Trò Lề nét đặc sắc trong lễ hội đền Thượng xưa ở Quỳnh Lưu
Phan Thu Liên
7/4/2023
Đền Thượng là đền lớn ở Phú Nghĩa xưa (nay là xã Quỳnh Nghĩa), thờ các thành hoàng “Đế Thiên, Đế Thích, Thần Thông” và thần núi Cao Sơn Cao Các. Dân gian có thơ rằng:
Phú Minh, Phú Nghĩa, Phú Đa
Ba năm một hội dân ra vác cờ
Thông lệ, Lễ hội đền Thượng thường tổ chức 3 năm 1 lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Bắt đầu từ ngày 15 đến ngày 17 tháng Giêng âm lịch là lễ đại tế, rước thần từ đền Thượng về đình Trung giữa làng.
Sau phần lễ là phần hội tổ chức các trò chơi dân gian, đua thuyền thúng trên sông Mơ (Sông Đò Ông đoạn sông Lạch quèn qua thôn Phú Nghĩa Thượng) diễn tuồng chèo, hát ca trù, hát chầu thần; hát múa trống quân tại sân đền và diễn trò Lề. Trò Lề được xem là nét đặc sắc nhất trong lễ hội đền Thượng xưa ở nơi đây. Trò Lề hay có người cho rằng đó là trò lễ, trò được trình diễn trong lễ hội; có người cho rằng trò đó được trình diễn có lề thói, có quy củ. Người sáng lập ra trò lề ở làng Phú Nghĩa này là Trương Đắc Phủ. Ông là tổ sư nghề đóng thuyền ở làng Phú Nghĩa; Đây là một loại hình diễn xướng của cư dân vùng biển Quỳnh Nghĩa, có từ những năm cuối thời hậu Lê. Trò Lề không thoát thai từ hoạt động đánh bắt hải sản, chinh phục đại dương mà gắn liền với công trạng dẹp loạn phiến quân của Quân Quản - Vị Thành Hoàng đã khai sinh ra vùng đất này.
Đền Thượng - Quỳnh Nghĩa
Chuyện kể rẳng: Vào những năm cuối triều hậu Lê, đã có một cuộc nổi loạn ở làng Hóp (tỉnh Nam Định, có tên gọi là loạn Hóp). Dù cung vua, phủ chúa đã cử nhiều tướng giỏi cầm quân trị loạn nhưng đều thất bại. Lúc này, Trương Đắc Phủ (người làng Phú Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), vốn là cựu quan đã cáo hưu nhưng được triều đình triệu ra giúp dẹp loạn. Kế “độc” của vị chủ soái Trương Đắc Phủ đã thực thi để dẹp loạn là tổ chức một lễ cầu siêu cho những người chết trận và mở gánh hát biểu diễn vở “sỹ, nông, công, thương, ngư, tiều, canh, mục” do mình dàn dựng ngay cận kề vùng nổi loạn. Các vai diễn này đều do các cô gái trẻ đẹp thể hiện và diễn cả tuần liền. Sau một vài buổi diễn, quân loạn Hóp mê mẩn gánh hát mà bỏ doanh trại trốn đi xem, việc canh phòng bị buông lỏng. Lúc này, Trương Đắc Phủ đã tổ chức lực lượng bao vây doanh trại và bắt sống kẻ cầm đầu loạn Hóp, giải về triều đình… Tương truyền: nhờ chiến công này, Trương Đắc Phủ được vua phong tước hiệu Phó Quốc vương.
Sau khi bình loạn, Trương Đắc Phủ tổ chức nhân dân trong vùng khai khẩn vùng đất hoang ngay cạnh làng Phú Nghĩa để trồng lúa, dựng nhà. Khi về nghỉ ở quê muốn nhắc lại công lao dẹp giặc của mình, hàng năm cứ đến rằm tháng Giêng ông lại xuất tiền cho dân làng Phú Nghĩa làm lễ kỷ niệm và diễn lại chiến trận xưa. Theo thông lệ làng Phú Nghĩa Thượng (nay là xã Quỳnh Nghĩa) đóng vai quân triều đình; Phú Nghĩa Hạ (nay là xã Tiến Thủy) đóng vai quân Cà Hóp. Quân Cà Hóp bày thế trận “bát môm kim tỏa” các cửa đều có quân lính canh điếm đánh trống thùng thùng và gõ mõ, quân lính nai nịt gọn ghẽ, giáo mác trên tay đứng trong thế trận hai bên các cửa trận. Giữa trận là một bàn thờ (phần âm). Trận bày xong, quan âm làm tế lễ, sau đó dân làng Phú Nghĩa và các làng trong vùng cùng vào cúng lễ, kẻ cầu phúc, người cầu tự. Một điều bắt buộc là phải đi vào cửa Đông ra cửa Tây.
Những ngày bày thế trận, Phú Nghĩa Thượng đóng quân triều đình có tướng quân Trương Đắc Phủ đem quân đến đánh 3 lần, hai lần trước, quân hai bên ngang sức. Lần sau, khi giáp trận quân hai bên “đều mặc áo giấy”. Xong trận quăng hết. Đặc biệt là quân Hóp “được làm vua, thua về trẩy biển”, chạy xuống lạch Hàu không quay mặt lại rồi qua đò Hàu, tìm nơi nào đó ẩn tránh, ngày hôm sau mới quay về.
Hay nhất là khi đánh trận quân hai bên có ngựa có voi (voi làm bằng nan bốn chân là bốn người đi) khi lui khi tiến… làm cho lễ hội thêm phần náo nhiệt. Lễ hội đền Thượng, ngoài diễn lại trận đánh quân Cà Hóp trong ngày đại tế thì còn có các hoạt động lễ hội khác như hát múa trống quân, múa sênh tiền theo điệu nhạc bát âm; múa chèo cạn. Riêng trò “sỹ, nông, công, thương, “Ngư, tiều, canh, mục” thì suốt cả quá trình lễ hội đêm nào cũng diễn. Bên cạnh đó còn thêm các trò như kéo dao: kéo lửa bằng thanh tre đưa vào bễ, trò “đúc tượng”; tượng là một em bé ngồi im, trò “hàng thịt”, “hàng mít”, “hàng cá” trò “sư và đạo tràng”.v.v. kết thúc lễ hội là có màn bắn pháo bông, pháo hoa.
Người dân Quỳnh Nghĩa xưa từng quan niệm: Trong trận tái hiện cuộc giao tranh giữa Quân Quản và giặc Hóp, những người phụ nữ lấy chồng mà không sinh được con, nếu luồn qua được bụng con voi chiến (được làm bằng giấy bìa) thì sẽ có bầu và mang thai; Khi trận đánh kết thúc, những người tham dự trò Lề sẽ xông vào xé quần áo của người diễn trò hay vải, giấy để làm các chú voi, ngựa chiến. Nếu ai xé được mảnh vải hay giấy đó thì sẽ gặp may mắn suốt năm. Hoặc những miếng vải đó được may thành “bùa” cho trẻ em phòng tránh bệnh tật…
Tuy nhiên, sau năm 1946, do nhiều lý do, trò Lề dần bị mai một. Trong những năm gần đây, UBND xã Quỳnh Nghĩa đang tổ chức khôi phục lại trò Lề để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, tâm linh của đông đảo người dân trong vùng: Trò Lề được tái hiện trên cơ sở chọn lọc những nét tinh túy của nguyên bản. Phần diễn lại trận đánh sẽ không được tái hiện mà chỉ biểu diễn phần mô tả gánh hát của Quân Quản. Hiện chúng tôi đã sưu tầm được một số đoạn hát của các nhân vật trong gánh hát và đang luyện tập để chuẩn bị cho buổi biểu diễn trong 3 ngày 12 -13 -14 tháng Giêng; các vở diễn đều được thể hiện qua lối hát tuồng, hát chèo, cải lương trong nguyên bản thì khi khôi phục, nhiều phân đoạn, nhiều nhân vật sẽ được thể hiện bằng những điệu ví, giặm Nghệ Tĩnh; Sau khi khôi phục trò Lễ sẽ nghiêng về phục vụ nhu cầu giải trí, tạo tiếng cười, thư giãn cho người xem sau những tháng ngày lao động vất vả.
Lễ hội ở Phú Nghĩa vừa là lễ hội nông nghiệp vừa là lễ hội lịch sử được tổ chức công phu, hội tụ nhiều ý nghĩa: thể hiện trí thông minh, tinh thần thượng võ, ham thích nghệ thuật, đề cao lao động và người lao động, hâm mộ anh hùng, biết ơn những người có công, mong mỏi một cuộc sống thanh bình, no đủ… của người dân nơi đây.