Nhóm hiện vật thời Lý - Trần tại bãi Kẻ Chào, xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An

Lê Ngọc Hân – Nguyễn Thị Thanh Dịu
2/1/2024

Bãi Kẻ Chào (hay còn gọi là Kẻ Trào) (Trịnh Cao Tưởng, Trần Anh Dũng, 2002) là một bãi cát nằm trong lưu vực sông Mai thuộc xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1997, các cán bộ Bảo tàng Nghệ An đã thông báo về những hiện vật được người dân phát hiện trong quá trình lấy cát tại bãi Kẻ Chào trong hai năm 1995 và 1996. Tổng số hiện vật thu được gồm có 70 chiếc với nhiều loại hình gốm men khác nhau. Bước đầu nhóm tác giả nhận định những hiện vật này phần lớn có niên đại Lý - Trần, một số ít có thể sớm hơn.

Năm 2002, thực hiện Đề tài cấp bộ “Điều tra Khảo cổ học một số thương cảng cổ ở vùng biển miền Bắc Việt Nam từ thế kỷ IX-XVII, các cán bộ Viện Khảo cổ cũng đã điều tra về bãi Kẻ Chào và tiếp cận sơ bộ với nhóm hiện vật được đưa về bảo tàng lưu giữ. Nhóm hiện vật có niên đại sớm nhất từ thời Bắc thuộc (từ Hán đến Lục Triều), thời Lý, phần lớn là thời Trần, một vài hiện vật thời Lê sơ và Lê Trung Hưng. Kết quả điều tra cho thấy “Kẻ Trào là một khu vực liên quan mật thiết đến  khu vực cảng biển cửa Cờn, song chưa xác định được trung tâm bến cảng ở đâu… thế kỷ XIV là thời kỳ hưng thịnh nhất của nó” (Trịnh Cao Tưởng, Trần Anh Dũng, 2002, Tr.105).
Như vậy, cho đến nay chưa có tài liệu nào cho chúng ta biết đặc trưng của bộ sưu tập gốm Kẻ Chào. Năm 2023, thực hiện Đề tài cấp cơ sở “Nghiên cứu gốm sứ thời Lý - Trần ở Bảo tàng tỉnh Nghệ An” chúng tôi đã có dịp tiếp cận nhưng trong khuôn khổ đề tài chỉ tập trung vào gốm thời Lý - Trần. Đây cũng là giai đoạn có nhiều đồ gốm nhất tại đây. 
Tổng số hiện vật niên đại Lý - Trần là 73 chiếc, bao gồm các loại hình đồ dùng sinh hoạt như bát, đĩa, âu, liễn, nắp liễn thuộc các dòng men trắng, men ngọc, nâu trắng, hoa lam. Các hiện vật hầu hết đều còn nguyên vẹn, được người dân phát hiện vào năm 1996 và nhập kho bảo tàng năm 1997. Chúng tôi hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những tư liệu cho các nhà nghiên cứu một cách tổng quát về bộ sưu tập tại đây. Đặc biệt là các đặc trưng về loại hình, kỹ thuật và hoa văn. 
Ưu điểm của nhóm hiện vật này là còn khá nguyên vẹn, cung cấp được toàn diện các đặc điểm về hình dáng, kích thước, hoa văn,… Từ đó dễ dàng so sánh các đặc điểm này giữa các loại hình khác nhau. Tuy nhiên, nhược điểm là chúng không nằm trong địa tầng nên không thể phân tích được diễn biến niên đại. Chúng tôi sẽ so sánh với một vài địa điểm khác để tìm hiểu vấn đề này. 
1. Đặc trưng gốm tại bãi Kẻ Chào
Khi nghiên cứu về gốm men, những đặc trưng cần khai thác đó là dòng men, loại hình, kiểu dáng, kích thước, kỹ thuật và hoa văn. Trong sưu tập này, dòng men nâu trắng và men trắng vẽ hoa lam cũng như các loại hình âu, liễn, nắp liễn có số lượng quá ít vì vậy chúng tôi sẽ thống kê, và so sánh những sản phẩm này trong quá trình xác định niên đại. Bên cạnh đó, loại hình bát đĩa men trắng, men ngọc có số lượng nhiều hơn cả, các đặc trưng sẽ được khái quát từ những loại hình này. Dưới đây là những đặc trưng được rút ra sau khi đã phân loại thống kê nhóm hiện vật gốm Lý - Trần tại bãi Kẻ Chào 
Về dòng men, dễ dàng quan sát tại đây có 4 dòng men: men trắng, men ngọc, men nâu trắng và men trắng vẽ hoa lam.
Theo Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Thúy: thành phần men gốm thời Lý - Trần có đặc điểm: “Màu men gốm từ trắng ngà, xanh ngọc nhẹ, xanh ngọc sẫm, nâu vàng nhẹ, nâu đen sẫm đều do oxit sắt quyết định. Khi hàm lượng oxit sắt thấp dưới 1% sẽ cho màu trắng ngà đến xanh ngọc nhẹ, khoảng 2-3% cho màu xanh ngọc sẫm, khoảng 6-10% cho màu nâu vàng nhạt đến nâu đen sẫm” (Ngô Thị Thanh Thúy, 2016). Vì đặc điểm này mà gốm men trắng và men ngọc dễ bị nhầm lẫn với nhau. 
Trong sưu tập này, men trắng có các sắc trắng xanh lá và trắng xanh da trời, men phủ từ trong lòng đến gần hết thân ngoài hoặc đến hết thành ngoài chân đế. Một số tiêu bản bát, đĩa, âu để lộ lớp áo men cho thấy kỹ thuật phủ men bao gồm 2 bước: phủ lớp áo men và lớp men ngoài. Men phủ mỏng, nhiều tiêu bản bị bong men, một số tiêu bản khác bị đọng men. 
Đặc điểm men trên dòng men ngọc tương đối giống với men trắng, chỉ khác màu sắc của men ngọc đậm hơn. Men ngọc có sắc xanh và vàng nâu, so với men trắng thì men ngọc ít bị bong men hơn và vẫn có hiện tượng đọng men.  
Men nâu trắng có thành ngoài phủ men nâu, trong lòng phủ men trắng (sắc trắng xanh), men phủ tương đối đều. 
Men trắng vẽ hoa lam là sắc trắng xám (khác với sắc độ trên dòng men trắng), men phủ mỏng, đều. 
Về mặt kiểu dáng, bát đĩa thời Lý - Trần thường có 3 dáng bát cơ bản là: dáng vát thẳng, dáng vát cong và dáng cong. Tại sưu tập này chỉ có dáng vát cong, với các kiểu miệng lại khác nhau. Thống kê cho thấy có 6 kiểu miệng và có sự khác biệt về kiểu miệng giữa bát và đĩa cũng như giữa men ngọc và men trắng (bảng 2). 
Trên dòng men trắng, kiểu miệng phổ biến của bát là loại miệng thẳng, ngoài ra còn có miệng thẳng có gờ mép ngoài và miệng loe cong. Kiểu phổ biến của đĩa là miệng loe, ngoài ra còn có miệng thẳng, miệng loe cong, và miệng loe bẻ ngang.
Trên dòng men ngọc, loại hình bát chỉ có một kiểu miệng loe. Đĩa có tỉ lệ miệng loe nhiều nhất, nhưng tỉ lệ miệng thẳng cũng tương đối lớn, ngoài ra còn có kiểu miệng thẳng, có gờ mép trong không có ở các loại hình khác.
Kỹ thuật chân đế: trên đồ gốm Lý - Trần ở đây chúng tôi muốn nói đến kỹ thuật khi cắt khoét lòng chân đế. Tùy kỹ thuật và công cụ mà dấu vết để lại sẽ khác nhau. Tuy nhiên cho đến nay chưa có thực nghiệm nào để biết chính xác kỹ thuật này được tiến hành như thế nào. Vì vậy thông thường sẽ dựa vào dấu vết còn lại quan sát được để phân loại. Tiêu chí này đã được sử dụng khi phân loại gốm Lý - Trần tại một số di tích ở Hà Nội (Đỗ Đức Tuệ 2012, Lê Ngọc Hân 2015, Thân Văn Tiệp 2018). Về cơ bản gồm có hai hệ thống kỹ thuật là góc chân đế cắt tiện (góc chân đế là một điểm nhọn) và góc chân đế cắt vét (góc chân đế cong). 

Kết quả thống kê cho thấy, bát đĩa Lý-Trần trên cả hai dòng men sử dụng hệ thống cắt tiện là chủ yếu, hệ thống cắt vét rất ít. Trên dòng men ngọc, duy nhất 1 chiếc đĩa sử dụng kỹ thuật cắt vét.
Kỹ thuật chống dính khi nung (kỹ thuật chồng nung): là kỹ thuật sử dụng các phương pháp để khi nung sản phẩm không bị dính vào nhau hoặc dính vào bao nung. Theo thống kê của Nishino thì gốm ở Việt Nam có 11 phương pháp chồng nung (Nishino 2002).  Trong đó, gốm thời Lý - Trần theo chúng tôi thống kê có 8 phương pháp. 
Thống kê tại bộ sưu tập này chỉ thấy hai phương pháp là sử dụng bột chống dính và con kê vành khăn có mấu (4-5 mấu). Ngoài ra còn một vài tiêu bản không có dấu vết chồng nung có thể được xếp nung trên cùng. Phương pháp chồng nung bằng bột chống dính có số lượng nhiều hơn ở cả hai dòng men. Tuy nhiên ở dòng men trắng thì phương pháp này cho thấy tỉ lệ cao hơn hẳn so với các nhóm khác. Ở men ngọc bên cạnh phương pháp bột chống dính, phương pháp sử dụng con kê vành khăn có mấu cũng có số lượng đáng kể. 
Kỹ thuật chỉnh sửa mép chân đế:  là kỹ thuật được thực hiện ở những khâu cuối cùng. Tại sưu tập này có 2 loại là cắt phẳng mép đế và cắt vát hai mép đế, tần suất xuất hiện của hai kỹ thuật này gần như tương đương. Số liệu thống kê cho thấy kỹ thuật mép cắt phẳng xuất hiện nhiều nhất ở nhóm không có dấu vết chồng nung, ngược lại kỹ thuật này ít hơn trên nhóm con kê vành khăn có mấu và bột chống dính. Kỹ thuật mép cắt vát 2 lần chủ yếu thấy trên nhóm bột chống dính, không xuất hiện trên nhóm con kê vành khăn có mấu, và rất ít trên nhóm không có dấu vết chồng nung. (Bảng 5). 
Về hoa văn: trong số 73 hiện vật, có 25 hiện vật có trang trí hoa văn, chiếm 34,25% tổng số hiện vật, trong đó 13 hiện vật men trắng, 11 hiện vật men ngọc và 1 hiện vật men trắng vẽ hoa lam. Như vậy, ở bộ sưu tập này dòng men trắng có số lượng nhiều nhất nhưng tỉ lệ hiện vật có trang trí có hoa văn thấp nhất, ngược lại dòng men ngọc hầu hết các hiện vật có hoa văn.
Trên dòng men trắng, men ngọc hoa văn trang trí nằm ở thành trong của sản phẩm và có 2 phương pháp tạo hoa văn là khắc vạch dưới men và in khuôn. Hoa văn trang trí bát đĩa men trắng sử dụng cả hai phương pháp với các motif khác nhau. Thống kê cho thấy có sự khác nhau về motif hoa văn trên bát và đĩa. Hầu hết hoa văn trên bát không thấy trên đĩa, ngoại trừ motif sen 5 cánh bằng phương pháp khắc vạch. Những sản phẩm men ngọc có hoa văn đều sử dụng phương pháp in khuôn và các motif hầu như không trùng với dòng men trắng. Duy nhất motif in khuôn cúc tia, giữa lòng có họa tiết trang trí trên đĩa có cùng kiểu dáng ở cả hai dòng men. 

Về mặt kích thước, kết quả phân loại cho thấy có sự khác nhau giữa các khoảng kích thước ĐKM, có 3 loại kích cỡ sản phẩm (bát, đĩa, âu): Loại 1 (ĐKM >=17cm), loại 2 (14cm<ĐKM<17cm), loại 3 (ĐKM<=13cm), cụ thể:
 
 
 
 
 
+ Loại hình bát men trắng có 3 loại kích thước, trong đó bát cỡ lớn (loại 1) có số lượng lớn nhất. Bảng thống kê kích thước trung bình cho thấy các kích thước ĐKM, ĐKĐ tỉ lệ thuận với nhau có sự giảm dần từ loại 1 đến loại 3, tuy nhiên chiều cao và cao chân đế tăng lên từ loại 1 đến loại 2 và giảm xuống ở loại 3. Ở loại bát cỡ nhỏ các yếu tố này tỉ lệ thuận với nhau, điều này là bắt buộc để giữ hình dáng cân đối cho sản phẩm.  
  + Loại hình đĩa men trắng: Đĩa men trắng ở sưu tập này hầu hết nằm trong khoảng ĐKM từ 14,7-16,3; có 2 tiêu bản cá biệt ĐKM 17,3 và 18,6. Hai tiêu bản này cũng có nhiều đặc điểm khác với nhóm còn lại. Thống kê cho thấy ở loại hình đĩa, các kích thước ĐKM, ĐKĐ và chiều cao tỉ lệ thuận với nhau, giảm dần từ loại 1 đến loại 2, chiều cao chân đế không có thay đổi rõ rệt
+ Loại hình bát men ngọc chỉ có 3 tiêu bản đều thuộc bát loại 1, mặc dù có giá trị trung bình của ĐKM và ĐKĐ lớn hơn bát loại 1 men trắng nhưng chiều cao và chiều cao chân đế lại thấp hơn. 
+ Loại hình đĩa men ngọc có 12 tiêu bản loại 2, so sánh với đĩa loại 2 men trắng thì không có sự chênh lệch nhiều. Như vậy đây là loại kích thước đĩa phổ biến trong sưu tập này. 
2. Một vài nhận xét về bộ sưu tập gốm Lý - Trần tại bãi Kẻ Chào
Về mặt niên đại, chúng tôi tiến hành so sánh nhóm gốm ở đây với gốm tại một số di tích thời Trần tại Nam Định. Kết quả cho thấy loại hình bát, đĩa ở đây cơ bản có kiểu dáng và hoa văn giống với một vài loại hình niên đại giữa thế kỷ 13 đến giữa thế kỷ 14 tại di chỉ Bãi Hạ Lan và di chỉ Cồn Chè, Cồn Thịnh (Nam Định) (Nishino Noriko, 2002). Bên cạnh đó, một vài tiêu bản niên đại có thể sớm hơn từ thời Lý (đầu thế kỷ 13). Vì vậy bước đầu chúng tôi nhận định 73 hiện vật này có niên đại thời Lý - Trần, cụ thể là từ đầu thế kỷ 13 đến giữa thế kỷ 14. Tuy nhiên phần lớn là niên đại Trần, giữa thế kỷ 13 đến giữa thế kỷ 14. 
Về kích thước, bát có kích cỡ phổ biến là loại trung bình và lớn (ĐKM>14cm), trong đó kích cỡ lớn có số lượng nhiều hơn ở cả hai dòng men. Đĩa phần lớn có kích thước trung bình (14cm<ĐKM<17cm), ngoại trừ hai chiếc đĩa men trắng có kích cỡ lớn.
Về mặt kỹ thuật, dựa vào đặc điểm về kỹ thuật chồng nung và kỹ thuật chỉnh sửa mép đế, chứng minh rằng hai kỹ thuật này có ảnh hưởng đến nhau, ít nhất là trên gốm thời Trần. Kỹ thuật chống dính khi nung sẽ quyết định kỹ thuật chỉnh sửa chân đế. Cụ thể nếu là kỹ thuật bột chống dính, chân đế cắt vát hai mép sẽ được ưa chuộng hơn để tạo diện tiếp xúc nhỏ nhất, khi đó vết bột chống dính lưu lại cũng sẽ nhỏ hơn, tạo tính thẩm mỹ cao hơn. Nhưng đương nhiên kỹ thuật này sẽ mất nhiều bước để thực hiện hơn so với mép cắt phẳng, nên đôi khi cắt phẳng mép đế cũng vẫn được kết hợp với bột chống dính và để lại các vết vòng bột chống dính to, kém thẩm mỹ. Có lẽ đây là giai đoạn suy thoái của phương pháp bột chống dính với sự xuất hiện của nhiều phương pháp chồng nung khác dễ sử dụng hơn. 
Còn với phương pháp chồng nung là con kê vành khăn có mấu thì mép đế luôn được cắt phẳng, không cắt vát 2 mép, vì với phương pháp này mép chân đế không còn ảnh hưởng quá nhiều đến thẩm mỹ của sản phẩm, và thực hiện cũng dễ dàng hơn so với kỹ thuật cắt vát 2 mép.
Thống kê cũng cho thấy diện phủ men sẽ được quyết định bởi phương pháp chồng nung. Cụ thể các sản phẩm chồng nung bằng bột chống dính đều có men phủ không hết thân ngoài, một vài tiêu bản men phủ hết thành ngoài chân đế đều thuộc nhóm chồng nung bằng con kê vành khăn có mấu. 
Về hoa văn, sau khi phân loại và so sánh, chúng tôi rút ra một vài nhận xét trong sưu tập này như sau: 
+ Dòng men ngọc được chú trọng hơn trong khâu thẩm mỹ, cao cấp hơn so với dòng men trắng, mặc dù về chất lượng men và xương gốm tương đối giống nhau.
+ Sản phẩm khác kiểu dáng có hoa văn khác nhau. 
+ Sản phẩm cùng kiểu dáng thì hoa văn giống nhau mặc dù khác màu men. 
+ Vị trí trang trí nằm ở trong lòng của sản phẩm.
+ Sản phẩm sử dụng phương pháp in khuôn có số lượng nhiều hơn và phổ biến hơn so với phương pháp khắc vạch. 
+ Phương pháp khắc vạch có thể tạo ra cùng motif hoa văn trên bát và đĩa. Trong khi đó motif hoa văn bằng phương pháp in khuôn không có sự trùng lặp trên các loại hình khác nhau và ở mỗi kiểu dáng khác nhau trong từng loại hình. 
+ Đề tài trang trí phổ biến là hoa lá, phương pháp khắc vạch thường là hoa sen, còn phương pháp in khuôn là hoa cúc và hoa mẫu đơn. 
Như vậy, bộ sưu tập gốm men thời Trần ở bãi Kẻ Chào có niên đại Lý - Trần giai đoạn từ đầu thế kỷ 13 đến giữa thế kỷ 14. Về cơ bản gốm men tại đây có các đặc trưng giống với một vài bộ sưu tập gốm men thời Trần ở các di tích đã được khai quật tại Nam Định và Thăng Long. Tuy nhiên tại các di tích đó phần lớn hiện vật đều là mảnh vỡ. Vì vậy bộ sưu tập này đã cung cấp được một cách toàn diện, đầy đủ về gốm men giai đoạn này. Hơn nữa một vài nhận xét về các đặc điểm kỹ thuật và hoa văn có thể là cơ sở để xây dựng tiêu chí phân loại gốm men thời Trần.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Ngọc Hân, 2015, “Gốm men thời  Lý, Trần qua các đợt khai quật ở khu vực điện Kính Thiên từ năm 2011 đến năm 2013”, Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Khảo cổ học. 
2. Nishino Noriko, 2002, “Classification and chronological sequence of Tran Dynasty Ceramics of Vietnam”, Journal of Southeast Asian Archaeology 22. 
3. Nishino Noriko, Nishimura Masanari (2000), “Niên đại, kỹ thuật và vai trò của gốm sứ của di tích Cồn Chè, Cồn Thịnh”, Những phát hiện mới về KCH năm 2000, Nxb KHXH, Hà Nội.
4. Ngô Thị Thanh Thúy, 2016, “Đồ gốm men thời Lý và thời Trần trong kho Bảo tàng Hà Nội”, Luận án Tiến sĩ Khảo cổ học. 
5. Thân Văn Tiệp, 2018, “Gốm men thời Lý tại địa điểm 62-64 Trần Phú (Ba Đình, Hà Nội)”, Luận văn Thạc sĩ Lịch sử. 
6. Đỗ Đức Tuệ, Hà Văn Cẩn (2012), “Đồ gốm sứ Lý Trần ở địa điểm Văn Cao - Hoàng Hoa Thám”, KCH số 4, tr.86 - 96. 
7. Trịnh Cao Tưởng, Trần Anh Dũng, 2002, “Điều tra khảo cổ học một số thương cảng cổ ở vùng biển miền bắc Việt Nam từ thế kỷ IX - XVII”, Đề tài Khoa học cấp Ủy ban, Viện Khảo cổ học.

CÙNG CHUYÊN MỤC

Nghiên cứu Kinh tế

Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội

Thông tin tư liệu