Tể tướng Lê Hiệu
Lê Hiệu là một nhà khoa bảng, nhà chính trị nổi tiếng thế kỷ XVII, người xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông sinh năm 1617 trong một gia đình quyền quý, có truyền thống làm quan lớn thời Lê trung hưng.
Cố của Lê Hiệu là Lê Giản, thụy Đức Vinh, hiệu Nghị Phu tiên sinh, bài vị cúng: “tặng Thái bảo Tả thị lang Cẩn Tiết bá”. Ông nội tự Đậu Nghiệm không rõ húy, thụy Đức Trọng, hiệu Cương Thiện tiên sinh, bài vị cúng: “tặng Thái bảo Tả thị lang Huấn Nghĩa bá”. Cha là Lê Kính (1587 – 1659), sách Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học năm 2006, trang 469 chép: “Lê Kính người xã Quan Trung, huyện Đông Thành, nay là xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cha Lê Hiệu. 42 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ 10 (1628) đời Lê Thần Tông, làm quan đến chức Công bộ thượng thư, tước Thạc Tung hầu, sau khi mất được truy tặng Thái bảo Thạc quận công”. Bài vị cúng: “Tiền tổ khảo, tứ mậu Giáp Thìn khoa, đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu tán trị công thần, bồi tụng, binh bộ thượng thư, Thạc Tung hầu, khởi phục phụng thị gia tặng Thái bảo Thạc quận công, tự Liêm Chính, hiệu Thuần Phác tiên sinh.
Mặt trước bia đá tại DTLSQG nhà thờ Lê Doãn Nhã; Ảnh tác giả cung cấp
Lê Hiệu lấy 3 người vợ: Người vợ thứ nhất là Nguyễn Thị Hộ, con gái của quan đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, tiềm để công thần, thái thường tự khanh Nguyễn Văn Thụy quê ở xã Chỉ Châu (址 州), huyện Thạch Hà - Hà Tĩnh. Người vợ thứ hai: không rõ tên tuổi, quê quán. Người vợ thứ ba là Phạm Thị Hiền con của Thái bảo Vị quận công Phạm Đình Kiên quê ở xã Thanh Nga, huyện Yên Giang, nay ở thôn Nhân Lý, xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Bà Phạm Thị Hiền vợ thứ của Lê Hiệu là chị ruột của hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu một người vợ của vua Lê Thần Tông và là mẹ của vua Lê Huyền Tông. Như vậy, xét góc độ gia đình riêng của Thái bảo Vị quận công Phạm Đình Kiên thì Lê Hiệu là anh rể của vợ vua Lê Thần Tông hay nói cách khác Lê Hiệu là anh em đồng hao với vua Lê Thần Tông, đồng thời ông còn là bác dượng của vua Lê Huyền Tông.
Bản sao sắc vua Thành Thái ngày 25/9/1894; Ảnh tác giả cung cấp
Lê Hiệu sinh được 4 người con trai trưởng thành có hậu duệ, trong đó vợ cả sinh 2 người là Lê Mai và Lê Kiều, vợ thứ sinh một người là Lê Dương, bà Phạm Thị Hiền sinh một người là Lê Trừng. Lê Mai đỗ tiến sỹ võ làm quan đến chức Tả phiên đô tổng binh sứ ty tổng binh sứ, tước Thọ Lệnh hầu. Chức vụ của Lê Mai hiểu nôm na là quân chính quy của triều đình được chia làm 5 phiên: trung phiên, tả phiên, hữu phiên, tiền phiên, hậu phiên đều đặt dưới quyền chỉ huy của vua và chúa, mỗi phiên đặt dưới sự chỉ huy của viên đô tổng binh sứ, Lê Mai là đô tổng binh sứ của tả phiên. Lê Trừng được bà thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu xin Lê Hiệu và bà Phạm Thị Hiền rước về Lam Kinh lập tự ông bà ngoại là vợ chồng thái bảo Vị quận công Phạm Đình Kiên. Ngày nay dòng họ Phạm Lê tại làng Cổ Nhuệ, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa là hậu duệ của Lê Hiệu, dòng ông Lê Trừng. Hậu duệ xa đời của Lê Hiệu có phó bảng Lê Doãn Nhã, phó thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Cần vương chống Pháp của Nghè Ôn cuối thế kỷ XIX.
Bản sao sắc vua Duy Tân ngày 11/8/1912; Ảnh tác giả cung cấp
Với gia thế khủng, có cha là thượng thư bộ công, cha vợ là thầy dạy học của thái tử, bản thân là đồng hao với vua Thần Tông, bác dượng của vua Huyền Tông, làm quan 35 năm, trải 4 triều vua: Thần Tông, Chân Tông, Huyền Tông, Gia Tông, sự nghiệp của Lê Hiệu rất đỗi vinh quang nhưng cuối đời ít nhiều gặp sóng gió.
Theo truyền thuyết, thuở thiếu thời khi cha còn giữ chức vụ thấp chưa có tiêu chuẩn để Lê Hiệu vào làm giám sinh Quốc Tử Giám thì cũng như bao nho sinh khác Lê Hiệu phải đi học trường làng ở quê, may mắn cho ông là gặp được một người thầy rất giỏi. Thầy dạy học của Lê Hiệu là Ngũ Phương tiên sinh, đó là một nhà sư, nhà giáo, nhà phong thủy nổi tiếng ở Nghệ An lúc bấy giờ. Ngoài Lê Hiệu, Ngũ Phương tiên sinh còn là thầy của các quan lớn khác như: Tham tụng tể tướng Thượng thư Công bộ Duệ quận công Hồ Sỹ Dương, Bồi tụng Hộ bộ thị lang Liêm quận công Trần Đăng Dinh, tả thị lang Binh bộ Phạm Chất…Phả họ Lê chép về Lê Hiệu: “Ông thông minh đĩnh ngộ, hàng ngày học tập, đêm xem sách điển kinh, thuộc làu bài chính, nhớ kỹ chú thích”. Năm 27 tuổi, khoa Quý Mùi niên hiệu Phúc Thái thứ nhất (1643) đời vua Lê Chân Tôn, Lê Hiệu thi đỗ hoàng giáp, danh sách đứng thứ hai trong bảng đồng tiến sỹ xuất thân. Từ đó Lê Hiệu bước vào chốn quan trường, để lại một sự nghiệp chính trị khá huy hoàng, quá trình làm quan của Lê Hiệu chia làm 3 giai đoạn như sau:
Giai đoạn đầu (1643 – 1662) đưới triều vua Lê Chân Tông và Lê Thần Tông lần thứ hai, sau khi thi đỗ, Lê Hiệu được gọi về triều đình làm quan, ban đầu làm Hiệu lý ở Hàn lâm viện thuộc Đông các Quốc Tử Giám, sau được thăng lên làm Khoa cấp sự trung bộ Công, sau lại được thăng làm Hữu thị lang bộ Lễ. Rõ ràng là mặc dù có sự nâng đỡ của vua Lê Thần Tông và cha là Lê Kính thượng thư bộ công, nhưng việc thăng tiến của Lê Hiệu vẫn rất đúng trình tự quy định. Để giữ hàm thứ trưởng một bộ (hữu thị lang bộ lễ) Lê Hiệu phải phấn đấu liên tục không mệt mỏi trong suốt thời gian 19 năm và thực hiện tuần tự từ thấp đến cao.
Bản sao sắc vua Khải Định ngày 25/7/1924; Ảnh tác giả cung cấp
Giai đoạn thứ hai (1662 – 1671): Sự nghiệp của Lê Hiệu phát triển rực rỡ dưới triều vua Lê Huyền Tông, ông là bác dượng của nhà vua, cho nên việc bổ nhiệm ông vào các chức vụ quan trọng khá thuận lợi. Năm 1643, với chức Hữu thị lang bộ Lễ, Lê Hiệu được triều đình cử làm chánh sứ đi sứ sang cống cho nhà Thanh, đồng thời báo tin vua Lê Thần Tông mất, xin lập vua Lê Huyền Tông. Thời Lê trung hưng, mỗi lần vua cũ mất khi lập vua mới kế vị, nhà Lê đều phải cử người đi sứ sang xin vua nước Trung Hoa phong chức và ấn quốc vương cho vua mới. Nếu thuận lợi thì vua Trung Hoa sẽ chuẩn y ngay, còn không thuận lợi thì đòi vua mới nước ta về Yên Kinh hoặc lên cửa quan hội khán, để xem xét vua mới có phải là con đích của vua cũ hay không. Mỗi lần hội khán như vậy, không những việc triều chính của nhà nước ta bị bế trễ, mà cử người tháp tùng vua đi hội khán, tập trung binh lực lên biên giới vừa bảo vệ vua, vừa đề phòng việc Trung Hoa có thể lật lọng tạo cớ hòng xâm lược nước ta rất phức tạp. Chuyến đi sứ của Lê Hiệu thành công mỹ mãn, vua nhà Thanh chuẩn y việc đưa Huyền Tông con Thần Tông lên ngôi An Nam quốc vương, chúa Trịnh Tạc cũng được vua nhà Thanh chuẩn y tước vương một cách chóng vánh mà không có sự đòi hỏi, ngăn trở nào khác, vì vậy đó là một thành tích lớn của Lê Hiệu trên mặt trận ngoại giao. Theo gia phả: thời gian đi sứ sang Trung Quốc ông có sáng tác tập sách Yên Kinh ký hay còn gọi Thiên triều ký. Cũng theo gia phả, trong chuyến đi sứ ấy khi trở về đến Cao Bằng, Lê Hiệu cùng các quan địa phương ở đây dẹp loạn giặc cỏ giữ yên biên giới. Vì lập được công xuất sắc ấy nên năm 1664, sau khi đi sứ về, Lê Hiệu được thăng lên làm Thượng thư bộ Công, gia thăng từ tước bá lên tước hầu. Với chức vụ thượng thư bộ Công, năm 1665, Lê Hiệu được chỉ định tham gia điều tra, xét hỏi, dâng sớ đề nghị xử lý thỏa đáng một số quan lại làm trái quy định của nhà nước và làm trái ý chúa. Năm 1668, Lê Hiệu lại được vua sai đem sách vàng của vua sang phủ chúa, tuyên lời vàng ngọc tấn tôn thêm mỹ tự ca ngợi công đức chúa Trịnh Tạc. Đó là những việc làm mà nhà vua muốn tạo hình ảnh đẹp cho Lê Hiệu đối với chúa, tạo điều kiện để năm 1669 gia phong cho Lê Hiệu làm tham tụng tể tướng. Tham tụng tể tướng là chức quan thay mặt tể tướng giải quyết công việc của chính phủ khi được chúa ủy quyền, đó là chức vụ thấp hơn ngôi chúa mà cao hơn ghế thượng thư, có thể hiểu đó là chức phó thủ tướng chính phủ ngày nay. Thời Lê trung hưng, các chúa Trịnh luôn giữ thực quyền điều hành chính phủ, lấn át cả uy quyền của vua, người dưới quyền chúa làm đến chức tham tụng tể tướng cũng là đã đạt đến đỉnh cao vinh quang của quyền lực.
Giai đoạn thứ ba (1671 – 1678) dưới triều vua Lê Gia Tông: Sự nghiệp chính trị của Lê Hiệu về cuối đời gặp sóng gió, vua Huyền Tông mất sớm chưa có con nối dõi, em khác mẹ của Huyền Tông là Gia Tông nối ngôi, Lê Hiệu không còn chỗ dựa vững chắc như trước nữa. Để củng cố quyền lực về phe mình, phe cánh vua Gia Tông tìm mọi cách làm suy yếu phe cánh vua Huyền Tông tiền nhiệm, nhằm thay thế các vị trí mà phe Huyền Tông đang nắm giữ. Tháng 12 năm 1673, Lê Hiệu bị triều đình bãi bỏ hết chức tước để điều tra việc: “tự tiện cho sắc chỉ và cấp bằng cho lại điển các nha môn làm việc có chỗ thêm bớt”. Đây là tội làm trái quy định về sử dụng nhân sự thuộc quyền, nhưng có thể hiểu thực chất nguyên nhân sâu xa của vấn đề là buộc tội Lê Hiệu vì làm hạn chế số lượng và thực quyền của những người do phe cánh vua Gia Tông đưa vào bộ Hình mà Lê Hiệu là người đứng đầu. Sau 6 tháng bị bãi chức tước phục vụ công tác điều tra xét hỏi, kết quả điều tra là tội trạng của Lê Hiệu không đến nỗi phải bãi hết chức tước, do đó tháng 5/1674 Lê Hiệu được triều đình bố trí cho làm quan trở lại. Tuy nhiên, không thể bố trí vào chức cũ, ông bị triều đình cách chức cho làm tả thị lang bộ Binh. Trong số những người cùng cảnh ngộ bị bãi chức tước để điều tra có Phan Kiêm Toàn nguyên thượng thư bộ Binh khi được phục chức làm Tả thị lang bộ Lại có ý bất mãn, phản ứng một cách thái quá nên bị triều đình phế làm thứ nhân đưa về quản thúc tại Thanh Hóa. Cho rằng Lê Hiệu cùng một giuộc với Phan Kiêm Toàn, cuối năm 1674, một lần nữa Lê Hiệu bị giáng chức xuống làm Tham chính xứ Hưng Hóa.
Một trang gia phả họ Lê xã Sơn Thành, huyện Yên Thành của tú tài Lê Văn Đăng soạn năm 1871 do ông Lê Văn Thị cán bộ phụ trách hán nôm ty văn hóa Nghệ An sao dịch năm 1973; Ảnh tác giả cung cấp
Phương Quế hầu Lê Hiệu mất ngày 14 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1678) khi đang giữ chức Tham chính xứ Hưng Hóa, hưởng thọ 62 tuổi. Tục truyền, thuyền của triều đình chở linh cữu Lê Hiệu về quê bằng đường thủy, đi vào đất liền Nghệ An bằng đường kênh nhà Lê, đến địa phận xứ Nồi Niêu, thôn Bút Điền, xã Bút Điền, huyện Đông Thành thì táng ông tại đó. Đất phần mộ ông được triều đình cấp 2 mẫu, ngoài 50 mẫu đã được thưởng công đi sứ sang nhà Thanh năm 1663 tại đây. Xứ Nồi Niêu được triều đình đổi tên thành Bút Điền lạc sở hay Đồn Điền biệt sở để chỉ vùng đó biệt lập, cách xa quê Lê Hiệu khoảng 20 km về phía đông bắc. Ngày nay khu mộ Lê Hiệu còn khoảng trên dưới một sào trung bộ, có tường xây bao quanh, nằm ở phía nam, cách quốc lộ 7 khoảng hơn một km theo đường chim bay, cạnh kênh nhà Lê, tại xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu.
Bài vị cúng Lê Hiệu: “Tiền tổ khảo tứ Quý Vị khoa đệ nhị giáp, hoàng giáp xuất thân, đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, tán lý công thần, lưỡng quốc tể tướng, Hình bộ Thượng thư, Phương Quế hầu, thượng trụ quốc Lê quý công tự Nhã Thực, thụy Trung Mậu tiên sinh”. Về chức lưỡng quốc tể tướng cần được làm rõ, thực tế Lê Hiệu làm chánh sứ đi sứ sang nhà Thanh lập được công lớn năm 1663, lúc đó ông mới chỉ giữ chức Hữu thị lang bộ Lễ, mãi đến năm 1669 mới được làm tham tụng tể tướng, cho nên phả chép lưỡng quốc tể tướng là không có cơ sở. Lê Hiệu làm tham tụng tể tướng dưới hai triều vua, mỗi triều thời gian hai năm: Huyền Tông từ năm 1669 đến năm 1671, Gia Tông từ năm 1671 đến năm 1673, do đó ông là lưỡng triều tể tướng (两 朝 宰 相) hoặc lưỡng nguyên tể tướng (两元宰 相) thì đúng hơn. Bài vị cúng trên cũng cho thấy, sau khi Lê Hiệu mất, triều đình đã gia ân truy thăng ông vào chức tước cũ, chức tước cao nhất khi ông còn sống.
Tại nhà thờ họ Lê Văn còn lưu giữ bản sao 03 sắc phong của nhà Nguyễn liên quan đến một vị thần là thần Lê tướng công, đối chiếu sắc phong với gia phả khẳng định vị thần Lê tướng công đó chính là Lê Hiệu. Trong đó: một bản ngày 25/9/1894 vua Thành Thái gia phong từ chi thần thành trung đẳng thần, một bản ngày 25/7/1924 vua Khải Định gia phong từ trung đẳng thần lên thượng đẳng thần, 01 bản ngày 11/8/1912 vua Duy Tân chỉ định phối thờ trung đẳng thần Lê tướng công cùng với các vị thần khác của làng tại đình làng Tràng Sơn. Nhà thờ dòng họ Lê Văn của Lê Hiệu đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1993 với tên di tích: Nhà thờ Lê Doãn Nhã.
Tể tướng Lê Hiệu là nhà khoa bảng, nhà chính trị xuất sắc, nêu tấm gương sáng về tinh thần yêu nước và nhân văn, góp phần tô đậm truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và quê hương.
Tài liệu tham khảo:
1. Gia phả họ Lê Doãn Nhã do tú tài Lê Văn Đăng soạn năm 1871, ông Lê Văn Thị cán bộ phụ trách hán nôm của ty văn hóa Nghệ An sao dịch năm 1973 hiện còn lưu tại Bảo tàng tỉnh, sử dụng tư liệu về sự nghiệp, phần mộ;
2. Sách Mạc Sơn trạng nguyên soạn là gia phả họ Phương ở thôn Đa Văn, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương do ông Nguyễn Phương Từ sao lục năm 1938, ông Vương Đình Hiếu cán bộ hưu trí tại thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An sao và phiên âm hoàn thành năm 2006 hiện ông Nguyễn Phương Huệ xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương giữ một bản phô tô liên quan đến Lê Hiệu là học trò của Ngũ Phương tiên sinh;
3. Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam - NXB Văn học năm 2006
4. Sách Khoa bảng Nghệ An, Đào Tam Tỉnh, NXB Nghệ An năm 2000
5. Sách Đông Yên nhị huyện khoa phổ, Nguyễn Xuân Huy, Cao Tử Thường sưu tầm biên soạn 1925, bản dịch của Trần Long tại Thư viện Yên Thành
6. Sách Yên Thành Di tích & Danh thắng – NXB Văn học năm 2015
7. Sách Đại Việt sử ký toàn thư – NXB Văn hóa Thông tin năm 2004, tập 2, liên quan đến Lê Hiệu tại các trang 840, 850, 854, 863, 866, 883, 886, 890.
8. Bản sao các sắc phong thần cho Lê Hiệu tại nhà thờ
Bản sao sắc vua Khải Định ngày 25/7/1924Một trang gia phả họ Lê xã Sơn Thành, huyện Yên Thành của tú tài Lê Văn Đăng soạn năm 1871
do ông Lê Văn Thị cán bộ phụ trách hán nôm ty văn hóa Nghệ An sao dịch năm 1973