Cuộc sống đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Hồ Sỹ Hùy
14/4/2023
Tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành huyền thoại ngay khi còn đang tại thế. Đã có biết bao sách báo viết về ông cả trong & ngoài nước. Tuy vậy, cuộc sống đời thường của Đại tướng vẫn còn ít được biết đến.
1. Nhớ lại vào dịp Tết Canh Thìn năm 2000, khi có người muốn được đọc hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về chính mình thì ông đã từ chối: “Đời mình có gì đâu mà viết. So với Bác, với đồng bào, chiến sĩ, mình chỉ là một giọt nước nhỏ giữa đại dương mênh mông”.(1)Thật ra thì ông đã viết nhiều nhưng là kể cho người khác viết. Những cuốn hồi ký của Đại tướng xuất bản nhiều năm trước như:“Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường tới Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử”, “Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng” gần đây đã được tập hợp trong bộ sách đồ sộ Tổng tập Hồi ký của ông. Đó thật sự là những bộ sử sống động về hai cuộc kháng chiến thần kỳ của Việt Nam, nhưng đúng như nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: “ Đó là những trang hồi ký viết về Bác, về Đảng, về cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân. Đó là một giai đoạn hào hùng của dân tộc, là chuyện của lãnh tụ, của đồng bào chiến sĩ, là toàn bộ cuộc chiến tranh cách mạng được nhìn qua con mắt của vị tướng. Còn thực sự vị danh tướng ấy thế nào, số phận ra sao thì cho đến nay, vẫn chẳng có mấy ai biết”. (2)

Ảnh TL
2. Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25. 8. 1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một dòng họ lớn, có tiếng tăm tại làng An Xá. Quê ngoại ở thôn Mỹ Đức, xã Sơn Thủy cùng huyện.
Võ Nguyên Giáp chịu ảnh hưởng giáo dục gia đình sâu sắc. Bố là cụ Võ Quang Nghiêm, sinh thời là người sống giản dị, sáng nào dậy cũng ăn ba bát cháo hoa với cà và gọi là “sâm của nhà nghèo”. Nhiều năm cụ đã dùng thời gian nông nhàn để hành nghề thuốc Nam cổ truyền và dạy học cho lũ trẻ trong làng. Là một nhà Nho nên cụ dạy dỗ con cái rất nghiêm cẩn trong sinh hoạt gia đình và học hành, giữ gìn nề nếp gia phong của đạo Khổng. “ Đặt tên con là Nguyên Giáp, nhà Nho học tài thi phận này thầm mong ước con mình sẽ lập được thành tích sáng chói trong học tập, nhưng Võ Nguyên Giáp thì chỉ đăng ký tên mình vào hồ sơ xin học là Võ Giáp; về sau biết chuyện, ông cụ rất tức giận và bắt phải khai lại đúng như tên ông đã đặt: Võ Nguyên Giáp”. (3)

Ảnh TL
Năm tháng học chữ Nho không nhiều, nhưng những đạo lý học được trong các sách của Thánh hiền Nho gia đã trở thành nền tảng cơ bản có ảnh hưởng sâu sắc trong cả cuộc đời Võ Nguyên Giáp. Qua sách Ấu học tân thư, cậu được biết tới nhiều tấm gương quên mình để bảo vệ Tổ quốc, hình thành trong cậu niềm tự hào về các chiến công của cha ông trong quá khứ. Những giá trị đạo đức, nề nếp gia phong của đạo Khổng thấm nhuần trong con người cậu. (4)
Mẹ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bà Nguyễn Thị Kiên. Đại tướng giống mẹ như đúc, từ vóc dáng, gương mặt, đặc biệt đôi mắt sáng thông minh, hồn nhiên, nhân hậu, hiền lành nhưng cương nghị. Bà là một bà mẹ suốt đời chịu thương chịu khó, hy sinh cho sự nghiệp chồng con. (Chính Đại tướng cho biết việc khi còn là thanh niên, ông từng khước từ ý định cầu hôn của một gia đình Bá hộ trong làng. Gia đình này muốn gả con gái cho ông, đồng thời hứa cho ruộng cho nhà. Nhưng thân mẫu ông thì thương con nên không ép). Theo nguyện vọng của vợ chồng Đại tướng, năm 1952, bà ra Việt Bắc. Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, bà cùng gia đình về Hà Nội sống với con cháu cho đến khi qua đời năm 1961. (5)
3. Thiên tài quân sự & nhân cách cao thượng tuyệt vời của Đại tướng chịu ảnh hưởng sâu sắc truyền thống gia tộc nội ngoại & nền giáo dục gia đình, nhất là ảnh hưởng của song thân. Nhưng người Đại tướng chịu ảnh hưởng lớn nhất cả trong cuộc sống đời thường cả trong hoạt động cách mạng lại chính là người thầy vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của dân tộc: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Ảnh TL
Đầu tháng 6 năm 1940, lần đầu tiên Võ Nguyên Giáp được gặp Bác Hồ tại Công viên Thuý Hồ, Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam), lúc đó Bác với tên gọi là đồng chí Vương đã về đến Trung Quốc chuẩn bị tìm đường về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đại tướng từng bộc bạch: “Tôi được biết và ngưỡng mộ Người từ lúc mới giác ngộ cách mạng – từ lúc tôi 13-14 tuổi. Lúc đầu, được xem ảnh Bác, được đọc tác phẩm của Người; về sau tham gia các tổ chức cách mạng, lại được tiếp xúc với nhiều bài viết của Người. Lòng hâm mộ đối với Bác trong trái tim tôi lúc bấy giờ thật là không bờ bến. Và tôi hằng mơ ước có ngày được gặp nhà lãnh đạo nổi tiếng của cách mạng nước ta. Thế rồi, lần đầu tiên được gặp Bác, ấn tượng sâu sắc để lại trong tâm trí tôi là con người Bác sao mà giản dị thế. Bác gọi tôi là đồng chí, tôi gọi Bác là anh… Bác là một con người giản dị và vĩ đại, càng giản dị lại càng vĩ đại. Về sau, được sống và làm việc gần Bác, ấn tượng của buổi gặp mặt ban đầu ấy càng thêm sâu sắc, càng được khẳng định”. (6)
Bấy giờ vị lãnh tụ thiên tài chỉ quan sát dung mạo & qua trao đổi một số công việc đã phát hiện năng khiếu quân sự bẩm sinh của vị Đại tướng tương lai. Từ đó Người & Võ Nguyên Giáp gắn bó mật thiết với nhau trong hoạt động cách mạng và cả trong đời sống hàng ngày. Chính điều đó đã mang đến cho Đại tướng cơ hội để học tập từ Người nhân cách người cách mạng mà cao hơn hết và có tính khái quát hơn hết là hệ thống quan điểm, cũng đồng thời là triết lý sống của người làm tướng, để rồi trong cuộc sống đời thường, Đại tướng cũng giống như Người: càng giản dị càng vĩ đại!
Cuối năm 1944 Người giao cho ông nhiệm vụ thành lập và chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ngày 20.1.1948, Người ký Sắc lệnh số 110/SL, phong cấp hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp – Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ. Như vậy, từ một thầy giáo dạy sử, một nhà báo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành vị tướng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam. Được Đảng tin yêu, được Bác Hồ dẫn dắt, cả cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương về tinh thần “dĩ công vi thượng” (lấy việc công, tức việc Đảng, việc nước, việc dân lên trên hết) như lời Bác Hồ căn dặn. (7) Nếu ai đã từng nhiều lần tháp tùng Đại tướng đều nhận thấy rằng khi nói chuyện ông đều nói về tấm gương và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bao giờ cũng vậy, trong các buổi nói chuyện, ông đều nói về nhân cách, đạo đức làm người, lấy Bác Hồ làm tấm gương để soi chiếu, học tập. Một con người vĩ đại như Đại tướng mà sống cuộc đời bình dị, thanh bạch đến lạ thường. Ông không thích mọi người gọi mình là Đại tướng, chỉ muốn gọi là anh Văn, tên Bác Hồ đặt cho ông. Trong từng suy nghĩ, hơi thở của ông dường như luôn có hình ảnh Bác Hồ đi theo.
4. Xin ghi lại đây mấy đoạn ghi chép của những người từng có dịp gần gũi Đại tướng. Trước hết là những ngày ở Việt Bắc đầu những năm 1950 theo nữ nhà văn Thanh Hương, người bạn thân thiết của Đặng Bích Hà – phu nhân Đại tướng, kể: “Ngày ấy đi họp, đi công tác ngang qua khu vực cơ quan Bộ Tổng tư lệnh thế nào tôi cũng tranh thủ ghé vào và ở lại chơi với Hà vài bữa. Sinh hoạt gia đình anh Văn và Hà hết sức giản dị. Bữa cơm sạch sẽ, ngon lành nhưng rất bình thường, rau trồng được, trứng thì có gà nuôi sẵn, có bữa có đĩa thịt lợn hay thịt gà cũng là của cơ quan hay gia đình tăng gia. Anh Văn ăn chậm rãi, nói chuyện rất vui trong bữa ăn. Lúc Hà đã có các cháu nhỏ – Hòa Bình rồi Hạnh Phúc – cả nhà cùng ngủ trong một cái màn to chăng quá nửa một tấm giường bằng tre đan rộng cả nửa gian phòng. Tôi là khách có lần cũng được nằm trên một cái giường tre đan cạnh đấy. Buổi tối anh Văn thường làm việc bên phía cơ quan, về rất muộn. Đến 9-10 giờ đêm tắm táp xong anh còn ra phòng làm việc nghe anh thư ký báo cáo công việc và tin tức trong ngày…”( 8)
Còn đây là thời điểm những năm 1990. Theo cô con gái rượu của ông GS TSKH Võ Hồng Anh (1939 – 2009) cho biết: “Hàng ngày Đại tướng sống rất điều độ. Buổi sáng ông dậy sớm tập thể dục rồi đi bách bộ quanh khu vườn. Bảy rưỡi ăn điểm tâm. Mỗi bữa thường chỉ 1 bát xúp nhỏ, một lát bánh mì. Buổi trưa ông ăn rất ít. Tối cũng vậy, chỉ thêm bát xúp ngô với một ít rau tươi. Còn cơm, ông ăn không đầy một bát. Nhưng ngày nào ông cũng làm việc. Công việc vẫn bề bộn. Bắt đầu từ tám giờ sáng. Ông tiếp khách trong nước, quốc tế, hoăc dự hội thảo…Rồi thì ông đọc sách…” (9)
Bình thường, món ăn ưa thích của Đại tướng là thịt kho trứng. Về Quảng Bình, ông cũng rất ưa món bánh đa xúc hến của quê hương. Tuy vậy, có những bữa ăn thật giản dị trên đường công tác. Trong hồi ức của đại tá nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng “cũng dễ hiểu vì sao, trong một chuyến về thăm quê hương Quảng Bình, Đại tướng đã không ngần ngại cùng ăn trưa với một gia đình nghèo, mặc dù bữa trưa ấy chỉ có một đĩa khoai lang” ... (10)
5. Suốt hơn 40 năm làm việc cận kề Đại tướng, Đại tá Nguyễn Huyên (1931 – 2019) người trợ lý trọn đời của Đại tướng chưa bao giờ thấy ông to tiếng với vợ con. Mỗi lần có chuyện gì không hài lòng, Đại tướng thường rất nhỏ nhẹ nhắc nhở. Đọc sách báo là thói quen thường ngày của Đại tướng. “Ông luôn để đầu óc vận động kể cả khi đã về hưu rất nhiều năm. Khi không nhìn rõ chữ nữa, Đại tướng bảo chúng tôi đọc báo để ông nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội của đất nước”. Vị trợ lý lâu năm không ít lần kinh ngạc về trí nhớ siêu phàm của Đại tướng. “Việc gì cần nhớ, Đại tướng nhớ rất lâu nhưng việc gì không cần thì ông quên ngay. Có khi cấp bậc của nhiều vị tướng ông cũng không nhớ. Ông nhiều lần hỏi tôi: “Cấp bậc của cậu bây giờ là gì?”. Thế nhưng, những câu chuyện về Bác Hồ, những sự kiện trong chiến tranh… thì ông nhớ từng chi tiết…Ông Huyên còn cho biết: “Anh Văn sinh hoạt rất điều độ, chịu khó rèn luyện giữ gìn sức khỏe. Trước, Anh ngồi thiền 40-50 phút mỗi ngày. Đã vào tuổi đại thọ, nhưng Anh vẫn thường xuyên tập luyện khí công, tập dưỡng sinh, duy trì nề nếp nghe thời sự để vừa cập nhật thông tin, vừa rèn luyện trí óc".(11)
Và đây là lời Đại tướng căn dặn người lái xe Nguyễn Duy Khoa (phục vụ Đại tướng trong những năm 1979 – 1989) trong ngày đầu nhận nhiệm vụ: “Cậu ở đây thì hãy xem đây như là gia đình của mình vậy. Và đừng gọi là thủ trưởng hay xưng cháu, gọi bác gì cả. Mà hãy gọi là anh Văn, chị Hà cho dễ gọi và dễ làm việc". Còn đây là cảm nghĩ của người lái xe: “ Từ đó, Cụ cứ xưng tớ, gọi cậu một cách rất gần gũi. Con người của Cụ là vậy, luôn luôn gần gũi với mọi người, không phân biệt trên dưới, với ai Cụ cũng đối xử như với một người bạn, không có khoảng cách. Cụ điềm đạm lắm. Chưa bao giờ tôi thấy Cụ mắng giận, quát nạt một ai. Khi anh em chúng tôi có thiếu sót gì, Cụ chỉ nhắc nhở, chỉ bảo nhẹ nhàng, tạo điều kiện cho chúng tôi sửa chữa”. (12)
6. Là người của công việc, Đại tướng không thích trà rượu, chè thuốc, suốt đời chỉ uống nước chè xanh hoặc nước trắng vì cho rằng trà thuốc phải ngồi lâu, tốn thời gian.Theo cố Đại tá Nguyễn Huyên, vào thời điểm Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, có lúc Đại tướng làm việc với 16-17 trợ lý, mỗi người được ông giao một nhiệm vụ, theo dõi một lĩnh vực. Nhiều trợ lý là vậy nhưng theo ông Huyên, không ai nhàn rỗi cả, thậm chí còn luôn bị Đại tướng “quay như chong chóng”…Chúng tôi thường xuyên đi thực địa, làm các báo cáo, tìm hiểu tư liệu rất kỹ về các vấn đề được Đại tướng giao, bởi khi đã hỏi là ông hỏi rất sâu. Cho tới khi Đại tướng về hưu, những trợ lý của ông vẫn phải làm việc không có ngày nghỉ. Bản thân Đại tướng khi còn làm việc cũng không bao giờ có khái niệm về ngày chủ nhật- (16) Còn theo người con gái cả Võ Hồng Anh (1939 – 2009): “Cả cuộc đời, Ba tôi là người của công việc, của sự nghiệp chung. Đến nay, ở tuổi 93, mặc dù tất cả con cháu trong gia đình luôn nhắc ông phải đặc biệt ưu tiên số 1 cho sức khoẻ, Ba vẫn không ngớt dõi theo thế sự của thế giới và đất nước, và có những ý kiến đóng góp theo đúng nguyên tắc của Đảng và Nhà nước. Tôi nghĩ, đối với ông, tình cảm của nhân dân, của bạn bè, đồng chí, của người thân trong gia đình là phần thưởng quý giá nhất, là phương thuốc hữu hiệu cho sức khoẻ và tuổi thọ…
…Tôi nhớ mãi câu trả lời nhiều lần của ba, khi người ta hỏi về bí quyết của tuổi thọ và sự thanh thản: “Ít nghĩ về bản thân mình mà nghĩ nhiều về những gì mà mình đã làm được và có thể làm được cho sự nghiệp cách mạng, cho dân tộc mình, cho Tổ quốc”.(13)
Phương pháp dưỡng sinh độc đáo tuyệt vời của Đại tướng là như vậy! Theo Đại tá Trịnh Nguyên Huân thư ký của Đại tướng thì Đại tướng thích chạy bộ, chăm sóc cây vườn, ngồi thiền hay chơi đàn piano mỗi buổi chiều sau giờ làm việc. Tuy vậy, say mê công việc, ngay cả lúc đi bộ tập thể dục trong vườn nhiều khi ông cũng vừa đi vừa nghe tin tức thời sự.
Dù là người của công việc nhưng trong phòng tiếp khách của Đại tướng luôn rộn vang tiếng cười sảng khoái của bạn bè, đồng đội, người thân, nhân sĩ, trí thức, thường dân, chính khách trong và ngoài nước, kể cả những người từng một thời là đối thủ. Trong mọi hoàn cảnh, Đại tướng luôn lấy chữ "Tâm" làm đầu, lấy chữ "Nhẫn" làm trọng, cân bằng trong tâm thế: "Tri túc tâm thượng lạc. Vô cầu phẩm tự cao" như nội dung câu đối ông treo trang trọng trong thư phòng.(14)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng nói Đại tướng có đức tính mà nhiều người rèn luyện cũng khó có được: đó là sự giao cảm, mối quan hệ với tất cả mọi người, không kể cấp bậc, vị trí, quốc gia. Thật ra sự giao cảm đó chính vốn có nguồn gốc sâu xa từ sự giản dị mà vĩ đại! Ban đầu, người ta hơi sợ vì ông quá “đồ sộ” nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã có sự giao cảm, gần gũi như ông cháu, cha con hay giữa 2 người bạn thân tình. Tự thân những việc làm, lời nói, cử chỉ, sở thích... của Đại tướng toát lên một cách tự nhiên về sự vĩ đại và nhân cách cao cả của Người.
Trong gia đình, Đại tướng luôn là người chồng, người cha, người ông hết mực yêu thương vợ con và các cháu. Ngoài xã hội, Đại tướng gần gũi, thân tình với hết thảy mọi người, không phân biệt binh lính hay sĩ quan, thường dân hay các vị quan chức. Trở lại thăm Tây Bắc, Đại tướng là già bản của bà con người miền cao, chuyện trò với họ bằng tiếng dân tộc họ. Cánh rừng Mường Phăng nơi đặt sở chỉ huy của Đại tướng đánh tan giặc Pháp tại lòng chảo Điện Biên Phủ năm nào dân tin yêu gọi là cánh rừng Đại tướng.
7. Nhiều học giả từng nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và là học trò xuất sắc, gần gũi nhất của Bác Hồ, là người có công đầu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh (15). Trong bài Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa Việt Nam Đại tướng viết: “Chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn hóa. Không những nghiên cứu những bài nói, bài viết, cả kho tàng sáng tác đồ sộ mà Người đã để lại, kể cả về văn học, nghệ thuật, mà vấn đề cực kỳ quan trọng là đi sâu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa ngay trong cuộc đời hoạt động, trong cuộc sống hàng ngày của con người Hồ Chí Minh.” (16). Chính xuất phát từ gợi ý đi sâu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa ngay trong cuộc sống hàng ngày của Người của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà chúng tôi tìm hiểu cuộc sống đời thường của chính ông & từ đó đi đến kết luận ông là một tấm gương sinh động nhất về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Chú thích:
(1), (2), (9)Trần Đăng Khoa: Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sách Người thường gặp Nxb Thanh Niên. H.2001, tr.81, 82; 78.
(3) Phạm Hồng Cư: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2004, trang 56.
(4) Võ Nguyên Giáp. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
(5)http://www.hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/nguoi-me-tuyet-voi-cua-%C4%91ai-tuong-vo-nguyen-giap-23838-10.html; https://bacbaphi.com.vn/la-ai/me-dai-tuong-vo-nguyen-giap/).
(6) Đại tướng Võ Nguyên Giáp Nghiên cứu học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.510. (Bác Hồ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Sở Tài Chính/http://www.tcvg.hochiminhcity.gov.vn › posts › post.
(8) Thanh Hương: Bạn tôi Đặng Bích Hà (http://www.honvietquochoc.com.vn/bai-viet/4499-ban-toi-dang-bich-ha.aspx). Nhà văn Thanh Hương nguyên Tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam.
(10) Theo nhà văn Ngô Minh Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữa đời thường http://cadn.com.vn/news/65_142598_da-i-tuo-ng-vo-nguyen-gia-p-giu-a-do-i-thuo-ng.aspx); Nhà báo Hồng Khanh: Nhớ Đại tướng (https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/nho-dai-tuong-vo-nguyen-giap-554301.html).
(11) Mạnh Duy: Một đời cận kề đại tướnghttps://nld.com.vn/phong-su-ky-su/mot-doi-can-ke-dai-tuong-20120211 103045 684.htm).
(12)Chuyện người lái xe của Đại tướng (https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/chuyen-nguoi-lai-xe-cua-dai-tuong.htm).
(13)Tướng Giáp qua lời kể của con gái Võ Hồng Anh ( https://zingnews.vn/tuong-giap-qua-loi-ke-cua-con-gai-vo-hong-anh-post357922.html).
(14)Tri túc tâm thường lạc, Vô cầu phẩm tự cao ( Châm ngôn cổ. Nguyên văn chữ Hán: 知足心常樂 / 無求品自高: Biết đủ tâm tình luôn luôn vui vẻ, Không cầu phẩm giá tự nhiên cao quý.
(15) Với ba chuyên luận: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”, “Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh”, “Thế giới đổi thay, tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần quan trọng đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong thời kỳ mới. Từ năm 1991, Đại tướng nghỉ hưu nhưng vẫn làm chủ nhiệm đề tài: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”, kiêm cố vấn chương trình khoa học cấp Nhà nước về “Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh”; chủ biên tác phẩm Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam Nxb Chính trị quốc gia in lần đầu năm 1997, sau đó tái bản nhiều lần.
(16)Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong sách Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Ban tư tưởng văn hóa Trung ương. H.2003, tr. 110-111.