Ánh sáng học đường - Vấn đề không hề nhỏ
Trần Quốc Thành
12/9/2023
Không có ánh sáng thì không có sự sống. Ánh sáng ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể con người. Nó không chỉ cho phép chúng ta có thể nhìn thấy môi trường xung quanh mà còn kích thích dẫn đến sự thay đổi về mức độ tâm trạng cùng hoạt động của con người. Đặc tính của ánh sáng như màu sắc, cường độ và thời gian chiếu sáng ảnh hưởng đến con người.
Bộ phận đầu tiên của con người chịu tác động đầu tiên là mắt. Mắt tiếp xúc lâu với ánh sáng quá chói, ánh sáng từ thiết bị điện tử, ánh sáng yếu,... là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bị tật khúc xạ (tật khúc xạ có thể là cận thị, viễn thị, loạn thị và lão thị - đối với người già). Hơn nữa một số ánh sáng tiếp cận lâu còn gây thêm hiện tượng mỏi mắt, nhức mắt, đau đầu (như ánh sáng từ các thiết bị điện tử), thậm chí gây tổn thương (tia cực tím, tia lửa hàn). Bên cạnh việc tác động đến thị giác, ánh sáng còn tác động đến nhịp sinh học của cơ thể con người. Cơ thể con người tiếp cận ánh sáng ban ngày, ban đêm theo một chu kỳ và não bộ (thông qua đồng hồ sinh học) điều tiết các hoocmon (trong đó hoocmon chính là Melatonin - gây ngủ) điều chỉnh hoạt động của con người. Ánh sáng ban ngày khống chế sản sinh Melatonin, ánh sáng yếu kích thích sản sinh làm cho cơ thể buồn ngủ, mệt mỏi tạo nhu cầu nghỉ ngơi,... Bên cạnh đó, theo các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, ánh sáng còn tác động lên cảm xúc của con người. Ánh sáng (màu sắc, cường độ) có thể làm cho con người kích thích, hứng khởi, năng suất làm việc, học tập tốt hơn, có thể làm cho con người bình tĩnh, hạnh phúc và cũng có thể làm cho ta chán nản, bi quan, buồn bã,..
Nói tóm lại, ánh sáng không chỉ giúp cho sinh vật cũng như con người tồn tại, giúp cho con người tổng hợp các vi lượng (như vitamin D), giúp cho nhìn thấy môi trường xung quanh mà còn tác động lên cảm xúc, tác động lên cơ chế hoạt động của con người. Trẻ em đang trong thời kỳ hoàn thiện về thể chất cùng cảm xúc nên trong giai đoạn này, ảnh hưởng từ tác động của ánh sáng lên các cháu cũng cao hơn người lớn cả về hướng tích cực cũng như tiêu cực.
Đối với trẻ em, thời gian học tập chiếm phần lớn. Chính vì thế, ánh sáng học đường (trên lớp cũng như ở nhà) là một vấn đề cần phải quan tâm. Ánh sáng phù hợp sẽ làm cho các cháu tập trung, hứng khởi, năng động, tiếp thu bài tốt hơn. Nếu ánh sáng không phù hợp, nó không những làm cho các cháu mệt mỏi, buồn ngủ, chán nản, chậm tiếp thu bài mà còn tác động xấu lên hệ thần kinh, hoạt động thị giác, nhất là ảnh hưởng xấu đến mắt. Theo thông tin của Bộ Y tế, tình trạng mắc triệu chứng tật khúc xạ ngày càng phổ biến ở trẻ em, với mức 15-20% trẻ ở nông thôn, 30- 40% trẻ ở thành thị. Nếu tính nhóm trẻ từ 6 - 15 tuổi, tỷ lệ này là 20% với khoảng 5 triệu trẻ mắc tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 2/3. Nguyên nhân tật khúc xạ có thể đến từ di truyền, ngồi sai tư thế, làm dụng tiếp xúc với các thiết bị điện tử, chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi,... thì ảnh hưởng do ánh sáng học đường rất cao. Theo nghiên cứu của tác giả Vũ Quang Dũng, ánh sáng học đường không đạt gây nên nguy cơ tật khúc xạ cao gấp 2,7 lần bình thường.Với tầm quan trọng của ánh sáng học đường đối với vấn đề học tập cũng như sức khỏe của học sinh, nên vấn đề này được Chính phủ cũng như các Bộ ngành trung ương rất quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23/2006/CT-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2006 về việc tăng cường công tác y tế trong các trường học, trong đó có vấn đề ánh sáng học đường.
Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12 tháng 5 năm 2016 của liên Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế trường học:
- Khoản 4 Điều 4: 4. Chiếu sáng:
a) Đối với cơ sở giáo dục mầm mon: yêu cầu thiết kế áp dụng theo quy định tại mục 6.2 của Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 3907:2011) ban hành kèm theo Quyết định số 2585/QĐ-BKHCN;
b) Đối với trường tiểu học; lớp tiểu học trong trường phổ thông có nhiều cấp học và trong trường chuyên biệt: yêu cầu thiết kế áp dụng theo quy định tại mục 6.2 của Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 8793:2011) ban hành kèm theo Quyết định số 2585/QĐBKHCN;
c) Đối với trường trung học cơ sở; trường trung học phổ thông; lớp trung học cơ sở, lớp trung học phổ thông trong trường phổ thông có nhiều cấp học và trong trường chuyên biệt: yêu cầu thiết kế áp dụng theo quy định tại mục 6.2 của Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 8794:2011) ban hành kèm theo Quyết định số 2585/QĐ-BKHCN”.
- Điều 20. Điều khoản chuyển tiếp: Đối với các trường học hiện nay đang sử dụng và vận hành, cần phải xây dựng lộ trình để bảo đảm các yêu cầu về quy hoạch, thiết kế, xây dựng theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành trước ngày 01 tháng 01 năm 2020.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 22:2016/BYT về chiếu sáng - mức cho phép chiếu sáng nơi làm việc:
- Yêu cầu về độ rọi duy trì tối thiểu, quy định: trường học phải đạt 21 tiêu chí về chiếu sáng, trong đó Tiêu chí về cường độ sáng yêu cầu:
1. Lớp học, phòng học 300 Em (Lux).
2. Bảng đen, bảng xanh treo tường, bảng trắng 500 Em (Lux).

Về công tác quản lý, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định: Cơ sở phải định kỳ đo đạc, đánh giá cường độ chiếu sáng tối thiểu 1 lần/năm.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, các trường học bắt buộc phải thực hiện, đáp ứng yêu cầu về chiếu sáng. Cơ sở vật chất xây dựng mới hay đã có đều được yêu cầu phải hoàn thiện đạt chuẩn theo quy định.
Nghệ An trong thời gian vừa qua, ngành giáo dục được các cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như nhân dân quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất. Để đánh giá ban đầu về vấn đề ánh sáng học đường, năm 2019, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (thuộc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nghệ An) đã tổ chức đo đạc, khảo sát chỉ tiêu cường độ ánh sáng (ở phòng học và trên bảng) ở 1112 phòng học của 80 trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh (TP. Vinh 40 trường TH, 40 trường THCS, các huyện thị còn lại mỗi đơn vị 2 trường), trong đó có 61 trường đạt chuẩn quốc gia (thành phố Vinh có 25 trường - 384 phòng, các huyện có 36 trường - 484 phòng học), chiếm 78,1%.
Thiết bị đo Mức độ chiếu sáng được đo bằng máy Lux/Fc Light Meter, model TM-201, hãng Tenmars. Giá trị điện áp được đo bằng thiết bị TRUE RMS MULTIMETER, model 87V, hãng FLUKE.
Phương pháp đo và vị trí đo phương pháp đo độ chiếu sáng (độ rọi) được tham khảo theo TCVN 5176:1990 - Chiếu sáng nhân tạo. Phương pháp đo độ rọi: Quá trình đo được thực hiện trong điều kiện giáo viên và học sinh đang tiến hành dạy và học.
Kết quả như sau:
Về nguồn sáng: Tất cả 80 trường có 7586 nguồn sáng và đang dùng 3 loại đèn gồm: 3904 đèn huỳnh quang, 2796 đèn led và 886 đèn compac. Phần lớn phòng học dùng một loại với 954 phòng, tuy nhiên vẫn còn 149 phòng sử dụng 2 loại đèn và 9 phòng sử dụng 3 loại đèn. Qua đây cho thấy các trường học đang hướng đến việc sử dụng loại đèn tiết kiệm điện và chất lượng ánh sáng cao.
Về chế độ kiểm tra chế độ ánh sáng định kỳ: Trong số 80 trường học được khảo sát, có 69 trường trả lời. Theo đó, số trường học thực hiện kiểm tra thường xuyên độ chiếu sáng các lớp học chiếm 69,6%, vẫn còn 30,4% trường không kiểm tra độ chiếu sáng các lớp học thường xuyên hay định kỳ mà chỉ thay bóng khi hư hỏng. Tuy nhiên, kể cả các trường kiểm tra thường xuyên thì cũng chỉ kiểm tra bằng mắt thường mà không có thiết bị chuyên dụng.
Về độ chiếu sáng trong phòng học:
Kết quả đo đạc tại 80 trường khảo sát cho thấy: khi tắt đèn (lấy ánh sáng tự nhiên) có 103/1112 phòng học đủ độ chiếu sáng trên bảng (chiếm tỷ lệ 9,3%, trong đó khi trời nắng có 93 phòng, trời mưa 10 phòng); 305/1112 phòng học đủ độ chiếu sáng trên bàn (chiếm tỷ lệ 27,4%, trong đó khi có nắng 252 phòng, khi trời mưa có 53 phòng). Khi đèn sáng có 195/1112 phòng học đủ độ chiếu sáng trên bảng (chiếm tỷ lệ 17,5%, trong đó khi trời nắng có 177 phòng, trời mưa có 18 phòng); 616/1112 lớp học đủ độ chiếu sáng trên mặt bàn (chiếm tỷ lệ 55,4%, trong đó khi trời nắng có 475 phòng, trời mưa có 141 phòng).
Ngoài ra, qua khảo sát thấy rằng sự phân bố ánh sáng ở các vị trí trong phòng cũng như trên bảng không đều và có độ chênh lệch lớn. Bên cạnh đó, có những phòng học bố trí 4 - 9 bóng đèn nhưng vẫn chưa đạt chuẩn. Hơn nữa, rất nhiều phòng học bố trí quạt trần có cánh ở dưới đèn nên gây ra hiện tượng cắt chém ánh sáng ảnh hưởng đến thị giác học sinh.
Qua kết quả sơ bộ ở trên cho chúng ta thấy: vấn đề ánh sáng học đường còn nhiều bất cập, kể cả những trường đã được chứng nhận đạt chuẩn quốc gia. Đây mới chỉ kiểm tra 01 chỉ tiêu về độ sáng ở phòng học và trên bảng mà tỷ lệ chưa đạt rất cao. So sánh kết quả đo ở chế độ bật - tắt đèn, ta thấy hiệu quả của hệ thống ánh sáng còn thấp. Việc lắp đặt bóng chưa tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, vấn đề ánh sáng chưa được quan tâm trong quá trình thiết kế. Hơn nữa, việc kiểm tra bằng thiết bị chuyên dụng hầu như chưa có, kể cả khi nghiệm thu công trình xây mới hay kiểm tra định kỳ về sau.
Từ những vấn đề trên, nhằm giải quyết vấn đề ánh sáng học đường - một trong những khâu quan trọng trong công tác y tế học đường, chúng tôi đề nghị:
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo yêu cầu tất cả các trường học trên địa bàn toàn tỉnh trang bị thiết bị đo cường độ ánh sáng để kiểm tra chất lượng ánh sáng của trường mình theo tiêu chuẩn Việt Nam quy định.
Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Y tế xây dựng “Chương trình ánh sáng học đường” để kêu gọi các nhà tài trợ cùng với kinh phí nhà nước để cải tạo lại hệ thống ánh sáng những phòng chưa đạt chuẩn.
Thiết kế mẫu hệ thống ánh sáng theo tiêu chuẩn cho các loại phòng chức năng của các cấp học để hướng dẫn cho các trường triển khai.
Trên cơ sở Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn chuyên ngành, đề nghị cần quan tâm vấn đề ánh sáng học đường trong quá trình phê duyệt thiết kế cũng như quy định nghiệm thu, kiểm định chất lượng ánh sáng khi nghiệm thu công trình xây dựng, cải tạo trường học.
Giáo dục là quốc sách. Nhà nước và nhân dân đang dành nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất cũng như đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo. Ánh sáng học đường là một vấn đề tưởng như là nhỏ, ít người để ý, nhưng thật ra không hề nhỏ! Bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học cũng như sự phát triển thể chất cũng như tâm sinh lý của con trẻ. Hy vọng rằng nó sẽ được quan tâm một cách đúng mức!
Tài liệu tham khảo
01. Bộ Y tế (2016), QCVN 22:2016/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chiếu sáng - Mức cho phép chiếu sáng nơi làm việc.
2. Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12 tháng 5 năm 2016 của liên Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3.https://r.search.yahoo.com/_ylt=AwrPrgME.dVkXSUPJAFrUwx.;_ylu=Y29sbwNzZzMEcG9zAzIEdnRpZAMEc2VjA3Ny/RV=2/RE=1691773316/RO=10/RU=https%3a%2f%2fmathanoi2.vn%2fkien-thuc%2fthuc-trang-can-thi-o-viet-nam.html/RK=2/RS=c0FH_69BqcotTS4plGz3DWzzF5s-
4. Báo cáo kết quả khảo sát ánh sáng học đường - Trung tâm TDC - 2019.