Giữ gìn nền độc lập của dân tộc và đưa đất nước tiến lên hùng cường
Nguyễn Văn Toàn
11/8/2023
Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) của dân tộc ta thắng lợi là do toàn dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng để giữ gìn nền độc lập của dân tộc, thực hiện thống nhất đất nước, xây đắp nền thái bình muôn thuở và đưa đất nước tiến lên hùng cường.
Mỹ gây ra cuộc chiến tranh xâm lược tại Việt Nam
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã đem lại nền Độc lập – Tự do – Hạnh phúc cho Nhân dân Việt Nam.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn các nước Đồng minh công nhận nền độc lập ở nước ta. Bởi nước ta đã giành được chính quyền từ tay Nhật trước khi quân Đồng minh đổ bộ vào nước ta với cái cớ làm “nhiệm vụ” giải giáp đội quân phát xít này. Trong Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), Người khẳng định: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam. Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), Mỹ trở thành nước tư bản giàu mạnh nhất thế giới. Về quân sự, Mỹ có lực lượng mạnh nhất thế giới tư bản và đang độc quyền vũ khí nguyên tử. Bởi vậy, tham vọng của Mỹ là muốn lãnh đạo thế giới tư bản để chống lại Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Để lôi kéo các nước tư bản lớn trên thế giới như Anh, Pháp về phe mình, Mỹ bắt đầu ủng hộ các nước này trong việc chống lại phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.

Chiến tranh đơn phương được thực hiện nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới - nguồn intenet
Ngày 30/8/1945, Đại sứ Mỹ ở Trùng Khánh (Trung Hoa Dân Quốc) nhận được thông báo từ Bộ ngoại giao Mỹ là Washington hoàn toàn đồng ý nếu Pháp và Tưởng Giới Thạch có thể thỏa thuận được với nhau về việc Pháp theo chân quân Tưởng vào miền Bắc Việt Nam. Nếu không dàn xếp được với Tưởng Giới Thạch, Mỹ gợi ý Pháp có thể dàn xếp với Anh. Về phía Anh, đô đốc Anh Louis Mountbatten đã khẳng định với tướng Pháp Leclerc: “Pháp có thể quay trở lại Đông Dương”.
Bởi vậy, ngay sau khi nước ta giành được độc lập, thực dân Pháp núp bóng quân Anh đã quay trở lại xâm lược nước ta. Năm 1947, Mỹ viện trợ cho nước Pháp 3 tỷ USD theo kế hoạch Marshall. Nhờ khoản tiền này, Pháp mới có thể tiếp tục gây chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Báo chí Mỹ lúc đó còn cho biết: Năm 1947 Chính phủ Truman đã cho Pháp vay 160 triệu USD để mua xe cộ và một số thiết bị liên quan cho chiến trường xâm lược của Pháp ở Đông Dương. Tiếp đó, trong văn kiện NSC51 của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (ngày 1/7/1949) có xác nhận: Trong năm 1948 có khoảng 100.000 quân Pháp với trang bị của Mỹ ở Đông Dương.
Tổng kết lại, nếu như năm 1950, Mỹ chỉ “viện trợ” quân sự 10 triệu USD cho Pháp trong cuộc chiến tranh, thì đến lâu năm 1954, số lượng này đã tăng lên đến 1,1 tỉ USD, chiếm 78% chi phí chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương. Từ 1950 đến 1954, tổng số viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ cho Pháp trong chiến tranh xâm lược Đông Dương đã vượt quá 3,5 tỉ USD. Tướng Pháp Henri Navarre sau này viết trong hồi ký rằng: “Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ”.
Tuy nhiên, quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “vang vọng năm châu, chấn động địa cầu” (7/5/1954), đánh bại cố gắng cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Tiếp đó, Hiệp định Genève (20/7/1954) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết. Đây là văn kiện quốc tế đầu tiên, với sự tham dự của 5 cường quốc thế giới (Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc), tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cùng hai nước Lào và Campuchia.
Không cam chịu thất bại, Mỹ đã quyết định hất cẳng Pháp để thực âm mưu của mình tại Việt Nam với bước đi đầu tiên là biến Miền Nam Việt Nam thành “thuộc địa kiểu mới”. Tháng 9/1954, Mỹ lôi kéo được một số đồng minh lập ra khối “Liên minh quân sự Đông Nam Á” (SEATO) và ngang nhiên đặt miền Nam Việt Nam dưới sự bảo trợ của khối này. Bên cạnh đó, Mỹ-ngụy đã đàn áp dã man phong trào yêu nước của Nhân dân miền Nam. “Tức nước vỡ bờ”, phong trào Đồng khởi của Nhân dân miền Nam nổ ra vào năm 1960 và đã căn bản làm tan rã cơ cấu chính quyền cơ sở địch ở nông thôn. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Đầu năm 1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng được thành lập.
Từ giữa năm 1961, Mỹ-ngụy đã tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Xương sống của chiến lược này là “ấp chiến lược” nhằm tách cách mạng khỏi Nhân dân để dễ bề tiêu diệt. Át chủ bài của chiến lược này là quân ngụy do Mỹ tổ chức, trang bị, huấn luyện và chỉ huy. Tuy nhiên, với sự đấu tranh mạnh mẽ của quân dân ta, hệ thống “ấp chiến lược” bị sụp đổ đến 4/5 và ngụy quân bị lung lay tận gốc. Đặc biệt, ngay khi thành lập, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (15/2/1961) đã liên tiếp lập nhiều chiến công. Trung ương Đảng nhận định: “Sau trận Ấp Bắc (tháng 1/1963), Mỹ đã nhận thấy không thể thắng được ta. Sau Chiến dịch Bình Giã, Mỹ lại nhận thấy có thể thua ta”. Ngày 20/1/1965, trong thông điệp nhậm chức Tổng thống Mỹ, Lyndon Johnson tuyên bố: “Mỹ phải có hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của Quân đội Việt Nam Cộng hòa và chính quyền miền Nam, giữ vững Nam Việt Nam”. Thế là Mỹ đã thừa nhận đã thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.
Nhằm cứu vãn tình thế thất bại, ngày 5/8/1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá ác liệt miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân với âm mưu ngăn cản chi viện của nhân dân miền Bắc đối với nhân dân miền Nam. Bên cạnh đó, từ tháng 2/1965, Mỹ và nhiều nước đồng minh, chư hầu (Hàn Quốc, Thái Lan, Australia, New Zealand, Philippines…) cùng ồ ạt đưa quân vào miền Nam Việt Nam để thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Theo thống kê, từ năm 1965 đến tháng 1/1973, Mỹ đã huy động khoảng 3 triệu lượt quân Mỹ sang miền Nam Việt Nam để tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ở đỉnh cao trong thời kỳ 1968-1969, có 638.000 quân Mỹ trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh, trong số này có 535.000 quân Mỹ đóng ở miền Nam Việt Nam. Riêng về bộ binh, Mỹ đã huy động gần 70% tổng số bộ binh trong quân đội. Bên cạnh đó, Mỹ cũng tiếp tục mở rộng xây dựng quân ngụy Sài Gòn.
Trên Báo Nhân dân số 3992 (8/3/1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Ở Hội nghị Genève, Chính phủ Mỹ đã tuyên bố rằng: Mỹ sẽ không đe doạ hoặc dùng vũ lực cản trở Hiệp định ấy. Nhưng chữ ký chưa ráo mực thì Mỹ đã dùng mọi cách phá hoại Hiệp định Genève”. Do đó, Người nhấn mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam nhất định thắng lợi “vì chúng ta có chính nghĩa; vì chúng ta đoàn kết một lòng, kiên quyết kháng chiến; vì chúng ta được sự đồng tình ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của Nhân dân yêu chuộng chính nghĩa khắp thế giới – kể cả Nhân dân tiến bộ Mỹ”.
Ðể đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam phát triển thế tiến công và liên tiếp đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 – 1967 của Mỹ. Trong đó nổi bật là Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã bẽ gãy cuộc hành quân Junction City (1967) với 45.000 quân Mỹ.
Những chiến thắng giòn giã nói trên đã củng cố thêm quyết tâm của Bộ Chính trị về quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nhằm mở ra cục diện mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã mở màn vào đêm 30 rạng ngày 31/1/1968. Quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn và hơn 40 thành phố, thị xã khác (4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần), làm cho Mỹ - ngụy bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta không chỉ có ở Tết Mậu Thân, mà trên thực tế đây chỉ là đợt 1, còn đợt 2 và đợt 3 diễn ra mùa hè và mùa thu năm 1968. Kết quả trong năm 1968, theo Thông cáo của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ngày 20/12/1968, quân và dân ta ở miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 tên Mỹ, ngụy và quân của các nước đồng minh Mỹ; phá hỏng, phá huỷ 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu, xuồng chiến đấu trên sông, 700 kho đạn, 100 khẩu pháo các loại; diệt, bức hàng, bức rút 15.000 đồn bốt, chi khu. Đánh giá về thắng lợi này, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng sau ngày toàn thắng (1976) đã nêu rõ: “Thắng lợi rất oanh liệt của đòn tiến công và nổi dậy táo bạo, bất ngờ đó đã đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris”.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Việt Nam ở miền Nam, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ Vĩ tuyến 20 trở ra và cử người đàm phán với đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Paris. Trong đó, Mỹ phải coi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một bên đối thoại trực tiếp và bình đẳng để giải quyết mọi vấn đề của cuộc chiến tranh Việt Nam. Do lập trường cương quyết của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ sau đó cũng buộc phải ngồi đàm phán với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (từ tháng 6/1969 là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam).
Không như Hội nghị quốc tế Genève về Đông Dương năm 1954 diễn ra với cục diện ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn ở Điện Biên Phủ và hội nghị là giữa các cường quốc, Hội nghị Paris là cuộc đàm phán tay đôi giữa cách mạng Việt Nam với đế quốc Mỹ và trong khi cuộc chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Đây cũng là thực hiện kế sách “vừa đánh vừa đàm” của Hội nghị lần thứ 13 Trung ương Đảng (khóa III) vào tháng 1/1967 bởi đối phương là một cường quốc có sức mạnh quân sự hơn ta nhiều lần.
Ngày 13/5/1968, Hội nghị Paris giữa phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ chính thức bắt đầu tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (phố Kléber). Tuy nhiên, không từ bỏ âm mưu xâm lược, đế quốc Mỹ đã thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam, leo thang đánh phá miền Bắc, xâm lược Lào, Campuchia. Bởi vậy, trên chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị chủ trương phát triển thế tiến công chiến lược, nhằm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho cách mạng.
Thực hiện chủ trương trên của Bộ Chính trị, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam mở Cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Kết quả, Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã giành thắng lợi to lớn, làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh. Ta đã diệt và làm tan rã khoảng 30 vạn quân địch, giải phóng những vùng đất rộng gồm trên 1 triệu dân, đưa tổng số dân được giải phóng lên tới 4 triệu (trong tổng số 11 triệu dân). Bộ đội chủ lực ta trở về miền Nam đứng vững trên những địa bàn quan trọng, bộ đội địa phương và dân quân du kích phát triển. Thắng lợi của cuộc tiến công đã góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ngồi lại đàm phán với phía ta để kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Richard Nixon lên làm Tổng thống Mỹ từ ngày 20/1/1969 và thời điểm đó có khoảng 300 lính Mỹ chết mỗi tuần tại Việt Nam khiến phong trào phản chiến ở Mỹ dâng cao. Không lâu sau khi nhậm chức, Richard Nixon kết luận rằng không thể giành chiến thắng trong Chiến tranh xâm lược ở Việt Nam và tìm kiếm “sự rút lui trong danh dự”.
Đúng như dự đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua”. Tuy phía Mỹ tuyên bố “Hòa bình trong tầm tay”, nhưng ngay sau khi Richard Nixon trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, phía Mỹ lại trì hoãn việc ký hiệp định. Sau đó, Mỹ thực hiện chiến dịch quân sự “Linebacker II” đánh phá ồ ạt bằng lực lượng không quân được huy động lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền Bắc nước ta nhằm bắt phía ta phải ngồi lại đàm phán theo hướng có lợi cho Mỹ. Với 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, quân và dân miền Bắc đã tiêu diệt 81 máy bay các loại, trong đó có 34 pháo đài bay B52 của Mỹ. Trận “Điện Biên Phủ trên không” khiến Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27/1/1973). Theo Hiệp định này, quân xâm lược Mỹ phải cuốn cờ rút khỏi Việt Nam. Trong cuốn sách “Không còn những Việt Nam nữa”, Tổng thống Mỹ Richard Nixon chua xót nhận ra: “Đỉnh cao của cuộc leo thang chiến tranh ở Việt Nam là đợt chúng ta đưa B-52 ném bom Hà Nôi, Hải Phòng dịp lễ Noel năm 1972. Nhưng chúng ta đã thất bại và phải ký Hiệp định Paris”.
Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Hiệp định được ký sau quá trình đàm phán dài nhất thế giới với 4 năm 8 tháng 16 ngày (từ năm 1968 đến năm 1973), gồm 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1000 cuộc phỏng vấn và nhiều phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ trên khắp thế giới.
Các nguyên tắc trên tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” luôn được giữ vững. Lập trường của ta trong các cuộc đàm phán là luôn khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Việt Nam; lên án tội ác chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên hai miền Nam, Bắc Việt Nam; đòi Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam; yêu cầu chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom miền Bắc Việt Nam của Mỹ… Chúng ta đã linh hoạt ứng xử trong các tình huống cụ thể nhưng không bao giờ từ bỏ các nguyên tắc đó và chúng ta đã chiến thắng.
Tổng kết lại, hơn 58.000 quân Mỹ thiệt mạng và 305.000 quân Mỹ bị thương tật trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam của Mỹ. Mỹ cũng đã tiêu tốn cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam 400 tỷ USD, gấp 20 lần chi phí của Mỹ trong chiến tranh ở Triều Tiên và gấp 2 lần chi phí của Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ hai (250 tỷ USD).
Biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người
Theo Hiệp định Paris (ngày 27/1/1973), Mỹ không được tiếp tục dính líu quân sự, không can thiệp công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Mỹ phải ngừng bắn, rút hết quân trong 60 ngày.
Việc Mỹ rút quân sau Hiệp định Paris (27/1/1973) đã tạo cơ hội rất lớn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, khi hiệp định còn chưa ráo mực, bất chấp khát vọng hòa bình của Nhân dân Việt Nam, Mỹ và ngụy Sài Gòn đã ra sức phá hoại Hiệp định Paris, thực hiện kế hoạch “bình định, lấn chiếm” bằng thủ đoạn “tràn ngập lãnh thổ”.
Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương, khóa III (10/1973) họp, ra nghị quyết nêu rõ: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng”. Thực hiện nghị quyết này, từ đầu năm 1974, quân ta ở các chiến trường trên toàn miền Nam chuyển sang phản công và tiến công, quyết tâm đánh bại âm mưu lấn đất, giành dân, từng bước đẩy lùi địch về thế phòng ngự bị động.
Tháng 10 và tháng 12/1974, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương cùng các bộ chủ chốt ở chiến trường đã họp bàn về quyết tâm và kế hoạch giải phóng miền Nam trong thời gian hai năm 1975-1976. Ngoài kế hoạch này, Bộ Chính trị còn dự kiến nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Thực hiện kế hoạch trên của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, hai miền Nam, Bắc khẩn trương hoàn tất các mặt chuẩn bị, cả về thế và lực. Miền Bắc đã chi viện 11 vạn bộ đội, vận chuyển hơn 400.000 tấn vật chất vào miền Nam. Những quân đoàn chủ lực cũng được thành lập. Trong đó, Quân đoàn 1 thành lập ngày 24/10/1973, Quân đoàn 2 thành lập ngày 17/5/1974, Quân đoàn 4 thành lập ngày 20/7/1974, Quân đoàn 3 thành lập ngày 26/3/1975 (khi đang trong quá trình đánh Tây Nguyên), Đoàn 232 (sau đổi tên thành Binh đoàn cánh Tây Nam, tương đương quân đoàn) thành lập vào tháng 2/1975. Quân dân ta cũng xây dựng được hệ thống mạng lưới đường xá, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu, hệ thống dây thông tin liên lạc nối từ Bắc vào Nam.
Để thử phản ứng của Mỹ, quân ta đã mở một cuộc trinh sát chiến lược, thực hiện chiến dịch giải phóng Phước Long. Đến ngày 6/1/1975, sau khi giải phóng thị xã Phước Long, phía Mỹ cũng chỉ phản ứng chiếu lệ. Điều này chứng minh Mỹ sẽ không đưa quân quay trở lại Việt Nam.
Thực hiện kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm (1975-1976), Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược vì Tây Nguyên là địa bàn có vị trí vô cùng quan trọng về chiến lược, nếu ta giải phóng được, sẽ làm rung chuyển toàn bộ chiến trường miền Nam.
Từ ngày 4/3/1975, bằng một loạt các biện pháp nghi binh công phu, quân ta đã thu hút và giam chân khối chủ lực cơ động của địch ở Bắc Tây Nguyên, dẫn đến sơ hở ở Nam Tây Nguyên. Đến đêm 9/3/1975, quân ta tiến đánh thị xã Buôn Ma Thuột (ở Nam Tây Nguyên) với sức mạnh áp đảo địch. Đến trưa ngày 11/3/1975, ta đã giải phóng được thị xã Buôn Ma Thuột. Với những thất bại nhanh chóng và nặng nề liên tiếp sau đó, ngụy quyền Sài Gòn buộc phải ra lệnh rút bỏ Tây Nguyên để bảo toàn lực lượng. Tuy nhiên, quân ta đã đập tan ý định bỏ Tây Nguyên về co cụm ở đồng bằng của địch. Đến ngày 24/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên đã giành thắng lợi hoàn toàn và lực lượng quân đội ta từ Tây Nguyên nhanh chóng phát triển xuống các tỉnh ven biển miền Trung. Những thắng lợi to lớn trong chiến dịch Tây Nguyên là cơ sở để Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975.
Trong lúc đó, từ ngày 6/3/1975, quân ta bắt đầu tiến công ở Trị Thiên và Khu 5. Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Ngày 26/3/1975, Huế được giải phóng. Ngày 29/3/1975, Đà Nẵng được giải phóng. Đến ngày 3/4/1975, toàn bộ các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung được giải phóng.
Ngày 4/4/1975, Quân uỷ Trung ương giao cho Khu 5 và lực lượng hải quân tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Từ ngày 14 đến ngày 29/4/1975, toàn bộ các đảo trên được giải phóng.
Sau Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Trị Thiên-Huế; Đà Nẵng, Bộ Chính trị nhận định: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có đủ điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc” . Do đó, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch quyết chiến chiến lược với hình thức tiến công hiệp đồng quân chủng, binh chủng quy mô lớn để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Ngày 21/4/1975, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu từ chức để cao chạy xa bay. Trong một bài nói chuyện tại Trường Đại học Tunale vào ngày 23/4/1975, tổng thống Mỹ Gerald Ford đã nêu rõ: “Cuộc chiến tranh đã kết thúc đối với người Mỹ”.
Ngày 26/4/1975, quân ta bắt đầu mở chiến dịch Hồ Chí Minh với lực lượng áp đảo, gấp 3 lần lực lượng quân đội ngụy tại Sài Gòn. Tham gia chiến dịch có 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Binh đoàn cánh Tây Nam (tương đương quân đoàn) cùng lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân trên địa bàn chiến dịch. Về binh khí, kỹ thuật, quân ta đã tập trung được 516 khẩu pháo mặt đất, 550 tên lửa và pháo phòng không, 1 đại đội máy bay A37, 320 xe tăng, xe thiết giáp, 1.600 xe kỹ thuật chiến đấu, hơn 10.000 xe vận tải, 60.000 tấn vật chất (15.000 tấn đạn)… Vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Sài Gòn được giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 cũng đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976) đã đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Đưa đất nước tiến lên hùng cường
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Đặc biệt, tại cột mốc năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam là 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới vào năm 2021. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 ước tính tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người; tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.
Về mối quan hệ Việt Nam với Mỹ, vào ngày 30/4/1975, Mỹ áp dụng lệnh cấm vận thương mại đối với toàn bộ Việt Nam sau khi áp dụng lệnh này đối với miền Bắc Việt Nam từ năm 1964. Mãi đến ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton mới thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Đêm 11/7/1995 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Rạng sáng ngày 12/7/1995 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ. Sau đó, Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/7/1995. Đây là kết quả của một hành trình dài với những nỗ lực bền bỉ của cả hai bên, có ý nghĩa đặc biệt, gác lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước. Trong chuyến thăm Mỹ năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Từ hai nước “cựu thù”, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành bạn, rồi đối tác toàn diện và trong tương lai mối quan hệ đó sẽ còn phát triển tốt hơn nữa. Có được điều này là nhờ tầm nhìn chiến lược, nhờ sự cố gắng của lãnh đạo hai nước đồng thời có sự ủng hộ to lớn của Nhân dân vì quan hệ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ phù hợp với lợi ích của Nhân dân, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới hiện nay. Đó là hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển và cùng nhau thịnh vượng”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “quá khứ không ai có thể thay đổi được nhưng tương lai thuộc về trách nhiệm của chúng ta”. Điều này thể hiện đường lối đối ngoại nhất quán của nước ta từ thời lập quốc. Trong Lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Chính phủ các nước trên thế giới ngày 14/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới” . Ngày 12/1/1967, khi tiếp đoàn nhà báo Mỹ, Người tuyên bố: “Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao. Đại hội cũng đã xác định xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân để tiếp tục nâng tầm vị thế quốc gia. Văn kiện Đại hội đã khẳng định: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước” .
Hiện nay, nước ta đã tạo dựng, củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, tạo tiền đề thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia trên thế giới thuộc tất cả các châu lục, trong đó, 3 nước có quan hệ đặc biệt, 17 đối tác chiến lược (4 đối tác chiến lược toàn diện), 13 đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đang là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc. Việt Nam hiện là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên họp quốc khóa 77 (nhiệm kỳ 2022-2023) đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam sau quá trình dài đóng góp vào hòa bình, an ninh thế giới.

Ảnh minh họa - nguồn Báo điện tử chính phủ
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của nước ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.