Thực trạng mức độ tập trung không gian ngành của Nghệ An giai đoạn 2011-2020

Nguyễn Thị Minh Tú - Trần Văn Hoàng
3/7/2023

1. Khái niệm Kể từ Marshall (1920), các nhà kinh tế đã nhận ra xu hướng các ngành công nghiệp kết tụ trên không gian. Hiệu ứng của sự tập trung theo không gian của các doanh nghiệp dẫn đến tăng lợi nhuận và tăng trưởng, điều này tới lượt nó mang tới tính kinh tế theo quy mô của địa phương. Sự tập trung của doanh nghiệp theo các kết nối ngành ngang và ngành dọc theo các chuỗi sản xuất giúp giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp (Krugman,1991). Glaeser và cộng sự (1992), lần đầu đề cập tới hiệu ứng “lan tỏa trí tuệ” của mức độ tập trung không gian khi nhận thấy việc các doanh nghiệp có quan hệ làm ăn được bố trí gần nhau giúp giảm chi phí tiếp cận thông tin cho các doanh nghiệp từ đó giúp tăng năng suất của doanh nghiệp.


Krugman (1991) cho rằng lý do tập trung không gian bao gồm: (i) Cung cấp thị trường lao động có đầy đủ các công nhân chuyên môn, kỹ thuật khác nhau để cho phép người lao động dễ dàng tìm kiếm việc làm và các doanh nghiệp thuận lợi trong việc thuê nhân công chuyên ngành cho sản xuất các sản phẩm khác biệt; (ii) Mức độ quần tụ cao sẽ hỗ trợ các đầu vào phi thương mại và cải thiện mức độ chuyên môn hóa công nghiệp; (iii) Sự lan tỏa thông tin trong không gian tập trung có thể tạo ra các ngoại ứng tích cực về năng suất của các doanh nghiệp. Do đó, kết quả của tập trung không gian sẽ hình thành các nền kinh tế nội địa hóa và đô thị hóa (Rand & cộng sự, 2019). Các nền kinh tế nội địa hóa có thể cải thiện hiệu quả từ việc tập hợp các doanh nghiệp cùng một ngành, trong khi các nền kinh tế đô thị hóa có lợi ích phát sinh qua sự tập trung các hoạt động khác nhau trong một khu vực nhất định. Điều này làm cho tập trung không gian có tác động đến hiệu suất doanh nghiệp ở ba khía cạnh: năng suất, tổ chức các quy trình sản xuất và đổi mới, cải tiến (Feldman & Kogler, 2010).
Như vậy, sự tập trung theo không gian là việc các doanh nghiệp quyết định đặt cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc trụ sở trong một khu vực địa lý nhất định để tìm kiếm lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí như tiếp cận nguồn lực, tiếp cận thị trường, học hỏi.
2. Đo lường mức độ tập trung không gian
Đo lường mức độ tập trung không gian theo hai chỉ số là (i) Chỉ số mức độ tương đồng khu vực LQ và (ii) Chỉ số HHI. 
2.1. Chỉ số mức độ tương đồng khu vực (LQ) phản ánh tỷ trọng các hoạt động kinh tế của vùng "j" so với tỷ trọng các hoạt động kinh tế của vùng "j" trong tổng thể nền kinh tế.

Trong đó:
Xij: chỉ tiêu đo lường đánh giá ngành "i" tại vùng "j" 
Xi* : chỉ tiêu đo lường đánh giá ngành "i" của cả nước 
X*j: chỉ tiêu đo lường đánh giá toàn bộ hoạt động kinh tế của vùng "j" 
X**: chỉ tiêu đo lường đánh giá toàn bộ hoạt động kinh tế của cả nước 
“chỉ tiêu đo lường” thường được sử dụng là lao động, hoặc số công ty,…
Đánh giá:
LQ > 1: khu vực có mức độ tập trung (theo tiêu chí đo lường) cao hơn bình quân của quốc gia.
LQ < 1: khu vực có mức độ tập trung (theo tiêu chí đo lường) thấp hơn bình quân của quốc gia.
2.2. Chỉ số mức độ tập trung HHI (Hirschman - Herfindahl Index)

Trong đó:
Chỉ số HCi đo lường mức độ tập trung của ngành i. HCi = [0,1]
Xij : là chỉ tiêu đo lường ngành i của vùng j.
Xi : là quy mô chi tiêu đo lường của ngành i. 
Ý nghĩa: HCi càng lớn thể hiện ngành i có mức độ tập trung càng cao
 HCi bằng 1 nếu ngành “i” là hoàn toàn tập trung ở một vùng.
 HCi gần bằng 1 nếu ngành “i” là phân bổ đều ở hầu hết các vùng.
3. Thực trạng mức độ tập trung không gian của doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân Nghệ An giai đoạn 2011-2020
3.1. Mức độ tập trung không gian theo tiêu chí số lượng
Phần lớn các ngành kinh tế cấp 1 của tỉnh có mức độ tập trung tương đối thấp, thể hiện ở điểm số của chỉ số HHI dưới 40. Đáng kể nhất chỉ có hai nhóm: ngành B (Khai khoáng) và ngành K (Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm). Tuy nhiên, hai ngành này cũng có xu hướng giảm mức độ tập trung so với năm 2011, hàm ý rằng hai ngành này đang giảm dần vị thế trong sự phát triển chung của toàn ngành.


Xét theo ngành kinh tế cấp 2, doanh nghiệp có mức độ tập trung tương đối với các ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ. Đặc biệt các ngành N59 (Hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc); N70 (Hoạt động của trụ sở văn phòng; hoạt động tư vấn quản lý); N58 (Hoạt động xuất bản); N62 (Lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính); và N63 (Hoạt động dịch vụ thông tin) (Hình 1).
Về xu hướng, phần lớn các ngành cấp 2 có xu hướng phi tập trung hóa trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, cũng có một số ngành có xu hướng tập trung hóa cao như: N60 (Hoạt động phát thanh, truyền hình); N61 (Viễn thông); N74 (Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác); N91 (Hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác) (Hình 2).


Riêng đối với ngành chế biến, chế tạo của Nghệ An, mức độ tập trung không quá cao (dưới 0,3/1.0) và có xu hướng phi tập trung hóa trong giai đoạn 2011-2020. Một số ngành có mức độ tập trung cao của công nghiệp chế biến, chế tạo gồm: N14 (Sản xuất trang phục); N15 (Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan); N18 (In, sao chép bản ghi các loại); N32 (Công nghiệp chế biến, chế tạo khác). Tuy nhiên, các ngành này có xu hướng phi tập trung hóa nhanh trong giai đoạn 2011-2020. Một ngành đáng quan tâm là N26 (Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học) cũng có xu hướng phi tập trung hóa nhanh với sự gia nhập ngành của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước để đón đầu làn sóng FDI đang đổ bộ vào Nghệ An (Hình 3).

Như vậy, nhìn chung trong giai đoạn 2011-2020 sự phát triển của doanh nghiệp Nghệ An chậm hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Ngoại trừ một số ngành, gồm: N10 (Sản xuất, chế biến thực phẩm); N16 (Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa); N19 (Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế); N24 (Sản xuất kim loại); N31 (Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế).
Chỉ số LQ phản ánh sự phát triển của một ngành tại một địa phương so với bình quân chung của cả nước. LQ > 1 nói lên rằng ngành nghề đang xem xét phát triển ở địa phương cụ thể nhanh hơn so với tốc độ bình quân cả nước.  
Hình 4 phần lớn các ngành đều nằm ngoài “ô vuông đơn vị(2)” cho thấy sự phát triển tích cực của doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề như ngành B (Khai khoáng); ngành K (Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm); ngành F (Xây dựng); ngành Q (Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội); ngành P (Giáo dục và đào tạo); ngành M (Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ); ngành I (Dịch vụ lưu trú và ăn uống) và ngành A (Nông, lâm nghiệp và thủy sản). 
Ngược lại, cũng có những ngành chứng kiến sự phát triển chậm tương đối gồm: ngành J (Thông tin và truyền thông); ngành C (Công nghiệp chế biến, chế tạo); ngành L (Kinh doanh bất động sản); ngành R (Nghệ thuật, vui chơi và giải trí); ngành H (Vận tải, kho bãi); ngành G (Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy,...); ngành D (SX&PP điện, khí đốt,...);  ngành N (Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ). Đáng chú ý, trong nhóm này có hai nhóm ngành hết sức quan trọng đối với mục tiêu sớm trở thành tỉnh công nghiệp là ngành C và ngành H.
Công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành C) không những nằm trong hình vuông đơn vị mà còn nằm trên đường 45% hàm ý rằng trong giai đoạn 2011-2020 không chứng kiến sự phát triển đột phát nào đáng kể trong nhóm ngành này của tỉnh. 
Trong khi cùng giai đoạn trên tỉnh có tới 9/17 ngành kinh tế có sự phát triển nhanh tương đối so với bình quân chung cả nước (nằm phía trên (bên trái) đường 450), với màn thể hiện ấn tượng của hai nhóm ngành P (Giáo dục và đào tạo) và ngành E (Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải). Đặc biệt, ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh có sự phát triển vượt bậc khi chỉ số LQ có giá trị nhỏ hơn 1 trong năm 2011 nhưng tới năm 2020 đã tăng gấp đôi. Điều này phản ánh làn sóng tư nhân hóa và xã hội hóa giáo dục diễn ra mạnh mẽ ở Nghệ An.

3.2. Mức độ tập trung không gian theo tiêu chí vốn và lao động
a. Mức độ tập trung không gian theo tiêu chí nguồn vốn
Mức độ tập trung vốn của doanh nghiệp tương đối thấp so với xu hướng tích tụ vốn của các ngành, phần lớn các ngành cấp 1 của tỉnh đều có chỉ số HHI theo tiêu chí nguồn vốn dưới 0,1. Ngành có mức tập trung vốn cao gồm N1 (Nông, lâm nghiệp và thủy sản); N2 (Khai khoáng); và N6 (Xây dựng). Điểm tích cực là phần lớn các ngành cấp 1 đều nằm bên trái (phía trên đường 450) phản ánh xu hướng tăng trong tập trung vốn của các ngành này ở Nghệ An so với sự phát triển chung của ngành.


Phần lớn các ngành đều có mức độ tập trung nguồn vốn tương đối tốt so với mức phát triển chung của cả nước, thậm chí một số ngành có mức tập trung nguồn vốn rất tốt như: ngành A (Nông, lâm nghiệp và thủy sản); ngành B (Khai khoáng); ngành E (Cung cấp nước, HĐ xử lý rác,...); ngành F (Xây dựng) và ngành Q (Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội). Tuy nhiên, về mặt xu hướng những ngành này chứng kiến hai xu hướng tập trung và phân tán diễn ra đồng thời. Trong khi ngành B và ngành E là hai ngành có mức độ tập trung nguồn vốn tăng trưởng rất nhanh thì các ngành A và ngành Q có sự sụt giảm đáng kể.

b. Mức độ tập trung không gian theo tiêu chí lao động
Phần lớn các ngành kinh tế cấp 1 có mức tập trung lao động tương đối thấp, thể hiện ở chỉ số HHI có độ lớn rất nhỏ, dưới 25. Cho thấy, theo tiêu chí lao động thì doanh nghiệp của Nghệ An có vị thế quá quan trọng trong xu thế tập trung lao động của các ngành này trên phạm vi cả nước. Đáng kể nhất có thể kể tới ngành B (Khai khoáng) và ngành Q (Hoạt động y tế và trợ giúp xã hội).

Theo tiêu chí lao động, phần lớn các ngành cấp 1 có mức độ tập trung cao hơn so với sự phát triển chung của cả nước. Trong đó đáng kể nhất có các nhóm ngành A (nông, lâm nghiệp, thủy sản); ngành B (khai khoáng); ngành E cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác,...); ngành F (xây dựng) và ngành Q (y tế và trợ giúp xã hội).
Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành C) vẫn nằm trong hình vuông đơn vị cho thấy sự kém phát triển tương đối về sự tập trung lao động của ngành ở Nghệ An so với mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, ngành C nằm phía trên (bên trái đường 450) cho thấy xu hướng tập trung lao động của ngành này ở Nghệ An đang có xu hướng tăng lên trong thời gian qua.
Tập trung lao động trong sự phát triển chung của tỉnh cũng có sự khác biệt lớn giữa các ngành mặc dù phần lớn các ngành đều thể hiện được vị trí quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2011-2020. Ngành B và ngành Q vẫn là hai ngành mà sự tập trung lao động của Nghệ An cao hơn bình quân chung của cả nước, bên cạnh đó là ngành A và ngành F. Tuy nhiên, công nghiệp chế biến chế tạo (ngành C) tuy có sự cải thiện vị thế trong thu hút lao động những vẫn chưa có vị thế tương xứng so với kỳ vọng trong sự phát triển kinh tế của địa phương. 

3.3. Vị thế ngành
Các chỉ số LQ đơn lẻ (số lượng doanh nghiệp, vốn và lao động) đã phần nào phản ánh được xu hướng và vị thế của các ngành trong sự phát triển kinh tế của Nghệ An. Tuy nhiên, phát triển kinh tế là sự phát triển tổng hợp do đó, sự tích hợp của các chỉ số thành phần phản ánh chính xác hơn vị thế của các ngành trong sự phát triển của các ngành trong sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Kết quả phân tích cho thấy, giai đoạn 2011-2020 nền kinh tế của Nghệ An được dẫn dắt bởi 5 nhóm ngành gồm: ngành D (sản xuất, phân phối điện,...); ngành E (Cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác,...); ngành J (Dịch vụ lưu trú và ăn uống); ngành L (Kinh doanh bất động sản); ngành N (Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ). Nhóm ngành tăng trưởng nhanh gồm: ngành A (Nông, lâm nghiệp và thủy sản); ngành C (công nghiệp chế biến, chế tạo); và ngành P (Giáo dục và đào tạo). Ngược lại, ngành R (nghệ thuật, vui chơi và giải trí) đang “lụi tàn” nhanh chóng.


Thành phố Vinh - Trung tâm kinh tế tỉnh Nghệ An

4. Đánh giá
Nhìn chung giai đoạn 2011-2020 sự phát triển của doanh nghiệp KTTN chậm so với tổng thể phát triển chung của các ngành (theo phân ngành cấp 1). 
Các ngành dẫn dắt tập trung ở các ngành sơ sở hạ tầng như điện, nước và các ngành dịch vụ với sự tập trung của cả chỉ số số lượng, vốn, lao động. Đây là những ngành cần tiếp tục có hỗ trợ và phát triển. 
Đáng chú ý trong các ngành đang phát triển có xu hướng phát triển mạnh, là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành này thuộc nhóm ngành có vị thế tăng trưởng nhanh với xu hướng tập trung vốn và lao động tăng nhanh nhưng xu thế phát triển của số lượng doanh nghiệp lại bị chậm hơn đáng kể so với sự phát triển của ngành và ngành này chưa thể hiện được vai trò trụ cột của nền kinh tế của tỉnh. Có ngành chứng kiến sự phát triển chậm tương đối trong đó có nhóm đáng chú ý: ngành công nghiệp CBCT và ngành vận tải, kho bãi. Để thực hiện mục tiêu tỉnh công nghiệp cần quan tâm nhóm ngành này. 
Ngành nghệ thuật, vui chơi đang có xu hướng “tàn lụi”, đây là một thực tế cần lưu tâm trong định vị phát triển của tỉnh đưa Thành phố Vinh trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch tổng hợp. Các hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí cần phải được đầu tư phát triển để thu hút khách du lịch cũng như thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người dân đang ngày càng tăng cao do mức sống được nâng cao.

CÙNG CHUYÊN MỤC