Các trường tư thục ở Vinh thời thuộc Pháp
Phạm Xuân Cần
3/8/2023
Cho đến năm 1930 ở Vinh - Bến Thủy, ngoài trường tiểu học giành riêng cho trẻ con tây (École Fran-aise, trong dòng tu ở khu vực Bệnh viện thành phố Vinh hiện nay) còn có ba trường công lập là Tiểu học Pháp - Việt (Bao gồm trường Cao Xuân Dục giành cho nam và Nguyễn Trường Tộ giành cho nữ); Tiểu học Bến Thủy (do ông Phan Bá Tuân bỏ tiền xây dựng trước năm 1927) và Cao đẳng tiểu học (Quốc học Vinh).
Bên cạnh đó, còn có một số trường tư thục sau đây:
- Trường Chính Hóa. Đây là trường tư thục, do Giáo hội Công giáo lập ra, nằm ở phía Nam nhà thờ Cầu Rầm, đầu đường Lê Hồng Sơn hiện nay. Trường do cha Père Cuissac làm hiệu trưởng. Tham gia giảng dạy có một cố đạo và một số giáo viên người Việt, như thầy Lê Đại Lý (quê Quảng Ngãi), Võ Thành Minh (Yên Thành), Trần Quốc Nghệ (Hương Sơn)… Số lượng học sinh của Chính Hóa không nhiều như các trường tư thục khác.
- Trường Khuất Như Khôi: Năm 1933, từ Hà Nội, bà Khuất Như Khôi (vợ ông Khuất Như Khôi là một yếu nhân ở Nhà máy xe lửa Trường Thi) vào Vinh đầu tư, lập ra trường Tư thục Khuất Như Khôi. Theo hình ảnh được quảng cáo trên báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn, đây là một ngôi trường hai tầng, bề thế và rất đẹp. Báo chí đương thời cũng phản ánh nhiều hoạt động của trường Khuất Như Khôi. Nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa biết vị trí của trường đóng ở đâu.
Học bạ của học sinh trường Chính Hóa
- Trường Minh Tân: Vào mùa thu năm 1937, một số chính trị phạm (chủ yếu do hoạt động trong đảng Tân Việt) được ra tù, như Hoàng Đức Thi, Phan Kiêm Huy… Là những người có học vấn khá cao, lại đúng thời kỳ chính phủ phái Bình Dân lên cầm quyền ở Pháp, có nhiều cởi mở về chính sách thuộc địa, nên họ đã cùng nhau nhóm lại, thành lập nên trường trung học tư thục Minh Tân, do thầy Hoàng Đức Thi làm hiệu trưởng, thầy Phan Kiêm Huy làm quản lý (Le Gérant). Thầy Hoàng Đức Thi (1898 - 1951) là con thứ hai của tiến sĩ Hoàng Kiêm (Tổng đốc Nam Ngãi về hưu ở Vinh), quê Diễn Cát, Diễn Châu. Ông đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, về dạy học ở Huế. Tại Huế ông tham gia thành lập đảng Phục Việt (sau là đảng Tân Việt). Năm 1928 ông bị bắt cùng Đào Duy Anh. Sau đó được tha ra, về làm hiệu trưởng trường Tiểu học Pháp - Việt Hà Tĩnh. Tại đây ông lại tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, nên bị bắt giam. Năm 1936, ông được thả và năm 1937 thành lập trường Tư thục Minh Tân ở Vinh. Hiện chúng tôi vẫn chưa xác định được vị trí cụ thể của trường Minh Tân, chỉ biết ở dọc đường Phan Đình Phùng ngày nay.
Bài về lễ phát thưởng của trường tư thục Khất Như Khôi. TNTTV 23/6/1933
Trường Minh Tân ngay từ năm đầu tiên đã thu hút được rất đông học sinh. Đội ngũ giáo viên của trường bao gồm những người rất giỏi, như Hoàng Đức Thi, Phan Kiêm Huy, Đỗ Đức Chước… Đặc biệt, không chỉ có các giáo viên người Nghệ Tĩnh, mà Trường còn thu hút được một số thầy rất nổi tiếng ở Hà Nội vào dạy, như thầy Hữu Ngọc (là nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc hiện nay) dạy Pháp văn; thầy Nguyễn Triệu Luật, dạy lịch sử. Riêng thầy Nguyễn Triệu Luật là một nhân vật đặc biệt, không chỉ dạy sử giỏi, ông còn là nhà văn nổi tiếng với các tiểu thuyết lịch sử, đồng thời là một chiến sỹ Quốc Dân Đảng, tôn thờ lãnh tụ Nguyễn Thái Học. Không phải ngẫu nhiên mà khi thầy Nguyễn Triệu Luật chia tay Minh Tân trở lại Hà Nội, báo Tuần Lễ (ra ở Vinh) đã giành hẳn nửa trang nhất để đăng bài về thầy và lời từ biệt của thầy.
Rất tiếc khi thời cuộc diễn biến phức tạp nội bộ giáo viên trường Minh Tân lục đục, mâu thuẫn nhau. Mâu thuẫn đã dẫn đến việc tháng 1/1940 Minh Tân phải tuyên bố đóng cửa.
- Trường Thuận An: Sau khi Minh Tân đóng cửa, đội ngũ giáo viên chia làm hai. Một số cùng thầy Hoàng Đức Thi ở lại địa điểm cũ, lập nên trường tư thục Thuận An. Ít lâu sau, trường Thuận An nâng cấp thành trường trung học. Khi đó thầy Võ Thuần Nho (em trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp) làm hiệu trưởng.
- Trường Lễ Văn: Một số giáo viên khác gồm phần lớn là các cựu chính trị phạm như Phan Kiêm Huy, Đỗ Đức Chước, Nguyễn Năng Độ, Ngô Đức Mậu cùng nhau lập nên trường Lễ Văn. Các thầy mời ông Nguyễn Đức Bính làm hiệu trưởng. Lúc bấy giờ Nguyễn Đức Bính đã là một nhà báo, nhà văn nổi tiếng, nguyên chủ bút báo Ý Dân, Thời Vụ và tờ “Vịt buộc” (bằng tiếng Pháp). Hiện giờ ông đang là chủ bút báo Tuần Lễ, đồng thời là Dân biểu Nghị Viện Trung kỳ. Ông Nguyễn Đức Bính cũng là chồng của cô Nguyễn Thị Du, hiệu trưởng trường nữ học Nguyễn Trường Tộ. Bởi vậy, những năm sau hầu như học sinh trường Nguyễn Trường Tộ sau khi học xong tiểu học đều sang trường Lễ Văn.
Trường Lễ Văn tiếp tục được sự phục vụ của nhiều giáo viên giỏi từ trường Minh Tân cũ. Thầy Nguyễn Triệu Luật từ Hà Nội cũng trở lại, không chỉ thế thầy Luật còn mời theo các thầy Nguyễn Hữu Ngọc, Bế Ngọc Bảo, Vũ Tuấn Sán, Nguyễn Thanh Tùng cùng vào Vinh, chung lưng đấu cật cùng Lễ Văn.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc nhớ lại: “Thế là vào một đêm khuya tôi và bạn Tùng đổ bộ xuống thành Vinh. Tôi dạy ở đây được một năm rưỡi tại trường Lễ Văn. Hơn nửa thế kỷ qua, nghĩ lại cái tuổi 22-23 thuở ấy đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm tươi đẹp và có ích cho cuộc đời tôi. Tôi đã có dịp tìm hiểu núi sông, cuộc sống và con người rất độc đáo của xứ Nghệ. Tôi đã có dịp làm quen với những bạn đồng nghiệp đáng mến về tính tình và tư cách. Họ là những người làm chính trị chống Pháp hết hạn ở tù ra, hoặc những người trí thức có tâm huyết như: Nguyễn Đức Bính, Phan Kiêm Huy, Đỗ Đức Chước, Nguyễn Năng Độ, Nguyễn Khoa Diệu Hồng, thầy Phúc, thầy Quang, cô Du…”(1).
Quảng cáo trường Lê Văn trên báo Tuần Lễ
Lấy chủ trương từ câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, Trường Lễ Văn rất được các bậc phụ huynh ưa chuộng. Trường mau chóng trở thành một trường tư thục nổi tiếng. Trường đóng ở vị trí nay là Nhà Văn hóa Thiếu nhi Việt Đức.
- Ngoài những trường trên đây, ở Vinh còn có trường tư thục Hồng Linh (Hồng Linh học hiệu), của thầy Nguyễn Đăng Long. Trường đóng ở số 1 Bis phố Lyautey, bắt đầu khai giảng từ ngày 1/7/1938. Ông Nguyễn Đăng Long thậm chí còn viết cả một cuốn sách, nhan đề “Một vài ý kiến về trường tư”. Trong cuốn sách này, ông Nguyễn Đăng Long đưa ra cách “học khoán”. Theo đó học trò muốn học khoán chỉ cần nộp trước một khoản tiền cho một chứng chỉ nhất định. Nhà trường cam kết nếu học xong thi không đỗ, nhà trường trả lại tiền. Nếu nhà trường không trả thì ông chủ nhà in Nguyễn Đức Tư, là người bảo lãnh sẽ trả thay.
Thầy trò trường Lễ Văn gặp mặt trước khi nghỉ tết năm 1940
Trong cuốn sách cũng đăng mấy câu thơ “quảng cáo” của thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu:
“Non cao đã có đường trèo
Sông to sóng cả con chèo vững tay
Hồng Linh trường học mở đây,
Ai muốn thi đỗ từ nay có trường”
Mặc dù được truyền thông mạnh mẽ, bài bản như vậy, nhưng trên thực tế người ta rất ít nhắc đến trường này.
Tương tự như vậy, báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn số 16/6/1933 đưa tin về khai giảng trường tư thục Trương Thế Giám, ở phố Paul Bert ngày 1/6/1933. Trường có từ lớp năm đến lớp nhất. Tuy nhiên, cũng ít có thông tin về trường này.
Có thể nói, cùng với trường Tiểu học Pháp - Việt Cao Xuân Dục, Nguyễn Trường Tộ và trường Quốc học Vinh, các trường tư thục đã góp phần biến Vinh trở thành một trung tâm đào tạo lớn, có uy tín của Trung kỳ.
Chú thích
(1). Hữu Ngọc: Cái thuở ban đầu, in trong tập Thành phố Đỏ mùa thu, NXB Nghệ An, 1998.