Tổng đốc Đào Tấn với xứ Nghệ

Hồ Sĩ Hùy
11/9/2023

Theo quan chế nhà Nguyễn (những điều khoản chép trong các tác phẩm của Quốc sử quán triều Nguyễn như Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ 欽定大南會典事例, Đại Nam hội điển toát yếu大南會典撮要) thì Tổng đốc 總督 là người đại diện triều đình mang hàm Đô thống Thượng thư, Thống chế, nắm quyền thống trị quân dân, thống lãnh quan văn, quan võ trong hạt, khảo xét quan lại, sửa sang bờ cõi, thông thường nắm 2 tỉnh hoặc cũng có khi 3 tỉnh một.

Dưới quyền Tổng đốc có Tuần vũ, Bố chính, Án sát, Lãnh binh. Đào Tấn 陶晉 (1845 - 1907), tự là Chỉ Thúc (止叔), hiệu là Tô Giang và Mộng Mai (夢梅), biệt hiệu là Mai Tăng (梅僧)  đã từng giữ chức vụ Tổng đốc An - Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh) 2 lần, lần 1: 1889 - 1892, lần 2: 1898 - 1902. 
      Ông sinh ngày 27/2/ Ất Tỵ (3/4/1845) tại thôn Vịnh Thanh, tổng Thời Tú, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn (nay thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), thuộc dòng dõi Lộc Khê hầu Đào Duy Từ (1572 – 1634), một danh nhân thời chúa Nguyễn, vào lập nghiệp ở đất Đàng Trong đầu thế kỷ XVII. Cha ông là Đào Đức Ngạc, mẹ là Hà Thị Loan.(1)
     Thuở nhỏ, ông thụ giáo với cụ Tú Nguyễn Diêu, người làng Nhơn Ân (nay là thôn Nhơn Ân, xã Phước Thuận cùng huyện), không những được thầy dạy chữ để đi thi mà còn được đào tạo thành một nhà soạn tuồng. Năm 18 tuổi, lúc còn học với thầy, ông đã soạn vở tuồng đầu tay Tân dã đồn, nổi tiếng từ đấy. Năm 22 tuổi đỗ Cử nhân thứ 8  khoa Đinh Mão (1867) tại trường thi Bình Định, dưới triều vua Tự Đức. Bốn năm sau, vua Tự Đức cho soát xét lại những người chưa đỗ đạị khoa, Đào Tấn được triệu về kinh thành Huế, sơ bổ Điển tịch, sung vào Hiệu thư ở Nội các, một tổ chức giống như hội nhà văn của triều đình, lo việc biên soạn và sáng tác, do đích thân nhà vua chủ trì. Ông thường được đàm luận văn chương với Tự Đức, vua tôi rất tâm đắc. Có lẽ vì thế mà hoạn lộ rất hanh thông. Năm 1874 đư¬ợc bổ nhiệm Tri phủ Quảng Trạch, sau thăng Phủ doãn Thừa Thiên. Ông làm quan dưới các triều vua từ Tự Đức (ở ngôi 1847 – 1883) đến Thành Thái (ở ngôi 1889 – 1907), kinh qua các chức vụ Tham biện, Tổng đốc An Tĩnh, Tổng đốc Nam Ngãi, Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Binh, Thượng thư Bộ Công, quan hàm nhất phẩm, được phong Hiệp biện Đại học sĩ, tước Vinh Quang tử. Năm 1904 ông bị cách chức rồi lui về quê nhà ở ẩn.(2)
        Đào Tấn là một vị quan thanh liêm, cương trực, được giới sĩ phu trọng nể và nhân dân yêu quý. Dưới thời Tự Đức, ông được vua ban tặng các danh hiệu “thanh, thận, cần” (trong sạch, thận trọng, chuyên cần) và “bất úy cường ngự” (không sợ uy vua). (3)Theo lời kể của cụ bà Đào Kim Yến, (con gái ông, mất tại Sài Gòn năm 1958) thì ông là thầy dạy vua Thành Thái từ nhỏ và theo sát vua đến lúc bị Nguyễn Thân bức hại cách chức đuổi về quê. Tinh thần yêu nước chống Pháp của vua Thành Thái từ ông mà có nên khi vua Thành Thái bị Pháp ép thoái vị rồi bắt quản thúc ông buồn rầu phát bệnh và mất ngày 23 tháng 8 năm 1907. Hiện còn ngôi mộ và đền thờ ông ở quê hương Tuy Phước, Bình Định. 
        Sinh thời, Đào Tấn làm thơ, viết từ khúc và soạn tuồng. Nhưng xuất sắc hơn cả vẫn là sự nghiệp tuồng, được nhà viết tuồng nổi tiếng đương thời Nguyễn Hiển Dĩnh (1853 – 1926) xưng tụng ông là “Trạng Nguyên văn tuồng”(4). Suốt thời gian làm quan, ông vừa làm việc hành chính vừa soạn tuồng, cống hiến cho nghệ thuật tuồng nhiều vở giá trị. Hàng chục vở tuồng do ông soạn thảo hoặc chỉnh lý các vở cổ có sức hấp dẫn trong văn tuồng còn diễn đến ngày nay như  Tam nữ đồ vương, Sơn Hậu, Đào Phi Phụng, Hoàng Phi Hổ quá giới bài quan, Hồi trống cổ thành, Trầm hương các, Hộ sanh đàn, Khuê các anh hùng v.v … 
     Đôi câu đối Đào Tấn đề ở rạp tuồng Như thị quan dựng ở cạnh dinh Tổng đốc trong thành cổ Vinh: Thân bất dự nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ身不预 閒且向 忙 中尋小暇; Sự đồ như hí, hà tu giả xứ tiếu phi chân事徒如戲何 須假處笑非眞 (Thân chẳng được nhàn, vào chốn bận này tìm chút rảnh; Việc đời như kịch, chớ cười cái giả chẳng là chân) (5) đã cho thấy ông ý thức rất rõ vai trò của nghệ thuật tuồng trong mối liên hệ với cuộc sống. Ông muốn thông qua tuồng để nói lên nỗi niềm của mình trước thời cuộc, đồng thời cũng nhận thấy giá trị di dưỡng tinh thần cao quý của bộ môn nghệ thuật này. 
      Thời gian trấn nhậm  An Tĩnh, Tổng đốc Đào Tấn đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân & sĩ phu xứ này.  Đôi câu đối ông đề ở cửa Tiền thành Nghệ An được nhiều người truyền tụng: Hồng Lĩnh, Lam Giang như tại tả hữu/ Hoàng đồng, bạch tẩu di nhiên vãng lai.鴻嶺藍江如在左右;  黃童白叟移然往來. Dịch nghĩa: Núi Hồng, sông Lam ở bên phải, bên trái; Trẻ con ông lão thường đi qua, đi về.(6) Thoạt đọc, câu đối này nói về vẻ đẹp bình dị của địa danh và con người nơi đây, nhưng nghĩa ngầm sâu xa mà vị quan yêu nước muốn gửi gắm thì càng ngẫm càng thấy thú vị: Dù hiện tại đang bị bọn trẻ ranh (chỉ lũ tay sai bán nước) & lũ da trắng (chỉ thực dân Pháp) đang tự nhiên qua lại, nhưng núi Hồng, sông Lam – biểu tượng xứ Nghệ vẫn trường tồn mãi mãi! 
      Tuy quan hàm nhất phẩm nhưng Đào Tấn sống rất giản dị, thanh bạch. Có dịp tiếp kiến Đào Tấn tại dinh tổng đốc  ở Vinh năm 1902, thời vua Thành Thái, võ quan cao cấp người Pháp Gosselin đã viết: “Một đời tận tụy trong nhiều chức vụ quan trọng nhưng Đào Tấn vẫn tay trắng thanh bần. Bấy nhiêu ấy đủ thơm danh hậu thế và làm cho đại nhân vượt lên trên hẳn nhiều đồng liêu khác ít được gương mẫu như đại nhân” (L’Empire d’Annam, trang 468, Vương Hồng Sển dịch) (7). Cũng cần nói thêm, khi bị điều ra nhậm chức Tổng đốc An Tĩnh, Đào Tấn dâng sớ nói rõ: “Hoan Châu là đất xung yếu, sĩ phu nhiều người học giỏi, sĩ khí hùng, dân trí tốt, tôi đến nơi chỉ làm cho được chữ Phủ (vỗ về) để cho dân được an cư lạc nghiệp. Còn chữ Tiễu (đánh dẹp) thì quan tiền nhiệm của tôi đã thành công.Tôi là quan văn, không làm được những việc quan tướng đã làm. Nếu triều đình chấp thuận tôi xin tựu nhiệm. Nếu bất thuận tôi xin chịu tội vi mạng” (違命 còn đọc vi mệnh, nghĩa là trái lệnh – HSH chú thêm)(8). Bấy giờ ở Nghệ An, Hà Tĩnh khởi nghĩa Giáp Tuất (1874) dưới ngọn cờ các Tú tài Trần Tấn, Đặng Như Mai  đã bị đàn áp, nhưng hơn mười năm sau ở đây lại náo động  trống mõ Cần Vương. Sĩ phu và dân chúng nổi dậy khắp nơi,  tiêu biểu nhất là hai cuộc khởi nghĩa do các Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn,  Phan Đình Phùng khởi xướng. Mặc dù không đủ dũng khí phất cờ cùng nhân dân chống Pháp nhưng trước sau Đào Tấn vẫn là một người yêu nước. Ông rất trân trọng cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885 – 1896) do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Ngày 28 – 12 – 1895 Phan Đình Phùng tạ thế. Bài thơ Khốc Phan Đình nguyên tỏ rõ tấm lòng của ông: 哭潘廷元  Khốc Phan Đình nguyên (Khóc Đình nguyên Phan Đình Phùng)
破竹真能復舊京,Phá trúc chân năng phục cựu kinh,
十年功績痛垂成。Thập niên công tích thống thùy thành.
但悲金幣堅和議,Đãn bi kim tệ kiên hoà nghị,
忍使香盆聚哭聲。Nhẫn sử hương bồn tụ khốc thanh.
手挽山河心未死,Thủ vãn sơn hà tâm vị tử,
身騏箕尾氣猶生。Thân kỳ Cơ, Vĩ khí do sinh.
經過當日班師地,Kinh qua đương nhật ban sư địa,
千古令人涕淚橫 .   Thiên cổ linh nhân thế lệ hoành.
(Thế mạnh chẻ tre, thật có thể khôi phục kinh thành cũ. Công tích mười năm, đau xót thay nghiệp sắp thành. Buồn vì nỗi tiền bạc mà triều đình khăng khăng nghị hòa. Nỡ khiến quanh bình hương phải tụ tiếng khóc. Một tay cứu vớt non sông, tấm lòng son chửa mất. Thân dù cưỡi sao Vĩ sao Cơ, mà khí phách vẫn còn nguyên. Qua nơi thắng trận năm nào. Dù đến nghìn sau vẫn khiến người ta phải sụt sùi rỏ lệ) (Nguồn: Thơ và từ Đào Tấn, NXB Văn học, Hà Nội, 1987).
      Lại nữa, văn thân Nghệ Tĩnh điếu Phan Đình Phùng do chính Đào Tấn chấp bút lời lẽ cô đúc, ý nghĩa sâu xa (Phiên âm: Đào Trinh Nhất): Thành bại anh hùng mạc luận, thử cô trung, thử đại nghĩa, thệ dự chư quân tử thủy chung. Châu chi anh, mặc chi linh, độc thư mỗi niệm cương thường trọng. Khả hận giả! Thùy điền đại hạ,nhất mộc nan chi, cung lãnh yên tiêu, thùy nhân bất tác thâm sơn oán. Huống đương nhật long phi vân ám, cộng ta nhân sự vô thường. Khả liên! La Việt giang sơn, bách niên văn hiến phiên cung mã;
    Cổ kim thiên địa vô cùng, nhi lưu thủy, nhi cao phong, đồng thử đại trượng phu vũ trụ. Lam chi phong, Hồng chi tuyết, xung hàn vô nại bá tùng điêu. Vi hà tai! Hội quyết đồi ba, trung lưu để trụ, tinh vi vật hoán, hà nhân bất khởi cố viên tinh. Cập thử thời nhạn tán phong xuy, kham tán thiên tâm mạc trợ. Độc thử! Tùng mai khí tiết, nhất tử tinh thần quán đẩu ngưu.
     Hoàng Tạo dịch: Anh hùng thành bại kể chi, tấc dạ cô trung, tấm gương nghĩa cả, thề cùng các bạn chu toàn. Son mực thánh thần, đọc sách lấy cương thường làm trọng. Giận vì lẽ nhà to sắp đổ, một cây chẳng chống được nào, cung lạnh khói tan, cảnh non thẳm ai không xót nỗi. Gặp vận rồng bay mây tối, ngậm ngùi cuộc thế đổi thay. Thương ôi! La Việt non sông, văn hiến trăm năm cung mã loạn;
      Trời đất cổ kim còn mãi, một dòng nước chảy, muôn trượng núi xa, ấy chốn nam nhi ngang dọc. Lam Hồng gió tuyết, ngạo đông cho tùng bá cũng gầy. Tính sao đây, sóng cả đang dâng, cột đá giữa dòng khó vững, sao dời vật đổi, tình cố hương ai chẳng chạnh lòng. Nguồn cơn nhạn lạc gió gầm, ngao ngán lòng trời cay nghiệt. Thấy chưa? Tùng mai khí tiết, tinh thần một thác đẩu ngưu cao (Nguồn: Thư mục tài liệu về Đào Tấn Sở VHTT Nghĩa Bình, 1995, tr.111 – 113)
       Khi Phan Bội Châu đậu Giải nguyên khoa Canh Tý (1900) ở trường thi Nghệ An, Tổng đốc Đào Tấn có đôi câu đối mừng nổi tiếng:  Lưỡng tuế tam nguyên thiên hạ hữu/  Độc danh nhất bảng thế gian vô. 两 歳三元天下有/  獨名 一榜世間 無
(Hai năm 3 lần đỗ đầu, thiên hạ có; Một mình độc chiếm một bảng, thế gian không).(9) Nặng tình với Phan Bội Châu, Đào Tấn tìm mọi cách che chở cho Phan trong việc mưu đánh thành Nghệ An năm 1901. Sau đó ông còn cấp giấy thông hành cho Phan đi lại dễ dàng để hoạt động cứu nước(10). Khi Phan sang Nhật, Đào Tấn  có bài thơ xúc động Ức Phan San 憶潘珊  (Nhớ Phan San)
Tích niên thu chiến đoạt nguy khoa        昔年秋戰奪危科,
 Kim nhật tha hương khổ nhược hà.       今日他鄉苦若何.
 Đản nguyện nhân dân như thử sĩ,          但願人民如此士,     
 Bất sầu định quốc dữ an gia.                不愁定國與安家.
Vũ Ngọc Liễn dịch: Năm ấy thi hương chiếm bảng cao/ Giờ đây đất khách biết làm sao/Ước chi ai cũng như người ấy/ Nước thịnh nhà yên hết khổ sầu. (Nguồn: Thơ và từ Đào Tấn, NXB Văn học, Hà Nội, 1987).
        Khi được tin Đào Tấn tạ thế, sĩ phu Nghệ Tĩnh có lời điếu ông cảm động: Hiền tướng phong lưu, Hoan quận thập niên do truyền thảo/ Danh viên tiêu tức, Lại giang thiên lý ức hàn mai 賢相風流 驩郡十年猶傳草/ 名園消息 瀨 江千里憶寒梅 (Dịch nghĩa: Hiền tướng phong lưu, Hoan quận mười năm truyền di thảo; Vườn thơm tin tức, Lại giang nghìn dặm nhớ cội mai. Nguồn: Thư mục tài liệu về Đào Tấn Sở Văn hóa thông tin Nghĩa Bình, 1985). Chú thêm: Hoan quận là tên cũ của Nghệ Tĩnh. Lại giang là tên sông ở quê Bình Định của Đào Tấn. Mai: Đào Tấn lấy hiệu Mai Tăng và Mộng Mai là theo địa danh Mai Sơn (núi Mai) ở quê ông .

Chú thích
(1), (2). Đinh Xuân Lâm – Trương Hữu Quýnh (CB): Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam; Wikipedia;  Thơ và từ Đào Tấn, NXB Văn học, Hà Nội, 1987.
(3), (7), (8). Theo Q.H Đào Tấn - Ông tổ nghệ thuật Tuồng Việt Nam | Tạp chí Quê hương. Nguồn: ...http://quehuongonline.vn/con-nguoi-viet-nam/dao-tan-ong-to-nghe-thuat-tuong-viet-nam-24016.htm
(4). Theo Trần Đình Hượu: Qua Đào Tấn “ ông Trạng nguyên văn tuồng ”tìm hiểu tuồng về mặt văn học trong cuốn Nho giáo & văn học Việt Nam trung cận đại NXB Giáo dục. 1999
 (5), (6), (9). Nguồn: Hội văn nghệ dân gian Nghệ An: Câu đối xứ Nghệ NXB Nghệ An. 2005, T.1, tr. 226 – 229.
(10). Phan Bội Châu: Tự phán NXB Văn hóa Thông tin. 2000, tr.32-33.

CÙNG CHUYÊN MỤC

Non nước xứ Nghệ

Con người xứ Nghệ

Thương hiệu xứ Nghệ