Về một phong cách phê bình

Lê Thanh Nga
13/3/2023

Nhớ vì sao lạc - Tập tiểu luận (Nxb Nghệ An, của Võ Văn Hải - có cái tên (cũng là tên của một bài viết trong đó) khá gợi, nó đủ để hấp dẫn những người luôn muốn dấn mình vào những cuộc phiêu lưu, kiếm tìm những giá trị mới. Thực tế thì mối quan tâm của nhà phê bình không chỉ là một vì sao (có thật, theo cách nhìn của ông) đã lạc, mà là nhiều hiện tượng văn học cả trong và ngoài “lãnh thổ” xứ Nghệ, đều là những hiện tượng của đời sống văn học đương đại, trong đó có những tên tuổi khá “đình đám”, ít nhất ở một phần của cái thời mà họ đã sống.


Tác giả trước hết thể hiện nỗ lực trong việc tạo ra một lối đi riêng mình ở việc tiếp cận để khám phá, đánh giá các hiện tượng văn học mà bản thân dành sự quan tâm. Không có cái vẻ nghiêm túc có phần khệnh khạng của kiểu phê bình giáo sư, không hoàn toàn phăng - tê - di theo lối tìm những điểm đặc trưng của tác giả để tán bình theo lối phê bình ấn tượng thường thấy ở các nghệ sĩ, những bài phê bình của Võ Văn Hải nhiều khi gợi người ta nghĩ đến những tùy bút phê bình. Nghĩa là chúng hội đủ phẩm chất của các nghiên cứu ít nhiều chuyên sâu, lại mang dấu ấn của lối phê bình Kim Thánh Thán. Điều này dễ gây thiện cảm với nhiều người, nhất là độc giả văn nghệ sĩ. Tôi đặc biệt thích thú với sự đa dạng về hình thức và cấu trúc các bài viết trong toàn tập sách: thậm chí có bài được triển khai như sự trình bày một tứ thơ trên cơ sở một tứ thơ kiểu bài viết về tập Nối đêm của Nguyễn Thị Phước. Điều này cho ta thấy sự năng động là một thuộc tính của tư duy và thể loại, và thuộc tính ấy luôn mở ra những nẻo lối khác nhau của thể loại, những cung bậc xúc cảm khác nhau của văn chương.

Đôi khi tôi vẫn nghi ngờ nhận định đã ghim vào tâm thức của nhiều người, rằng, “văn là người”. Nhưng với Võ Văn Hải thì điều này hình như có thật. Ngay từ tác phẩm đầu tiên, người ta đã thấy dáng dấp của một nhà phê bình mà ở đó sự uyên bác và ngang tàng như một phẩm chất ưu trội. Theo từng dòng, từng bài, con người ấy hiện lên rõ dần, rõ dần. Thỏ tai nai gạc. Võ Văn Hải là một người có sức đọc đáng nể, không chỉ với văn chương, mà cả trên các lĩnh vực khác như chính trị, văn hóa, triết học… Và điều quan trọng là ông luôn biết tạo cho các lĩnh vực ấy quan hệ với đời sống mà trung tâm soi chiếu là các tác phẩm văn chương được đề cập trong tập sách này. Và chính bởi lẽ này nên đối với các hiện tượng văn chương có phần phức tạp và nhiều bí ẩn, kén độc giả như Hồ Phi Phục, nhà phê bình vẫn mạnh dạn tiếp cận và có những kiến giải thuyết phục về thế giới nghệ thuật của nhà văn. Hay việc đọc truyện ngắn của Đàm Quỳnh Ngọc là một sự thẩm bình có soi chiếu với hiện thực đời sống và một sự am hiểu rất sâu về những quyết sách, chủ trương của nền chính trị đương thời. Nhân tiện nói thêm, qua trường hợp Hồ Phi Phục, Võ Văn Hải cũng cho thấy là một người có am hiểu khá sâu rộng về tâm lý học nghệ thuật. Tôi ấn tượng với điều này, bất chấp ông có từng đọc M.B.Khrapchenko hay L.Vygotsky. 
Kiến văn rộng rãi và biết huy động một cách tối đa sức mạnh của kho tri thức tích lũy được, Võ Văn Hải tạo ra trong cuốn sách trập trùng những liên văn bản. Trường hợp viết về Hữu Thỉnh chẳng hạn. Việc đọc Nghe tiếng cuốc kêu có thể khiến tác giả lắng được những đồng vọng của nó, khắc khoải kéo từ tận dăm thế kỷ trước (từ Nguyễn Trãi). Điều này không chỉ cho thấy người viết đắm đuối với những gì trước mắt, mà còn là việc ngoái tìm những giá trị quá khứ hay xác lập một kết nối tư duy của xưa nay, hoặc một kiểu di truyền tâm lí và thể loại trong sáng tạo nghệ thuật. Việc đặt các hiện tượng văn học Việt Nam trong không gian đồng đại, với các tác giả/tác phẩm/hiện tượng trên thế giới chính là hành trình tìm kiếm những giao cảm văn hóa vượt ra ngoài lãnh thổ cụ thể với những cái rọ giá trị đôi khi chật hẹp trên tinh thần bảo thủ nhân danh giữ gìn bản sắc. Và trên tinh thần đó, người phê bình dường như cố gắng đưa những tác phẩm xứng đáng, đặt chúng trong mối quan hệ đồng đẳng với giá trị nhân loại. Việc đặt tiếng cuốc kêu trong thơ Hữu Thỉnh với điều luật bảo vệ thiên nhiên của nước Nga, mà người viết ít nhiều xuất phát từ góc nhìn của phê bình sinh thái, không chỉ khiến tác phẩm trở nên sang trọng hơn mà còn gửi đi một thông điệp trong thời đại mà người ta quen nhìn vào chỉ số tăng trưởng (nhiều khi giả tạo) để vô tình hay cố ý đánh đồng với phát triển là phát triển - tăng trưởng trong khi tài nguyên cạn kiệt, môi sinh bị phá hoại và núi đồi sông suối đang quằn mình cất tiếng kêu cho nỗi lo tận thế. Cũng từ tiếng cuốc của Hữu Thỉnh, tác giả đã tiến hành cuộc lật xới một trong những căn tính văn hóa của người Việt với sự am hiểu không hề tầm thường về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán. Đây cũng là một chỉ dấu quan trọng nếu nói về phong cách phê bình của Võ Văn Hải: luôn có ý thức đặt văn chương trong mối quan hệ với văn hóa và điều đó khiến các hiện tượng văn học trở nên sinh động và giàu giá trị hơn bởi được chiếu soi dưới nhiều kênh thông tin khác nhau. Đây cũng là bài phê bình hàm ẩn ít nhiều ánh sáng của triết học, nơi người viết cố gắng giải thích các quy luật hay thả những tiếng u buồn về lẽ tồn sinh.
Tính năng động trong phê bình của Võ Văn Hải thể hiện rõ nhất ở việc lựa chọn góc/con đường tiếp cận đối tượng sao cho phù hợp với nó, và tận dụng được thế mạnh của mình. Với Miền đất cô đơn, ông chọn cách đặt nó trên cái nền của một hiện thực nham nhở những ảo tưởng, những chính sách, chiến dịch được mở, được vận hành trong tư duy cực đoan và thiếu đi một chiều sâu cần thiết của tính nhân bản, bởi lúc ấy người ta không mấy chịu suy tư về con người và cho con người. Với các tác phẩm của Hồ Phi Phục, ông đặt chúng trong mối quan hệ với chính trị, triết học; ở trường hợp Nguyễn Thế Kỷ, dường như người phê bình có ý gửi một thông điệp ngấm ngầm về mối lo đối với sự đọc và sự viết trong bối cảnh mà chính ông Nguyễn Thế Kỉ đang là người có dính líu đến nhiệm vụ ở tầm vĩ mô đối với văn học nghệ thuật.
Ở trên tôi có nhận xét rằng Võ Văn Hải tỏ ra hiểu về tâm lý học sáng tạo. Ở đây cần bổ sung rằng, nhà phê bình cũng rất chú ý đến các vấn đề lý luận, tất nhiên ông luôn đặt chúng trong tương quan với hiện thực sáng tạo sinh động. Vì thế trong các bài viết của ông, có những luận điểm có lẽ cần luận giải một cách kỹ lưỡng hơn về nội dung khoa học, nhưng không phải là không lóe sáng một nhận thức rất đáng quan tâm: “Mỹ học sáng tác sau chiến tranh, lẽ tự nhiên phải là mỹ học hiện đại, đề tài sáng tác phải là vấn đề “nóng” của thời đại, là công cuộc kiến quốc, như thường nói là “vì một xã hội công bằng, dân chủ, vì ấm no hạnh phúc của Nhân dân”, bước tiếp theo là tiến tới chủ nghĩa cộng sản, tức Thiên đường. Nhưng cho đến nay, đáng tiếc là mỹ học hiện đại vẫn đứng thập thò ở ngưỡng cửa của ngôi nhà Mỹ học nông nghiệp. Chắc bởi vì Mỹ học nông nghiệp có khoảng trời an toàn riêng, xa vòng xoáy vốn tiềm ẩn nhiều bất trắc của vận động chính trị xã hội thì hiện tại…” (Tam thập dư niên hậu tiếng cuốc kêu); “Ra ngoài ngôi nhà của mình để thực hiện thiên chức, đôi khi nhà văn còn không nhận được sự cổ súy của đồng nghiệp, đơn cử một phần trăm chân dung nhà văn và nhà phê mà hầu hết người cầm bút đều biết: “Anh đã đứng trước biển/ Cù lao Chàm kia rồi/ Những khoảng cách còn lại/ Xa vời lắm anh ơi”! Đáng tiếc là nhiều đứa con tinh thần được sinh ra trong bối cảnh này thực sự đã không thể đi hết “khoảng cách còn lại - ngộ nhận tiên đề” ấy. Chúng chết yểu hoặc lưu kho như một ghi chú” (Tam thập dư niên hậu tiếng cuốc kêu).
Nghiêm túc trong nhìn nhận, đánh giá, Võ Văn Hải cũng thể hiện một năng lực cảm thụ nhiều khi tinh tế, cùng với đó là lối diễn đạt tinh tế, nhất là bằng việc vận dụng kiến thức tổng hợp từ nhiều ngành nghệ thuật khác nhau để nhận định, đánh giá một hiện tượng văn chương: “Mỗi minh họa trong tác phẩm đều là những tác phẩm hội họa thực sự, có hồn cốt, bố cục chặt; khán giả thấy cả bút pháp    Picatxô lẫn Vangốc trong đó - phong cách hiện đại, gam màu mạnh; đường nét phóng khoáng, phá cách, thể hiện tài hoa của một danh họa - tất cả minh họa đều có thể đem triển lãm hoặc tự leo được lên  tường”, “Qua giao hưởng Tiếng lòng buổi lập đông, âm vang từ Thú với hoa hồng, thính giả hài lòng nhận được từ âm thanh đồng quê (Country music), đến âm hưởng thính phòng (Chamber music), trữ tình (bolero) bác học (learned),  mà tác giả là: một người lính “ra đi từ mái tranh nghèo”, một sỹ quan Cận Tướng lĩnh quân đội mang hồn Thi nhân, thấp thoáng bóng dáng triết gia, chính khách, hội đủ tâm tài, bạn bè tin mến” (Tiếng lòng buổi lập đông).
Văn phong phê bình của tập sách cũng là một thứ văn phong rất riêng mà màu sắc là lạ của nó được tổng hợp từ bảng màu của nhiều kênh nhận thức, nhiều vùng tri thức khác nhau cộng với cá tính của người viết. Biểu hiện mạnh mẽ nhất của cá tính có lẽ là ở chỗ lối viết thường cầu kỳ, có chỗ óng chuốt một chút, đỏm dáng một chút và có cả một chút… rắc rối. Tỉ như: “Cái chết của một người trai trẻ, hội tụ nhiều phẩm chất quí giá như vậy thực sự xây mồ trong lương tri kẻ khởi xuất căn nguyên” (Một miền để nhớ).
Cuối cùng, điều tôi muốn nói ở đây là tính trách nhiệm của lối văn phê bình Võ Văn Hải. Đọc bất cứ bài nào, người đọc cũng có thể thấy những vấn đề gây chú ý không chỉ là các hiện tượng văn học, mà là bản chất của đời sống phía sau các hiện tượng ấy. Ông đề cập đến chúng trong một thái độ đau đáu đôi khi mang ít nhiều cảm khái. Và, tính trách nhiệm còn thể hiện trong cái cách mà nhà phê bình có thể làm “đau” nhà văn khi thẳng thắn chỉ ra những vết chàm trên gương mặt văn chương óng ả, như trong Một miền để nhớ (viết về Miền đất cô đơn) của Đàm Quỳnh Ngọc, Tiếng lòng buổi lập đông (phê bình Thú với hoa hồng của Nguyễn Xuân Dũng)… bàn về chữ “thương” trong một bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo (Tưởng nhớ vì sao lạc)…
Thẳng thắn, rạch ròi, quyết liệt, tập sách vì thế còn đôi chỗ có thể trao đổi thêm, hoặc gợi mở những suy tư mới. Trao đổi hay suy tư, đó là quyền của những người sẽ đọc nó. Điều quan trọng nhất là bạn đọc đã có trên tay một ấn phẩm đáng đọc và nghiền ngẫm.

CÙNG CHUYÊN MỤC