Vinh nên là đô thị biển theo hướng bền vững

Hồ Thủy - Hồng Bắc (thực hiện)
20/12/2023

LTS: Ngày 18-7-2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nêu rõ, đưa thành phố Vinh mở rộng là đô thị trung tâm của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung bộ, động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong chiến lược, tầm nhìn của Trung ương và tỉnh Nghệ An, thành phố Vinh mở rộng là đô thị biển, đóng vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa của cả khu vực Bắc Trung bộ.

Đây được xem là cơ hội để thành phố Vinh thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng; mở ra cơ hội thay đổi tầm nhìn, vai trò, vị thế của thành phố, tạo ra động lực phát triển mới để Vinh trở thành thành phố biển trong tương lại gần.
Cùng Đặc san Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An trò chuyện với KTS Trần Ngọc Chính, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An, để hiểu rõ hơn về quy hoạch phát triển đô thị ven biển sau khi sáp nhập Vinh - Cửa Lò.
PV: Xin chào ông, Nghị quyết 39-NQ/TW ra đời trong bối cảnh thành phố sẽ mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị bao gồm thị xã Cửa Lò và một số xã của huyện Nghi Lộc. Đây được xem là cơ hội để Vinh hướng tới thành phố biển trong tương lai gần, vậy yếu tố biển để phát triển đô thị Vinh là gì, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Chính:
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Bộ Chính trị tiếp tục xác định sự phát triển của thành phố Vinh đóng vai trò rất lớn đối với sự phát triển của tỉnh Nghệ An; Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thông qua Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh với lộ trình hoàn thành trong năm 2024. Đây rõ ràng là thời cơ, vận hội, tiền đề, “thời điểm vàng” để thành phố bứt phá, phát triển. Nghị quyết 39 cũng đã nêu rõ, nhấn mạnh về thành phố Vinh là đô thị biển, đô thị trung tâm kinh tế - văn hóa của tỉnh Nghệ An nói riêng, vùng Bắc Trung bộ nói chung.
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, Vinh sẽ mở rộng, bao gồm thị xã Cửa Lò và một số xã ven hạ lưu sông Lam. Lúc đó, mặt tiền của Vinh sẽ là hơn 10 km bờ biển, là đảo Song Ngư, đảo Mắt và khoảng 15 km giáp sông Lam, 20 km giáp sông Vinh/kênh nhà Lê. Vinh sẽ bốn bề là sông và biển. Không thể phủ nhận, trong tương lai gần, Vinh sẽ là đô thị biển.

Không những mặt tiền biển kéo dài mà Vinh sẽ có ngư trường đánh bắt rộng lớn với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, phục vụ du lịch và xuất khẩu. Bên cạnh thế mạnh du lịch biển thì Vinh trong tương lai là trung tâm các hoạt động sản xuất - thương mại - dịch vụ liên quan tới du lịch. Đó là giao thông hàng không, đường sắt, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, lữ hành, vui chơi giải trí, mua sắm… 
Ngoài ra còn có rất nhiều cơ sở dịch vụ kinh tế như cảng Cửa Lò, cảng Cửa Hội, các làng nghề chế biến nước mắm, hải sản, cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền, khu dịch vụ hải sản, Nhà máy sữa Vinamilk, sân Golf và các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng đang được thu hút đầu tư. Tất cả đều cần được kết nối với du lịch biển và vì sự phát triển của đô thị biển.
Là đô thị biển, Vinh sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ biển trên nhiều phương diện, từ địa chính trị đến địa kinh tế, địa văn hóa. Biển là “cánh đồng cuối cùng của nhân loại”. Hai cửa biển là Cửa Lò và Cửa Hội sẽ mở ra tương lai phát triển mới cho Vinh. Cửa Hội và cả Cửa Lò sẽ là điểm xuất phát cho Vinh đến với những nguồn tài nguyên vô cùng lớn của biển. Không chỉ là tài nguyên vật chất mà biển sẽ đem lại những giá trị về địa chính trị, địa văn hóa, địa kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Cái mênh mông của biển chắc chắn sẽ đem lại sự phóng khoáng và rộng mở trong tư duy và các cơ hội giao lưu, phát triển. Biển sẽ đưa Vinh trở thành giao điểm cho phần lục địa không chỉ của Nghệ An mà cả khu vực Bắc miền Trung và nước bạn Lào với thế giới.
PV: Vinh cần ứng xử với yếu tố biển đó như thế nào trong quy hoạch xây dựng đô thị, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Chính: 
Không hề ngẫu nhiên mà Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của BCH Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển theo hướng phát triển bền vững, phấn đấu các ngành kinh tế thuần biển đóng góp  góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. 
Chủ trương của Đảng và Nhà nước, cùng với kinh nghiệm lịch sử và những tri thức mới chắc chắn sẽ chỉ dẫn, gợi ý cho Vinh những tầm nhìn mới về biển để có những quyết sách mới, khoa học và chính xác về biển trong hành trình phát triển tương lai, gần và xa, với tư cách là một đô thị biển. Bài học rất cũ và rất mới là phải biết bảo vệ biển, khai thác biển một cách khoa học, hợp lý và nhân văn nhất.
Nếu Cửa Lò sáp nhập với Vinh thì ngoài bãi biển Cửa Lò, toàn bộ khu vực diện tích đất quy hoạch tại các phường, xã: Vinh Tân, Trung Đô, Hồng Sơn, Cửa Nam, Hưng Chính (thành phố Vinh) và Hưng Lợi (Hưng Nguyên)  sẽ là diện tích ven sông của thành phố. Như vậy thành phố Vinh ngoài khai thác biển Cửa Lò ra thì hoàn toàn có thể khai thác phía Bắc của sông Lam, kết hợp cùng phía huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh để tổ chức không gian sông Lam, có nghĩa lớn về cả văn hóa - kinh tế - du lịch. 
Khi Cửa Lò đã trở thành một phần của thành phố Vinh, thì Vinh cần:

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An làm việc với Tổ tư vấn kinh tế - xã hội về triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị

Thứ nhất, triển khai ngay việc điều chỉnh lại quy hoạch thành phố Vinh mà đã được phê duyệt. Với việc thành phố Vinh sáp nhập thêm 6 xã, gồm các xã: Nghi Thạch, Nghi Xuân, Nghi Phong, Phúc Thọ, Nghi Thái, Khánh Hợp thuộc huyện Nghi Lộc và toàn bộ thị xã Cửa Lò vào địa giới hành chính thì cần có một quy hoạch tổng thể lại để xác định lại tuyến giao thông kết nối giữa thành phố Vinh với Cửa Lò.
Thứ hai, khai thác hiệu quả về kinh tế - văn hóa sông Lam; 
Thứ 3, tạo nên những hồ chứa, công viên sinh thái quy mô, có cảnh quan đẹp;
Thứ 4, nghiên cứu quy hoạch các xã trở thành những xã nằm trong thành phố, và định hướng phát triển cho mỗi xã. Trong đó quan trọng nhất là kiểm tra, rà soát lại cảng Cửa Lò, cảng Cửa Hội, vùng biển để có quy hoạch phù hợp với nhu cầu phát triển của thành phố Vinh. 
Bên cạnh quy hoạch lại, cần xem xét một cách toàn diện về vấn đề biến đổi khí hậu, như: khi có mưa bão, lũ về, mưa lớn thì việc thoát nước như thế nào cho thành phố Vinh và cho Cửa Lò;… Cần phân tích không gian và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án cơ sở hạ tầng cơ bản; đánh giá khả năng tổn thương đới bờ và đô thị đối với biến đổi khí hậu, đặc biệt liên quan các hiện tượng cực đoan; cần xác định các cấu trúc và vật liệu trong xây dựng công trình và cơ sở hạ tầng có thể chống chịu lũ lụt, nước dâng, bão và gió bão;… Ngoài vùng ven biển, cũng cần phân tích, xem xét đối với khu vực ven sông Lam, là con sông chung thì cần nghiên cứu vấn đề biến đổi khí hậu như thế nào để cho nó phù hợp. 
PV: Vậy theo ông, quy hoạch không gian đô thị biển, Vinh cần ưu tiên những gì?
Ông Trần Ngọc Chính: 
Phát triển đô thị, cái quan trọng là chất lượng, là đô thị thông minh, chứ không phải là dài và rộng. Do đó, đô thị Vinh sẽ phát triển theo mô hình “Đô thị đa cực sinh thái phi tập trung, nhất thể hóa giữa đô thị với nông thôn và tự nhiên”. Trong đó, tập trung phát triển trọng điểm du lịch Cửa Lò, hình thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Cửa Lò - Đảo Ngư; Phát triển các điểm du lịch, các khách sạn cao cấp, các Trung tâm lữ hành tại khu vực Vinh; Xây dựng, hình thành các tuyến du lịch tham quan và các tuyến du lịch sinh thái, khám phá sông Lam - núi Quyết.
Trong kế hoạch “cởi trói” cho không gian đô thị, hạ tầng giao thông cần được quan tâm nâng cấp, trong đó Cảng hàng không Vinh được nâng cấp, và cải tạo nhà ga đường sắt hiện hữu; quy hoạch tuyến đường sắt cao tốc và bố trí nhà ga đường sắt cao tốc tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên; Sớm hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam nằm phía Tây thành phố; Chú trọng xây dựng đường ven biển đi qua Cửa Lò. Nghiên cứu tiếp tục xây dựng các cầu qua sông Lam kết nối với huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh;…

Cầu Cửa Hội - Nối liền Cửa Hội với huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần thu hút đầu tư, nâng cấp, mở rộng hoàn thành khu bến cảng Cửa Lò, Cửa Hội kết hợp bến du thuyền phục vụ phát triển du lịch.
Thêm nữa, việc lớn nhất của quy hoạch đô thị Vinh chính là phân loại đô thị, nghĩa là khi sáp nhập Vinh với Cửa Lò cần bao nhiêu phường, bao nhiêu xã? Xác định phường nào là trung tâm?... Vấn đề này Sở Nội vụ phải có quy hoạch hành chính và quản lý hành chính, hay nói chính xác là phân rõ ranh giới nội - ngoại thị, ranh giới của các phường - xã một cách rõ ràng để làm cơ sở quản lý cũng như cơ sở để phát triển đô thị. Ngoài ra, tỉnh cũng cần phải xây dựng trung tâm hành chính tập trung các sở ban ngành đủ lớn và đẹp, đồng thời xác định địa điểm xây dựng của nó vừa đảm bảo về mặt mỹ quan vừa đảm bảo sự thuận tiện làm việc cho người dân cũng như người lao động.
Tiếp đến là các cơ sở giáo dục, các trường đại học, khu quân sự, các bệnh viện, bảo tàng; các công trình văn hóa, thiết chế văn hóa, sân bóng đá… cần có những quy hoạch chi tiết và thống nhất ngay từ đầu.
PV: Với quy hoạch đó, để trở thành hạt nhân trung tâm đô thị của Nghệ An nói riêng, Bắc Trung bộ nói chung, Vinh cần tập trung phát triển các cực kinh tế biển gì, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Chính:
Thế kỷ XXI là “thế kỷ của biển và đại dương”, vấn đề khai thác và phát triển kinh tế biển chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia ven biển, trong đó có nước ta, mà Nghệ An là một trong những địa phương có nhiều lợi thế, được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng vào thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Hội đồng thẩm định của quốc gia thông qua đã xây dựng các định hướng phát triển trọng tâm gồm: 2 khu vực động lực tăng trưởng, 3 đột phá chiến lược; 4 hành lang kinh tế; 5 lĩnh vực trụ cột phát triển, 6 trung tâm đô thị.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất 4 ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế biển tại Nghệ An theo thứ tự gồm: Phát triển hạ tầng đồng bộ về giao thông, khu công nghiệp; thu hút đầu tư; phát triển du lịch, đô thị ven biển; phát triển đánh bắt, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản.
Trong đó, có thể thấy phát triển vùng ven biển và vùng biển là một trong những trọng tâm ưu tiên cốt lõi nhằm tạo ra sự phát triển đột phá cho tỉnh. Đặc biệt, quy hoạch xác định 2 khu vực động lực tăng trưởng đều thuộc khu vực ven biển là thành phố Vinh mở rộng (sáp nhập thị xã Cửa Lò và một số xã của huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên vào thành phố Vinh). 
Như vậy, Vinh cần thực hiện đó là quy hoạch và đầu tư xây dựng khu du lịch biển Cửa Lò với những phân khu tách biệt dành cho cộng đồng và dành cho đối tượng khách cao cấp, trong đó lấy Hòn Ngư làm điểm du lịch đặc biệt và đặc sắc giống như mô hình Hòn Tre ở Khánh Hòa - Nha Trang. Để quy hoạch du lịch, cần có những dự án mang tầm quốc gia, quốc tế và cần có các chuyên gia hỗ trợ định hướng quy hoạch, xây dựng. Ngoài bãi biển Cửa Lò, Vinh cũng cần khai thác sông Lam đoạn từ Cửa Hội đến Bến Thủy để làm khu du lịch đặc biệt dọc sông, phát triển kinh tế ban đêm dọc sông, du lịch ban đêm dọc sông,...
Bên cạnh kinh tế du lịch là kinh tế mũi nhọn, Vinh cần đẩy mạnh khai thác kinh tế biển, trong đó ưu tiên vào các lĩnh vực có thể tạo đột phá như phát triển dịch vụ vận tải, cảng biển, du lịch biển; công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuyền, hậu cần nghề cá; về khai thác, nuôi trồng thủy sản, đầu tư chế biến hải sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi từ hải sản,... 
PV: Ông có thể nói rõ hơn về những giải pháp để Vinh phát triển thành đô thị ven biển theo hướng bền vững, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên?
Ông Trần Ngọc Chính:
Để thành phố Vinh hướng tới mô hình đô thị biển sinh thái, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, theo tôi cần: 
Quy hoạch đô thị ven biển đặt trọng tâm phục vụ con người; trong đó có sự cân bằng đảm bảo cho người dân bản địa và cả khách du lịch; cần lựa chọn và phân bổ quỹ đất hợp lý, hài hòa đối với các mục tiêu kinh tế; đảm bảo hệ thống không gian công cộng, bố trí nhiều quảng trường biển lớn, nhỏ cho đô thị.
Cùng với đó, hạn chế bố trí các công trình mật độ quá dày đặc ven biển, tăng cường tỷ lệ cây xanh sinh thái cho đô thị ven biển, đặc biệt là dải cây xanh phòng hộ bảo vệ bờ biển. Các công trình giao thông và dịch vụ hậu cần cảng nên đảm bảo an toàn môi trường cho dân cư đô thị.
Các công trình kiến trúc trước biển có thiết kế phù hợp điều kiện khí hậu và có tính sáng tạo, ấn tượng, góp phần cho hình ảnh đặc trưng của đô thị. Các nhà chuyên môn, nhà quản lý cần xác định các điểm nhấn công trình cho đô thị, đặc biệt là các không gian cửa ngõ, gần cảng biển, trung tâm quảng trường đảm bảo hiện đại và phù hợp với bản sắc địa phương hướng vào tiêu chuẩn công trình xanh và thông minh.
Có phương án lồng ghép kế hoạch ứng dụng công nghệ 4.0 trong kế hoạch phát triển của các đô thị du lịch biển để đảm bảo đô thị biển Vinh đạt tiêu chuẩn đô thị thông minh. Đây là yếu tố tạo nên tiện ích và tính hấp dẫn đối với khách du lịch, phù hợp với xu thế phát triển các điểm đến du lịch trên thế giới và khu vực.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý chất thải từ du lịch để đảm bảo giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng. Đây sẽ là những giải pháp cụ thể đóng góp cho bảo vệ môi trường và ứng phó với biển đổi khí hậu ở các đô thị du lịch biển.
Đồng thời, để đảm bảo sự phát triển bền vững của một đô thị trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của vùng Bắc Trung bộ thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, cần chú trọng nâng cao năng lực quản lý đô thị của các cấp chính quyền.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

CÙNG CHUYÊN MỤC

Nghiên cứu Kinh tế

Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội

Thông tin tư liệu