Chính sách vừa đánh vừa đàm của Hồ Chủ tịch trong hai cuộc kháng chiến
Hồ Sĩ Hùy
17/5/2023
Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa truyền thống nhân ái của dân tộc, coi con người là vốn quý nhất. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Người ta là hoa của đất”. Lòng nhân ái của Người dành cho tất cả mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt đối với những người bất hạnh nhất, bị áp bức nhiều nhất ở nước ta và ở tất cả mọi nước trên thế giới: Quan sơn muôn dặm một nhà Bốn phương vô sản đều là anh em
1. Từ truyền thống ưa chuộng hòa bình và nhân ái của dân tộc…
Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa truyền thống nhân ái của dân tộc, coi con người là vốn quý nhất. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Người ta là hoa của đất”. Lòng nhân ái của Người dành cho tất cả mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt đối với những người bất hạnh nhất, bị áp bức nhiều nhất ở nước ta và ở tất cả mọi nước trên thế giới:
Quan sơn muôn dặm một nhà
Bốn phương vô sản đều là anh em
Đối với những người lầm đường, lạc lối; đối với tù binh, hàng binh; thậm chí đối với kẻ thù bao giờ Người cũng đối xử rất nhân đạo. Tấm lòng của Người rộng như biển cả nên ngỡ như bao nhiêu nước cũng chứa được!
Cha ông ta xưa cũng từng có những đối xử khoan hồng đối với tù binh, hàng binh. Thời Trần, sau chiến thắng quân Nguyên các vua Trần đã thả hàng vạn tù binh về nước. Đại Việt sử ký toàn thư (từ đây gọi tắt là Toàn thư) chép: “Hưng Trí Vương không được thăng trật, vì đã có chiếu cho người Nguyên về nước, các tướng không được cản trở, mà lại còn đón đánh chúng”(1).
Cũng có trường hợp khó xử. Theo Toàn thư: “Mùa xuân, tháng 2 (1289) sai Nội thư gia Hoàng Tá Thốn đưa bọn Ô Mã Nhi về nước, dùng kế của Hưng Đạo Vương, lấy người giỏi bơi lặn, sung làm phu thuyền, ban đêm dùi thuyền cho đắm, bọn Ô Mã Nhi đều chết đuối cả”. Ô Mã Nhi và đồng bọn hết sức tàn bạo với dân chúng nên tướng sĩ ta vô cùng căm phẫn. Hưng Đạo Vương cực chẳng đã mới hiến kế ấy. Hậu quả của việc trên là khi Lê Lợi dụ hàng bọn Vương Thông, Vương Thông đã định nghe theo, nhưng bọn ngụy quan dẫn việc Hưng Đạo dùi thuyền giết tù binh, khiến y ngoan cố chống cự mãi. Sử thần Ngô Sĩ Liên đã kịch liệt phê phán: “Chữ tín là vật báu của nước, mà làm cho người khác phục mình sâu sắc thì đó là gốc của vương chính. Hưng Đạo Vương dùng bá thuật, muốn được thành công trong một thời mà không biết làm như thế là đã thất tín với muôn đời. Đã nói là đưa về nước lại dùng mưu kế để giết đi, thì thực quỷ quyệt quá lắm…”(2).
Sau khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi đã có cách đối xử khác hẳn. Toàn thư chép: “Bấy giờ các tướng sĩ và người nước ta rất căm thù quân Minh, đã giết hại cha con, thân thích họ, liền rủ nhau tới khuyên vua giết bọn chúng đi, Vua dụ rằng: “Trả thù báo oán đó là thường tình của mọi người, không thích giết người đó là bản tâm của bậc nhân đức. Vả người ta đã hàng mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì sao bằng tha mạng sống cho ức vạn người để dập tắt mối chiến tranh cho hậu thế, khiến sử xanh ghi chép, tiếng thơm muôn đời, như thế chẳng là lớn lao sao?”(3).
Gs Đào Duy Anh có nhận xét rất đúng về một trong những đặc trưng cơ bản của văn hóa truyền thống Việt Nam là: “Sự sinh hoạt bằng nông nghiệp đã gây cho dân tộc ta cái tính ưa chuộng hòa bình, chỉ muốn an cư lạc nghiệp chứ không muốn cạnh tranh với ai. Những cuộc đánh nhau với người Tàu ở trong lịch sử, những chiến công lừng lẫy của lịch triều, chẳng qua là tình thế khiến phải ra sức tự vệ, chứ không phải là do lòng thượng võ của quốc dân gây ra… Xem việc dụng võ là bất thường và việc canh nông là cốt yếu, không như các nước Âu châu khi nào cũng cường binh độc võ mà chỉ toàn xâu xé nhau. Sau hết, một điều nữa chứng rằng dân ta vốn trọng hòa bình chủ nghĩa là xã hội rất khinh quân nhân mà chỉ quý văn sĩ”(4). Ca dao cổ cũng nói chuyện trọng văn khinh võ: Quan văn thất phẩm đã sang/ Quan võ thất phẩm còn mang đai cờ. Chiến tranh, dù đó là chiến tranh vệ quốc thời Trần, hay chiến tranh giải phóng dân tộc thời Lê Lợi thì vẫn mang tính hủy diệt và làm cho cuộc sống trở nên không bình thường. Kẻ thù dân tộc ta dù đó là quân Tống, quân Nguyên hay quân Minh, quân Thanh thì đều lớn hơn ta gấp bội. Chúng ta kiên quyết đập tan ý đồ xâm lược của chúng nhưng luôn biết ứng xử mềm dẻo, nhân nhượng, cúi mình với nước lớn để giữ độc lập và đối xử nhân đạo khi chúng thua trận. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”.
Thời Trần chúng ta 3 lần thắng giặc Nguyên Mông bằng võ công hiển hách thì ai cũng thấy được. Nhưng khởi nghĩa Lam Sơn chúng ta thắng quân Minh bằng chính nghĩa, bằng “những lẽ phải không ai chối cãi được” và buộc kẻ thù cũng phải thừa nhận thì ít người nhận thức đầy đủ ý nghĩa thắng lợi vĩ đại này. Chính Lê Lợi - Nguyễn Trãi đánh đuổi quân Minh dựa trên nền tảng nhân nghĩa, nền tảng của đạo lý mà bất cứ người Trung Hoa nào cũng phải chấp nhận. Đây là bức thư trả lời Phương Chính Nguyễn Trãi viết thay Lê Lợi: “Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu. Chỉ nhân nghĩa có gồm đủ thì công việc mới xong xuôi. Nước mày nhân dịp họ Hồ lỗi đạo, mượn tiếng điếu dân phạt tội, kỳ thực làm việc bạo tàn, lấn cướp đất nước ta, bóc lột nhân dân ta, thuế nặng hình phiền, vơ vét của quý, dân mọn, xóm làng không được sống yên. Nhân nghĩa mà lại thế ư?(5). Chính lối “tâm công” (đánh vào lòng người) như thế có sức mạnh lớn làm tan rã ý chí kẻ thù. Lê Lợi - Nguyễn Trãi đã thực hành cực kỳ nghiêm chỉnh chữ tín Việt Nam. Bức thư dụ thành Tam Giang nói: “ … vệ quân ở các xứ Diễn, Nghệ, Thuận Hóa, Tân Bình, Thanh Hóa, Tiền Vệ, Thị Cầu, Xương Giang, Trấn Giang đều đã mở thành ra hàng. Nay thấy dưới cây bồ đề, Thái đô đốc đã định nhật kỳ kéo quân về Kinh. Phàm quan quân cùng vợ con tài sản không bị xâm phạm mảy may”(6) (Thái đô đốc ở đây là Thái Phúc, một viên tướng Minh đóng giữ thành Nghệ An đã mở cửa thành đầu hàng và vâng theo chính nghĩa đi dụ hàng nhiều nơi quân Minh đóng quân rồi khảng khái về nước để chết theo chính nghĩa - HSH chú). Chính đường lối dùng nhân nghĩa đối với kẻ địch đã đầu hàng là một sức mạnh đáng sợ, đúng như nhận xét của Gs Phan Ngọc: “Nó chặn đứng cuộc chiến tranh lại, bắt nhà Minh phải chấp nhận nước Đại Việt độc lập không có cách nào đem quân đánh lại nữa. Và nó đã làm cho Trung Quốc sợ hơn cả cọc nhọn Bạch Đằng. Nó đã đảm bảo cho nước ta có được thời gian hòa bình với Trung Quốc dài nhất trong lịch sử, vì phải 362 năm sau mới thấy quân Thanh lấp ló ở đồng bằng Bắc Bộ”(7).
.jpg)
Hiệp định Paris 1973 - Đỉnh cao nghệ thuật vừa đánh, vừa đàm của ta
2. Đến chính sách vừa đánh vừa đàm của Hồ Chủ Tịch...
Cũng như Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh đấu tranh với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bao giờ cũng xuất phát từ lẽ phải, từ chính nghĩa bằng việc quy vào các giá trị văn hóa tốt đẹp, đấu tranh vũ trang là việc bất đắc dĩ. Cuối năm 1925, Người đã xuất bản tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp tại Paris tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp đối với dân tộc Việt Nam và đối với các thuộc địa khác của chúng. Trong Tuyên ngôn độc lập Người đã trích dẫn Tuyên ngôn nhân quyền &dân quyền năm 1791 của cách mạng Pháp khẳng định quyền tự do và bình đẳng về quyền lợi của mọi người. Người chọn câu nói bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ về quyền con người làm câu mở đầu Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do & quyền mưu cầu hạnh phúc…”. Từ đó dẫn đến những dòng ánh sáng trở thành nguyên lý cho mọi cuộc đàm phán về sau của nước Việt Nam: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều bình đẳng. Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Người luôn luôn kính trọng nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ. Người kêu gọi giai cấp công nhân và nhân dân lao động Pháp, Mỹ tố cáo chủ nghĩa thực dân và góp phần vào sự nghiệp giải phóng nhân dân các thuộc địa.
Tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp nhưng Hồ Chí Minh luôn luôn yêu mến đề cao văn hóa Pháp, luôn luôn khẳng định người Việt và người Pháp cùng tin tưởng vào lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, độc lập. Hồ Chí Minh cũng luôn luôn nhắc nhở nhân dân ta phân biệt rõ ràng đế quốc Mỹ là kẻ thù, còn nhân dân Mỹ là người bạn của nhân dân Việt Nam. Trong các bức thư gửi nhân dân Mỹ, Hồ Chí Minh luôn bày tỏ rằng Người không lên án bản thân những người lính Mỹ bị đưa sang Việt Nam, bởi họ cũng như binh lính thuộc địa trước đây chẳng qua là công cụ của nhà cầm quyền. Người nói: “Chẳng những chúng ta đau xót vì đồng bào miền Nam phải gian khổ hy sinh, mà chúng ta cũng thương xót cho các bà mẹ và các người vợ Mỹ mất con, mất chồng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở miền Nam Việt Nam do quân phiệt Mỹ tiến hành”(8).
Trong kháng chiến chống Pháp, khi phải chọn giữa hòa bình và bạo lực bao giờ Hồ Chí Minh cũng chọn giải pháp hòa bình, cho dù phải nhân nhượng, thỏa hiệp. Hiệp định Sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9/1946 chính là sự nhân nhượng và thỏa hiệp đó! Phân tích, đánh giá chủ trương này, Người nói: “Chúng ta cần hòa bình để xây dựng nước nhà, cho nên chúng ta đã ép mình mà nhân nhượng để giữ hòa bình. Dù thực dân Pháp đã bội ước, đã gây chiến tranh, nhưng gần một năm tạm hòa bình đã cho chúng ta thời giờ để xây dựng lực lượng căn bản. Khi Pháp đã có ý gây chiến tranh, chúng ta không thể nhịn nữa thì cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu”(9).
Hồ Chí Minh khẳng định nguyên lý chiến tranh là bất đắc dĩ. Người Việt Nam chỉ muốn hòa bình. Vì hòa bình cho nên có những nhân nhượng nhất định về kinh tế, văn hóa. Vì yêu hòa bình và khẳng định tính chất văn hóa của cuộc chiến tranh, Việt Nam sẵn sàng tranh thủ mọi cơ hội đàm phán với đối phương trên cơ sở văn hóa chân chính của đối phương, bắt đối phương phải từ bỏ chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đé quốc mà trở về với văn hóa chân chính của mình, rút quân, chấp nhận Việt Nam độc lập. Trước đây Lê Lợi - Nguyễn Trãi đàm phán với quân Minh trên cơ sở truyền thống nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, truyền thống sử dụng văn để lôi cuốn các dân tộc ngoài địa bàn Trung Quốc. Hồ Chí Minh đàm phán trên cơ sở tự do, bình đẳng, bác ái của Pháp; trên cơ sở quyền tự quyết định của dân tộc mà hiến pháp Mỹ thừa nhận!
Chính trên cơ sở tiến hành chiến tranh chính nghĩa nên Người luôn luôn đối xử nhân đạo đối với tù binh. Nhân lễ Giáng sinh, ngày 24/12/1946 Người gửi thư cho tù binh Pháp: “Các bạn, tôi rất lấy làm phiền lòng vì thấy các người đang ở trong tình trạng như thế này. Tôi coi các người là bạn của tôi. Tôi biết rằng đó không phải là bởi các bạn, nhưng các bạn cũng như chúng tôi đều là nạn nhân của bọn thực dân Pháp. Bọn này vì quyền lợi ích kỷ riêng của họ chỉ muốn đi chinh phục nước người khác. Tôi mong một ngày gần đây hai dân tộc Việt Pháp có thể cùng cộng tác trong vòng hòa bình và thân ái để mưu cầu hạnh phúc chung cho hai dân tộc”.
Ngày 30/3/1953 Hồ Chủ tịch ký quyết định thả 200 tù binh Bắc Phi bị ta bắt trên các chiến trường.
Người luôn luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ ta đánh bại, đánh sập ý chí xâm lược của kẻ địch chứ không phải là đánh tiêu diệt hoàn toàn chúng trên chiến trường và nên theo truyền thống tổ tiên: “Đánh vào lòng người là hơn hết, đánh vào thành trì là thứ 2”. Người kêu gọi cán bộ chiến sĩ ta phải nêu cao lý tưởng nhân đạo, chính nghĩa, phải đối xử khoan hồng đối với họ để cho thế giới biết rằng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn hẳn bọn đi giết người, cướp nước. Người chỉ thị cho bộ tài chính của ta cấp cho mỗi người lính hay thường dân Pháp bị bắt 200đ/1 tháng trong khi mức ăn của bộ đội ta chỉ có 150đ/1 tháng với lý do ta có thể chịu kham khổ được, nhưng đối với họ cần phải rộng rãi hơn. Sau Hiệp định Giơnevơ ta đã trao trả cho Pháp 6800 tù binh Âu - Phi và 2360 tù binh thuộc quốc tịch Việt Nam. Chính sách khoan hồng của ta đã làm cho cuộc vận động binh lính địch thu được kết quả to lớn. Trên 60% binh lính ngụy đã bỏ trốn về với nhân dân(10).
Hơn thế nữa, chính sách khoan hồng của Đảng và Chính phủ ta đứng đầu là Hồ Chủ Tịch đối với tù binh khiến cho những người lính khi bị đẩy vào cuộc chiến tranh xâm lược cảm thấy ân hận khi họ phải bắn giết những người nhân cách cao hơn họ, chiến đấu cho lý tưởng mà chính họ cũng sẽ theo nếu họ ở vào địa vị người Việt Nam. Đây là lời một sĩ quan tù binh Pháp bị bắt ở Đông Khê: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc của Cụ đã xem chúng tôi chỉ là những công cụ mù quáng, những quân nhân bị lừa phỉnh bởi những luận điệu tuyên truyền dối trá. Sự giam giữ này không phải là sự trừng phạt mà là cơ hội cho những tù binh biến cải thành những chiến sĩ hòa bình”(11). Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc mạnh mẽ ở Angiêri, Ănggôla, Rôdêdi… chính là tiếp theo tấm gương Việt Nam. Chính những người lính theo quân Pháp đánh Việt Nam là những người chống thực dân hăng hái nhất. Trong kháng chiến chống Mỹ: “Mặt trận thống nhất phản đế đã hình thành giữa nhân dân Việt Nam & nhân dân Mỹ… Nhân dân Mỹ đánh từ trong ra, nhân dân ta đánh từ ngoài vào. Hai bên phản công mạnh mẽ thì đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua…”(12).
.jpg)
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày 27-1-1973
Chính sách Hồ Chí Minh chính là cơ sở cốt lõi chỉ đạo đường lối Đảng và Chính phủ ta đấu tranh trên mặt trận ngoại giao trong Hội nghị Giơnevơ năm 1954 và Hội nghị Pari 1968 - 1973. Hai Hội nghị trên đều diễn ra trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp. Ngày Hồ Chủ tịch vĩnh biệt chúng ta, Hiệp định Paris chưa được ký kết nhưng “đế quốc Mỹ thua đã rõ ràng” như lời tiên tri của Người trong Di chúc: “Nước ta sẽ có vinh dự là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”. Đành rằng chúng ta chỉ có thể giành được thắng lợi trên bàn Hội nghị cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Không có trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ (từ 13-3 đến 7-5-1954) sẽ không có thắng lợi ở Hội nghị Giơnevơ. Không có cuộc tổng tấn công Xuân - Hè 1972 và trận Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972 sẽ không có thắng lợi ở Hội nghị Paris. Nhưng phải nhờ lập trường hòa bình, chính nghĩa thể hiện sáng tỏ và nhất quán trong suốt quá trình đàm phán mà ý nghĩa chiến thắng của ta mới được nhân lên gấp bội! Nhờ vậy, Việt Nam đã giành được sự ủng hộ không phải chỉ của Đảng Cộng sản Pháp, Đảng Cộng sản Mỹ mà cả nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ và cả nhân loại tiến bộ.Vô số những người tham dự các đạo quân viễn chinh đã trở thành các chiến sĩ tiên phong trong cao trào rộng lớn chống chủ nghĩa đế quốc trong thế kỷ XX.
Chính sách vừa đánh vừa đàm của Hồ Chí Minh và đường lối ngọai giao của Người nói chung mãi mãi là bài học vô giá đối với Đảng và Chính phủ ta, nhất là trong tình hình biển Đông hiện nay & còn có ý nghĩa quốc tế không nhỏ, nhất là trong bối cảnh xung đột lãnh thổ, sắc tộc, tôn giáo, đảng phái… đang diễn ra gay gắt nhiều nơi trên thế giới hiện nay.
Chú thích
(1),(2),(3). Ngô Sĩ Liên và Qsq triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T2, Nxb Văn hóa Thông tin. H.2003,các tr.95, 94, 439.
(4). Đào Duy Anh: Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn học.H.2010,tr.329,330.
(5), (6). Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học Xã hội.H.1969, các tr.94,114.
(7). Phan Ngọc: Một cách tiếp cận văn hóa, Nxb Thanh niên. H.2000, tr.179.
(8). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6. Nxb Chính trị Quốc gia.H.1995,tr.162.
(9),(12). Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia. H.1996, T12, tr.271; T10, tr.194-196.
(10). Lê Mậu Hãn (cb): Đại cương lịch sử Việt Nam, T3, Nxb Giáo dục. 1997, tr.137
(11). Theo Hữu Ngọc trên báo Le Courrie du VietNam, số 1857, ra ngày 27/2/2000.