và thời gian chứ không phải là chỉ một vị phật nào cụ thể trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Vì thế trong các chùa Bắc tông, bộ tượng Tam Thế Phật thường được tạc thành ba pho tượng Phật giống nhau với tư thế thiền tọa kiết già trang nghiêm. Ở chùa Sơn Hải bộ tượng Tam Thế Phật hiện được bài trí ở vị trí cao nhất trong chánh điện.
Phật thích ca mâu ni: Phật thích ca mâu ni tên thật là Tất Đạt Đa. Ngài sinh năm 624 (1) trước Phật lịch tại vương quốc Ca Tỳ La Vệ (ở phía Bắc Ấn Độ). Phật Thích Ca xuất thân là thái tử, con của vua Tịnh Phạn - quốc vương của nước Ca Tỳ La Vệ và Hoàng hậu Ma Da.

Bàn thờ hợp tự cả Phật, thánh, thần

Khi ngài ra đời, cả trên trời và dưới đất đều rung động, ánh sáng chiếu khắp mười phương, có 9 con rồng xoắn phun nước tắm cho Ngài. Ngài có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, trên đỉnh đầu có múi thịt gồ lên, mặt tròn như vành nguyệt, ở dưới trán, chỗ hai lồng mày giao nhau có nột thịt gọi là Bạch Ngọc Hòa, mũi cao, mắt xanh và sáng, miệng rộng, tai dài, ngực đầy đặn có ấn chữ Vạn (2). Mới ra đời, Hoàng tử đã đứng dậy bước đi 7 bước, mỗi bước đi có 1 bông hoa sen nở dưới chân, đến bước thứ 7, Ngài một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất nói “Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn” (trên trời, dưới trời chỉ có ta là người tôn quý nhất)(3).
Năm 29 tuổi, thái tử xuất gia cầu đạo. Trên bước đường cầu đạo, Ngài đã đi nhiều nơi ở xứ Ấn Độ và học với nhiều vị thầy nổi tiếng nhưng vẫn chưa tìm được chân lý giải thoát. Có thời gian Ngài tu khổ hạnh suốt sáu năm ròng rã khiến thân thể kiệt quệ. Ngài thấy rằng chân lý tối hậu giải thoát an lạc, diệt trừ khổ đau không thể tìm cầu ở bên ngoài, mà sự chứng ngộ ấy cần phải được thể hiện ở chính trong nội tâm của mỗi người. Sau đó, Ngài ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ Đề bên dòng sông Ni Liên Thiền trong 49 ngày đêm và đắc quả vị Phật.

Một số hiện vật trong chùa được khắc hoa văn tinh xảo 

Sau khi đắc đạo Ngài đã đem những điều chứng đắc được để truyền dạy cho thế gian. Với lòng tư bi, ý chí dũng mãnh, Ngài đã tùy căn cơ của chúng sinh mà dùng nhiều phương tiện giáo hóa. Trong suốt 49 năm, Ngài đã đi nhiều nơi ở Ấn Độ để giảng đạo, thu nhận nhiều đệ tử đủ mọi tầng lớp trong xã hội từ tầng lớp Bà La Môn đến tầng lớp hạ tiện nhất.
Đến năm 80 tuổi, thấy con đường giáo hóa đã viên mãn, Ngài nhập niết bàn tại thành Câu Thi La. Thi hài của Ngài được các đệ tử hóa táng, xá lị Phật được chia thành nhiều phần để xây dựng các bảo tháp thờ phụng trong xứ Ấn Độ. Ngài được người đời tôn xưng bằng nhiều danh hiệu như Phật, Đức Thế Tôn, Đức Từ Phụ, Đức Bổn Sư, Đức Như Lai, Đức Điều Ngự, Thiên Nhân Sư... Sau khi Đức Phật nhập niết bàn, các đệ tử của Ngài đã tiếp tục sự nghiệp truyền đạo khắp nơi.
Ngày nay, Đạo Phật đã trở thành một tôn giáo lớn và phổ biến trên khắp thế giới. Đạo Phật được truyền bá vào Việt Nam từ đầu công nguyên và đồng hành cùng dân tộc ta trong suốt hàng nghìn năm lịch sử.

Tượng Tam tòa Thánh Mẫu (mẫu Liễu Hạnh, mẫu Thượng Ngàn và mẫu Thoải) đặc trưng với kiểu đầu tóc búi, khuôn mặt thánh thiện, kiểu áo giao lĩnh để lộ yếm, hai chân ngồi xếp bằng, hai tay để trên đầu gối

Quan thế âm bồ tát: Quan thế âm bồ tát là một trong tứ đại Bồ Tát của Phật giáo, là một hài thị giả của Phật Thích ca Mâu ni.
Quan thế âm bồ tát vốn là một vị cổ Phật, vì thương chúng sinh đau khổ trong luân hồi nên Ngài hiện thân làm Bồ Tát để cứu độ. Quan Âm hay Quán Âm có nghĩa là xem xét, lắng nghe những âm thanh đau khổ của thế gian. Theo phẩm Phổ Môn trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì Quan thế âm Bồ Tát có thể hiện thân thành bất cứ loại hình tường nào tùy theo tâm ý của chúng sinh. Ngài dùng nhiều phương tiên khác nhau để cứu độ chúng sinh. Trong truyền thống phật giáo Ấn Độ và Tây Tạng, quan thế âm bồ tát được thể hiện dưới hình tướng là người nam. Nhưng khi truyền vào Trung Quốc và Việt Nam, Quan thế âm được thay đổi thành hình tướng người nữ. Sự tích của Ngài cũng có nhiều, nhưng ở Việt Nam phổ biến hơn cả là sự tích Quan Âm Diệu Thiện và Quan Âm Thị Kính là hai kiếp tiền thân của Ngài.
Hàng năm, có 3 ngày lễ vía quan Âm chính là 19/2 âm lịch vía Quan Âm đản sinh, 19/6 vía Quan Âm thành đạo, 19/9 vía Quan Âm xuất gia. Hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát có nhiều nét tương đồng với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Vì thế ở các chùa Bắc tông, Quan Thế Âm Bồ Tát rất được sùng bái. Tại chùa Sơn Hải, tượng Quan Âm Bồ Tát được tạc trong tư thế ngồi kết già trên tòa sen. Nhân dân địa phương thường gọi Ngài với ngôn từ trìu mến là “Đức mẹ Quan Âm”.
Ngoài ra, các nhân vật được phối thờ tại chùa Sơn Hải cũng là những nhân vật được nhân dân thờ tự ở nhiều đền, chùa trên địa bàn tỉnh cũng như trong cả nước.
Trước đây, hàng năm tại chùa Sơn Hải có nhiều ngày lễ trọng như lễ khai xuân (16/1 ÂL), lễ Phật Đản (Bụt sinh ngày 8/4 ÂL), lễ Vu Lan (15/7 ÂL). Sau khi hợp tự Tam Tòa Thánh Mẫu từ Đền Nẻ về chùa Sơn Hải thì từ đó hàng năm còn có lễ giỗ Đức Thánh Mẫu (3/3 ÂL). Hiện nay, các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại Chùa Sơn Hải vẫn diễn ra đều đặn, mỗi năm thu hút hàng chục nghìn lượt du khách về dâng hương, lễ chùa.
Chùa Sơn Hải là ngôi chùa cổ, hiện nay còn giữ được 2 tòa kiến trúc cổ thời Nguyễn là Tam quan và tòa thứ hai. 
Tam quan chùa Sơn Hải là công trình kiến trúc gốc còn khá nguyên vẹn, được xây bằng chất gạch thẻ, sò, mật mía. Đáng chú ý là các mảng trang trí trên tam quan…. Đây là những tư liệu sống động để thế hệ mai sau tìm hiểu, nghiên cứu về các giá trị, phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn.
Tòa thứ hai là tòa kiến trúc gốc của di tích còn khá nguyên vẹn, được xây dựng từ thời Nguyễn và trải qua nhiều lần trùng tu, diện tích 60m2, gồm 3 gian hai hồi, hai bên xây tường dày 0,20m, phía trước trổ ba cửa ra vào, phía sau trổ ba cửa ra vào, trong đó cửa giữa đóng lại bằng cửa gỗ, cửa hai bên thông lên tòa số ba,  mái lợp ngói âm dương, giữa bờ nóc trang trí hình hổ phù đội mặt trời. Hai bên hai con rồng đăng đối chầu vào nhau, bờ giải đắp thẳng sống khế, không trang trí. Có 4 bộ vì kết cấu theo kiểu “thượng cung hạ kẻ chuyền”, hai vì đốc kết cấu theo kiểu “thượng ván mê, hạ kẻ chuyển”.
Bộ khung tòa thứ hai được làm bằng gỗ với kết cấu vì kèo truyền thống “thượng cung hạ kẻ chuyền” tạo nên sự vững chắc. Trên các bộ vì, với bàn tay khéo lép của mình, các nghệ nhân xưa đã chạm khắc tinh xảo bằng kỹ thật chạm bong các họa tiết vân mây, hoa văn hình học cách điệu, hình sống khế… tạo nên sự thanh thoát, yển chuyển của cấu kiện.
Hiện chùa Sơn Hải còn lưu giữ tổng cộng chùa có 73 hiện vật, trong đó có 33 cổ vật và 40 di vật, trong đó một số hiện vật cổ, quý hiếm như: Bộ tượng Phật, bộ tượng tứ vị Thánh nương, bộ tượng tam tòa Thánh Mẫu, hương án, mâm chè, bộ cờ tướng.v.v.
Tượng làm bằng chất liệu gỗ, đồng, được vẽ thủ công với màu sắc gần gũi rất đặc biệt. Đường nét chạm khắc mềm mại, tinh xảo thể hiện từ những chi tiết nhỏ như cụm tóc xoắn trên đầu, miệng đức Phật nở nụ cười nhẹ, đôi tai rộng, bàn tay kết ấn nhẹ nhàng, khuôn mặt thần thái từ bi thánh thiện. Tượng Tam Tòa Thánh Mẫu lại được thể hiện ở những nét như: đầu búi tóc, khuôn mặt phúc hậu, kiểu ao giao lĩnh để lộ yếm, hai chân ngồi xếp bằng, hai tay để trên đầu gối, tay phải ngửa lên, tay trái úp xuống; tượng Tứ Vị Thánh Nương được thể hiện ở những chi tiết ở tượng 02 bên có kích thước với hình dáng đầu búi tóc, khuôn mặt phúc hậu, kiểu ao giao lĩnh để lộ yếm, hai tay để trên đầu gối, tay phải ngửa lên, tay trái úp xuống đầy tính nghệ thuật… tất cả thể hiện sự tỉ mỉ, kiên trì và tài năng thiên bẩm của người nghệ nhân. Đây là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ cho muôn đời sau cùng là nguồn tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu nghiên cứu về vùng đất con người cũng như lịch sử hình thành, phát triển của đạo Phật nơi đây. 
Sự ra đời và tồn tại của chùa gắn liền với những thăng trầm của lịch sử làng La Hoàng nói riêng, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc nói chung. Chùa là một trong những di sản của quá trình xây dựng và phát triển làng La Hoàng.
Chùa Sơn Hải là một công trình kiến trúc tôn giáo, nơi thuyết giảng, truyền bá đạo Phật, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương và vùng phụ cận. Các hoạt động tín ngưỡng tại chùa không những đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương mà còn giúp con người hướng thiện, cố kết cộng đồng. Thông qua các hoạt động thờ phụng, tế lễ tại chùa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp vốn có lâu đời của địa phương nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Với ý nghĩa giá trị lịch sử, văn hóa đó, ngày 27/ 2/ 2020, UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 530-QĐ/UBND xếp hạng chùa Sơn Hải là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện nay, di tích đang được chính quyền và nhân dân xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc bảo vệ, chăm sóc, phát huy giá trị tốt, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương, góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ trẻ.
Chú thích
1. Đại hội Phật giáo thế giới tại Tokyo năm 1952 thống nhất ngày Phật đản sinh vào năm 624.
2. Chữ Vạn tượng trưng cho trí tuệ và từ bi của phật, đồng thời cũng thể hiện sự vận động vô hạn của Phật lực tới bốn phương mở rộng để tế độ chúng sinh.
3. Tham khảo: Lý lịch chùa Đức Sơn (Nam Đàn)

CÙNG CHUYÊN MỤC

Non nước xứ Nghệ

Con người xứ Nghệ

Thương hiệu xứ Nghệ