Cao Xuân Dục vị công thần tài ba xứ Nghệ

Thơm Quang
29/12/2023

Cao Xuân Dục có tự là Tử Phát, hiệu Long Cương, quê ở xã Thịnh Khánh, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ, khi theo học được thầy yêu mến, gả con gái cho. Bên cạnh là vị đại thần làm quan dưới triều Nguyễn, Cao Xuân Dục còn được biết đến là người đứng đầu bộ Học và Quốc sử quán. Trong sự nghiệp làm quan, Cao Xuân Dục đã để lại cho hậu thế nhiều bộ thư tịch có giá trị của riêng mình và cũng góp phần biên tập nhiều bộ chính sử quan trọng của vương triều.

Thi cử lận đận
Cao Xuân Dục từ nhỏ, đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, được thầy yêu mến và gả con gái cho. Tuy học giỏi, song cuộc đời thi cử lại hết sức lận đận, mãi đến khoa thi Hương năm Bính Tý (1876), khi đó đã 34 tuổi, Cao Xuân Dục mới thi đỗ Cử nhân. Mộc bản sách Quốc triều Hương khoa lục, quyển 4, mặt khắc 15 có ghi rằng: 
“Cao Xuân Dục 高 春 育 
(Nhiều đời đăng khoa)
Quê quán: Thịnh Khánh, Đông Thành, Nghệ An… Ông là cha của Phó bảng Cao Xuân Tiếu; ông nội của Cao Xuân Tảo”.
Một năm sau, vào năm Đinh Sửu (1877), ông tiếp tục dự kỳ thi Hội nhưng bị đánh hỏng. Kể từ đó, Cao Xuân Dục không theo con đường cử tử nữa. Ông bước chân vào chính trường với chức quan đầu tiên là Hậu bổ tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó, Cao Xuân Dục lần lượt thăng trải các chức khác nhau từ Tri huyện đến Biên tu Hàn lâm viện, được điều về Kinh đô Huế làm việc tại bộ Hình, Nha Thương bạc năm 1882. Ngoài ra, ông còn được cử vào Phái bộ Trần Đình Túc ra Hà Nội thương thuyết với quân Pháp đang chiếm đóng Bắc kỳ. Sau đó, Cao Xuân Dục tiếp tục được giữ chức Án sát, Bố chánh tỉnh Hà Nội, Hải phòng sứ Hải Dương, Thự hiệp biện Đại học sĩ, Tổng tài Quốc sử quán, Thượng thư bộ Học, Phụ chính Đại thần… 
Như vậy, dù lận đận về thi cử, nhưng bằng tài năng và đức độ, Cao Xuân Dục đã dần khẳng định được mình trong chốn quan trường. Trong quá trình giữ chức, Cao Xuân Dục nhiều lần nhận được sự tín nhiệm của các đại thần ở địa phương như Bố chính Trà Quý Bình, Tuần phủ Đoàn Khắc Nhượng và sau này là các trọng thần như Khâm sai Đại thần Trần Đình Túc… 

Ông Cao Xuân Dục (bìa phải) một trong các vị Phụ chánh đại thần triều Duy Tân

Biên tập nhiều bộ sách quý
 
 
Nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng, nhưng sự nghiệp làm quan của Cao Xuân Dục được nhiều người biết đến, nhất đó là khi ông được điều chuyển sang giữ chức Hiệp biện Đại học sĩ và sung làm Phó Tổng tài rồi Tổng tài Quốc Sử quán. Được vua Thành Thái tin tưởng giao cho trọng trách biên soạn các bộ sách sử, Cao Xuân Dục đã thu thập các thông tin, ghi chép và biên soạn nhiều bộ sử quý cho triều đình. Trong thời gian 10 năm làm việc ở Quốc Sử quán, Cao Xuân Dục đã tham gia biên soạn được rất nhiều bộ sách như: Đại Nam thực lục chính biên đệ ngũ kỷ, Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ, Quốc triều chính biên toát yếu; Đại Nam nhất thống chí; Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên; Nhân thế tu tri... Trong số những bộ sách này đáng chú ý là bộ Đại Nam thực lục và Đại Nam nhất thống chí có ghi chép về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, điều này đã góp phần cung cấp nhiều thông tin xác thực cho giới khoa học nghiên cứu. Những bộ sách này thuộc khối Mộc bản triều Nguyễn được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Ngoài ra, ông còn tự mình trực tiếp biên soạn các sách: Quốc triều Hương khoa lục, Quốc triều Đăng khoa lục; Đại Nam chính biên liệt truyện (sơ tập và nhị tập). Điều này đã khẳng định tầm quan trọng của ông trong Quốc Sử quán. Sự đóng góp của ông trong nền sử học nước nhà là hết sức to lớn và theo đánh giá của GS. Chương Thâu: “Cao Xuân Dục có thể xứng đáng là một nhà văn hóa lớn ở nước ta cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Đứng đầu bộ Học và Sử quán, ông chỉ đạo và tham gia biên soạn cùng một số học giả ở hai cơ quan này nhiều bộ sách về sử và địa lý”.
Tấm gương sáng về nhân cách
Trong quá trình làm quan, vì tài năng của mình, Cao Xuân Dục rất được vua yêu mến và được ban thưởng hậu hĩnh. Năm Ất Dậu (1885), vua Đồng Khánh thưởng cho ông chiếc Khánh nhung công bằng vàng. Mộc bản sách Đồng Khánh chính yếu, quyển 4, mặt khắc 19 có ghi: “Tháng 9, ban thưởng cho Phiên thần tỉnh Hà Nội Cao Xuân Dục một chiếc khánh Nhung công bằng vàng. Cao Xuân Dục đã có công đốc suất binh dũng đánh đẹp thổ phỉ. Vua phán rằng bề tôi ở bên ngoài mà có lòng trung quân ái quốc như thế thì không thể không ghi nhận công lao, bèn trích khánh vàng nhung công ra ban thưởng cho Cao Xuân Dục. Thuộc hạ của ông như bọn Nguyễn Chúc, Phùng Thuân cũng được ban cấp thẻ bài Tử Kim thưởng công”.
Sau nhiều năm làm việc ở chốn quan trường (40 năm), khi thấy tuổi cao sức yếu, Cao Xuân Dục đã nhiều lần cáo quan về hưu, nhưng không được vua chấp thuận. Mãi đến năm 71 tuổi, ông mới được vua Khải Định cho về. Điều 1866, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên ghi rằng: “Lúc đầu là Xuân Dục vì lớn tuổi (71 tuổi) đã vượt hạn làm quan (36 năm) nhiều lần trích tư tâu lên xin trí sự (đại lược nói “Trên đãi dưới lượng về sức mà thương về công, tôi thờ vua tiến theo lễ mà lui theo đạo, đều hợp với thời là nghĩa. Trộm nghĩ thần tài thức thô sơ, lạm dự ngôi lớn, làm quan trong ngoài không chút công lao, từ khi bệ hạ nối ngôi nói cần dùng hết người nên được cất nhắc, từ khi vào Khu phủ đến nay chỉ lo làm việc, quên hết chuyện riêng. Nay tính lại đã làm quan liên tục ba mươi sáu năm, chiểu lệ cũ hay mới cũng đều đã quá hạn. Năm trước từng viện lệ tâu xin, Phủ trưởng Phủ Phụ chính vì việc công khuyên cố ở lại, nhưng đọc tới câu Dừng bước của người xưa trong lòng thật rất không yên, xin được thôi việc hưu trí để di dưỡng tuổi trời”). Bề tôi Phủ Phụ chính bàn bạc cho rằng Xuân Dục là bậc lão thành thạc vọng, chuyên sung bộ Học kiêm quản sử thành, kinh học uẩn súc, có công phù tá rất nhiều, tâu xin bàn nghĩ, bèn ban dụ chuẩn cho thăng hàm ấy hưu trí”.
Mặc dù đã về hưu, nhưng Cao Xuân Dục vẫn luôn được vua nhớ tới và thường xuyên thăm hỏi. Năm Nhâm Tuất (1922), khi ông thọ 80 tuổi, vua Khải Định đã ban thưởng hậu đãi và làm thơ ngự chế để tặng ông. Mộc bản sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 4, mặt khắc 28 ghi về việc này rằng: “Năm Khải Định thứ 7, (1922), tháng 7, Đông các đại học sĩ Cao Xuân Dục đăng thọ 80 tuổi. Bộ Lễ đệ tấu xin chiếu theo định lệ thưởng cho các quan Nhất phẩm đăng thọ 80 tuổi (20 lạng bạc và 2 tấm lụa nam sa) quy ra thành tiền là 35 đồng để cấp thưởng cho ông. Ngoài ra, vua còn làm bài thơ ngự chế tặng ông rằng:
Dịch nghĩa: Công danh áng lý lịch khu trì, Ngũ lục niên lai điểu quyện phi. Mao tuế cận đăng lương lão bảng, Hoa niên thích yết lã ông kỳ Tùng vân cao ngọa ngâm phong nguyệt Thuần lễ quang châm đối tuyết ti Ôn bột sổ ngôn khanh thả chí Dao kì thọ tấn viết kỳ di.
Dịch thơ: Công danh rộng sải cánh chim bằng, Mỏi mệt dừng bay mới dăm năm. Tuổi tác cũng gần ngang Lương Hạo, Hoa niên đã sánh với Lã ông. Rượu rót đầy vơi cùng sương tuyết, Thơ ngâm nhàn nhã gối gốc thông. Trẫm chúc điều này khanh ghi nhớ. Được có ngày mừng thọ tròn trăm. 
Một năm sau, tức năm Quý Hợi (1923), Cao Xuân Dục mất, thọ 81. Nghe tin, vua Khải Định đã rất đau buồn, thương tiếc mà nói: “Cao khanh sự việc triều chính nhiều năm, tuổi già về nghỉ đã hưởng thọ cao, trong năm điều phúc của nhân sinh đã có được ba, thật là hiếm có trong thiên hạ. Nay ở nhà không may từ trần, trẫm rất thương tiếc”. Bèn chuẩn truy tặng Thiếu phó, cấp tuất ban tế như lệ”.
Có thể nói, ở Cao Xuân Dục hội tụ một học thức uyên bác, đạo đức cao đẹp và là một nhà nghiên cứu nghiêm túc. Tuy rằng, ông chỉ đậu Cử nhân, nhưng bằng tài năng và sự ham hiểu biết, Cao Xuân Dục đã đóng góp vào tài sản quốc gia những tác phẩm quý báu. Ngày nay, tên của ông được dùng để đặt cho các đường phố như ở Vinh, Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ sơ H21/37, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
2. Hồ sơ H22/188, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
3. Hồ sơ H23/54, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
4. Hồ sơ H49/23, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

CÙNG CHUYÊN MỤC

Non nước xứ Nghệ

Con người xứ Nghệ

Thương hiệu xứ Nghệ