Lang Văn Thông & Lang Văn Thụ trong phong trào chống Pháp ở phủ Quỳ Châu
Hoàng Kiểm, Trần Lan
9/10/2023
Nhắc đến những người con ưu tú của đồng bào dân tộc Thái miền núi phủ Quỳ Châu xưa, nay là huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn, không thể không nhắc đến hai nhân vật anh em là Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ. Đây là những vị tướng tài giỏi, lỗi lạc đại diện cho dân tộc thiểu số có công trạng lớn trong việc đánh giặc bảo vệ quê hương.
Ông Quản Thông tên thật là Lang Văn Thông sinh năm 1840; ông Quản Thụ tên thật là Lang Văn Thụ, sinh năm 1845, là con của một chủ đất ở xã Kiêm Diêm, thuộc tổng Kiêm Diêm, huyện Quế Phong, phủ Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Lớn lên, hai anh em đi lính ở huyện Quế Phong. Vào những năm 1884, 1885, 1886, giặc Xá (Xá là tộc danh trước đây người Thái gọi các tộc người Môn - Khơmer) từ Lào tràn xuống cướp phá bản mường, hai ông đã cùng với tri huyện Thúy - Quế (tức huyện Thúy Vân và Quế Phong) là Sầm Văn Hào mộ binh lính đánh giặc Xá. Tri huyện Sầm Văn Hào phong cho hai ông chức Quản cơ và Hiệp quản chỉ huy quân lính đánh giặc. Vì thế nên nhân dân gọi hai ông là Quản Thông và Quản Thụ.
Giai đoạn thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, hai ông ra sức vận động dân bản đem lương thực ủng hộ phong trào chống Pháp ở vùng núi phủ Quỳ Châu tỉnh Nghệ An. Vùng Mường Puộc, Mường Nọc, Mường Hin bấy giờ dưới sự vận động của ông đã trở thành một cơ sở của phong trào chống Pháp không chỉ của Bắc Nghệ An mà cả Nam Thanh Hóa. Quản Thông và Quản Thụ còn tổ chức nhân dân đứng lên khởi nghĩa, gây cho địch nhiều tổn thất. Các ông đã chiến đấu đến cùng với thực dân Pháp và anh dũng hy sinh. Công trạng của 2 ông trong phong trào chống giặc Xá và chống Pháp được nhiều sử sách ghi chép, trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ đề cập và làm rõ thêm vai trò của 2 ông trong phong trào chống Pháp - một trong những năm tháng lẫy lừng trong cuộc đời cầm quân của 2 vị tướng lĩnh người Thái.
Vai trò của các ông Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ trong phong trào chống Pháp qua một số tư liệu
Phong trào chống thực dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX ở phủ Quỳ Châu của các ông Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ đã được nhiều tư liệu, tài liệu đề cập đến. Song các tư liệu, tài liệu đề cập chưa đồng nhất về vai trò, vị trí của các ông trong phong trào chống thực dân Pháp.
Cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Quế Phong (1963 - 2012) cho rằng các ông Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ đã vận động nhân dân tham gia quyên góp lương thực để ủng hộ cuộc khởi nghĩa của Lang Văn Thiết. Cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Quỳ Châu (1947 - 2020) và Lịch sử tỉnh Nghệ Tĩnh cho rằng các ông Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ tự tổ chức khởi nghĩa ở vùng xã Kiêm Diêm huyện Quế Phong. Cuốn Địa chí huyện Quỳ Châu đề cập: Quản Thông và Quản Thụ bắt đầu từ năm 1887, mới kéo quân về phối hợp cùng nghĩa quân của Đốc Thiết và Đốc Hạnh. Trong bài viết Sơ lược về cuộc khởi nghĩa của Lang Văn Thiết, ông Vi Ngọc Chân chỉ đề cập các ông Quản Thông, Quản Thụ là bộ tướng của Lang Văn Thiết. Theo tài liệu do gia đình ông Lang Văn Hùng cung cấp và Công văn của Tri phủ Quỳ Châu gửi các chánh tổng cho biết việc đưa quân đi đánh quân Pháp tiến lên Quỳ Châu lại do ông Lang Văn Thụ chỉ huy, mọi việc trong phủ phải báo lại cho Quản Thụ biết.
Một góc huyện Quế Phong - Quê hương của Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ
Từ các nguồn tư liệu thống kê được, cùng với một số tài liệu Hán Nôm; các sắc phong còn được lưu giữ từ con cháu của dòng họ Lang ở Quế Phong hiện nay; các tài liệu tiếng Thái của một số nhà nghiên cứu địa phương… đều là những tư liệu có độ tin cậy cao, giúp chúng tôi có thể tìm hiểu, nghiên cứu thêm về hai nhân vật lịch sử này một cách chi tiết và nhận định ban đầu về vị thế, chức tước, lai lịch, tầm ảnh hưởng rộng đến vùng Phủ Quỳ xưa.
Sau công cuộc đánh tan giặc Xá, các ông Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ được triều đình nhà Nguyễn trọng thưởng và ban chức tước. Cả hai ông đều tham gia làm việc ở phủ, huyện. Trong đó ông Lang Văn Thụ được cử làm Đội trưởng chỉ huy hai đội quân ở huyện Thúy Vân và Quế Phong. Nhưng thực dân Pháp ngày càng áp bức tàn bạo, lúc đầu là thông qua các quan lại ở địa phương, về sau trực tiếp cho người lên khai thác các lâm thổ sản ở trong phủ Quỳ Châu. Trước tình hình đó, các ông Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ đã âm thầm tổ chức lực lượng chống lại thực dân Pháp.
Bấy giờ, căn cứ của các ông ở vùng núi Kiêm Diêm cũng là quê nhà của các ông. Lực lượng tham gia bao gồm những người lính dưới quyền của hai ông và nhân dân trong vùng. Nghĩa quân đã bí mật xây đồn ở vùng Mường Piệt để tích trữ lương thực và khí giới (di tích đồn đến nay vẫn còn). Mặt khác, các ông vẫn làm việc ở phủ huyện để nắm tình hình. Lực lượng chống Pháp của nghĩa quân nhanh chóng lan rộng ra cả huyện Quế Phong và phủ Quỳ Châu.
Cùng thời gian này trên địa bàn phủ Quỳ Châu còn có cuộc khởi nghĩa chống Pháp của các ông Lang Văn Thiết và Lang Văn Hạnh ở vùng huyện Thúy Vân và Nghĩa Đường. Các cuộc khởi nghĩa của Lang Văn Thông, Lang Văn Thụ, Lang Văn Thiết, Lang Văn Hạnh tạo ra một phong trào chống thực dân Pháp sôi nổi trên địa bàn phủ Quỳ Châu.
Khi cuộc khởi nghĩa của Lang Văn Thiết gặp khó khăn, các ông Lang Văn Thông, Lang Văn Thụ đã vận động nhân dân hỗ trợ, cung cấp lương thực, thực phẩm và khí giới, giúp cuộc khởi nghĩa đứng vững trước các cuộc tấn công của giặc Pháp. Khi thực dân Pháp tấn công lên vùng Quỳ Châu, các ông Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ là những vị tướng lĩnh có kinh nghiệm chiến đấu đã đưa quân xuống phối hợp chiến đấu với nghĩa quân ở huyện Thúy Vân và Nghĩa Đường. Và trở thành lực lượng chính để bảo vệ phủ Quỳ Châu trước sự tấn công của quân Pháp.
Sau khi thực dân Pháp dập tắt các cuộc khởi nghĩa ở vùng đồng bằng, đã dồn quân tiêu diệt các cuộc khởi nghĩa ở miền Tây Thanh Hóa và Nghệ An. Trước sức tấn công của quân Pháp, lần lượt các lãnh tụ như Cầm Bá Thước, Lang Văn Thiết đều hy sinh, làm cho phong trào chống Pháp ngày càng yếu dần. Trước tình hình đó, các ông Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ đã rút quân về căn cứ của mình để tiếp tục phong trào chống Pháp. Đến năm 1900, cuộc khởi nghĩa của hai anh em ông Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ mới bị thực dân Pháp tiêu diệt. Thực dân Pháp bắt được hai ông, chúng âm thầm đưa đi thủ tiêu. Tuy nhiên trên đường áp giải ông Lang Văn Thụ đã lập mưu trốn thoát, đến năm 1905 mới bị bắt tại vùng núi huyện Quế Phong.
Nhận biết các ông Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ là những vị thủ lĩnh của phong trào chống Pháp, thực dân Pháp định âm thầm đưa đi thủ tiêu, nhưng thông tin bị lọt ra ngoài, nhân dân vùng tổng Cự Lâm đã phản đối việc hành hình và đòi chúng không được thủ tiêu xác các ông xuống sông. Trước sự đấu tranh của nhân dân, thực dân Pháp buộc phải nhượng bộ, sau khi hành hình đã để nhân dân trong vùng được mai táng, chôn cất các ông.
Từ đây có thể khẳng định vai trò, đóng góp của các ông Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ trong phong trào chống Pháp ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở phủ Quỳ Châu là rất lớn.
Thứ nhất, các ông Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ là những lãnh đạo của phong trào chống Pháp không chỉ ở huyện Quế Phong mà còn cả phủ Quỳ Châu.
Thứ hai, các ông đã có công rất lớn trong việc ủng hộ lương thực, vũ khí cho cuộc khởi nghĩa của Lang Văn Thiết ở giai đoạn đầu.
Thứ ba, khi cuộc khởi nghĩa của Lang Văn Thiết bị tấn công, các ông đã đem quân xuống phối hợp cùng chiến đấu chống lại quân Pháp.
Thứ tư, với tài năng quân sự và kinh nghiệm chiến trận, các ông Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ cùng nghĩa quân trở thành lực lượng chính để bảo vệ phủ Quỳ Châu trước sự tấn công của quân Pháp.
Thứ năm, ông Lang Văn Thụ từng là chỉ huy quân sự cao nhất ở phủ Quỳ Châu trong giai đoạn 1890 - 1900. Theo tài liệu bằng chữ Thái có tựa đề là Sử phủ Quỳ Châu, được lưu giữ ở Pháp, do PGS Trần Trĩ Dõi sưu tầm và đưa về dịch lại cho biết, trong giai đoạn từ 1887 - 1907, tình hình ở phủ Quỳ Châu rất rối ren, quan Tri phủ thay đổi liên tục nên quyền binh lúc này của phủ đều rơi vào tay của Quản Thụ và nghĩa quân chống Pháp do ông lãnh đạo.
Thứ sáu, trong phong trào chống Pháp, các ông Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ là những thủ lĩnh cuối cùng sa vào tay giặc. Sau khi Cầm Bá Thước và Lang Văn Thiết hy sinh, trước sức tấn công dữ dội của quân Pháp, các ông Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ đã đưa nghĩa quân về vùng Quế Phong hoạt động. Đến năm 1900, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, 2 ông rơi vào tay giặc. Đến đây, cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp do các ông lãnh đạo mới chấm dứt.
Thứ bảy, về tính chất, đây là một phong trào yêu nước chống lại sự cai trị của thực dân Pháp. Từ tinh thần yêu nước này, các ông Lang Văn Thông, Lang Văn Thụ đã vận động nhân dân cùng binh lính đứng lên chống lại thực dân Pháp áp bức, bóc lột để bảo vệ quê hương, bản mường.
Sau năm 1946, để tưởng nhớ công lao, chính quyền cách mạng đã lấy tên của hai ông là Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ để đặt tên cho một xã, có tên xã Thông Thụ. Cùng thời điểm đó, nhân dân bản Hủa Na đã lập đền thờ hai ông. Đền được làm bằng tranh tre, hàng năm vào ngày đầu tháng 11 âm lịch, xã cùng bản và nhân dân trong vùng tổ chức lễ cúng tế cho hai ông. Trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay đền thờ của 2 ông đã bị dịch chuyển và bị phá hỏng khá nhiều.
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của các danh nhân/nhân vật lịch sử có đóng góp lớn với quê hương, đất nước là vấn đề cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tôn vinh họ một cách khoa học, đúng công lao hành trạng, đúng đối tượng sẽ góp phần tích cực vào việc tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ. Đối với các nhân vật Quản Thông - Quản Thụ, có thể công lao hành trạng, phạm vi ảnh hưởng chỉ mang tầm địa phương, song qua những tư liệu chúng tôi đã sưu tầm và phát hiện, đó chính là những bằng chứng quan trọng để các cấp chính quyền địa phương có phương án vinh danh cũng như phát huy giá trị, xác lập cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản mà hai ông đã để lại cho vùng đất miền núi Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn… nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung. Xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
- Tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học để góp phần làm sáng tỏ thêm vai trò, tầm ảnh hưởng, công lao hành trạng của nhân vật Quản Thông - Quản Thụ đối với vùng miền núi Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn. Trên cơ sở đó lập hồ sơ về danh nhân để vinh danh và lưu giữ làm tư liệu tham khảo.
- Trên cơ sở nghiên cứu về vùng đất, con người, lịch sử hai nhân vật Quản Thông và Quản Thụ, cần có giải pháp tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân địa phương được biết về hai nhân vật này.
- Đề xuất đặt tên đường mang tên nhân vật Quản Thông - Quản Thụ ngay tại thị trấn ở khu vực miền Tây Nghệ An như Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thái Hòa, Nghĩa Đàn,… và các đô thị trên địa bàn tỉnh để vinh danh và giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các thế hệ trẻ.
Nghiên cứu giải pháp phục dựng di tích đền thờ Quản Thông - Quản Thụ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích cũng như góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ trẻ. Đề xuất lựa chọn địa điểm phù hợp bên cạnh ven lòng hồ Hủa Na để tôn tạo đền thờ và tạo điểm du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn huyện Quế Phong. Tuy nhiên, việc phục hồi di tích cần tuân thủ các quy định của pháp luật, chú trọng đến việc bảo tồn các yếu tố văn hóa bản địa và kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.
Mặc dù do hoàn cảnh lịch sử phần mộ của hai ông đã có nhiều thay đổi và dịch chuyển, tuy nhiên, trên cơ sở tư liệu hiện có cần xác minh vị trí để tôn tạo khu mộ của hai ông góp phần thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và tri ân tưởng nhớ.
Chính quyền địa phương cần nghiên cứu tổ chức lễ tưởng niệm, vinh danh kỷ niệm năm sinh năm mất của hai ông hàng năm và các năm chẵn.
Tài liệu tham khảo
1. Lịch sử Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ Tĩnh, 1984.
2. Lịch sử Đảng bộ huyện Quế Phong (1963 - 2010), sở VHTT, 2013.
3. Lịch sử Đảng bộ xã Thông Thụ (1950 - 2015), Nxb Hồng Đức, 2017.
4. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, “Loạn giặc Xá” cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Quán Vi Miên.
5. Ngôn ngữ và sự phát triển văn hóa xã hội, Trần Trí Dõi, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.
6. Sơ lược vài nét về cuộc khởi nghĩa của Đốc binh Lang Văn Thiết, Vi Ngọc Chân.
7. Bảo tàng quân sự Việt Nam, Lang Văn Thiết hy sinh do bị phản bội, 2014.
8. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Tập I (1930 - 1954), Nxb Nghệ An, 2018.
9. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Quỳ Châu tỉnh Nghệ Tĩnh (sơ thảo lần I), Nxb Nghệ Tĩnh, 1986.
10. Các sắc phong của triều đình nhà Nguyễn phong cho các ông Lang Văn Thụ vào các năm 1887, 1890, Lang Văn Thiết vào năm 1890; Công văn của tri phủ Quỳ Châu gửi các chánh tổng, bản tiếng Thái năm 1890…
11. Nguyễn Đình Lộc, Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An, Nxb Nghệ An, 1993.
12. Đại học Quốc gia Hà Nội, Chương trình Thái học Việt Nam, Văn hóa và lịch sử người Thái ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1998.
13. Đặng Nghiêm Vạn, “Bước đầu tìm hiểu về lịch sử phân bố cư dân ở miền núi Nghệ An”, Tạp chí Dân tộc học, số 2/1974.
14. Vi Văn Biên, Văn hóa vật chất của người Thái ở Thanh Hóa và Nghệ An, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2006.
15. Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập I, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000.
16. Vè Đốc Thiết, Tài liệu LV564b, tư liệu khoa Sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
17. Hồi ký đồng chí Lang Văn Xành, bản viết tay, lưu tại văn phòng Đảng ủy xã.
18. Hồi ký của ông Hủn Lò Peng, bản viết tay, lưu tại văn phòng Đảng ủy xã.
19. Cầm Trọng, Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978.
20. Đại Việt sử ký toàn thư, Ủy ban Khoa học xã hội, 1972.
21. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, q.5, tập 2, Nxb Thuận Hóa.
22. Ninh Viết Giao, Địa chí huyện Quỳ Hợp, Nxb Nghệ An, 2003.
23. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Quỳ Châu, Địa chí huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, NXB KHXH 2011.