Triển vọng phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung bộ
TS. Nguyễn Thị Minh Tú
21/11/2023
Phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa (NNCNH) là phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn theo theo phương thức sản xuất công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất lao động và hiệu qủa sản xuất kinh doanh; đây là một khái niệm còn khá mới ở nước ta, nhưng nội hàm của nó không mới và đã được triển khai ở một số nơi với những mô hình khác nhau.
Đặc biệt, trong vùng Bắc Trung bộ (BTB) đã có khá nhiều doanh nghiệp lớn như Mía đường Lam Sơn, TH True Milk, Vinamilk, Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà, VinGroup, FLC… đã tiên phong đầu tư một cách bài bản, phát triển theo chuỗi giá trị và được xem như là các mô hình phát triển NNCNH và đã thành công trong sản xuất kinh doanh, có sức lan toả lớn, thu hút được người dân tham gia.
Hành lang đường Hồ Chí Minh vùng BTB là một vùng rộng lớn, bao gồm 24 huyện, thị xã với diện tích 2.092.078 ha. Đây là vùng có tiềm năng lớn về đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp lớn chiếm 87,91% tổng diện tích đất tự nhiên, do đó đây là vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Về đặc điểm thổ nhưỡng, hành lang đường Hồ Chí Minh vùng BTB chủ yếu là đất đỏ bazan nên rất thích hợp để trồng các loại cây công nghiệp và cây ăn quả dài ngày như cây ăn quả có múi, mía đường, cà phê, chè,...
Bên cạnh đó, hành lang đường Hồ Chí Minh vùng BTB có diện tích đất lâm nghiệp lớn (1.449.994 ha - chiếm 68,83% tổng diện tích đất tự nhiên) nên tiềm năng phát triển sản xuất lâm nghiệp theo hướng công nghiệp là rất lớn. Vùng này tập trung 5 vườn quốc gia, bao gồm: Vườn quốc gia Bến En (14.735 ha - Thanh Hóa), Pù Mát (94.804 ha - Nghệ An), Vũ Quang (55.028,9 ha - Hà Tĩnh), Phong Nha - Kẻ Bàng (85.754 ha - Quảng Bình), Bạch Mã ( 22.030 ha - Thừa Thiên Huế). Bên cạnh đó còn có 9 khu bảo tồn thiên nhiên: Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên (Thanh Hóa); Pù Hoạt, Pù Huống (Nghệ An); Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh); Bắc Hướng Hóa, Dakrong (Quảng Trị); Phong Điền (Thừa Thiên Huế). Đây là vùng có sự đa dạng sinh học rất cao, nguồn cây thuốc phong phú. Đồng thời, BTB còn có hàng chục loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần bảo tồn theo sách đỏ Việt Nam.
1. Tiềm năng, lợi thế trong phát triển KT- XH vùng Bắc Trung bộ
Vùng rất thuận lợi trong phát triển giao lưu trong nước và quốc tế, đặc biệt là cảng biển và hàng hải. Có ưu thế rất lớn về phát triển kinh tế biển (hàng hải, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch, nghỉ dưỡng): với 670 km bờ biển, vùng nước ven biển lên đến hàng triệu ha, có tiềm năng rất lớn phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Bắc TB có 23 cửa sông, nhiều bãi tắm đẹp, hàng chục ngàn ha đầm phá, thềm lục địa rộng nhiều tài nguyên, thuận lợi phát triển du lịch và kinh tế tổng hợp biển.
BTB có thể và cần phải trở thành trung tâm của một số ngành công nghiệp và các khu kinh tế hàng đầu: BTB giàu tài nguyên khoáng sản, chiếm khoảng 60% trữ lượng quặng sắt, 80% thiếc, 100% Cronit, 40% đá vôi so toàn quốc (mỏ sắt Hà Tĩnh; mỏ crômit Thanh Hoá; mỏ thiếc Nghệ An). Về trữ lượng, hàng đầu là đá (hoa cương hàng tỷ tấn, đá vôi xi măng hàng tỷ tấn), sắt nửa tỷ tấn, sau đó đến thiếc, cao lanh... dầu mỏ khí đốt. Là khu vực đã và đang hình thành khá nhiều khu kinh tế.
Dự án chăn nuôi và chế biến sữa quy mô tập trung của Tập đoàn TH, Ảnh: Sỹ Minh
Vùng có thế mạnh hàng đầu về du lịch và nghỉ dưỡng: Nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Nhật Lệ, Cửa Tùng, Thuận An, Đầm phá Tam Giang, Lăng Cô,... Nhiều vườn quốc gia, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú; Nhiều di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc có giá trị: có 144/1221 di tích đã xếp hạng của cả nước; nhiều lễ hội truyền thống mang tính văn hoá đặc sắc, lành mạnh, tất cả tạo điều kiện tốt để phát triển du lịch.
Về phát triển kinh tế rừng, BTB chỉ đứng sau Tây Nguyên về tài nguyên rừng, với khoảng 3,4 triệu ha, trong đó đất có rừng 1,63 triệu ha, trữ lượng gỗ 134.737 triệu m3 gỗ, 1.466,49 triệu cây tre nứa. Đất không có rừng 1.6 triệu ha, 204 nghìn ha núi đá. Đáng chú ý là tre luồng (riêng Thanh Hóa có khoảng 100.000 ha) và các công nghệ mới chế biến tre luồng có thể trở thanh một mặt hàng XK thế mạnh của BTB.
Về phát triển nông nghiệp, BTB có vị trí địa lý - khí hậu và địa chính trị tương đồng với nhiều quốc gia là cường quốc xuất khẩu rau hoa quả trên thế giới như Mexico, Ecuador, Brasil, Philippine, Thái Lan,... Khu vực vành đai đường HCM ở Bắc TB có mật độ dân số thưa, tiềm năng đất đai để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp còn rất lớn. Nhóm đất đỏ vàng chiếm khoảng 62,46% diện tích đất tự nhiên, tập trung chủ yếu ở vùng miền núi và trung du, thích hợp với cây dài ngày và cây lâm nghiệp. Vùng này rất thuận lợi cho việc trồng các cây ăn quả và công nghiệp lâu năm, đã hình thành các khu chuyên canh cây công nghiệp như mía (Thanh Hóa), chè (Nghệ An), cao su (Quảng Bình), hồ tiêu (Quảng Bình), Cà phê... Vùng có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, nguồn cung cấp nước sạch dồi dào. Hiện có 16 điểm suối khoáng được đánh giá là có thể sử dụng tốt cho an dưỡng, chữa bệnh, giải khát.
2. Những thách thức chủ yếu của nông nghiệp vùng Bắc Trung bộ
Phương thức sản xuất chủ yếu là kinh tế hộ tiểu nông, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán; công cụ và kỹ thuật sản xuất còn lạc hậu; Năng suất lao động Việt Nam còn rất thấp so với khu vực.
Thiếu hoặc thiếu đồng bộ về chủ trương, chính sách, hành lang pháp lý, như quy hoạch phát triển, chính sách về đất đai, tín dụng, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng KH&CN... cho phát triển nông nghiệp công nghiệp của cả nước nói chung và cho vùng BTB nói riêng.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản BTB gặp rất nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu. Thời tiết khắc nghiệt, khô hạn, bão lụt thường xuyên.
Thiếu hụt 3 loại tri thức cơ bản gồm: Tri thức kinh tế và thông tin thị trường. Tri thức KH&CN, các trào lưu phát triển nông nghiệp mới trên thế giới: nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp công nghiệp 4.0; các thành tựu mới của CNSH; các tri thức về đối tượng sản xuất (cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật) và các công nghệ sản xuất phù hợp; các công cụ quan sát, thu thập thông tin mới qua các sensors, GPS,...; các phương pháp phân tích thông tin để quản lý và điều khiển hệ thống sản xuất theo chuẩn quốc tế (Global GAP, EURO GAP,...) và liên kết thị trường toàn cầu. Tri thức kinh tế đối ngoại: Nhiều hiệp định hợp tác quốc tế song phương và đa phương đã được ký kết, mở đường cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống sản xuất nói chung chưa theo kịp để khai thác sức mạnh của kinh tế đối ngoại. Nhận thức và hoạt động kinh tế đối ngoại phục vụ xuất nhập khẩu còn yếu. Khả năng ngoại ngữ và giao lưu quốc tế yếu kém. Trong điều kiện toàn cầu hóa quốc tế hiện nay, kinh tế đối ngoại đóng vai trò quyết định đối với phát triển.
Thiếu hụt các phát minh sáng chế và công nghiệp chế tạo phục vụ đổi mới và phát triển nông nghiệp.
Phát triển công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, du lịch chưa kết hợp với phát triển nông nghiệp: Công nghiệp và đô thị thậm chí đang gây hại cho nông nghiệp, sức khỏe của hệ sinh thái và người dân (tình trạng chiếm đất màu mỡ, phá vỡ cảnh quan, bê tông hóa, ô nhiễm nguồn nước và không khí,...). Đây là lĩnh vực cần sự đổi mới quyết liệt.
3. Hiện trạng phát triển một số sản phẩm nông nghiệp chính vùng Bắc Trung bộ
* Ngành trồng trọt:
- Sản xuất ngành trồng trọt, đặc biệt là sản xuất lúa, mía đường, chè,… của vùng giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành của cả nước, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực cho vùng; đã bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa như: Vùng sản xuất mía đường ở Thanh Hóa; vùng sản xuất chè ở Nghệ An; vùng sản xuất lạc ở Nghệ An, Hà Tĩnh,… Tuy nhiên năng suất cây trồng thấp so với bình quân cả nước; hiệu quả sản xuất ngành trồng trọt còn thấp.
- KH&CN đã góp phần thúc đẩy sản xuất; nhiều giống mới, biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến đã được áp dụng, cơ giới hóa được đẩy mạnh góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản một số cây trồng chính của vùng; Đã có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: mô hình phát triển cây chanh leo của công ty Cổ phần NAFOODS GROUP ở Nghệ An, mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất mía, rau, củ, quả, hoa của Công ty CP mía đường Lam Sơn ở Thanh Hóa...
Hội nghị khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung bộ (tổ chức tại Nghệ An - năm 2018)
- Trình độ sản xuất nông nghiệp hàng hóa chưa cao, chất lượng nông sản chưa đồng đều ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân ở một số nơi còn thấp; Quan hệ sản xuất đang dần được hình thành, một số mô hình liên kết đã được áp dụng như hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp cổ phần (hay doanh nghiệp hợp tác xã),… tuy nhiên thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn.
* Ngành chăn nuôi
BTB có tiềm năng lớn để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc. Những năm gần đây, ngành chăn nuôi bước đầu đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, các tiến bộ về giống, thức ăn đã được nghiên cứu, ứng dụng góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm; đã hình thành được một số vùng chăn nuôi đại gia súc, gia súc quy mô trang trại, gia trại ở các huyện miền núi; đã có một số doanh nghiệp chăn nuôi công nghệ cao, quy mô lớn, thành công trong phát triển sản phẩm chủ lực của vùng.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của vùng chưa phát huy được tiềm năng do ngành chế biến sản phẩm chăn nuôi chưa phát triển, toàn vùng hiện nay mới chỉ có 4 cơ sở/ nhà máy chế biến thịt gia súc giết mổ quy mô 4.000 tấn/năm, còn lại chỉ là cơ sở chế biến nhỏ lẻ, trình độ công nghệ còn hạn chế; chất lượng sản phẩm của ngành chăn nuôi chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, không ổn định, phụ thuộc chủ yếu vào thị trường nội địa. Việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi mới chỉ dừng lại ở một vài cụm chăn nuôi tập trung. Để ngành chăn nuôi phát triển tương xứng với tiềm năng, trong thời gian tới vùng BTB cần tập trung chăn nuôi theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị.
* Ngành lâm nghiệp
Tài nguyên rừng của vùng chỉ đứng sau Tây Nguyên và đây chính là nguồn cung quan trọng về gỗ và lâm sản cho đồng bằng sông Hồng, cũng như đáp ứng một phần lĩnh vực sản xuất gỗ ở nước ta. Ngoài cây luồng Thanh Hóa, BTB còn có nhiều đặc sản dưới tán rừng và tài nguyên động vật phong phú, có giá trị kinh tế; Tính đa dạng sinh học của vùng còn khá cao so với các vùng khác, gần như tỉnh nào cũng có vườn quốc gia.
Sản xuất tre, luồng: cây tre, luồng ở vùng BTB cũng là một trong những loại cây trồng tập trung với diện tích lớn, mang lại nguồn thu cho người sản xuất lâm nghiệp. Hiện nay, cây tre, luồng được trồng nhiều ở BTB cung cấp cho thị trường 85.401 nghìn cây (số liệu năm 2016).
Ngành lâm nghiệp của vùng BTB trong những năm qua đã đạt được những kết quả tốt so với cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng bình quân toàn vùng đạt 55,06%, cao hơn 1,33 lần mức bình quân cả nước. Công tác bảo vệ rừng được thực hiện tốt. Diện tích rừng trồng mới hàng năm tương đối cao, diện tích rừng sản xuất cho hiệu quả kinh tế khá.
4. Triển vọng phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung bộ
4.1. Cơ sở lý luận
* Cơ sở lý luận xét trên góc độ kinh tế
a) Xu thế phát triển kinh tế đang đặt ra yêu cầu đổi mới phương thức sản xuất
Nông nghiệp nước ta đã đạt được những thành tựu ngoạn mục, trở thành một trong 20 quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, nền nông nghiệp nước nhà đang có xu hướng phát triển kịch trần do nền nông nghiệp vẫn trong tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún, dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ với phương tiện và công cụ sản xuất nghèo nàn, lạc hậu. Do vậy, đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa là cấp bách và phải được xem là cốt lõi nhất trong đổi mới kinh tế.
b) Nông nghiệp công nghệ cao đã và đang tạo ra sự bứt phá trong phát triển nông nghiệp
Nông nghiệp công nghệ cao đã trở thành phương thức sản xuất chủ lực ở hầu hết các nước phát triển như Mỹ, Canada, EU, Israel, Nhật Bản, Úc… Đặc điểm cơ bản của nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới là sản xuất dựa trên các thành tựu hàng đầu của công nghiệp, có hàm lượng tri thức cao, tích hợp các công cụ và công nghệ sản xuất hiện đại như công nghệ sinh học (CNSH), cơ giới hóa, thủy lợi hóa, hóa học hóa, tự động hóa, tin học hóa.
Đặc điểm quan trọng khác của nông nghiệp công nghệ cao là sản xuất quy mô lớn, có giá trị hàng hóa cao và lợi nhuận cao. Nông nghiệp công nghệ cao là một phương thức sản xuất cơ bản của thời đại công nghiệp. Nó được hình thành và phát triển cùng với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Mỗi một giai đoạn phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp, có một trình độ phát triển tương ứng của nông nghiệp. Nông nghiệp công nghệ cao hiện đại là phương thức sản xuất dựa trên các thành tựu của các cuộc cách mang 3.0 và 4.0 và CNSH hiện đại.
c) Yếu tố thị trường đã có nhiều thay đổi và tác động trực tiếp đến phát triển
- Sự phân cực kinh tế thế giới: Hiện nay nông nghiệp quốc tế chia làm 2 cực
+ Các nước phát triển bão hòa hoặc dư thừa nông sản, chiếm hầu hết trong tốp 20 nước xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu. Nhưng cũng là các quốc gia nhập khẩu nông sản chủ lực, là những sản phẩm chất lượng và giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp tinh hoa (Thực phẩm dinh dưỡng và an toàn cao; rau hoa quả cao cấp; nông nghiệp hữu cơ; thực phẩm không chuyển gen - Non GMO; thực phẩm chức năng;…).
+ Các nước nghèo với khoảng 2 tỷ người thiếu đói. Thị trường nông nghiệp chủ yếu ở các nước này là lương thực với chất lượng và giá thành trung bình và thấp. Đây cũng là một thị trường nông nghiệp tiềm năng của Xa lộ NN HCM.
- Thị trường nông sản toàn cầu cũng đã có sự chuyển dịch khá rõ
+ Thị trường nông sản quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ, từ 342 tỷ USD năm 2001, lên tới 1036 tỷ USD năm 2016 với 9 mặt hàng nông sản chủ lực. Trong đó, rau quả là ngành hàng chủ lực, đạt 237 tỷ USD năm 2016, chiếm gần 23% tỷ trọng của toàn bộ thị trường nông sản quốc tế; tiếp theo là ngũ cốc, chiếm 14,4%; thủy hải sản chiếm 13,2%. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau quả nhiệt đới, trái mùa và hữu cơ sẽ tăng tại các nước phát triển.
+ Nhiều nước trong số các nước ký hiệp định thương mại tự do với nước ta là các nước nhập khẩu nông sản hang đầu thế giới. Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc là các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
4.2. Xu thế thời đại, thách thức và cơ hội phát triển vùng
a) Bốn dòng chảy của thời đại
Mức độ hội nhập toàn cầu thể hiện qua sự thông thoáng của bốn dòng chảy: Tri thức, Công nghệ, Tiền tệ, Thị trường - Hàng hóa trên thế giới. Sự tích lũy về tri thức, công nghệ, tiền tệ trên thế giới đã tạo ra những dòng thác rất lớn làm động lực cho sự phát triển toàn cầu.
Đây cũng là một cơ hội đầu tư phát triển quan trọng hàng đầu đối với nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta. Nghiên cứu về phát triển, công nghệ cao đường Hồ Chí Minh xuất phát từ tư duy về chọn vùng trọng điểm và tổ chức liên kết sản xuất, tập trung các doanh nghiệp hàng đầu đủ sức mạnh thu hút bốn dòng thác vĩ đại trên đây nhằm tạo ra một vùng nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu khu vực và quốc tế.
b) Phát triển kinh tế dựa trên tri thức
Nguồn lực tri thức, thiết bị và công nghệ chủ yếu nằm trong tay các nước phát triển và là động lực vĩ đại nhất làm thay đổi phương thức sản xuất xã hội. Để việc phát triển nông nghiệp công công nghiệp hóa công nghệ cao hành lang đường Hồ Chí Minh phải tạo ra nguồn lực để thu hút được các chuyên gia hàng đầu, các giống và công nghệ ưu tú nhất trên thế giới.
c) Thách thức bởi sự liên kết chính trị và kinh tế giữa các quốc gia là không thể tránh khỏi và trở thành một thủ đoạn cạnh tranh.
Hàng loạt các các hiệp ước FTA, nhất là hiệp ước TPP là thể hiện xu thế liên kết và cạnh tranh quốc tế. Các nước Mỹ, Nhật, Hàn, Úc, EU, Israel có nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển rực rỡ. Cần tranh thủ cơ hội này để chuyển hóa sức mạnh liên kết chính trị thành sức mạnh liên kết phát triển kinh tế nông nghiệp. Vai trò của nhà nước là giúp cho các vùng nông nghiệp công nghệ cao các nguồn lực quốc tế và thị trường quốc tế.
d) Quan hệ với các nước lớn và khu vực
Trung Quốc vẫn liên tục là nhà nhập khẩu nông sản hàng đầu của Việt Nam (với kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 2,65 tỷ USD, tăng 52,4% so với năm 2016, chiếm 75,7% tổng xuất khẩu rau quả cả nước). Bên cạnh đó, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc là các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam
đ) Thách thức bởi các trào lưu mới trong phát triển NNCNC trên thế giới.
Trong hệ thống sản xuất, đã có nhiều sự thay đổi dựa vào công nghệ đã tạo ra các trào lưu mới, bao quát toàn bộ các mô hình kinh tế mới nổi nhằm tạo giá trị tối đa trong chuỗi sản xuất, cụ thể: Kinh tế sinh học (bioeconomy), kinh tế sinh khối (biomass economy), công nghệ sinh học, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp xanh hay còn gọi là nông nghiệp sinh thái xanh, nông nghiệp hữu cơ..., đó chính là những khái niệm và trào lưu sản xuất mới rất quan trọng đối với phát triển NNCNC trên thế giới.
4.3. Đặc trưng của hành lang Đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung bộ gắn kết với phát triển NNCNH
- Có đầy đủ các yếu tố về điều kiện tự nhiên và xã hội
BTB là một vùng nông nghiệp lớn, hội tụ đầy đủ các ngành sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và kinh tế biển, giao thông thủy, bộ, hàng không thuận lợi. Vùng đất chạy theo 2 bên chiều dọc đường Hồ Chí Minh rất rộng lớn, đất đai phì nhiêu, nhiều sông suối, nước sạch dồi dào, không khí trong lành, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa và sinh thái xanh.
- Có các yếu tố về địa lý - chính trị và an ninh quốc phòng
Đường Hồ Chí Minh chạy dài theo trục xương sống của đất nước, kết nối các vùng núi và trung du của nước ta với nhau và với 2 nước bạn Lào và Campuchia. Đây là vùng đất đai rộng lớn và khá phì nhiêu, đặc biệt là đoạn từ Thanh Hóa đến miền Đông Nam bộ, rất thuận lợi cho phát triển. Khả năng kết nối vùng này với các cảng biển lớn cũng rất thuận lợi cho xuất khẩu.
Khu vực đường Hồ Chí Minh còn là xương sống quốc phòng của nước ta và các nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Nói rộng ra, Khu vực đường Hồ Chí Minh còn là xương sống an ninh quốc phòng của ASEAN.
Phát triển kinh tế vùng ven đường Hồ Chí Minh sẽ làm cho xương sống quốc phòng nước ta trở nên bền chắc. Sức mạnh “công”, “thủ” mang tính chiến lược của khu vực cần phải được tăng cường bằng thực lực kinh tế.
Đoàn công tác của Bộ KH&CN thăm và làm việc tại Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn, Thanh Hoá, Ảnh nguồn most.gov.vn
5. Định hướng phát triển và giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh
5.1. Định hướng
- Xây dựng được các tổ hợp nông nghiệp theo hướng công nghiệp, công nghệ cao, liên hoàn về cấu trúc sinh thái và kinh tế, tăng cường an sinh xã hội và an ninh quốc phòng và sinh thái bền vững trên xa lộ HCM.
- Xây dựng được mô hình liên kết theo chuỗi và theo chức năng: Nông nghiệp tiên tiến thời đại - kinh tế - an ninh quốc phòng bền vững, góp phần đổi mới phương thức sản xuất làm tăng thu nhập kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân và an sinh xã hội.
- Hình thành các thành phố và cụm dân cư nông nghiệp, văn minh, hiện đại, xanh trên trục hành lang đường Hồ Chí Minh: Thành phố sữa, thịt; Thành phố rau quả và nông sản tinh hoa; thành phố NNCN cao và đa dạng sinh học khác biệt với các đô thị công nghiệp.
- Hình thành các Trung tâm công nghệ sinh học sản xuất và dịch vụ giống; trung tâm giáo dục và đào tạo; trung tâm chuyển giao công nghệ và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp.
- Hình thành và phát triển các tổ chức nghiên cứu thích ứng với yêu cầu nhiệm vụ, hình thành các doanh nghiệp KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Phát triển hành lang đường Hồ Chí Minh đảm bảo sự bền vững, gắn với an dân và phát triển độc lập, đảm bảo an ninh quốc phòng bền vững và có tính lan tỏa.
5.2. Giải pháp thúc đẩy phát triển NNCNH hành lang đường Hồ Chí Minh
5.2.1. Lựa chọn sản phẩm chủ lực, có lợi thế phát triển
Các nông sản thương mại chủ lực trên thế giới - UNSTAD đã rà soát đưa ra danh mục các sản phẩm thương mại chủ lực đang được thương mại hóa trên thế giới, cụ thể gồm: Rau quả; Ngũ cốc và các sản phẩm chế biến; Thủy sản: Cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm và các chế phẩm của chúng; Thịt và các sản phẩm chế biến; Cà phê, chè, ca cao, gia vị và các chế phẩm từ chúng; Sản phẩm sữa và trứng; Thức ăn chăn nuôi (trừ ngũ cốc chưa xay); Các sản phẩm khác và các chế phẩm từ chúng; Đường, các chế phẩm từ đường và mật ong; Thực phẩm chức năng; Thực phẩm dinh dưỡng; Máy và công nghệ nông nghiệp; Hạt giống, cây giống. Về sản phẩm nông sản hiện có 7 loại mặt hàng chủ lực trên thế giới, trong đó, rau quả là sản phẩm chiếm thị phần lớn nhất và cũng là sản phẩm nông sản có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu nhanh nhất.
Về khuynh hướng tiêu dùng trên thế giới: Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu toàn cầu, rau quả và thủy hải sản chiếm thị phần lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất. Xu hướng tiêu dùng mới nổi lên bao gồm các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, thực phẩm chức năng và thực phẩm dinh dưỡng.
Một số sản phẩm nông - lâm nghiệp - dược liệu chủ lực, có lợi thế phát triển:
- Sản phẩm rau quả: Tập trung vào phát triển cây ăn quả chất lượng cao, cây có múi không hạt; một sô loại rau củ phù hợp với vùng.
- Sản phẩm cây lâm nghiệp: Tập trung vào một số loại cây có năng suất cao (Thông nhựa, Thông mã vĩ, keo,...); cây công nghiêp dài ngày có giá trị cung cấp gỗ lớn cho năng suất, chất lượng cao cho các loài cây trồng rừng chủ lực như các loài keo, bạch đàn, Huỷnh, Sao đen, Giổi xanh...
- Sản phẩm chăn nuôi: Tập trung hướng đến đối tượng vật nuôi có thế mạnh và có khả năng mở rộng địa bàn.
- Sản phẩm dược liệu: Trong đó chú trọng phát triển một số loài dược liệu quí dưới tán rừng; dược liệu có nguồn gen đặc trưng của vùng.
5.2.2. Đề xuất các giải pháp để phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung bộ
a. Giải pháp về chính sách
Vấn đề đặt ra là cần phải được nghiên cứu để có chính sách đồng bộ từ trung ương đến địa phương nhằm tạo cú huých thu hút được các nhà đầu tư cũng như tháo gỡ cho người dân nhằm phát huy được tiềm năng của trục đường, nhất là chính sách khuyến khích các nhà đầu tư sản xuất sản phẩm cơ lợi thế của vùng.
b. Giải pháp về quy hoạch và phát triển hạ tầng
- Sớm lập quy hoạch phát triển NNCNH hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung bộ và được cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở cho các địa phương có căn cứ để điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội của từng tỉnh nói chung. Trước mắt cần rà soát, bố trí lại cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm tạo thành sự liên kết nông nghiệp - chế biến - dịch vụ thị trường trên địa bàn vùng; xây dựng vùng chuyên canh trồng, cây dược liệu, rừng kinh tế, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung để ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.
- Cần triển khai xây dựng Đề án “Phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa xa lộ đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung bộ” và trình cấp thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.
c. Giải pháp khoa học và công nghệ
- Lựa chọn doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư ứng dụng, đổi mới công nghệ mới trong chế biến, bảo quản nông sản, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp
Làm chủ các công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại và đồng bộ theo chuỗi giá trị, nhất là các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có khả năng phát triển thành vùng hàng hóa tập trung. Đổi mới công nghệ chế biến tại các nhà máy chế biến trong vùng nhằm năng cao năng lực chế biến, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị (xây dựng các nhà máy chế biến ở các tỉnh trọng điểm sản xuất hồ tiêu, cà phê, cao su, nguyên liệu giấy, thủy hải sản,…).
Khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng các cơ sở chế biến vừa và nhỏ ở các địa phương để thu gom sơ chế, làm vệ tinh cho các nhà máy chế biến trong vùng; hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao với quy mô vừa làm dịch vụ sản xuất giống kết hợp chế biến nông sản chất lượng cao.
- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi
+ Đối với lĩnh vực trồng trọt
Nghiên cứu chọn tạo giống và công nghệ sản xuất giống cây trồng có năng suất cao và chất lượng phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, chống chịu điều kiện bất lợi, tập trung vào các cây trồng có lợi thế cạnh tranh: lúa gạo, cây ăn quả, cây trồng có tiềm năng phát triển:mía, hồ tiêu, cà phê, chè; các cây trồng thay thế nhập khẩu: ngô, đậu tương; chuyển đổi diện tích trồng trọt có hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả, trồng cỏ nuôi bò.
Nghiên cứu đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất các loại cây trồng mới được chọn tạo ở từng vùng sinh thái, ưu tiên nghiên cứu các biện pháp tiết kiệm đầu vào, tăng hiệu quả, thân thiện môi trường và bền vững.
Xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thâm canh tăng năng suất, sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi giá trị cho các đối tượng chủ lực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm chi phí đầu vào. Nghiên cứu xây dựng quy trình trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn và cây lâm sản ngoài gỗ đạt hiệu quả kinh tế cao. Nghiên cứu ra các chế phẩm sinh học, tác nhân phòng trừ sinh học sử dụng trong trồng trọt, bảo vệ thực vật và môi trường.
+ Đối với lĩnh vực chăn nuôi: Nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao, giống thích ứng với biến đổi khí hậu. Phục tráng và phát triển một số vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao. Nghiên cứu ứng dụng quy trình công nghệ mới tiên tiến ưu tiên công nghệ cao nhằm tăng năng suất, tăng hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Nghiên cứu xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất sản phẩm chăn nuôi.
+ Lĩnh vực thủy sản: Nghiên cứu, chuyển giao các quy trình công nghệ nuôi các đối tượng cá nước lạnh, có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường của vùng. Thúc đẩy phát triển nuôi thủy sản trên hồ chứa một cách bền vững.
+ Bảo tồn, khai thác bền vững lâm nghiệp và các loại lâm sản ngoài gỗ. Cải thiện sinh kế cho cộng đồng gắn với bảo vệ và phát triển rừng sẽ là giải pháp quan trọng đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng cao, nơi có dân số là người nghèo và người dân tộc thiểu số sinh sống bên trong hoặc gần các khu rừng tự nhiên.
+ Đối với lĩnh vực sản xuất dược liệu: Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm khai thác, phát triển nguồn dược liệu quý, ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học trong việc trồng, bào chế thuốc phục vụ sản xuất các loại thuốc mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ khâu nuôi trồng, khai thác và chế biến, sử dụng dược liệu trong sản xuất thuốc, chữa bệnh và các ngành khác (sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, công nghiệp chiết xuất).
+ Lĩnh vực cơ điện, công nghệ sau thu hoạch: Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thiết bị sơ chế, bảo quản và chế biến sâu một số sản phẩm chủ lực của vùng nhằm năng cao chất lượng. Nghiên cứu, hoàn thiện thiết kế, công nghệ chế tạo mày, thiết bị phục vụ cơ giới hóa, tự động hóa.
+ Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao để tạo và nhân nhanh giống mới; tạo ra các chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Phát triển quy trình công nghệ thâm canh tổng hợp và tự động hóa để tạo ra các sản phẩm an toàn có hiệu quả kinh tế cao.
+ Lĩnh vực kinh tế, chính sách và quản lý: Nghiên cứu chính sách phát triển thị trường, chuỗi giá trị nông sản. Nghiên cứu, đề xuất chính sách và thể chế nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển các hình thức liên kết, hợp tác, xã hội hóa dịch vụ trong nôn nghiệp nông thôn.
d. Xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Xây dựng, quản lý, bảo vệ và phát triển thương hiệu góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong đó ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, đặc thù, có tiềm năng xuất khẩu. Tăng cường công tác tiếp thị, hội chợ triển lãm nhằm quảng bá các sản phẩm có khả năng xuất khẩu trong vùng. Xúc tiến nghiên cứu, đăng ký thương hiệu sản phẩm hàng hóa trên thị trường quốc tế như các sản phẩm: bưởi Phúc Trạch, cam Xã Đoài, lạc, cà phê Hướng Hóa, tiêu Tân Lâm,…).
Kết hợp đầu tư công nghệ kết nối thông tin, kiểm soát chất lượng trong việc xây dựng các chợ đầu mối để làm nơi giao lưu trao đổi hàng hóa nông sản, trao đổi thông tin đầu vào - đầu ra ở những vùng có sản phẩm hàng hóa tập trung, trước mắt cần ưu tiên bố trí xây dựng ở những trung tâm huyện lỵ, thị xã ở các tỉnh trong vùng.
Xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ việc khai thác thị trường trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản. Chủ động hợp tác, khuyến khích các thành phần, tổ chức kinh tế tham gia thiết lập các mạng lưới kết nối tự động trong việc thu mua trực tiếp từ nông dân, bao tiêu sản phẩm nông sản hàng hóa, gắn chế biến với tiêu thụ sản phẩm.