Các nhà báo cần học tập ở Bác Hồ cách đặt tên cho bài báo

Đoàn Mạnh Tiến
16/6/2023

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của Đảng ta dân tộc ta, là danh nhân văn hóa của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một: nhà báo lớn, người khai sinh ra nền báo chí Cách mạng Việt Nam.

Cũng như các lãnh tụ cách mạng trên thế giới đã từng dùng báo chí làm phương tiện tuyên truyền tư tưởng chính trị, tập hợp quần chúng cách mạng (như Các-Mác từng khai sinh ra và làm chủ bút báo Sông Ranh ở Đức tháng Tư năm 1848 hoặc như Vơ-la-đi-mia I-lich Lênin từng sáng lập ra và làm Tổng biên tập báo Pravda (Sự thật, tháng 6 năm 1912 ở Nga), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập ra báo Thanh niên ngày 21/6/1925, tờ báo đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam. Hôm nay, trong không khí sôi nổi của giới báo chí và đồng bào cả nước ta đang hướng tới Kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023) tìm hiểu di sản báo chí đồ sộ của Bác (hơn 3.500 bài báo), mỗi người làm báo nói riêng, mỗi công dân Việt Nam nói chung có thể tiếp cận và học tập được nhiều điều bổ ích. Trong khuôn khổ của một bài viết nhỏ, sau đây chúng tôi sẽ trình bày một số điểm cụ thể, thiết thực có thể học tập được từ cách đặt tên cho bài báo của Bác (tiếng Anh là Title còn gọi là tít báo, nhan đề, đầu đề). Đây cũng chính là việc làm cụ thể để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ảnh Tư liệu
Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên của một bài báo chỉ cần dùng một vài từ thôi mà phải đạt được ba yêu cầu chính sau đây:
Thứ nhất là “tên bài báo phải thông báo được nội dung chủ yếu của bài báo đó” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập V, trang 220); Nghĩa là khi đọc nhan đề (tên) của bài báo, người đọc sẽ hình dung ra nội dung bao trùm, cốt yếu, vấn đề cơ bản, vấn đề chính, cốt lõi mà tác giả sẽ bàn trong bài báo đó. Chẳng hạn như trên báo Nhân dân (ND) số ra ngày 26/3/1953, Bác Hồ có bài báo tên là Thanh niên ta rẩt gan dạ, anh hùng. Khi đọc cái tên báo đó, người đọc sẽ hình dung trong bài báo này, Bác sẽ nói về các hành động, các tấm gương gan dạ, anh hùng của thế hệ trẻ Việt Nam thời kì ấy.
Thứ hai là “tên bài báo phải có tính tư tưởng cao, hướng dẫn nhận thức tư tưởng, tình cảm cho người đọc” (sđd, tập V, trang 221); Nghĩa là bài báo phải có tính giai cấp, phải có ý thức chính trị, tính tư tưởng rõ ràng, không được mập mờ, biểu tượng hai mặt, “bài báo được viết ra là để tuyên truyền lí tưởng cộng sản, đường lối, chính sách của Đảng, giáo dục đạo đức cách mạng, lối sống mới nhằm góp phần rèn luyện nên con người mới của xã hội mới, đấu tranh không khoan nhượng với cái cũ, cái lạc hậu. Do đó khi đặt tên cho bài báo, tác giả phải có ý thức về tính tư tưởng của tên bài báo”(sđd, tập V,trang 222). Chẳng hạn như trên báo Nhân dân số ra ngày 18/02/1965, Bác có viết bài Nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người Việt Nam yêu nước lúc này là chống Mỹ, cứu nước. Bài báo này ra đời vào thời điểm giặc Mỹ bắt đầu chiến dịch leo thang dùng máy bay bắn phá dữ dội miền Bắc Việt Nam hòng cứu thua ở chiến trường miền Nam, ngăn chặn sự hỗ trợ của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Do đó, với tên bài báo ấy, tác giả đã định hướng tư tưởng cho người đọc, xác định nhiệm vụ chiến đấu chống Mỹ trong giai đoạn này là nhiệm vụ quan trọng nhất, vẻ vang nhất, thiêng liêng nhất của mỗi người dân Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước này, ai cũng có trách nhiệm phải tham gia, không ai được đứng ngoài cuộc.
Thứ ba là “tên bài báo phải tạo ra được sự chú ý của người đọc” (sđd, tập V, trang 222). Khi giải thích cho yêu cầu thứ ba này, Bác đã nói rõ “tạo sự chú ý của người đọc không có nghĩa là tên bài báo phải có tính chất giật gân, câu khách, lập dị, khó hiểu, nửa ta nửa Tây, nửa ta nửa Tàu mà tên bài báo phải dễ hiểu, giản dị mà hấp dẫn” (sđd, tập V,trang 222). Chẳng hạn trên báo Nhân dân số ra ngày 16/7/1956, Bác có bài báo tên là Miệng nam mô, bụng một bổ dao găm, nội dung bài báo này dùng các dẫn chứng cụ thể trong một thực tế để chứng minh rằng bản chất đế quốc Mỹ là giả dối, lừa lọc, nham hiểm, tàn bạo, nói một đằng, làm một nẻo, hiện tượng bên ngoài là lúc nào miệng cũng “nam-mô-a-di-đà-Phật” tưởng như rất hiền lành, nhân hậu, cứu người nhưng bên trong bản chất là một lũ sát sinh, giết người tàn bạo “bụng một bồ dao găm”. Với nội dung ấy, Bác đặt tên cho bài báo là Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm, tên bài báo này đã gây được sự chú ý của độc giả.
Trên đây, chúng tôi đã trình bày ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ba yêu cầu phải đạt được khi nhà báo muốn đặt tên cho một bài báo. Dưới đây, chúng tôi sẽ đi vào trình bày cách đặt tên bài báo của Người.
Trước hết phải khẳng định rằng nguồn tên bài báo của Bác rất phong phú, đa dạng. Phần lớn bài báo của Bác đều viết theo thể loại tiểu phẩm, do đó xu hướng đặt tên bài báo của Bác là dựa vào văn học dân gian, văn học cổ điển, trong văn học dân gian thì chủ yếu Bác dựa vào tục ngữ, thành ngữ, ca dao mà quần chúng nhân dân hay dùng.
Như chúng ta đã biết, “tục ngữ là một thể loại của văn học dân gian nhằm đúc kết những kinh nghiệm, tri thức của nhân dân dưới hình thức những câu ngắn gọn, súc tích, có nhịp điệu, dễ nhớ. Còn thành ngữ là những cụm từ mang ý nghĩa cố định đã quen dùng” (Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, Nxb Văn học, Hà Nội, 1978). Khi đặt tên cho bài báo, phần lớn Bác dựa vào tục ngữ, thành ngữ, bởi vì nghĩa của thành ngữ, tục ngữ thường thiên về nghĩa bóng, cho nên tên bài báo của Bác gợi ngay được cho người đọc những điều Người định nói trong bài báo.
Cách thứ nhất: Bác dùng nguyên vẹn tục ngữ, thành ngữ, ca dao để đặt tên cho bài báo của mình.
Chẳng hạn trên báo Nhân dán ngày 06/4/1959. Bác có bài Cha chung không ai khóc, khi đọc tên bài báo này, người đọc sẽ hiểu là Bác muốn nói về vấn đề tinh thần trách nhiệm đối với của công, với những cái thuộc về cái chung, cái của cộng đồng, xã hội. Hay như trên báo Nhân dân ngày 12/4/1966 Bác có bài Vừa ăn cướp vừa la làng vạch trần bản chất xấu xa, bộ mặt giả dối của đế quốc Mỹ, vừa đem quân sang xâm lược Việt Nam một cách trắng trợn, vừa lu loa trên thế giới rằng: “Miền Bắc đem quân vào xâm lược miền Nam” (!) Tính tư tưởng của tên bài báo này rất rõ ràng, tên bài báo đồng thời cũng là lời tố cáo đanh thép tội ác của kẻ thù.
Hoặc trên báo Nhân dân ngày 15/12/1961 Bác có bài Cõng rắn cắn gà nhà tố cáo bộ mặt bán nước của bè lũ Ngô Đình Diệm và tay sai, rước Mỹ vào xâm lược, dày xéo miền Nam Việt Nam.
Trên báo Nhân dân ngày 17/6/1961, Bác viết bài Hữu xạ tự nhiên hương, với việc sử dụng thành ngữ này, Bác muốn khẳng định rằng trong cuộc sống không cần dùng thủ đoạn để đánh bóng tên mình không cần dùng mọi cách để mọi người tưởng mình giỏi, mình tốt, mỗi con người hãy sống thật với mình, nếu bản chất mình tốt, mình tài giỏi thì mọi người sẽ biết.
Cách đặt tên bài báo bằng cách giữ nguyên văn thành ngữ, tục ngữ này được Bác sử dụng nhiều, như Vỏ quýt dày có móng tay nhọn (báo Nhân dân ngày 29/01/1955), Treo đầu dê bán thịt chó (báo Nhân dân ngày 16/7/1956), Một cốt một đồng (báo Nhân dân ngpy 21/7/1953), Đi một ngày đàng học một sàng khôn (báo Nhân dân ngày 03/01/1957), Ăn quả nhớ kẻ trồng cây (báo Nhân dãn ngày 27/7/1957), Cá lớn nuốt cá bé (báo Nhân dân ngày 01/03/1959), Có thực mới vực được đạo (báo Nhân dân ngày 0/4/1960), Góp gió thành bão (báo Nhân dân ngày 03/06/1958), Học phải đi đôi với hành (báo Nhân dân ngày 20/11/1959)...
Cách thứ hai là Chủ tịch Hồ Chí Minh thêm bớt, sửa đổi, lược bỏ hoặc biến dạng những ca dao, tục ngữ, thành ngữ đã có sẵn rồi dùng nó để đặt tên cho bài báo của mình, từ đó, Bác trình bày được nội dung vấn đề mình muốn đề cập đến.
Chẳng hạn, muốn nói rõ thực trạng xã hội Mỹ những năm 40, 50 của thế kỷ hai mươi là tỷ lệ giàu nghèo quá chênh lệch, người giàu thì ngày càng giàu, giàu đến mức đại tư bản, kếch sù, người nghèo ngày càng nghèo đến mức kiệt quệ, trên báo Nhân dân số ra ngày 29/3/1954, Bác có bài Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra. Đây vốn là câu ca dao lục bát:
Trời sao trời ở bất cân
Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra.
Bác Hồ đã cân nhắc, suy nghĩ, cuối cùng Người đã lược bỏ câu lục, chỉ giữ lại câu bát làm tên bài báo Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra.
Hay khi muốn phê phán những người thường lập trường không vững vàng, không có chủ kiến, không có ý kiến riêng của mình, luôn bị động cho nên hay thay đổi ý kiến theo người khác, cuối cùng chẳng đạt được kết quả gì, trên báo Nhân dân ngày 15/7/1960, Bác có bài Anh Sâm đẽo cày giữa đường, ở đây Bác đã thêm hai chữ “anh Sâm” vào trước thành ngữ “Đẽo cày giữa đường” để đặt tên cho bài báo của mình.
Hoặc để nhắc nhở mọi người trong xã hội phải biết thường xuyên chịu khó khổ luyện, biết kiên trì nhẫn nại đến cùng, không quản ngại gian lao, vất vả thì chắc chắn sẽ thành công, trên báo Nhân dân ngày 22/6/1959, Bác có bài Anh Lê Minh Sơn có công mài sắt có ngày nên kim, như vậy Bác thêm bốn chữ anh Lê Minh Sơn vào trước thành ngữ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sử dụng cách này nhiều trên báo, như Nói thật không mất lòng (Báo Nhân dân ngày 17/01/1962), nguyên văn câu tục ngữ là Nói thật mất lòng), Chịu đấm mà không được ăn xôi (Báo Nhân dân ngày 14/01/1955), nguyên văn là: Chịu đấm ăn xôi, Mỹ nối giáo cho giặc (báo Nhân dân ngày 21/9/1953, nguyên văn là Nối giáo cho giặc), Đi theo ma mặc áo giấy (báo Nhân dân ngày 26/6/1951, nguyên văn là Đi với bụt mặc áo cà sa / Đi theo ma mặc áo giấy), Giặc Pháp giấu đầu hở đuôi hoặc Ăn ở cạn tàu ráo máng (báo Nhân dân ngày 18/12/1952, nguyên văn là Cạn tàu ráo máng), Nhiều cây chụm lại nên hòn núi cao (báo Nhân dân ngày 01/3/1953, nguyên văn là câu ca dao Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao), Người trong một nước phải thương nhau cùng (báo Nhân dân ngày 01/7/1952, nguyên văn là câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng) v.v... và v.v...
Cách thứ ba là Bác lựa chọn một số câu trong tác phẩm văn học cổ điển, có sửa chữa chút ít rồi đặt tên cho bài báo của mình. Trong số đó, Bác Hồ hay chọn các câu trong tác phẩm Truyện Kiều hoặc trong Chinh phụ ngâm để đặt tên báo. Như báo Nhân dân ngày 16/02/1962 Bác có bài Những điều trông thấy mà khoan khoái lòng. Nguyên văn Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều là "Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” Ở đây, Người đã bỏ câu lục, thay từ "đau đớn” trong câu bát bằng từ "khoan khoái" rồi đặt tên báo.
Hoặc khi muốn vạch mặt bọn đế quốc Mỹ cậy thế mình giàu, dùng đồng tiền để lật lọng, đổi trắng thay đen, trên báo Nhân dân số ra ngày 05/4/1952, Bác có bài Trong tay đã sẵn đồng tiền. Nguyên văn trong Truyện Kiều là "Trong tay đã sẵn đồng tiền/ Dù lòng đổi trắng thay đen khó gì; Bác đã lược bỏ câu bát, chỉ giữ lại câu lục để đặt tên cho bài báo".
Cũng nhằm vạch trần bản chất xấu xa, gian trá, xảo quyệt, lừa lọc của bè lũ đế quốc Mỹ, Bác có bài Bề ngoài thơn thớt nói cười trên báo Nhân dân ngày 01/7/1953. Nguyên văn trong Truyện Kiều là "Bề ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao” Bác đã lược bỏ câu bát, giữ lại câu lục làm tên bài báo.
Ngoài Truyện Kiều, Bác còn sử dụng một số câu trong tác phẩm Chinh phụ ngâm để đặt tên cho bài báo. Như trên báo Nhân dân ngày 15/3/1952, Bác có bài Vì ai nên nỗi này? Nguyên văn trong Chinh phụ ngâm là "Xanh kia thăm thẳm tầng trên/ Vì ai gầy dựng cho nên nỗi này?" Bác đã bỏ câu lục, sửa chữa câu bát để đặt tên cho bài báo.
Trên đây chúng tôi đã trình bày ba cách Bác thường dùng để đặt tên cho bài báo. Cách thứ tư Bác hay sử dụng là Người lấy những câu nói có tính chất bịp bợm, khoe khoang của địch để đặt tên cho bài báo. Chẳng hạn, nước Mỹ thường tự vỗ ngực “Hoa Kỳ là quốc gia văn minh nhất thế giới”. Bác đã dựa vào lời nói bịp bợm đó để đặt tên cho bái báo Văn minh kiểu Mỹ (báo Nhân dân ngày 15/01/1951). Hay nước Mỹ thường khoe khoang "Đất nước thần tự do - Bác đã có bài Đất nước của thần tượng tự do đang phá hoại tự do của nước khác (báo Nhân dân ngày 03/4/1954).v.v...
Cách thứ năm: để tạo được cái nhìn hài hước, hóm hỉnh, tỏ rõ sự đả kích, châm biếm của tác giả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng cách chơi chử đồng âm, nhất là đồng âm giữa từ trong tiếng Việt và tiếng Hán hoặc tiếng châu Âu (như Anh, Pháp,.). Chẳng hạn trên báo Nhân dân ngày 20/7/1964, Bác có bài Tay lo rồi chân cũng lo. Tay lo là tướng Mỹ chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam đang có nguy cơ nguy cơ thất bại, Bác đã chơi chữ “Tay lo - chân lo” và đặt tên cho bài báo (Không những TAY LO mà rồi chân cũng lo mà cút khỏi miền Nam Việt Nam). Hoặc Tảt-xi-nhỉ bị TÁT (báo Nhân dân 03/01/1952), Tát-xi-nhi là tướng Pháp chỉ huy quân Pháp ở Việt Nam, Bác chơi chữ “TÁT” đồng âm. Hoặc có khi Người chơi chữ biến âm, như tên bài Pháp - Mỹ hợp TÁC hay hợp TÁT (báo Nhân dân ngày 07/3/1962), (TAC và TÁT), hoặc Người chơi chữ rất sáng tạo để đặt tên cho bài báo Tên là đội Hòa bình, thực là đội Hòa binh (báo Nhân dân ngày 13/3/1962), ở đây Bác chơi chữ “hòa bình” và “họa binh”, hoặc bài Hòa bình kiểu Mỹ tức là Binh Họa (báo Nhân dân ngày 29/6/1963). Có khi Người đặt tên bào báo bằng cách điệp âm (lặp lại âm) hoặc láy âm như tên bài báo Đế quốc Mỹ BI là BÍ (báo Nhân dân ngày 07/3/1964), ..v..v..v... Mỹ mà không đẹp (báo Nhân dân ngày 01/8/1963). Ở đây Bác đã dùng cách chơi chữ: từ “Mỹ” là một từ Hán Việt nghĩa là “đẹp” nhưng Bác đã khai thác “Mỹ - không đẹp" làm tên bài báo, Mắc-na-ma-ra thành Mặt-nạ-ra-ma” (báo Nhân dân ngày 08/4/1964). Ở đây Bác dùng cách chơi chữ đồng âm Mắc-na-ma-ra là tên của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ, Lý Thừa Văn mà khó mà cứu vãn (báo Nhân dân ngày 01/6/1958), Lý Thừa Văn là Tổng thống Nam Triều Tiên lúc bấy giờ, ở đây Bác đã chơi chữ Thừa Văn - cứu vãn. v.v...và v.v...
Trên đây chúng tôi đã trình bày các cách đặt tên bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều cần nhấn mạnh là dù đặt tên bài bảo bằng cách nào thì bao giờ Bác cũng viết báo bằng lòng yêu nước, chí căm thù giặc, bằng ý chỉ cách mạng, viết báo để chống lại chế độ thực dân, đế quốc, để giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Học tập Người, mỗi nhà báo hãy “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”, hướng ngòi bút vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, tôn vinh, cổ vũ cho thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

CÙNG CHUYÊN MỤC