Tư liệu Hán Nôm ở Việt Nam liên quan đến các nhân vật đi sứ của dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần
Đỗ Thị Bích Tuyển
19/12/2023
1. Sơ lược về Bốn thế hệ đi sứ của dòng họ Nguyễn Trọng Dòng họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần, huyện Thanh Chương, trấn Nghệ An (nay là thôn Trung Cần, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) từ xa xưa đã nổi tiếng là dòng họ có nhiều nhà khoa bảng đại khoa, có nhiều thành tựu trong sự nghiệp ngoại giao của dân tộc và có nhiều đóng góp cho đất nước, quê hương.
Ngoài những thành tựu về văn hoá, khoa bảng, các nhân vật của dòng họ Nguyễn Trọng còn có nhiều đóng góp trong lịch sử dân tộc trong việc ngoại giao, đi sứ, thực hiện toàn quân mệnh, làm vẻ vang cho quê hương và gia tộc.
Những nhân vật đi sứ của dòng họ gồm 4 thế hệ với 5 lần đi sứ, đó là Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đang/Đương, Nguyễn Trọng Đường (có khi ghi là Nguyễn Đường) thời Lê Trung hưng và Nguyễn Trọng Vũ (thời Nguyễn).
Trong 4 nhân vật trên, thì 3 vị đỗ Tiến sĩ (trong đó Nguyễn Trọng Thường là Tiến sĩ khai khoa của dòng họ, đỗ khoa thi năm Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712); Nguyễn Trọng Đang (Đương), đỗ đồng Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu đời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30 (1769). Nguyễn Trọng Đường đỗ đồng Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi, đời Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779). Ba người thuộc về 3 thế hệ của dòng họ: Nguyễn Trọng Thường là cha của Nguyễn Trọng Đang. Nguyễn Trọng Đang là chú của Nguyễn Đường. Sau khi đỗ đạt làm quan, cả ba nhân vật trên đều được vâng lệnh đi sứ phương Bắc vào thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVIII).
Còn Nguyễn Trọng Vũ, tuy không đỗ đạt khoa cử, nhưng xuất thân dòng dõi gia tộc Nguyễn Trọng, lại có nhiều công tích nên được triều đình nhà Nguyễn ban cho đi sứ.
Trong bài viết này, là những người làm công tác nghiên cứu Hán Nôm, qua việc khảo cứu các tư liệu Hán Nôm, chúng tôi sẽ tập trung giới thiệu nguồn tư liệu viết về những việc đi sứ, hoặc liên quan đến việc đi sứ của 4 nhân vật dòng họ Nguyễn Trọng (như đã giới thiệu ở trên) qua nguồn tư liệu Thư tịch và bi ký Hán Nôm, cũng nhằm khẳng định giá trị quý báu của tư liệu Hán Nôm trong việc lưu giữ những sự kiện quan trọng của đất nước, những nhân vật ghi danh trong lịch sử dân tộc. Qua đó, góp thêm tư liệu để nhìn nhận, đánh giá, ghi nhận về một dòng họ đất Trung Cần với 4 thế hệ có 5 lần đi sứ, làm nên sự nghiệp vẻ vang, được ghi danh trên bia đá bảng vàng, ghi dấu ấn trong sử sách nước nhà, xứng đáng là một dòng họ khoa bảng, dòng họ với nhiều người đi sứ.
2. Nguồn tài liệu thư tịch Hán Nôm ghi về các nhân vật vâng mệnh đi sứ
2.1. Tư liệu Hán Nôm về Đăng khoa lục
Tư liệu ghi về khoa bảng phải kể đến đầu tiên là Văn bia đề danh Tiến sĩ 3 khoa thi của 3 nhân vật dòng họ Nguyễn Trọng thời Lê trung hưng:
Thứ nhất, Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712), khoa thi này Nguyễn Trọng Thường trúng Tiến sĩ. Thác bản (bản dập) văn bia hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu 1317.
Thứ hai, Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu đời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30 (1769), Nguyễn Trọng Đang (Đương), đỗ đồng Tiến sĩ khoa. Thác bản (bản dập) văn bia hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu 1378.
Thứ ba, Văn bia đề danh Tiến sĩ Thịnh khoa khoa Kỷ Hợi đời Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779), Nguyễn Trọng Đường đỗ đồng Tiến sĩ. Thác bản (bản dập) văn bia hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu 1312.
Bia tiến sĩ khoa niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712).
Bia đá tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội
Tuy nhiên ở cả 3 văn bia đề danh Tiến sĩ chỉ khắc ghi rất ngắn gọn, về tên người đỗ đạt và quê quán, và tại thời điểm khắc văn bia, không ghi chữ Phụng sứ.
Tra cứu các bộ sách về Đăng khoa lục như Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục 鼎鍥大越歷朝登科錄 (ĐKĐVLTĐKL), là bộ sách gồm 4 quyển, ghi lại các khoa thi Hội bắt đầu từ khoa Ất Mão (1075) đến khoa Kỷ Hợi (1779) và danh sách những người đỗ đạt trong các khoa thi. Đây là bộ sách in từ mộc bản hoàn thành vào năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779), do Nguyễn Hoản hiệu chính, Vũ Miên, Phan Trọng Phiên và Uông Sĩ Lãng biên tập. Sách có nhiều kí hiệu, hiện được lưu trữ tại nhiều cơ quan lưu trữ tài liệu cổ, trong đó có Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có tất cả 8 bản ĐKĐVLTĐKL còn lưu giữ được. Bản 1 ký hiệu VHv.2140 (được đóng thành 3 tập); bản 2: VHv.650; bản 3: VHv.651; bản 4: A.2752 (ba bộ sách này, mỗi bộ đóng thành 2 tập); bản 5: A.1387; bản 6: VHv.2874; bản 7: VHv.1651 và bản 8: VHv.293.
Thư viện Quốc gia có bản kí hiệu R.114, gồm 3 quyển, Q.3 có ghi về các nhân vật dòng họ Nguyễn Trung Cần đi sứ.
Như vậy, tài liệu thư tịch Đỉnh khiết lịch triều đăng khoa lục đã bổ sung chi tiết Phụng sứ 奉使 (vâng mệnh đi sứ) mà văn bia đề danh Tiến sĩ chưa ghi. Đây là chi tiết quan trọng nói về trọng trách đi sứ của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đương.
Trang sách ghi về khoa thi năm Nhâm Thìn niên đại Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712), Nguyễn Trọng Thường đỗ Tiễn sĩ. Bản lưu tại Thư viện Quốc gia, Kí hiệu R.114
Còn Nguyễn Trọng Đường, tờ cuối của tài liệu kí hiệu R.114 và VHv.2140/3 không thấy ghi. Chúng tôi sẽ giành thời gian tra cứu thêm một số kí hiệu khác tại kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm và một số thư viện liên quan.
Trên thực tế Nguyễn Trọng Đường đỗ khoa thi ân khoa (thịnh khoa) năm Kỷ Hợi, văn bia còn ghi: Kỷ Hợi thịnh khoa Tiến sĩ bi ký 己亥盛科進士碑記. “Thịnh khoa” tức là ân khoa, là khoa thi được đặc cách mở riêng để chọn hiền tài theo ý nhà vua (hoặc chúa).
2.2. Tư liệu Hán Nôm “Quốc sử”
Trong các thư tịch lịch sử thời xưa, các nhân vật dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần được ghi trong các bộ Quốc sử sau:
Thứ nhất: bộ Đại Việt sử ký tục biên (1676 - 1789): là sách đã ghi lại các sự kiện đi sứ của Nguyễn Trọng Thường. Cụ thể, trong Đại Việt sử ký tục biên (1676-1798), bản kí hiệu A…, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm ghi như sau:
甲寅年
夏四月申飭諸頌越嗚禁以段伯容培從都御史髙輝濯濯爲吏部左侍郎阮仲常爲戶部右侍郎
- Giáp Dần, [Long Đức] năm thứ ba (1734)
Cho Đoàn Bá Dung làm Đô ngự sử (Nhập thị Bồi tụng), Cao Huy Trạc làm Tả thị lang bộ Lại, Nguyễn Trọng Thường làm Hữu thị lang bộ Hộ…
- Tháng tám ngày 13 sai quan Hầu mệnh là Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Tông Quai đem bọn Đồng trung thư Nguyễn Đình Bảng, Nguyễn Đăng Cao đến trước cửa Lạng Sơn nghênh tiếp sứ Trung Quốc sang sách phong.
Trong bản Đại Việt sử ký tục biên cũng ghi về Nguyễn Trọng Đương/Đang, tuy nhiên không ghi về sự kiện Nguyễn Trọng Đương đi sứ.
- Hiển Tông Vĩnh hoàng đế, Đinh Hợi, Cảnh Hưng năm thứ 28 [1767] (Thanh, Kiền Long năm thứ 32).
Tháng chín nhuận, chúa lại đem khoa sự sách khảo hạch quan văn võ và nội thần ở phủ đường, bọn Nguyễn Trọng Đang [ba người] được trúng cách.
- Bính Ngọ, [Cảnh Hưng] năm thứ 47 [1786] (Thanh, Kiền Long thứ 51).
Mùa hạ, tháng năm, Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc sai em là Nguyễn Văn Huệ lấy Thuận Hóa. Trấn phủ Tạo Quận công Phạm Ngô Cầu đem thành hàng. Phó tướng Thế Quận công Hoàng Đình Thể, Đốc thị Nguyễn Trọng Đang chết… Đốc thị Nguyễn Trọng Đang bị loạn quân giết chết…
Thứ 2: Sách Đại Nam thực lục: ghi về Nguyễn Trọng Vũ đi sứ:
Bộ Đại Nam thực lục là bộ quốc sử lớn nhất, quan trọng nhất của Triều Nguyễn do Quốc Sử quán biên soạn. Trong bài viết này, chúng tôi khảo cứu giới thiệu bản kí hiệu A.2772/10,11,12, Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Như trên đã dẫn, đây là tài liệu thư tịch đầu tiên có những ghi chép rất quan trọng về sự nghiệp quan trường cũng như sự nghiệp đi sứ của Nguyễn Trọng Vũ. Sách Đại Nam thực lục Chính biên, Đệ nhị kỷ - Q.6. Thực lục về Thánh Tổ Nhân Hoàng đế ghi một số chi tiết như sau:
- “Canh Thìn, năm Minh Mệnh thứ 2 (1821). Mùa xuân, tháng 3…: Lấy… Sĩ thân Nghệ An là Nguyễn Trọng Vũ làm Phó Đốc học. Đó là theo sự đề cử của triều đình” .
- “Giáp Thân, năm Minh Mệnh thứ 5 (1824). Mùa thu, tháng 9…: Sai sứ sang nhà Thanh. Cho Hoàng Kim Hoán làm Tả Tham tri Lễ bộ sung Chánh sứ tạ ân, Lang trung Lại bộ là Phan Huy Chú làm Hồng lô tự khanh và Lang trung Hộ bộ là Trần Chấn làm Thái thường tự Thiếu khanh sung giáp ất Phó sứ. Cai bạ Bình Định là Hoàng Văn Quyền làm Hàn lâm viện Trực học sĩ, sung Chánh sứ tuế cống (Hai lễ cống các năm Tân Tỵ và Ất Dậu), Thự Thiêm sự Công bộ là Nguyễn Trọng Vũ làm Hàn lâm viện Thị độc Học sĩ, và Tri phủ Thuận An là Nguyễn Hựu Nhân làm Thiếu Thiêm sự Thiêm sự phủ sung giáp ất Phó sứ, sai chế thêm dấu kiềm “Phụng sứ” bằng ngà cấp cho”.
- “Bính Tuất, năm Minh Mệnh thứ 7 (1826). Mùa xuân, tháng 3…: Sứ bộ sang Thanh là bọn Hoàng Kim Hoán, Hoàng Văn Quyến, Phan Huy Chú, Nguyễn Trọng Vũ, Trần Chấn và Nguyễn Hựu Nhân về, đem sách Đài quy dâng lên… Rồi thưởng cho bọn Hoán mỗi người gia một cấp”.
- “Mậu Tý, năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), mùa đông, tháng 11…: Sai sứ sang nước Thanh (nộp hai lễ cống năm Đinh Hợi và năm Kỷ Sửu). Lấy Hiệp trấn Hưng Hóa là Nguyễn Trọng Vũ làm Hữu Thị lang Công bộ sung chức Chánh sứ. Lang trung Lại bộ là Nguyễn Đình Tân làm Thiếu Thiêm sự Thiêm sự phủ, Viên Ngoại lang Lễ bộ là Đặng Văn Khải làm Thái thường tự Thiếu khanh sung giáp Phó sứ và ất Phó sứ. Chuẩn định rằng ngày Sứ bộ đến Bắc Thành. Phàm mọi sự cung ứng thì chi tiền công 100 quan, do phủ Hoài Đức sung biên, không bắt dân chịu. Ghi làm lệ…”.
Thông qua những ghi chép trong Đại Nam thực lục, có thể nhận thấy quá trình thăng chức của Nguyễn Trọng Vũ:
Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) từ bậc là Sĩ thân được thăng làm Phó Đốc học;
Minh Mệnh thứ 5 (1824) đã được giữ chức Thự Thiêm sự Công bộ, thăng làm Hàn lâm viện Thị độc Học sĩ;
Minh Mệnh thứ 9 (1828), sai sứ sang nước, khi đó Nguyễn Trọng Vũ đã giữ chức Hiệp trấn Hưng Hóa được thăng làm Hữu Thị lang Công bộ, sung chức Chánh sứ.
Và trong quá trình làm quan, ông được vâng mệnh đi sứ 2 lần: Một lần vào năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) và một lần vào năm Minh Mệnh thứ 9 (1828).
Như vậy, Bốn nhân vật dòng họ Nguyễn Trọng được ghi danh về sự kiện đi sứ trong các bộ Quốc sử Đại Việt sử ký tiền biên, Đại Nam thực lục, tạo nên một kỳ tích Bốn người với Năm lần đi sứ. Quả là điều hiếm thấy mà không phải dòng họ nào cũng có được.
2.3. Tư liệu Hán Nôm “Quốc chí”, “địa phương chí”
Xuất phát từ tiêu chí phạm vi lãnh thổ được ghi chép, có thể tạm phân chia địa chí thành hai loại: quốc chí và địa phương chí. “Quốc chí” theo khái niệm xưa ở phương Đông gọi là Nhất thống chí, là những bộ địa chí toàn quốc, thường lấy đơn vị hành chính cấp tỉnh/thành làm đơn vị khảo cứu. Vì vậy Quốc chí xưa là một bộ sách gồm nhiều quyển (tập), mỗi quyển (tập) viết riêng về từng tỉnh/thành, tức lấy đơn vị hành chính cấp tỉnh làm tiêu chí phân loại. “Địa phương chí” viết về từng vùng đất, từng tỉnh/thành, huyện/quận, xã/phường
2.3.1. Tư liệu Quốc chí
(1) Đại Nam nhất thống chí
Mộc bản và các bản in bộ Đại Nam nhất thống chí hiện còn lưu giữ tại nhiều cơ quan lưu trữ tài liệu cổ, như Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 (Đà Lạt), Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1 (Hà Nội), Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Quốc gia… Bộ Đại Nam nhất thống chí đã được dịch và xuất bản. Dưới đây, chúng tôi giới thiệu và tham khảo bản dịch, xuất bản năm 2006. Sách ghi về nhân vật Nguyễn Trọng Thường: “Người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương, đỗ Đồng Tiến sĩ đời Vĩnh Thịnh, làm đến Tả Thị lang Lại bộ, nổi tiếng là có chính trị. Năm Long Đức thứ 3, phụng mệnh đi sứ; người phương Bắc làm thơ tặng có câu rằng: “Tam thế y quan bái thánh nhân”, ý nói ba đời được mang áo mũ vào bái yết thánh nhân”. Bản triều, con Trọng Đương là Tham tri Trọng Võ hai lần phụng mệnh đi sứ, người phương Bắc tặng bài thơ có câu rằng: “Tứ thế ngũ hoàng hoa”, ý nói, bốn đời, mà năm lần có người sung “Hoàng hoa sứ”.
Tuy Đại Nam nhất thống chí không nêu họ tên cả 4 đời: từ Nguyễn Trọng Thường đến Nguyễn Trọng Vũ, nhưng ghi chi tiết: “Tứ thế ngũ hoàng hoa”, ý nói, bốn đời, mà năm lần có người sung “Hoàng hoa sứ”, tức là đi sứ Trung Hoa.
(2). Lịch triều hiến chương loại chí 歷朝憲章類誌. Bang giao chí/ của Phan Huy Chú.
Các bản in bộ Lịch triều hiến chương loại chí hiện còn lưu giữ tại nhiều cơ quan lưu trữ tài liệu cổ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Quốc gia Việt Nam… và một số cơ quan lưu trữ tài liệu cổ. Sách đã dịch và giới thiệu nhiều lần. Trong bài viết này chúng tôi tham khảo bản dịch của Phạm Huy Giu, Trịnh Đình Rư, Cao Huy Giu. Hiệu đính: Đào Duy Anh, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2014. Mục Bang giao chí (từ tr. 320) có ghi về Nguyễn Trọng Thường và Nguyễn Đương, như sau:
- Năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765) (ngang với năm Càn Long thứ 30 nhà Thanh), sai Chánh sứ Nguyễn Huy Oánh, Phó sứ Lê Doãn Thân và Nguyễn Thường sang cống nhà Thanh.
- Năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) (Ngang với năm Càn Long thứ 48 nhà Thanh), sai Chánh sứ Hoàng Bình Chính, Phó sứ Lê Hữu Dụng và Nguyễn Đương sang cống nhà Thanh (tr. 433).
Kí hiệu 1712/2, tờ 58a,b, ghi về Nguyễn Trọng Thường
2.3.2. Địa phương chí
(1) Tỉnh chí
Về thể loại sách tỉnh chí có Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch. Tại kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ một số bản, chúng tôi dựa vào bản kí hiệu 1712/2, để khảo cứu. Đây có thể nói là tư liệu đầy đủ và khoa học nhất ghi chép về các nhân vật đi sứ dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần. Cụ thể như sau:
Kí hiệu 1712/2, tờ 58a,b, ghi về Nguyễn Trọng Thường như sau:
阮仲常清漳忠勤人。科錄裕尊和皇帝永盛八年壬辰科同進士三十二年歳中,仕至吏部右侍郎,奉使,道卒,贈吏部左侍郎𨛦公,仲鐺之祖私。譜云:公性方正敦厚歴官諒山山西所至民皆誦德美純尊簡皇帝龍德三年奉使完卒于漢口公子姓蕃衍世有文學.
Nguyễn Trọng Thường, người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương. Theo Đăng khoa lục, năm 32 tuổi, ông đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, đời Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712), làm đến Hữu Thị lang bộ Lại, vâng mệnh đi sứ, chết dọc đường, tặng Tả Thị lang bộ Lại, tước Quận công. Ông là bố Trọng Đang, ông nội Trọng Đường.
Gia phả nhà ông chép: Tính ông đứng đắn, đôn hậu, trải làm quan ở Lạng Sơn, Sơn Tây, đến đâu cũng được dân ca tụng là rất tốt (đức nữ). Đời Lê Thuần Tông, năm Long Đức thứ 3 (1734), ông vâng mệnh đi sứ sang nhà Thanh, trở về đến Hán Khẩu thì mất. Con cháu ông đông đúc các đời có người văn học.
Chi tiết đáng lưu ý ở đây là “Đức mĩ” có thể coi là Mĩ tự tốt đẹp. Đó là sự ghi nhận của nhân dân “vẻ vang ở làng, sang ở nước” là có ý đó. Đức Mĩ - Đức đẹp, đức tốt trong lòng người dân mới là quan trọng. Tuy nhiên bản dịch (Nxb.. tr. Gia phả nhà ông chép: Tính ông đứng đắn, đôn hậu, trải làm quan ở Lạng Sơn, Sơn Tây, đến đâu cũng được dân ca tụng là rất tốt (đức nữ).
Việc tiếp cận tài liệu Hán Nôm (bản gốc) và việc sử dụng bản dịch (do lỗi đánh máy) đã có sự va chạm nhau về ý nghĩa. Chúng tôi thiết nghĩ, cụm từ Đức Mĩ là sự ghi nhận của nhân dân, còn mãi trong lòng dân. Bấy lâu chúng ta ghi nhận sự đánh giá của triều đình, của nước bạn trong quan hệ ngoại giao, tuy nhiên, chi tiết Đức mĩ được nhân dân ca tụng hẳn rằng có ý nghĩa không nhỏ (Trong một số bài viết trước đây, phần dịch đều ghi Rất Tốt 德美 có lẽ chưa lột tả được hết đức độ của Nguyễn Trọng Thường).
Nguyễn Trọng Đang, người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương. Theo Đăng khoa lục, năm 46 tuổi, ông đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, đời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30 (1769). Thời ấy Tĩnh Vương Trịnh [Sâm] cầm quyền, ông vâng mệnh đi sứ, làm đến chức Đốc thị đạo Quảng Thuận. Cuộc biến Tây Sơn thành bị hạ, ông chết. Ông là con Trọng Thường, là chú Đường.
Gia phả nhà ông chép: Năm [Cảnh Hưng] thứ 38 (1777), ông đi sứ về, làm Đốc trấn Lạng Sơn. Việc quan chuộng nhân từ, những người Tàu ngụ ở Lạng Sơn cảm đức của ông, nên lập sinh từ để thờ và làm một bài văn tụng đức ca tụng ông.
Trước kia, người Thiều Châu ở Trung Quốc sang ta khai mỏ bạc. Hàng năm họ thu thập bạc đưa về Trung Quốc. Bọn phụ đạo ở biên giới rình khi họ ra khỏi bờ cõi thì đón đường cướp lấy, nhưng lại sợ việc phát giác thì phải tội, nên đưa một số phần bạc cướp được, đút lót cho các quan trấn, mà quan trấn cũng nhận. Đến nay họ đem 5 khối bạc đến biếu ông, ông nổi giận cự lại và từ chối. Ông quyên bổng sửa chữa đài Ngưỡng Đức ở Cửa Quan. Văn bia nay vẫn còn.
阮仲鐺清漳忠勤人科錄顯尊永皇帝景興三十年己丑科同進士四十六歳中辰鄭靖王總正奉使仕至廣順道督視西山之亂城陷死之仲常之子
Tờ 73a
阮 清漳忠勤人科錄顯尊永皇帝景興四十年己亥盛科同進士三十四歳中仲常之孫仲鐺之侄四十四年奉使至南寕遇駕進見特賜本國以南交屏翰四大字用古希天子之寳印之公家祖孫叔侄皆北使故清人贈詩有五雲鳷鵲開行殿三世衣冠拜聖人之句昭統帝昭統元年督諒山鎭西山之亂逃避不出
Nguyễn Đường, người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương. Theo Đăng khoa lục, năm 34 tuổi, ông đỗ Đồng Tiến sĩ thịnh khoa Kỷ Hợi, đời Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779), ông là cháu Trọng Thường và gọi Trọng Đang bằng chú.
Năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), ông vâng mệnh đi sứ. Đến Nam Ninh gặp vua Thanh, ông vào yết. Vua Thanh đặc biệt cho nước ta 4 chữ đại tự “Nam Giao bình hàn” (Cõi Nam Giao là cột ngăn) đóng dấu có 4 chữ “Cổ hy thiên tử” [Nghĩa là vua 70 tuổi, tức Càn Long].
Gia đình ông, ông cháu, chú cháu đều đi sứ Trung Quốc, cho nên người nhà Thanh tặng bài thơ có câu:
Ngũ vân Chi Thước khai hành điện,
Tam thế y quan bái Thánh nhân.
(Năm mây Chi Thước mở ra hành điện,
Ba đời mũ áo bái kiến Thánh nhân).
Năm Chiêu Thống thứ nhất (1787), ông làm Đốc trấn Lạng Sơn. Thời Tây Sơn, ông trốn tránh không ra làm quan.
Về sách Nghệ An ký, theo đánh giá của tác giả Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm thì đây là một bộ sách lịch sử, địa lý, nhưng phần quan trọng của nó là lịch sử cuối Lê sang triều Tây Sơn. Trong hầu hết các truyện các nhân vật, tác giả thường hay tả bối cảnh xã hội về thời xảy ra sự việc lịch sử có liên quan đến từng cá nhân, nhất là một số sự việc xảy ra khoảng mấy năm cuối triều Lê và triều Tây Sơn.
Sách thiên trọng về nhân chí (tức nhân vật chí), trong 237 tờ của toàn bộ, thì phần nhân chí chiếm 142 tờ. Ngoài ra về các việc dĩ vãng khác, tác giả theo lối viết sách xưa, viện dẫn nhiều sử sách cũ, đôi khi chép theo nguyên văn. Sách hay viện dẫn nhất là Khoa lục, tức Đăng khoa lục và Sử ký. Sách Sử ký nói đây phần lớn trích trong Sử ký tục biên, một bộ sách đến nay chưa tìm thấy, nên sách của ông lại càng có giá trị.
Sách Nghệ An ký đã bổ sung hành trạng các nhà khoa bảng của Nghệ An mà các sách Đăng khoa lục chưa ghi hết được. Vì thế, theo các nhà khoa học biên soạn Các nhà khoa bảng Việt Nam thì Nghệ An ký của Bùi Dương lịch đã trích dẫn từ Đăng khoa lục, Quốc sử và kết hợp với Gia phả dòng họ và những sự kiện diễn ra tại thời điểm các nhân vật dòng họ Nguyễn Trọng ghi danh. Chính vì thế Nghệ An ký được các thế hệ thư mục học đánh giá cao.
(2) Huyện chí:
Thể loại này có sách Thanh Chương huyện chí 清章縣志 A.97. Tri huyện Nguyễn Điển 知縣阮典 soạn. Sách ghi về địa lí, lịch sử huyện Thanh Chương, Nghệ An gồm 13 mục: tên huyện, vị trí, giới hạn, huyện lị, sông núi, đường sá, đền chùa, phong cảnh, nhân vật, trường học, văn thần, võ tướng v.v. Thanh Chương huyện chí ghi khá chi tiết về các nhân vật dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần.
Ghi về Nguyễn Trọng Thường:
- Trung Cần xã, Nguyễn công: Nguyễn Trọng Thường, Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, Vĩnh Thịnh 8 (1712). Làm quan tới chức Đặc tiến Vinh lộc Đại phu, thăng Giám sát Ngự sử đạo Hưng Hóa.
Húy: Vị, danh: Ức, là con của Binh phiên Quảng Đức nam, Lê triều.
Thiên tư đặc biệt tinh anh, sớm thành danh hiển đạt. Ở tuổi 19, tới đất Tràng An, cùng Nguyễn Chương, Đậu Minh, Lê Đăng đã được thời xưng Tứ hổ. Năm 22 tuổi, lĩnh Hương tiến. Năm 32 tuổi đậu Tiến sĩ, vào bậc quyền quý có tiếng ở triều đình.
Năm Giáp Ngọ (1714), thăng Đốc đồng đạo Lạng Sơn. Dân vùng biên ca tụng công đức của ngài.
Năm Mậu Thân (1728), Chánh sứ ty đạo Sơn Tây.
Năm Quý Sửu (1733), thăng Tả Thị lang bộ Công, tước Cần Xuyên hầu, hiệu Cửu Đường, vâng mệnh đi sứ. Ngày lên đường, ông để lại một hộp bằng đồng, dặn gia nhân rằng: Khi có tin về, mới được mở xem. Rồi lên đường. Tới Hán Khẩu, ông lâm bệnh, qua đời. Được tin cáo phó, gia nhân mở hộp ra xem, thì ra, ông đã dự báo về ngày, tháng, năm ông bệnh chung.
Ông được phong tặng Lại bộ Tả Thị lang, Cần Quận công, gia tặng Thượng thư bộ Công. Thờ tại Văn miếu huyện.
Nghệ An kí VHv.1713/2, tờ 73a,b (ghi về Nguyễn Đương)
- Trung Cần xã Nguyễn công: Nguyễn Trọng Đương
Nguyễn Trọng Đương, húy Triết, con thứ 2 của Cần Quận công. Từ nhỏ đã rất thông mẫn. Năm 24 tuổi, lĩnh Hương tiến, giữ chức Thiêm tri Lại phiên. Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, Cảnh Hưng 30 (1769), năm 46 tuổi. Ngày vinh quy, ông đi theo con đường cũ của ông cụ thân sinh đã đi ngày trước. Miễn cho hàng tổng tạo con đường mới, theo như lệ cũ đón quan Nghè. Làm quan tới chức Hàn lâm viện Hiệu thảo, Lạp Sơn bá, phụng sai Đốc đồng xứ Kinh Bắc, công việc ở nội hạt thông suốt nghiêm minh. Lại về giữ chức Thự Tham chính xứ Thanh Hoa.
Năm ấy có lệ cống mỗi bộ 3 sứ thần. Triều đình chọn ông. Có người đã từng đi sứ khuyên ông nên từ chối. Ông nói Nam Bắc là theo mệnh lệnh, chức phận đạo làm tôi phải tuân theo. Huống hồ kinh đô Trung Châu nổi tiếng là văn vật, mà Tiên công đã từng đi sứ, nay sao lại xin từ. Nói rồi lên đường. Trên đường đi không hề trở ngại, hoàn thành nhiệm vụ về triều, thăng Hàn lâm viện Thị thư.
Năm Canh Tý (1780), Đốc trấn Lạng Sơn. Ở đây công việc trôi chảy, được dân mến mộ lập đền thờ sống ông. Có bức trướng ca ngợi: Phượng bút tế mỹ, khắc thiều tiền nhân, quyết đức nhược công, đương tất hữu bảo thế nhi tư nhân giả hồ! Nghi hồ đình tiền quế thụ, bất cận tam hòe ngũ quế kỷ dã. Hựu viết: Hạnh ngộ công nhu viễn năng nhĩ, tri tứ phương chi dân, tụ tứ phương chi hóa, giao dịch nhi thoái, các đắc sở kỳ. Phi thị dân như tử, kiến công như kiến phụ mẫu dã.
Có nghĩa là: Bút phượng tốt đẹp, nối nghiệp tiền nhân, sáng đức như ông, tất đời được bảo hộ, mọi người được thấm ơn ông. Xứng đáng là những cây hòe, cây quế trước sân. Lại có câu: May được gặp ông khiến cho kẻ xa quy phục về gần, làm yên dân tứ phương, tụ hợp hàng hóa tứ phương, trao đổi với nhau ai về chốn nấy. Phải chăng là, ông coi dân như con, và dân gặp ông như gặp được cha mẹ vậy!. Lại câu ca ngợi công đức của ông:
Danh vang Bắc Đẩu, đức trứ Nam bang, cái Trung Châu bút dã.
(Tiếng tăm như sao Bắc Đẩu, đức lớn rạng trời Nam, ngọn bút trùm đất Trung Châu).
Năm Ất Tỵ (1785), giữ chức Chánh Đốc thị Quảng Thuận. Năm Bính Ngọ (1786), Thống tướng thất thủ trước quân Tây Sơn tử trận năm 63 tuổi. Được phong Tán trị Thừa Chính sứ ty xứ Tuyên Quang, tước Lạp Sơn hầu. Phụng tự tại Văn Miếu huyện (tr. 72 - 73).
- Trung Cần xã Nguyễn công (1746-1811): Nguyễn Trọng Đường
Nguyễn Trọng Đường, húy Viễn, đích tôn Cần Quận công. Từ nhỏ đã thông minh lạ thường, lưu ý kế thuật. Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi, Cảnh Hưng 40 (1779), năm 33 tuổi.
Ngày vinh quy cũng đi theo con đường của ông và cha đã đi, miễn phu sai, lệ phí cho tổng. Làm quan tới chức Đông các Đại học sĩ, tước Chì Phong bá. Năm Nhâm Dần (1782) giữ chức Thanh hình Hiến sát sứ đạo Sơn Nam. Vâng lệnh tới Yên Đài mừng tuổi, là người thông Hán ngữ, ông có bài phú bái yết. Được Hoàng đế nhà Thanh khen ngợi ban cho chức Hàn lâm lưỡng quốc và bức đại tự gồm 4 chữ: Tam thế Sứ hoa thêu trên lá cờ bằng gấm đặc biệt, nối danh đất Trung Châu (Trung Quốc). Khi về có ông Tú tài tặng thơ. Khi về nước, giữ chức Đốc đồng Thanh Hoa. Sau năm Bính Ngọ (1786) về ở ẩn tại Tào Khê, Thanh Hoa. Mỗi lần nhớ quê, để tránh Nguyễn Thận [Trấn thủ Nghệ An của Tây Sơn], ông về Nghệ thường đi vào ban đêm, tảng sáng lại đi, người làng không kịp biết…. Năm Tân Mùi (1811), qua đời khi còn tại chức.
Tượng đồng 3 vị tiến sĩ dòng họ Nguyễn Trọng: Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đường và Nguyễn Trọng Đương
2.4. Tư liệu Hán Nôm Tạp ký: Văn học, Tạp kí
Những ghi chép trong các sách Hán Nôm, có yếu tố dựa vào chính sử, nhưng có chi tiết mơ hồ, hư hư thực thực, thêm nhiều yếu tố linh dị với sự hiển thị của các giấc mơ, tuy nhiên, cốt lõi của các sự kiện như khoa thi đỗ Tiến sĩ, thời gian đi sứ… vẫn được giữ làm trọng tâm trong cốt chuyện. Những ghi chép theo lối văn học, kí sự thể hiện qua các sách/thư tịch Hán Nôm sau:
(1) Lịch đại danh hiền phả 歷代名賢譜 1 bản viết, 220 trang, kí hiệu A.2245. Sách chữ Hán, có xen chữ Nôm, ghi tiểu sử, quê quán 178 người đỗ đại khoa từ cuối đời Trần (thế kỉ XIV) đến Lê Chiêu Thống (cuối thế kỉ XVIII), trong đó giới thiệu về chuyến đi sứ của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường.
Câu chuyện về chuyến đi sứ của Nguyễn Trọng Thường ghi chép trong Lịch đại danh hiền phả mang màu sắc huyền tích, những sự kiện về khoa thi Tiến sĩ và đi sứ trùng với những ghi chép trong tư liệu Quốc sử, Quốc chí, như Sau ông đỗ Tiến sĩ khoa… niên hiệu Vĩnh Thịnh đi sứ,... tuy nhiên thêm màu sắc linh dị qua hiển thị của các giấc mơ.
Sách đã có bản dịch ra chữ Quốc ngữ.
(2) Tang thương ngẫu lục桑滄偶錄Phạm Đình Hổ 范廷琥 biên tập. Nguyễn Án 阮案 biên tập. Hiệu Thư Lâu in năm Minh Mệnh 17 (1836).kí hiệu A.218: Bằng Dực 鵬翼 và Kiều Oánh Mậu 喬瑩懋 mỗi người viết 1 bài tựa. Hiệu Thư Lâu in năm Bính Thân (1896), 228 tr., 26 x 16, 1 đề hậu, 1 mục lục. Sách có nhiều kí hiệu (VHv.1798: 132 tr., 29 x 17. VHv.1413: 177 tr., 22 x 14, 1 mục lục. A. 218), trong đó kí hiệu A. 218 được lựa chọn để phiên dịch.
Nội dung sách ghi 90 truyện có tính chất dã sử, huyền thoại về Lí Thần Tông, Phạm Ngũ Lão, đền Trấn Vũ, núi Dục Thúy v.v., trong đó có chi tiết huyền thoại ghi về nhân vật Nguyễn Trọng Đang, người làng Trung Cần, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Thuở nhỏ ông ngoại nuôi nấng dạy bảo. Có khiếu văn chương; đến tuổi thành đồng thì theo thầy học ngoài. Cách ghi trong Tang thương ngẫu lục giống với Vũ trung tuỳ bút, liên quan đến mộng số và yếu tố linh dị, gắn với chi tiết trạm Phù Dung tại hồ Động Đình, trong đó có các chi tiết ghi ông đi sứ và mất trên đường đi sứ.
(3) Vũ trung tuỳ bút 雨中隨筆 A.145 Đan Loan Phạm Tùng Niên 范松年 soạn
4 bản viết, 1 tựa. Sách có nhiều kí hiệu A.1297: 308 tr., 25 x 14, A.1312: Vũ trung tùy bút phụ chư gia thi tập, 296 tr., 28 x 16 (phần Vũ trung tùy bút: 62 tr.), VHv.1466/1-2: 224 tr, 26 x 15, và A.145. Tùy bút Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ ghi chép về thân thế tác giả, hoa cỏ, học thuật, văn tự, chè uống, mạch đất, nhân vật, dụng cụ âm nhạc, đồ thờ, hôn lễ, thừa tự, tế tự, thuốc men, văn thể, phép thi, khoa cử, tang lễ, sách phong…, trong đó ghi chi tiết về Phó sứ Nguyễn Trọng Đang đi sứ nước Trung Hoa gắn với huyền tích về Thần hồ Động Đình như sau:
“… Tháng 6 năm Mậu Tuất (1778) thuyền qua hồ Động Đình ông chợt mắc bệnh, bèn mời quan Phó sứ là Hồ Sĩ Đống và Nguyễn Trọng Đang tới dặn bảo mọi công việc, và làm tờ khải, tờ bẩm để lại. Ông lại đưa tờ mật biểu của Trịnh chúa đốt trước mặt hai quan sứ thần, và ngày mồng mười thì mất ở trên thuyền. Ông có dặn lại đừng liệm ông bằng thủy ngân. Hồ công có thơ viếng…
(4) Đăng khoa lục sưu giảng 登科錄搜講Trần Tiến viết tựa. 5 bản viết, 1 tựa, 1 mục lục. Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu nhiều bản với nhiều kí hiệu, như: A. 224: 306 tr, 34 x 24, A. 3188: 154 tr, 27 x 14, VHv. 2029: 204 tr, 27 x 14, VHv. 2230: 196 tr, 25 x 14, VHv. 1989: 210 tr, 28 x 15.
Nội dung sách ghi tiểu sử, hành trạng những người đỗ đại khoa từ Mạc Hiển Tích đến Vũ Thần gồm 122 người (theo bản A. 224 là bộ sách đầy đủ nhất). Tại Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng lưu trữ một bản, kí hiệu R.21.
Dịch giả Đạm Trai cho rằng: Đăng khoa lục sưu giảng này do một vị Thượng thư triều Lê là Trần Tiến biên soạn, nói về căn bản của sự đỗ đạt, và thuật lại, để dẫn chứng, những mẫu chuyện ngắn, nhấn mạnh về đạo đức, những chuyện đã thấy rõ trong mùa thi cử của thời xưa. Ngoài một vài điểm khuyết nghi bởi sự truyền khẩu, không có minh văn, thì đây là một cuốn sách có tính cách triết lý do người xưa đã dựa theo đạo đức, viết ra lời để răn dạy, giáo dục học trò. Trong đó, có đoạn ghi về nhân vật Nguyễn Trọng Thường: “Người làng Trung Cần… Khi còn ít tuổi đọc sách ở nhà, mỗi khi đốt đèn lên đọc sách, khi tiếng người yên lặng rồi thấy người con gái rất đẹp áo xiêm lộng lẫy, đứng dựa ở cửa... Sau ông đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (triều vua Lê Vĩnh Thịnh) vâng mệnh đi sứ sang Tàu, qua quán trạm Ba Lăng, nhớ đến lời nói người con gái, hỏi thổ dân ở đó rằng: “Ở đây có đền thờ nào không?”. Thổ dân nói: Có đền thờ hai vợ chồng vị thần, xưa kia rất thiêng. Nhưng từ năm kém thiêng tức là năm đẻ mình, biết là mình tất lại về đền này, bèn bỏ của nhờ dân sửa lại ngôi miếu. Khi đi sứ về qua đấy, mộng thấy người con gái đến bảo rằng: “Sang chơi nước Nam có vui không? Nhà này không có chủ, phải về đây làm chủ. Ông tỉnh mộng, liền bị bệnh chết dọc đường; sau được truy tặng Quận công”.
Những chi tiết ghi chép trong Tang thương ngẫu lục và Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ giống với những ghi chép trong Đăng khoa lục sưu giảng, đều có những yếu tố mang tính linh dị, nhưng qua đó cũng khẳng định, sự nghiệp của các nhân vật dòng họ Nguyễn Trọng là chất liệu quý để làm nên những câu chuyện trong dân gian như vậy. Đó đồng thời cũng là sự ghi nhận của những các văn sĩ đương thời với tài năng văn học, sự nghiệp khoa cử và đi sứ của các nhân vật dòng họ.
Ngoài các tư liệu quốc sử, quốc chí, địa phương chí, đăng khoa lục, tạp ký thì nguồn tư liệu khác như: Bi ký Hán Nôm, tư liệu Hán Nôm đi sứ của dòng họ Nguyễn Trọng/viết về dòng họ Nguyễn Trọng,… cũng đã đề cập đến các nhân vật đi sứ và sự kiện đi sứ của 4 thế hệ có 5 lần đi sứ của dòng họ Nguyễn Trọng đất Trung Cần, làm nên sự nghiệp vẻ vang, ghi danh trong sử nước nhà.
3. Tạm kết
Với dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần, bên cạnh các tư liệu Hán Nôm ghi chép về các nhân vật đi sứ/ liên quan đến việc đi sứ của dòng họ Nguyễn Trọng, tại dòng họ còn lưu giữ được những bản văn bằng, sắc phong, là những tư liệu gốc, những ghi chép về các nhân vật của dòng họ trên các lĩnh vực khác như văn học, văn hoá… tạo thành bộ Tư liệu Hán Nôm - bộ Di sản hoàn chỉnh, có giá trị như di sản, tài sản quý của dòng họ, của địa phương và của đất nước.
Các tư liệu Hán Nôm này hiện nay hầu hết đã được phiên dịch ra chữ Quốc ngữ và được sử dụng trích dẫn trong các công trình, bài viết khoa học, tuy nhiên, nguồn tư liệu gốc này chắc hẳn sẽ cung cấp bằng chứng xác thực trong việc vinh danh những cống hiến to lớn của các nhân vật dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần với quê hương, đất nước.
Với sự khái quát và giới thiệu ban đầu về nguồn tư liệu Hán Nôm nêu trên, thiết nghĩ dòng họ và các cơ quan chức năng của địa phương nên tiến hành sưu tầm, sao chụp toàn bộ những tư liệu (bản gốc Hán Nôm), sau đó tập hợp phiên dịch và hình thành tập hồ sơ tư liệu quý của dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần - một dòng họ đã ghi những dấu son trong lịch sử ngoại giao của dân tộc.
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Dương Lịch, Nghệ An kí, Nguyễn Thị Thảo dịch, Nxb KHXH, 1983.
2. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1 Địa dư chí, Bản dịch, Phủ quốc vụ khanh đặc trách xuất bản, 1972.
3. Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, bản dịch, Viện Sử học, Nxb Văn hóa Thông tin, 2007.
4. Lê Quý Đôn, Bắc sứ thông lục, bản dịch, tài liệu đánh máy, lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
5. Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Tập 1, Nxb Khoa học xã hội.
6. Ngô Thế Long, bản dịch Đại Việt sử ký tục biên.
7. Trịnh Khắc Mạnh, Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, 2006.
8. Trần Nghĩa - Franșoi chủ biên (1993), Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, 4 tập, Nxb. Khoa học Xã hội.
9. http://nguyentrongtrungcan.com.vn/nttc/.
10. Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Truyền thống văn hoá - khoa bảng dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần, Nghệ An, Nxb Hồng Đức, 2015.
11. Đào Tam Tỉnh, Họ Nguyễn Trọng Trung Cần và các nhân vật có công lao về văn hoá, lịch sử nước nhà, Tạp chí Khoa học - Công nghệ Nghệ An, số 7/2014.