Vai trò của báo chí trong thời đại công nghệ số

Khoa Văn
20/6/2023

1. Những khó khăn, thách thức đối với báo chí trong thời đại công nghệ số Năm 1997, mạng Internet chính thức đưa vào khai thác sử dụng ở Việt Nam. Sau một phần tư thế kỉ đã có hàng triệu website, hàng ngàn báo điện tử đã và đang hoạt động. Đây là một nguồn cung cấp thông tin vô cùng phong phú, nhanh chóng và trực diện. Tiếp theo xuất hiện các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Instagram hay Tik Tok... tạo ra sự thay đổi đáng kể trong cách chúng ta tiếp cận thông tin.

 Cùng với với quá trình này là sự phát triển mạnh mẽ của điện thoại di động và ứng dụng di động đã mang lại khả năng truy cập tìm kiếm thông tin và tin tức mọi lúc, mọi nơi. Báo chí không còn là nguồn thông tin duy nhất, đáng được chờ đợi nhất mà chúng ta có thể tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau trên Internet, có thể tương tác với các thông tin và người dùng khác qua việc đăng tin, bình luận và chia sẻ. 
Sự phát triển của công nghệ cùng với sự phổ biến của các nền tảng truyền thông số đã tạo ra sự cạnh tranh có thể nói là khá gay gắt trong việc truyền tải thông tin và thu hút độc giả. Với quan điểm mỗi người dùng là khách hàng, mỗi thông tin, nội dung là hàng hóa, Internet là thị trường; các tập đoàn truyền thông lớn đã biến thông tin, tin tức, nội dung số thành một ngành công nghiệp khổng lồ. Hầu hết các vấn đề, sự kiện đều được viết thành hai chiều đối lập tạo ra sự tranh luận thậm chí là tranh cãi hay xung đột không ngoài mục đích tạo sự thu hút và lôi kéo độc giả. Do đó, báo chí phải cạnh tranh không chỉ về nội dung mà còn về hình thức và tốc độ truyền thông, điều này đòi hỏi báo chí không những phải tạo ra nội dung sáng tạo, hấp dẫn, xây dựng một cộng đồng độc giả trung thành và luôn tích cực tương tác mà còn phải ứng dụng các công nghệ mới để đổi mới về phương thức, xu hướng tiếp cận. 
Hiện nay đang thiếu một hệ thống, công cụ kiểm soát hiệu quả trong việc đăng tải các thông tin, nội dung lên các kênh truyền thông là các nền tảng mạng xã hội, các ứng dụng di động khiến những tin tức giả, thông tin chưa được kiểm chứng và thông tin mang tính đảo lộn có thể lan truyền một cách nhanh chóng và gây hại đến độ tin cậy của báo chí. Chính vì vậy các nhà biên tập cần xác minh thông tin một cách kỹ lưỡng, thể hiện sự chuyên nghiệp, áp dụng phương pháp nghiên cứu và tư duy phân tích để đưa ra những thông tin chính xác và hữu ích cho công chúng. 

Ảnh minh họa; nguồn TTXVN

Trước mắt đối mặt với sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và sự chuyển đổi từ các loại hình cung cấp thông tin truyền thống sang mô hình trực tuyến, báo chí đang phải tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới và đáp ứng sự thay đổi trong cách tiếp thị và quảng cáo để duy trì sự tồn tại và tài chính. Tuy nhiên báo chí không thể tự mình giải quyết những vấn đề trên mà không có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi báo chí đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức lớn mang tính thời đại thì công tác quản lý vẫn chưa theo kịp với sự phát triển và thay đổi tất yếu đó. Các quy định, Luật liên quan đến báo chí chưa kịp thời, vẫn còn vùng cấm. Vẫn có một số bài báo, tin tức được biên tập và xuất bản không đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy, có những mục tiêu, động cơ vụ lợi cá nhân gây ra tác động tiêu cực đến công chúng và uy tín của báo chí.
Với sự thay đổi ngày càng nhanh chóng từ tất cả các mặt như phương thức, công nghệ, nội dung và cả các trào lưu, báo chí cũng phải tự đổi mới, hoàn thiện để có thể tương tác với độc giả và đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng.
2. Vai trò báo chí trong thời đại công nghệ số
Ở góc nhìn khác, cho dù công nghệ có phát triển đến mức nào và tác động mạnh mẽ đến cuộc sống bao nhiêu thì vai trò của báo chí cũng không thể phủ nhận. Trong thời đại mạng thông tin phổ biến quá mức và đôi khi tràn lan, những kênh truyền thông, tổ chức xã hội hướng người dùng tiếp cận những thông tin, nội dung với mục đích khác nhau thì vai trò cung cấp thông tin chính xác, đáng tin cậy và được kiểm chứng của báo chí cần phải đề cao. Báo chí chịu trách nhiệm làm nền tảng cho việc phân tích, tổ chức và truyền tải thông tin một cách đáng tin cậy, giúp người đọc lọc bỏ thông tin giả mạo (fake news) và thông tin không đáng tin cậy đồng thời xây dựng ý thức công dân và thúc đẩy sự tham gia chính trị và xã hội. Báo chí không chỉ truyền tải thông tin, mà còn tạo ra không gian cho thảo luận, tranh luận và trao đổi ý kiến từ đó khuyến khích sự tham gia của công chúng và xây dựng một cộng đồng có ý thức, nâng cao nhận thức và khả năng phân biệt thông tin. 

Ảnh minh họa

Báo chí có khả năng đặt vấn đề và theo dõi những vấn đề quan trọng trong xã hội, từ vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường cho đến đánh giá và tôn vinh nghệ thuật và văn hóa; chịu trách nhiệm đưa ra thông tin, phân tích và đánh giá về các quyền lợi và nhu cầu của công dân, từ đó tạo ra áp lực và thúc đẩy sự cải thiện và tiến bộ xã hội. Qua tìm hiểu, điều tra và công khai các vụ việc, báo chí có trách nhiệm giám sát và báo cáo về việc thực thi các quyền và tự do của công dân. 
Ngoài ra báo chí đóng vai trò chủ chốt trong việc bảo vệ và thúc đẩy tự do ngôn luận và tự do báo chí. Với vai trò là người gác cổng, báo chí tạo ra một cơ chế kiểm soát và cung cấp thông tin với tính minh bạch, giúp đảm bảo rằng quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí được tôn trọng và bảo vệ.
Báo chí là một nguồn tin cậy để giới thiệu, phân tích các xu hướng công nghệ mới, ứng dụng tiên tiến và những cách sử dụng sáng tạo, tạo ra cơ hội và khuyến khích sự đổi mới và phát triển trong xã hội. Như vậy chúng ta có thể thấy rằng, không chỉ công nghệ có tác động lên báo chí mà báo chí cũng có những tác động ngược lại với các xu thế công nghệ. 
3. Giải pháp nâng cao chất lượng và vai trò của báo chí trong thời đại công nghệ số.
Trong thời đại công nghệ số, để báo chí có thể khám phá và tận dụng tiềm năng của công nghệ như truyền thông xã hội, phân tích dữ liệu hay tích hợp trí tuệ nhân tạo để cung cấp thông tin một cách hiệu quả và mạnh mẽ hơn, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau: 
Thứ nhất, cần đầu tư vào đào tạo chuyên môn cho các phóng viên, biên tập viên hay nhà quản lý nhằm nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng. Việc đào tạo liên tục và đa dạng hóa chương trình giúp báo chí thích ứng với sự phát triển công nghệ, đảm bảo chất lượng và đa dạng của nội dung thông tin.
Thứ hai, cần tạo ra cơ chế quản lý tài chính và doanh nghiệp báo chí minh bạch và trách nhiệm, đảm bảo tính minh bạch, công khai và trung thực trong việc quản lý nguồn lực. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng tiêu cực và tạo điều kiện để báo chí hoạt động độc lập và chất lượng. Báo chí cần xây dựng quan hệ hợp tác với các tổ chức xã hội, chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan khác. Điều này giúp đảm bảo nguồn lực, hỗ trợ và tạo ra cơ hội phát triển bền vững cho báo chí.
Thứ ba, để theo kịp và phát huy vai trò trong thời đại công nghệ số, báo chí cần sự đầu tư và hỗ trợ về nguồn lực, cơ sở hạ tầng và đào tạo chuyên môn để phát triển. Điều này đảm bảo chất lượng nội dung, năng lực chuyên môn của nhân viên báo chí và khả năng ứng phó với sự thay đổi công nghệ và xu hướng truyền thông mới. 
Thứ tư, đó là kiên quyết nói không với tin giả, các tin tức phiến diện và các hình thức lách luật khác (như giật title, sử dụng từ đồng nghĩa, đa nghĩa…) nhằm mục đích câu view làm giảm sự uy tín và vai trò của báo chí.
Như vậy, việc nâng cao chất lượng và vai trò của báo chí đòi hỏi sự thay đổi và cải tiến trong công tác quản lý để góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội trong thời đại công nghệ số hiện nay.

CÙNG CHUYÊN MỤC