Khảo sát nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo thực hiện các mô hình sinh kế nhằm thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Nguyễn Thị Minh Tú - Nguyễn Thị Hiền
5/5/2023

Năm 2022, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An tổ chức điều tra đánh giá thực trạng sinh kế và hiệu quả của các hoạt động sinh kế của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu là nắm bắt nhu cầu sinh kế của hộ nghèo, cận nghèo trong xây dựng các mô hình sinh kế, từ đó cung cấp thông tin các cấp, các ngành có thêm cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan và đề ra những giải pháp phù hợp trong việc thực hiện các mô hình sinh kế nhằm thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Nhiệm vụ tiến hành điều tra, khảo sát và phỏng vấn 2 nhóm đối tượng là người dân (1.440 hộ nghèo, hộ cận nghèo) và cán bộ quản lý (phỏng vấn sâu 50 cuộc là cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) trên địa bàn 48 xã/12 huyện đại diện cho khu vực, vùng miền có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất (Đồng bằng, ven biển: 5 huyện - Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc. Khu vực trung du, miền núi: 7 huyện - Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Quỳ Hợp, Thanh Chương).


1. Thông tin chung các hộ tham gia khảo sát
Trong 1.440 hộ tham gia cuộc khảo sát, có 60% hộ nghèo và 40% hộ cận nghèo. Trong đó, có 388 hộ có thành viên trong gia đình thuộc đối tượng Bảo trợ xã hội (chiếm 27,0% số hộ).
Đặc điểm của chủ hộ: có 44,4% hộ có chủ hộ là nữ và 55,6% hộ có chủ hộ là nam. Về dân tộc: có 48,8% là người Kinh, 44,4% là người Thái và 6,8% còn lại là người Thổ, Khơ Mú, Đan Lai. Về độ tuổi: từ 15 - 30 tuổi chiếm 9,6%, từ 31- 40 tuổi chiếm 29,3%, từ 41- 50 tuổi chiếm 30,6%, từ 51- 60 tuổi chiếm 14,7% và trên 60 tuổi chiếm 15,9%. Trình độ học vấn: 33,4% có học vấn ở bậc tiểu học, 42,6% có học vấn bậc THCS, 12,6% có học vấn ở bậc THPT, chỉ có 1,3% có trình độ ở cấp Trung cấp, Cao đẳng, Đại học và có 10% chưa bao giờ được đi học. Phân theo nghề nghiệp: chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 76,0%; lao động tự do/ làm thuê thời vụ chiếm 13,8%; công nhân chiếm 2,4%; buôn bán chiếm 2,3%; không lao động vì không có khả năng chiếm 4,4%... 
2. Nguyên nhân cơ bản về tình trạng nghèo tại các địa phương
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo của các hộ, các nguyên nhân chính là: thiếu/ không có đất sản xuất (50,7% số hộ); gặp các biến cố, rủi ro (45,9% số hộ); thiếu/ không có vốn sản xuất kinh doanh (34,2% số hộ); không có việc làm/ việc làm không ổn định (33,9% số hộ); gia đình đông con (24,9% số hộ)... Nguyên nhân nghèo có sự khác biệt rõ giữa khu vực đồng bằng, ven biển và trung du, miền núi. Nhóm 3 nguyên nhân chính ở vùng đồng bằng, ven biển theo thứ tự là: ốm đau, bệnh tật hiểm nghèo, tai nạn; thiếu/ không có đất đai sản xuất; gia đình đông con. Nhóm 3 nguyên nhân chính ở vùng trung du, miền núi theo thứ tự là: thiếu/ không có đất đai sản xuất; thiếu/ không có vốn để sản xuất kinh doanh; không có việc làm/ việc làm không ổn định.
Bảng 1: Nguyên nhân tình trạng nghèo tại các địa phương được khảo sát (%)


(Nguồn: Kết quả điều tra, khảo sát)
3. Các nguồn lực sinh kế của hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương
a) Lợi thế của hộ: lực lượng lao động tương đối đông (số người trong độ tuổi lao động chiếm 52%); con em trong độ tuổi tới trường được tạo mọi điều kiện thuận lợi để được đi học nhờ các chính sách hỗ trợ về giáo dục (các hộ có từ 1-3 con em đang đi học ở các cấp và bình quân có 2,10 em/1 hộ); được quan tâm, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay, đặc biệt từ các chương trình vay vốn của Ngân hàng CSXH (79,8% số lượt hộ được vay vốn từ Ngân hàng CSXH).
b) Bất lợi của hộ: khá đông nhân khẩu (bình quân 4,35 người/1 hộ, trong đó tỷ lệ hộ có nhân khẩu từ 4-6 người chiếm 62,2% và từ 7 người trở lên là 8,6%); số người phụ thuộc lớn tạo gánh nặng cho người lao động (tỷ lệ phụ thuộc 92,2%); con em theo học các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học số lượng ít (chỉ chiếm tỷ lệ 11,0%); tình trạng bỏ học, nghỉ học giữa chừng ở bậc giáo dục phổ thông xảy ra (có 11,0% số hộ có con em bỏ học/ nghỉ học; chủ yếu là học sinh bỏ học/ nghỉ học ở cấp THCS, chiếm 61,0% và THPT, chiếm 31,9%); thiếu đất sản xuất, đặc biệt là ở miền núi (77,9% số hộ có đất thuộc sở hữu nhưng phần lớn diện tích không đủ lớn hoặc diện tích đất dốc khó canh tác, đất bị ngập úng hoặc khô hạn; 18,8% số hộ hoàn toàn không có đất và có 3,2% số hộ tuy không có đất sở hữu nhưng có thuê, mượn hoặc làm chung); tích lũy vốn ít thậm chí không có tích lũy nên hầu như các hộ phải vay mượn để phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh (70,8% số hộ đang có các khoản vay nợ); vốn xã hội thấp.
Bảng 2. Quy mô hộ, lực lượng lao động, việc học hành của con em


(Nguồn: Kết quả điều tra, khảo sát)

4. Hoạt động sinh kế của hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương 
a) Hoạt động sản xuất nông nghiệp: là hoạt động sinh kế chính với sự tham gia của phần đông lao động (84,0% số hộ có thành viên tham gia trồng trọt và 69,0% số hộ có thành viên tham gia chăn nuôi) và trồng trọt, chăn nuôi là 2 hoạt động tạo thu nhập chính. Khu vực miền núi với diện tích đất rừng lớn, nhiều hộ còn tham gia trồng rừng, nhận khoán bảo vệ rừng (có 14,6% số hộ). Riêng tại các xã vùng ven biển, hoạt động khai thác đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản và làm muối là sinh kế chính của một số hộ (có 4,3% số hộ).
Tài sản lớn, có giá trị của các hộ thường là từ hoạt động chăn nuôi (chủ yếu là trâu, bò, lợn, gà...) và trồng trọt (chủ yếu là lúa, ngô, sắn...) với mục đích tự cung, tự cấp là chính dẫn đến thu nhập thấp, không tạo ra được sản phẩm hàng hóa. Sản xuất chủ yếu quy mô nhỏ lại gặp nhiều khó khăn, rủi ro (như: thời tiết, khí hậu khắc nghiệt và dịch bệnh với 50,8% số hộ; thiếu đất sản xuất với 38,9% số hộ; sức khỏe yếu, kém với 30,0% số hộ; thiếu vốn với 26,7% số hộ...) khiến cho tính bền vững của sinh kế nông nghiệp không đảm bảo. 
Hình 1. Khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của hộ 

 (Nguồn: Kết quả điều tra, khảo sát)

b) Hoạt động phi nông nghiệp: thu hút sự tham gia của nhiều lao động trong gia đình để tạo thu nhập với 89,0% số hộ có lao động tham gia. Tuy nhiên, các công việc mà người dân đang tham gia lại không ổn định, thu nhập thấp (như: công nhân, thợ xây, phụ hồ, làm keo, cấy - gặt thuê, giúp việc…). Kết quả khảo sát, có 55,7% số hộ có gặp phải khó khăn khi tham gia các hoạt động phi nông nghiệp với những khó khăn chính là: thiếu việc làm/ việc làm không ổn định (87,3% số hộ); lương/ thu nhập thấp (78,2% số hộ); sức khỏe yếu, kém (10,0% số hộ) và các khó khăn khác như: giá bán sản phẩm thấp/ tiêu thụ sản phẩm chậm; thiếu vốn để đầu tư kinh doanh buôn bán; thiếu kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng; thiếu phương tiện làm ăn...
Hình 2. Khó khăn trong hoạt động/lĩnh vực phi nông nghiệp của hộ

(Nguồn: Kết quả điều tra, khảo sát)
5. Kết quả thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo giảm nghèo bền vững 
a) Chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi được các hộ đánh giá khá phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác, sản xuất của địa phương; tuy nhiên điểm hạn chế là khá nhiều dự án, mô hình nhà nước đầu tư không được duy trì tốt trong dân và sản phẩm chưa đủ tạo thành hàng hóa (38,9% vật nuôi được hỗ trợ không duy trì được; 58,7% giống cây được hỗ trợ không tạo ra hàng hóa). Việc triển khai các chính sách hỗ trợ sinh kế cho người nghèo với định mức thấp, dàn trải nên không thể giúp các hộ được hưởng thay đổi sinh kế, cải thiện đời sống hiệu quả. Cụ thể như chương trình 135, 30a giai đoạn 2016 - 2020 định mức hỗ trợ hộ nghèo tối đa 15 triệu đồng/ hộ; hộ cận nghèo tối đa 14 triệu đồng/ hộ; hộ mới thoát nghèo tối đa 13 triệu đồng/ hộ. Định mức hỗ trợ này là quá thấp, khó để người dân sau khi được hỗ trợ thoát nghèo bền vững.
b) Chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Trong tổng số 655 hộ được hỗ trợ vay vốn tín dụng nhằm phục vụ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, có 84,7% số hộ được vay vốn từ Ngân hàng CSXH và 15,3% số hộ còn lại được vay vốn từ các ngân hàng, quỹ khác. Tính bình quân số tiền được duyệt vay từ các ngân hàng, quỹ là 60 triệu/ 1 hộ và riêng Ngân hàng CSXH là 52 triệu/ 1 hộ. Phần lớn người nghèo có nhu cầu vay vốn và được vay vốn đã sử dụng vốn vay đúng mục đích phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm (cụ thể: 78,4% số hộ dùng tiền vay để mua vật nuôi; 9,3% số hộ đầu tư mua cây giống phục vụ trồng rừng; có 8,1% số hộ đầu tư mua máy móc, phương tiện sản xuất, làm ăn...). Số tiền được duyệt vay cơ bản đủ cho hộ đầu tư làm ăn trong khả năng của hộ (về quy mô đầu tư, khả năng trả nợ) và vấn đề 69,0% số hộ này quan tâm là giảm lãi suất vay vốn. Tuy nhiên, với những hộ đầu tư làm ăn có quy mô hơn thì hạn mức được vay vốn từ chính sách tín dụng ưu đãi còn thấp và cần được nâng lên (31,0% số hộ này quan tâm đề xuất tăng định mức và giảm lãi suất cho vay).
Các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao bởi các nguyên nhân: kinh phí cho hỗ trợ phát triển sinh kế với định mức thấp, đầu tư mang tính bình quân, thiếu trọng tâm; xóa đói giảm nghèo trong sinh kế đang mang tính tự cung, tự cấp nhiều hơn là tạo ra hàng hóa; tổ chức sản xuất trong thị trường đang thiếu; chưa gắn sinh kế người nghèo với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện, xã; các chương trình nhằm hỗ trợ phát triển sinh kế, xóa đói giảm nghèo đang tách bạch, chưa lồng ghép được; chưa tách bạch bảo trợ xã hội và phát triển xóa đói giảm nghèo; phân bổ vốn chậm dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện; người dân thiếu ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo và có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; việc tiếp cận thông tin của chính sách của người dân còn hạn chế...
6. Nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo trong phát triển sinh kế nhằm thoát nghèo bền vững 
a) Về nội dung, hạng mục hỗ trợ:
Phần lớn các hộ nghèo, cận nghèo có nguyện vọng được Nhà nước hỗ trợ cải thiện sinh kế để thoát nghèo với 78,8% số hộ. Nhu cầu của mỗi hộ về việc được Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ là khác nhau nhưng có thể thấy nổi lên là 3 vấn đề: hỗ trợ cây trồng, vật nuôi (66,9% số hộ có nhu cầu hỗ trợ giống con; 9,2% số hộ có nhu cầu hỗ trợ giống cây); hỗ trợ giải quyết vấn đề vay vốn ưu đãi (34,9% số hộ có nhu cầu); hỗ trợ giải quyết vấn đề việc làm (10,8% số hộ có nhu cầu về hỗ trợ xuất khẩu lao động; 9,9% số hộ có nhu cầu hỗ trợ về giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động). Với 21,2% số hộ không có nhu cầu được hỗ trợ về sinh kế, chủ yếu là các hộ trong diện bảo trợ xã hội, hộ không có khả năng lao động (già yếu, bệnh tật, ốm đau..) và các hộ chưa có định hướng, chưa biết nên làm gì để tạo ra thu nhập, thoát nghèo.
Hình 3. Các nhu cầu hỗ trợ cải thiện sinh kế, tạo việc làm của hộ

(Nguồn: Kết quả điều tra, khảo sát)
b) Về cơ chế, định mức hỗ trợ: 
Hướng đi của giảm nghèo bền vững là hạn chế hỗ trợ “cho không”, chuyển sang hỗ trợ có “điều kiện”, có “đối ứng” của người dân khi tham gia. Tuy nhiên trong thực tiễn còn khá nhiều hộ nghèo, cận nghèo chưa sẵn sàng tham gia mô hình Nhà nước hỗ trợ 50% và ràng buộc có điều kiện (Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí và hộ phải hoàn trả 50% kinh phí trong vòng 3 - 5 năm; hộ tham gia mô hình phải có đăng ký và cam kết thoát nghèo).
Phần nhiều hộ còn bày tỏ sự đắn đo, lưỡng lự và không tham gia mô hình sinh kế theo hình thức Nhà nước hỗ trợ 50% và ràng buộc điều kiện, cụ thể: có 41,5% số hộ sẵn sàng tham gia; 7,6% số hộ chưa chắc chắn tham gia và 50,9% số hộ không tham gia. Trong đó, tỷ lệ hộ sẵn sàng tham gia ở khu vực trung du, miền núi có phần cao hơn khu vực đồng bằng, ven biển (34,7% số hộ ở đồng bằng, ven biển và 46,4% số hộ ở trung du, miền núi). Người nghèo ở đồng bằng, ven biển khá nhiều là đối tượng BTXH, người già yếu, không có khả năng lao động... nên sự tham gia hạn chế hơn. 
Trong số 41,5% số hộ đồng tình, đăng ký tham gia thì một số bày tỏ mong muốn Nhà nước hỗ trợ bằng tiền cho người dân tự chọn mua cây, con giống. Tuy nhiên, phần nhiều hộ đồng tình phương án Nhà nước chọn, cấp giống bởi họ không có vốn “đối ứng”. Đa số người nghèo, vốn tích lũy không có hoặc có rất ít. Con số này phần nào cho thấy kết quả bước đầu đã có sự thay đổi trong tư duy của người nghèo về sự hỗ trợ của Nhà nước, về xây dựng kinh tế tiến tới thoát nghèo. 
Ngược lại với 58,5% số hộ không chắc chắn và không tham gia xây dựng mô hình bởi nhiều lý do như: hộ không đảm bảo điều kiện về lao động, tư liệu sản xuất; không có định hướng, không biết cách làm ăn và tâm lý lo sợ rủi ro nên không dám làm; không có tiền “đối ứng”... Bên cạnh đó, khá nhiều hộ bày tỏ muốn Nhà nước hỗ trợ 100%. Một số hộ còn đặt câu hỏi thắc mắc:“Trước đây các hộ khác vẫn được hỗ trợ 100%, sao bây giờ chỉ được 50%?”. Điều này cho thấy, tư tưởng ỷ lại, không quyết tâm, nỗ lực vươn lên thoát nghèo cũng là nguyên nhân các hộ không sẵn sàng tham gia mô hình Nhà nước hỗ trợ 50% và có điều kiện.
Hình 4. Mức độ sẵn sàng tham gia mô hình sinh kế của các hộ

(Nguồn: Kết quả điều tra, khảo sát)
  Trong thời gian qua, mức hỗ trợ cho 01 mô hình giao động trong 10 - 15 triệu. Định mức hỗ trợ này là thấp, khó trở thành đòn bẩy để hộ thoát nghèo bền vững. Mức hỗ trợ cho 01 mô hình theo đề xuất của hộ là: 22,2% số hộ đề xuất mức dưới 15 triệu và 14,7% số hộ đề xuất mức từ 20 - 25 triệu bởi phù hợp với khả năng của gia đình và tránh rủi ro nhiều. Còn lại phần nhiều đề xuất hỗ trợ ở mức cao hơn và cho rằng sản xuất phải có quy mô thì mới có khả năng cải thiện sinh kế, tạo thu nhập với 53,2% số hộ đề xuất mức từ 30 - 50 triệu, 5,6% số hộ đề xuất mức từ 50 - 100 triệu và 4,3% số hộ đề xuất mức trên 100 triệu. Với mức tiền này mới đủ điều kiện để tăng đàn gia súc; vừa đầu tư mua con giống, vừa làm chuồng hay đầu tư mua giống cây (các loại cây lâu năm) trồng trên diện tích 1 - 2 ha. Với nghề đi biển kinh phí đầu tư thường khá lớn, chi cho mua máy móc, các ngư cụ. Hay đầu tư mô hình nuôi cá lồng trên sông hồ cần nhiều chi phí để mua cá giống, làm lồng bè và thức ăn hạt đậu...
Bên cạnh đó, một bộ phận cư dân có nhu cầu và có khả năng tham gia vào hoạt động phi nông nghiệp (như: kinh doanh, buôn bán nhỏ; sản xuất mặt hàng thủ công; mở các nghề dịch vụ làm đẹp…) để thoát nghèo cũng đang cần có sự hỗ trợ thiết thực của Nhà nước.
Hình 5. Mức đề xuất hỗ trợ 01 mô hình theo hình thức Nhà nước hỗ trợ 50% và có điều kiện

(Nguồn: Kết quả điều tra, khảo sát)
Muốn dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và để người nghèo tự vươn lên giảm nghèo bền vững thì việc hỗ trợ theo hình thức “đối ứng” của dân, giảm dần hình thức “cho không” là việc cần làm. Trong xây dựng mô hình, cần lựa chọn những hộ có nhu cầu thực sự và có cam kết mang lại hiệu quả; đồng thời cân đối tỷ lệ Nhà nước hỗ trợ và tỷ lệ dân “đối ứng” trong xây dựng mô hình phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền (ví dụ: đối với hộ nghèo áp dụng mức Nhà nước hỗ trợ 70% và đối ứng 30%; hộ cận nghèo áp dụng mức Nhà nước hỗ trợ 50% và đối ứng 50%; riêng hộ nghèo vùng ĐBKK áp dụng mức Nhà nước hỗ trợ 80% và đối ứng 20%...). Quan trọng nhất phải xác định: Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực và hướng dẫn, còn bản thân người nghèo phải cố gắng vươn lên và phải làm sao các chính sách giảm nghèo phải khơi dậy được khát vọng, tạo ra động lực để cho các hộ nghèo, cận nghèo mong muốn thoát nghèo.

Qua kết quả khảo sát, để cải thiện sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh cần phải: (1) Đánh giá phân loại nghèo theo từng xã/ bản, trong đó có phân loại nguyên nhân và điều kiện hộ. Đối với nhóm BTXH cần tách bạch ra để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. (2) Hỗ trợ phát triển sinh kế của hộ phải trên cơ sở dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội chung của xã/ bản gắn với xóa đói giảm nghèo trong vòng 3 - 5 năm (gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương, cấp ủy các cấp) và phải để người nghèo được trực tiếp tham gia vào. (3) Quan tâm các hộ đáp ứng được các điều kiện và sẵn sàng tham gia vào các chương trình, dự án. Tập trung nguồn lực để hỗ trợ có điều kiện cho một nhóm người theo tỷ lệ phấn đấu trong thời gian quy định. (4) Trên cơ sở đặc điểm của từng vùng miền để có cách tiếp cận khác nhau, hỗ trợ khác nhau cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất và nhu cầu của chính người nghèo. 

CÙNG CHUYÊN MỤC