Về quan niệm “tu là chuyển nghiệp” của Phật giáo
NGƯT.TS. Nguyễn Thị Lan
11/1/2024
Trong Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh ( dùng cho các trường Đại học, Cao đẳng), khi bàn về Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, có đoạn viết: “ Về Phật giáo, Hồ Chí Minh tiếp thu và chịu ảnh hưởng sâu sắc các tư tưởng vị tha, từ bi bác ái, cứu khổ cứu nạn, thương người như thể thương thân, là nếp sống có đạo đức, trong sạch, giản dị, chăm lo làm việc thiện”. Những giá trị tốt đẹp đó không phải tự có mà phải trải qua cả một quá trình tu luyện. Bài viết này muốn bàn về vấn đề tu của đạo Phật.
Sinh thời, Hồ Chí Minh quan tâm, thành kính với Đạo Phật. Người đã khẳng định chân lý: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như bóng với hình, tuy hai mà một...” (1) Người hiểu rất rõ triết lý đạo Phật. Đức Phật dạy tín đồ, con người thông hiểu, tu hành từ muôn vàn giáo lý, cũng nhằm hướng tới sống theo đức hạnh cao nhất: “Hãy gấp làm điều thiện, ngăn tâm làm điều ác...” (2) Trên tinh thần của đạo Phật, Hồ Chí Minh trả lời báo Bạn chiến đấu ( tháng 5/1948): “Thưa Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất? Trả lời: Điều ác; - Thưa Chủ tịch, Chủ tịch yêu gì nhất? Trả lời: Điều thiện” (3).
Tháng 6/1968, Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng xin chỉ thị chuẩn bị in sách Người tốt việc tốt, Hồ Chí Minh gợi mở: “Ta phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nẩy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời”(4) Người luôn coi trọng việc kế thừa, phát huy những tư tưởng tích cực của Phật giáo. Theo Người, thiện và ác ở mỗi con người không phải do bẩm sinh mà là kết quả của giáo dục. Người nói: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”(5) Tiếp thu tinh thần đó, Đảng CSVN khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (6).
Nguồn: Phatgiao.org.vn
Như chúng ta đã biết, người theo đạo Phật cần phải tu. Về vấn đề này, Ni sư Thuần Giác, trụ trì Thiền viện Hương Hải ( Long Thành, Đồng Nai) đã ghi chép lại những bài giảng của Hoà thượng Thích Thanh Từ - Viện chủ Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt, Hội trưởng Hội Thiền học Việt Nam, Chủ tịch kiêm Hội trưởng Hội Thiền học, trụ trì Thiền Viện Quang Chiếu ( Mỹ) giảng cho Phật tử ở bốn viện và một số nơi Hoà thượng đã đi qua và cho in thành sách với tên gọi “Tu là chuyển nghiệp” ( năm 1993) và được Nhà xuất bản Tôn giáo phát hành. Đây là cuốn sách nói về tu học theo tư tưởng đạo Phật rất rõ ràng, thực tế, dễ hiểu, dễ thực hành, không chỉ Tăng ni, Phật tử mà tất cả mọi người đều có thể áp dụng được.
Theo Hoà thượng, “tu là tu ở ba nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Khi chưa biết tu, thân có khi làm lành, có khi làm dữ; miệng có khi nói lời thiện, có khi nói lời ác; ý có lúc nghĩ tốt, có lúc nghĩ xấu.. Khi biết tu thì việc lành nên làm, việc dữ nên tránh. Lời thiện thì nói, lời ác thì chừa. Điều tốt thì nghĩ, điều xấu thì dừng”.
Mục đích của tu là để trở thành người hiền.
Vậy theo quan niệm đạo Phật, người hiền là người như thế nào? Đó là người “thân không làm ác, miệng không nói ác, ý không nghĩ ác” . Vậy thì tu không phải là ăn chay nhiều mà tu là chừa ba nghiệp ác nói trên. Đua nhau ăn chay không phải là tu theo quan niệm của đạo Phật. “Nếu người biết tu thì ý không bao giờ nghĩ xấu cho ai, thì tâm không bực bội phiền não, lúc nào cũng vui vẻ an ổn” . Khi đã biết tu thì thân miệng ý lúc nào cũng thiện,ba nghiệp mà thiện thì tự thân được an vui, trong gia đình trên thuận dưới hoà, ngoài xã hội không gay xáo trộn sẽ được trật tự an bình” . Theo quan niệm này, người biết tu không những có ích cho mình mà còn có ích cho gia đình, cho xã hội và như vậy mới là tu theo đúng lời Phật dạy. .
Từ quan niệm về tu, cần phải hiểu người phật tử chân chính là người như thế nào? Có phải là người thường chăm lo đi chùa, chăm lo ăn chay, tụng kinh giỏi? Không ít người đã hiểu như vậy nên họ dành nhiều thời gian đi chùa, tăng thời gian tụng kinh, tăng ngày ăn chay trong tháng. Nếu hiểu như vậy thì chưa thể là người phật tử chân chính. “Người Phật tử chân chính không đặt nặng việc đi chùa thường, tụng kinh giỏi, ăn chay nhiều mà phải biết tu ba nghiệp đề chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp thiện” . Làm điều đó không nhất thiết phải đi chùa mà ở bất cứ đâu cũng có thể tu được. Như vậy thì mới đúng nghĩa tu của đạo Phật.
Ảnh nguồn internet
Có một số người thường đi chùa, tụng kinh niệm Phật nhưng ai nói mình nặng lời thì phải nói nặng lời hơn, luôn nghĩ xấu về người khác thì việc tụng kinh niệm Phật còn có ý nghĩa gì nữa. Tu là một quá trình tự rèn luyện mình, vượt qua những thói hư tật xấu, qua những sự cám dỗ trong đời thường. Bước đầu của tu là chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp thiện, bước tiếp theo là tụng kinh niệm Phật. Bước đầu là nền tảng, chưa thực hiện được mà đi bước thứ hai thì giống như xây nhà mà không xây móng.
Vậy nghiệp là gì? “Tác động của thân, khẩu, ý lặp đi lặp lại nhiều lần thì gọi là nghiệp”. Chẳng hạn, người thầy thuốc làm nghề chữa bệnh thì gọi là nghiệp y, người dạy học thì gọi là nghề giáo hay là nghiệp giáo. Có người là có nghiệp. Người và nghiệp không rời nhau. Người biết tu thì thường nhớ tới nghiệp để tránh nghiệp ác, làm nghiệp lành hơn là nhớ tới của cải vật chất. Chẳng hạn, người thầy thuốc luôn nhớ tới nghiệp của mình là chữa bệnh cứu người nên luôn tận tâm để làm sao thực hiện được điều đó, dù gian nan vất vả. Người không nhớ tới nghiệp của mình thì chỉ nghĩ tới làm sao để chữa bệnh thu được nhiều tiền, để người bệnh phải cho mình nhiều tiền. Nếu người bệnh không có tiền cho thì thờ ơ, hờ hững, thiếu sự quan tâm. Thực tế đó hiện nay không phải là ít.
“Nghiệp được dịch từ chữ Phạn Karma, nghĩa là động tác dấy khởi từ ý, miệng và thân. Động tác ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen vì khi đã thành thói quen thì nó có sức mạnh chi phối đẫn dắt con người theo nó” . Nghiệp là việc làm của chính mình, mình làm chủ và tạo thành thói quen, rồi cũng chính mình thừa nhận kết quả do nó đưa lại.
Nghiệp là cái do chúng ta tự tạo, tự làm chủ, lâu dần thành thói quen. Nhưng khi đã thành thói quen thì nó lại làm chủ dẫn dắt chúng ta. Người uống rượu lúc đầu còn làm chủ, chỉ uống khi vui, khi buồn nhưng sau đó thành thói quen rồi nghiện, không uống cảm thấy bứt rứt, đứng ngồi không yên. Khi đó mình không làm chủ được nữa mà nghiệp nghiện rượu đã dẫn dắt mình.
Vậy nghiệp xuất phát từ đâu? “Nghiệp xuất phát từ thân, khẩu, ý”. Nếu muốn sống an lành, hạnh phúc cho bản thân, con cháu thì hiện tại phải biết tạo nghiệp thiện. Có những người hay nói, hay làm những điều hại người khác, lúc nào cũng tính toán âm mưu thủ đoạn hại người khác, tranh chấp quyền chức với người khác, làm sao để mình có lợi thì trước hết bản thân họ khổ vì tâm không yên ổn, ý không trong sáng. Có những người lúc nào cũng nói ngọt ngào nhưng sau lưng sẵn sàng làm những điều sai trái hoặc đứng đằng sau xúi dục người khác để hại người. Lời nói của họ không đi đôi với việc làm. Nói đoàn kết thương yêu lẫn nhau nhưng bên trong luôn đó kỵ, tìm cơ hội để hạ uy tín đồng nghiệp. Như vậy tưởng hại người nhưng thực ra là hại mình bởi vì cái tâm sẽ không lúc nào được yên ổn, thảnh thơi. Đó là chưa nói đến luật nhân quả của đạo Phật là làm nhiều điều hại người khác thì sau này con cháu phải chịu quả báo.
Vậy là, chính chúng ta tự chọn hướng đi cho mình. Thế thì tại sao lại không chọn hướng đi tốt đẹp ( thiện ), mà lại chọn hướng đi xấu ( ác). Nếu chúng ta đã chọn hướng đi đúng cho mình thì cứ vậy mà đi, dù có gặp khó khăn, trắc trở bao nhiêu chăng nữa. Cũng như chúng ta đã chọn cho mình một nghề thì phải theo nó mà sống, sướng hay khổ là do cái nghề đó mang lại. Nguyễn Du từng nói rằng:
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách bởi trời gần trời xa
Theo đạo Phật, tu thế nào cho đúng? Hoà thượng chỉ ra rằng người buôn bán tráo hàng thật ra hàng giả, cân đo thiếu, gặp người trả giá không đúng thì chửi rủa. Đó là thân miệng tạo ngiệp ác. Làm cha mẹ nếu con cái có lỗi lầm phải từ tốn răn dạy, hướng dẫn con cho phù hợp với đạo lý để con nên người mới là tu. Phận làm con phải yêu thương, kính trọng cha mẹ, chăm lo việc thuốc thang, ăn, mặc cho cha mẹ, đừng để cha mẹ tủi thân khi tuổi già. Đức Phật dạy rằng trong tất cả mọi việc hàng ngày đều phải tu thì mới chuyển được ba nghiệp thân, khẩu, ý từ ác thành hiền. Không nên nghĩ rằng ăn chay, đi chùa thường xuyên mới là tu.
“Tu của đạo phật là tu thân, tu giới, tu tâm. Tu thân là thân không làm điều ác. Tất cả mọi điều ác, dù lớn hay nhỏ đều phải tránh, mọi điều thiện đều phải làm” . Trên cơ sở này, Hồ Chí Minh đã nói rằng những điều có lợi cho dân thì dù nhỏ mấy cũng phải làm, những điều có hại cho dân thì dù nhỏ mấy cũng phải tránh.
Tu giới dành cho phật tử tại gia. Sau khi quy y rồi phải giữ 5 giới: không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Người không biết tu, không giữ giới sát sinh, mỗi khi bị người ta hãm hại, lòng sân hận nổi lên, đánh đập, chém giết để thỏa cơn giận đang bốc lên. Nếu người biết tu thì tuy có nóng giận nhưng không dám nghĩ đến hại người, tránh được tù tội. Vì không giữ được giới sát sinh nên có những người phải vào nhà tù, thậm chí đổi cả tính mạng của mình vì không kìm được nóng giận mà hại người.
Người tu theo đạo Phật không được trộm cắp. Trộm cắp là lấy của người khác. Tiền của do mình làm ra có khi còn không giữ được, huống chi là lấy của người khác. Vì thế không nên tham lam mà lấy của người khác, sớm muộn sẽ bị lấy đi. Tiền của do sức lao động của mình làm ra, mình sử dụng, không bao giờ phải suy nghĩ, băn khoăn, trăn trở. Trên thực tế, nhiều kẻ giàu có vì chiếm đoạt của người khác cuối cùng bản thân mình hoặc con cháu phải trả giá. Có một số người làm việc gì cũng nghĩ cách làm sao để họ phải đưa tiền cho mình, càng nhiều càng tốt. Lòng tham đó sẽ đưa họ đến tội lỗi. v. v. Tu giới còn là không tà dâm, không nói dối, không uống rượu
“Tâm cần phải tu là tâm tham, sân, si. Tu tâm là bỏ được lòng tham, tính sân hận, đố kỵ, si mê” . Tham có nhiều loại nhưng có hai loại tham nhỏ mọn là tham ăn, tham ngủ. Ăn dở, ăn chưa no thì không vui. Ngủ chưa đẫy giấc mà bị thức dậy thì càu nhàu, nhăn nhó. Cuộc sống nếu cứ theo lòng tham của con người thì sẽ bị loạn. Vì để đạt được lòng tham phải tranh giành, đấu đá. Người tu phải xả bỏ lòng tham. Người biết tu sống ở cảnh nào cũng vui vẻ, an tâm, không so bì, tính toán. Người không biết tu thấy người ta có cái xe đẹp, mình không có thì khó chịu, phải bằng mọi cách để có được, kể cả trộm cắp, cướp giật, vay mượn, nợ nần hoặc bứt rứt buồn tủi cho số phận mình đen đủi, hẩm hiu, không bằng người. Vậy là mình khổ vì tâm không an nhàn, thảnh thơi. Nhiều người đi chùa cầu cho mình đủ thứ như sức khỏe, tiền tài, danh vọng. . . Như vậy là họ đã quá tham. Đi chùa trước hết là để cho tâm mình thanh thản, để nơi yên tĩnh lòng mình dịu lại, cân bằng lại để trở về với cuộc sống đời thực. Còn chuyện cầu xin không phải là mục đích duy nhất của người đi lễ chùa.
Lòng sân cũng vậy. Khi ham muốn cao độ mà không đạt được thì sân giận nổi lên, bực tức, nóng giận. Khi đó tướng xấu nổi lên. Nếu cứ thường xuyên như vậy người ta sẽ ghét bỏ mình, mình trở nên cô đơn, khổ sở.
“Si là cái gốc gây nên khổ đau cho con người” . Do si mê nên không còn tỉnh táo để lựa chọn giải pháp để xử lý. Si mê nên không thể phân biệt được phải trái nữa và hành động sẽ sai lầm. Vậy nên con người phải kiềm chế lòng si mê để tỉnh táo mà suy nghĩ, mà hành động cho đúng.
Tu theo đạo Phật phải giữ hạnh nhẫn nhục. Nhưng nhẫn nhục không phải là chịu nhục mà là nhịn chịu . Trước hết, phải nhịn chịu sự đòi hỏi quá đáng ở nội tâm mình. Đó là sự tham dục như tham tiền, tham sắc đẹp, tham danh vọng, tham ăn ngon, tham quyền chức. . . Có những người vì quá tham tiền nên làm gì cũng nghĩ đến tiền, luôn theo dõi xem đồng nghiệp có được lợi hơn mình không. Họ sống luôn nghĩ đến lợi ích cá nhân của mình, chà đạp lên lợi ích của người khác, con đồng tiền cao hơn cả danh dự, đạo đức của người thầy. . .Nếu thõa mãn những thứ tham đó thì con người sẽ hư hỏng, do đó phải nhẫn nhịn. Nhẫn nhịn còn là sự chịu đựng trước những cái trái tai gai mắt. Nhưng sự nhịn chịu này có mức độ chứ không phải người khác làm như thế nào mình cũng chịu đựng.
Giáo lý nhà Phật cho rằng mọi khổ đau và bất công đều do bản ngã sinh ra.
Theo ngữ nghĩa, Bản là cái gốc, nguồn phát sinh. Ngã là cái tôi, cái riêng. Bản ngã được hiểu là nguồn gốc phát sinh cái tôi của mỗi người riêng biệt, độc đáo. Bản ngã là cội nguồn của những nét đẹp cá nhân tạo nên văn minh, văn hóa của xã hội loài người. Nhưng cũng chính nó là cái gây khổ đau cho con người, là nguồn gốc sinh ra mọi tội lỗi. Khi chúng ta coi bản ngã là trên hết thì không thể phân biệt được sự thật đúng, sai. Lẽ thường, con người coi trọng bản ngã của mình nhưng không nên tuyệt đối hoá bản ngã đó vì như vậy sẽ dẫn đến những điều không tốt đẹp. Đối với loài vật, con người thường nghĩ nó sinh ra là để phục vụ cho mìn cho nên nhiều khi cư xử tàn nhẫn với nó. Đối với con người, họ thường muốn người khác phải làm theo ý mình, phải sống như mình sống, thích những thứ mình thích, tóm lại, mình là trên hết. Chính vì vậy mà thiếu lòng khoan dung độ lượng. Điều gì không được như ý mình thì tức tối, bực bội, hằn thù. Nếu mình mắc khuyết điểm cũng muốn có nhiều người cũng sai trái như mình nên tìm mọi cách để bôi nhọ đồng nghiệp, vu khống cho người này, người khác. . Sự chấp ngã đó là nguyên nhân đưa lại mọi khổ đau cho chính con người.
Một số người cho rằng, mình có quyền chức, giàu có, địa vị nên mình nói gì người khác cũng phải nghe, ý kiến của mình là nhất. Thực ra, nếu biết nhận thức về bản ngã thì sẽ thấy rằng ở đời mình không hơn ai và cũng chẳng thua ai. Vì có những điều mình hơn người khác nhưng cũng có những điều người khác hơn mình. Cha ông đã từng nói“ Quan nhất thời, dân vạn đại”. Vì thế, hôm nay có quyền trong tay, hãy nghĩ ngày mai mình cũng sẽ trở thành dân thường mà thôi. Người có bản ngã lớn thì sẽ sống trong cô đơn, khổ đau vì khó hòa hợp được với người khác. Họ không còn nhớ rằng khi gặp khó khăn, ai đến với mình mới thực sự là người tốt. Còn khi có quyền lực, nhiều người quan tâm, xu nịnh thì người tốt, kẻ xấu lẫn lộn. Cũng không nên vì tình thân mà dung túng cho lỗi lầm, quên cả đạo lý cuộc đời. Có thể nói, bản ngã càng nhỏ bao nhiêu thì hạnh phúc và lòng thương yêu càng lớn bấy nhiêu.
Như vậy, để có lòng vị tha, từ bi bác ái, cứu khổ cứu nạn, thương người như thể thương thân, khoan dung, độ lượng, sống có đạo đức, trong sạch, giản dị, chăm lo làm việc thiện mỗi người đều phải tự rèn luyện, sửa đổi mình. Làm điều này cũng chính là chúng ta đã thực hiện theo tinh thần tu là chuyển nghiệp của đạo Phật. Nhà Bác học, Giải thưởng Nobel vật lý A.Einstein đã từng dự đoán: “Phật Giáo có những đặc trưng của một tôn giáo mang tính toàn cầu trong tương lai mà mọi người mong đợi” (7)./.
Chú thích - Tài liệu tham khảo
1. UNESCO và Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam,. Hội thảo Quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học Xã hội, 1990, trang 227
2. Thích Minh Châu, Kinh pháp cú, Thiền viện Vạn Hạnh, trang 71
3. Hồ Chí Minh, Ttoàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2000, trang 428
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2000, trang 558
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập. 12, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2000, tr.558
6. Đảng CSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, trang 245.
7. Dẫn lại theo Văn hoá Phật giáo, số tháng 9-2006, trang 40
- Những câu trong ngoặc kép trích từ quyển sách của Hoà thượng Thích Thanh Từ, Tu là chuyển nghiệp, NXB Tôn giáo, H. 2009