Nguyễn Phong Sắc với việc xây dựng tổ chức Đảng, công nhân, nông dân, trí thức, báo chí, địch vận trong phong trào cách mạng ở Nghệ An 1929-1931
Nguyễn Thị Hồng Vui
10/3/2023
Tham gia thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam và tham gia thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng (năm 1929), Nguyễn Phong Sắc là một trong những chiến sỹ cộng sản đầu tiên có bản lĩnh đấu tranh để xúc tiến việc thành lập một đảng chân chính của giai cấp công nhân Việt Nam. Với cương vị là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, sau đó là Uỷ viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương chính thức và Bí thư phân cục Trung ương ở Trung Kỳ. Nguyễn Phong Sắc là một trong những người lãnh đạo trực tiếp cao trào Xô- viết Nghệ Tĩnh. Được Trung ương Đảng tín nhiệm, Nguyễn Phong Sắc đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và lãnh đạo phong trào cách mạng ở Trung Kỳ nói chung và phong trào Nghệ- Tĩnh nói riêng.
1. Nguyễn Phong Sắc với việc thành lập Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng
Ngay sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ (17-6-1929), thực dân Pháp đánh hơi thấy và cho rằng, "mầm cộng sản" bắt đầu mọc ở xứ bảo hộ. Từ đó, địch lần lần khám phá được mọi bí mật trong tổ chức của ta.
Trước tình hình địch ráo riết khủng bố, Đông Dương Cộng sản Đảng thấy cần phải gấp rút củng cố tổ chức, mở cuộc thanh lọc trong đảng. Bên cạnh đó, Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng còn nhận thấy phong trào cách mạng ở Trung Kỳ đang có bước phát triển mới, cần tăng cường cán bộ cho Trung Kỳ để thúc đẩy phong trào tiến nhanh.
Ngày 21-7- 1929, Nguyễn Phong Sắc tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, họp tại nhà Ngô Gia Tự ở xã Tam Sơn, phủ Từ Sơn (nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Tại cuộc họp, Trung ương phân công Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung vào phụ trách Trung Kỳ.
Tại đây, Nguyễn Phong Sắc gặp nhiều cán bộ chủ chốt, mà sau này trong công tác, đồng chí đã cùng với họ và nhân dân làm nên sự nghiệp lớn đó là: Lê Mao, công nhân Nhà máy diêm Bến Thuỷ, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trở thành Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, rất hăng hái vận động công nhân đấu tranh; Lê Viết Thuật, công nhân Nhà máy xe lửa Trường Thi, một người mà trong hồ sơ của mật thám Pháp ghi là "phần tử cứng đầu, cứng cổ", tổ chức thành công nhiều cuộc đấu tranh của công nhân...
Khi vào tới Nghệ An, Nguyễn Phong Sắc gặp Võ Mai (Quốc Hoa), Uỷ viên Tỉnh bộ thanh niên Nghệ An vừa đi dự đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Thanh niên về. Võ Mai thông báo cho Nguyễn Phong Sắc biết toàn bộ diễn biến của Đại hội Thanh niên và nói rõ chủ trương của mình ủng hộ việc lập Đảng Cộng sản của Đoàn đại biểu Thanh niên Bắc Kỳ, Nguyễn Phong Sắc ủng hộ thiện chí của Võ Mai.
Sau khi điều tra tình hình, Nguyễn Phong Sắc thấy việc lập tổ chức cộng sản ở Trung Kỳ đã chín muồi. Vì vậy, anh bàn với Trần Văn Cung và Võ Mai quyết định ngày họp. Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ ra đời do Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Trụ sở của Kỳ bộ đặt tại làng Vang (nay là xã Đông Vĩnh, thành phố Vinh).

Nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội - nơi thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam tháng 3/1929.
2. Nguyễn Phong Sắc khai sinh tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nghệ - Tĩnh
Sau khi Kỳ bộ được thành lập, các đồng chí phân công nhau xuống các cơ sở nghiên cứu tình hình, tổ chức các cơ sở đảng. Được sự ủng hộ của Đảng Tân Việt và Thanh Niên, Kỳ bộ đã thương thuyết chuyển một số cơ sở Hội Thanh niên ở Nghệ An thành tổ chức cơ sở của Đông Dương Cộng sản Đảng. Nhiều chi bộ đảng lần lượt ra đời như chi bộ ở Dương Xuân, Dương Long (nay là xã Lĩnh Sơn), chi bộ Tri Lễ (nay là xã Khai Sơn), huyện Anh Sơn; chi bộ Vạn Phần (nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu); chi bộ Lộc Đa (nay là xã Hưng Lộc, thành phố Vinh; chi bộ thị xã Hà Tĩnh... Một số cán bộ, đảng viên Đảng Tân Việt ở Vinh- Bến Thuỷ và các huyện Thanh Chương, Can Lộc, có cảm tình với Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ liền bắt mối liên lạc, xin gia nhập Đảng Cộng sản. Đến cuối năm 1929, các tổ chức quần chúng của Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nghệ An đã được hình thành như Tổng Công hội, Tổng Nông hội và Tổng Sinh hội. Cũng trong năm này, ở Nghệ Tĩnh xuất hiện thêm tổ chức Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (bao gồm những thành viên tích cực thuộc phái tả của Đảng Tân Việt).
Như vậy, trước ngày Đảng ta ra đời, ở Nghệ- Tĩnh đã có nhiều chi bộ cộng sản và tổ chức quần chúng của Đông Dương Cộng sản Đảng ở thành phố, thị xã, ở cả đồng bằng, trung du và miền núi.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Trịnh Đình Cửu, những đại biểu dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đứng ra triệu tập Hội nghị ở nhà số 42, phố Hàng Thiếc, Hà Nội, để cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị cử Nguyễn Phong Sắc vào Trung ương lâm thời, tiếp tục phụ trách công tác Đảng ở Trung Kỳ.
Nguyễn Phong Sắc chuyển Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung kỳ thành Kỳ bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Trung Kỳ, đứng đầu là Kỳ bộ Xứ uỷ do Nguyễn Phong Sắc làm bí thư.
Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam đã phân công đồng chí Nguyễn Phong Sắc, uỷ viên Trung ương Đảng (nguyên Bí thư Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ) phối hợp với Đông Dương Cộng sản Liên đoàn mở Hội nghị bầu Ban Chấp hành lâm thời Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung Kỳ (tức Xứ uỷ Trung Kỳ). Ngày 24-2-1930, Ban Chấp hành lâm thời Trung ương Đảng đã ra quyết nghị công nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 3- 1930, tại Vinh, Phân cục Trung ương lâm thời ở Trung Kỳ được thành lập, đặt trụ sở chính ở Vinh và một trụ sở ở Đà Nẵng để chỉ đạo việc xây dựng cơ sở Đảng ở Trung Kỳ. Phân cục Trung ương đã chỉ đinh ra hai Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghệ An và Hà Tĩnh.
- Tỉnh bộ Vinh (bao gồm Vinh- Bến Thuỷ, hai huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên và Thị xã Thanh Hoá) do đồng chí Lê Mao, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Thường trực Phân cục phụ trách.
- Tỉnh bộ Nghệ An (gồm toàn bộ các huyện trong tỉnh, trừ các nơi thuộc tỉnh bộ Vinh) do Nguyễn Liễn phụ trách.
- Tỉnh bộ Hà Tĩnh do Trần Hữu Thiều làm Bí thư.
Cho tới tháng 3- 1930, các tổ chức cộng sản ở Trung Kỳ quy về một mối thống nhất, hoạt động xoay quanh Ban Chấp hành lâm thời Phân cục Trung ương do Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Trải qua những hoạt động không mệt mỏi Nguyễn Phong Sắc đã quy tụ được các tổ chức cộng sản ở Trung kỳ vào một mối thống nhất. Sự thống nhất của đảng ở Trung Kỳ tạo nguồn sức mạnh cho các cuộc đấu tranh sắp tới.
Đến cuối năm 1930, cả Nghệ- Tĩnh có 17 Đảng bộ huyện, thị với 1.172 đảng viên (chiếm 89% tổng số đảng viên cộng sản ở Trung Kỳ). Công hội đỏ ở Nghệ Tĩnh có 312 hội viên (chiếm 43,5% số hội viên của 14 tỉnh có thống kê trong toàn quốc). Nông Hội đỏ ở 16 huyện có 40.467 hội viên (chiếm 96% số hội viên của 14 tỉnh có thống kê trong toàn quốc). Ngoài ra còn có 921 đoàn viên Thanh niên cộng sản, 564 hội viên Phụ nữ giải phóng, hàng trăm hội viên Sinh hội đỏ và 42 hội viên Hội tán trợ cách mạng1.
Ngoài cương vị Bí thư Phân cục Trung ương ở Trung kỳ, Nguyễn Phong Sắc còn trực tiếp phu trách khu vực Vinh- Bến Thuỷ, chỉ đạo cụ thể việc xây dựng các chi bộ và đảng bộ cơ sở ở các nhà máy Trường Thi, diêm Bến Thuỷ, trường Quốc học Vinh và ở Dương Xuân (Anh Sơn), Võ Liệt (Thanh Chương)…

3. Nguyễn Phong Sắc trực tiếp lên Thanh Chương để nghiên cứu tình hình và chỉ đạo phong trào
Được Võ Mai giới thiệu, Nguyễn Phong Sắc đã gặp gỡ Phan Thái Ất. Tìm hiểu nông thôn Nghệ Tĩnh qua khảo sát thực tê một số vùng như Thanh Chương. Qua trao đổi với những cán bộ giàu kiến thức thực tiễn như Phan Thái Ất, Lê Mao, Nguyễn Phong Sắc thấy rằng: ở đây các cuộc đấu tranh giữa phe hộ với phe hào diễn ra khá phổ biến ở nhiều làng xã, có những cuộc đấu tranh gay gắt, đặc biệt là vấn đề tranh chấp ruộng đất công. Thanh Chương có tỷ lệ ruộng đất công rất cao, nhiều làng xã có trên 50% ruộng đất công so với tổng diện tích ruộng đất. Ruộng đất công (tàn dư của chế độ công xã nguyên thuỷ) xưa kia được chia đều cho dân đinh, lâu dần bị các thế hệ quan lại, hào lý, địa chủ tìm cách lấn chiếm thành ruộng tư. Mỗi tên địa chủ chiếm từ 5 đên 25 ha. Có tên chiếm đến 150 ha. Vì vậy, ruộng đất công là ngòi nổ của nhiều cuộc đấu tranh của “phe hộ” đối với “phe hào”.
Đồng chí đã đặc biệt quan tâm nghiên cứu vấn đề đấu tranh giữa “phe hộ” với “phe hào”; coi đó là một khâu yếu trong guồng máy xã hội thực dân- phong kiến ở Nghệ Tĩnh, là một trọng điểm mà những người cộng sản cần nắm bắt để “thổi phong trào lên”. Đó là một đặc điểm rất thuận lợi cho việc phát động phong trào quần chúng đấu tranh ở Thanh Chương.
Cuộc đấu tranh của “phe hộ” với “phe hào” đòi giải quyết ruộng đất công đã được đẩy lên tới mức “tức nước vỡ bờ”, được coi là nhân tố quan trọng tạo nên bước phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, làm cho Thanh Chương trở thành nơi đầu tiên có chính quyền Xô viết và là điển hình của Xô- viết Nghệ-Tĩnh.
Sở dĩ chính quyền Xô viết xuất hiện ở nông thôn là do các cấp bộ đảng từ Xứ uỷ xuống cơ sở đã biết đột phá vào khâu yêu nhất của guồng máy xã hội ở Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ là mâu thuẫn giữa phe hộ và phe hào, đặc biệt là vấn đề ruộng đất công. Thực tế đã chứng minh, vùng nào đã từng có nhiều cuộc đấu tranh gay gắt giữa phe hộ và phe hào thì chính quyền Xô viết thành lập sớm nhất và rộng diện nhất như các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn...
4. Phát động đấu tranh trong các nhà máy ở Vinh - Bến Thuỷ
Tất nhiên, với tầm nhìn của một cán bộ lãnh đạo Kỳ bộ Đông Dương Công sản Đảng, Nguyễn Phong Sắc vẫn coi trọng việc thúc đẩy phong trào đấu tranh của công nhân vùng Vinh- Bến Thuỷ,
Nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930, Nguyễn Phong Sắc và Phân cục Trung ương ở Trung Kỳ triệu tập cuộc họp vào ngày 20-4-1930 tại làng Lộc Đa, huyện Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Lộc, thành phố Vinh), quyết định lấy ngày 1-5-1930 làm ngày phát động phong trào quần chúng đấu tranh trong toàn tỉnh. Theo sự hướng dẫn của đồng chí, cuộc họp thảo luận kỹ các khẩu hiệu đấu tranh (kể cả khẩu hiệu binh vận) và thành lập Ban chỉ huy cuộc biểu tình.
Theo đúng kế hoạch đã định, đêm 28-4-1930, truyền đơn kêu gọi dân chúng hưởng ứng ngày Quốc tế Lao động tung ra trong các nhà máy, ngoài đường phố, trong các công sở, trường học, trại lính… Đêm 29-4, hai lá cờ đỏ búa liềm to tung bay ngạo nghễ trước Dinh công sứ và trên cột cờ thành Vinh. Khẩu hiệu đấu tranh dán la liệt trên các tường. Đêm 30-4, nhộn nhịp như đêm hội. anh em công nông thức suốt đêm để chuẩn bị cho cuộc biểu tình.
Sáng sớm ngày 1-5-1930, tại Vinh- Bến Thuỷ đã nổ ra một cuộc biểu tình lớn gồm nông dân các làng Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh (thành phố Vinh), An Hậu, Đức Hậu, Tân Hợp (huyện Nghi Lộc).
Cuộc biểu tình tuần hành oanh liệt của công nông Vinh- Bến Thuỷ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động cùng với cuộc nổi dậy của anh chị em nông dân tổng Hạnh Lâm phá đồn Ký Viễn, tay sai của đế quốc Pháp đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930- 1931 ở Nghệ- Tĩnh.
5. Cho đảng viên cán bộ trí thức đi vô sản hoá
Đứng trước những khó khăn của đất nước lúc bấy giờ, một số tổ chức cơ sở của Thanh niên phải hoạt động phân tán. Thực hiện chủ trương của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, nhiều hội viên thanh niên hăng hái đi “vô sản hoá”. Nguyễn Phong Sắc là một trong những người hăng hái nhất. Không xin được vào làm việc ở nhà máy, anh đi kéo xe tay, sống sát với những người lao động, qua đó mà hiểu được thế nào là cuọc đời bị áp bức bóc lột. Cũng như nhiều đồng chí khác, Nguyễn Phong Sắc lúc đó đã nhận thức rõ ý nghĩa và tác dụng to lớn của việc đi “vô sản hoá” đối với sự chuyển biến lập trường, quan điểm, tư tưởng của các hội viên tiên tiến trong tổ chức Thanh niên, đối với công tác tổ chức và lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nông trong thời kỳ chuẩn bị thành lập đảng.
Trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, đồng chí Nguyễn Phong Sắc rất chú trọng giáo dục cho cán bộ, đảng viên đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng và chú ý bồi dưỡng lập trường vô sản giai cấp. Vô sản giai cấp vẫn là giai cấp chủ động, phấn đấu hơn hết các giai cấp khác. Vô sản giai cấp nhất thiết phải đi hàng đầu trong mọi công cuộc lớn nhỏ.
6. Mở rộng mạng lưới tuyên truyền bằng mọi hình thức
Nguyễn Phong Sắc đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền của Đảng trong nhân dân. Đồng chí coi đây là một trong những nhiệm vụ thuộc công tác tư tưởng của Đảng tại khu vực Vinh- Bến Thuỷ.
Từ sau ngày 1-5, công tác tuyên truyền của Đảng bộ, nhất là lĩnh vực báo chí xuất hiện ngày càng nhiều. Các bộ phận ấn loát (in ấn) của Xứ uỷ, Tỉnh uỷ ra sức in báo chí, truyền đơn để phân phát nội bộ và rải, dán khắp mọi nơi.
Nguyễn Phong Sắc vừa lãnh đạo phong trào toàn xứ, vừa viết bài vừa chỉ đạo việc in ấn. Ngày 2-5-1930, đồng chí Nguyễn phong Sắc đã kịp thời cho ra mắt bạn đọc số 2 báo Lao khổ (in bằng thạch) cho cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ, với cái tít lớn:
“Cuộc tuần hành thị uy ở Bến Thuỷ
Gương tranh đấu! Gương hy sinh!
Đế quốc chủ nghĩa Pháp vô cớ giết anh em, chị em lao khổ! Anh em! Chị em! Đoàn kết lại!
Cực lực phản kháng đế quốc Pháp giết hại người”1.
Ngày hôm sau (3-5-1930), đồng chí Nguyễn Phong Sắc viết tiếp bài đăng trên báo Lao khổ, số 3.
Cũng trong năm 1930, Nguyễn Phong Sắc viết nhiều bài cho báo Lao khổ, kêu gọi thợ thuyền và dân cày đứng lên đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng. đồng chí còn viết một cuốn sách nhỏ nhan đề: “Tại sao dân Nghệ An đói?” (in li-tô, dày khoảng 24 trang). Cuốn sách phân tích sâu sắc sự áp bức bóc lột của đế quốc Pháp và bọn phong kiến tay sai; nạn hạn làm mất mùa, bọn thống trị không cho dân làm thủy lợi. Vì thế, dân đói khổ phải vùng lên đấu tranh…Trong các cuộc họp, cũng như khi mở lớp huấn luyện, hoặc viết sách báo, Nguyễn Phong Sắc thường xuyên giáo dục cho cán bộ, đảng viên nắm vững tính chất, nhiệm vụ, đối tượng, lực lượng và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Đồng thời, anh rất coi trọng công tác xây dựng Đảng, thường nhắc nhở cán bộ nhận thức tính chất giai cấp công nhân của đảng, học tập lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin và đường lối của Đảng.
Về lãnh đạo quần chúng đấu tranh, Nguyễn Phong Sắc thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên đi sát quần chúng, bám sát phong trào, dìu dắt phong trào từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn.
Từ tháng 9- 1930, phong trào lên mạnh. Nghệ An lan sang Hà Tĩnh. Hàng loạt những cuọc biểu tình khổng lồ gồm hàng ngàn, hàng vạn người liên tiếp nổ ra. Với khí thế xung thiên, công nhân và nông dân hoà chung tiếng thét căm thù chống đế quốc Pháp và phong kiến tay sai, rầm rập kéo nhau lên phủ huyện, dùng bạo lực cách mạng huỷ bỏ chính quyền địch. Làn sóng cách mạng cuồn cuộn dâng lên cuốn đi từng mảng bộ máy thống trị của địch ở Nghệ Tĩnh. Hoảng sợ trước sức mạnh của quần chúng, một số tên tri phủ, tri huyện bỏ trốn. Nhiều tên cường hào đầu hàng cách mạng, mang triện đồng nộp cho Nông hội xã. Trong điều kiện chính quyền địch tan rã ở nhiều nơi, Ban Chấp hành Nông hội đỏ (lúc ấy là xã Bộ nông, thôn Bộ Nông) đứng ra quản lý nông thôn, làm chức năng chính quyền cách mạng của nhân dân. Sức mạnh của công nông đập nát gông xiềng của nô lệ, xây dựng nên Xô viết công nông dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng.
Tháng 10- 1930, tại Hương Cảng, Trung Quốc, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương họp để thảo luận và thông qua bản luận cương chính trị, quyết nghị về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng… Theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Hội nghị quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức. Đồng chí Trần Phú được cử làm Tổng Bí thư của Đảng. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc tuy vắng mặt tại Hội nghị, nhưng vẫn được Hội nghị tín nhiệm, cử làm Uỷ viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương chính thức của Đảng.
Nguyễn Phong Sắc cùng xứ uỷ Trung kỳ và hai Tỉnh uỷ Nghệ An và Hà Tĩnh huy động quần chúng, có các đội tự vệ đỏ, vũ trang bằng giáo, mác, gậy gộc… để đấu tranh chống khủng bố, không cho địch đốt phá làng xóm, lập đồn binh… đoàn này bị bắn chết hàng trăm người, đoàn khác lại tiến lên. Người này ngã xuống, người khác xông lên. Phong trào ở làng này lắng xuống, thì phong trào ở làng khác bùng lên… Trong phong trào quần chúng chống khủng bố trắng, công tác vận động binh lính đã thu được kết quả ở nhiều nơi. Nguyễn Phong Sắc trực tiếp chỉ đạo công tác này và tự tay viết truyền đơn bằng chữ Pháp, cho in và rải ở các đồn binh có lính lê dương. Đồng chí động viên chị em phụ nữ tham gia công tác này, vì chị em đóng vai trò quan trọng trong việc kêu gọi binh lính không bắn vào nhân dân. Cùng các đồng chí lãnh đạo khác, Nguyễn Phong Sắc bám sát phong trào, đi sát quần chúng, động viên và giữ vững tinh thần của cán bộ, đảng viên và quần chúng. Đồng thời, anh cũng kịp thời uốn nắn những lệch lạc trong phong trào và tỉnh táo đối phó, làm thất bại những âm mưu thâm độc của địch.
Ngọn cờ Xô-viết được giương cao, chính quyền Xô-viết được đứng vững, được sự cổ vũ của cả nước, phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh như được tiếp thêm dầu, bùng lên mạnh mẽ. Địch tiếp tục phản công. Ta đánh trả lại. Trống mõ nổi liên hồi khắp xóm dưới làng trên, thúc giục mọi người hãy dũng cảm tiến lên. Bọn chúng hoảng sợ phải co lại.
Với âm mưu thâm độc và quỷ quyệt, thực dân Pháp một mặt, tiếp tục dùng chính sách khủng bố; mặt khác chúng chuyển sang chính sách cải lương, mị dân, phát cờ vàng và thẻ quy thuận. Vừa khủng bố, vừa dụ dỗ mua chuộc, một số cán bộ, đảng viên thuộc thành phần tiểu tư sản, trí thức hoang mang, đã đầu hàng, đầu thú địch. Trước tình hình đó, Xứ uỷ Trung Kỳ và Đảng bộ Nghệ An, Hà Tĩnh chủ trương đưa hết các đảng viên thuộc thành phần “trí, phú, địa, hào” ra khỏi Đảng. Với cương vị người lãnh đạo Đảng cao nhất ở Trung Kỳ, Nguyễn Phong Sắc sớm nhìn ra sai lầm này và đã có những uốn nắn kịp thời. Đồng chí nói rằng, việc thanh đảng, chưa quán triệt nguyên tắc thanh lọc, có nghĩa là không xét những con người cụ thể trong hoàn cảnh cụ thể, mà lại đi xét “mớ” là một việc làm ấu trĩ của người cộng sản, người lãnh đạo. Nhiều người tuy xuất thân từ thành phần bóc lột, nhưng họ đã từ bỏ giai cấp của mình, sống chết vì cách mạng, cần để họ đứng trong đội ngũ của Đảng. Còn những phần tử cơ hội, lừng chừng, bấp bênh, cần phải đưa ngay ra khỏi Đảng. Đó là một chủ trương đúng đắn mà Nguyễn Phong Sắc đã rút ra từ sai lầm thanh đảng1.
Tháng 12-1930, tại làng Song Lộc, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Phong Sắc triệu tập Hội nghị mở rộng Xứ uỷ Trung Kỳ để nghiên cứu Luận cương chính trị của Đảng và kiểm điểm phong trào đấu tranh ở Trung Kỳ.
Trước tình hình cao trào cách mạng và Xô-viết Nghệ Tĩnh đang bị địch khủng bố đẫm máu, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ hai họp tại Sài Gòn. Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương họp đưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư của Đảng. Tham dự Hội nghị có hai đồng chí Uỷ viên Thường vụ Trung ương là Nguyễn Phong Sắc và Nguyễn Trọng Nhã; các đồng chí Uỷ viên Trung ương là Lê Mao, Trần Văn Lan, Ngô Đức Trì.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Phong Sắc, người trực tiếp lãnh đạo cao trào cách mạng ở Trung Kỳ và Xô viết Nghệ Tĩnh, đóng góp nhiều ý kiến và kinh nghiệm với Hội nghị về tình hình công tác tổ chức của Đảng và về sự lãnh dạo quần chúng đấu tranh.
Hội nghị đã thảo luận và thông qua các nghị quyết về nhiệm vụ hiện tại của Đảng; vấn đề cổ động tuyên truyền và vấn đề tổ chức.
Sau khi Hội nghị bế mạc, đồng chí Nguyễn Phong Sắc trở về ngay để phổ biến những nghị quyết của Hội nghị.
Vào cuối tháng 4- 1931, tại một địa điểm ở Nghệ An, Hội nghị mở rộng của Xứ uỷ Trung Kỳ, gồm khoảng 10 đại biểu, đã họp trong 3-4 ngày liền để nghe Nguyễn Phong Sắc phổ biến nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ hai, đồng thời kiểm điểm tình hình tổ chức Đảng ở Trung Kỳ và nhấn mạnh việc tăng cường thành phần công nhân trong Đảng.
Phổ biến xong Nghị quyết Trung ương, đồng chí Nguyễn Phong Sắc từ Trung Kỳ đi xe lửa ra Hà Nội để tiếp tục phổ biến Nghị quyết Trung ương cho các tỉnh Bắc Kỳ. Khi đến ga Hàng Cỏ, vừa tới trước cửa khách sạn Nam Lai, bọn mật thám Pháp chỉ điểm, đã theo dõi và bắt được đồng chí. Chúng giam cầm và tra tấn dã man tại Hà Nội rồi giải đồng chí về giam ở Vinh. Vì không lấy được cung và lo sợ trước cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh đang nổ ra rầm rộ, chúng bí mật bắn đồng chí tại đồn Song Lộc, huyện Nghi Lộc, Nghệ An vào lúc 5 giờ sáng ngày 25/5/1931.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Phong Sắc tuy không dài nhưng rất sôi động và phong phú, gắn liền với thời kỳ chuẩn bị và thành lập Đảng, gắn liền với cao trào cách mạng 1930- 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh.
Tấm gương kiên trung, bất khuất, dũng cảm đấu tranh, hy sinh quên mình cho sự nghiệp cách mạng và lý tưởng cộng sản của đồng chí Nguyễn Phong Sắc sống mãi trong sự nghiệp vẻ vang của cách mạng Việt Nam./.