Vài nét về dân ca Thái cổ
Phạm Thu Liên
30/3/2023
Quỳ Châu không chỉ được biết đến là vùng đất cổ gắn liền với sự tích lập bản, dựng mường; nơi đây còn là cái nôi của các làn điệu dân ca Thái cổ của đồng bào vùng núi miền Tây xứ Nghệ. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc biệt là các làn điệu dân ca Thái cổ: nhuôn, xuối, lăm, khắp được lớp lớp các nghệ nhân dân gian gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ngay từ thuở ấu thơ, các nghệ nhân nơi đây đã được đắm mình trong những làn điệu dân ca sâu lắng của bà của mẹ; trong những dịp lễ hội của bản, của mường đã khiến những thế hệ nghệ nhân nơi đây mê mẩn và có một tình yêu sâu nặng với dân ca dân tộc Thái quê mình.
Từ yêu thích hát đến niềm đam mê sưu tầm, rất nhiều những làn điệu dân ca cổ của người Thái đã được thế hệ các nghệ nhân lưu giữ, nâng niu, trân quý như báu vật trong suốt thời gian qua. Mặc dù không được đào tạo bài bản trong các trường nghệ thuật, nhưng bằng khả năng am hiểu về âm nhạc, các thế hệ nghệ nhân nơi đây không những hát hay, sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ mà còn sáng tác được nhiều làn điệu dân ca, tiêu biểu như nghệ nhân Vi Văn Mai, nghệ nhân ưu tú Sầm Thị Phong, nghệ nhân ưu tú Sầm Thị Xanh - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Thái của Bản Hoa Tiến 2 (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu)... Với nghệ nhân ưu tú Sầm Thị Xanh thì ngay từ nhỏ bà đã được mẹ truyền dạy cho các làn điệu dân ca Thái. Tình yêu lớn dành cho các làn điệu dân ca Thái cùng với năng khiếu vốn có, bà nhanh chóng tiếp thu và làm chủ các làn điệu để trở thành nhân tố không thể thiếu trong các cuộc văn nghệ của bản làng và tham gia biểu diễn, dự thi tại nhiều hội thi văn nghệ do huyện, tỉnh tổ chức và đã thu về nhiều giải thưởng cao quý. Dưới sự dìu dắt của Nghệ nhân ưu tú Sầm Thị Phong, bà đã được truyền dạy nhiều kiến thức để hiểu sâu hơn về các làn điệu, về lời ca, về cách diễn xuất và những làn điệu cổ cần được bảo tồn và lưu giữ. Bản thân bà đã cố gắng sưu tầm, lưu giữ lại những tác phẩm cổ như: Hắp lai Khủn Chưởng, Lai Lông Mương, Lai Lưu Xiên, Lia Nộc Yêng, Lai khủn Tinh, khủn Chưởng. Ngoài ra, bà còn thành thạo các điệu suối, nhuôn để hát giao duyên, hát chúc mừng, hát tự sự, hát tỏ tình.
Không chỉ đam mê đưa dân ca Thái Qùy Châu đi nhiều nơi bằng tiếng hát và nghệ thuật trình diễn của mình, nghệ nhân Sầm Thị Xanh còn ấp ủ giấc mơ bảo tồn, phát triển và nhân rộng những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Từ đó bà đã trở thành người truyền dạy cho nhiều thế hệ trong gia đình, dòng họ, trong CLB Bảo tồn văn hóa Thái của xã và cộng đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, bà Sầm Thị Xanh đã tham gia truyền dạy cho 5 lớp của địa phương tổ chức với số lượng người học hơn 500 người. Đặc biệt, tại Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Thái do bà làm Phó Chủ nhiệm, dưới sự dìu dắt của mình đã có nhiều người trưởng thành, gắn bó và đam mê với những làn điệu dân ca.

Hát múa dân ca Thái trong Lễ hội Hang Bua, Qùy Châu
Có thể nói trong các làn điệu dân ca Thái, “nhuôn” là một điệu hát rất phổ biến. Đồng bào thường hát mỗi khi có cuộc vui, uống rượu cần. “Nhuôn” có 2 loại “Nhuôn cu mún” và “nhuôn tọ bẹ” để hát đối đáp, giao duyên. Nhạc điệu “nhuôn” rõ ràng, sôi nổi. Vì vậy các thầy mo hay dùng để gọi vía, đuổi ma. Nhất là khi tổ chức các lễ hội dân gian như lễ hội “Xăng khan”, hội “Ký xa”, hội “Hấp quái”. Mọi người bắt đầu uống rượu, hòa trong không khí đó là hát nhuôn (dân ca), đệm tiếng cồng chiêng rộn rã của các “bảo tồn xáo khóa”, tạo nên không khí rộn ràng vui tươi.
Trong khi đó “xuối” có đặc trưng riêng là đơn giản hơn trong quá trình thể hiện, bởi “xuối” thường được hát một mình, có khi không có người hát đối lại, không có pí thổi đệm theo nhưng người hát vẫn cứ “xuối”, giống như những tiếng nói được cất lên để giải tỏa những tâm tư, uẩn khúc của cõi lòng mình. “Xuối” cũng có nhiều loại như “xuối hàu lần hầu khẩn” một điệu hát có người kể chuyện giống như hát ví của người Kinh. Điệu này cũng thường được hát ở các cuộc vui, có đông người tham gia. Trai, gái chia thành 2 phe hát đối đáp thi tài với nhau, có khi kéo dài suốt đêm vẫn không hết chuyện. “Xuối chà làng” là điệu hát ứng tác để kể chuyện cho nhiều người nghe theo kiểu văn chầu như độc tấu, ngâm thơ ở miền xuôi.
Điệu “xuối pay hày” vui nhộn, hồ hởi làm cho mọi người quên đi mệt nhọc khi lao động. Đặc biệt đồng bào còn có điệu “Xăng xáo” là một điệu hát giàu chất trữ tình, nhạc điệu du dương, man mác, thiết tha. Các chàng trai hay cô gái thường thổ lộ tâm tình cho nhau bằng điệu nhạc này.
“Lăm” lại là một điệu hát luôn luôn có khèn đệm theo. Nếu không có người đệm khèn thì người “lăm” phải hát thưa trước vài lời để nói rõ lý do vì sao phải hát chay. “Lăm” cũng có hai loại: “Lăm tền còn” và “Lăm đớt đời”. “Lăm tền còn” phải vừa hát vừa đi nhảy theo nhịp điệu của người thổi khèn. Ngược lại “Lăm đớt đời” là lối hát thong thả khoan thai, tùy hứng và khèn đệm theo cũng phải thổi theo cảm hứng của người “lăm”. Thông thường khi tâm trạng vui thì người ta “lăm” theo điệu “tền còn”, khi buồn người ta lại “lăm” theo điệu “đớt đời”. Riêng người Thái nơi đây còn phổ biến điệu “Lăm Lào”: “Ớ chàng trai đó ơi em không hát được lăm-tơi; Vui đêm nay dưới trăng sáng đôi ta biết nhau đây; Lòng em theo tiếng khèn, ca lên bài hát lăm-tơi; Anh ơi tiếng suối reo như cùng hòa theo bao lời (ô chò men cuâng phi nọng bo khắp tòng lăm tơi; búa đơm tàn mên chăng thừa ma phúc ai; phu hụ ma phúc lọng; phù ni chung lăng tơi; ơi say khặp bo chung lăng kheng mây mây zá sụ lây nọng đơ ái ơi…).
“Khắp” là điệu hát phổ thông của đồng bào Thái. Những câu “khắp” như mạch nguồn cảm xúc, cất lên từ hiên nhà sàn, theo lời ru mẹ đưa nôi. Câu “khắp” như làn gió đưa trên nương, dưới ruộng, câu “khắp” vang vọng những cánh rừng, nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ lớn lên... “Khắp” Thái đa dạng thể loại, cách diễn xướng phong phú, mỗi làn điệu trong “khắp” là một sắc thái khác nhau, diễn tả trọn vẹn về cuộc sống, tình cảm, về hiện tại và những ước mơ với ca từ thiết tha, sâu lắng, đi vào lòng người. Các nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Thái lại có những điệu hát riêng như: “khắp” mừng xuân, “khắp” mừng nhà mới, “khắp” mừng thọ, “khắp” mo bản, mo mường, hát mo tang lễ, “khắp” chá (hát trong hội Hết Chá). Nhưng phổ thông nhất trong “khắp” Thái là làn điệu “khắp” xư, thể loại này giống với ngâm thơ, vịnh thơ của người Kinh. Câu “khắp” được lấy nội dung từ những truyện thơ nổi tiếng của dân tộc mình kết hợp với vần điệu, luyến láy, tiết tấu tự do để mang cảm xúc vào mỗi câu hát.
“Khắp” xuất hiện thường xuyên và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái. Những câu “khắp” với nội dung lấy ý tưởng từ chính những điều giản dị, gần gũi, phản ánh cuộc sống lao động, sản xuất, thói quen, tín ngưỡng, thể hiện tâm tư và tình cảm mà người hát muốn gửi gắm. Người ta có thể “khắp” ở bất cứ đâu, từ trong nhà đến ngoài đồng, khi vui, lúc buồn, “khắp” trong lễ hội, hay để tiễn đưa người đã khuất về với tổ tiên. Trong số các làn điệu hát Thái thì có lẽ hát giao duyên nam nữ (khắp báo xao), hát ru con (khắp ú lụ), “khắp” mừng xuân và “khắp” theo làn điệu vẫn được phổ biến hơn cả. Những điệu “khắp” quen thuộc bắt đầu bằng “ha...ôi” có giai điệu mượt quà, trữ tình đi vào trong thơ nhạc như “Xai panh noọng ơi, xai lả noọng a...”, “Pì nọng ơi! Xuân đã về với bản mường em, khắp đất trời tiếng ca rộn vang”.v.v.
Ngày nay, ở các bản làng đồng bào dân tộc Thái Qùy Châu, số người biết hát những làn điệu “khắp” Thái không nhiều, nhưng tình yêu với những làn điệu dân ca dân tộc mình thì vẫn luôn vẹn nguyên với những ai sinh ra từ bản làng. Vì vậy, nhiều tác phẩm mang âm hưởng dân ca Thái luôn được đón nhận, yêu thích và được coi như niềm tự hào của dân tộc. Thông qua những tác phẩm âm nhạc đương đại, “khắp” Thái đang được tô lên màu sắc mới, dung hòa giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên những giai điệu có sức sống bền vững với thời gian.
Bên cạnh điệu hát lăm, nhuôn, xuối, khắp của người lớn còn có các trò chơi dân gian, các bài hát đồng dao của trẻ em. Đây là loại hình âm nhạc dân gian người Thái, sáng tạo trong quá trình vui chơi của tuổi thơ, có vần và nhịp điệu đơn giản. Nội dung thường minh họa các truyện cổ tích, sự tích các loài vật, mượn các con vật trong thiên nhiên để tái hiện cuộc sống ở bản mường. Những bài đồng dao Thái đi vào cuộc sống một cách hồn nhiên, mộc mạc, lưu giữ những giá trị nhân văn. Người ta còn thấy đồng dao trong lễ hội hay trong tiếng mẹ ru êm đềm, được lưu truyền qua những thế hệ người Thái với các điệu đặc trưng như: Thả bươn, Ông trăng ơi trăng vàng, Hai cô nàng giã gạo, Hai già cho lợn ăn, Hai con rắn bện, Hai con Rồng cổ vằn, Châu chấu biết bừa ruộng, Gà con biết ru con ngủ ngày, Sâu đóm bò trên cầu vẽ bản. Hay những điệu đồng dao vui tươi, dí dỏm khác như: Mời đánh trống, Mời thông gia uống rượu, Đánh sắt đánh đồng, Dắt trâu lên bản thượng, Rước đưa dâu rộn ràng, Chồn bay đậu cầu thanh, Ông vò vè đậu nóc nhà…
Hiện nay, để bảo tồn và phát huy những làn điệu dân ca Thái, huyện Qùy Châu đã thành lập nhiều câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc tại các bản làng, xã trong huyện, đặc biệt là vấn đề trao truyền cho thế hệ trẻ nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Trong các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ, người tham gia sẽ được nghe nghệ nhân trong câu lạc bộ giới thiệu nguồn gốc của nền văn hóa Thái, ý nghĩa của những giá trị tâm linh của người Thái, được học viết chữ Thái, cách đánh cồng chiêng, học hát những điệu nhuôn, điệu suối, lăm, khắp được thực hiện nghi lễ buộc chỉ cổ tay... các bạn nữ được học cách đội khăn piêu, cách buộc tóc, các bạn nam được học cách cham rượu cần, đánh trống và thổi các loại nhạc cụ như: khèn, sáo pì nhuôn của dân tộc mình.
Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa trên địa bàn huyện Quỳ Châu luôn được quan tâm chỉ đạo. Đến nay, toàn huyện đang duy trì và mở rộng các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Thái ở 11 xã; tổ chức hội diễn văn nghệ các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Thái cấp huyện 2 năm/lần; duy trì 1 lớp dạy làn điệu dân ca Thái với hơn 50 học viên tham gia qua các nghệ nhân truyền dạy; chỉ đạo thành lập Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ở làng Lâm Hội, xã Châu Hội và làng Hòa Bình, xã Châu Bình.v.v.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy những làn điệu dân ca Thái cổ luôn là bài toán khó. Bên cạnh những nỗ lực, quyết tâm “tiếp lửa nghề” của các nghệ nhân dân gian, thì cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm, tạo điều kiện, chỉ đạo sát sao, kịp thời, trách nhiệm của các cấp, ban, ngành và sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước; đẩy mạnh và nâng cao công tác tuyên truyền, quảng bá; đưa nội dung bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị các làn điệu dân ca, dân vũ và các loại hình nghệ thuật truyền thống vào chương trình đào tạo trong các trường học, các lớp tập huấn cán bộ, chương trình ngoại khóa của các trường phổ thông trung học và cơ sở trên địa bàn; sưu tầm, kiểm kê, phân loại, nhận diện giá trị các loại hình dân ca, dân vũ của đồng bào. Đồng thời, biên soạn và xuất bản một số cuốn sách tiêu biểu về các làn điệu dân ca để phổ biến thực hành và lưu giữ tài liệu, trao truyền cho thế hệ mai sau.