Hành trình làm quan của Tổng đốc Ngô Trọng Tố (1823-1905)
Nguyễn Quang Hà
19/12/2023
Tổng đốc Ngô Trọng Tố là một vị đại quan trong triều đình nhà Nguyễn giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX. Ông quê ở xã Đáp Cầu, tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc (nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).
Tương truyền, dòng họ của ông vốn xuất phát từ dòng họ Ngô ở Bồ Châu (nay là xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình)(1) chuyển ra ở khu vực Đáp Cầu khoảng thế kỷ XV. Cụ thể, theo tộc phả dòng họ cho biết: bản phả này được khởi thảo vào năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) do cụ Ngô Thế Mẫn (đời thứ 8) biên soạn. Trong quá trình biên soạn, cụ Ngô Thế Mẫn đã dựa theo lời kể của ông nội là cụ Ngô Trọng Thích để chấp bút. Tộc phả này đã được chép đến đời thứ 5 từ cụ Thuỷ tổ Ngô Phúc Khánh đến cụ Ngô Thế Khuông. Năm Đinh Sửu (1877), niên hiệu Tự Đức, cụ Ngô Trọng Tố đã hệ thống lại các đời từ cụ Thuỷ tổ đến đời thứ 6 và biên soạn tiếp gia phả của chi Hai (chi Ất), từ đời thứ 6 đến đời thứ 8.
Trải qua hơn 500 năm định cư, sinh sống tại Đáp Cầu, dòng họ Ngô dưới thời phong kiến đã xuất hiện nhiều nhân vật nổi tiếng, trong bài viết này, chúng tôi xin bước đầu giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của Tổng đốc Ngô Trọng Tố nhân kỷ niệm 200 năm sinh (1823 - 2023) của ông. Hành trình làm quan của Ngô Trọng Tố rất dài và trải qua nhiều địa phương, nhưng qua các nguồn sử liệu cho thấy, ông đã từng gắn bó hàng chục năm trời ở dải mất miền Trung yêu thương.
Tư liệu ghi chép về Ngô Trọng Tố hiện nay đáng kể và có giá trị nhất là những lưu trữ trong hệ thống Châu bản triều Nguyễn (hiện do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I quản lý). Theo thông tin từ trang website của Cộng đồng họ Ngô ở Đáp Cầu và đồng thời chúng tôi đã được tiếp cận thì dòng họ hiện nay còn lưu giữ được một số tư liệu giấy tờ, bằng sắc do triều đình nhà Nguyễn ban cấp cho cụ Ngô Trọng Tố trong quá trình làm quan cũng như trước khi cụ chính thức nghỉ hưu hiện được con, cháu đang lưu giữ. Đây là những nguồn sử liệu rất quan trọng để nghiên cứu về hành trình, những đóng góp đã được những thế hệ đương thời và những cơ quan của triều đình đánh giá. Một nguồn tư liệu cũng đặc biệt quý giá đó là những ghi chép trong Đại Nam thực lục - Bộ chính sử được coi là chính thống do triều đình đứng ra tổ chức biên soạn và khắc in vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Những nguồn tư liệu trên theo chúng tôi là tương đối khách quan nhưng còn quá ít ỏi và khá rời rạc đối với một vị đại quan triều Nguyễn với hành trình trải nhậm nhiều nơi, làm quan trong một thời gian tương đối dài. Phần lớn cuộc đời làm quan của cụ Ngô Trọng Tố rơi vào thời điểm đất nước diễn ra nhiều biến cố phức tạp, giai đoạn có nhiều “giông bão” của lịch sử Việt Nam thời Cận đại… Chúng tôi đã khai thác, tổng hợp, nghiên cứu từ những nguồn sử liệu trên nhằm cố gắng xây dựng lại lịch trình, chân dung của một vị đại quan của triều Nguyễn.
Vị quan có nhiều năm gắn bó với miền Trung (Việt Nam)
Sách Khoa cử Việt Nam (Cử nhân triều Nguyễn) viết: “Ngô Trọng Tố, người xã Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, nay thuộc phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đỗ Cử nhân trường Hà Nội, khoa thi năm 1843, làm quan trải các chức danh tri huyện, Tuần phủ, Án sát, Tổng đốc…”(2).
Ngô Trọng Tố đỗ Cử nhân dưới thời vua Thiệu Trị khi còn rất trẻ (21 tuổi). Nhưng không biết, sau khi đỗ đạt, ông có ra làm quan ngay không và đã từng đảm nhiệm ở địa phương nào. Thông thường, dưới triều Nguyễn, người đỗ Cử nhân, ít nhất được bổ một chức quan Tri huyện hoặc tương đương.
Mãi đến những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XIX, (có lẽ lúc này Ngô Trọng Tố đã nổi tiếng), mới có những tư liệu ghi về những hoạt động của ông. Năm 1871, Ngô Trọng Tố lãnh chức quan Khoa đạo Quảng Ngãi, chuyên trách giám sát về dân tình và các quan ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình. Năm này, ông đã gửi lên Viện trưởng Hoàng Diệu một bản Tấu với tiêu đề: “Khoa đạo Ngô Trọng Tố tâu: Hôm nay thần được phái đi các tỉnh Trị Bình, An Tĩnh, điều tra dân tình và các khoản về quan lại tham nhũng, công việc rất qua loa, cần người để sai bảo. Thần đã đệ trình lên viện trưởng Hoàng Diệu để xét”(3).
Đến năm 1873, Ngô Trọng Tố chính thức giữ chức Án sát Quảng Ngãi phụ trách công việc đôn đốc, giám sát công tác vận tải lương thực ở các tỉnh Trung Trung bộ (từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi: “Xin đổi quan Án sát Ngô Trọng Tố đến đôn đốc việc tải lương thực từ Quảng Ngãi đến Quảng Nam”(4).
Chức quan Án sát có từ thời Hồng Đức, với 12 thừa Tuyên, mỗi Thừa tuyên đều đặt ty Án sát. Dưới thời Minh Mạng 12 (1831), bỏ các chức Hiệp trấn, Tham hiệp, đặt chức An Phủ sứ các tỉnh. Án sát phải nghe lệnh Tổng Đốc, Tuần Phủ. Tỉnh nào chỉ có các viên Bố Án (Bố Chánh, Án sát) và lãnh binh thì phải tuỳ việc châm chước mà làm. Án sát các tỉnh có Thông phán, Kinh lịch, Bát cửu phẩm Thư lại, Vi nhập lưu thư lại. Số lượng nhiều ít từng tỉnh. Ở những tỉnh nhỏ chỉ có Tuần phủ thì Án sát giữ vị trí Tỉnh phó giữ việc hình. Thời Tự Đức, Án sát coi như Tỉnh phó của tỉnh nhỏ. Từ thời Duy Tân trở đi, Niết ty là cơ quan giúp việc cho Án sát cho Thông phán phụ trách”.
Giai đoạn năm 1875, Ngô Trọng Tố với vai trò của quan “Khoa đạo”, ông đã đề nghị phạt một tháng lương đối với một vị quan bỏ chầu tại điện Văn Minh: “Khoa đạo thần Ngô Trọng Tố, ngày hôm nay, tại điện Văn Minh, đề nghị chính trị. Thần Lục bộ không tâu việc (…) không thấy vào chầu, đều không hợp, hãy sức phạt 1 tháng lương”(5).
Năm 1877, sách Đại Nam thực lục ghi Ngô Trọng Tố giữ chức “Binh khoa Chưởng ấn”, bởi lúc này ông đã nổi tiếng. Ngô Trọng Tố được đề cập đến trong một văn bản được ghi trong thời Tự Đức thứ 30 (1877) cùng với quan Đốc hộ Nguyễn Trọng Hợp và quan Kinh lý Hà đê sứ Phạm Thận Duật trong việc kiểm tra về tính khách quan của một vụ án. Lúc này, Ngô Trọng Tố đến gặp Hội đồng Đốc phủ Hà Nội để xem xét: “Đinh Sửu, Tự Đức năm thứ 30 (1877), mùa Đông tháng 10 ghi: “Nguyên Án sát Nam Định Nguyễn Tái vì có việc phải tội đồ. Trước Tái vì giấu bớt những tài sản của người tuyệt tự (kể tăng hơn 3.330 quan) uỷ cho người nhà nhận mua. Bị Hộ đốc là Nguyễn Trọng Hợp tâu hặc, đã phái Ngự sử Tống Phúc Trạch (nguyên khâm phái đến Hà Nội tra xét việc án, nhân sai gần đấy đến Nam Định tra xét) đi tra án nghĩ giáng 1 cấp đổi đi nơi khác; sau kinh lý Hà đê sứ Phạm Thận Duật tâu nói, án ấy tra nghĩ dụng tình tư vị, mới chuẩn cho Nguyễn Tái và Tống Phúc Trạch đều phải triệt lưu hậu cứu, đổi phái Binh khoa Chưởng ấn Ngô Trọng Tố đến ngay Hội đồng với đốc, phủ Hà Nội (Trần Đình Túc, Nguyễn Hữu Độ) xét nghĩ”(6).
Năm sau, 1878, Ngô Trọng Tố cùng quan Ngự sử Nguyễn Sơn Tăng lại được điều đi kiểm tra về tình hình đời sống cũng như những nhũng nhiễu của quan lại ở các địa phương để tâu lên. Có thể nói rằng, có lẽ giai đoạn này, Ngô Trọng Tố đã được triều đình trọng dụng, bản thân được đi rất nhiều nơi, am hiểu tình hình các địa phương, rồi báo cáo lên cho triều đình nắm bắt được: “Mậu Dần, Tự Đức năm thứ 31 (1878), tháng 3 (…): “Các tỉnh tả, hữu Trực kỳ giá gạo cao vọt lên, sai Ngự sử là bọn Nguyễn Sơn Tăng và Ngô Trọng Tố chia nhau đi khắp dân tình lại tệ, tâu lên”(7).
Với ghi chép như trên, khiến cho chúng ta nghĩ rằng, vào năm 1878, Ngô Trọng Tố đã được vua Tự Đức ban cho chức quan “Ngự sử” (?). Có lẽ trong sách Đại Nam thực lục viết gộp chức tước của quan Ngự sử Nguyễn Sơn Tăng và Ngô Trọng Tố nên có lẽ người nghĩ rằng Ngô Trọng Tố cũng giữ chức Ngự sử. Hiện nay, chúng tôi chưa tìm thấy tư liệu Châu bản ban cấp cho Ngô Trọng Tố chức quan Ngự sử. Thông thường, chức quan Tổng đốc hoặc Thượng thư thường kiêm chức Phó đô Ngự sử. Trong bản sắc phong ngày 7 tháng Giêng năm Đồng Khánh 2(1887) ghi chức tước của Ngô Trọng Tố: “Hữu Tham tri Bộ Binh kiêm Hữu phó Đô Ngự sử”(8).
Quan tâm đến đời sống của nhân dân đặc biệt là các tỉnh thường xuyên bị thiên tai, mất mùa. Biện pháp tức thời để cứu đói cho người dân lúc giáp hạt là lấy thóc của nhà nước bán ra nhằm bình ổn giá cả và thực hiện cấp phát chẩn cho dân nghèo, dân đói. Sách Đại Nam thực lục viết: “Tự Đức năm thứ 31 (1878), mùa Thu tháng 7, “Khâm phái Ngô Trọng Tố đem dân tình của các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh tâu lên (Nói các hạt Quảng Bình nhân lúc giáp hạt và 2 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, không có lúa chiêm, dân đều gieo neo) xin lượng cho lấy thóc bán ra, cho dân vay và chẩn cấp. Vua cho, sai các quan tỉnh xét tình dân mà làm cho ổn thoả”(9).
Để giúp việc cho mình trong xử lý công việc, ông cũng đã chọn những người cần mẫn, siêng năng. Chính vì thế, Ngô Trọng Tố từng đề nghị cân nhắc chuyển bổ những người vì việc chung phục vụ lên chức quan cao hơn: CBTN, ngày 19/11, Tự Đức 30 (1878) có lời Tâu của quan Khoa đạo Ngô Trọng Tố như sau: “Nay thần phụng phái đến tỉnh Hà Nội, Hội đồng cùng Tổng đốc và Tuần phủ tỉnh đó tra xét chưa xong. Phụng xét thăng Chánh cửu phẩm thuộc Đô sát viện là Đặng Văn Cát làm việc cần mẫn, cẩn thận, tha thiết xin đi cùng để có đủ người giúp việc. Vậy Đặng Văn Cát có nên chuẩn cho lệ phí và trạm dịch đi đường hay không, xin ân chuẩn”(10).
Trong năm 1879, Ngô Trọng Tố làm nhiều việc, tuy nhiên, công việc của ông vẫn chủ yếu là công việc của ông quan “Khoa đạo” gắn nhiều với công việc của quan Án sát trong đó có việc xác định, tìm kiếm các thông tin liên quan đến nhà yêu nước Trương Định (1820 - 1864), một thủ lĩnh đứng đầu trong phong trào chống Thực dân Pháp xâm lược. Trong những năm 1859 - 1864, ông cùng với Lê Quang Quyền (trấn giữ vùng Gia Định, Định Tường), cùng với Nguyễn Trị Phương phòng giữ chiến tuyến Chí Hoà. Năm 1864, căn cứ ở miền Đông Nam bộ của Trương Định bị giặc Pháp bao vây, thế cùng lực tận, ông đã tuẫn tiết(11). Khi ông hy sinh, vua Tự Đức đã đã truy phong chức tước, cho việc lập đền thờ cho ông tại Tự Cung (Quảng Ngãi) vào năm 1871.
Năm 1871, cho Ngô Trọng Tố với vai trò là quan Án sát tỉnh Quảng Ngãi, ông đã báo cáo về nơi ở và sinh sống của (Trương Quyền) - con trai của nhà yêu nước Trương Định đối với Viện Cơ mật. Bởi sau khi Trương Định hy sinh, con ông là Trương Quyền còn tiếp tục rút lên Châu Đốc để tiếp tục chống thực dân Pháp thêm 6 năm nữa. Châu bản do Đoàn Dao và Ngô Trọng Tố tâu với viện Cơ mật: “Án sát sứ tỉnh Quảng Ngãi là Ngô Trọng Tố, kính tâu: Đã tiếp nhận được cung lục mật của Viện Cơ Mật; Nội dung: Về quê quán và nơi ở của Trương Định và con của Trương Định”(12); Châu bản - Quyển 306, tờ 144 viết: “Lãnh Bố chánh sứ tỉnh Quảng Ngãi là Đào Dao, lãnh Án sát sứ Ngô Trọng Tố kính tâu: Tiếp nhận cung lục của Viện cơ mật về quê quán của Trương Định và con của ông ta”(13);
Có thể nói rằng, giai đoạn thập kỷ 70 của thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn vẫn còn có nhiều tư tưởng tích cực trong việc chống Pháp trong đó có tinh thần ủng hộ, tuyên dương, cổ vũ những sĩ phu đứng lên chống Pháp. Vì thế, những hành động của các quan địa phương đứng chân trên các địa bàn này như Đào Dao, Ngô Trọng Tố đã đóng góp vai trò nhất định trong việc chống pháp ở các địa phương.
Giai đoạn làm quan bộ Lễ ở Kinh đô Huế
Vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XIX, lịch sử Việt Nam đã chứng kiến nhiều diễn biến với nhiều sự kiện quan trọng: năm 1882, Thực dân Pháp tấn công Hà Nội lần thứ 2, thành Hà Nội thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết; năm 1884 diễn ra Hoà ước cuối cùng giữa triều đình Nguyễn với Chính quyền thực dân Pháp (còn gọi là Hiệp ước Giáp Thân hay Hoà ước Paternotre). Hoà ước được ký ngày 6/6/1884 với 19 điều, trong đó, điều khoản quan trọng nhất là đã cắt Việt Nam thành 3 kỳ, mỗi kỳ có sự cai trị khác nhau: Nam kỳ là xứ thuộc địa; Bắc kỳ và Trung kỳ là xứ Pháp bảo hộ trên danh nghĩa (thực chất, triều đình nhà Nguyễn vẫn được quyền kiểm soát).
Trong khoảng 6 năm (từ 1880 đến 1885), chúng tôi chưa tìm thấy những tư liệu liên quan đến những năm tháng làm quan của Ngô Trọng Tố.
Không biết Ngô Trọng Tố giữ chức Án sát Quảng Ngãi đến năm nào (?). Chỉ biết rằng trong Đại Nam thực lục ghi rõ: năm 1885, Ngô Trọng Tố giữ chức Thị lang bộ Lễ:
“Đại Nam thực lục năm Hàm Nghi nguyên niên, tháng 7(1885) ghi “… Khâm sứ Pháp là Sam - Bô bàn phái cho Khâm sai đã mệnh cho Tham tri bộ Binh Hoàng Hữu Thường sung phái ngồi tàu thuỷ Pháp chạy đi. Lúc đó, vì đường ngăn trở, phải trở về. Khâm sứ Pháp lại bàn tục phải đổi sai Thị lang bộ Lễ là Ngô Trọng Tố (lãnh Bố Chánh tỉnh ấy về trước, tình thế đã am hiểu) rồi vì đường dịch lộ Quảng Ngãi không đi được, lại sai lĩnh Bố chính Quảng Nam, Hồng lô tự khanh về quê nuôi mẹ, là Nguyễn Duy Hiệu sung làm án sát”(14).
Không rõ ông được trở về Kinh đô giữ chức thị lang bộ Lễ trong thời gian bao lâu. Từ một vị quan Án sát ở địa phương Quảng Ngãi trở về làm quan Thị Lang trong Bộ Lễ thực sự là được thăng chức. Nhưng trong hoàn cảnh lịch sử, triều đình gặp nhiều khó khăn trong quan hệ với Thực dân Pháp sau Hiệp ước Paternotre. Có lẽ, Ngô Trọng Tố được cử về giữ chức Thị lang bộ Lễ ở triều đình Huế trong một thời gian không lâu thì ông được điều chuyển trở lại miền Trung - địa bàn ông rất am hiểu, nắm rất chắc, bởi ông đã từng gắn bó hàng chục năm với vùng đất này.
Đúng vào thời điểm, vua Hàm Nghi xuất bôn (bỏ kinh thành) để vào rừng tìm căn cứ đánh Pháp (tháng 7 năm 1885) cũng là thời điểm Ngô Trọng Tố được điều chuyển về Hà Tĩnh giữ chức Tuần phủ. Sách Đại Nam thực lục ghi: “Hàm Nghi nguyên niên (1885), tháng 7 (…): “Cho Thị lang bộ Lễ là Ngô Trọng Tố, đổi lĩnh Tuần phủ Hà Tĩnh (vì Bố chánh Lê Đại đổi bổ chỗ khuyết khác)(15).
Với một tỉnh lớn thì Tổng đốc là quan đứng đầu còn với một tỉnh nhỏ như Hà Tĩnh thì Tuần phủ là quan đứng đầu. Đại Nam thực lục cũng cho biết: “Tuần phủ và Bố Chánh ở Hà Tĩnh bắt đầu từ đấy”. Cũng trong sách Đại Nam thực lục cho biết, khi ông về nhậm chức Tuần phủ Hà Tĩnh, thiếu thốn đủ bề, ấn kiếm không có, phải cho đốc công chế tạm cho ấn, kiếm bằng gỗ để dùng tạm(16).
Trong thời gian này, vùng đất Hà Tĩnh từng được nhà yêu nước Phan Đình Phùng chọn làm cơ sở kháng chiến, nơi căn cứ địa chống Pháp nổi tiếng với khởi nghĩa Hương Khê. Không rõ, khi về Hà Tĩnh với vai trò là quan đứng đầu tỉnh (Tuần phủ), Ngô Trọng Tố đã có những hoạt động gì liên quan đến những phong trào yêu nước này không (?)(17). Chỉ biết rằng, ông đảm nhiệm chức vụ Tuần phủ Hà Tĩnh trong khoảng thời gian 4 tháng (Từ tháng 9 năm 1885 đến tháng 12 năm 1885). Châu bản triều Nguyễn cho biết, trong thời gian này, ông đã kịp thời cho thành lập “Đội Vệ binh”(18).
Sau khi chuyển từ Tuần phủ Hà Tĩnh, tháng 12/1885, Ngô Trọng Tố được chuyển về làm Tổng đốc Ninh - Thái (Tổng đốc của 2 tỉnh kép: Bắc Ninh - Thái Nguyên)(19). Việc chuyển đổi từ Tuần phủ Hà Tĩnh về làm Tổng đốc Ninh Thái với lý do: “quan Tổng đốc tiền nhiệm lười biếng, không biết giữ yên. Việc này đã bị quan Đại thần Nguyễn Trọng Hợp hặc tội, vì thế mà triều đình đã đổi Ngô Trọng Tố từ chức Tuần phủ Hà Tĩnh chuyển ra làm Tổng đốc Bắc Ninh - Thái Nguyên”(20).
Tuy nhiên, Ngô Trọng Tố chỉ giữ chức Tổng đốc Ninh - Thái có 5 tháng (tháng 12/1885 đến tháng 5/1886) rồi chuyển sang làm Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên. Không rõ lý do chuyển đổi sang làm Tổng đốc ở một tỉnh kép gồm 3 tỉnh: Hưng Hóa - Lạng Sơn - Tuyên Quang là do sau mấy tháng ông về trị nhậm tại Bắc Ninh - Thái Nguyên, tình hình đã yên ổn hay là vì việc quyết định cử Ngô Trọng Tố về làm quan đứng đầu tỉnh của chính quê hương ông là một ngoại lệ (việc làm ít thấy đối với triều Nguyễn vì chính sách Hồi tỵ) hay vì khu vực miền núi xa xôi, trong lúc này rất cần sự vỗ về, giữ yên của người có nhiều kinh nghiệm như ông (?). Sách Đại Nam thực lục viết: “Bính Tuất, Đồng Khánh năm thứ nhất (1886), tháng 5, “Cho Bố chánh Bắc Ninh là Nguyễn Xuân Duẩn quyền giúp việc Tổng đốc Bắc Ninh, Thái Nguyên; Tổng đốc mới là Ngô Trọng Tố đổi lĩnh Tổng đốc Sơn Tây - Hưng Hoá - Tuyên Quang”(21).
Sau khi hết giai đoạn làm Tổng đốc Ninh Thái, Ngô Trọng Tố đã gửi tờ Tâu sang Nha Kinh lước Bắc kỳ, xin nghỉ việc với lý do tuổi đã cao, già yêu: “ Ngô Trọng Tố - Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên được nghỉ vì già yếu. Các ấn tín giao cho Bố chánh Trần Giản và Án sát Lê Văn Nghiêm”(22), (lúc này ông đã 63 tuổi tây, 64 tuổi ta) nhưng vẫn không được triều đình chấp thuận mà tiếp tục lãnh chức Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên.
Đinh Hợi, Đồng Khánh năm thứ 2 (1887), tháng Giêng, năm này có đợt điều chuyển gần 20 quan chức của các địa phương: “… Thự hiệp biện Đại học sĩ, quyền sung Kinh lược sứ Bắc kỳ là Nguyễn Trọng Hợp, Tuần phủ giúp việc Tổng đốc Hải Dương là Nguyễn Khắc Vỹ, đều được thực thụ; Thị lang Tổng đốc Bình Định - Phú Yên là Vũ Văn Báo, Thị lang lĩnh Tổng đốc Hà Nội - Bắc Ninh là Lê Đĩnh, Thị lang lĩnh Tổng đốc Sơn Tây là Ngô Trọng Tố, đều thăng thụ Tuần phủ, nhưng vẫn lĩnh Thị lang”(23).
Như chúng ta đã biết, vào triều Nguyễn, đối với một tỉnh lớn, nhà nước đặt chức Tổng đốc còn đối với một tỉnh nhỏ thì chỉ đặt chức Tuần phủ. Trong Đại Nam thực lục có hai chỗ ghi rõ, năm 1886, chuyển bổ Ngô Trọng Tố giữ chức Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên - chức tương đương với Hàm Thượng thư (Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến cũng từng giữ chức này). Đó là vinh hàm nhưng thực thụ, ông chỉ thực nhận chức quan Tuần phủ. Năm Đồng Khánh 2 (1887), Ngô Trọng Tố chỉ giữ chức “Tuần phủ Sơn Tây” - Chức quan đứng đầu một tỉnh nhỏ, tương đương như chức Tuần phủ Bắc Giang của Cử nhân Hoàng Thuỵ Chi (sau này). Ở đây có sự mâu thuẫn với những gì ghi trong Đại Nam thực lục, tháng 8 năm 1887 (?). Thực ra, không có sự mâu thuẫn giữa các nguồn sử liệu này. Bởi, đương chức ông chỉ nhậm hàm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên nhưng thực chất là Tuần phủ Sơn Tây (Hàm của quan Thị Lang), khi về hưu mới được thực thụ chức Tổng đốc. Tháng 8/1887 ông được về hưu (khi đã 65 tuổi), người thay ông là Vũ Văn Báo - vốn là Tổng đốc Nam Định - Ninh Bình nghỉ ốm đã đến lúc trả hạn”(24).
Không rõ, sau khi ông thôi chức Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên thì ông còn giữ chức gì nữa?. Chỉ biết rằng, năm 1889, vẫn có 1 “Châu bản” của Nha Kinh lược Bắc kỳ, ghi ông xin nghỉ hưu để dưỡng bệnh với chức hàm “Nguyên Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên Ngô Trọng Tố xin nghỉ chữa bệnh”(25).
Có thể khẳng định, con đường làm quan của Tổng đốc Ngô Trọng Tố nhìn chung suôn sẻ, thăng tiến đều đặn và vững chắc mặc dù ông làm quan trong một giai đoạn đầy “bão tố” của thời cuộc - Thực dân Pháp từng bình định và biến Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp. Tuy nhiên, ông vẫn thể hiện một con người hết lòng vì công việc, vì nước, vì dân. Kể từ khi thi đỗ Cử nhân cho đến khi về hưu, trải qua gần 50 năm, có thể chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn đầu khi làm quan, ông gắn bó hàng chục năm với mảnh đất miền Trung khắc nghiệt với nhiều chức khác nhau: Khi làm quan Khoa đạo giám sát việc tải lương từ Quảng Bình vào đến Đà Nẵng, khi làm quan Án sát Quảng Ngãi, khi lại làm quan đứng đầu của một tỉnh như Tuần phủ Hà Tĩnh… việc nào ông cũng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Dưới sự giám sát, quản lý của ông đối với dải đất miền Trung khắc nghiệt, nhiều thiên tai, ông thường xuyên đề xuất những chính sách kịp thời, thiết thực để cứu đói, phát chẩn cho dân của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…
Giai đoạn thứ 2, ông được điều chuyển về Kinh đô Huế giữ chức Thị lang bộ Lễ, thời gian chỉ mấy tháng sau khi triều đình ký Hiệp ước Giáp Tuất (1884), nên dấu ấn của ông trên lĩnh vực văn hoá, ngoại giao không nhiều. Ông không phải là nhà học thuật kinh viện hay là nhà ngoại giao mà là một nhà quản lý, một nhà thực tiễn từng trải, có nhiều kinh nghiệm, sâu sát đối với đời sống nhân dân.
Giai đoạn thứ 3 sau khi từ Thị lang bộ Lễ được mấy tháng, ông lại được điều chuyển về làm Tuần phủ Hà Tĩnh lần nữa rồi chuyển về làm Tổng đốc Ninh - Thái, Tuần phủ Sơn Tây, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên… Được điều về làm quan đứng đầu các địa phương như: Tổng đốc Ninh Thái, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên. Được điểu chuyển về những địa phương này với nhiều lý do khác nhau trong đó có lý do tình hình an ninh ở đây không được yên ổn. Ông là người có nhiều kinh nghiệm trong việc trị an, giúp đời sống người dân được yên ổn… Trong cuộc đời làm quan, được trao nhiều trọng trách, trong đó chức quan Tổng đốc Ninh - Thái là chức quan ông nhận thực thụ cao nhất.
Qua các nguồn sử liệu để lại cho thấy, con đường làm quan của Tổng đốc Ngô Trọng Tố gặp nhiều thuận lợi và dường như không có tỳ vết. Ông là người được coi là một vị quan mẫn cán, có trách nhiệm chăm lo đến đời sống của người dân nơi ông được giao đảm nhiệm, ông tận tuỵ với triều đình, làm tròn trọng trách mà triều đình tin tưởng, giao phó.
Chú thích
1. Sách Đồng Khánh địa dư chí, (2003), Nxb Thế giới, tr.1025 ghi: “ấp Yên Lâm thuộc tổng Thần Phù, huyện Yên Mô (nay thuộc phường Yên Khánh, thành phố Ninh Bình”);
2. Nguyễn Thuý Nga (Cb), 2019, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.143;
3. Châu bản triều Nguyễn (CBTN), Ngày 18/3, Tự Đức 31 (1871); Xuất xứ: Ngô Trọng Tố, CBTN, Q. 296, tờ 204;
4. CBTN, ngày 22/6/ Tự Đức 26 (1873), loại Tấu, xuất xứ Bộ Hộ, Q. 318, tờ 96;
5. CBTN, ngày 3/ tháng 7 năm Tự Đức 27 (1875), Q. 262, tờ số 89;
6. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 8, Nxb Giáo dục, tr.256, 257;
7. Quốc sử quán triều Nguyễn, (2007), Đại Nam thực lục, Tập 8, Nxb Giáo dục, tr. 280;
8. Sắc phong thứ ba (phần Phụ lục);
9. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 8, Nxb Giáo dục, tr 294;
10. CBTN, ngày19/11/ Tự Đức 30 (1878), Q. 275, tờ 67, xuất xứ: Ngô Trọng Tố;
11. Có nhiều quan điểm chung quanh cái chết của Trương Định. Có người cho rằng, Ông cùng với 28 người bị bắn; Có ý kiến lại cho rằng, ông đã tuẫn tiết sau khi bị thương bởi đạn giặc sau khi căn cứ địa bị giặc Pháp tấn công để bảo toàn khí tiết.
12. CBTN, ngày 5/10/ Tự Đức 31 (1879); Tự Đức, Quyển 306, tờ 144;
13. CBTN, ngày 5/10/ Tự Đức 31 (1879); Tự Đức, Quyển 306, tờ 144; Trong một Châu bản do Ngô Trọng Tố báo cáo Trường Định quê quán ở Quảng Ngãi - nơi trị nhận của Ông đang quản lý còn Gia Định là nơi Trương Định cư ngụ; địa phương có đóng ruộng thờ cúng (Tự điền) vào nơi thờ tự của Trương Định: “Lãnh Án sát sứ tỉnh Quảng Ngãi Ngô Trọng Tố, tâu về việc nhận được phúc trình của Viện Cơ mật. Phụng Phúc trình thì quê quán của Trương Định thuộc hạt thần còn Gia Định là nơi cự ngụ. Nội dung về vấn đề hộ khẩu, ruộng đất (xin cúng tự điền cho con của Trương Định)”; CBTN, ngày 5/10/ Tự Đức 31 (1879), Tự Đức quyển 306, tờ 147;
14. 15. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 9, Nxb Giáo dục, tr 151, tr 178;
16. Sách Đại Nam thực lục, niên hiệu Hàm Nghi nguyên niên (1885), tháng 9 ghi: “Viện Cơ mật tâu nói: Ngày nọ, phụng chuẩn cho Thị lang bộ Lễ là Ngô Trọng Tố lĩnh Tuần Phủ Hà Tĩnh, Tá lý Trần Khánh Tiến sung Thương Tá. Nay hiện tình hình ấy hơi khác, viên quan mới ấy đến đấy, không có ấn tín, sợ khó xếp đặt. Còn Thương tá Trần Khánh Tiến xin đổi làm quyền lĩnh Bố chánh tỉnh ấy, xin cho đốc công chế cấp cho ấn kiếm và tuần phủ quan phòng bằng gỗ, phát cho để dùng làm việc. Vua y theo. Tuần phủ và Bố chánh ở Hà Tĩnh bắt đầu đặt từ đấy” (Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 9, Nxb Giáo dục, tr.178);
17. Về vấn đề này, chúng tôi xin được bỏ ngỏ để tiếp tục tìm hiểu, sưu tầm tư liệu khi có điều kiện;
18. CBTN, ngày 11/8/ Ất Dậu (1885), Q. 259, tờ 55; Xuất xứ Bội Binh;
19. Thực lục về Cảnh Tông Thuần Hoàng Đế (Đồng Khánh năn Ất Dậu (1885), “Tháng 12, “Rút Tổng đốc Bắc Ninh, Thái Nguyên là Nguyễn Tu về Kinh; cho: Lĩnh Tuần phủ Hà Tĩnh là Ngô Trọng Tố đổi lĩnh Tổng đốc Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hồng lô tự Thiếu khanh Tá lý bộ Hộ hiệu sung Khâm sai Nghệ An là Vũ Khoa thăng thự Hồng lô Tự khanh, lãnh Tuần phủ Hà Tĩnh (Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 9 Nxb Giáo dục, tr.211);
20. Nguyên văn: “Tu vì tháng trước bị Quyền Kinh lược sứ là Nguyễn Trọng Hợp hặc tội nói: “Tỉnh ấy mấy năm nay, trộm cướp chưa yên, viên Tổng đốc ấy từng không tìm cách dụ yên thực là lười biếng. Thượng thư Đại Pháp là Sinh - Bích cũng gửi thư cho Nguyễn Hữu Độ nói Tu, phàm các công việc phần nhiều không đáng khen, cho nên chuẩn cho rút về, rồi cho Trọng Tố là người địa phương ấy đã hiểu tình thế, chuẩn cho thay sung chức ấy” (Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 9 Nxb Giáo dục, tr.211);
21. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 9, Nxb Giáo dục, tr 290;
22. CBTN, ngày 20/5, Đồng Khánh 2 (1886), Đồng Khánh, Q.216, tờ 36, tờ 40; xuất xứ Sơn Hưng Tuyên.
23. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 9, Nxb Giáo dục, tr 305;
24. Nguyên văn sách Đại Nam thực lục viết: Đinh Hợi, Đồng Khánh năm thứ 2 (1887), tháng 8… “Cho Tổng đốc Sơn Tây, Hưng Hoá, Tuyên Quang là Ngô Trọng Tố về quê hưu dưỡng; lấy tham tri, nguyên lĩnh Tổng đốc Nam Định, Ninh Bình (ốm nghỉ trả hạn) là Vũ Văn Báo đổi lĩnh để thay” (Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 9, Nxb Giáo dục, tr 358); Trên sắc phong đề ngày 23 tháng Giêng năm Thành Thái 5 (1893) ghi: “(...) ban cho Ban ân trước nghĩ người già, nghi thức cần nên long trọng. Nay gia ân chuẩn: chức Tổng Đốc thực thụ, được về quê hưu trí, ban cho cáo mệnh. Mong rằng Ngươi hãy giữ gìn, chớ nên gắng sức, luôn nghĩ báo đức, yên hưởng an nhàn, mãi mãi được những điều tốt đẹp.
Hãy kính lấy!
Ngày 26 tháng Giêng năm Thành Thái thứ 5 (1893)”. Theo chúng tôi, đây là sắc ban “gia ân” sau khi cụ đã về nghỉ hưu chứ không phải là thời điểm của cụ được nghỉ hưu. Các nguồn sử liệu của Châu bản triều Nguyễn và Đại Nam thực lục đều viết cụ được nghỉ hưu năm 1887 (tác giả nhấn mạnh).
25. CBTN, Ngày 21/9/Thành Thái 1 (1889), Q660, tờ 17, xuất xứ: Nha Kinh lược Bắc kỳ; Ngày 26/11/ năm 1890, Ngô Trọng Tố còn đề nghị xin được đổi tên nót: “Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên Ngô Trọng Tố trình xin cải chữ nót tên Tố”. CBTN, Thành Thái 2 (1890), Q. số 1426: tờ 27.
Tài liệu tham khảo
1. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 8, 9, Nxb Giáo dục.
2. Đỗ Văn Ninh (2019), Từ điển Chức quan Việt Nam, Nxb Hồng Đức.
3. Nguyễn Thuý Nga (2019), Khoa cử Việt Nam, Cử nhân Tú Tài triều Nguyễn.
4. Châu bản triều Nguyễn, Phong lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội.
5.Tham khảo bản dịch trong Wedsite họ Ngô Đáp Cầu (Bắc Ninh) http://www.giaphahongodapcau.com/noi-dung-Mot-so-Sac-phong-cua-Cu-To-90.aspx.