Tiếng Anh, đã đến lúc đặt lại đúng chỗ
Trần Khoa Văn
16/6/2023
Có một thực tế là ngôn ngữ Anh (tiếng Anh) đã trở thành một trào lưu nhận được sự ưu tiên, quan tâm từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp giáo dục cho đến cả bậc cha mẹ. Cùng với năng lực chuyên môn, tiếng Anh là một trong những yêu cầu tuyển dụng của các cơ quan quản lý nhà nước, là môn thi bắt buộc trong các kì thi tốt nghiệp, tuyển sinh các cấp. Tiếng Anh được hậu thuẫn từ chính sách giáo dục, cơ chế tuyển dụng cùng với sự tiếp sức của truyền thông đã chiếm vị ngôi vương trong gia đình cũng như các trào lưu xã hội. Chúng ta dễ dàng thấy sự lạm phát các trung tâm dạy tiếng Anh tại hầu hết các đô thị, những cuộc thi hay cuộc chạy đua cấp chứng chỉ, các khóa đào tạo, gây nên một áp lực không nhỏ lên các thế hệ học sinh, sinh viên. Nhưng điều đáng suy ngẫm là liệu thực trạng như vậy có mang lại những lợi ích tương xứng hay ngược lại đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của cá nhân, kinh tế và văn hóa của đất nước?
1. Vị thế ngôi vương của tiếng Anh
Có một thực tế là ngôn ngữ Anh (tiếng Anh) đã trở thành một trào lưu nhận được sự ưu tiên, quan tâm từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp giáo dục cho đến cả bậc cha mẹ. Cùng với năng lực chuyên môn, tiếng Anh là một trong những yêu cầu tuyển dụng của các cơ quan quản lý nhà nước, là môn thi bắt buộc trong các kì thi tốt nghiệp, tuyển sinh các cấp. Tiếng Anh được hậu thuẫn từ chính sách giáo dục, cơ chế tuyển dụng cùng với sự tiếp sức của truyền thông đã chiếm vị ngôi vương trong gia đình cũng như các trào lưu xã hội. Chúng ta dễ dàng thấy sự lạm phát các trung tâm dạy tiếng Anh tại hầu hết các đô thị, những cuộc thi hay cuộc chạy đua cấp chứng chỉ, các khóa đào tạo, gây nên một áp lực không nhỏ lên các thế hệ học sinh, sinh viên. Nhưng điều đáng suy ngẫm là liệu thực trạng như vậy có mang lại những lợi ích tương xứng hay ngược lại đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của cá nhân, kinh tế và văn hóa của đất nước?
Chúng ta không thể phủ nhận tiếng Anh cần thiết, có lợi ích trong việc giao tiếp toàn cầu và nâng cao cơ hội việc làm, tuy nhiên với sự xuất hiện của các máy học, công cụ, phần mềm dịch thuật với khả năng chuyển đổi ngôn ngữ chuyên sâu ngày càng hoàn thiện, chính xác và nhanh chóng thì lợi thế của việc thông thạo ngoại ngữ bị giảm đi đáng kể. Hơn nữa hiện nay, đối lập với xu thế toàn cầu hóa đang dần lỗi thời, các quốc gia ngày càng chú trọng, đề cao những giá trị mang tính bản sắc, đặc trưng nhất là ở các lĩnh vực văn hóa, truyền thống hay ngôn ngữ… Chính vì vậy theo tôi, việc đề cao tiếng Anh quá mức với những vỏ bọc đầy hoa mỹ đó là hội nhập, toàn cầu hóa, công dân quốc tế... đã dẫn đến mất cân bằng xã hội và phát sinh những ảnh hưởng tiêu cực ngày càng lớn.
2. Sự khác biệt về mặt ngôn ngữ giữa tiếng Anh và tiếng Việt
Đầu tiên cần nhắc đến đó là sự khác biệt giữa ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt là rất lớn và phản ánh sự khác nhau về chiều sâu lịch sử, truyền thống và văn hóa của các dân tộc. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này tôi chỉ dẫn chứng một số điểm tiêu biểu và dễ nhận biết nhất.
2.1. Cấu trúc và ngữ pháp
Tiếng Anh: Cấu trúc câu tiếng Anh thường được xây dựng dựa trên vị trí từ và trật tự từ. Ngữ pháp tiếng Anh tuân theo các quy tắc rõ ràng về thì, ngôi, giới từ, động từ và chia động từ.
Tiếng Việt: Cấu trúc câu tiếng Việt tập trung vào trật tự từ và sự sắp xếp các thành phần câu, không chia ngôi, thì mà sử dụng các từ bổ nghĩa. Ngữ pháp tiếng Việt phức tạp hơn với các lối nói ví von, nhiều hình tượng, và sử dụng cả âm sắc để diễn đạt ý nghĩa.
2.2. Từ vựng:
Tiếng Anh: Tiếng Anh có một nguồn từ vựng phong phú và đa dạng, bao gồm cả từ nguyên thủy và từ hình thành từ ghép. Nhiều từ vựng trong tiếng Anh cũng được mượn từ các ngôn ngữ khác. Một điểm gây khó khăn nhất khi học tiếng Anh đó là những từ bất quy tắc (động từ, danh từ...), trong bất quy tắc có quy tắc và cả bất quy tắc... Đây là hệ quả của quá trình hình thành từ vựng mới (vay mượn, bổ sung...) khiến cho việc học tiếng Anh sẽ khó khăn nến chúng ta không thường xuyên sử dụng.
Tiếng Việt: Tiếng Việt cũng có một nguồn từ vựng đa dạng, chủ yếu gồm các từ gốc Niệt (Nôm) và từ Hán được Việt hóa (Hán Việt). Tiếng Việt có xu hướng phản ánh sự trừu tượng, hình ảnh và truyền thống văn hóa của người Việt nên thường xuất hiện các từ đa nghĩa, từ Hán Việt, từ láy, từ tượng thanh... Đây cũng là đặc trưng của tiếng Việt so với các ngôn ngữ khác. Ngoài ra tính đơn âm của tiếng Việt cũng là một đặc điểm thuận lợi trong quá trình học và sử dụng.
2.3. Cách sử dụng ngôn ngữ:
Tiếng Anh: Tiếng Anh có tính chất trực tiếp, rõ ràng và phổ quát nên thường được sử dụng rộng rãi làm ngôn ngữ toàn cầu trong giao tiếp, kinh doanh, giáo dục và công nghệ.
Tiếng Việt: Tiếng Việt thể hiện tính cách của người Việt Nam, có sự nhạy cảm đối với ngữ cảnh và cảm xúc. Tiếng Việt thường chứa đựng nhiều ẩn ý, tình cảm và biểu đạt các khía cạnh văn hóa đời sống và xã hội.
Có thể thấy, sự khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Việt không chỉ là về ngôn ngữ mà còn phản ánh cả sự khác biệt trong cách suy nghĩ, lối sống và truyền thống văn hóa của con người, xã hội. Việc hiểu và đánh giá đúng sự khác biệt này là cực kỳ quan trọng để duy trì và phát triển đa dạng ngôn ngữ và văn hóa của chúng ta.
3. Vì sao không nên coi trọng tiếng Anh quá mức như hiện nay
3.1. Lãng phí nguồn nhân lực, chi phí và thời gian
Nhiều người có khả năng ngôn ngữ hạn chế nhưng do áp lực xã hội và trào lưu chung, họ chuyển hướng hoặc dành nhiều thời gian cho tiếng Anh thay vì phát triển tối đa khả năng của mình trong lĩnh vực mà họ có đam mê và tài năng. Đây là một sự lãng phí nguồn nhân lực rất lớn.
Ngoài ra các khóa học tiếng Anh và các kỳ thi cấp chứng chỉ thường có chi phí cao mà chỉ có giá trị trong thời gian ngắn. Việc học sinh, sinh viên và cả cán bộ, công chức, viên chức tham gia vào cuộc đua dẫn đến việc lãng phí tài nguyên, thời gian và tiền bạc mà hầu như không đạt được kết quả thực tiễn nào. Không những thế còn ảnh hưởng đến sự cân bằng giữa công việc, học tập và cuộc sống cá nhân, gây căng thẳng và giới hạn khả năng phát triển toàn diện của mỗi con người.
Chính vì vậy, nếu không phải làm việc trong môi trường yêu cầu sử dụng tiếng Anh một cách chuyên nghiệp thì chúng ta nên dành thời gian, nguồn lực đó cho những hoạt động khác mang lại giá trị và phát triển một cách hiệu quả và tốt đẹp hơn.
3.2. Đánh mất sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa
Giữa ngôn ngữ và văn hóa có những mối liên hệ mật thiết. Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt ý nghĩa, tri thức và giá trị văn hóa. Ở chiều ngược lại văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự gắn kết và nhận thức xã hội, tạo ra vẻ đẹp và độc đáo của ngôn ngữ mà xã hội đó làm biểu tượng.
Nhưng khi một xã hội nào đó tập trung quá mức vào một thứ ngôn ngữ toàn cầu như tiếng Anh, ngôn ngữ mẹ đẻ và các ngôn ngữ bản địa dần bị hạ thấp. Văn hóa địa phương và các phong tục truyền thống dần dần bị giới trẻ xao nhãng dẫn đến việc đánh mất vẻ đẹp và sự phong phú của ngôn ngữ, truyền thống và văn hóa. Nhiều ngôn ngữ, phong tục đang thực sự chết đi, đây chính là một sự mất mát vô cùng lớn, gây cản trở cho việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển bản sắc dân tộc, làm mất đi những khía cạnh độc đáo và giá trị của mỗi văn hóa địa phương. Những thực trạng này đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự tương tác xã hội cũng như sự gắn kết trong các cộng đồng.
Khi tiếng Anh trở thành ưu tiên số một, thế hệ trẻ tập trung vào việc học và sử dụng tiếng Anh, giảm đi khả năng truyền tải và giao tiếp một cách hiệu quả trong sử dụng tiếng mẹ đẻ, gây ra sự mất cân bằng và sự đồng cảm trong việc truyền đạt thông điệp và giá trị văn hóa của các thế hệ. Các phong tục truyền thống bị lãng quên, những giao tiếp hời hợt dần dần hình thành các thứ “ngôn ngữ lai”, “ngôn ngữ thời thượng”, “ngôn ngữ teen” (ngay từ teen tôi sử dụng đây cũng là một hệ lụy rõ nét)… nhưng bản chất đó là sự xâm lấn về ngôn ngữ và tiếp theo đó là văn hóa.
Quá trình đánh mất sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa không xảy ra ngay lập tức mà diễn ra từ từ và ăn mòn ở nhiều khía cạnh. Quá trình ăn mòn đó để lại hậu quả là làm mất đi tính độc đáo, vẻ đẹp của ngôn ngữ, khả năng giao tiếp hài hòa, sự thấu cảm và giá trị truyền thống văn hóa của các cộng đồng mà đôi khi chúng ta không kịp nhận ra.
3.3. Gây áp lực và căng thẳng cho học sinh và phụ huynh
Như tôi đã đề cập, việc quá coi trọng vào việc học tiếng Anh gây áp lực lớn lên học sinh khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh không đáng có (phải đạt được kết quả cao tại kì thi, chứng chỉ quốc tế...) Điều này dẫn đến căng thẳng, lo lắng về thành tích và tạo ra tâm lí tự ti nếu không đạt được kết quả như bố mẹ, nhà trường mong đợi. Áp lực này tuy âm ỉ nhưng rất dễ bùng phát bởi không phải ai cũng có khả năng học được (chứ chưa nói đến học tốt) một thứ ngôn ngữ khác, với cách tư duy, biểu đạt có những sự khác biệt nhất định. Đầu tiên các em học sinh học yếu tiếng Anh (vì thực sự chương trình rất khó) cảm thấy bị ép buộc, học đối phó rồi xem môn học trở thành một nhiệm vụ khó khăn và tẻ nhạt. Cuối cùng các em mất đi niềm vui tự nhiên của việc học tập từ đó có thể để lại những hậu quả đáng tiếc.
Việc áp lực cũng có phần đến từ phía phụ huynh. Nhiều bậc phụ huynh đổ lỗi nguyên nhân mình chưa đạt được những thành công như mong muốn là do học kém tiếng Anh. Vì vậy họ đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc cho con cái (như tham gia nhiều khóa học tiếng Anh, thúc ép học thêm, rèn luyện tiếng Anh thường xuyên). Họ đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc đó để đạt được thành công nhanh chóng và vượt bậc trong tương lai. Điều này đã gây căng thẳng và áp lực không cần thiết lên cả phụ huynh và con cái, ảnh hưởng đến quan hệ gia đình và tâm lý nếu kết quả không như mong đợi (tất nhiên điều này thường xuyên xảy ra!).
3.4. Hạn chế phát triển toàn diện
Cho dù tiếng Anh là một ngôn ngữ quan trọng, mang tính toàn cầu nhưng ngoại trừ những học sinh có năng khiếu và niềm yêu thích thì sự đánh đổi thời gian và cơ hội tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao, nghệ thuật và phát triển các kỹ năng mềm khác là lựa chọn không khôn ngoan. Những người thành công đều cần có sự phát triển kiến thức và kỹ năng đa dạng, luôn hướng đến việc khai phá và học hỏi về các lĩnh vực khác nhau như khoa học, xã hội, nghệ thuật, lịch sử và văn hóa, kỹ năng mềm, sự khám phá và sáng tạo. Sự khám phá và sáng tạo là những yếu tố quan trọng trong việc phát triển tư duy linh hoạt và đổi mới, thiếu chúng sẽ hạn chế khả năng thấu hiểu và tham gia vào thế giới xung quanh, giới hạn sự phát triển toàn diện của cá nhân thậm chí ảnh hưởng đến khả năng thích ứng, tương tác xã hội và thành công trong cuộc sống và công việc.
3.5. Với sự phát triển tràn lan việc học/đào tạo tiếng Anh ngày càng ít tạo ra giá trị thực tế và kém hiệu quả.
Tập trung quá nhiều vào việc học tiếng Anh ngược lại giảm đi tính ứng dụng thực tế của ngôn ngữ này. Khi tập trung vào mục tiêu đó là đạt được chứng chỉ và vượt qua kỳ thi tiếng Anh, mục tiêu thực tế của việc học sẽ bị mất đi. Nhiều học sinh rơi vào tình trạng chỉ biết sử dụng tiếng Anh trong môi trường học thuật hoặc giảng dạy, các tip, các kỹ năng phục vụ thi cử mà bỏ qua việc hiểu về ngôn ngữ, áp dụng nó vào cuộc sống và phát triển khả năng sử dụng tiếng Anh một cách hài hòa và linh hoạt. Kết quả là, dù có có chứng chỉ cao nhưng các em vẫn không sử dụng hiệu quả và tự tin trong các tình huống thực tế, như giao tiếp với người nước ngoài, làm việc trong môi trường quốc tế, hoặc xử lý công việc chuyên sâu liên quan đến tiếng Anh.
Ngoài ra chất lượng các trung tâm Anh ngữ ngày càng kém dần vì phải cạnh tranh trong cuộc chạy đua một cách ồ ạt. Giáo viên mác nước ngoài đa số là “Tây ba lô”, không sử dụng tiếng Anh như là tiếng mẹ đẻ và hầu hết không đảm bảo về kỹ năng sư phạm, truyền cảm hứng. Nhiều trung tâm không chú tâm đến chất lượng, mặc dù luôn tuyên bố là đảm bảo điều đó, mà tập trung vào truyền thông, quảng bá làm sao thu hút nhiều học viên để đạt được mục tiêu lợi nhuận cao nhất.
4. Phương hướng và một số giải pháp trong thời gian tới
Để khắc phục tình trạng này tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất đó là điều chỉnh chương trình giảng dạy làm sao để tiếng Anh chỉ là môn năng khiếu như các môn học khác. Đề cao, khuyến khích học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa, lịch sử và truyền thống dân tộc cũng như phát toàn diện các kỹ năng cho học sinh, tạo sự cân bằng, linh hoạt nhằm thúc đẩy sự sáng tạo, tư duy phản biện và kỹ năng giao tiếp cho học sinh.
Thứ hai, đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quá trình giảng dạy để tạo hứng thú hơn cho học sinh đối với tất cả các môn. Từ đó các em sẽ tự phát hiện bản thân, tự học hỏi và tìm được lĩnh vực mà mình dành đam mê cũng như có khả năng thực sự.
Thứ ba, tổ chức các hoạt động tuyên truyền và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về giá trị của tiếng Việt, các ngôn ngữ của dân tộc thiểu số đồng thời tạo ra các chương trình giáo dục thực tiễn và các hoạt động nhằm khơi dậy niềm đam mê và hứng thú hơn nữa cho học sinh.
Thứ tư đó là cần quản lý các trung tâm tiếng Anh về chất lượng, nội dung, chương trình giảng dạy và đào tạo. Cần có quy định nghiêm ngặt về năng lực, cần phải thi tuyển đầu vào (yêu cầu chứng chỉ tiếng Việt, khả năng sư phạm) đối với giáo viên sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức và đồng thời tạo văn hóa tôn trọng tiếng Việt (tiếng Việt là số 1) ngay từ những trung tâm đào tạo này.
Việc giáo dục không chỉ nên tập trung vào việc học tiếng Anh hay một môn cụ thể nào đó mà cần đảm bảo sự phát triển toàn diện của học sinh, tôn trọng tính đặc trưng cũng như đa dạng ngôn ngữ và văn hóa của đất nước. Chỉ khi đó, chúng ta mới tạo ra một hệ thống giáo dục thực sự đáp ứng được nhu cầu và phát huy tối đa khả năng của mỗi cá nhân trong xã hội.