Từ một cuộc gặp gỡ họ Nguyễn Khắc Nghĩ về gia tộc họ hàng
Nguyễn Khắc Phê
16/10/2023
Họ Nguyễn Khắc chi phái Hương An (huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh) năm nào cũng có “phái đoàn” sang Nam Đàn dự lễ Giỗ Tổ, nhưng năm 2022 vừa qua, đã tổ chức một cuộc gặp gỡ đông đúc chưa từng có vào dịp Lễ Vu Lan. Có thể nói đây là buổi gặp gỡ “lịch sử” của gia đình chúng tôi tại quê nhà vì đồng thời với việc khánh thành các công trình tôn tạo quanh nhà thờ đại tôn họ Nguyễn khắc chi phái Hương An là lễ giỗ Ông Bà nội của tôi. Nói là “lịch sử” vì 69 năm - kể từ 1953, đến 2022, gia đình chúng tôi mới có điều kiện tổ chức lễ giỗ Ông Bà nội của mình tại quê nhà - làng Gôi Mỹ, xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, có đầy đủ “9 cửa” con cháu nội ngoại về dự.
Có lẽ vì thế, sau khi nghe cháu Minh Biên trình diễn bài hát - dù đã quen thuộc với cả triệu người“Quê hương là chùm khế ngọt cho ta trèo hái mỗi ngày…”, cô giáo Dư Khánh (cựu sinh viên từng nhiều lần lên sân khấus Đại học Sư phạm Vinh) từ TPHCM ra đã phải thốt lên: “Chưa lúc nào cô nghe Minh Biên hát hay như thế!”
Còn tôi, khi tưởng đến những hình ảnh bài hát nhắc đến như “cầu tre nhỏ” với “con đò nhỏ”… nối đôi bờ sông Phố - một bên chợ Gôi, bên kia chợ Choi nay chỉ còn trong ký ức vì đã có cầu bê tông Mỹ Thịnh vững chãi thay thế; tôi bỗng nhớ những lời B.S Nguyễn Khắc Viện (BSNKV) đã viết từ trời Tây xa xôi hơn sáu chục năm trước:
“… Lúc nhỏ ở quê, sau lớn lên, dù học ở đâu, cứ đến hè là được về quê chơi. Nhóm chúng tôi, anh em con chú, con bác, tha hồ chạy nhảy, bôi nhựa mít đưa lên cao để bắt ve sầu. Chiều chiều rủ nhau đi tắm sông, nước sông Ngàn Phố trong suốt nhìn thấy tận đáy. Lúc học ở Pháp, mấy anh em người Hà Tĩnh cùng nhau trò chuyện, nao nao nhớ cảnh quê nhà:
… Đêm khuya nghe giọng ai hò,
Nhớ sông Ngàn Phố, nhớ đò chợ phiên.
Nói đến quê hương là nói đến cảnh sống chung, cảnh sống cộng đồng, họ hàng gắn bó thân thiết…” (Trích từ Hồi ức “Ước mơ & Hoài niệm” của Nguyễn Khắc Viện - NXB Trí thức, 2017)
Trong sách đã dẫn, BSNKV không chỉ nhớ lại nỗi niềm riêng lúc xa xứ mà còn bày tỏ chính kiến cùng nỗi lo lắng về vấn đề khá hệ trọng liên quan đến “lễ nghi” và đạo đức của toàn xã hội:
“… Một xã hội văn minh lúc nào cũng có lễ, một xã hội vô lễ tức là đang còn ở trình độ thú vật. Một xã hội mà lễ nghi tan rã, mất hết kỷ cương, thì trở lại tính thú vật […] Mặt hay của nó là tạo ra xã hội có quy củ, trật tự, nhưng mặt dở của nó là ràng buộc con người vào một nếp khó tháo gỡ […]
… Đối với thế hệ chúng tôi, tình cảm quê hương họ hàng sâu sắc như vậy. Sau khi thế hệ này qua đi, thế hệ trẻ lớn lên, tình cảm quê hương họ hàng này có còn hay không? Và có nên chủ trương cố gắng giữ lại hay không? Đây là một câu hỏi đặt ra đối với các nhà sử học, xã hội học…
Theo kinh nghiệm các nước Tây Âu đã công nghiệp hóa, như ở Pháp chẳng hạn, tình cảm họ hàng đã tan rã hết…”
Hình như đây là “câu hỏi”, là nỗi ưu tư của không ít người còn nặng lòng với quê hương, dân tộc. Cho đến hôm nay, riêng với đại gia đình Ông Bà nội của tôi, trong buổi mờ sáng Lễ Vu Lan, khi đứng bên cổng nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Khắc chi phái Hương An nhìn ra cánh đồng xanh ngắt lúa vụ thu trải tận khu Nghĩa trang Chò Rú và chùa Bục Bục nay đã được tôn tạo khang trang, tôi đã tìm thấy câu trả lời. Điều hiển nhiên ai cũng thấy là công trình tôn tạo khu nghĩa trang gia tộc Chò Rú và nhà thờ Đại tôn nơi tôi đang đứng do Nguyễn Chí Linh, Tổng giám đốc Công ty LiOa chủ trương và tài trợ chính, là bằng chứng “thế hệ trẻ lớn lên, tình cảm quê hương họ hàng” - vẫn còn sâu đậm. Nhà thờ đã được Ủy ban nhân dân Hà Tĩnh cấp bằng “Di tích lịch sử văn hoá”, nên việc tôn tạo cũng đã được Sở Văn hoá Hà Tĩnh xem xét và phê duyệt. Linh là chắt nội ông tôi, con trai G.S Nguyễn Khắc Phi, hơn chục năm qua đã đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng các công trình ở quê hương và họ tộc. Tuy vậy, trong buối sáng yên tĩnh này, khi hình ảnh đàn trâu béo múp đủng đỉnh đếm bước trên con đường vừa được đổ bê tông dẫn lên núi kiếm ăn chưa xuất hiện, có thêm một “bằng chứng” không đo đếm được bằng giá trị vật chất mà thật đáng quý: Đó là chiếc ô tô lầm bụi đỗ xịch trước cổng nhà thờ vừa được mở. Nhóm người ngồi trên xe chưa vội bước xuống, có thể do căng thẳng sau chặng đường dài và có khi vì ngỡ ngàng trước khung cảnh nhà thờ vừa được tôn tạo. Tôi bước tới cửa xe, không nhận ra ai quen biết, nhưng khi nghe giọng nói không giấu được vẻ mệt mỏi: - “Cháu là Uyên, con mẹ Trang… Bọn cháu chạy suốt đêm về đây…” thì lòng tôi tràn dâng nỗi xúc động. Trời đất! Trang từng là cô giáo dạy thể dục một trường ở Hà Nội, lúc còn nhỏ ở quê gọi là Sửu, là con gái út chủ ruột tôi, vừa qua đời trước lễ giỗ này mươi hôm ở tuổi 87! Trang là nguyên mẫu một nhân vật rất sinh động trong tiểu thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường” của tôi xuất bản năm 2009 từng được giải thưởng trong một cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Thế hệ “chắt” không còn mang họ Nguyễn Khắc, lại vừa lo tang mẹ, mà vẫn vượt 600 km về giỗ cố ngoại như Uyên thật là quý hiếm.
Bốn anh em trai (từ phải sang): GS Nguyễn Khắc Dương, BS Nguyễn Khắc Viện, GS Nguyễn Khắc Phi và nhà văn Nguyễn Khắc Phê (năm 1996). Ảnh Internet
Cũng thuộc thế hệ “chắt ngoại”, Phan Kim Hiền đã được nêu gương tại buổi lễ trang trọng. Mẹ Hiền là chị cả của Trang; cả hai chị em và cả Hiền nữa, thuộc loại “hoa hậu” những làng quê ven sông Phố. Nhiều năm qua, Hiền như là một “nội tướng” lo mọi lễ cúng giỗ trong gia tộc và đặc biệt, cháu là người chủ xướng (với sự giúp đỡ về khâu sao chêp, khắc ghi chữ Hán của G.S Nguyễn Khắc Phi) và lo toàn bộ chi phi, chế tác xây lắp tấm bia đá 100% đúng như tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu Hà Nội có ghi tên ông Tổ họ Nguyễn Khắc về dựng tại nhà thờ Tổ ở Nam Đàn trong dịp nhà thờ được Tỉnh Nghệ An công nhận là Di tích lịch sử và văn hoá (năm 2018). Tấm bia bằng đá Thanh nặng đến 7 tấn, chỉ riêng việc chuyên chờ về Nam Đàn, làm móng và dựng lên đã biết mấy là công phu; đặc biệt mặt sau bia được phiên âm chữ Quốc ngữ…
Hội tụ gia tộc họ Nguyễn Khắc, sao lại ca ngợi “người đẹp” họ Phan? Ở đây, xin được mở ngoặc (…) nhắc lại một bài viết hơn chục năm trước, nhân ngày Xuân nói chuyện họ hàng, tôi đã dẫn ý kiến của một tiến sĩ nông học rằng: cần thay đổi quan niệm chỉ coi trọng họ nội, vì mỗi con người ra đời, đơn thuần về mặt sinh học, họ nội 50% và họ ngoại 50%; nếu tính đời tiếp sau thì phải nhớ ơn đến 4 dòng họ… Anh tôi, Nguyễn Khắc Dương, hiện đã lên tuổi 98 cũng đã có lần nhắc đàn em là nên nhớ, “hôm nay chúng ta có được những gì là còn nhờ “gène” họ Đinh. Họ Đinh Nho còn danh giá hơn họ Nguyễn Khắc ta đó!” Từ triều Lê họ Đinh Nho đã có Đinh Nho Công đậu tiến sĩ năm 1670; 30 năm sau, năm 1700, có Đinh Nho Hoàn đậu đệ nhị giáp tiến sĩ (gọi là Hoàng Giáp) và năm 1875, Đinh Nho Diễn cũng đã đậu tiến sĩ… Thời “hiện đại”, họ Đinh Nho cũng có rất nhiều tên tuổi được ghi vào sử sách như ông Đinh Nho Đang từng là Giám đốc Trường Thiếu sinh quân Việt Nam; Đinh Nho Khôi từng là Tổng biên tập báo “Hà Nội mới”; Đinh Nho Bính từng tham gia Việt Minh huyện Hương Sơn sau 1945, có con trai là Đinh Xuân Việt, Phó Bí thư Thường trực Tinh ủy Hà Tĩnh (nhiệm kỳ 2010), Đinh Nho Liêm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao… Lớp trẻ hơn có các giáo sư, tiến sĩ như Đinh Nho Chương, Đinh Nho Dũng, Đinh Nho Hào, Đinh Phạm Thái, Đinh Thị Bích Thu, Đinh Thị Oanh, Đinh Thị Phương Hòa… Bà nội tôi (tên là Đinh Thị Nam) xuất thân từ một dòng họ giàu truyền thống như thế, nên cháu chắt nội ngoại ít nhiều được thừa hưởng những điều tốt đẹp bà đã gieo trồng. Bà mất từ 93 năm trước, sau Ông 22 năm, nhưng cũng vào mùa thu - Ông mất ngày 16/7, Bà mất ngày 20/7, sau lễ Vu Lan 5 ngày, nên chúng tôi thường “hợp kỵ” Ông Bà sau rằm tháng 7 âm lịch.
Lễ “hợp kỵ” năm nay, với Ông Nội tôi là giỗ lần thứ 115; cũng là lúc hai công trình tôn tạo khu nghĩa trang Chò Rú và khuôn viên nhà thờ vừa hoàn thành. Chúng tôi nghĩ không còn dịp nào tốt hơn để con cháu nội ngoại gặp nhau ở quê nhà sau gần bảy thập kỷ ly tán. Ông Bà nội tôi có 9 người con – năm gái, bốn trai, nói gọn là có 9 “cửa”. Trong năm “cửa” con gái về làm dâu họ Lương, họ Tống Trần, họ Nguyễn Quang, họ Lê Hữu, họ Lê Khánh… ở các làng quê ven sông Phố, cũng như bốn “cửa” con trai, đã có không ít cháu chắt thành danh.
Trong lễ giỗ lần này, thế hệ cháu nội như BSNKV chỉ còn 9 người, trong đó 3 người không đủ sức về quê; còn BSNKV thì đã đi gặp…Ông Bà nội tròn 25 năm trước! Đông đúc hơn cả là thế hệ cháu - chắt - chút - chít, tản mát ở “bốn phương trời”. Dự tính mỗi “cửa” có 4 người về, nhưng không ngờ tổng số lên gấp đôi, dù mưa bão và con Covid có thể “tập kích” bất cứ lúc nào, dù đường xa “vạn dặm” - đó là tính theo lộ trình mấy cháu ở nước ngoài về. Vậy là trải qua bao cuộc “bể dâu”, tình cảm quê hương họ hàng vẫn nồng ấm với số đông bà con. Bốn thế hệ từ “cháu” đến “chít” của Ông Bà nội tôi, có thể đến cả ngàn người, do tản mát bốn phương trời, ít có dịp gặp nhau, phần đông không có thông tin, không biết nhau, nên G.S Nguyễn Khắc Phi, người “chủ xướng” buổi gặp gỡ này, đã “điểm danh” một số tên tuổi… để con cháu hiểu thêm truyền thống họ hàng của mình…
Tròn 115 năm đã qua, kể từ ngày chàng Nho sinh Nguyễn Khắc về quê vinh quy bái tổ sau khi đỗ Hoàng Giáp (nên nhiều người quen gọi “Cụ Hoàng Hương Sơn”). Cũng năm đó, thân phụ Người qua đời, theo lễ xưa, chàng “cư tang” ở quê nhà 3 năm mới vô Huế nhận chức… Nhắc chuyện “đời xưa”, có lẽ cũng nên kể một “sự tích” liên quan đến vùng quê này mà nhiều người chưa biết. Câu chuyện do nhà văn - Anh hùng lao động Sơn Tùng, một tác giả từng viết nhiều tác phẩm giá trị về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thuật lại, theo lời kể của ông Cả Khiêm, anh ruột Nguyễn Tất Thành. Chuyện đã công bố trong bài “Còn” viết về mối quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với nhân sĩ trí thức (Xem sách “Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức của bà mẹ Nga” - NXB Thanh niên, 2007, tái bản 2008). Nhà văn Sơn Tùng cho biết Cụ Hồ đã hai lần tỏ ý muốn mời “cụ Hoàng Hương Sơn” ra Việt Bắc. Đây không phải là sự trọng thị riêng với bố tôi mà là chính sách của Chính phủ kháng chiến đối với các nhân sĩ, quan lại từng cộng tác với chế độ cũ đã từng được thực hiện từ sau Cách mạng Tháng 8. Tuy vậy, cũng trong cuốn sách đã dẫn, nhà văn Sơn Tùng cho biết, hai người từ thuở niên thiếu đã có dịp hội ngộ. Nguyễn Ái Quốc còn mang tên Nguyễn Tất Thành, chàng đã có dịp “để mắt’ tới nho sinh Nguyễn Khắc Niêm. Nhà văn Sơn Tùng kể:
“… Đến cuối tháng 3-1949 tôi mới về cơ quan ở Thanh Văn, Thanh Chương. Tôi ghé xuống thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu thăm nhà. Hôm về Nam Đàn tôi mua hai chai rượu gạo để biếu o Nguyễn Thị Thanh, bác Nguyễn Sinh Khiêm, đúng vào dịp tết Thanh Minh, Kỷ Sửu….”
Bác Cả Khiêm sau khi nhắc đến việc bác vừa đi viếng mộ cụ Võ Liêm Sơn (1888-1949) về bị cảm, đã nói:
- Khi nào đi công việc xong xuôi cháu trở về, bác khỏe rồi lại nhờ cháu đi cùng với bác đến thăm cụ Hoàng Hương Sơn (Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm),, cụ Thị Lê (Thị độc Học sĩ Lê Thoan) trong Hà Tĩnh, ra Yên Thành thăm cụ Bảng Võ (Phó bảng Phan Võ)... Khá lâu rồi mà bác chưa có dịp đến thăm các bậc tri ngộ chi ân ấy.
- Thưa bác, tôi ướm hỏi, cụ Hoàng Hương Sơn đứng hàng đầu khoa bảng, làm quan to, có quan hệ với bác ở trường hợp nào hả bác?
Bác Cả Khiêm thoáng một nụ cười:
- Quen biết nhau từ thời “tóc để chỏm”. Nói vậy cho vui với cháu, chứ ngày cha bác đỗ đại khoa, năm Tân Sửu (1901). Sau lễ vinh qui, thân phụ bác đi bái ân các sư phụ, bái tạ các thân hữu gần xa. Bác và chú Thành (trong lần trò chuyện này, bác Cả Khiêm gọi cha là thân phụ) được thân phụ cho đi cùng. Trong chuyến đi sang Hà Tĩnh, thân phụ bác đến bái tạ một số nơi như ở Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn. Thân phụ bác cũng đến thăm cụ cử Hà Học Văn, làng Gôi Mỹ. Cụ Hà Học Văn đỗ Hương thí khoa Đồng Khánh Mậu Tý (1888). - Bác Cả Khiêm cười tủm tỉm: - Bác lọt lòng mẹ cũng vào năm ấy. Cụ Hoàng Hương Sơn sinh sau bác một năm, Kỷ Sửu (1889). Bác biết rõ vậy là bởi cụ Cử Văn đang có trường, nho sinh học khá đông. Cụ Cử Văn giới thiệu những học trò giỏi với thân phụ bác mà người học trò giỏi nhất, ít tuổi nhất trường, tuổi Kỷ Sửu là Nguyễn Khắc Niêm. Trong khi cụ Cử Văn và thân phụ bác đàm đạo, nho sinh Nguyễn Khắc Niêm cùng với hai ba nho sinh nữa rủ bác, chú Thành đi xem phong cảnh làng, xem đình làng. Đình làng Gôi Mỹ rất to. Bác rất quí mến anh nho sinh Nguyễn Khắc Niêm học giỏi, thầy cử Hà Học Văn khen là “thiếu niên trác thức” mà mặc đồ thô mộc, đi chân đất rất hồn hậu. Từ lần gặp nầy, anh em bác theo thân phụ vào Huế. Thân phụ bác làm việc tại Bộ Lễ. Hai anh em bác tiếp tục học tại Kinh đô. Giữa năm Đinh Mùi (1907) từ trong triều cho tới thành nội Kinh đô Huế rộ lên hỉ tín: “Nguyễn Khắc Niêm Hội Nguyên Hoàng Giáp”…Thân phụ bác ở trong Bộ Lễ về, Người rất vui nói với hai anh em bác:
- Các con chắc nhớ lời thầy Hà Học Văn nói về nho sinh Nguyễn Khắc Niêm?
Chú Thành (Nguyễn Tất Thành) rất lanh, thưa với thân phụ:
- Tuệ nhãn thầy Cử Hà Học Văn tiên kiến nụ hoa Nguyễn Khắc Niêm sẽ là quả lớn nhất trong vườn! Thân phụ bác vốn ít khi cười, nghe con trai ứng khẩu thật là thần tình, phụ thân bác nở nụ cười hiếm có...” (Sách đã dẫn, trang 168 đến 171).
Xin được nói thêm: Cụ Cử Hà Học Văn là cố nội của ông Hà Học Hợi, nguyên Phó Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương. Trong nhà thờ cụ Hà Học Văn tại quê nhà hiện còn 2 bức hoành phi và câu đối của học trò cũ Nguyễn Khắc Niêm tặng Thầy, trong đó, một bức hoành phi ghi: “Ngưỡng như sơn” (Ngưỡng mộ như đứng trước ngọn núi cao). Trong phim tài liệu “Hương Sơn Ngàn phố” đã công chiếu nhiều lần trên Đài truyền hình Việt Nam, có cảnh ông Hà Học Hợi giới thiệu hoành phi, câu đối nói trên…
Trong đêm vắng lặng, khi tất cả những nghi lễ, những công chuyện, những giờ phút gặp gỡ bà con náo nhiệt, hào hứng và cảm động qua đi, khi vầng trăng 16 như một quả cầu vàng vừa chớm vượt lên hàng cây xanh thẫm phía đông, tôi đứng trên “ban công” Nhà Tưởng niệm Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm xây dựng tại quê nhà đến nay vừa tròn 10 năm, nhìn ra con đường làng đã được trải bê tông rộng rãi, vững chắc, nối hai Di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng là nhà thờ họ Nguyễn Khắc và Đình Gôi Mỹ rồi đi tiếp ra chợ Gôi, lên nhà thờ cụ Hà Học Văn…, nghĩ đến cuộc hội ngộ khá là đặc biệt mà ông Cả Khiêm đã kể cho nhà văn Sơn Tùng nghe, rồi vẩn vơ thử hình dung lại…Vậy là đã hơn một thế kỷ! Từ thuở ấy, trên con đường làng nhỏ hẹp này, đã in “dấu chân” bao thế hệ, đã chứng kiến biết bao biến động, thăng trầm trên vùng đất bán sơn địa hẻo lánh, từng là căn cứ của khởi nghĩa Lam Sơn và Phan Đình Phùng, đã từng được Hoàng Giáp Bùi Huy Bích ngợi ca là nơi “Nhân tài tự cổ đa hào kiệt”…
Nhắc chuyện xưa là cách bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân và cũng là dịp cùng nhau hứa hẹn sẽ tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với truyền thống quê hương, với tổ tiên và dòng họ...
Trong ngày vui họp mặt sau nhiều thập kỷ xa cách, ai cũng muốn nghe chuyện vui, những thành tựu; nhưng nói cho công bằng, cũng như tất cả dòng họ khác, con cháu nội ngoại họ Nguyễn Khắc cũng có một số người không gặp may mắn, chịu nhiều thua thiệt, thậm chí là bi kịch, do biến động thời cuộc, hoặc không đủ nghị lực vượt qua thử thách, một số gia đình tan vỡ do nhiều nguyên cớ. Trong khi có chắt ngoại như Uyên, vừa lo tang mẹ xong, vẫn chạy xe suốt đêm về quê cho kịp lễ, thì cũng có cháu sống phong lưu và nhàn rỗi, nhưng quê hương, họ hàng là chuyện “ngoài vùng phủ sóng”!
Một quan niệm sống có thể là “thiểu số”, mà từ trời Tây hơn sáu chục năm trước, BSNKV đã dự đoán. Xa hơn, gần một thế kỷ trước, cũng từ trời Tây, có một ông Tây “thứ thiệt” - một ông Tây yêu Việt Nam đến mức “xin được chết ở Việt Nam” như Yersin: Nhà Việt học - Linh mục Leopold Cadiere (1869 - 1955), người đã dạy Yersin những câu tiếng Việt đầu tiên, chủ biên bộ B.A.V.H nổi tiếng, cho đến nay vẫn là “kho báu” cung cấp những tài liệu gốc cho nhiều công trình nghiên cứu.. Năm 1953, khi L.Cadiere đã 84 tuổi, được đề nghị trở về Pháp, ông một mực từ chối: “Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này rồi. Cho tôi được ở lại và chết ở đây.” Trong 250 công trình nghiên cứu ông để lại, thật là đặc biệt, chính ông đã nhắc nhở chúng ta hãy gìn giữ tổ ấm gia đình! Trong một bài viết của mình, L.Cadiere đã bày tỏ “… một ước nguyện là đừng làm suy yếu gia đình tại xứ Việt Nam này, mà trái lại hãy củng cố bằng mọi cách. Than ôi, liệu có được chăng! Liệu có chống chọi nổi những biến đổi với bao là mãnh lực.” Ông thốt lên nỗi âu lo đó, vì cũng như BSNKV, ông đã chứng kiến tình trạng các nước “đã công nghiệp hóa, như ở Pháp chẳng hạn, tình cảm họ hàng đã tan rã hết…” Hơn thế, trong tham luận tại Hội thảo về L.Cadiere tại Huế năm 2010, nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả “Đất nước đứng lên” đã cho chúng ta biết L.Cadiere đã hiểu sâu sắc về gia đình Việt Nam như thế nào. “Ông nói người Việt có hai từ để chỉ gia đình: nhà (từ Hán Việt là gia) theo ông là chỉ gia đình theo nghĩa hẹp; và họ (từ Hán Việt là tộc) chỉ gia đình theo nghĩa rộng […] Nhà là đơn lẻ, thậm chí trong nghĩa nào đó là tạm thời, thoáng qua; đối với người Việt, họ mới là chủ âm lâu dài trong đời sống, cả thường nhật lẫn bền vững, tâm linh […] Gia đình theo nghĩa rộng, không chỉ gồm những người sống, nó còn bao gồm cả người chết..”
Trước khung cảnh gần trăm con cháu từ mọi nẻo đường xa xôi, sau hàng mấy thập kỷ không gặp nhau, về tụ họp tại nhà thờ họ, sau khi dâng hương trước phần mộ các tiền nhân tại nghĩa trang, tôi đã chia sẻ những điều mà L.Cadiere đã “phát hiện” từ lâu lắm. Nói một cách đơn giản hơn: Gia đình có thể mất, tan vỡ vì vô số lý do, nhưng họ tộc là vĩnh viễn! Nay chỉ xin nói thêm: Hơn nửa thế kỷ ở Việt Nam, L.Cadiere chủ yếu sống cùng dân chúng ở các vùng nông thôn Việt, tận những nơi xa xôi ở miền Trung, nên đã hiểu gia đình Việt Nam hơn cả… người Việt! Và điều L.Cadiere cũng như BSNKV lo âu là làm sao giữ được truyền thống gia đình khi công nghiệp hóa “tăng tốc” đang là hiện thực ở Việt Nam hôm nay. Trong điều kiện đó, mọi việc làm gìn giữ, củng cố mối quan hệ với quê hương và họ hàng có thể xem như là cái “neo” để con thuyền đi xa không chòng chành khi gặp bão tố…