Nam giới trong phòng chống bạo hành gia đình
Thiên Trang
12/7/2023
Nghiên cứu bạo hành gia đình trong nhiều năm qua đều có điểm chung là hướng mũi nhọn về nam giới như là nguyên nhân chủ yếu, là đối tượng gây ra sự bạo hành trong gia đình, là thủ phạm của bạo hành gia đình. Nhưng quan niệm đó đang ngày càng thiếu cơ sở vì thực tế cuộc sống đang thay đổi nhanh chóng. Và nam giới hiện nay, không còn chỉ là những “kẻ” gây ra bạo hành gia đình phải trừng trị, mà nhiều khi trở thành những nhân tố quan trọng trong việc giải quyết vấn đề bạo hành gia đình.
Bạo hành gia đình là một vấn đề đang được nhiều nước quan tâm, trong đó có Việt Nam. Bạo hành gia đình là một vấn đề xã hội và cũng có nhiều biến đổi qua các thời kỳ, giai đoạn khác nhau. Trước đây, bạo hành gia đình được coi là hành động bạo hành mang tính đàn áp, quy chụp của người đàn ông đối với phụ nữ và các thành viên khác trong gia đình. Và xem người đàn ông là nguyên nhân của bạo hành gia đình. Nhưng gần đây, khái niệm bạo hành gia đình được hiểu rộng hơn. Bạo hành gia đình không còn chỉ là những hành động mang tính bạo hành của người đàn ông trong gia đình đối với vợ hay con của họ, mà nó còn chỉ cả những hành vi tâm lý mang tính trấn áp của những đối tượng khác nhau đối với các thành viên khác trong gia đình. Tức là có cả những bạo hành về tâm lý và bạo hành ngược tức là bạo hành của người phụ nữ đối với đàn ông trong gia đình hay các thành viên khác.
Ảnh minh họa - nguồn internet
Nghệ An là địa phương tích cực tham gia thực hiện đường lối chính sách về bình đẳng giới và phát triển phụ nữ của Đảng và nhà nước đưa ra. Về mặt chính sách, trong mấy năm gần đây, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định liên quan đến kế hoạch và quá trình tổ chức thực hiện chương trình bình đẳng giới và thi hành luật Bình đẳng giới của nhà nước. Những chính sách này cũng được các sở ban ngành và các địa phương cụ thể bằng các chính sách khác và xây dựng các phong trào để thực hiện. Kết quả thực hiện cho thấy trong năm vừa rồi đã phát hiện 579 vụ bạo hành gia đình, trong đó số nạn nhân của bạo hành gia đình được phát hiện, được tư vấn về pháp lý, sức khỏe là 332/579 người đạt 57,3%, số người gây bạo hành gia đình được phát hiện, được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo hành gia đình là 229 người đạt 66,2%... Những kết quả đạt được này chưa thể hiện được hết các mặt của thực tế bạo hành gia đình và nó vẫn thể hiện tư duy cũ về vấn đề này. Trên thực tế, vấn đề xung đột và bạo hành gia đình còn phổ biến và lan rộng hơn so với những con số thống kê này. Những vụ bạo hành mà cơ quan chính quyền phải can thiệp hay được liên hệ với các tổ chức liên quan chỉ là một phần nhỏ của vấn đề bạo hành gia đình, vì người dân chủ yếu vẫn xem những vấn đề này là “chuyện trong nhà” và “vợ chồng đóng cửa bảo nhau”, chứ “đưa ra xã hội người ta cười cho”. Tuy nhiên, những kết quả này cũng chứng tỏ là các cơ quan nhà nước và xã hội ngày càng quan tâm đến vấn đề này, dù kết quả nhiều khi chưa tương xứng với những gì được đầu tư và hỗ trợ.
Ảnh minh họa - nguồn internet
Có một điểm mà báo cáo công tác bình đẳng giới của tỉnh cũng đã đề cập đến là “nam giới đã có sự chia sẻ với nữ giới và dành nhiều thời gian cho việc gia đình hơn”. Đây là một vấn đề quan trọng và cần phải phân tích nhiều hơn là một kết luận mang tính cảm tính. Vai trò của nam giới trong việc hạn chế bạo hành gia đình như thế nào và liệu chính họ bị bạo hành gia đình thì sao?
Một khảo sát xã hội học về các xung đột trong các gia đình trẻ đối với 46 cặp vợ chồng có độ tuổi từ 18 đến 41 ở Nghệ An cho thấy rằng có 57% xung đột gia đình đến từ phía phụ nữ và 43% đến từ phía đàn ông dù nguyên nhân của các xung đột thì do nhiều nguồn khác nhau. Hay những cuộc “chiến tranh tâm lý” trong gia đình thì chủ yếu bắt nguồn từ phụ nữ (74%) trong khi những hành động bạo hành như đánh đập thì đến từ người đàn ông nhiều hơn (71%). Vẫn còn những người đàn ông gia trưởng lựa chọn bạo hành để đối xử với vợ con, hay những kẻ suốt ngày ăn nhậu rồi khi say xỉn về đánh đập vợ. Nhưng những trường hợp đó không còn phổ biến trong xã hội hiện nay do nhiều lý do khác nhau. Vị thế của người phụ nữ đang được tăng lên đáng kể, quan niệm gia đình cũng thay đổi và người ta không chỉ còn biết “chịu đựng vì gia đình” mà có những lựa chọn khác. Khi được hỏi về hành vi đánh vợ, 79% phụ nữ cho rằng đó là “hành vi hèn hạ, kém cỏi”, “không đáng mặt nam nhi” của người đàn ông. Theo họ, dù có chuyện gì thì hành vi đánh đập phụ nữ là không thể chấp nhận. Tuy nhiên, cũng có 74% đàn ông lên án hành vi đánh vợ và họ coi “đàn ông mà đánh vợ mình thì là thằng vứt đi”. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng đàn ông đánh vợ, nhưng phần lớn đánh vì nóng giận hơn là đánh để thể hiện “quyền của chủ gia đình”. Trường hợp ngược lại, dù cuộc khảo sát với quy mô nhỏ này không có kết quả thống kê về việc vợ đánh chồng (vẫn được gọi là bạo hành ngược) trong gia đình. Tuy nhiên, nếu để ý trên báo chí và mạng xã hội thì trong mấy năm nay, việc những người phụ nữ đánh chồng là không hiếm, và nhiều vụ án nghiêm trọng liên quan đến mạng người đến từ những hành vi như vậy. Có một tâm lý khá phổ biến là hành vi bạo hành ngược ít được nói đến từ cả hai phía người bạo hành và người bị bạo hành. Có một điều thú vị được ghi nhận từ cuộc khảo sát là những người đàn ông giữ một vai trò quan trọng trong việc hòa giải các xung đột có thể gây nên những bạo hành trong gia đình. Khi được hỏi sau khi hai vợ chồng tranh cãi, giận hờn nhau thì ai là người chủ động làm hòa trước, thì có 46% đàn ông chủ động làm hòa trước, với phụ nữ con số này là 38%, còn lại đều để cho quên mọi chuyện và cuộc sống bình thường lại. Trong những cuộc “tâm lý chiến” thì người đàn ông cũng thường chịu thua trước. Như một người đàn ông trẻ chia sẻ: “Mình đi làm cả ngày, về nhà mà vợ cứ mặt mày nặng nhẹ thì rất khó chịu. Về với gia đình mà cứ cảm thấy nặng nề thì sao mà sống và làm việc được. Nên nhiều khi chẳng biết sai đúng thế nào, cứ nói khéo vài câu xin lỗi vợ cho không khí trong nhà vui vẻ hơn”. Không chỉ những việc “vũ phu” được hạn chế nhiều hơn, những người đàn ông cũng ngày càng chia sẻ việc gia đình hơn. Việc nội trợ, chăm sóc con cái hiện nay không còn là “việc của người vợ” trong các gia đình trẻ, mà nó tùy thuộc vào thời gian và công việc của từng người.
Như vậy, những phân tích trên cho thấy rằng trong vấn đề bạo hành gia đình hiện nay đang thể hiện một số thay đổi lớn: Trước hết, không chỉ phụ nữ mới bị bạo hành mà đàn ông cũng bị bạo hành; không chỉ đàn ông mới gây ra bạo hành gia đình mà phụ nữ cũng gây ra những bạo hành gia đình. Các đối tượng bạo hành gia đình không chỉ là vợ hay chồng mà còn là con cái. Bạo hành gia đình cũng không chỉ là hành động mà còn là tâm lý. Thứ hai, người đàn ông đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng hơn trong việc nhận thức và hạn chế bạo hành gia đình. Thứ ba, tiếp cận và xử lý vấn đề bạo hành gia đình không chỉ là dựa trên việc đi vận động, đấu tranh để thay đổi vị thế của người phụ nữ trong gia đình, mà còn phải nhìn nhận từ phía nam giới, đặc biệt là sự tương tác giữa nam giới và nữ giới trong quá trình giải quyết vấn đề này. Cái nhìn truyền thống hay cái nhìn của phong trào feminism đang phổ biến đều không thể đi đến những cách giải quyết thảo đáng vấn đề bạo hành gia đình ở Việt Nam hiện nay. Thay vào đó, cần có cái nhìn hài hòa hơn, vừa đề cao quyền bình đẳng của tất cả các giới, nhưng cũng phải trân trọng những giá trị gia đình, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc để làm nền tảng cho việc giải quyết vấn đề này. Bạo hành đến từ nhiều phía trong gia đình và giải quyết bạo hành gia đình cũng phải từ nhiều phía và bằng nhiều phương pháp, biện pháp khác nhau.