Xù khoắn luông
Quán Vi Miên
4/5/2023
1. Khái niệm “Khoắn”, “Xù khoắn”, “Xù khoắn luông” “Khoắn” trong tiếng Lào - Thái là “hồn vía”. Từ “khoắn” tùy từng vùng/nhóm Thái mà được phiên âm thành “khuôn” (như ở người Thái - Tây Bắc), “khoăn”, “khoắn” (như ở người Thái nhóm Tày Thanh - Thanh/Nghệ), hoặc “vắn” (như ở nhóm Thái - Tày Mường ở Nghệ An).
“Xù khoắn” có nghĩa là “Lễ buộc vía”.
“Lễ buộc vía” của người Thái có 2 cấp độ: Cấp độ “nhỏ” và cấp độ “lớn”. “Nhỏ” như các lễ buộc vía cho (1) Trẻ sơ sinh; (a) Mừng đứa trẻ ra đời; Cảm ơn “người nhà trời” dẫn đường (cho người mẹ và đứa con) xuống trần gian; (b) Gọi hồn đứa trẻ về; (c) Tiễn “bà dẫn đường” về trời; (d) Đón Mo từ trời xuống trông coi (đứa trẻ); (đ) Cúng vía cảm ơn Bôn/Then; (e) Buộc vía cho đứa trẻ. (2) Buộc vía trong độ tuổi thanh niên; (a) Cúng vía, ăn cơm uống rượu chung (trong đám cưới); (b) Buộc vía cô dâu. (3) Buộc vía trong các trường hợp khác (Khi ốm đau (chung cho các độ tuổi); Mừng người nhà đi xa lâu ngày về; Tiếp đón bà con lâu ngày gặp, khách quý, v.v.). “Lớn” là “Lễ buộc vía” cho người già - những người tuổi đã cao, sức đã yếu. Lễ buộc vía này có thể “mang danh” là “mừng thọ”, là “mừng khỏi bệnh”, v.v. nhưng thực chất là “an ủi cha mẹ, ông bà lần cuối cùng trước khi cha mẹ, ông bà về với tổ tiên, về với Then/Bôn ở mường trời”. Nói “lễ buộc vía lớn” (tổ chức với số lượng nhiều lợn-rượu) nhưng cũng tùy hoàn cảnh kinh tế của con cháu. Khó khăn, thiếu thốn thì có thể chia làm 2 kỳ/cuộc. Cuộc 1 là “Xù khoắn chay/Hằng vắn chay” (cùng gọi là “páng khất” nghĩa là con cháu “xin khất” sẽ làm lễ “buộc vía lớn” sau) với lợn nhỏ (dưới 30 kg). Cuộc 2 là “Xù khoắn luông” (Lễ buộc vía lớn) với lợn 50 kg trở lên. Con cháu chưa kịp làm/chưa có điều kiện làm lễ “Xù khoắn luông” mà cha mẹ, ông bà đã mất, thì coi như còn “nợ”. Cho nên trong đám tang phải làm “bù” vào, thì mai táng cha mẹ, ông bà “mới yên tâm”. Như vậy, “xù khoắn luông” có thể nói là nghi lễ tín ngưỡng truyền thống quan trọng bậc nhất trong cuộc đời một người Thái.
Người Thái quan niệm con người có “hồn vía”. Hồn vía con người là do Bôn/Then - Chúa tể Mường trời “ban” cho, sau khi “đúc” từ khuôn Bầu của Then Lò (cũng gọi là “Then Bầu”) ra. Hồn vía này đầu tiên được ngụ/nuôi ở trong cây chuối ở trong “vườn trời” (“xuốn chắn” hoặc “xuốn vắn”) và trong con cá ở trong “ao trời” (“nóng bôn” hoặc “nóng vắn”), do “người trời” canh giữ. Sau đó, người mẹ mang con xuống trần gian, nhưng “hồn vía” đứa trẻ/con người đó vẫn “nối” với hồn vía của nó ở mường trời (trong vườn “xuốn chắn/xuốn vắn”). Cây chuối héo hoặc con cá trong “vườn trời” ốm, là con người ở dưới trần gian cũng ốm đau. Ốm đau có thể do nhiều nguyên nhân. Có thể là hồn vía “tự” theo ý thích đi rong chơi, mê mải xem cảnh vật, con người…, rồi thất lạc, không về nhà với “thân chủ” được nữa. Hoặc có thể là hồn vía buồn tủi, giận thân chủ, rồi bỏ đi. Muốn tìm hồn vía về thì phải nhờ Mo - người nhà trời cử xuống trông coi con người - đi tìm. Mo sẽ ra đi gọi vía, tìm vía, đưa vía về nhà, rồi “buộc” vía lại với thân chủ (người ốm).
Đối với người già “gần đất xa trời” thì ốm đau là chuyện thường tình. Có lẽ là do hồn vía cha mẹ, ông bà “giận” con cháu mà bỏ đi chăng? Con cháu đối xử “không phải” với cha mẹ, ông bà, để hồn vía “tủi” mà bỏ đi chăng? Phải tổ chức “xù khoắn” (buộc vía) cho cha mẹ, ông bà, để cha mẹ, ông bà khỏe mạnh, vui tươi trở lại. Hoặc cha mẹ, ông bà “lên lão”, thì làm lễ “xù khoắn” để mừng, để an ủi, vỗ về hồn vía cha mẹ, ông bà; để cha mẹ, ông bà sống lâu, sống thọ hơn.
Đó là quan niệm/tín ngưỡng của người Thái về hồn vía và từ đó có lễ buộc vía (xù khoắn).

Lễ buộc chỉ cổ tay trong đám cưới của người Thái
2. Lễ buộc vía
2.1. Chuẩn bị
2.1.1. Chọn năm, tháng, ngày, giờ tốt
(a) Năm lịch Thái cũng như năm âm lịch, cứ 60 năm lại quay về tên cũ. Ví dụ năm nay (2015) là “hặp một” (ất mùi) thì 60 năm sau lại quay về năm “hặp một” (ất mùi). Cách tính cũng ghép “can chi” như âm lịch. Ví dụ năm 2015 là năm “hặp một” (ất mùi) thì năm 2016 là năm “hai xăn” (bính thân). Số ngày trong tháng cũng giống như âm lịch, nhưng chênh với âm lịch 6 tháng. Nếu tính từ đầu năm đến cuối năm thì thứ tự các mùa là “thu, đông, xuân, hạ”. Mùa thu lịch Thái là tháng giêng, hai, ba (ứng với âm lịch là bảy, tám, chín). Mùa đông là tư, năm, sáu (âm lịch là mười, một, chạp). Mùa xuân là bảy, tám, chín (âm lịch là giêng, hai, ba). Mùa hạ là mười, mười một, mười hai (âm lịch là tư, năm, sáu). Cách tính ngày cũng như cách tính năm. Cứ sau 60 ngày lại trùng với tên cũ và cũng do “can” ghép trước “chi” theo thứ tự định sẵn. Mỗi ngày chia làm 12 canh theo chu kỳ “chi” giống như cách tính âm lịch. Giờ “chẩu” (ứng với giờ tý âm lịch) từ 23-01 giờ. “Pậu” (sửu) từ 01-03 giờ. “Nhi” (dần) từ 03-05 giờ. “Mậu” (mão) từ 05-07 giờ. “Xi” (thìn) từ 07-09 giờ. “Xậu” (tị) từ 09-11 giờ. “Xa Ngạ” (ngọ) từ 11-13 giờ. “Một” (mùi) từ 13-15 giờ. “Xăn” (thân) từ 15-17 giờ. “Hậu” (dậu) từ 17-19 giờ. “Mệt” (tuất) từ 19-21 giờ. “Cậu” (hợi) từ 21-23 giờ.
(b) Một đời người trong quan niệm “tốt/xấu” của người Thái theo các chu kỳ 12 (cũng gọi là “cơ số” 12) năm như sau: (1) Tốn Cuối Cắm (năm sinh, trường sinh, giàu có; từ 1 tuổi đến 12 tuổi; sau đó lại tính chu kỳ 2, từ 13-25; và tính tiếp chu kỳ 3, v.v.); (2) Mún Khún Nọi (từ 2-14 tuổi; chu kỳ 2 từ 15-27; v.v.); (3) Chọi Tốc Tắm (từ 3-15; chu kỳ 2 từ 16-28; v.v.); (4) Nhẳm Đay Kèo (lên chức, phát tài, từ 4-16; chu kỳ 2 từ 17-29; v.v.); (5) Hèo Mong (từ 5-17; chu kỳ 2 từ 18-30; v.v.); (6) Chóng Pọt (từ 6-18; chu kỳ 2 từ 19-31; v.v.); (7) Nhọt Phạ Xạt (làm nhà sánh với Mường Then, giàu có, đẹp đẽ, từ 7-19; chu kỳ 2 từ 20-32; v.v.); (8) Tạt Hướng Mún (từ 8-20; chu kỳ 2 từ 21-33; v.v.); (9) Thún Làng Hạy (từ 9-21; chu kỳ 2 từ 22-34; v.v.); (10) Xày Chếp Tái (từ 10-32; chu kỳ 2 từ 33-45; v.v.); (11) Ngua Quai Lọt (từ 11-23; chu kỳ 2 từ 24-36; v.v.); (12) Nhọt Bún Xuối (từ 12-34; chu kỳ 2 từ 35-47; v.v.); v.v. Những năm “Tốn Cuối Cắm” được cho là làm “xù khoắn” (trong đó có “xù khoắn luông”) là tốt nhất. Cụ thể tính ra tuổi “xù khoắn” là các tuổi: 1, 13, 25, 37, 49, 61, v.v. Như vậy, tuổi 61 (trở đi) bắt đầu có thể làm lễ “xù khoắn luông” cho cha mẹ, ông bà được. Tiếp theo là các tuổi 71, 81, 91, v.v. Nếu cha mẹ, ông bà đau ốm thì không đợi đến các mốc tuổi đó mới làm, mà có thể làm lễ “xù khoắn luông” giữa các tuổi 61-71, 71-81, v.v.
(c) Xem tuổi/năm rồi tiếp theo là xem tháng/ngày. Người Thái kiêng làm lễ “xù khoắn” trong các tháng/ngày sau:
+ Tháng 12: ngày 1- 5- 14- 23, ngày pẩu (sửu), xảu (tỵ).
+ Tháng 11: ngày 5- 14- 23, ngày hậu (dậu), chảu (tý).
+ Tháng 10: ngày 5- 14- 23, ngày mẩu (mão), cạu (hợi).
+ Tháng 9: ngày 1-5-14-23, ngày nhi (dần), một (chó).
+ Tháng 8: ngày 5-11-14-18-23, ngày xi (thìn), xa ngạ ((ngọ).
+ Tháng 7: ngày 5-10-14-23, ngày xăn (thân), cạu (hợi).
+ Tháng 6: ngày 1-3-5-14-16-23, ngày cạu (hợi), mệt (tuất).
+ Tháng 5: ngày 5-14-23, ngày xa ngạ (ngọ), cạu (hợi), chảu (tý).
+ Tháng 4: ngày 4-5-14-23, ngày hậu (dậu), xảu (tỵ).
+ Tháng 3: ngày 1-3-5-8-23, ngày xi (thìn).
+ Tháng 2: ngày 5-6-11-14- 23, ngày cảu (hợi), mẩu (mão).
+ Tháng giêng: ngày 5-14-23, ngày phẩu (sửu), nhi (dần).
(d) Người Thái còn tính ngày theo “cơ số” 8; tính từ ngày 1 đến 8 thì lại quay lại (cho đến hết tháng). Ví dụ ngày 1 là Cấn Cóng; 2-Xườm Cóng; 3-Kím Cóng; 4-Khóa Hỏ; 5-Kím Ngoai; 6-Xườm Ngoai; 7-Cấn Xá; 8-Khóa Ngang; và 9 lại quay lại Cấn Cóng, v.v. Người ta quan niệm:
+ Xườm Cóng là ngày Vắn lực chai, tốt cho buộc vía con trai, làm bẫy, đi săn, làm các việc của đàn ông may mắn.
+ Xườm Ngoai là ngày Nghên vắn mẻ nhinh, tốt cho làm vía con gái, may mắn trong làm ăn.
+ Khóa Ngang là ngày Nghên phí môn, ngày có quyền có thế, tốt cho đi làm việc trọng, ai sinh ngày này sẽ có tài, phát đạt…
+ Ngày “xườm”: Có tính chất là ngày đi làm ăn, buôn bán; Ngày sinh con trai, con gái (tốt); Làm vía (buộc vía), cầu may sức khỏe; Trong đó, ngày “xườm nôi” sinh con trai tốt; Ngày “xườm ngoai” sinh con gái tốt; Có câu rằng: “Nhinh xườm ngoai/ Chai xườm nôi”, nghĩa là “Gái - (sinh) ngày xườm ngoai thì tốt/ Trai - (sinh) ngày xườm nôi thì hay”. Ai sinh vào ngày nào (mang tên nào) thì nên chọn ngày ấy (mang tên ấy) mà đi đường, giải quyết công việc, sẽ trôi chảy, đạt kết quả tốt.
(đ) Tính ngày làm lễ buộc vía theo “cơ số” 10.
+ Có câu tục ngữ về ngày buộc vía (nghên ê vắn) như sau: (1) Mẻ nhinh mự xườm ngoai/xườm xá (Nữ chọn ngày “xườm ngoai/xườm xá”); (2) Pỏ chai mự xườm nôi/xườm cóng (Nam chọn ngày “xườm nôi/xườm cóng”). Trên cơ sở quan niệm về các ngày (x. mục a4 ở trên) như sau:
+ Nghên Kím cóng/kím nôi: Nghên khỏe côn cuống hươn, ê vắn, ê việc phí, mự phí hươn nọi (Tính chất của ngày Kím cóng/kím nôi: Là ngày khỏe người trong nhà, làm vía, làm việc “ma”, là ngày “ma nhỏ”).
+ Nghên Kím ngoai/kím xá: Nghên khỏe côn vả chùng, ê vắn, ê việc phí (Ngày Kím ngoai/kím xá: Là ngày khỏe mọi người tất cả, làm vía, làm việc “ma” được).
+ Nghên Cớn xá: Nghên khỏe côn, nghên mằn, xở phí hươn (Ngày Cớn xá: Là ngày khỏe người, ngày vững bền, ngày thờ cúng tổ tiên [cúng nhà]).
+ Nghên Cớn cóng: Nghên xở phí hươn, phí pủ (Ngày Cớn cóng: Ngày cúng ma nhà, cúng tổ tiên).
+ Nghên Kím cóng: Xở phí nọi, việc nọi (Ngày Kím cóng: Cúng ma nhỏ, làm việc thờ cúng nhỏ).
+ Nghên Khóa hỏ: Khóa hỏ bò pến páy tang/ Khóa ngang bò pến páy khạch (Ngày Khóa hỏ không nên đi đường/ Ngày Khóa ngang không nên đi khách).
+ Cưới xin chọn ngày Kím.
+ Đưa dâu về nhà chọn giờ Phôm ma.
+ Làm vía, buộc chỉ cổ tay, chọn ngày Kím, hoặc ngày Xườm.
2.1.2. Chuẩn bị lễ vật
Như trên đã nói, con cháu tổ chức lễ “xù khoắn luông” cho cha mẹ, ông bà có thể theo 2 kỳ/cuộc, tùy vào khả năng. Cuộc 1 là “xù khoắn chay/ khất” (nhỏ), có vùng gọi là “hằng vắn chay/hằng vắn khất”, với lễ vật nhỏ/ít hơn so với “xù khoắn luông” (lễ buộc vía lớn).
(a) Lễ buộc vía “chay/khất” (nhỏ).
Lễ vật chính trong “xù khoắn” ở đây phải là lợn. Cho dù là “buộc vía chay/khất” đi nữa thì cũng vẫn phải có 1 con lợn ít nhất nặng 30 kg. Nếu cha mẹ, ông bà còn “song toàn” cả hai thì phải kèm theo 1 con lợn nữa khoảng 15 kg. Con lợn to hơn dành “buộc vía” cho “thân chủ” (cha hoặc mẹ, ông hoặc bà). Con nhỏ hơn dành cho người còn lại. Không được thế thì hồn vía của người kia sẽ “buồn/giận” mà bỏ đi, lại thêm 1 người nữa ốm đau (!). Mâm vía phải biện 2 cái, 1 to/cao 1 nhỏ/thấp. Hai con lợn chọc tiết, làm sạch, cắt lấy đầu, khoanh cổ, 4 cẳng chân, sống lưng, luộc chín, ghép bày ra mâm vía giống như lợn còn sống. Tim, gan, lòng cũng luộc chín, bày ra đĩa, xếp vào mâm, xung quanh “con lợn”. Sườn băm nhỏ, trộn gia vị, vo viên luộc chín, bày ra đĩa, cũng xếp vào mâm. Xương chặt miếng, nấu cháo, múc ra bát, cũng bày vào mâm vía. Các đĩa muối, ớt. Một túm sợi vải để “buộc chỉ cổ tay”. Người Thái dùng chỉ đen (nhuộm chàm). Người Lào dùng chỉ trắng. Có vùng bện chỉ đen với chỉ trắng (gọi là “rồng rắn”) buộc vào cổ tay làm bùa hộ mệnh. Mâm vía “chay/khất” phải bày/xếp các lớp bát đĩa cho được 7 lớp (chết chặn). Rượu cần cũng phải có 2 chum (1 to, 1 nhỏ). Nến 2 ngọn. Trầu cau, v.v. cũng phải đủ đôi. Nếu chỉ làm lễ “xù khoắn chay/khất” cho 1 người (cha hoặc mẹ, ông hoặc bà) do 1 trong 2 người đã mất, thì chỉ cần bày 1 mâm.
(b) Lễ buộc vía lớn
Lễ vật chính trong lễ “xù khoắn luông” là rượu lợn (rượu cần và lợn). Con lợn phải nặng 50 kg trở lên. Nếu cha mẹ, ông bà còn “song toàn” cả hai thì phải mổ theo 1 con lợn nữa khoảng 30 kg. Con lợn to hơn dành “buộc vía” cho “thân chủ” (cha hoặc mẹ, ông hoặc bà). Con nhỏ hơn dành cho người còn lại. Mâm vía phải biện 2 cái, 1 to/cao, 1 nhỏ/thấp. Phương thức giết thịt, soạn cỗ cúng và buộc vía cơ bản giống với lễ buộc vía nhỏ. Mâm vía “xù khoắn luông” phải bày/xếp các lớp bát đĩa cho được 9 lớp (cầu chặn). Rượu cần cũng phải có 2 chum (1 to, 1 nhỏ). Nến 2 ngọn. Trầu cau, v.v. cũng phải đủ đôi. Nếu chỉ làm lễ “xù khoắn luông” cho 1 người (cha hoặc mẹ, ông hoặc bà) do 1 trong 2 người đã mất, thì chỉ cần bày 1 mâm là được.
2.1.3. Mời thầy mo
Không phải thầy mo nào cũng làm lễ “xù khoắn luông” được. Phải mời thầy mo có “đẳng cấp” cao như Mo Mường, Mo Mứn mới đủ khả năng làm lễ “xù khoắn luông”. Những Mo này có thể “lên trời, xuống đất” để tìm vía, đưa vía về, buộc vía lại với thân chủ. Họ có trong tay một đội quân (âm binh) “các trai và đoàn gái” hùng hậu, có “ngựa cánh” (mạ pịch/pík), có “thuyền gió” (hưa lôm) để “đi mây về gió”. Họ có thể lên núi Pha Bun, Pha Chăng ở Mường Trời để tìm vía. Họ có thể xuống nước, đi hết Mường Kinh đến Mường Lào, v.v. để tìm vía về. Họ có thuốc, có “phép” phòng thân. Họ không bị ma bắt; rắn rết, hổ báo làm hại; gái ma quyến rũ; cảnh và tình xứ người làm cho “quên” đường về… Gia chủ chọn được ngày tốt và mời Mo về trước 1 ngày để Mo hướng dẫn, kiểm tra việc bày biện lễ vật và những việc khác có liên quan đến lễ “xù khoắn luông”, tránh sơ suất xẩy ra.
Mo Thái có 2 “môn phái”: Một và Môn. Môn sẽ diễn xướng Mo hồn vía mà không cần phải có sáo đệm. Ngược lại, Một thì phải có người thổi sáo để Mo diễn xướng. Vì vậy, nếu gia chủ mời Mo Một thì phải mời thêm 1 nghệ nhân thổi sáo Pỉ Một; người ấy gọi là Nai Pỉ. Sáo Pỉ Một là loại sáo dọc, một đầu có mắt đóng, gắn lưỡi gà bằng đồng. Mặt trên có 6 lỗ bấm. Mặt dưới có 1 lỗ bấm. Nai Pỉ ngồi bên cạnh Mo Một, chếch xuống phía dưới một chút, thổi sáo cho Mo Một diễn xướng. Khi mệt Nai Pỉ có thể nghỉ đôi hồi. Những lúc đó Mo Một phải hát suông, không có sáo đệm.
Ngày giờ đã chọn, mọi sự chuẩn bị đã hoàn tất, bữa ăn sáng đã xong, lễ “xù khoắn luông” có thể bắt đầu. Gia chủ đặt lên bàn thờ ở “hòng nọc” (hoặc “hóng quản”) = gian ngoài, một mâm trầu rượu; trải trước/dưới bàn thờ một cái chiếu hoa mới để Mo và Nai Pỉ (nếu có) ngồi. Mo khăn áo chỉnh tề, bước tới bàn thờ, thắp lên 1 ngọn nến, châm 3 que hương, vái và cắm vào lư. Mo đọc 1 bài cúng ngắn, kính cáo với gia tiên lý do “xù khoắn luông”. Xong, lui lại, ngồi xuống chiếu, ngoảnh mặt hướng về bàn thờ. Gia chủ đặt xuống trước mặt Mo 1 mâm trầu rượu để Mo muốn dùng lúc nào thì dùng. Nếu mời Mo Một thì Nai Pỉ thổi một khúc sáo Pỉ Một dạo đầu, để thử sáo, cũng là để gợi cảm hứng cho Mo Một. Mo Một nhổ bã trầu ra ống, dùng khăn tay mang theo lau mồm, uống một ngụm nước chè (hoặc nước lá cây thuốc), hoặc kéo một hơi thuốc lào, tay cầm lấy quạt phe phẩy (bất kể trời nóng hay lạnh), rồi “e hèm” cất tiếng diễn xướng Mo hồn vía. Nếu là Mo Môn thì ông (bà) ta xem lại cái gươm, tuốt lưỡi gươm ra khỏi vỏ, dùng tay gại gại vào lưỡi gươm để thử độ sắc, chích lưỡi một cái tỏ ý “gặp ma mà chém phăng cổ nó bằng một nhát thì tuyệt”, rồi cũng “e hèm” và cất tiếng diễn xướng Mo hồn vía mà ông (bà) ta đã thuộc làu làu. Bài Mo đầu tiên là bài “Gọi vía” (xem ở dưới).
2.2. Lễ buộc vía lớn
2.2.1. Gọi vía
Mo cất tiếng gọi vía: “Ơ hú, vía!/ 30 vía “búi tóc” (ở trên đầu)/ 900 vía thân mình/ Ngụ tấm áo nhuộm vải tơ đẹp/ Chủ Quán Vy (tên cha hoặc mẹ, ông hoặc bà) người đẹp có chữ/ Nghe tiếng gọi hồn vía ở đầu nguồn hãy quay mặt lại/ Ở cuối nguồn cũng quay mặt về/ Vía ngón chân ngón tay múp míp/ Vía khớp chân khớp tay dẻo mềm/ Vía ngón út ngón trỏ đeo cái nhẫn vàng/ Vía ở gan đỏ đậm/ Vía ở phổi đỏ tươi/ Vía ở óc ở cổ biết nghĩ/ Nghe tiếng nói bên ngoài biết nghĩ phần nhiều/ Vía ăn cá nhiều nguồn nước/ Vía ăn cơm ăn quả nhiều mùa/ Vía ở mũi gió vào gió ra/ Trong nách nơi gió vào/ Vía ở vai chịu nặng/ Vía ở cổ chịu mệt/ Vía ở tóc ngàn sợi/ Không để sót mất cái vía nào...”.
Dưới sàn, người ta bắt đầu chọc tiết lợn, đào lò, nhóm lửa, chuẩn bị mâm vía. Bà con gần xa, dân bản, bắt đầu đến. Người thì xắn tay vào giúp việc gia chủ. Người không phải làm gì thì ngồi ở gian ngoài (hòng nọc/hóng quản), phía dưới, để lắng nghe Mo diễn xướng. Mo hát hết bài “Gọi vía” mà vẫn chưa thấy vía về. Mo liền hát tiếp bài “Tìm vía”. Bài thứ nhất là “Tìm vía ở Mường Trời”.
2.2.2. Tìm vía
2.2.2.1. Tìm vía ở Mường Trời
Mo hát: “Ta lên với Mường Một (trời) mường trải rộng/ Mường rực vàng ở lầu nằm gác/ Mường bắc giàn gỗ sung ăn trâu/ Cầm khăn hoa ăn cỗ/ Mường ăn đọt cây chuối lá dài/ Mường ăn Tao lá dong/ Mường chẳng ngơi ăn cỗ/ Mường không ngớt tiệc tùng/ Chiêu chốn lầu Nhắp lầu Nhẻo/ Lầu Kẻo lầu hóng gió/ Lầu tròn lầu ngắm cảnh/ Lầu thấp lầu nàng Lun/ Lầu cao lầu nàng Lả/ Lầu ngút trời lầu nàng Dau/ Ta lên với trời nhai hàm côm cốp/ Trời cắn răng đôm đốp/ Lên với khóm rau cải bằng mâm/ Bà nàng Pi nàng Bươn dưới mây/ Bà nàng Bả Ít Hoi/ Lên với rừng cây non mơn mởn lá/ Cất bước leo núi Khâu Côm Khâu Kiên liền trời…”. Mo dẫn đội quân của mình đi qua sông Ta Khái, ranh giới giữa trời và đất; qua bao nhiêu rừng rậm, núi cao, nguy hiểm có, bị quyến rũ có, cuối cùng mới đến được núi Pha Bun, Pha Chăng ở giữa trời. Thấy hồn vía, Mo đưa hồn vía về với thân chủ. Nhưng hồn vía về chưa đủ, Mo phải trở về tìm vía ở Mường Đất.
Hát đến đây Mo dừng nghỉ ăn trưa.
2.2.2.2. Tìm vía ở Mường Đất
Sau bữa cơm trưa, Mo ngả lưng nghỉ một lúc, rồi mới tiếp tục diễn xướng bài “Tìm vía ở Mường Đất”: “Bàn chân cứng Mo tôi sẽ đi nhiều bản/ Bàn chân rộng Mo tôi sẽ qua nhiều mường/ Mo tôi sẽ đeo kiếm tìm hồn khắp phương/ Đi các mường kiếm vía/ Đến các vùng Tạo gom về đủ hồn/ Cất bước vượt rừng cây, núi cao, đất phẳng…”. Đi khắp vùng xung quanh bản mường (Tây Bắc hoặc miền núi Thanh-Nghệ) vẫn chưa thấy vía đâu.
Hay là vía xuống Mường Kinh? Liền đi tìm vái dưới Mường Kinh: “Xuống dưới xuôi Mường Púa, bến Lâu/ Đi chợ Be bãi rộng/ Vào đất Mường Púa chầu vua/ Đồng Lâu hồn chớ nghỉ/ Hồn chớ nán ven sông Đà mênh mang/ La liệt Kinh bán gỗ/ Dọc sông Đà chẳng nón mũ nào/ Mường rộng quá tầm mắt/ Muôn vàn mường đến chầu/ Khôn xiết chục trăm mường cống nạp/ Ta vui bước trên cầu dằng dặc/ Qua cầu rộng vui về/ Mo chiêu hồn nơi Mường Púa xa lắc/ Ta cất bước trên đường cái thênh thang/ Mình lên với Đình Vang/ Đến Đình Vang chớ ghé/ Men rìa chợ lên đến Ngộc Đông/ Ngộc Đông chật ních người buôn bán…”. Xuống Mường Kinh thấy vía, Mo đưa vía về. Nhưng có vía còn sang nước Lào.
Mo liền sang Lào tìm vía: “Ta đi sang sông Mã đất Lào/ Cất bước leo dốc Pao, Sốp Ét/ Sốp Ét có Đá Nhù/ Quanh chân non vách đứng/ Xuống Mường Cút hút sâu/ Đi Mường Sủi, Mường Puồn vái Phật/ Mường Puồn có tháp Xay quay tròn/ Voi hùng điên muôn quân hoảng sợ/ La liệt voi ngà trắng vắt rào/ Hồn còn mải mê chốn tháp Xay?/ Vung tay lên tháp vàng quỳ lạy/ Ai ốm đau lên vái/ Ai sốt nhẹ lên thờ Bu Sà/ Tay đan ngón dâng vái thay lời/ Tay mười ngón dâng Phật thay nến/ Đầu vấn chuối hoa cây/ Lên vái tháp Phật vàng/ Cây cau đứng giữa mường san sát/ Tháp lớn dựng giữa chợ cao vời/ Lào Puồn nơi huyên náo/ Tối chiều họ vui chuyện huyên thuyên/ Mường Puôn năng rèn sắt rèn đồng chan chát…”. Tìm thấy vía ở Mường Lào, Mo đem vía về.
Cuối cùng, Mo đưa vía trở về bản quê (Tây Bắc hoặc miền núi Thanh-Nghệ). Mo đưa vía về nhà. Tiếp theo, Mo phải “buộc vía” vào với thân chủ. Lúc này trời đã tối. Gia chủ bắt đầu bày mâm lễ “buộc vía” ở gian trong (hòng cuống), nơi “chân buồng”, gần với bếp lửa. Trên tấm chiếu trải rộng, gia chủ đặt 2 mâm vía (nếu cha mẹ, ông bà còn “song toàn”), hoặc 1 mâm vía (nếu chỉ còn 1 người, như ở mục Chuẩn bị lễ vật). Đặt ghế mây tròn cho thân chủ ngồi ở phía trên mâm (1hoặc 2 cái). Đặt 1 cái ghế mây tròn cho Mo ngồi ở phía dưới (nếu Mo Một thì thêm 1 cái nữa cho Nai Pỉ ngồi thổi sáo). Cạnh mâm là chum rượu (1 hoặc 2 chum). Mo bắt đầu diễn xướng bài “buộc vía” (xem dưới).
2.2.3. Buộc vía
Mo hát: “Hú, vía! Hú, vía!/ Hồn vía chủ Quán Vy (tên) người đẹp mọi bề có chữ/ Ở xa hãy xịch lại gần/ Ở gần hãy xịch lại nữa/ Lại ngồi chiếu trải ra/ Lại ngồi cót trải liền/ Lại ngồi Liên Pan Tiến hoa văn viền vàng trải đợi/ Lại ngồi nói chuyện “với” mâm cỗ trưa/ 30 vía đằng trước/ 50 vía đằng sau/ Vía ngón chân ngón tay thon đẹp/ Vía khớp chân khớp tay múp míp/ Vía ngón út đeo vòng nhẫn vàng/ Vía đầu thường ngắm vuốt với chủ/ Vía “búi tóc” canh thân mình ở nhà cũng về/ Về ngồi vào cỗ cơm mâm lễ/ Về ngồi vào mâm cơm hôm nay như én đậu cành/ Về đừng về riêng lẻ về không/…”.
Mo hát tiếp: “Hồn vía bố (mẹ) lại ngồi mâm cơm/ Vía “búi tóc” bố (mẹ) lại ngồi cỗ ăn/ Ngồi mâm cơm con cái xin lại lễ/ Ngồi cỗ trưa con gái con trai, cháu gái cháu trai xin lại lạy/ Xin lại buộc vía “búi tóc” lấy sức/ Sửa vía đầu cho khỏe/ Như là được đẽo cây trơn bóng đẹp trở lại/ Mặt sáng lại như sao/ Mặt trắng như bông hoa/ Như là trời sáng trăng đêm trăng tròn/ Giận bằng voi hãy tan/ Giận bằng trời mây tròn hãy cuốn/ Bớt giảm chút, tốt lại/ Lòng ngọt lại như nước mía/ Lòng mặn lại như nước muối/ Lòng vui như thuyền 20 qua bến/ Năm mới không xấu hại điều gì/ Rồng uống nước vũng rộng còn thừa/ Hổ ăn hết nai hươu còn no/ Ăn con này còn khác còn đợi/ …”.
Kết thúc bài cúng, Mo cầm đũa gắp miếng thịt bón cho “thân chủ” ăn, lấy sợi chỉ trên mâm, buộc vào cổ tay “thân chủ”. Con cháu cúi lạy cha mẹ, ông bà, đồng thanh nói: “Con (cháu) cũng một lời’ với thầy Mo”, rồi lần lượt gắp thức ăn, véo 1 ít xôi bón cho cha (mẹ), ông (bà) ăn, và lấy chỉ “buộc vía” cho cha (mẹ), ông (bà). Ông bà, cha mẹ lúc này thấy mình đã được an ủi, đền đáp công ơn, lòng rưng rưng cảm động, trở nên vui vẻ, thoải mái.
Lễ buộc vía kết thúc. Mâm cỗ được bưng ra. Mọi người ăn cơm, uống rượu, đánh cồng chiêng vui vẻ.
3. Kết luận
“Buộc vía” là một tập tục lâu đời của người Thái. Nó xuất phát từ quan niệm/tín ngưỡng con người có “hồn vía”. “Hồn vía” rời “thể xác” thì con người ốm đau. Vì vậy thầy Mo phải “trổ tài” gọi vía, tìm vía, rồi “buộc vía” vào với “thân chủ” (người ốm). Đối với người già thì “buộc vía” là nguồn an ủi, động viên về mặt tâm lý khi tuổi đã xế chiều, gần đất xa trời. “Buộc vía” có nhiều quy mô/cấp độ khác nhau. Lễ buộc vía cho người già thuộc quy mô/cấp độ “lớn”, gọi là “xù khoắn luông”. Đối với các trường hợp khác, lứa tuổi khác chỉ làm ở quy mô/cấp độ “nhỏ”, gọi là “xù khoắn nọi” (buộc vía nhỏ). Xét về bản chất, lễ buộc vía là sự cầu yên, cầu lành, cầu những điều tốt đẹp cho con người. Vì thế nó mang ý nghĩa nhân bản, nhân văn sâu sắc.
Khi hành lễ, thầy Mo đã đọc/diễn xướng những bài mo/áng mo có vần điệu, có hình ảnh vừa mang yếu tố hiện thực, vừa mang yếu tố kỳ vĩ, hoang đường, lung linh mờ ảo. Lời văn hấp dẫn với lối so sánh, ví von, tượng hình, tượng thanh, lấp láy, điệp từ điệp ngữ, đảo ngữ, v.v. Chả thế mà lễ buộc vía thu hút được đông đảo bà con dân bản đến nghe. Những bài mo/áng mo ấy là cả một cuốn “bách khoa thư” về người Thái/dân tộc Thái.
Ngày nay, lễ buộc vía vẫn được bà con người Thái duy trì. Ở Lào buộc vía/buộc chỉ cổ tay được xem như là “quốc tục”. Tuy nhiên cũng cần tránh tổ chức những lễ buộc vía quá cầu kỳ, tốn kém, mất nhiều thời gian.