Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với sự ra đời và hoạt động Công hội Đỏ

Trương Quế Phương
17/5/2023

Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019), đúng vào dịp chúng ta đang học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc tìm hiểu về bối cảnh lịch sử, sự ra đời, phương pháp tổ chức, xây dựng và phát triển lực lượng Công hội Đỏ (tiền thân tổ chức Công đoàn) theo tư tưởng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tìm hiểu về tổ chức Công hội Đỏ từ ngày đầu dựng Đảng sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về phương pháp tổ chức, xây dựng và hoạt động Công hội Đỏ theo đường lối cách mạng vô sản mà Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dẫn lối, đưa đường.

Bác Hồ và công nhân đường sắt
Dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng tháng Mười Nga (1917) thắng lợi, Quốc tế Cộng sản đã đánh giá cao về vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân. Nếu giai cấp công nhân thế giới biết đoàn kết trong một tổ chức dưới sự lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản, sẽ trở thành một lực lượng hùng mạnh. Đó là một lực lượng đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản. Năm 1921, tổ chức liên hiệp Quốc tế của các công đoàn cách mạng, được hình thành về mặt tổ chức. Sau khi ra đời, tổ chức liên hiệp giai cấp công nhân thế giới được gọi là “Quốc tế Công hội Đỏ”. Tổ chức Quốc tế Công hội Đỏ có nhiệm vụ đấu tranh để thiết lập một sự thống nhất trong phong trào công đoàn, trên cơ sở đấu tranh cách mạng, nhằm bảo vệ những yêu sách của công nhân. Chống nguy cơ chiến tranh đế quốc chủ nghĩa và đoàn kết với giai cấp công nhân nước Nga Xô viết. Khi tổ chức Quốc tế Công hội Đỏ ra đời, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang ở nước Pháp. Sau Đại hội Tua (1920), Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một trong những thành viên sáng lập ra Đảng cộng sản Pháp. Với việc dơ tay biểu quyết tán thành Quốc tế Ba, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành nhân tố tích cực ủng hộ hoạt động và phát triển của tổ chức Quốc tế Công hội Đỏ. Khi phong trào cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam phát triển, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã học tập và vận dụng sáng tạo về cách tổ chức, hoạt động, xây dựng Công hội Đỏ cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của cách mạng Việt Nam và Người đã thành công. 
Năm 1929, khi phong trào cách mạng Việt Nam phát triển mạnh, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn hoạt động ở nước ngoài. Người vẫn luôn theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Thông qua những Thanh niên ưu tú trong tổ chức Hội Thanh niên cách mạng được Người trực tiếp đào tạo tại Quảng Châu Trung Quốc, được phải về nước hoạt động. Những tài liệu cách mạng quan trọng do Nguyễn Ái Quốc viết như “Báo Thanh niên” (1925) ; Sách: “Đường cách mệnh” (1927) đã theo con đường bí mật chuyển về trong nước tuyên truyền. Đội ngũ trí thức yêu nước và những công nhân tích cực được tổ chức cách mạng trong nước cử ra nước ngoài tham dự các khóa học chính trị do Nguyễn Ái Quốc giảng dạy như: Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Võ Mai, Nguyễn Sỹ Sách, Hà Huy Tập v.v, khi trở về họ đã thực hiện cuộc tuyên truyền, vận động bằng con đường “ Vô sản hóa ” để thâm nhập vào giai cấp công nhân trong các nhà máy, hầm mỏ và đồn điền.
Khi ánh sáng của Chủ nghĩa Mác- Lênin và cách mạng tháng Mười Nga (1917), đã được chiếu dọi vào giai cấp công nhân Việt Nam, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thấy đã đến lúc phải xây dựng và tập hợp lực lượng của giai cấp công nhân Việt Nam thành đội ngũ có tổ chức. Đó là tổ chức Công hội Đỏ, một lực lượng tiên phong, luôn đi đầu trong cuộc cách mạng vô sản. Để giúp những người làm công tác tuyên truyền dễ nhớ, dễ hiểu về sự cần thiết của việc thành lập tổ chức Công hội Đỏ, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra một định nghĩa về tổ chức Công hội thật đơn giản và dễ hiểu. Theo Người, muốn cho những người công nhân trong các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền dễ hiểu khi được nghe tuyên truyền vận động, để họ tự nguyện gia nhập vào tổ chức được gọi là Công hội. Nguyễn Ái Quốc đã tự đặt ra những câu hỏi đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu rồi lại tự mình đưa ra các câu trả lời như sau :
* “ Hỏi: Tổ chức Công hội là gì ? 
- 1) Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có tình cảm.
- hai là để nghiên cứu với nhau.
- Ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ.
- Bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân .
- Năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới….”
Sau định nghĩa về Công hội, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra cách tổ chức, xây dựng và phương pháp hoạt động. Người tiếp tục đặt ra câu hỏi và lại có luôn câu trả lời như sau : “ Muốn Hội vững bền thì phải tránh những việc gì ?
- Nên bỏ giới hạn xứ sở…. ( không phân biệt Trung kỳ, Nam kỳ hay Bắc kỳ). Đã một nghề, một Hội tức là anh em cả. Phải xem nhau như người một nhà.
- Đàn ông, đàn bà đều phải bình đẳng.
- Chớ có bỉ thử mình khéo hơn, lương cao hơn, mà khinh người vụng về ăn tiêu ít. 
- Chớ cậy mình nhiều tuổi mà muốn làm đàn anh.
- Chớ cho bọn Tư bản vào Hội.”.
Sau khi hướng dẫn cách tổ chức, những điều cần thiết trong quá trình tổ chức và xây dựng, phát triển lực lượng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lại chỉ dẫn sự cần thiết phải thành lập ra các Tiểu tổ Công hội. Người đã hướng dẫn về những nhiệm vụ của Tiểu tổ phải làm là: Tiểu tổ làm những việc gì ? Và Người lại trả lời câu hỏi về sự cần thiết xây dựng Tiểu tổ vì : “ Cây có nhiều rễ mới vững, Hội có nhiều Tiểu tổ mới bền…. ” 
Để cho tổ chức Công hội ngày càng phát triển mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra phương pháp hoạt động và những công việc của Tiểu tổ cần phải làm, đó là : 
- “Huấn luyện và phê bình anh em.
- Thi hành những việc mà Hội đã định.
- Bàn bạc việc Hội.
- Điều tra tình hình trong lò máy.
- Đề nghị những việc Hội nên làm.
- Thu Hội phí.
- Báo cáo những việc làm cho Chi bộ, Báo cáo cho Tỉnh bộ…” 
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập Công Hội, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đề ra những công việc cần thiết trong quá trình tổ chức và hoạt động không thể thiếu. Đó là việc đóng góp Hội phí của mỗi thành viên khi họ đã tự nguyện tham gia vào tổ chức Công hội. Để mọi người dễ hiểu và tự nguyện đóng góp hội phí khi đã tham gia vào tổ chức Công hội, Nguyễn Ái Quốc đã giải thích và cắt nghĩa vì sao khi vào Hội, các hội viên lại phải đóng hội phí ? và hội phí đó để làm những việc gì ? Và Người đã giải đáp: “Sao Hội viên phải nộp Hội phí ? Có hội phí thì mới có phí trả như thuê nhà, bút, mực v.v . Ấy là thường phí hội viên phải gánh, lại có bất thường phí như để giành phòng lúc bãi công hoặc giúp đỡ những Hội khác bãi công hoặc giúp đỡ những người trong Hội mất việc làm hoặc làm các công việc ích … Nếu hội không tiền thì làm không được, cho nên hội viên phải “ Góp gió làm bão ”(1). 
Trong lịch sử của các cuộc đấu tranh, đình công, bãi công của giai cấp công nhân Việt Nam, ở các mỏ than Hà Tu, Hà Lầm, Hòn Gai, Cẩm Phả, đến phong trào công nhân đóng tàu xưởng Ba Son, Đồn điền Phú Riềng, Nhà máy dệt Nam Định. Ở Nghệ An có công nhân trong các nhà máy Diêm, Trường Thi, Xe lửa, nhà máy Điện, Đề - pô Vinh v.v, dưới thời thuộc Pháp, đã chứng minh cho những lời dạy của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn đúng đắn. Nhờ có tiền quyên góp vào quỹ của Công hội Đỏ mà khi một địa điểm đấu tranh, biểu tình hay đình công kéo dài thì tổ chức Công hội Đỏ lại lấy tiền quỹ để ủng hộ công nhân những nơi đang diễn ra các cuộc đấu tranh, bắt bọn chủ nhà máy hay đồn điền phải thực hiện các yêu sách của công nhân đề ra. Có những cuộc đấu tranh kéo dài, nhờ có sự lãnh đạo của Tổng Công hội Việt Nam ra lời kêu gọi và tổ chức quyên góp trong cả nước mà công nhân tỉnh này kịp thời chia sẻ, nhường cơm sẻ áo gửi đến những nơi đang có đấu tranh. Nhờ tinh thần tương thân, tương ái đó của tổ chức Công hội Đỏ mà các cuộc đấu tranh trong cả nước vẫn được kéo dài cho đến ngày thắng lợi. Bắt bọn chủ nhà máy, đồn điền phải thực hiện các yêu sách do đoàn biểu tình đề ra thì công nhân mới chịu đi làm. 
Lịch sử cách mạng Việt Nam đã ghi nhận: Từ năm 1927 trở đi, dưới sự lãnh đạo của Đảng Tân Việt và Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam ngày càng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, từ tự phát lên tự giác. Ngày 17- 6- 1929, Đông Dương Cộng sản đảng ở Bắc kỳ được thành lập ở Hà nội và trực tiếp lãnh đạo. Các đồng chí cốt cán đã phân công nhau đi vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để thực hiện cuộc cách mạng“ Vô sản hóa”. Dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản đảng, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân khắp nơi phát triển mạnh. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân kéo theo sự ủng hộ và kết hợp với phong trào đấu tranh của nông dân các địa phương. Ở Nghệ An, các cuộc đấu tranh giữa phe hộ và phe hào liên tiếp diễn ra khắp các huyện. Để có một tổ chức cách mạng tiên phong, hoạt động chính quy, theo lời dạy của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 28-7-1929, Đông Dương Cộng sản đảng đã thành lập tổ chức Công hội Đỏ Xứ Bắc kỳ. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên Ban chấp hành Đông dương Cộng sản đảng, quê ở Thái Bình, được cử làm Tổng Công hội Đỏ. 
Sau khi Công hội Đỏ ra đời, để phát triển lực lượng cách mạng và tổ chức Công hội Đỏ ở các địa phương Trung kỳ và Nam kỳ, Đông dương Cộng sản đảng đã cử hai đồng chí: Nguyễn Phong Sắc, Ủy viên Ban chấp hành Đông dương Cộng sản đảng, quê ở làng Bạch Mai Hà nội và Trần Văn Cung, Bí thư Ban chấp hành Đông dương Cộng sản đảng (quê ở xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc) vào thị xã Vinh hoạt động. Tại Vinh, cùng đồng chí Võ Mai quê ở phủ Diễn Châu đã thành lập ra Xứ ủy Đông dương Cộng sản đảng Trung kỳ. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử làm Bí thư Xứ ủy. 
Vinh Bến Thủy từ những năm đầu thế kỷ 20 đã trở thành trung tâm phát triển của phía Bắc Trung kỳ. Đặc biệt trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1914- 1918), để hàn gắn những tổn thất kinh tế do chiến tranh thế giới lần thứ nhất gây ra. Thực dân Pháp đã ra sức cướp đất để lập ra các nhà máy, cảng, đồn điền, sân bay. Bị mất ruộng đất, nông dân Nghệ - Tĩnh trở thành người làm thuê trong các nhà máy ở Vinh Bến Thủy và các đồn điền, hình thành giai cấp công nhân làm thuê. Đội ngũ những người công nhân làm thuê luôn xung đột và mâu thuẫn quyền lợi với bọn chủ bóc lột.
Tại thị xã Vinh, từ năm 1925, dưới ánh sáng của tờ Báo Thanh niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập từ nước ngoài chuyển về để tuyên truyền. Cùng với sự ra đời và hoạt động của tổ chức Hội Phục Việt ở Vinh Bến Thủy (14-7-1925). Những công nhân tích cực trong các nhà máy như Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Công Sửu, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc, Hoàng Trọng Trì, Lê Doãn Sửu, Trần Cảnh Bình, Ngô Minh Loan, Phạm Châu, Nguyễn Thị Vi Nình, Nguyễn Thị Bảy v.v, đã tham gia vào Hội Phục Việt, đến 1927 là Đảng Tân Việt. Từ năm 1927 đến 1929, Những tài liệu cách mạng vô sản của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc như “ Báo Thanh niên”, cuốn sách “đường cách mệnh”, thông qua công tác tuyên truyền, vận động “ vô sản hóa”, những người công nhân ưu tú đã trở thành những hạt nhân lãnh đạo của giai cấp công nhân, phong trào đấu tranh trong các nhà máy, đồn điền phát triển mạnh. 
Dưới sự lãnh đạo của Đông dương Cộng sản đảng, phong trào đấu tranh của công nhân đã liên kết với giai cấp nông dân ở các huyện. Sau thời gian đi “vô sản hóa” trong các nhà máy khu vực Vinh Bến Thủy, (nhà máy Diêm, nhà máy Cưa, nhà máy xe lửa Trường Thi, nhà máy điện v.v), thời cơ ra đời của tổ chức Công hội Đỏ Nghệ An đã chín mùi. Tháng 11-1929, một cuộc hội nghị thành phần gồm những công nhân ưu tú trong các nhà máyVinh Bến Thủy và đồn điền, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, thành lập ra Công hội Đỏ Nghệ An. Hội nghị đã thông qua chương trình, điều lệ và bầu ra một Ban chấp hành Tổng Công hội. Đồng chí Nguyễn Công Sửu (bí danh là Cát Sửu), công nhân nhà máy Trường Thi được bầu làm Tổng Công hội Đỏ Nghệ An đầu tiên.
Sau khi thành lập, Công hội Đỏ Nghệ An đã cho rải truyền đơn kêu gọi với nội dung: “Hỡi anh chị em thợ thuyền áo xanh, áo nâu, đàn bà, trẻ em hãy tổ chức nhau vào Công hội theo Đảng cộng sản Đông Dương là Đảng của anh chị em chỉ đường, đòi cho được:
- Tăng tiền lương cho thợ áo xanh, thợ khách ít nhất là 2 đồng một ngày, thợ áo nâu ít nhất là 1 đồng một ngày, thợ trẻ em ít nhất là 5 hào một ngày.
- Ăn lương tháng, nghỉ chủ nhật.
- Mỗi ngày làm việc 8 giờ.
- Đàn bà nghỉ đẻ 3 tháng có lương.
- Tự do tổ chức Công hội, tự do bãi công, tự do tuần hành”(2).
Sau khi tổ chức Công hội Đỏ Nghệ An ra đời, những công nhân cốt cán trong các nhà máy đã gia nhập Công hội Đỏ như: Nguyễn Công Sửu, Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi, Lê Doãn Sửu, Hoàng Trọng Trì, Trần Cảnh Bình, Phạm Châu v.v, được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động anh chị em công nhân gia nhập Công hội để phát triển các tiểu tổ Công hội Đỏ trong các nhà máy.
Nhận dịp kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga lần thứ 12 (7/11/1917- 7/11/1929), Xứ ủy Trung kỳ đã phát động cuộc mít tinh, biểu tình liên kết giữa giai cấp công nhân và nông dân trong toàn tỉnh với các hình thức: Treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn ủng hộ cách mạng tháng Mười Nga v.v. Truyền đơn đấu tranh kêu gọi có nội dung:
“Công - nông- binh đoàn kết theo gương cách mạng tháng Mười Nga. ! Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, Đánh đổ Nam triều phong kiến chế độ, lập Chính Phủ Xô viết công - nông - binh! Giao lò máy cho thợ thuyền, giao ruộng đất cho dân cày ! Thực hành chuyên chính vô sản và chủ nghĩa cộng sản!”(3).
Sau khi Công hội Đỏ Nghệ An được thành lập, cuối tháng 11-1929, tại Hiệu Yên Xuân, phủ Anh Sơn, dưới sự lãnh đạo của Đông dương Cộng sản Đảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã chủ trì cuộc hội nghị thành lập tổ chức Nông hội Đỏ Nghệ An. Đồng chí Phan Thái Ất quê ở phủ Anh Sơn được bầu làm Tổng Nông hội Đỏ.
Một đặc điểm thuận lợi cho Công hội Đỏ Nghệ An hoạt động và liên kết chặt chẽ với giai cấp nông dân. Đó là công nhân và nông dân Nghệ An có cùng kẻ thù chung. Quyền lợi, cuộc sống của họ gắn bó với nhau trong cộng đồng từ gia đình đến làng xóm. Trong một gia đình có đủ các thành phần: công nhân, nông dân và trí thức (cha là công nhân trong nhà máy, mẹ là nông dân lao động sản xuất trên đồng ruộng hoặc buôn thúng bán mẹt ở chợ Vinh, con là học sinh ở trường Cao Xuân Dục ). Bởi vậy rất thuận lợi cho Công hội Đỏ tuyên truyền và phát động các cuộc đấu tranh. 
Vừa ra đời chưa đầy 3 tháng, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5-1930, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung kỳ, Đảng bộ Nghệ An đã phát động một cuộc đấu tranh rầm rộ. Vào đêm 30-4-1930, Công hội Đỏ thị xã Vinh cùng nông dân các làng lân cận, Nghi Lộc, Hưng Nguyên đã tổ chức mít tinh, treo cờ đỏ búa liềm trên các cây cao, đình làng. Rạng sáng 1-5-1930, một cuộc đấu tranh với quy mô hàng ngàn người tham gia gồm công nhân, nông dân diễn ra tại thị xã Vinh. Kẻ thù dã man đã nổ súng bắn xả vào đoàn biểu tình. Để cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng công nông, đồng chí Trần Cảnh Bình và Nguyễn Đôn Nhoãn đã trèo lên cột đèn tại ngã ba Bến Thủy, vẫy cờ và hô khẩu hiệu kêu gọi đoàn biểu tình tiếp tục tiến lên. Kẻ thù đã bắn các anh, những người công nhân lãnh đạo trong tổ chức Công hội Đỏ ưu tú trên quê hương thị xã Vinh đã ngã xuống từ trận đầu. Máu của những chiến sỹ Công hội Đỏ đã đổ, tô thắm lá cờ đỏ của Đảng cộng sản từ ngày đầu dựng Đảng.(4) Báo Người Lao khổ, cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Trung kỳ đã đưa tin:“ Lần đầu tiên trong cuộc đấu tranh cách mạng, công- nông đã bắt tay nhau giữa trận tiền tranh đấu”. 
Từ những ngày mới thành lập (1929), Công hội Đỏ Nghệ An đã góp phần to lớn trong phong trào cách mạng do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930- 1931), Giai cấp công nhân Nghệ An đã đoàn kết chặt chẽ với giai cấp nông dân dương cao ngọn cờ búa liềm, viết nên bản Anh hùng ca bất diệt 
 “ … Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước…” .
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, (chống Pháp, chống Mỹ và bọn bành trướng xâm lược phương Bắc), giai cấp công nhân Nghệ An có quyền tự hào rằng: Họ đã làm theo lời dạy của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng và phát triển tổ chức Công hội Đỏ vững mạnh. Công đoàn Nghệ An đã góp phần làm rạng danh truyền thống đấu tranh và xây dựng quê hương Nghệ An, thành một tỉnh giàu mạnh như lời Bác Hồ đã dặn dò và mong muôn trước lúc Người đi xa.
Với ý nghĩa đó, nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công hội Đỏ, bài viết này coi như nén hương tri ân những chiến sỹ cách mạng hoạt động trong tổ chức Công hội Đỏ thời kỳ tiền bối. Họ đã anh dũng hy sinh cho sự phát triển và trường tồn của giai cấp công nhân. Trong thời điểm Đảng bộ và toàn dân ta đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mong rằng bài viết này sẽ góp một phần nhỏ tư liệu về Bác Hồ, để chúng ta thêm vững niềm tin: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn…” trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN mà Người đã chọn ./.
 
Chú thích 
1). Trích: Hồ Chí Minh Toàn tập, T 2. (1924- 1930), XB lần thứ 2. ST. Nxb CTQG Hà Nội (ở các Tr 302, 304, 305, 306, 307). 
2). Truyền đơn kêu gọi đấu tranh của Công hội Đỏ Nghệ An đã được Báo Búa liềm, cơ quan Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng đăng, số ra ngày 10-12- 1929.
3). Lịch sử Đảng bộ Nghệ An, Tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 1998, Tr. 49 
4). Đ/c Trần Cảnh Bình được vinh danh trong đội ngũ những người Cộng sản Nghệ An tiêu biểu 
 

 

CÙNG CHUYÊN MỤC