Hội Sắc Bùa vào Xuân
Đậu Kỷ Luật
13/3/2023
Hội Sắc Bùa cũng nằm trong văn hóa Cồng Chiêng Việt - Mường, khẳng định văn hóa Cồng Chiêng hai tộc Việt - Mường từ thời Hùng Vương. Vào thế kỷ XI, khi kinh đô chuyển từ một trung tâm Mường là Hoa Lư về Thăng Long năm 1010, lúc đó tiếng Mường mới tách khỏi tiếng Việt thành hai ngôn ngữ riêng. Bằng ngôn ngữ học khẳng định có sức thuyết phục, vì mo sử thi, mo đẻ đất đẻ nước, là tác phẩm mở đầu cho nền văn học Việt - Mường. Nội dung tác phẩm này cho ta biết được Mường nơi Lạc Việt của truyền thống dân tộc, cho ta biết về cuộc sống bộ lạc, lúc bắt đầu hình thành nhà nước, một nhà nước rất thô sơ trong đó con người Việt - Mường sống trong môi trường chung của văn hóa Đông Nam Á.
Hội Sắc Bùa của hai tộc người xưa chứng minh cho điều nêu trên: Trong nhóm ngôn ngữ Việt - Mường thì người Mường còn giữ được nhiều nét văn hóa dân gian truyền thống của người Việt cổ nhất. Nó góp phần không chỉ cho Việt Nam mà cả cho nhân loại nữa, ta vẫn chưa khai thác hết những cái đồ sộ của văn hóa Mường, vì nó lớn lắm, bỏ sót dù chỉ là một nét nhỏ là có tội với tổ tiên ta từ tiền Việt - Mường đến tiếp từ thời Hùng Vương, Âu Lạc. Chỉ kể Trống Đồng và Cồng Chiêng cũng đã thấy phong phú, quý giá lắm rồi. Hai nhạc cụ này đi với nhau tạo nên nghệ thuật ca múa nhạc Việt - Mường không lẫn vào đâu được, nó gắn bó, bén rễ sâu, lâu dài trong cuộc sống, tình cảm và tâm linh của người Việt cổ chúng ta, mà tâm linh là vấn đề khoa học không thể bỏ qua được. Nếu không nói nó là vô cùng quan trọng. Ngay trong Phân tâm học của phương Tây cũng đánh giá là một tinh túy hiện nay. Ở Nghệ An, khai quật mộ cổ làng Vạc năm 1972-1973 cho ta nhiều hiện vật giá trị của khảo cổ học.
Trống đồng Đông Sơn (địa danh của Thanh Hóa) được giới khoa học quốc tế công nhận có ở Đông Nam Á và một số quốc gia khác. Nhưng ở Việt Nam, mà vùng Thanh Hóa là nhiều hơn cả, Trống đồng Đông Sơn gọi là trống loại 1, ở vùng người Mường, nhiều trống loại 2 được gọi là trống Việt - Mường, người ta tìm thấy khai quật ở mộ cổ làng Vạc, còn gắn nhạc cụ bằng đồng ở cổ chân, cổ tay. Có một vùng mộ tìm thấy 60 chiếc ống đồng hình chóp, dài làm nhạc cụ, điều ấy liên quan đến điệu múa cần thực hiện cả chân lẫn tay hỗ trợ cho dàn nhạc thêm sinh động. Càng về sau thì cồng chiêng là nhạc cụ chiếm ưu thế và phổ biến rộng rãi hơn qua các lễ hội hàng năm của dân tộc. Tuy vậy, cái hồn của Trống đồng Đông Sơn phổ biến nhiều ở Đông Nam Á, nhưng ở Việt Nam là dày đặc hơn, tiêu biểu là Thanh Hóa mà các nhà khoa học quốc tế gọi là Văn hóa Trống đồng Đông Sơn. Tộc Thổ (mường) vùng Tân Kỳ, Qùy Hợp, Nghĩa Đàn có địa danh làng Vạc cả thế giới điều biết đến. Nhưng thực ra, người tỉnh ta cũng không phải ai cũng được hiểu hết giá trị của khai quật, nó có tầm nhân loại mà đến nay chưa nơi nào có được.
Người Thổ ở Nghệ An, đặc biệt là Thổ (Mọn), thực chất là Mường Thanh Hóa di cư sang đã có phong trào ca hát Cồng Chiêng ví như làng Dong rất đặc sắc, thường thì chỉ dùng 4 cồng là chính, mà văn nghệ nơi đây đạt giải quốc gia về phục vụ trong, ngoài tỉnh ai ai cũng ca ngợi và bất ngờ. Chỉ vì lâu nay ta quen “bụt chùa nhà không thiêng” của người ta mới hùng vĩ, mới hay, còn của mình thì nhỏ và thấp kém.
Dùng Cồng Chiêng theo dàn ở Việt Nam ta và rộng ra cả Đông Nam Á cũng mới thấy ở tộc người Tây Nguyên và tộc người Mường hiện nay. Tây Nguyên thì được tôn vinh thế giới ai cũng ca ngợi. Còn Cồng Chiêng Mường vẫn còn khiêm tốn. Cồng chiêng Mường - Việt có mặt trong tất cả lễ hội của người Việt - Mường. Ta thấy diễn xướng hát múa 12 cô gái Mường, Cồng Chiêng rộn ràng trong hội diễn văn nghệ quần chúng hiện nay làm mọi người bất ngờ, người Mường dùng số 12 để liên hệ trọn vẹn một năm 4 mùa giao hòa, xuân, hạ, thu, đông. Tên gọi Chiêng, được gọi từ Chiêng 1 nhỏ nhất có âm cao nhất cho tới Chiêng có âm cao nhất, Chiêng 12 to nhất có âm trầm nhất.
Hội Sắc Bùa
Thuộc lễ hội Cồng Chiêng Việt - Mường là hội chúc tết các gia đình đầu năm mới, không chỉ trong người Mường mà cả vùng người Kinh (Việt) nữa. Một dàn Chiêng xưa thường có 3 loại: 4 chiêng dàn, 4 chiêng bồng, 4 chiêng Tlé. Tiếng Việt cổ gọi là Xeécvùa. Thời gian tùy từng nơi, có nơi thì tối 30, còn lại phổ biến là từ mùng 2 tết trở đi, kéo dài tới mồng 4, có nơi kéo tới mồng bảy tháng giêng mới hết. Vừa đi đường vừa kể, vừa hát dân ca: “Dịp dàng dạy đánh ba hồi chiêng năm/ Vui ngân ba vang vọng/ Vang vọng hết đất nước/ Các cháu và binh Mường/ Đánh chiêng này lạ lẫm”. Người ta còn múa sắc bùa kết hợp theo nhịp chiêng… Phường bùa đến nhà hẹn trước để hát sắc bùa chúc tết năm mới, thường vào ngày mồng 2. Một số nơi nhà chủ tập trung gia đình, họ hàng ăn mặc đồ tết lộng lẫy đề chờ đón. Theo tục lệ, cổng nhà vẫn đóng. Khi phường Bùa đánh cồng báo động thì chủ nhà mới ra mở cổng chào đón. Vừa hát, vừa rộn rã cồng chiêng vui rộn lòng người. Sau cuộc hát, gia đình mang thóc gạo tặng phường Bùa. Chủ nhà cầm nắm thóc vãi nhẹ vào chiếc cồng dàn, người cầm cồng sửa cồng, nâng hai tay đỡ lấy, những hình ảnh hạt thóc rơi như gieo mạ, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, tươi tốt của mùa gieo trồng tới, phường hát lời tạ ơn.
Có gia đình, có điều kiện, tụ tập họ hàng như một cuộc hội vui, hát dân ca Thường (Thanh Hóa) gọi là Xường, dân ca đặc sắc của người Mường, như tác giả Mai Thị Hồng Hải, có công trình biên soạn khá công phu. Xường giao duyên của người Mường, Xường diễn ra 3 chặng:
Chặng thứ nhất: Xường chào, xường mời, xường nài. Chặng thứ 2 là chặng quan trọng nhất gồm có 3 bước: Xường dưới ang và Xường lên bậc, bước này có nhiều bài nhưng bài “phát đường” nhất thiết phải có. Xường dưới ang được diễn xướng hầu hết các bài dân ca cổ truyền chọn lọc, kết thúc bằng bài “phát đường” mang ý nghĩa phát con đường tình yêu bắt đầu. Xường lên bậc, thì chủ nhà hát trước, khách hát sau gồm 12 bậc.
Chặng thứ hai: Chặng này gồm có các lời xướng thề, xướng dặn và xướng tạm biệt. Xường 12 bậc rất chặt chẽ. Có gia đình, phường chỉ đến nhanh và đi, nhưng có gia đình họ hàng tập trung hát đối đúng với phường Sắc Bùa thì thời gian kéo dài như hội ở đình, có nơi còn mời rượu, mời ăn rôm rả. Kết thúc gia đình này lại qua gia đình khác. Có khi còn đi chúc cả xóm bên, có kế hoạch liên hệ trước.
Do có tác dụng trong đời sống tâm linh và tình cảm như vậy, cho nên Cồng Chiêng Mường được coi như vật thiêng, của báu vật tượng trưng cho cả về vật chất và tinh thần. Người Mường coi Cồng chiêng như linh hồn bất tử của mình vậy. Âm nhạc cổ của ta chủ yếu là giai điệu nó tác động đến cảm xúc sâu lắng của người nghe, nhảy múa tác dụng trực tiếp đến giác quan. Cả 2 thứ tạo nên chất thiêng (LeSacré). Nó đã đi vào máu, thịt của đồng bào, do đó việc bảo tồn phát huy và phát triển những giá trị của văn hóa Cồng Chiêng nói chung và trong hát Sắc bùa là nên duy trì theo điều kiện cụ thể của từng nơi. Dàn Cồng Chiêng và Trống Đồng là đặc sản quý báu của người Việt-Mường, nếu có công khai thác sẽ có tác dụng trong phong trào văn hóa văn nghệ xây dựng nhân cách con người từ gia đình đến xã hội.
Một điều rất quý trong bộ sưu tập Cồng Chiêng của các vùng Mường, nhất là tỉnh Hòa Bình. Điều quý hiếm là những chiếc Cồng cổ gọi là Chiêng Hơ. Có giá trị âm thanh chính xác độ vang, tiếng ngân mượt mà, trầm ấm. Giữ được độ chuẩn của âm thanh mới chính là giữ được hồn của Cồng Chiêng. Phường Bùa điêu luyện sinh trên trống cái, trống cơm tạo nên nghệ thuật của văn hóa Cồng Chiêng đặc sắc của người Mường mà ta gọi là Việt-Mường. Bộ gõ làm chủ lực trong lễ hội, nhạc cụ gõ ra tiết tấu có nhiều loại trống, phách và nhịp. Xin trích vài lời hay trong hát Sắc bùa đầu xuân để suy ngẫm về ca dao, dân ca đặc sắc của người Mường mà liên hệ với dân ca người Kinh có những nét tương đồng, nếu ta sưu tầm phân tích thì thú vị còn hơn tộc người anh em gắn bó, có thể là từ thế kỷ X về trước: Bên nữ: “… chẳng biết có cành nào son rỗi chăng, anh cho em xin vào đậu bóng”. Khách bên nam đáp lời: “Em thăm rừng, đường thăm chi mọi lá, em thăm lá chớ thăm hết mọi cành. Vì cành nhỏ xanh xanh chứa lộc lá, cành lớn, cành cả chưa kết trái đơm bông. Cành nào cũng sẽ rồi ở không, đều gọi nhớ, gọi thương mời em dựa bóng”. Bên nữ có những câu đằm thắm sâu sắc như: “Cho em thăm gốc, thăm rừng/ Thăm gốc em muốn thăm hết mọi lá/ Thăm lá em muốn thăm cho hết mọi cành/ Chẳng biết có cành nào son rỗi chăng anh/ Cho em xin đậu bóng”…
Hát Sắc bùa xứ Nghệ
Càng thấy rõ hơn văn hóa Cồng Chiêng ở hội Sắc Bùa chúc tết các gia đình, nó tương đồng với hội Sắc Bùa Mường cũng như cả vùng Liên khu 4 còn giữ được ở vùng này khi vào hội mùa xuân mà hát Sắc Bùa vẫn còn in đậm trong vùng, bởi các nhạc cụ của Ban Sắc Bùa dùng để đệm cho hợp, sử dụng 4 đến 5 nhạc cụ gõ: Trống cơm, Trống dục; Tiểu cổ (hoặc cồng nhỏ); Sinh bằng tre, hoặc bằng gỗ; Sinh tiễn, Điểu đầu (bằng kim khí). Theo người viết thì Cồng nhỏ hơn Chiêng. Có 3 nhạc cụ để dùng đó chỉ những nhạc cụ bằng đồng hình tròn. Lênh thì mỏng hơn tiếng kêu ù; La thường nhỏ hơn Chiêng và Lênh. Ban nhạc ở đây toàn con trai từ 10 -16 tuổi; cũng có làng vài nghệ nhân lớn tuổi tham gia. Ở hai huyện Đức Thọ và Kỳ Anh có truyền thống Sắc Bùa vào xuân. Cũng như dân tộc Thái ở Nghệ An thường dùng 4 Cồng, cồng lớn nhất gọi là Cồng mẹ. Các thủ tục tương tự như Hội Sắc Bùa của tộc Mường còn giữ được. Đây là đặc sản của lễ hội xứ Nghệ. Ở Thừa Thiên, xưa cũng có hát Sắc Bùa như xứ Nghệ, nhưng có tiết mục thêm là “trừ quỷ” nữa. Ngoài tộc Mường ra thì vùng Khu 4 còn lưu giữ hát Sắc Bùa và phát triển trong âm nhạc dân ca các dân tộc ở địa phương, ta nên bảo tồn và phát huy.