Đầu xuân tản mạn vài nét về tín ngưỡng ở Việt Nam

Trần Văn Dũng
13/3/2023

Tín ngưỡng tôn giáo là vấn đề luôn tác động, ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng. Và cũng chính vì vậy, vấn đề đã được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm được thể hiện trong hệ thống chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, tạo ra hành lang pháp lí cho công tác tổ chức, quản lí cũng như các đối tượng chịu sự tác động những điều kiện thuận lợi trong hành chức. Tuy nhiên vấn đề không phải bao giờ cũng nhìn nhận được một cách dễ dàng bởi tính đa dạng, phức tạp của nó. Bài viết trình bày đôi nét về góc nhìn và xu hướng của vấn đề tín ngưỡng từ những tác động của tiến trình lịch sử và sự phát triển của xã hội, được biểu hiện rõ nét nhất qua tết cổ truyền và mùa lễ hội.


1. Tín ngưỡng - một góc nhìn
1.1. Tín ngưỡng, tôn giáo và những vấn đề phát sinh
a) Nhận thức về tín ngưỡng và tôn giáo
Thực tế thì đã có khá nhiều ý kiến của các nhà quản lí, các học giả, thể hiện trong các công trình nghiên cứu, văn bản pháp lí của nhà nước xung quanh vấn đề này. Khi nhìn nhận vấn đề tín ngưỡng, ta thường bắt gặp không ít nội dung liên quan đến tôn giáo, thậm chí cả về cái mà ta thường gọi là mê tín dị đoan. Tuy nhiên, ta cũng có thể tạo ra một lát cắt khá rõ ràng về mặt lí luận và có thể đưa ra những khái niệm tương đối khoa học, cùng với đó là một số tiêu chí nhận diện. Luật tín ngưỡng tôn giáo (Số 02/2016/QH 14, ngày18/11/2016) xác định: “Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng”, thường được nhìn nhận trên cơ sở 4 tiêu chí: khái niệm, hoạt động, lễ hội và cơ sở tín ngưỡng “Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức”.
b) Nét tương đồng và khác biệt giữa tín ngưỡng và tôn giáo
Trong không ít trường hợp diễn ra thực tế thì rất khó để ta xác định được ranh giới rạch ròi giữa hai đối tượng này. Tín ngưỡng đôi khi cũng được hiểu là tôn giáo, bởi có những nét khá tương đồng, do vậy, có người vẫn quen dùng khái niệm tín ngưỡng tôn giáo. Những người có tôn giáo và đồng thời có sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đều tin vào những điều mà tôn giáo đó và các loại hình tín ngưỡng đó truyền dạy. Những tín điều của tôn giáo và tín ngưỡng đều có tác dụng điều chỉnh hành vi ứng xử giữa các cá thể với nhau, giữa cá thể với xã hội, với cộng đồng, giải quyết tốt các mối quan hệ trong gia đình trên cơ sở giáo lí tôn giáo và noi theo tấm gương của những đấng bậc được tôn thờ trong các tôn giáo, các loại hình tín ngưỡng đó. Các nhà truyền giáo của các tôn giáo phải dựa vào tín ngưỡng bản địa để tuyên truyền và thể hiện đức tin tôn giáo của mình. Về phía cộng đồng có đời sống tín ngưỡng cũng học hỏi được một số điểm phù hợp của một số tôn giáo về nghi thức hành lễ, về phẩm phục, về cách bài trí nơi thờ tự,… Tuy nhiên giữa tín ngưỡng và tôn giáo có nhiều điểm khác biệt. Tín ngưỡng mang tính dân gian, gắn với sinh hoạt văn hóa dân gian. Trong tín ngưỡng có sự hòa nhập giữa thế giới thần linh và con người. Nơi thờ cúng và nghi lễ còn phân tán, không có những quy định chặt chẽ. Nói cách khác, tín ngưỡng không nhất thiết phải có những yếu tố cấu thành như giáo lí, giáo chủ, giáo luật và tín đồ. Các tôn giáo đều có đầy đủ hệ thống kinh điển. Đó là những bộ kinh, luật rất đồ sộ của Phật giáo; là bộ Kinh thánh và Giáo luật của đạo Công giáo; là bộ kinh Qur’an của Hồi giáo,… Các tôn giáo đều có các giáo sĩ, tăng sĩ,… là những người làm việc chuyên nghiệp và về cơ bản đều theo nghề và hành đạo suốt đời. Trong khi đó, các loại hình tín ngưỡng chỉ có một số bài văn tế (đối với tín ngưỡng thờ Thành hoàng), bài khấn (đối với tín ngưỡng thờ Tổ tiên và thờ Mẫu). Các cuốn “Gia phả” của các dòng họ, các bài hát Chầu văn mà những người cung văn hát trong các miếu thờ Mẫu không phải là kinh điển. Việt Nam chúng ta là một trong không nhiều quốc gia đang duy trì tập quán văn hóa thờ cúng tổ tiên và các nghi thức tang lễ đặc thù. Đây là một trong những tập tục được duy trì mang những nét riêng của từng vùng miền, từng tộc người khác nhau nhưng cùng chung mục đích “thể hiện đạo hiếu” đối với những bậc tiền nhân đã có công khai sáng dân tộc, cộng đồng, dòng tộc. Tập tục này được hình thành, tiếp nối cùng với lịch sử dân tộc và trở thành một trong những loại hình của văn hóa Việt Nam: “Văn hóa tâm linh”, với trọng tâm là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên một điều chúng ta dễ nhận thấy, trong suốt chiều dài lịch sử bị nô dịch bởi văn hóa phương Bắc, những tập tục này của người Việt khó tránh khỏi sự ảnh hưởng của văn hóa Hán. Cùng với đó là nhiều đặc trưng văn hóa lại được tiếp cận qua văn tự Hán, được duy trì bởi các văn bản bằng chữ Hán, được thể hiện bằng ngữ âm Hán - Việt. Người đầu tiên soạn “Gia lễ” riêng cho người Việt Nam là Thượng thư Hồ Sĩ Dương (người Quỳnh Lưu, Nghệ An) đỗ tiến sĩ năm 1652. Cuốn “Gia lễ” do ông viết có tên “Hồ Thượng thư gia lễ”. Về sau trên cơ sở đó, tiến sĩ Hồ Sĩ Tân (1690 - 1760) - người cùng quê - đã cho ra mắt cuốn “Thọ Mai gia lễ”. Nội dung của “Thọ Mai gia lễ” là những quy ước về lễ nghĩa trong gia đình - chủ yếu đối với việc tang chế và một số nội dung trong công việc cưới xin. “Thọ Mai gia lễ” đã chọn lọc những gì phù hợp với tâm lý, lối sống, phong tục tập quán; thể hiện bản sắc riêng trong văn hóa tâm linh của người Việt. Công trình có sự kết hợp giữa Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo trong tang lễ. Tuy nhiên có thể nói, “Hồ Thượng thư gia lễ” và “Thọ Mai gia lễ” cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ quan điểm, tư tưởng của giai cấp phong kiến Trung Hoa về lĩnh vực này. Có thể dễ dàng nhận ra tư tưởng chủ đạo của hai cuốn sách là tư tưởng Nho giáo. Chúng ta cũng biết rằng, từ thời Tiên Tần, chế độ phong kiến Trung Hoa đã rất coi trọng lễ nghĩa. Các bộ sách như “Tứ thư” (Luận Ngữ, Mạnh Tử, Trung Dung, Đại học) hay “Ngũ kinh” (Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Xuân Thu), quy định rất chặt chẽ các mối quan hệ trong xã hội. Đặc biệt “Kinh Lễ” quy định cụ thể mọi quy tắc ứng xử từ trên xuống dưới, trong gia đình và xã hội. Tư tưởng và nội dung trong cuốn “Chu Công gia lễ” của Chu Công (Chu Văn Vương) đã được truyền bá và ảnh hưởng đến nước ta từ rất sớm. Đây cũng chính là nét đặc trưng đã thu hút được sự quan tâm đối với mọi đối tượng người dân, và vì vậy, đã ngót bốn thế kỷ, tư tưởng, nội dung cuốn sách đã gần như là “cẩm nang” của người dân Việt. Tuy nhiên, đa số người dân đều chỉ được tiếp nhận, truyền bá bằng lối “truyền tay chỉ việc” mà không quan tâm đến sách vở nào, và coi đây là phong tục dân gian, dẫn đến một thực tế là việc thể hiện những nghi thức và sử dụng các phẩm vật trong nghi lễ, cúng tế cũng không hoàn toàn giống nhau ở các khu vực, vùng miền, thậm chí ở từng làng xã. Có người đã sử dụng cứ liệu truyền tụng đó trong dân gian để “biên soạn” thành sách “Thọ Mai gia lễ” theo cách riêng của mình (Nguyễn Văn Toàn, 1972; Đức Thành, 2014: Nguyễn Xuân Trường, 2016,…). Như vậy, với “Thọ Mai gia lễ” mặc dù các tín ngưỡng bước đầu mang tính “hàn lâm” được truyền bá qua sách vở bởi tầng lớp nho học, song quá trình “trải nghiệm” của nó trong lịch sử các cộng đồng dân tộc đã không còn là tri thức mang tính “kinh viện” cho mọi đối tượng nữa, và bởi vậy, nó cũng không phải là kinh điển của người Việt. Các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian thì hầu như rất ít người làm việc này một cách chuyên nghiệp. Thầy cúng không phải ai cũng hành nghề suốt đời. Những ông đám của làng (ngày xưa) có một năm ra đình làm việc thờ Thánh, sau đó lại trở về nhà làm những công việc khác. 


Lễ hội Kỳ phúc ở Quỳnh Lưu

c) Phát sinh không mong muốn từ tín ngưỡng và tôn giáo
Một hình thức được sinh ra từ cái bóng của tôn giáo và tín ngưỡng, có thể coi là “kí sinh” trên hai hình thức xã hội nói trên là mê tín dị đoan. Hán - Việt từ điển của Đào Duy Anh cho rằng: “mê tín là không hiện ra thị phi mà nhắm mắt tin mù” (superstttion, tillusion) [1, tr.554]; dị đoan là những điều tín ngưỡng lạ lùng - hay dị giáo (su -pẻstition, heterodoxe, heresie)” [1, tr.206]. Có thể nói, mê tín dị đoan là có niềm tin vào những thứ mơ hồ, không có thật và không phù hợp với quy luật tự nhiên, chủ yếu xuất hiện trong lĩnh vực tâm linh. Các biểu hiện của mê tín dị đoan thường bao gồm một số hành vi như là: ông đồng, bà cốt, có niềm tin thái quá vào bói quẻ, coi tay xem tướng, tin vào ngày lành tháng dữ và kiêng kỵ đủ thứ vào những ngày này, tin vào số mệnh sang hèn, tin vào cúng sao giải hạn, tin rằng việc cầu cúng sẽ tai qua nạn khỏi, chữa được bệnh tật, tin vào thầy bùa thầy chú, v.v… Do không có cơ sở thờ tự chính thức, những người hành nghề lĩnh vực này đã mượn cơ sở thờ tự của tôn giáo (chủ yếu là của Phật giáo) và cơ sở thờ tự của tín ngưỡng dân gian để hành nghề hoặc hành nghề tại nhà. Người hành nghề mê tín dị đoan học được ở các pháp sư Phật giáo một số thế tay bắt quyết để hành nghề trừ tà ma,… 
Có thể thấy, giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan có một ranh giới khá mong manh. Và vì vậy, trong thực tế đời sống văn hóa hiện nay của các cộng đồng cư dân cũng như trong quản lí của các cơ quan nhà nước rất khó có được một sự thống nhất trong ứng xử, thậm chí có lúc trở nên xung đột. Tín ngưỡng dân gian và mê tín dị đoan đều tin vào những điều “mắt không thấy rõ, tai không nghe rõ” những gì ở đấng thiêng liêng cũng như đối tượng thờ cúng. Những tín điều của tín ngưỡng dân gian và mê tín dị đoan đều có tác dụng điều chỉnh hành vi ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với cộng đồng xã hội, điều chỉnh hành vi ứng xử trên cơ sở những tín điều mà người ta tin theo và noi theo tấm gương sáng của những đấng bậc và những đối tượng tôn thờ trong các loại hình tín ngưỡng và trong mê tín dị đoan. Tuy nhiên, xét về một số phương diện, có thể phân biệt nội hàm của hai khái niệm này. Về tính mục đích, nếu sinh hoạt tín ngưỡng có mục đích là thể hiện nhu cầu của đời sống tinh thần, đời sống tâm linh thì người hoạt động mê tín dị đoan lại lợi dụng nhu cầu của đời sống tinh thần đó để trục lợi trên cơ sở làm mê hoặc lòng tin lành mạnh của con người và cộng đồng thông qua các hành vi nói trên. Các hoạt động tín ngưỡng dân gian thường theo định kì thời gian còn những người hoạt động mê tín dị đoan thì phụ thuộc vào “nguồn cung khách hàng”. Về phương diện quản lí xã hội, sinh hoạt tín ngưỡng được pháp luật bảo vệ, được xã hội thừa nhận, còn hoạt động mê tín dị đoan tồn tại trên cơ sở “chỗ trống” về nhận thức và khủng hoảng về tâm lí của con người trong “hoàn cảnh có vấn đề”. Về cơ bản, giữa tôn giáo và mê tín dị đoan cũng có tình hình tương tự. 


Lễ cầu ngư tại lễ hội đền Cờn - Hoàng Mai

1.2. Vài nét về các tín ngưỡng ở Việt Nam
a) Khái quát
Các tín ngưỡng ở Việt Nam về cơ bản là các tín ngưỡng dân gian. Một số trường hợp chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng Trung Hoa, đặc biệt là các nghi lễ trong cưới hỏi (Chu Công lục lễ) và các ứng xử trong đời sống xã hội, tang chế (Chu Công gia lễ). Tín ngưỡng dân gian là tập hợp những niềm tin hình thành và phản ánh ước nguyện của một cộng đồng người. Các tín ngưỡng này dựa trên các quan niệm nhân gian. Con người tin vào thần linh, có thể là linh hồn người chết, cây cối, con vật hay bất kì thứ gì trong tự nhiên. Thiên nhiên hùng vĩ làm cho con người trở nên nhỏ bé, con người cảm thấy choáng ngợp trước sức mạnh của thiên nhiên. Quan điểm đa thần cũng xuất hiện trên cơ sở đó. Từ chỗ chưa lí giải được hiện tượng tự nhiên một cách đầy đủ, khoa học, con người trở nên sợ hãi, dần sinh ra sự sùng bái và tin vào một điều gì đó, rồi dần ghi dấu trong tâm thức, hình thành nên tín ngưỡng dân gian. Các tín ngưỡng được hình thành, truyền bá phụ thuộc vào loại hình đối tượng, tác động chủ yếu đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt cộng đồng của từng vùng miền, các tộc người khác nhau. Nó kéo theo sự hình thành nên hệ thống các tín ngưỡng dân gian ở các vùng miền, tộc người khác nhau. Nói cách khác là hình thành nên một thế giới quan và nhân sinh quan của từng chủ thể nhất định. Và như vậy, mặc dù không có một hệ thống tổ chức, giáo lí,… như các tôn giáo cũng như các tín ngưỡng mang tính “hàn lâm” được truyền bá qua sách vở bởi tầng lớp nho học tự bao đời, nhưng có thể thấy số lượng người tin theo tín ngưỡng dân gian lại chiếm một tỷ lệ thuyết phục.
Từ những vấn đề trên có thể thấy, nét chung của tín ngưỡng ở Việt Nam là đều xuất phát từ thế giới quan, nhân sinh quan của con người được chi phối bởi môi trường sinh kế cùng một tiến trình lịch sử và chủ yếu là tín ngưỡng dân gian. Nét đặc trưng của tín ngưỡng ở Việt Nam là mang tính địa phương, tộc người, nghề nghiệp.
b) Một số tín ngưỡng dân gian điển hình ở Việt Nam
- Tín ngưỡng dân gian của người Việt (người Kinh).
Tín ngưỡng dân gian của người Kinh chủ yếu được biểu hiện qua nghi thức thờ cúng. Hình thức tín ngưỡng này chịu ảnh hưởng bởi tôn giáo, chẳng hạn: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; thờ các vị thần cư ngụ tại nhà; thờ cúng tổ nghề; thờ cúng các danh nhân, người có công; thờ cúng Thành hoàng làng; thờ Mẫu; thờ cúng chúng sinh;… Không ít tín ngưỡng dân gian đã kéo theo các hoạt động lễ hội và được thể hiện ngay trong hoạt động lễ hội đó.
- Tín ngưỡng dân gian của các tộc người thiểu số.
Xuất phát từ đặc điểm về địa bàn cư trú, sự tác động của môi trường sinh kế, về tiến trình lịch sử mà mỗi cộng đồng tộc người đều có những nét riêng trong hệ thống tín ngưỡng, được hình thành, duy dưỡng trên cơ sở thế giới quan và nhân sinh quan chịu sự chi phối tùy thuộc vào mức độ phát triển của trình độ xã hội của từng cộng đồng. Do khuôn khổ về thời lượng và phần nào là khả năng của người viết, bài viết không có tham vọng giới thiệu đầy đủ và cụ thể những hình thức và nội dung hoạt động tín ngưỡng của từng tộc người trong cộng đồng 53 tộc người thiểu số ở Việt Nam (cho dù là những nét cơ bản nhất). Ngoài người Hoa (là tộc người đa số ở Trung Hoa) thì điểm chung trong hệ thống tín ngưỡng của các tộc người thiểu số ở Việt Nam là sự chi phối mạnh mẽ bởi yếu tố thần linh. Không ít tộc người thiểu số ở những địa bàn khác nhau theo tín ngưỡng đa thần, như người Thái, người Mông,… (phía Bắc); người Bru - Vân Kiều,.. (miền Trung); người Êđê, Jrai,… (Tây Nguyên), v.v… Phần lớn các tộc người thiểu số Việt Nam cư trú và sinh kế những nơi thường là rừng núi, đầm hồ,..  với địa bàn đặc thù và phần lớn là cư dân nông nghiệp với những cách thức canh tác khác nhau nhưng đều bị chi phối bởi các yếu tố của tự nhiên mà hầu như con người chưa lí giải được. Mức độ can thiệp, chi phối của yếu tố thần linh tỷ lệ nghịch với trình độ phát triển xã hội của từng tộc người. Để sinh tồn trong môi trường đó, mặc dù mỗi tộc người đều có cách ứng xử và sự thể hiện bằng những lễ thức khác nhau nhưng đều có chung mục đích nhằm hóa giải những điều bí ẩn, làm “đẹp lòng” các vị thần linh, mong muốn sự che chở của các vị phúc thần, hạn chế cơn thịnh nộ của các đấng siêu nhiên, các hung thần.
1.3. Sự tiếp xúc và tác động ảnh hưởng của các tín ngưỡng ở Việt Nam
Đây là một vấn đề lớn cần có những công trình nghiên cứu chuyên sâu mới có thể đánh giá được một cách đầy đủ, khoa học và toàn diện. Ở phạm vi này, người viết xin trình bày vài nét khái quát sau đây:
Thứ nhất, do hoàn cảnh lịch sử, nước ta chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi văn hóa Hán, đặc biệt là tín ngưỡng. Các nghi lễ của tín ngưỡng cúng tổ tiên trong hiếu hỷ, thờ cúng trong ngày tết,… chịu ảnh hưởng bởi Chu Công lục lễ và Chu Công gia lễ ở Trung Hoa xưa. Một số nghi lễ trong tín ngưỡng của người Việt là hệ quả của tam giáo đồng nguyên (Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo - các tôn giáo này đã dần hòa nhập với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt và bản thân chúng cũng kết hợp, hòa hợp, thống nhất lẫn nhau ở một số khía cạnh và mức độ khác nhau. Thực tế này không chỉ đối với cư dân Việt (người Kinh) mà còn diễn ra trong tín ngưỡng ở một số cộng đồng tộc người thiểu số. 
Thứ hai, sự tiếp xúc văn hóa - tộc người trong tiến trình lịch sử, bên cạnh sự cố gắng bảo tồn, phát huy những giá trị đặc trưng văn hóa truyền thống của từng tộc người thì cũng đã tạo nên sự biến đổi trong một số ứng xử và lễ thức trong các tín ngưỡng truyền thống.  
2. Sơ lược một vài biểu hiện về xu hướng
Từ hệ quả của quá trình tiếp xúc văn hóa - tộc người đã kéo theo nhiều biến đổi trong hệ thống tín ngưỡng của dân tộc, của từng tộc người. Không ít lễ thức bái lạy tổ tiên, thờ cúng các thế hệ tiền bối của gia tộc,… trong hiếu, hỷ của tín ngưỡng nhiều tộc người trong cộng đồng dân tộc Viêt Nam đã bị thay đổi, một bộ phận đã bị quên lãng. Tập tục về “ba ngày tết” của người Kinh đã không được duy trì theo tín ngưỡng xưa, có nơi cúng 3 ngày, có nơi 2 ngày, thậm chí có nơi chỉ một ngày. Không ít nơi treo cờ Tổ quốc trên cây nêu ngày tết mà không hề quan tâm đến ý nghĩa của việc trồng cây nêu trong tín ngưỡng dân gian bao đời của người Việt. Không ít trường hợp người ngoài tôn giáo sử dụng các bài cúng trong sách xướng lễ của Phật giáo, với lời thưa “Nam mô a di đà Phật” khi tế lễ trong lúc trên mâm cỗ bày đủ rượu thịt... Một số nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo đặc trưng (được coi là nét riêng biệt) như cầu hồn của Phật giáo, nay cũng được nhiều người không theo tôn giáo tổ chức. Không ít nơi, khi trong gia đình theo đạo Công giáo hoặc Tin lành tổ chức lễ tiễn đưa người thân về với Chúa cũng được lập bàn thờ làm lễ thắp hương và bái lạy (tất nhiên chủ yếu để dành cho khách đến viếng). Các ngày lễ trọng của các tổ chức tôn giáo (Giáng sinh, phục  sinh, Phật đản,…) đã trở thành ngày hội chung của giới trẻ trong cũng như ngoài tôn giáo. Đi đền, lễ chùa, bái phật, đến các địa điểm du lịch tâm linh đã trở thành hoạt động chung của mọi đối tượng tín ngưỡng. Hôn nhân diễn ra giữa những người trong và ngoài tôn giáo, giữa các tộc người với nhau cũng làm cho các tín ngưỡng dễ biến đổi theo hướng phù hợp với cả hai bên và không khí chung của cộng đồng. Và thực tế là, nhiều tín ngưỡng vốn là nét riêng của tôn giáo hay tộc người nào đó dần trở thành “tài sản văn hóa” chung. Có người cho rằng đây là những khía cạnh biểu hiện của sự tiếp biến văn hóa. 
Ngành du lịch địa phương bên cạnh việc quan tâm đầu tư, duy dưỡng và phát huy giá trị các tín ngưỡng truyền thống của các tộc người thì cũng không ít nơi vì lợi ích kinh tế của chính du lịch đã làm cho diện mạo các tín ngưỡng truyền thống trở nên đổi khác, thậm chí không ít trường hợp trở nên méo mó, biến dạng. Thực tế, có chủ thể du lịch không phân biệt được đặc điểm các địa điểm ngành mình khai khác. Các nơi có cảnh đẹp đều được quảng bá, giới thiệu là “danh lam thắng cảnh”. Họ đã quên mất rằng, “danh lam” là ngôi chùa đẹp, nổi tiếng.   
3. Thay cho lời kết
Tín ngưỡng là vấn đề nảy sinh qua tiến trình của lịch sử và thực tiễn hoạt động xã hội trong một điều kiện cụ thể nhất định. Nó luôn tác động và chịu sự tác động của đời sống cộng đồng; là nét văn hóa mang tính đặc trưng của từng cộng đồng, quốc gia. Cùng với tôn giáo, nó tạo nên sự giao thoa nhất định về thế giới quan và nhân sinh quan cũng như sự gửi gắm niềm tin vào một thế giới nào đó. Ngưỡng khác nhau về niềm tin của vấn đề cũng làm phát sinh những hệ quả ngoài mong muốn, và là môi trường nảy nở những hành vi mang tính cực đoan được biểu hiện qua hoạt động mê tín dị đoan. Sự phát triển văn minh và tiếp xúc văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc, tộc người đang tạo ra xu hướng biến đổi nhất định của văn hóa tín ngưỡng do tác động hai mặt của vấn đề.
Tài liệu tham khảo
[1]. Đào Duy Anh (1957), Hán - Việt từ điển, Trường Thi, Sài Gòn xuất bản.
[2]. Phan Kế Bính (2015), Việt Nam phong tục, Nxb Văn học, Hà Nội.
[3]. Chu Ngọc Chí (1954), Thọ Mai gia lễ, Nhà sách Hưng Long, Hà Nội.
[4]. Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2016), Luật tín ngưỡng tôn giáo (Số 02/2016/QH 14, ngày18/11/2016)

CÙNG CHUYÊN MỤC