Nghề nuôi hươu Quỳnh Lưu
Phước Huệ
6/4/2023
Hươu là động vật quý, sống hoang dã ở sâu trong đại ngàn Trường Sơn huyền thoại. Hươu sao Việt Nam được thuần dưỡng và nuôi tại nhà bắt đầu từ thế kỉ XVIII tại vùng núi Hương Sơn, Hà Tĩnh. Tương truyền rằng, vào thế kỷ XIV, nước ta có một danh y tên Nguyễn Bá Tĩnh. Ông sống ở chùa nên lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Ông được hậu thế suy tôn là Tiên thánh của ngành thuốc Nam. Trong cuộc đời chữa bệnh cứu người của mình, ông đã nghiên cứu rất nhiều y thuật và các bài thuốc quý, trong đó có nhung hươu. Tuệ Tĩnh cho rằng nhung hươu được đứng vào hàng tứ thượng dược đại bổ gồm: Sâm - Nhung - Quế - Phụ, có tác dụng bổ huyết, sinh tinh, tăng cường sinh lý, bổ thận, thích hợp cho người mắc chứng suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể… Nhung hươu khi ấy chỉ được dùng cho vua chúa, quan lại, tướng lĩnh trong trriều đình.

Nghệ An là tỉnh được biết đến là một trong những địa phương nuôi hươu đầu tiên trong toàn quốc, trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Ở Quỳnh Lưu nghề nuôi hươu lấy nhung đã có từ lâu đời và được phát triển mạnh những năm gần đây. Đây là một nghề chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết công ăn việc làm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Hiện nay, nuôi hươu lấy nhung có ở nhiều địa phương nhưng hươu sao nuôi ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) vẫn được đánh giá có chất lượng tốt nhất cả nước, đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Nhung hươu Quỳnh Lưu” và được công nhận là sản phẩm OCCOP.

Chưa tìm được tài liệu gốc nào nói về lịch sử xuất hiện của nghề nuôi nhung hươu ở Quỳnh Lưu. Tuy nhiên, theo ghi chép cũng qua trí nhớ của những người cao tuổi ở xã Tiến Thủy (xưa được gọi là Phú Nghĩa), xã đầu tiên nuôi hươu của huyện Quỳnh Lưu thì nghề nuôi hươu đã có khoảng từ những năm 1920. Nhưng thời gian đó, người dân nuôi hươu với mục đích chính là để lấy nhung, bởi nhung được xem là 1 trong 4 vị thuốc dân tộc quý nhất: “Sâm, nhung quế phụ”. Tuy nhiên, trước đây chỉ có nhà giàu có mới nuôi được huơu và sử dụng nhung vì rất đắt đỏ từ con giống đến sản phẩm.
Những năm 1990, nghề nuôi hươu đặc biệt phát triển ở huyện Quỳnh Lưu và huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Con hươu đắt một cách khủng khiếp nên chỉ có những gia đình giàu có, khá giả mới dám đầu tư vốn liếng để nuôi hươu. Giá một con hươu cái sinh sản lúc bấy giờ ít nhất 80 - 90 triệu đồng/con. Hươu đực trưởng thành từ 50 - 60 triệu đồng/con. Hươu con mới đẻ 3 tháng được bán với giá tới trên dưới 36 triệu đồng/con cái; con đực cũng 25 đến 30 triệu đồng/con. Thời kỳ này, hươu được người dân xem là tài sản có giá nhất của họ, người ta chăm chút, lo cho nó như chăm sóc đứa trẻ sơ sinh. Để tránh rủi ro người nuôi hươu tại 2 huyện nói trên đã tự phát hình thành "Hội những người nuôi hươu" và đưa ra một giải pháp là nhiều gia đình cùng chung nhau mua một con hươu và góp công, góp của vào cùng nuôi (dù họ đủ sức để mua 1 - 2 con một lúc) theo phương thức lời cùng ăn, lỗ cùng chịu. Theo đó, hộ nào nhiều vốn thì mỗi con họ đầu tư một chân hươu (1/4 con), hộ nào ít vốn thì chỉ dám đầu tư mua 1 móng hươu (1/8 con). Những hộ đầu tư tiền mua 1/4 con thì mỗi tháng phải nộp 20 kg ngô hạt và mấy tạ thức ăn xanh… Mỗi khi hươu cái đẻ, hoặc hươu đực đến kỳ cắt lộc nhung là cả nhóm dựng rạp, mổ lợn, gà mời bà con trong xóm tới ăn mừng…

Tuy nhiên, cơn sốt hươu những năm này chủ yếu là sốt con giống, đã đẩy giá con giống hươu lên rất cao. Sau đó, khi cơn sốt con giống hạ xuống, con hươu trở lại với giá trị đích thực của nó là lấy nhung làm dược liệu. Trên dưới mười năm nay nghề nuôi hươu phát triển ổn định và khá bền vững.
Theo quyển “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” tập 2, mục 21 trang 403 của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có ghi rõ công dụng của nhung hươu là vị thuốc dùng để chữa các chứng như: Tinh huyết suy kém, gân xương đau dật, đỏ da thắm thịt đẹp nhan sắc, cường dương chủng tử, giải khí năng giải khát. Chữa nhức đầu do thấp nhiệt, trừ giã nhiệt thuộc dương hư, phát sốt do âm hư, thiên khô co rút. Đàn ông di tinh, đái đục, phụ nữ bạch dâm, bạch đái. Huyết khô, kinh bế. Có thai nhiệt quá tổn thương đến thai, sau khi đẻ mất nhiều máu sinh khát, tự ra mồ hôi, ra mồ hôi trộm. Hết các thảy chứng về khí hư, các chứng về huyết.
Nhận thấy công dụng tuyệt vời của nhung hươu, ngoài việc khai thác nguồn nhung hươu trong tự nhiên, rất nhiều nước người dân đã biết nuôi hươu để lấy nhung, như ở Nga, Trung Quốc, Úc, Mỹ, New Zeland…
Theo Tây y, nhung hươu có tác dụng làm tăng khả năng miễn dịch, hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, chống viêm, giảm đau, kháng khuẩn, kháng virus, chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa, giảm căng thẳng, mệt mỏi, chống loãng xương, tăng sức mạnh cơ bắp, kích thích tiêu hóa. Khi dùng nhung hươu liều mạnh gây hạ huyết áp, làm tim co bóp mạnh, đập nhanh, giật cơ, co giật hay đông huyết.
Theo nhiều hộ dân chăn nuôi hươu nhiều năm ở Quỳnh Lưu cho biết, hươu là loại động vật dễ nuôi, thức ăn dễ kiếm, dễ trồng như cỏ voi, các loại lá cây, rau khoai, lá và thân cây ngô non, chuối… Đặc biệt, rất ít thấy hươu bị các loại dịch bệnh như lợn, gà, trâu, bò… Có điều người chăn nuôi hươu cần biết, đó là vào mùa xuân từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau con hươu vào độ nẩy lộc nhung, các hộ chăn nuôi phải chủ động trồng nhiều cỏ voi và tích trữ nguồn thức ăn dự phòng để đảm bảo đủ nguồn dinh dưỡng cho lộc nhung phát triển đạt được cả trọng lượng và chất lượng lộc nhung tốt nhất.
Nhận thấy chăn nuôi hươu là một lợi thế, một nghề đem lại nguồn thu nhập lớn cho bà con nông dân, UBND huyện Quỳnh Lưu xác định và lựa chọn hươu là vật nuôi trọng điểm trong nông nghiệp hiện nay của huyện. UBND huyện chỉ đạo các xã và HTX NN khuyến khích, động viên mỗi gia đình đầu tư chăn nuôi từ 1 - 2 cặp hươu nhằm vừa tận dụng phụ phẩm từ sản xuất nghiệp, nhất là sản xuất vụ đông để chăn nuôi, vừa tăng thêm thu nhập cho người dân. Để khuyến khích mở rộng đàn hươu, UBND huyện có chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt cho những hộ chăn nuôi thêm có từ 20 con hươu trở lên 5 triệu đồng/hộ.
Được UBND huyện khuyến khích, dân hưởng ứng, vài năm nay phong trào chăn nuôi hươu ở Quỳnh Lưu phát triển mạnh. Theo Báo cáo tại Đại hội thành lập Hội sản xuất và Kinh doanh Nhung hươu Quỳnh Lưu năm 2021 hiệp của huyện, tính đến thời điểm hiện nay toàn huyện Quỳnh Lưu đã có trên 16.000 con hươu, với trên 5.500 hộ nuôi từ 3 con trở lên; có 3 trang trại nuôi hươu quy mô lớn từ 100 đến 150 con trở lên. Tập trung chủ yếu ở các xã; Quỳnh Yên, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng, Tân Thắng, Quỳnh Châu… Riêng xã Quỳnh Yên một xã đồng bằng vùng trọng điểm lúa của huyện dã có hàng chục hộ nuôi hươu với hơn 1000 con. Sản lượng lộc nhung hươu thu được chung toàn huyện bình quân mỗi năm từ 8-10 tấn, tương đương với giá trị trên 10 tỷ đồng. Để duy trì và giúp đỡ lẫn nhau trong nghề chăn nuôi hươu ngày càng phát triển tốt. Mỗi xã có chăn nuôi hươu thành lập một tổ hay một nhóm hợp tác chăn nuôi hươu, các xã trong huyện thành lập câu lạc bộ chăn nuôi hươu với mục đích đổi kỹ thuật chăn nuôi, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm, cùng nhau trao đổi mua, bán và cung cấp con giống trong nội bộ, trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Mặc dù có từ lâu đời, tổng đàn lớn và cho thu nhập cao và khá ổn định, thế nhưng nghề nuôi hươu ở Quỳnh Lưu và Hoàng Mai vẫn còn nhiều khó khăn bất cập. Nguồn giống nuôi chưa được tuyển chọn một cách khoa học; quy trình nuôi cũng như việc khai thác nhung hươu chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, thiếu nghiên cứu một cách khoa học; sản phẩm chưa da dạng, chủ yếu là bán nhung tươi, thiếu chế biến và tinh chế sâu. Đặc biệt, mặc dù là một sản phẩm quý, có danh tiếng tốt trên thị trường, nhưng hàng chục năm nay Nhung hươu Quỳnh Lưu chưa được quan tâm xây dựng thương hiệu, việc quản lý chất lượng và phát triển thị trường còn rất hạn chế. Do đó, cần có một tổ chức tập thể có đủ chức năng chứng nhận, kiểm định,… để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường với thương hiệu “nhung hươu Quỳnh Lưu”. Mặt khác, quy định của pháp luật về nhãn hiệu chứng nhận là hết sức chặt chẽ, đặc biệt chủ thể quản lý thường là do cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp đảm nhận. Điều này cho thấy các sản phẩm được cấp nhãn hiệu chứng nhận sẽ được quản lý về chất lượng và xuất xứ chặt chẽ hơn. Điều này rất phù hợp với việc quản lý những nhãn hiệu mang địa danh, do người dân, mà phần lớn là các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, với quy mô còn nhỏ lẻ và manh mún. Do vậy, việc lựa chọn hình thức “nhãn hiệu chứng nhận” để đăng ký bảo hộ cho sản phẩm nhung hươu là phù hợp.
Trước những khó khăn, bất cập đó, sau 3 năm nỗ lực xây dựng, được sự hỗ trợ hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ, cùng các ban, ngành, nhung hươu Quỳnh Lưu đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Nhung hươu Quỳnh Lưu”. Việc được công nhận nhãn hiệu “Nhung hươu Quỳnh Lưu” rất có ý nghĩa, nhằm nâng nâng cao giá trị sản phẩm nhung hươu của huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân vùng sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhung hươu của 2 địa phương trên. Hội Sản xuất và Kinh doanh nhung hươu Quỳnh Lưu được thành lập trở thành tổ chức có vai trò, nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn và giám sát việc sử dụng nhãn hiệu “Nhung hươu Quỳnh Lưu” cũng như hỗ trợ, chia sẻ nhau trong việc chăn nuôi hươu và sản xuất, chế biến sản phẩm nhung hương cho các hộ chăn nuôi và sản xuất hươu trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu và Hoàng Mai.
Sản phẩm nhung hươu Quỳnh Lưu hiện có nhung tươi sơ chế đóng gói hút chân không và nhung tươi ngâm rượu... Tuy nhiên, hiện nay Công ty cổ phần Khoa học xanh HIDUMI Pharma đã đứng ra thu mua, sản xuất, chế biến thêm các sản phẩm rất được các khách hàng ưa chuộng như: Nhung hươu khô tán bột, rượu nhung hươu đông trùng hạ thảo - dược liệu… Công ty cũng đã thu mua, chế biến sản xuất nên người nuôi hươu của 2 địa phương trên yên tâm để chăn nuôi hươu, góp phần tăng giá trị kinh tế cho nghề này.
Với đà này, trong tương lai gần Quỳnh Lưu sẽ là huyện có tổng đàn hươu nhiều nhất không những trong tỉnh Nghệ An mà là cả nước.