Bác Hồ căn dặn Đại tướng Chu Huy Mân khi viếng đài Liệt sĩ Thái Lão
Trên con đường chiến đấu ở các vùng, miền, của đất nước Việt Nam, Đại tướng Chu Huy Mân có mặt ở Lai Châu, Điện Biên Phủ, chiến trường Lào, Đà Nẵng và Campuchia,… Dù ở đâu Đại tướng cũng luôn hướng về quê hương, giành cho Nghệ An tình cảm quý trọng, trong đó đọng lại ở đợt đi viếng đài liệt sĩ Thái Lão cùng với Bác Hồ trước khi đi chiến đấu ở Campuchia.
Đồng chí Chu Huy Mân sinh ngày 17/3/1913 ở làng Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh). Là địa phương có truyền thống yêu nước sớm, bản thân đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1929. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của xứ ủy Trung Kỳ, tỉnh bộ Nghệ An, tỉnh bộ Vinh - Bến Thủy, Chi bộ Đảng làng Yên Lưu thành lập tháng 9/1930 đã chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Làng Yên Lưu đã thành lập Đội tự vệ Đỏ 30 người do ông Trần Vương làm đội trưởng, đồng chí Chu Huy Mân làm đội phó tự vệ, ông Nguyễn Hợp (Quyền Hợp), Hồ Căng chỉ huy luyện tập tự vệ. Trong những ngày Xô Viết, nhân dân Yên Lưu đã tổ chức các cuộc biểu tình, thị uy chống bọn thực dân phong kiến. Đồng chí Chu Huy Mân chỉ huy tự vệ Đỏ kéo đến nhà Phó Đoàn, Lý trưởng, bắt Phó Lý phải bãi chức, thừa nhận chính quyền Xô Viết. Lý trưởng phải đưa sổ sách, triện bạ ra nộp cho Cách mạng. Cuối năm 1930 đến giữa năm 1931 là thời kỳ địch khủng bố trắng. “Tháng 6/1931 Bang tá Võ Quý Công cùng tay chân đi vây ráp Cộng sản. Chúng chặt tre ngâm nước mắm, đánh đập dã man những người chúng nghi là Cộng sản, tự vệ. Lần đầu chúng bắt 50 người, đa phần là cốt cán và những người ủng hộ Cách mạng. Chúng bắt hàng chục người phải ký vào giấy xin quy thuận, nghĩa là chịu sự đầu hàng bọn quan lại, tay sai của thực dân Pháp ở địa phương. Đêm đầu tiên chúng tra khảo 40 người rồi cho về. Đêm thứ hai còn lại 10 chiến sĩ tự vệ, trong đó có Chu Huy Mân. Nhận thấy những người nông dân, các chiến sĩ tự vệ chống lại lệnh quan trên, Chu Huy Mân cảm thấy căm tức bọn quan lại, tụi chó săn. Sau một giây suy nghĩ anh kiên quyết không ký vào giấy quy thuận, chúng lại đánh tiếp. Hành động gan dạ của người đội phó tự vệ đã làm cho quần chúng tin tưởng, khâm phục người đảng viên trẻ quê hương” (1). Lúc đó Chu Huy Mân vừa tròn 18 tuổi đời.
Ảnh Tư liệu
Cuối năm 1939, Chu Huy Mân bị địch bắt bỏ tù vào nhà lao Vinh. Năm 1940 đồng chí bị đày lên ngục Đắc Lây ở Con Tum. Một thời gian sau đồng chí thoát khỏi nhà tù tiếp tục hoạt động rồi phục vụ trong quân đội.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh do đồng chí Đặng Thắng Châu làm Giám đốc giao nhiệm vụ cho tôi ra Hà Nội gặp Đại tướng Chu Huy Mân báo cáo về việc chuẩn bị tọa đàm tự vệ Đỏ trên địa bàn hai tỉnh. Vào nhà Đại tướng phải qua một vọng gác, ở đó có vị Đại tá chỉ huy. Sau khi nghe tôi trình bày tổ chức tọa đàm tự vệ Đỏ, Đại tướng hoàn toàn đồng ý và sẽ vào dự cuộc họp quan trọng này. Ngày 16/12/1994, Đại tướng đã vào đến Quân khu 4. Sáng ngày 17/12/1994, Đại tướng có mặt tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Dự tọa đàm có các vị: Đ/c Nguyễn Bá - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Đ/c Bạch Hưng Đào - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Đại diện Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Đ/c Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Tư lệnh Quân khu 4, Thiếu tướng Cao Xuân Khuông - Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Nghệ An, Lãnh đạo Sở Văn hoá Thông tin cùng 21 chiến sĩ tự vệ Đỏ trên địa bàn hai tỉnh. Xe của Ban tổ chức các Huyện ủy cũng đã chở các cụ tề tựu đông đủ.
Trong không khí bồi hồi xúc động, Đại tướng Chu Huy Mân nhìn khắp lượt các đại biểu, các cụ lão thành rồi phát biểu: “Tự vệ Đỏ còn gọi là Thanh niên xích vệ đội ra đời trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Lúc bấy giờ chúng ta đang tuổi thanh xuân hăng say lao vào cuộc kháng chiến cách mạng. Chân lý không có gì quý hơn độc lập tự do thấm sâu vào lòng người dân Nghệ Tĩnh cũng như nhân dân cả nước. Cuộc gặp mặt của chúng ta hôm nay, chắc chắn chưa đủ mặt tất cả các đồng chí tự vệ Đỏ cách đây 64 năm. Chúng ta vô cùng xúc động nhớ tới các đ/c tiền bối đã đi xa, những đ/c quên mình vì nghĩa lớn. Chúng ta xin gửi tới tất cả các đồng chí và gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình thương bệnh binh, đặc biệt là các mẹ Việt Nam anh hùng lời chào hỏi thân thiết nhất” (2).
Khu Di tích liệt sĩ XVNT ở Thái Lão, Hưng Nguyên (Ảnh Báo Nghệ An)
Trong đợt về thăm quê, sáng 9/12/1961, theo đề nghị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, Bác Hồ trên đường vào Hoàng Trù, Kim Liên đến thắp hương kính viếng hương hồn các chiến sĩ Xô Viết đã hy sinh ngày 12/9/1930 tại Thái Lão. Đứng trước Đài tưởng niệm các liệt sĩ, Bác Hồ trầm ngâm nói với các đ/c cùng đi: “Bác đến viếng Đài liệt sĩ 12/9 với tư cách là một người con đi xa, nay trở về thăm quê”. Đứng trước toàn cảnh Đài tưởng niệm liệt sĩ, Bác ân cần dặn dò các đ/c cùng đi: “Máu đào của các liệt sĩ hy sinh trong phong trào XVNT, đã tô thắm lá cờ của Đảng. Cán bộ và nhân dân phải xây dựng và bảo vệ khu vực này thành một khu di tích lịch sử cách mạng”.
Sau khi nhà trưng bày khu di tích Kim Liên đã xây dựng xong (1970), trong phần nội dung trưng bày Bác Hồ với quê hương Nghệ An có treo trang trọng tấm ảnh Bác Hồ đang kính viếng hương hồn các liệt sĩ Thái Lão.
Vào năm 1971, đồng chí Chu Huy Mân trên đường vào chiến trường Campuchia có vào tham quan khu di tích Kim Liên. Cán bộ thuyết minh hướng dẫn đ/c Chu Huy Mân viếng các di tích và nhà trưng bày về Bác Hồ.
Đồng chí Chu Huy Mân trong bộ quần áo màu nâu, may theo kiểu bà ba Nam bộ, đầu đội mũ tai bèo, chân đi dép cao su, nói: “Trên đường vào chiến trường Campuchia, hôm nay tôi về đây tham quan các di tích quê hương Bác Hồ để lấy thêm sức mạnh”.
Sau khi nghe thuyết minh giới thiệu tóm tắt nội dung bức ảnh Bác Hồ viếng Đài liệt sĩ XVNT ở Thái Lão. Đ/c Chu Huy Mân xúc động bồi hồi kể lại câu chuyện có nội dung rất mới mẻ. Hôm đó ngồi xe với Bác Hồ đi vào Đài tưởng niệm có đ/c Nguyễn Khai - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Tổ chức Trung ương; Đ/c Võ Thúc Đồng - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Đ/c Chu Huy Mân - UVTW Đảng, Chính ủy Quân khu 4, Bí thư Đảng ủy Quân khu. Trước khi xe ô tô chuẩn bị vào cổng Đài tưởng niệm, Bác Hồ ngoảnh lại nói: “Các chú nhớ không được đưa việc này lên Báo, lên Đài”. Khi làm lễ viếng xong, xe sắp ra khỏi cổng Bác lại dặn: “Các chú nhớ không được đưa việc này lên Báo, lên Đài”. Khi xe ô tô chạy qua được một đoạn, Bác lại ngoảnh lại dặn một lần nữa. Lần này Bác hỏi: “Các chú đã hiểu rõ chưa?”. Đ/c Chu Huy Mân mới thưa với Bác là chưa hiểu hết lời căn dặn của Bác. Bác ôn tồn nói: “Việc này không có trong lộ trình Bác về thăm quê hương, nhưng lãnh đạo Tỉnh đề nghị Bác vui vẻ nhận lời. Nếu đưa việc này lên báo, lên đài sẽ biến thành thông lệ khi Bác về làm việc với một địa phương nào thì phải đến viếng Đài liệt sĩ của địa phương đó. Nếu Bác không làm, có người sẽ nói Bác thiên vị liệt sĩ quê hương Bác” (3). Nghe nói vậy chúng tôi mới hiểu được mức độ tình cảm sâu nặng, tầm trí tuệ minh mẫn lớn lao của Bác đối với quê hương Nghệ An.
Sự kiện đặc biệt quan trọng này đã làm cho ý nghĩa lịch sử của Đài tưởng niệm các liệt sĩ XVNT ở Thái Lão càng tăng thêm giá trị, đảm bảo sắc thái quê hương xứ Nghệ.
Dự án bảo tồn, tôn tạo khu Di tích liệt sĩ XVNT ở Thái Lão là rất cần thiết và quan trọng. Thông báo số 429 ngày 22/10/2007 của Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ rõ: Yêu cầu các cấp ủy Đảng tập trung chỉ đạo, tranh thủ ý kiến của cán bộ, ban, ngành ở Trung ương và ý kiến của nhân dân để đẩy mạnh tiến độ, đảm bảo chất lượng, tạo sự đồng thuận trong quần chúng.
Hôm nay đồng chí Chu Huy Mân đã đi xa, nhưng những cống hiến của Đại tướng cho quê hương, đất nước mãi mãi trường tồn cùng lịch sử. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của vị Đại tướng huyền thoại, chúng ta nguyện tiến bước dưới lá cờ của Đảng, học tập đạo đức phong cách Hồ Chí Minh để đưa đất nước ta tiến lên.
Chú thích:
1. Lịch sử xã Hưng Hòa, thành phố Vinh. NXB Nghệ An năm 2002, trang 34,41;
2. Theo bản tốc ký lời phát biểu của Đại tướng Chu Huy Mân tại cuộc gặp mặt 21 chiến sĩ tự vệ Đỏ ngày 17/12/1994 ở Bảo tàng XVNT;
3. Nghệ An toàn chí (Tập 2). NXB Nghệ An 2015, trang 521-522.