Đôi nét về tấm lòng của Bác Hồ đối với các liệt sĩ - thương binh
Chu Trọng Huyến
11/7/2023
Có lẽ ai ai cũng thấm sâu về nỗi niềm ấy ở phút đầu tiên, khi được đọc bài thơ “Nhớ chiến sĩ” 思 戦 士của Người.
Ta biết, chưa bao lâu sau ngày toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám và được nghe bản “Tuyên ngôn độc lập” (2/9/1945) lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì hơn hai mươi hôm sau, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã cho lính của chúng núp bóng quân Anh (kẻ được vào tước khí giới Nhật ở Đông Dương, từ vĩ tuyến 16 trở vào) khi họ đổ bộ lên Sài Gòn rồi phối hợp với đám tàn binh vốn bị Nhật đuổi, phải trốn tránh lâu nay mà gây hấn, mưu làm “vết dầu loang”, mở rộng chiến tranh, hòng chiếm lại Đông Dương. Tình thế buộc toàn quân, toàn dân ta phải đứng lên chiến đấu để bảo vệ chính quyền, giữ vững nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Cùng với các đoàn giải phóng quân từ thời Tiền khởi nghĩa, lớp lớp thanh niên lại Nam tiến, các đội du kích quân mới được thành lập, tất cả cùng xông ra chiến trường đuổi giặc, bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, vị lãnh tụ tối cao của dân tộc không khi nào khỏi nhớ đến các chiến sĩ ngoài mặt trận.Vì để sẵn sàng đuổi quân thù, đêm đêm, mỗi người lính của ta phải chịu cảnh màn trời, chiếu đất. Nên, lòng Người hằng lo nghĩ:
“Canh thâm lộ cấp như thu vũ
Thần tảo sương nùng tự hải thâm…”
更 深 露 急 如 秋 雨
晨 早 霜 濃 似 海 深
(Canh khuya mù xuống nặng như mưa thu
Mờ sáng sương dày, trông tựa bể sâu…).
Ta nhớ, khi toàn dân tộc phải đứng lên chống quân xâm lược Nguyên - Mông, Hưng đạo đại vương thay lời vua Trần nói trong “Hịch tướng sĩ văn”: “Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền… không có áo thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho ăn, quan còn nhỏ thì ta thăng thưởng, lương có ít thì ta thăng cấp…”. Đến kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, với Hồ Chủ tịch, Người, trong cuộc kháng chiến chống Pháp giữ nước, toàn dân cùng chia nhau, mỗi người lo một việc, Người đã sống cuộc sống của một người chiến sĩ. Ta nhớ hình ảnh vị lãnh tụ tối cao của dân tộc cùng các cháu nhỏ chăm việc sản xuất tự túc để kháng chiến, vào mỗi buổi chiều:
“Quân cơ quốc kế thương đàm liễu
Huề dũng giai đồng quán thái viên”.
軍 機 國 计商 談 了
携 桶 偕 童灌 菜 園
(Việc quân, việc nước đã bàn
Xách bương, giắt trẻ ra vườn tưới rau).
(Bài “Không đề”, viết trong Kháng chiến chống Pháp).
Thơ chúc Tết của Người cũng thể hiện lòng mong muốn là, để kháng chiến và kiến quốc thành công thì ai ai cũng có trách nhiệm như nhau:
“Chiến sĩ thì giết giặc
Đồng bào thì tăng gia
Năm mới thi đua mới,
Thắng lợi ắt về ta”.
(Mừng Xuân Nhâm Thìn,1952)
Đó cũng là tình cảm, là sự đền đáp của đồng bào ta đối với các chiến sĩ ngoài mặt trận.
Nền độc lập của nước nhà gìn giữ được là phải đổi bằng máu xương. Chúng ta liên tưởng đến câu thơ của Thượng hoàng Trần Thánh tông vào cuối thế kỷ XIII, khi quân dân toàn Đại Việt đã đuổi sạch giặc Nguyên, giữ vững cơ đồ:
“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”
社 稷 两 回 勞 石 馬
山 河 千 古 殿 金 歐
(Xã tắc đòi phen bon ngựa đá
Non sông ngàn thuở vững âu vàng).
Đúng là khi đất nước lâm nguy, để có lại cảnh thanh bình cho xứ sở thì “đá cũng phải đổ mồ hôi”. Mọi nổi gian nan, vua tôi và quân lính cùng nhau chia sẻ thì mới đuổi xong giặc nước, giữ vững cơ đồ.

Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở trại điều dưỡng Bắc Ninh, Ảnh nguồn Tạp chí xây dựng Đảng
Đó cũng là lời Nguyễn Trãi nói hộ Bình Định vương Lê Lợi khi dân nước đã đuổi xong giặc Ngô ở thế kỷ XV: “Yết can vi kỳ, manh lệ chi đồ tứ tập; đầu mạch hưởng sĩ, phụ tử chi binh nhất tâm”揭 竿 为 旗,氓 隷 之 徒 四 集 ; 投 膠 饗 士, 父 子 之 兵 一 心(2). Tức: “Múa đầu gậy, ngọn cờ phấp phới, ngó vân nghê bốn cõi đan hồ; mở tiệc quân chén rượu ngọt ngào, khắp tướng sĩ một lòng phụ tử”.
Xưa là vua tôi, sau này là cán bộ và quân dân phải đồng lòng, đồng đức. Lúc gian hiểm thì cùng nhau gắng công; khi trở lại thanh bình thì “chén rượu hòa nước sông”, chia đều, cùng uống. Như thế, nền độc lập dân tộc mới được gìn giữ cho vẹn toàn.
Đến kỷ nguyên độc lập, tự do này lại thì lại càng như vậy, toàn quân và toàn dân đều phải hy sinh chiến đấu đến cùng để bảo vệ cõi bờ, phát huy thành quả của cách mạng. Đối với các liệt sĩ, thương binh, tình cảm của vị lãnh tụ tối cao sâu nặng như tấm lòng người mẹ hiền và cũng bao la như biển rộng. Mỗi khi nghĩ đến các liệt sĩ, thương binh, Người luôn phải đưa tấm khăn lên chấm nước mắt.
Trong bức thư đăng trên báo “Cứu quốc” ngày 7-1-1946, Người viết: Thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ, tôi cảm ơn những liệt sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà…Tôi gửi lời thân ái đến các gia đình liệt sĩ và tôi nhận con của các liệt sĩ làm con nuôi(3).
Mùa Thu năm 1946, khi vừa đi thăm nước Pháp trở về, trong buổi gặp quốc dân, lời đầu tiên Người nói: “Tôi kính cẩn cúi đầu chào trước linh hồn các liệt sĩ và xin lỗi đồng bào đương phải khổ sở, hy sinh” vì độc lập thống nhất của Tổ quốc.
Khi giặc Pháp lại tấn công Hà Nội , định tái chiếm đất nước ta thì bác sĩ Vũ Đình Tụng đã hiến dâng cả người con trai thứ hai của mình cho Tổ quốc (1-1947). Bấy giờ Hồ Chủ tịch gửi thư, viết: “Ngài biết rằng, tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt đi một đoạn ruột”(4).

Bác Hồ viếng nghĩa trang liệt sĩ. (Ảnh tư liệu)
Ngày 16-1-1947, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 20/SL quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tử tuất.Ngày 3-10-1947, Người ký Sắc lệnh thành lập Bộ Thương binh-Cựu binh(sau đổi là Bộ Thương binh-Xã hội). Lúc sinh thời, hàng năm, đến ngày đó, Người hoặc trực tiếp đến thắp ở nghĩa trang đài liệt sĩ, hoặc thăm các gia đình cũng như trại thương binh, tặng quà và áo ấm cho các thànhviên đang điều dưỡng tại đấy.
Ngày 31-12-1954, tượng đài liệt sĩ Hà Nội được khánh thành, Bác cùng một số đồng chí trong Chính phủ đến đặt vòng hoa. Bác bùi ngùi, xúc động ứa nước mắt. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc lời Điếu do Bác viết:
“Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền sử xanh.
Một nén hương thành!
Vài lời an ủi!
Anh linh của các liệt sĩ bất diệt”(5).
Trong Thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Nô-en 1947: “Trong cuộc kháng chiến, nhiều đồng bào Công giáo đã hăng hái hy sinh, Tôi đề nghị toàn thể đồng bào trong kỳ lễ Nô-en này hãy cầu nguyện cho linh hồn các chiến sĩ giáo và lương đã bỏ mình vì nước và cầu nguyện cho Tổ quốc ta thắng lợi”(6).
Khi nghe tin ở trong chiến trường miền Nam, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi oanh liệt hy sinh, Người viết: Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tâm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.
Bác Hồ là người đề xuất phong trào đón thương binh về làng. Từ đấy có nhiều anh chị em bị thương tật từ chiến trường trở về đã sống yên vui, xây dựng gia đình, phát triển nơi quê hương mới.
Thật là “Uống nước nhớ nguồn”, đức tính tốt và hành động ân nghĩa của nhân dân ta dưới thời đại Hồ Chí Minh.
Chú thích
1. Sóng Hồng dịch thơ: “Đêm khuya móc tự mưa thu / Sớm sương dày đặc, mây mù biển dăng”.
2. Theo bản in trong sách “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim, Nhà xuất bản (Nxb) Văn hóa-Thông tin, Hà Nội (HN) 1999, Trang(Tr.)240.
3. Tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Huyền Trang sưu tầm, công bố trên Internet ngày 24-7-2013.
4. Sách “Chuyện Bác Hồ trọng dụng nhân tài đất nước”, NxbVăn học, HN 2016, Tr.69.
5. Như chú thích (3)
6. “Hồ Chí Minh toàn tập”, Nxb Chính trị quốc gia, HN. 2002, Tr.99.