“Chín con Ếch”, từ truyện cổ tích đến truyện thơ Thái
Quán Vi Miên
3/11/2023
1. Mở đầu 1.1. “Truyện cổ tích (d) là truyện cổ dân gian phản ánh cuộc đấu tranh trong xã hội, thể hiện tình cảm, đạo đức, mơ ước của nhân dân, về hình thức thường mang yếu tố thần kì, tượng trưng và ước lệ. Truyện “Tấm Cám” là một truyện cổ tích (1).
1.2. “Truyện thơ (d) là truyện viết bằng thơ” (2). “Truyện thơ” chúng tôi đề cập trong bài viết này là “truyện thơ dân gian Thái”. “Truyện thơ Thái” (nói gọn) có những tác phẩm rất nổi tiếng như: “Tiễn dặn người yêu”, “Chàng Lú - Nàng Ủa”, v.v. “Chín con ếch” (3) vừa là một truyện thơ, vừa là một truyện cổ tích (có nhiều dị bản). Từ truyện cổ tích đến truyện thơ là cả một “bước tiến” về thể loại.
2. “Chín con ếch”, từ truyện cổ tích đến truyện thơ
2.1. Cốt truyện
Xưa, ở vùng Ét Nà Pa (thuộc tỉnh Điện Biên) có anh Bun Phòng, lấy Nàng Pong, sinh được người con gái tên là Cáy (gà). Nàng Pong chết, anh lại lấy chị Lún (ở bản Đán Ten Luồng), góa chồng, có một người con gái tên là Pết (vịt). Ban đầu cuộc sống chung êm ấm. Cho đến một hôm, Bun Phòng đi cày, Cáy đi theo cha để bắt ếch. Nhưng cái giỏ bị thủng, người cha 9 lần bắt ếch trao cho con, thật ra đó chỉ là 1 con. Ông bảo Cáy đem ếch về cho mẹ (dì) nấu ăn để cùng mời mọi người xung quanh nữa (vì được nhiều ếch). Lún thấy chỉ được 1 con ếch, nên đem kẹp gắp tre, nướng trên than, gói vào gói cơm bảo Cáy đem ra đồng cho chồng ăn. Bà chỉ ăn phần thịt ếch dính vào gắp tre (pét híp) mà thôi. Từ “pét híp” trong tiếng Thái có 2 nghĩa: (1) phần thịt nướng dính vào gắp tre; (2) 8 gắp nướng. Bun Phòng cho là vợ tham ăn, một mình ăn 8 gắp ếch nướng; và chỉ để cho mình 1 con ếch, nên rất tức giận. Về nhà, ông dùng thuổng (mai) giết vợ, sai Cáy và Pết đem xác mẹ (dì) thả trôi sông. Ông trời thấy thương, hóa kiếp cho Lún thành Da Bái Da Bôm (thần). Một hôm Pết đi chăn vịt, đến một nơi có vườn mía và gặp Da Bái Da Bôm (chính là Lún, mẹ Pết). Pết bắt chấy cho bà, phát hiện ra vết sẹo trên đầu bà và hai mẹ con nhận ra nhau. Người mẹ (Da Bái Da Bôm) đưa cho con nhiều đồ trang sức và làm cho con đẹp hẳn ra. Rồi đến một năm đói kém, Bun Phòng muốn “loại” Pết đi để “bớt” miệng ăn, nên đã đem em vào bỏ lại trong rừng. Ở trong đó, Pết gặp Hổ, em van xin, Hổ không ăn thịt em, chỉ bắt con chó đi. Hổ lại cho em trang sức quý. Pết tìm đường ra khỏi rừng và đến mường Chăm Pa. Ở đây Pết gặp Khun Chương (Phìa/Tạo/Chủ mường) và hai người kết duyên. Nhớ cha dượng, Nàng Pết đã trồng một gốc bầu, ngọn nó bò đi xa, đến tận chỗ nhà của Bun Phòng, leo lên nhà, quấn đổ chõ xôi. Bun Phòng quyết tìm đến tận gốc bầu để xem lý do vì sao. Đến đây ông đã gặp lại Pết, lúc này đã là Nàng Mường giàu có và quyền lực. Ông về, kể lại cho Cáy nghe về Pết. Cáy đến thăm Pết, nẩy sinh ý đồ giết Pết để “cướp chồng”. Cáy bảo Pết trèo lên cây bồ quân hái quả. Hắn ở dưới gốc chặt đổ cây, làm Pết chết, hóa thành con chim cu xanh. Con chim biết nói. Khun Chương biết đó là vợ mình, đón chim về nhà. Cáy giết chim, gói vào lá nướng trong bếp. Có bà lão ở gần đó lại xin thắp lửa nhà Khun Chương. Bà thắp lửa và lấy trộm gói chim nướng về, cứu Nàng Mường sống lại. Bà lão lại sang nhà Khun Chương xin mượn khung cửi về cho Nàng dệt. Đứa con của Nàng là Quốc (chim cuốc) đi chơi, do nhặt thoi cho bà lão mà nhận ra mẹ (ở trên nhà bà), về nói lại với cha (Khun Chương). Khun Chương tìm cách lại nhà bà để gặp vợ. Chàng tổ chức chọi trâu ở sân nhà bà lão làm sập nhà bà, phải sửa lại nhà cho bà. Trong buổi mừng nhà mới của bà lão, uống rượu cần, chàng ngồi dựa lưng vào cái Bem (hòm mây tre), bên trong có Nàng Pết. Nàng đã lấy kim chọc vào lưng chàng, khiến chàng phải quay lại mở Bem ra xem. Vợ chồng gặp lại nhau. Cáy trở nên trơ trẽn vô cùng, muốn đẹp như Nàng Pết để may ra chiếm được cảm tình của Khun Chương. Pết bảo Cáy muốn đẹp thì phải tắm nước sôi. Truyện kết thúc giống như truyện Tấm Cám của người Kinh: Pết gửi mắm Cáy về cho cha dượng ăn. Đó là cốt truyện chính, chúng tôi lược đi nhiều chi tiết để cho truyện gọn lại.

Ảnh minh họa
2.2. Chi tiết
“Chín con ếch” thuộc kiểu truyện “dì ghẻ con chồng”, có nhiều dị bản. Giữa truyện cổ tích và truyện thơ, có những chi tiết khác biệt đôi chút. Chi tiết người chồng đâm (giết) người vợ thì trong truyện cổ tích nói: “Người cha đang mài xẻng soàn soạt, các con hỏi: ‘Mài xẻng làm chi bố?’. Người cha đáp: ‘Mài xẻng đâu đầm (đâm đầu) mẹ mày!’. Mài xong, người chồng bảo người vợ xuống sàn lấy trứng vịt trong chuồng. Người vợ đang cúi đầu, thò tay vào trong chuồng lấy trứng, thì người chồng ở trên nhà thò xẻng xuống, đâm đầu người vợ toạc một miếng, máu chảy ròng ròng. Phần bị đau, phần quá giận, người vợ hóa thành con Nhả Hảng (đười ươi), bỏ chạy vào trong rừng” (4).
Người cha đi chợ (buôn bán), bảo các con ở nhà “nhớ thương cha thì lấy chậu hứng nước mắt”. Đó là truyện thơ. Còn trong truyện cổ tích thì “hứng nước mắt vào máng lợn” (5). Chi tiết này “cổ” hơn, “đắt” hơn.
Chi tiết người con (Pết) gặp lại mẹ (Lún) cũng có sự khác biệt: Trong truyện thơ, người con gặp lại mẹ (lúc này là Da Bái Da Bôm), khi đi chăn vịt, ở vườn mía (người con vào bẻ mía trộm); còn trong truyện cổ tích thì gặp khi người con bị bỏ lại trong rừng. Người con gặp Nhả Hảng, sợ quá, xin đừng ăn thịt, xin bắt chấy cho “bà” mà nhận ra mẹ. Nhả Hảng đưa cho Pết một cây gậy quế và một bó lá dong. Cậy gậy quế hóa thành chồng, gọi là Tạo Quẻ (trong truyện thơ là Khun Chương), bó lá dong hóa thành nhà cửa, của cải, trâu bò, v.v (6).
Chi tiết người cha dượng đến nhà con, trong truyện cổ tích “thảm hại” hơn. Pết bắc thang bạc thang vàng cho ông lên, bị ngã gẫy chân. Phải bắc thang gỗ. Pết bày ghế bạc ghế vàng cho ông ngồi, bị sụp gẫy đốt xương cụt. Phải bắc ghế gỗ. Pết dọn đũa bạc đũa vàng cho ông ăn, bị gẫy mất hai cái răng cửa. Phải dọn đũa tre (7).
Người cha trở về nhà, kể: “Pết bây giờ đã trở thành Nàng Mường giàu có và quyền lực”, khiến Cáy (chị) muốn đến thăm (em). Đó là trong truyện thơ. Còn trong truyện cổ tích thì, vì Pết gửi cha dượng đem quà về cho Cáy, gồm: “1 gói tro, 1 gói ong, 1 gói cứt”; bảo “vào trong màn mới mở”. Cáy bị một “cú lừa”, “người chị tức lắm, lần theo ngọn bầu lại nhà em gái” (8). Đến nhà em, Cáy thấy em rể đẹp, muốn lấy làm chồng, liền nghĩ ra cách giết em (Pết) .
Giết xong Pết, Cáy “đóng vai” làm vợ Khun Chương. Trong truyện cổ tích có chi tiết hay: Khi nấu ăn, Cáy phải hỏi: “Muối ở đâu, cối giã chẻo (món xúp) ở đâu?”. Người ta nói: “Đấy, sao bảo là mẹ các cháu, mà thứ gì cũng hỏi?”. Hắn đáp: “Quên mất mà!”. Đến tối đi ngủ, nghe trẻ con nói: “Mẹ ta thường không ngủ với ta, khi nào cũng ngủ ở dưới đó (dưới gầm sàn)” (9). Thế là Cáy xuống ngủ dưới gầm sàn. V, v.
Cuối cùng, truyện thơ có phần “vĩ thanh”, mà trong truyện cổ không có. Đó là lời khuyên với mọi người: “Hỡi con người sống trên trần thế!/ Sự việc này ghi nhớ đời đời/ Thấy người đẹp chớ mà ghen tị/ Chớ giết vợ để cướp chồng người/ Trời cao xanh sắp đặt duyên số/ Chớ lừa dối, quanh co, gian ác/ Người tốt thì trời ban phúc lành/ Kẻ xấu ác thẳng tay trừng trị/ Đến cuối đời trả giá mà thôi/ Như truyện Cáy – Pết xưa truyền lại (câu 1686 - 1695).
2.3. Bước tiến
Nếu truyện cổ tích không “giới thiệu nhân vật” đầy đủ, thì truyện thơ đã “nói rõ gốc tích”: “Có Bun Phòng nghèo khó trong mường/ Quê chàng ở tận Ét Nà Pa/ Đi tìm hiểu nàng Pong xa ấy/ Kết số duyên về chung một nhà/… Vận may sinh con gái đầu lòng/ Yêu thương đặt tên cho là Cáy (gà) (câu 4 - 10). Nàng Pong không may ốm chết. Bun Phòng nói: “Cha sẽ đi tìm người mẹ kế/ Về xây cửa dựng nhà nuôi Cáy”/ Chàng đi dọc sông Mã đi lên/ Đi đến nơi bản Đán Ten Luồng/ Số may gặp chị Lún góa bụa/ Có con gái đặt tên là Pết (vịt) (câu 45 - 50).
Cáy lừa Pết, làm hại Pết một cách “có hệ thống”. Từ chỗ đánh tráo giỏ cá, đến
chỗ đánh tráo gánh củi, rồi đánh tráo cả “chậu nước mắt”. Bun Phòng đi buôn xa, bảo các con ở nhà “nhớ thương cha thì hãy lấy chậu hứng nước mắt”. Pết khóc, chậu đầy. Cáy không khóc, hứng nước đái trâu thay vào. Khi cha về, nó bảo Pết đi đón cha, để đánh tráo chậu. Cha kiểm tra, thấy chậu Pết là nước đái trâu, nên ghét Pết (!). Vì Cáy lừa Pết “có hệ thống”, nên Phòng cũng ghét Pết “có hệ thống”. Thật ra thì Phòng cũng bị Cáy lừa mà thôi! Đỉnh điểm Phòng ghét Pết là việc Phòng đem Pết vào bỏ trong rừng cho chết!
Truyện thơ đã nói đến tâm lý nhân vật. Đây là điều mà truyện cổ tích chưa có. Đây là đoạn nói Bun Phòng đi buôn: “Tiếng Khảm Khắc vọng vào giấc ngủ/ Côn trùng kêu ri rỉ đêm khuya/ Bình minh dậy véo von vượn hót/ Mắt nhìn xa rừng núi âm u/ Lòng người đi buồn nẫu ruột gan/ Như nàng Ủa cách xa chàng Khun Lú/ Nương hoang mọc ngọn rau mơn mởn/ Đã qua bao mùa lúa chín vàng?/ Một mình đi quạnh hiu đường vắng/ Qua suối sông, đồi núi trập trùng/ Biết bao nhiêu đèo cao, núi thấp/ Biết bao nhiêu rừng thẳm, đồng quang” (câu 627 - 638).
Hay là tâm trạng Khun Chương khi mất vợ: “Khun Chương cũng nhận ra không phải vợ/ Ôm lấy con bé nhỏ thương yêu/ Chàng buồn rầu đặt câu hỏi “tại sao?”/ Đêm con trai càng buồn nhớ mẹ/ Mong mỏi nằm chờ mẹ trở về/ Khun Chương cũng mong chờ mỏi mắt/ “Nàng ở đâu, chuyện gì đã xẩy ra?/ Nàng còn sống hay là đã chết?” (câu 1277 - 1284).
Hay tâm trạng của Pết, khi bị giết, hóa thành chim: “Người ta hiểu tiếng chim muốn bảo:/ “Tạo Khun Chương có được khỏe không?/ Mọi người có nhớ “Nàng” không vậy?/ Bé Quốc ta có được ngoan không?/ Có người chăm dạy dỗ hay chăng?”/ Nghe chim “nói” ai cũng buồn rầu/ Tiếng nó sao mà nghe khác lạ:/ “Có ai dệt khung cửi ta không?/ Có người búi tóc độn ta không đó?/ Có ai hôn con nhỏ của ta? Tạo Quốc có nhớ thương khóc mẹ?/ Tạo Khun Chương có nhớ vợ hay không?/ Dân mường bản có nhớ ta không đấy?” (câu 1308 - 1320). “Cả gà lợn có ai chăm không vậy?/ Trên cửa nhà có ai quét dọn chăng?” (câu 1353 - 1354). Và tâm trạng của Khun Chương: “Khun Chương nghe mủi lòng nhớ vợ/ Nước mắt rơi ngực áo đầm đìa/ Nhớ thương vợ vô cùng vô tận/ Nhớ từ khi nàng bị bỏ trong rừng…/ Tưởng duyên số dài lâu hạnh phúc/ Mà bây giờ lại ra nông nỗi này!/ Nàng hóa kiếp thành con chim gáy” (câu 1355 - 1361). Khun Chương đón chim (Pết/Nàng Mường) về, tâm trạng của Pết khi đó, nhìn: “Bé Quốc không mẹ chăm, lấm bẩn/ Mặt mũi thì nhễ nhại mồ hôi/ Thương con quá, chim liền cố gắng/ Mổ mổ, lau lau mũi, mắt ghèn… (câu 1395 – 1398).
3. Kết luận
“Chín con ếch” là truyện cổ tích khá phổ biến ở vùng người Thái. Đây là truyện cổ tích nằm trong loạt truyện về chủ đề “dì ghẻ con chồng”. Nó có nhiều dị bản. Cốt truyện cơ bản giống nhau, như truyện Tấm Cám của người Kinh. Nhưng chi tiết thì có nhiều sự khác biệt, tùy vùng. Chính điều này cũng đã làm tăng sức hấp dẫn của nó. “Chín con ếch” không chỉ có truyện cổ tích, mà người Thái còn có cả truyện thơ dân gian. Từ truyện cổ tích đến truyện thơ là cả một bước tiến về thể loại. Tâm lý nhân vật được chú ý hơn, cả lai lịch nhân vật cũng giới thiệu đầy đủ hơn. Cái kết của truyện được nhiều người trao đổi lại. Chúng tôi cho rằng sự trả thù của Pết (trong Tấm Cám là Tấm), mang tính dân gian, mang tính chân lý, rằng, trong cuộc đấu tranh một mất một còn thì không thể nào khác được.
Chú thích
(1) Hoàng Phê (chủ biên) (1997), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng & Trung tâm Từ điển học, tr. 1018
(2) Hoàng Phê (chủ biên), Sđd, tr. 1018
(3) Vi Hoàng Sương (sưu tầm và thực hiện), Cẩu tô cốp (9 con ếch), Truyện thơ dân gian dân tộc Thái, Thư viện tỉnh Điện Biên, số hiệu: ĐC/S - 398.2.
(4) Quán Vi Miên (2016), Văn hóa dân gian Thái vùng sông Nặm Pao, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, truyện “Chim cuốc cuốc”, tr. 304.
(5) Quán Vi Miên, Sđd, truyện “Chim cuốc cuốc”, tr. 305 - 306.
(6) Quán Vi Miên, Sđd, truyện “Chim cuốc cuốc”, tr. 307.
(7) Quán Vi Miên, Sđd, truyện “Chim cuốc cuốc”, tr. 309.
(8) Quán Vi Miên, Sđd, truyện “Chim cuốc cuốc”, tr. 310.
(9) Quán Vi Miên, Sđd, truyện “Chim cuốc cuốc”, tr. 311.
Tài liệu tham khảo
(1). Lò Văn Cậy (sưu tầm, biên soạn), Đinh Văn Ân (dịch) (1993), Hiến Hom - Cầm Đôi, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
(2). Lò Ngọc Duyên (sưu tầm và dịch) (1999), Ý nọi - Nàng Xưa, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
(3). Lương Thị Đại (sưu tầm và dịch) (2010), Tạo Sông Ca - Nàng Si Cáy, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
(4). Lê Thị Hiền (2013), “Khảo sát và nghiên cứu một số truyện thơ tiêu biểu của người Thái ở Việt Nam”, Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội.
(5). Nguyễn Thị Huế (chủ biên) (2012), Từ điển tipe truyện dân gian Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội.
(6). Lò Bình Minh (2005), “So sánh truyện thơ ‘Hiến Hom - Cầm Đôi’ với truyện cổ tích cùng tên”, Tạp chí Suối reo (Sơn La), số 6, tr. 56 - 61.