Thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững (Kỳ 2)

Trần Quốc Thành
3/1/2024

Luật Khoa học và Công nghệ (Luật số: 29/2013/QH13, ngày 18 tháng 6 năm 2013) đã chỉ rõ: “Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”.

Chức năng của đổi mới sáng tạo chính là đưa sự sáng tạo và tính mới thâm nhập vào hệ thống kinh tế - xã hội nhằm tạo ra các giá trị mới. Nếu không có đổi mới sáng tạo, nền kinh tế sẽ rơi vào trạng thái “tĩnh” và không tạo ra được giá trị mới cho phát triển. Do đó, đổi mới sáng tạo đóng vai trò thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển xã hội.
Đổi mới sáng tạo không chỉ nằm trong tư duy, mà còn bao gồm cả việc ứng dụng tư duy đó vào thực tế. Đổi mới sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trên thị trường, vì chúng tạo ra những thay đổi khác biệt và hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả trong việc giải quyết những vấn đề của khách hàng.
Như vậy với chức năng của nó, đổi mới sáng tạo có một vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cụm từ “đổi mới sáng tạo” được nhắc đến rất nhiều cả trên diễn đàn thông tin đại chúng cả trên các văn bản, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và được các nhà khoa học, nhà quản lý bàn thảo nhiều. Thậm chí nó còn được khẳng định: đổi mới sáng tạo là con đường tất yếu và sống còn của doanh nghiệp cũng như một nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Tại sao lại như vậy?
Trước hết, chúng ta biết rằng: trong mọi thời kỳ, doanh nghiệp luôn luôn phải đổi mới cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng, của thị trường, biến động xã hội cũng như thách thức từ đối thủ cạnh tranh. Chỉ một điều đơn giản, yếu tố thời gian, số lượng càng tăng thì yếu tố “tâm lý thỏa dụng” của khách hàng đối với một sản phẩm hàng hóa cụ thể càng giảm. Riêng điều này cũng đã yêu cầu doanh nghiệp phải đổi mới! Trong khi đó, hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật trong giai đoạn công nghiệp 4.0, những cơn đại dịch, xung đột sắc tộc, thay đổi cơ cấu lao động, di chuyển dân cư... đã làm cho sự xáo trộn bất chợt và khó lường của thị trường mà doanh nghiệp luôn phải gánh chịu. Chính vì vậy, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp là điều cần thiết để tồn tại và phát triển giữa các bất ổn vô định. Thông qua đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp không chỉ tối ưu hoá hoạt động của mình mà còn xây dựng một nền móng vững chắc để đối mặt và thích nghi với những thách thức bất ngờ trong tương lai.
Khả năng thích nghi, kết hợp với các phương pháp quản lý sự thay đổi trong một tổ chức, chưa bao giờ quan trọng hơn lúc này. Thay đổi xảy ra liên tục và là điều không thể tránh khỏi. Đổi mới giúp doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược và hoạt động một cách linh hoạt, đảm bảo họ không bị lạc hậu so với đối thủ cũng như thị trường. Đổi mới sáng tạo cũng là động lực mạnh mẽ để duy trì sự cạnh tranh. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, cũng như Nghệ An, khi nước ta đã và đang hội nhập sâu vào khu vực và thế giới thì thách thức về cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không chỉ trên thị trường thế giới mà ngay chính trên sân nhà. Các doanh nghiệp chủ động đổi mới có nhiều khả năng giới thiệu các sản phẩm hoặc dịch vụ mới thu hút sự chú ý của thị trường và tách biệt họ với đối thủ cạnh tranh. 
Vấn đề thứ hai: Đổi mới sáng tạo phá vỡ sự trì trệ của doanh nghiệp. Trì trệ luôn có hại cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Trì trệ dẫn đến sự lạc hậu. Doanh nghiệp không đổi mới sẽ bị lỗi thời và mất dần vị thế trước các đối thủ cạnh tranh. Các doanh nghiệp đổi mới phá vỡ sự trì trệ bằng việc đổi mới công nghệ, áp dụng quy trình mới, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới... giữ cho doanh nghiệp trong thế phát triển và sẵn sàng cập nhật. Bài học từ cái điện thoại Nokia danh tiếng một thời do trì trệ mà đành lép vế và thất bại trước các hãng điện thoại thông minh đi sau!
Vấn đề thứ ba: Đổi mới sáng tạo không những nâng vị thế cạnh tranh mà còn giúp cho doanh nghiệp nổi bật hơn so với đối thủ, vì thế tiếp cận thị trường nhanh hơn. Đổi mới quy trình còn giúp cho doanh nghiệp có tốc độ ra mắt sản phẩm trên thị trường nhanh hơn đối thủ và tất nhiên sẽ có lợi thế cạnh trạnh.
Vấn đề thứ tư: Đổi mới sáng tạo luôn đi cùng với sự nắm chắc nhu cầu của khách hàng từ đó đáp ứng nhu cầu, đồng thời gắn với quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng niềm tin của khách hàng. Thông qua đó, doanh nghiệp  xây dựng hình ảnh thương hiệu của mình càng tốt hơn.
Vấn đề thứ năm: Đổi mới sáng tạo đồng thời với việc xây dựng và thúc đẩy môi trường sáng tạo. Chính trong môi trường này, mỗi cán bộ, nhân viên được tôn trọng, được khẳng định, được khích lệ, nhận được quyền lợi xứng đáng, do vậy, mối quan hệ lãnh đạo với nhân viên và giữa các nhân viên được cải thiện. Từ môi trường đó, nhân viên nhiệt tình phản hồi, hiến kế, bởi nhân viên là người đầu tiên phát hiện ra cơ hội đổi mới và cải tiến quy trình, kỹ thuật, như vậy lại càng thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Nuôi trồng và sản xuất sản phẩm từ Tảo xoắn - mô hình đổi mới sáng tạo thành công ở Nghệ An

Vấn đề thứ sáu: Đổi mới sáng tạo, nhất là đổi mới công nghệ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng, năng suất và hiệu quả. Ví dụ như việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, ứng dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… trong sản xuất giúp tối ưu hóa quy trình, nâng cao năng suất, tiết kiệm thời gian, tránh sai sót… Việc đổi mới về quy trình sản xuất và phương pháp tổ chức đóng góp lớn cho việc giảm chi phí và gia tăng tính linh hoạt của các doanh nghiệp. Đổi mới phương pháp tổ chức làm giảm chi phí hành chính, chi phí giao dịch, cải thiện tính linh hoạt và sự hài lòng nơi làm việc và do đó gia tăng năng suất lao động.
Vấn đề thứ bảy: Đổi mới sáng tạo đi liền đổi mới mô hình kinh doanh, tiếp cận thị trường mới, giới thiệu sản phẩm mới với chi phí thấp hơn, trên cơ sở nắm bắt được nhu cầu thị trường, khách hàng. Đổi mới marketing làm gia tăng sự hài lòng của khách hàng cũng như trực tiếp hướng sự quan tâm của khách hàng tới doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp thích ứng hơn với sự thay đổi của các điều kiện của thị trường. Thông qua đổi mới marketing, việc thực hiện các phương pháp bán hàng và phân phối mới có thể nâng cao hiệu quả và hiệu suất của các doanh nghiệp. Do vậy, cơ hội mở rộng thị trường cũng như hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước sẽ rộng mở và dễ tiếp cận hơn.
Vấn đề cuối cùng là: Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức. Đúng như vậy, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ tư, sự hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới với nhiều thỏa thuận FDA thế hệ mới, sự dịch chuyển làn sóng đầu tư… đang mang lại cho doanh nghiệp trong nước nhiều cơ hội mới để có thể chiếm lĩnh thị trường cũng như tham gia chuỗi giá trị toàn cầu… Tuy nhiên cũng có quá nhiều thách thức như đại dịch, biến đổi khí hậu, xung đột chiến tranh, biến động cơ cấu dân số, dịch chuyển dân cư,… Bên cạnh đó, đất nước càng hội nhập sâu thì tính cạnh tranh trên thị trường càng lớn. Chính đổi mới sáng tạo giúp cho doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức và phát triển bền vững.
Từ những vấn đề nêu trên, xin khuyến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp:
Trước hết là những tác động từ nội tại của doanh nghiệp: Đó là đội ngũ lãnh đạo công ty cần rà lại tầm nhìn chiến lược, nhận thức và cách tiếp cận mới của công ty trong bối cảnh mới. Để từ đó thấy được đổi mới sáng tạo không chỉ là áp lực từ bên ngoài mà còn là nhu cầu nội tại của công ty để xây dựng chiến lược đổi mới sáng tạo. Tùy vào hiện trạng kinh doanh cũng như mô hình tổ chức của công ty để lựa chọn cách thức đổi mới sáng tạo phù hợp: cải tiến dần dần (công ty nhỏ, tài chính yếu…) hay phát triển sản phẩm mới, đổi mới thiết bị công nghệ, phát triển thị trường mới, mô hình tổ chức và kinh doanh mới,… Trên cơ sở nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, cần xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo trong công ty. Công ty cần có một môi trường văn hóa để tất cả các cá nhân cán bộ, nhân viên, công nhân đều có thể trình bày ý tưởng mới, sáng kiến mới, kể cả ý kiến nghịch chiều. Những ý kiến tốt được tổng hợp tạo điều kiện thử nghiệm ở diện hẹp. Sau khi thành công sẽ ứng dụng diện rộng. Hình thành nhóm làm việc thực hiện dự án mới để đảm bảo sự thành công chắc chắn hơn. Để làm tốt hơn việc này, các công ty cần thường xuyên đào tạo, tập huấn và cập nhật thông tin, kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ của mình. Bên cạnh đó cần có cơ chế khen thưởng, động viên, tôn trọng cấp dưới, chấp nhận sự khác biệt để đổi mới sáng tạo phát triển. Thậm chí, cần có áp lực nhất định đối với tổ chức cấp dưới, thử thách đối với nhân viên, nhóm làm việc nhất là đội ngũ trẻ tuổi để kích thích tính sáng tạo! 
Để đảm bảo đổi mới sáng tạo thành công thì một yếu tố cực kỳ quan trọng đó là tài chính. Tất cả các công ty dù là nhỏ đều phải hình thành Quỹ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và nhóm/trung tâm R&D. Bên cạnh kinh phí tài chính nội bộ cần quan tâm khai thác nguồn tài chính ngoài công ty như từ đối tác chiến lược, các quỹ đầu tư tài chính, ngân hàng,…
Vấn đề cuối cùng là lãnh đạo công ty cần quan tâm nâng cao năng lực tổ chức với một hệ thống quản lý tối ưu, cùng với chất lượng nguồn nhân lực ngày một nâng cao, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý để nâng cao năng lực hấp thụ của công ty.
Bên cạnh việc yếu tố nội doanh nghiệp, thì yếu tố ngoài doanh nghiệp cũng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Vì để đổi mới sáng tạo doanh nghiệp khó có thể làm một mình mà cần có sự tích lũy, tương tác qua lại và có tính học hỏi, cần sự hợp tác với các tổ chức khoa học công nghệ (các viện, trường đại học), các đối tác, khách hàng và ngân hàng,.. cũng như thể chế (luật pháp, quy định của Chính phủ, chính quyền địa phương…). Do vậy, Chính phủ, chính quyền địa phương cần xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động, bền vững. 
Trong những năm qua, Việt Nam liên tục được đánh giá tiến bộ trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Năm 2023 tổ chức WIPO đã công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII và Việt Nam xếp hạng 46/132 nước, tăng 2 bậc so với năm 2022, tăng 13 bậc so với năm 2016, đứng đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đứng thứ 4 ở Đông Nam Á (sau Singapo, Malaysia, Thái Lan).
Đối với địa phương, năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và phối hợp với các địa phương thử nghiệm đánh giá Chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII). Mặc dù mới đang thử nghiệm và chỉ có tác dụng tham khảo, tuy nhiên, với kết quả số điểm của Nghệ An thấp hơn điểm bình quân của các tỉnh tham gia đánh giá toàn quốc thì chúng ta cần quan tâm. Trong 7 trụ cột của Chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (1. Thể chế, 2. Nguồn nhân lực, 3. Cơ sở hạ tầng, 4. Trình độ phát triển thị trường, 5. Trình độ phát triển kinh doanh, 6. Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ và 7. Tính tác động) thì điểm trụ cột 1, 6 và 7 thấp hơn điểm bình quân (thấp nhất và khá xa là chỉ số 1). Với bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương gồm các yếu tố đầu vào và đầu ra của Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được đánh giá hàng năm vào những năm sắp tới, hy vọng rằng tỉnh Nghệ An có bức tranh tổng thể để có sự điều chỉnh, cải cách, đổi mới và nâng cao chất lượng và hoàn thiện dần Hệ sinh thái nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Từ vấn đề trên, ta thấy, để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có chất lượng, năng động, sáng tạo, yếu tố Chính phủ, chính quyền địa phương kiến tạo, phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp là yếu tố quyết định, điều quan trọng nhất đó chính là thể chế. Bên cạnh đó, hai yếu tố có tính đột phá là nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng (đây cũng là 2 chỉ số có điểm trụ cột thấp nhất của Việt Nam). Cần trao quyền tự chủ quản lý và tài chính mạnh mẽ cho các tổ chức khoa học và công nghệ và các nhà khoa học để giúp họ gần hơn, hợp tác thuận lợi hơn với doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ… Sớm rà soát và xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các trung tâm R&D, hỗ trợ hình thành các trung tâm ươm tạo công nghệ,.. Tiếp tục đổi mới nền giáo dục đào tạo đất nước, đặc biệt là đào tạo đại học để các bạn sinh viên sớm tiếp cận với khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ngay từ trong trường. Hỗ trợ sản phẩm sáng tạo gia nhập thị trường, trước hết là ưu tiên trong mua sắm công, đầu tư công. Sớm đưa vào hoạt động Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (có nguồn ngân sách nhà nước tham gia).
Đối với Nghệ An, những năm trước mắt cần quan tâm các yếu tố có điểm thấp nhất của Bộ chỉ số PII là: môi trường chính sách thúc đẩy ĐMST, môi trường kinh doanh, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp (trên tổng doanh nghiệp), doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tính tác động của ĐMST đến KT- XH (tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người). Bên cạnh đó, cần sớm hợp tác với các viện nghiên cứu, các trường đại học để hình thành trung tâm nghiên cứu liên ngành (hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) làm cơ sở để hỗ trợ hình thành các vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Tỉnh Nghệ An nên xin phép thí điểm xây dựng Quỹ đổi mới công nghệ trên cơ sở “kinh phí mồi” của tỉnh để thu hút các nguồn đầu tư từ các quỹ đầu tư, ngân hàng cũng như đóng góp từ các doanh nghiệp thông qua hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. Các hoạt động khoa học và công nghệ lấy doanh nghiệp làm chủ thể, lấy ứng dụng và đổi mới sáng tạo làm trọng tâm và tăng cường kết nối với các nhà khoa học các tổ chức khoa học và công nghệ trong và ngoài tỉnh. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các hoạt động của bộ máy hành chính và sự nghiệp công để lôi cuốn và hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp và toàn xã hội. Đẩy nhanh lộ trình xây dựng Vinh trở thành thành phố thông minh để làm nền tảng xây dựng Vinh thành trung tâm đổi mới sáng tạo.
Đổi mới sáng tạo giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu ở bất kỳ giai đoạn nào, hoàn cảnh nào. Trong giai đoạn hiện nay, nó không những là nhu cầu tất yếu tự thân của doanh nghiệp mà còn là yêu cầu sống còn của doanh nghiệp do có thêm áp lực từ bên ngoài với một nhịp độ nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Một doanh nghiệp không đổi mới sáng tạo sẽ bị trì trệ, lạc hậu, một đất nước không đổi mới sáng tạo sẽ trì trệ và rơi vào “bẫy trung bình”. Chính vì vậy, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2030 đã khẳng định: Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
(xin xem tiếp kỳ sau)

CÙNG CHUYÊN MỤC