Thay vì tiếc nuối và trách cứ...

Phạm Xuân Cần
14/9/2023

Sau gần 100 năm (tính từ năm 1927, khi Toàn quyền Đông Dương quyết định thành lập thành phố Vinh - Bến Thủy, trên cơ sở sáp nhập ba trung tâm đô thị Vinh, Trường Thi, Bến Thủy), thành phố Vinh ngày nay đã có diện tích rộng gấp hơn năm lần (106 km2), dân số gấp hơn hai mươi lần ngày xưa (tên 400.000 người). Thành phố có nhiều nhà cao tầng hơn, nhiều đại lộ và đường phố rộng hơn. Tính về diện tích, dân số, tài sản… một phường ngày nay đã hơn cả thành phố này xưa. Bên cạnh đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tất nhiên cũng hơn hẳn trước. So với chính mình có vẻ như Vinh đã và đang phát triển khá nhanh.

Tuy nhiên, vẫn có ba điều tôi cứ xót xa tiếc nuối cho Vinh…

Trước hết, Vinh đã mất đi một hệ thống các công trình văn hóa, tín ngưỡng khá phong phú. Cho đến nay cả thành phố chỉ còn Võ miếu (ngày nay gọi là đền Hồng Sơn) là còn khá nguyên dạng. Chùa Diệc cổ kính chỉ còn lại phế tích là một cái tam quan. Văn miếu Vinh còn mấy vì kèo gỗ làm kho trong Công ty Cổ phần In Nghệ An. Đáng kể nhất là còn ba cái cổng Thành Nghệ An và hào thành đã được phục dựng. Chấm hết! Còn lại tất cả đều đã biến mất khỏi mặt đất như chưa hề tồn tại. Chiến tranh và thiên tai vẫn được chỉ mặt là những thủ phạm chính. Thế nhưng sự ấu trĩ, tả khuynh một thời của con người mới là đáng trách nhất. Có những công trình, như chùa Tập Phúc người ta mới phá cuối những năm 1970 đây thôi…

Thứ hai, sau 100 năm, Vinh đã đánh mất vị thế tiên phong của mình về kỹ nghệ, công nghiệp và thương mại ở Trung kỳ. Lấy năm 1936 chẳng hạn, để làm mốc so sánh chúng ta thấy:

- Về sản xuất và tiêu thụ điện: Sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ của Vinh chiếm 1/2 của Trung kỳ. Riêng về tiêu thụ điện, gấp hơn 2 lần Đà Nẵng; gấp 10 lần Hội An; gấp 5 lần Quy Nhơn; gấp 2 lần Vương quốc Lào(1)!

- Về công nghiệp xe lửa: Vinh là một trong ba trung tâm sửa chữa xe lửa lớn của Đông Dương: Gia Lâm, Trường Thi và Dĩ An. Riêng nhà máy xe lửa Trường Thi đã có tới 4000 công nhân.

Phố Khách (phố Cao Thắng ngày nay) đầu thế kỷ XX. Ảnh: P. Dieuleffils

- Về chế biến gỗ và sản xuất diêm: Vinh xuất khẩu mỗi năm 7000 m3 gỗ, chưa kể cung cấp hàng vài chục nghìn m3 gỗ cho vùng mỏ Đông Bắc. Đặc biệt nhà máy Diêm Bến Thủy khi đó có công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới, mỗi năm sản xuất gần 200 triệu bao diêm, xuất khẩu khắp thế giới. Vì cạnh tranh không nổi với Diêm Bến Thủy, bốn công ty diêm của Hoa Kiều trong toàn quốc đã phá sản.

- Công nghiệp In ấn: Vinh có những nhà máy In có công nghệ hiện đại bậc nhất khi đó. Không phải ngẫu nhiên nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu thời đó tuần nào cũng ôm bài vở, theo tàu vào Vinh in An Nam tạp chí ở nhà in Vương Đình Châu.

- Năm 2001, Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam đã tổ chức bình chọn 100 thương hiệu nổi tiếng Việt Nam thời thuộc Pháp. Vinh đã vinh dự góp hai cái tên: Diêm Bến Thủy và Nhà máy Xe lửa Trường Thi.

Điều thứ ba, Vinh đã đánh mất mình, với tư cách là một đô thị đa văn hóa. Những năm đầu thế kỉ 20, khi Vinh mới có 12.000 người, thì đã có tới gần 600 người nước ngoài định cư ở đây. Năm 1940, dân số Vinh có 20.000 người thì đã có 481 người Âu, 38 người Ấn và hàng trăm Hoa Kiều định cư, làm ăn ở đây. Riêng Hoa Kiều tập trung dày đặc ở khu vực gần chợ Vinh, nhất là trên Phố Khách (Đường Cao Thắng hiện nay), họ đã tạo nên một tiểu văn hóa Trung Hoa tại khu vực này. Đền Nhà Ông, đền Nhà Bà (Thiên hậu phủ), Hội quán Hoa kiều, đền thờ Biển Thước, Phố Khách… là những chỉ dấu vật thể cho tiểu văn hóa này. Bên cạnh người nước ngoài thì Vinh hồi đó cũng thu hút rất nhiều người các tỉnh khác đến đầu tư, làm ăn, buôn bán. Ngoài những hãng, nhà băng, công ty, khách sạn do người Tây đầu tư, hàng loạt các nhà tư bản người Việt nổi tiếng cũng từ Hà Nội, và các tỉnh phía Bắc vào Vinh đầu tư, như Nguyễn Đức Tư, Vương Đình Châu, Phó Đức Thành, Phạm Văn Phi, Bạch Thái Bưởi… Công nghiệp phát triển đã kéo theo hàng ngàn công nhân, tiểu thương từ các tỉnh khác đến Vinh. Riêng nhà máy xe lửa Trường Thi giai đoạn đầu chủ yếu là thợ người Bắc, họ đã lập thành “xóm thợ Trường Thi” ở khu vực chợ Quán Lau bây giờ. Những nhân vật nổi tiếng như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhạc sỹ Trọng Loan, nhà thơ Chính Hữu, hay chị em nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, danh thủ Trần Xuân… đều là con của những người từ Bắc vào Vinh lập nghiệp. Có thể nói, sự đa dạng về văn hóa đó đã biến Vinh từ một đô thị nông nghiệp thời quân chủ trở thành một đô thị kỹ nghệ và thương mại, có dáng dấp hiện đại đương thời.

Sau 100 năm, hiện nay Vinh hầu như chỉ là đô thị của người Nghệ. Số người nước ngoài định cư ở Vinh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo một số liệu bóc tách từ phần mềm quản lý nhân khẩu thành phố Vinh, năm 2008, số người có gốc từ các tỉnh khác chiếm chưa đầy 10% dân số, thế nhưng, trong đó có tới 76,4% là người… Hà Tĩnh! Mà, người Hà Tĩnh là ai? Cũng là người Nghệ! Hiện nay sau khi đã sáp nhập thêm 6 xã từ các huyện khác vào Vinh, chắc tỷ lệ đó còn bị “pha loãng” hơn nữa.

Hiện trạng là như vậy, cũng không biết trách ai. Chỉ biết rằng, muốn phát triển được Vinh và Nghệ cần nhiều thứ, nhưng cần nhất là cần một hệ số mở. Mở để cho đất lành chim đậu, mà chí ít là chim không bay đi. Trong nhiều thứ cần và nên mở, trước hết là biết mở lòng…

Thế nhưng, điều quan trọng nhất bây giờ không phải là tiếc nuối hay trách cứ. Thay vì tiếc nuối và trách cứ, điều chúng ta cần và có thể làm lúc này là nghiên cứu, chắt lọc những giá trị Vinh trong quá khứ, để cho những giá trị đó không mất đi, mà ngược lại được ghi nhớ, được bảo tồn và phát triển. Những giá trị Vinh, bản sắc Vinh phải luôn là nỗi khắc khoải của các nhà lãnh đạo và quản lý, của mỗi người dân Vinh trong quá trình thai nghén và sáng tạo những công trình mới.

Với những gì đã có, đã từng, Vinh luôn mang đến cho chúng ta một niềm tự hào về quá khứ và một niềm tin mới về tương lai!

Chú thích

1. Theo Nguyễn Quang Hồng: “Thành phố Vinh - Quá trình hình thành và phát triển (1804 - 1945)”, NXB Nghệ An, 2003.


CÙNG CHUYÊN MỤC