Vận dụng, phát huy giá trị “Đề cương văn hóa Việt Nam” vào việc xây dựng văn học nghệ thuật mang bản sắc xứ Nghệ trong thời đại hiện nay

Hà Thị Vinh Tâm
30/6/2023

Đề cương về văn hóa Việt Nam ngay từ khi ra đời cho đến nay đã khẳng định tư duy, tầm nhìn, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng về cách mạng và văn hóa. Đặc biệt đáng chú ý là ba tư tưởng lớn dân tộc, khoa học, đại chúng mang tinh thần cách mạng mạnh mẽ, đột phá và tính nhân văn sâu sắc. Trong giai đoạn hiện nay với nhiều cơ hội và thách thức mới, xã hội đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi đối với văn học, nghệ thuật.

Vì thế cần có sự nhìn nhận toàn diện và cụ thể đối với nền văn học nghệ thuật của dân tộc nói chung, của từng địa phương nói riêng trong việc vận dụng “Đề cương văn hóa Việt Nam” để từ đó Đảng và nhà nước có những định hướng, giải pháp phù hợp. Ở bài viết này, bản thân tôi xin có một vài quan điểm về vấn đề vận dụng, phát huy giá trị “Đề cương văn hóa Việt Nam” vào việc xây dựng văn học nghệ thuật mang bản sắc xứ Nghệ trong thời đại hiện nay.
Tám mươi năm qua, Đề cương về Văn hóa Việt Nam với ba nguyên tắc “dân tộc”, “khoa học”, “đại chúng” tiếp tục được Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng linh hoạt, bổ sung và phát triển, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực văn hóa dân tộc nói riêng. Tư tưởng lý luận của Đề cương được thể hiện xuyên suốt trong các Văn kiện của Đảng; đặc biệt là trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Trong các bộ phận cấu thành văn hóa dân tộc thì văn học nghệ thuật là bộ phận trọng yếu nhất. Như vậy, có thể nói văn học nghệ thuật là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và xây dựng, phát triển văn hóa con người. Trên cơ sở đó, nền văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An đã có những kế thừa, vận dụng hiệu quả để xây dựng văn học nghệ thuật mang bản sắc xứ Nghệ. 
Ba phương châm mang tính bao trùm của một nền văn hóa mới là Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Đại chúng hóa đã định hướng, xác lập nguyên tắc hoạt động cho nền văn hóa dân tộc nói chung và lĩnh vực văn học nghệ thuật nói riêng. Soi rọi ba phương châm này vào nền văn học nghệ thuật địa phương xứ Nghệ, chúng tôi nhận thấy có nhiều điều đáng ghi nhận và suy ngẫm.
1. Tính Dân tộc hóa 
Nguyên tắc này đưa ra trong đề cương mục đích là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”. Nêu phương châm Dân tộc hóa lên đầu tiên, gắn nó với cuộc cách mạng giành độc lập cho đất nước như là nhiệm vụ hàng đầu của văn hóa chính là đưa văn hóa áp sát đời sống, làm cho nó hữu ích, thiết thực với quảng đại quần chúng. 
Nói đến tính dân tộc hóa của nền văn học nghệ thuật nghĩa là nói đến một nền văn hóa không lai căng, một nền văn hóa “có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung”, “tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”, “gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”... Các đặc điểm đó được thể hiện ở cả phương diện nội dung và phương diện hình thức của các tác phẩm nghệ thuật. 
Trong thời đại ngày nay, vấn đề lớn đặt ra đối với nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền văn học nghệ thuật Nghệ An nói riêng chính là: vừa phải năng động để hội nhập với nền văn hóa quốc tế vừa phải có bản lĩnh để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và địa phương. Bản sắc văn hóa xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy trong thời đại hội nhập 4.0 như thế nào là một bài toán đặt ra cấp thiết và thường xuyên đối với nền văn học nghệ thuật xứ Nghệ. Đây là vấn đề lớn, có tính chiều sâu và xuyên suốt quá trình phát triển của nền văn học nghệ thuật Nghệ An.  
Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng và phát triển hiện nay được phát huy trên cơ sở của chủ nghĩa Mác - Lênin, là một nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, đậm đà bản sắc dân tộc, bồi đắp những truyền thống tốt đẹp như: tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nêu cao ý thức dân chủ, tinh thần quốc tế và tinh thần khoa học, kế thừa tinh hoa văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu văn hóa, khoa học kỹ thuật hiện đại, góp phần xứng đáng vào nền văn hóa chung của đất nước và nhân loại. Bởi vậy, nền văn học nghệ thuật cần phải phát huy tính sáng tạo của văn nghệ sĩ, khai thác mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo của các văn nghệ sĩ, nhất là các văn nghệ sĩ tại địa phương, văn nghệ sĩ nặng lòng với quê hương, xứ sở. 
Nhiệm vụ dân tộc hóa đó chính là chú trọng định hướng sáng tác các tác phẩm văn học hướng vào các nội dung yêu nước, chú trọng các nguồn mạch nội dung hướng vào cội nguồn, truyền thống dân tộc, đặc biệt là chú trọng bản sắc văn hóa và con người xứ Nghệ. Từ trước tới nay, có nhiều công trình, sáng tác đã thể hiện được nét văn hóa xứ Nghệ như: công trình nghiên cứu, bảo tồn chữ Thái hệ Lai - Tay của Sầm Văn Bình; nghiên cứu văn hóa, âm nhạc người Thái, người Mông của La Quán Miên, Dương Hồng Từ; nghiên cứu sân khấu hóa dân ca của Thanh Lưu; các tiểu thuyết lịch sử về Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ của Nguyễn Thế Quang,… Tạp chí Sông Lam mở chuyên mục Đất Nghệ người Nghệ, Ký sự nhân vật với nhiều bài viết hay, nhiều tư liệu quý; Bên cạnh đó nhiều bài viết về chân dung các nhà thơ lớn thời nay như: Thạch Quỳ, Vân Anh, Dương Hàm, Dương Hồng Từ,… có những vở kịch, bộ phim về người Nghệ trong đó đã chú trọng đến bối cảnh của xứ Nghệ hiện nay, con người xứ Nghệ, giọng nói, cách nghĩ của con người xứ Nghệ. Chẳng hạn kịch bản bộ phim “Sẽ lành những ngày đau” được xem như “made in Nghệ An” gồm 43 tập của Nhà báo, Tiến sỹ Trần Đăng Tuấn và Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đề cập khá rõ nét về sự thay đổi của người dân xứ Nghệ trong thời đại ngày nay đáng suy ngẫm. Có nhiều ca khúc hiện đại mang đậm âm hưởng dân ca và điệu hồn người xứ Nghệ, ngôn từ đậm chất Nghệ: Em yêu anh như câu hò ví giặm; Về xứ Nghệ cùng em; Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh; Điệu ví giặm là em; Giọng Nghệ tìm về; Giận mà thương;… Tiêu biểu là những sáng tác của nhạc sĩ An Thuyên, Quốc Nam,… mà giọng điệu, ngôn từ, âm hưởng của tiếng Nghệ đã ăn sâu vào từng ca khúc. 


Diễn xướng Ví Phường Cấy trên những thửa ruộng xứ Nghệ

Đặc biệt các chi hội văn học nghệ thuật địa phương như ở Thái Hòa, Thanh Chương, Yên Thành, Diễn Châu, Cửa Lò, Hoàng Mai,… khi biên tập các tập san đã chú trọng đến việc làm nổi bật đặc trưng riêng mang dáng dấp văn hóa, tâm hồn riêng, hơi thở riêng của từng địa phương. Từ đó đã khích lệ các tác giả chú trọng sáng tác mang đặc trưng vùng miền. Khi cầm trên tay cuốn tập san người đọc đều thấy rõ diện mạo, hình ảnh về vùng đất và con người ở nơi đó, từ bề dày truyền thống tới đời sống hòa nhập với nhịp sống mới hiện nay và định hướng phát triển trong tương lai trên nền tảng cội nguồn dân tộc, địa phương. Từ đó ta nhận ra, các tập san của các chi hội văn học địa phương có vai trò rất lớn trong việc hiện thực hóa, cụ thể hóa đặc trưng của con người xứ Nghệ qua từng vùng miền. Để các ấn phẩm này có “dân tộc hóa” sâu sắc và tính Nghệ sâu đậm cần có sự quan tâm, định hướng và đưa ra những yêu cầu của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An cũng như của các cấp lãnh đạo tại chính quyền địa phương.
Nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà cần đặt ra những mục tiêu cụ thể trong việc không ngừng phấn đấu xây dựng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, góp phần vào đời sống của nhân dân ngày càng lành mạnh, phong phú, đổi mới nếp sống, nếp nghĩ, nâng cao giác ngộ và trình độ thẩm mỹ của nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Chú trọng xây dựng con người xứ Nghệ phát triển toàn diện hướng tới Chân - Thiện - Mỹ, đạt các yêu cầu cao về đạo đức, tư tưởng, trí tuệ, thể lực, năng lực cảm thụ thẩm mỹ, nhân cách và kỹ năng sống phù hợp, hài hòa, văn minh, hiện đại. Đó là con người kết tinh và phát triển những gì tốt đẹp nhất trong truyền thống văn hóa Việt Nam nói chung và xứ Nghệ nói riêng. Điều này cần có kế hoạch dài hơi và có sự tập trung đầu tư cụ thể. Ví dụ như trong việc bồi dưỡng các chuyên đề về sáng tác, nghiên cứu, phê bình cho các văn nghệ sĩ, chọn lọc những hạt nhân ưu tú để có sự đầu tư và quan tâm tạo nguồn từ các chi hội văn học địa phương đến các Ban chuyên môn của văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An.
2. Tính Khoa học hóa 
Cơ sở khoa học xuyên suốt của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam là dựa trên thế giới quan, nhân sinh quan chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dựa trên chủ nghĩa duy vật biện chứng và lịch sử. Nguyên tắc này định hướng văn hóa giai đoạn trước đây chính là đánh đổ mọi nhận thức sai lầm về con đường phát triển của xã hội “chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”. Khi ra đời bản Đề cương, thực chất của nguyên tắc này là chống lại tư tưởng Đại Đông Á của Nhật và tư tưởng nô dịch và những quan niệm duy tâm, siêu hình đang đè nặng lên đời sống tinh thần của nhân dân. Ngày nay, khoa học hóa văn hóa chính là sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, sự thích ứng với nhịp độ phát triển của nền văn học hiện đại trên thế giới, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của con người hiện nay đồng thời bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Từ đó góp phần vào việc xây dựng văn hóa, văn học và con người xứ Nghệ hiện nay.
Cụ thể là:
Thứ nhất, nguyên tắc khoa học hóa đảm bảo cho tác phẩm văn học, nghệ thuật mang tính hiện đại. Đây trở thành một phẩm chất cần có của tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh đúng tinh thần thời đại theo xu thế đi lên của lịch sử. Do đó, văn học nghệ thuật của xứ Nghệ luôn cần phản ánh kịp thời bước đi của thời đại, bước phát triển của nền kinh tế xã hội ở Nghệ An cùng với những chuyển biến trong đời sống tinh thần, văn hóa của nó. Nền văn học nghệ thuật Nghệ An vì vậy đòi hỏi phải có tính năng động nghệ thuật từ chính tư duy của các văn nghệ sĩ, các tác phẩm văn học nghệ thuật. Chính thực tiễn đời sống hiện đại là chất liệu để văn nghệ sĩ cho ra đời những tác phẩm xứng tầm, phản ánh đúng bức tranh thời đại và mang hơi thở của đời sống, phản ánh khát vọng vươn lên của con người. Đó là hình ảnh của xứ Nghệ nói riêng và cả đất nước Việt Nam nói chung trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, vừa có sự kế thừa vừa cần tiếp tục tiếp thu những tiến bộ văn hóa, văn minh của nhân loại miễn sao phù hợp với điều kiện thực tế của xứ Nghệ nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung!
Thứ hai, tính khoa học được thể hiện ở tính chuẩn mực ở các loại hình nghệ thuật, các thể loại; sự sáng tạo trên những thứ có sẵn hoặc những thể loại mới. Tính chuyên nghiệp ngày càng ít đi; phương thức đưa những sáng tác ngày càng phong phú đến với công chúng thông qua kĩ thuật số, internet. Cả người sáng tác lẫn người đọc, nhà phê bình trong văn học hiện nay phải luôn có ý thức nắm vững đặc trưng loại hình nghệ thuật của hiện tượng văn học. Bởi bất kể một hiện tượng văn học hiển nhiên nào cũng thuộc vào một loại hình nghệ thuật nào đó. Ngày nay, đôi khi ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật hoặc các thể loại khó có thể rõ ràng. Do đó, một mặt trong tính chỉnh thể chung của nền văn học hiện đại phải chấp nhận hiện tượng đa thành phần như một hiện tượng tất yếu. Ở đây chỉ nói từ đặc điểm của một đối tượng luôn năng động, biến đổi và phát triển, tư duy người sáng tác và người phê bình, tiếp nhận văn học cũng phải có những yêu cầu mang tính khoa học tương thích với đặc điểm đó của đối tượng. Chính vì vậy, sự vận dụng mở rộng các phương pháp khoa học để tiếp nhận văn học rõ ràng là một tiến bộ của tinh thần lý tính khoa học trong văn học hiện đại để tạo điều kiện thuận lợi và những công cụ sắc bén giúp người đọc và phê bình văn học tiến sâu thêm vào thế giới sáng tạo ngày càng phong phú, phức tạp của văn học nghệ thuật. Đây là một đòi hỏi tất yếu đối với người đọc và các nhà phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung và xứ Nghệ nói riêng.
Như vậy, một khía cạnh quan trọng là trong sự vận động và chuyển đổi các giá trị văn hóa ở lĩnh vực văn học, nghệ thuật tính dân tộc và tính hiện đại sẽ phát triển vững vàng nếu tạo được sự hài hòa giữa dân tộc và tính khoa học. Đổi mới tư duy về văn hóa, văn nghệ là đổi mới nhận thức về mối quan hệ giữa giữ gìn và phát triển, tính dân tộc và tính khoa học hướng đến sự ổn định lâu bền của xã hội, chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và con người - mục tiêu, nền tảng và nguồn lực của mọi quá trình phát triển xã hội. 
Tính khoa học hóa trong văn học nghệ thuật xứ Nghệ được thể hiện ở hai bình diện:
Thứ nhất là bình diện lý luận về văn học nghệ thuật. Ở mảng này, văn học nghệ thuật đã làm sáng tỏ sự phát triển tư duy lý luận của Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược đưa đường lối của Đảng vào đời sống, quảng bá ngày càng sâu rộng văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, thúc đẩy nền văn hóa, nghệ thuật nước ta phát triển mạnh mẽ, giàu giá trị nhân văn và giá trị thẩm mỹ, xứng đáng với tầm vóc dân tộc và thời đại. Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nhấn mạnh: “Nghệ An nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, hiếu học, khổ học và quyết học. Người Nghệ An cần cù, hào sảng trong cuộc sống; quyết liệt, quyết đoán, sáng tạo trong công việc; tín nghĩa, thủy chung với bạn bè, đối tác. Truyền thống này tạo nên một dòng chảy, bồi đắp nên giá trị văn hóa nổi trội, sức mạnh văn hóa, tinh thần to lớn của đất và người nơi đây. Nghệ An cần chú trọng phát huy truyền thống tốt đẹp này để tiếp tục khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, tạo thành sức mạnh nội sinh mạnh mẽ đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững”. Điều này đã được thể hiện trong việc đưa ra những định hướng chiến lược phát triển nền văn học nghệ thuật của tỉnh Nghệ An. 
Tiếp theo chính là đầu tư thích đáng cả về nguồn lực con người, vật chất cho phát triển văn hóa theo chiều sâu, nhanh, bền vững. Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Nhiều bài viết về lý luận phê bình, bình luận văn chương đặt ra được nhiều vấn đề mang tính chất soi rõ về lý luận mang tính chất thời đại. Nhiều bài viết nghiên cứu về các tác giả lớn trước đây cũng được quan tâm, chú ý. Đặc biệt sự kiện vừa qua với “Lễ vinh danh và Kỷ niệm 250 năm sinh, 200 năm mất Nữ sĩ Hồ Xuân Hương” được tổ chức vào đầu tháng 12 năm 2022 đã có nhiều bài nghiên cứu giá trị như: “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương: Danh nhân văn hóa, thi hào và giá trị di sản” (PGS.TS Biện Minh Điền), “Vài lập luận và chứng cứ về thân thế, sự nghiệp Hồ Xuân Hương” (Hồ Bất Khuất), “Thiên tính nữ và cá tính sáng tạo trong thơ Nôm của Hồ Xuân Hương - nhìn từ nghệ thuật dụng điển” (T.S Phạm Tuấn Vũ). Đã có hai đề tài trọng điểm cấp tỉnh của Nghệ An tập trung nghiên cứu vấn đề phát huy bản sắc con người, văn hóa xứ Nghệ trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay được tập trung đầu tư.
Thứ hai là ở bình diện sáng tác chúng ta nhận ra: Lực lượng sáng tác của xứ Nghệ đang ngày càng nhận thức được nghĩa vụ công dân và trách nhiệm nghề nghiệp cao quý mang đặc thù của mình để văn hóa, văn học, nghệ thuật tỉnh nhà. Từ đó xây dựng nền văn học nghệ thuật Nghệ An trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, cái ác, ngợi ca cái đẹp, truyền cảm hứng, cổ vũ, lan tỏa các giá trị cao đẹp của dân tộc, của con người Việt Nam nói chung và xứ Nghệ nói riêng. Đồng thời, có những tác phẩm văn học nghệ thuật dần vươn ra thế giới với nhiều giá trị, sản phẩm độc đáo được bạn bè quốc tế trân trọng và đón nhận. Những nét đẹp, cốt cách của con người xứ Nghệ như: lòng yêu nước, nhân ái; tính cầu thị, ham học hỏi, lắng nghe; tính chịu thương, chịu khó và khả năng sáng tạo, ứng phó, vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong bất cứ hoàn cảnh nào được phản ánh một cách rõ nét trong nhiều sáng tác của các văn nghệ sĩ xứ Nghệ. Văn học nghệ thuật thông qua các hình tượng nghệ thuật cao đẹp, tác động lâu bền, mạnh mẽ vào thế giới bên trong sâu kín của con người. Từ đó văn học làm chuyển biến hành động của con người để hướng tới chân - thiện - mỹ. Tiêu biểu trong những năm gần đây, chúng ta không thể không nhắc đến những tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của Nguyễn Thế Quang: “Nguyễn Du” (năm 2010); “Khúc hát những dòng sông” (năm 2012); “Thông reo Ngàn Hống” (năm 2015); “Đường về Thăng Long” (năm 2019).
3. Tính Đại chúng hóa 
Tính đại chúng là “chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đại chúng hoặc xa đông đảo quần chúng”. Nếu coi Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 như là Cương lĩnh thứ nhất của Đảng về văn hóa thì Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 33 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước như những cương lĩnh mới về văn hóa của Đảng thì không thể không nhận thấy những tiếp nối, phát triển nhiều luận điểm quan trọng của Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ tri thức giữ vai trò quan trọng. Nguyên tắc này thống nhất với mục đích của nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam là “vị nhân sinh”, nghĩa là nền văn học, nghệ thuật phục vụ nhân dân chứ không phải chỉ dành cho một “tầng lớp” nào đó. 
Điểm cần nhấn mạnh ở nền văn học nghệ thuật Nghệ An ở đây là kéo văn học nghệ thuật về gần với nhân dân. Nhân dân lao động chính là lực lượng sáng tác, là đối tượng phản ánh và là lực lượng độc giả quan trọng. Nhân dân nhận ra được tâm hồn mình, cuộc sống của mình, khát vọng, trăn trở của mình,… qua các tác phẩm văn học nghệ thuật. Nhân dân dễ dàng cất lên tiếng nói ấy qua các sáng tác văn học nghệ thuật của chính mình. Bởi thế mở rộng biên độ sáng tác, nới rộng đối tượng tiếp nhận văn học nghệ thuật là việc làm thường xuyên của Văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Điều này được thể hiện ở các nội dung chủ đề và số lượng tác giả tham gia trong Tạp chí Sông Lam. Điều này góp phần phản ánh nhiều sắc diện của cuộc sống của nhiều thành phần xã hội đồng thời thỏa mãn được thị hiếu, gu thẩm mỹ của nhiều người.
Tính đa dạng về hình thức, thể loại cũng như hướng tới đa dạng về đối tượng phản ánh và đối tượng độc giả ở nhiều tầng mức khác nhau (dạng hạ lưu, trung lưu, văn nghệ sĩ chuyên nghiệp,…) chính là biểu hiện của tính đại chúng hóa trong văn học nghệ thuật cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng. Chỉ cần công bố các tác phẩm văn học nghệ thuật qua phương thức mạng xã hội như facebook, zalo, youtobe, tiktok,… bên cạnh các phương thức truyền thông truyền thống (báo, đài, sách,…),… lượng độc giả tiếp cận được là con số không giới hạn. Tuy nhiên, văn học nghệ thuật tỉnh nhà cần phát huy sáng tạo của công chúng, phát triển ngọn cờ chuyên nghiệp, coi trọng tính sáng tạo để tạo nên những đỉnh cao, những kết tinh văn học nghệ thuật đặc sắc cũng cần được chú trọng, có lộ trình dài hơi và tập trung đầu tư có chiều sâu khác với phục vụ đại chúng hiện nay, chỉ hướng đến được nhiều người quan tâm, dễ hiểu, dễ nhớ.
Bên cạnh đó, chúng ta đã chú trọng công tác truyền thông: lập trang fanpage, facebook văn chương riêng, kỉ niệm ngày sinh, ngày mất của các đại thi hào, đại văn hào,… mỗi người chúng ta dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn tự hào về truyền thống và các giá trị văn hóa Việt Nam, về các danh nhân văn hóa như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… Chúng ta có nghĩa vụ, trách nhiệm, vinh dự được gìn giữ, bảo tồn và phát triển nền văn hóa dân tộc bền vững, phù hợp với xu thế của thời đại. Tiếp thu tư tưởng của người xưa về “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, Đảng thể hiện sự coi trọng các tài năng, các danh nhân văn hóa văn nghệ, các công trình có giá trị nghệ thuật cao vì đó là kết tinh những giá trị tiêu biểu của truyền thống văn hóa của dân tộc nói chung và xứ Nghệ nói riêng. Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An đã 2 lần đăng cai triển lãm Mỹ thuật, triển lãm Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc miền Trung; tổ chức, xuất bản một tuyển tập văn thơ về đề tài biển đảo và bảo vệ chủ quyền biển đảo; Tham gia nghiên cứu, bảo tồn, dàn dựng nhiều vở kịch hát dân ca… Nhiều hội viên tham gia và đạt nhiều giải thưởng cao trong giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp Trung ương và cấp tỉnh; tham gia cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài miền núi, giáo dục, quảng bá lễ hội du lịch…
Hơn nữa, những năm gần đây đội ngũ văn nghệ sĩ Nghệ An đã thể hiện sự tích cực đồng hành cùng sự đổi mới, phát triển của quê hương. Không chỉ ở khía cạnh sáng tác đã đi vào phản ánh và ca ngợi về phong trào xây dựng nông thôn mới mà các văn nghệ sĩ còn nhập cuộc với nhiều chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, những sự kiện lớn của tỉnh nhà và của từng địa phương. Mỗi huyện, xã đều có những sáng tác về thơ, họa và những ca khúc riêng.  
Tóm lại, có thể thấy ba nguyên tắc Dân tộc, Khoa học, Đại chúng chính là khởi nguồn của Tính dân tộc và Tính hiện đại - những đặc tính căn bản trong quá trình vận động và phát triển của lý luận và thực tiễn văn học, nghệ thuật Việt Nam. Việc vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam vào việc xây dựng văn học nghệ thuật mang bản sắc xứ Nghệ đã có những thành tựu nhất định đáng ghi nhận. Ba nguyên tắc đã và đang hướng đến một nền văn học nghệ thuật đậm tính nhân sinh và mang đậm chất Nghệ, chắc chắn sẽ là nền văn học nghệ thuật đóng góp rất tốt cho sự phát triển kinh tế bền vững của từng địa phương của xứ Nghệ. 

CÙNG CHUYÊN MỤC