Truyền thống Lịch sử - văn hóa, yêu nước và cách mạng của nhân dân Qùy Hợp

Nguyễn Văn Tài
28/2/2023

Nghệ An từ xưa tới nay nổi tiếng là vùng đất giàu có về truyền thống dân tộc. Những truyền thống quý báu có thể nhắc đến là yêu nước, cần chù, chịu khó, hiếu học, dũng cảm… Nằm trong không gian địa lý của tỉnh nhà, huyện Quỳ Hợp từng có nhiều đóng góp, kế thừa và phát huy truyền thống gia phong xứ Nghệ. Bài viết này tập trung trình bày một số truyền thống tiêu biểu của nhân dân huyện nhà là: lịch sử - văn hoá, yêu nước và cách mạng.


Trước hết về truyền thống lịch sử - văn hoá
Địa bàn huyện Quỳ Hợp ngày nay thuộc phủ Quỳ Châu xuyên suốt thời phong kiến. Vùng đất phủ Quỳ xưa từng nhiều lần tách - nhập nhưng căn bản gồm 3 huyện là Thuý Vân, Quế Phong và Nghĩa Đường. Thời Pháp thuộc, huyện Nghĩa Đường tách ra làm huyện riêng với tên gọi Nghĩa Đàn. Sau Cách mạng Tháng Tám, Quỳ Châu và Nghĩa Đàn là 2 trong số 12 huyện của tỉnh Nghệ An. Đến năm 1963, Chính phủ chia huyện Quỳ Châu làm 3 huyện riêng là Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp. Địa lý và địa danh huyện Quỳ Hợp bắt đầu được xác lập từ đây.
Qua khảo cứu các tư liệu cổ và kết luận của các nhà khảo cổ học thì chậm nhất vào thời văn hoá Hoà Bình, người Việt cổ đã sinh sống ở Quỳ Hợp. Nghĩa là, ngay từ thời Tiền sử, thuộc thời kỳ đồ đá cũ cách ngày nay hơn một vạn nămthì nơi đây đã có sự hiện diện của con người. Tại huyện nhà còn lưu dấu tích 3 di chỉ khảo cổt là hang Hoong Còn, hang Piêng Pò và hang Pò Cung. Các hiện vật thu được là đồ đá như chày, bàn nghiền, mảnh gốm… 
Sang thời Sơ sử của các vua Hùng dựng nước, Quỳ Hợp còn lưu được không ít dấu tích thời văn hoá Đông Sơn. Các di chỉ tiêu biểu là: Mái Đá Hổ ở Đồng Hợp, hang Hổ ở Châu Đình, trống đồng Tân Thắng, trống đồng Tam Hợp I, trống đồng Tam Hợp II, trống đồng Tân Xuân, trống đồng Châu Lộc, Thạp gốm Châu Lý. Tám di chỉ này được nhập vào di chỉ Làng Vạc, cách ngày nay hơn 2000 năm .
Đây là những dấu vết lịch sử quan trọng, để khẳng định sự tồn tại của con người từ lâu đời trên vùng đất Quỳ Hợp. Đến nay, dân số trên địa bàn huyện nhà đã trên mười vạn người (tính đến năm 2007 hơn125 000 người) 
Bước sang thời kỳ hơn ngàn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, không chỉ Quỳ Hợp mà cả miền Tây Nghệ An rất ít người cư trú. Mặc dù các phủ, huyện miền xuôi dân số ngày càng tăng. Trải qua thời gian, người Kinh cùng các dân tộc thiểu số dần di cư đến miền Tây để sinh cơ lập nghiệp. Tại vùng đất Quỳ Hợp có sự cư trú của 3 dân tộc chủ yếu là người Kinh, người Thổ và người Thái. Ngoài ra, còn có các nhóm người Khơ Mú, người Mông và người Ơ Đu. Do có nhiều dân tộc sinh sống từ lâu đời nên truyền thống văn hoá huyện nhà khá đa dạng và đặc sắc. 
Người dân Quỳ Hợp từ xưa đến nay quen chung sống ở các bản mường, làm nhà sàn để ở, làm nương rẫy, trồng lúa, chăn nuôi và đánh bắt thuỷ sản. Khác với người miền xuôi họ quen trồng giống lúa nước, người dân nơi đây thường trồng giống lúa khô, chịu hạn tốt.
Đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có đời sống văn hoá, tín ngưỡng rất đa dạng và độc đáo. Về văn hoá ẩm thực, họ có nhiều món ăn đặc sản như canh bồi (canh Ột), canh nhoọc (canh nấu trong ống nứa non), hò mọoc (thức ăn gói là hông chín), môn nấu với da trâu hay thịt bò gác bếp đã khô, chẻo pịa…



Múa sạp tại Lễ hội Mường Ham

Hàng năm, họ chung tay tổ chức lễ hội Mường Ham ở xã Châu Cường. Đây là lễ hội truyền thống riêng có của nhân dân bản địa. Những ngày lễ, họ tổ chức nhiều hoạt động văn hoá như đánh cồng, khắc luống, nhảy sạp, ném còn, đi cà kheo… Họ còn có kho tàng truyện kể dân gian rất sâu lắng cùng các làn điệu dân ca nhuôn, xuối… mang đậm nét trữ tình
Rồi đến tục uống rượu cần là dịp anh em, bạn bè, làng xóm quây quần bên nhau. Người Thái, người Thổ nơi đây còn có phong tục làm Vía, buộc chỉ cổ tay, cưới hỏi, thờ cúng, làm nhà mới, ngủ mái… rất riêng. Họ rất tôn trọng người già, tôn trọng bản sắc văn hoá giữa các dân tộc. Nhờ vậy, dù có nhiều dân tộc chung sống quây quần nhưng họ rất tôn trọng, nhường nhịn và tương trợ lẫn nhau. Đây là truyền thống văn hoá tốt đẹp của nhân dân huyện nhà, là yếu tố đưa đến sự đoàn kết giữa các dân tộc.
Thứ hai về truyền thống yêu nước và cách mạng
Biết bao thế kỷ tồn tại ở miền Tây xứ Nghệ, nhân dân huyện Quỳ Hợp được kế thừa và phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước của dân tộc. Từ thời phong kiến, khi đến vùng đất này, họ đã phải chiến đấu với bao thiên tai, giặc dã. Dù điều kiện tự nhiên hết sức khó khăn nhưng bằng ý chí và lòng yêu nước mà họ gắng bám trụ núi rừng hàng trăm năm qua. Người dân Quỳ hợp, dù là dân tộc nào cũng đoàn kết bên nhau, ra sức chế ngự thiên nhiên để xây dựng bản mường. Họ còn phải lo chiến đấu chống các thế lực hắc ám, ngoại xâm để bảo vệ quê hương, bảo vệ thành quả lao động.
Từ tình yêu gia đình, gia tộc, bản mường đến tình yêu quê hương, đất nước, nhân dân Quỳ Hợp có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ở thời trung đại, tiêu biểu là thắng lợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã có đóng góp không nhỏ của nhân dân huyện nhà. Sau trận Bồ Đằng sấm vang chớp dật, Lê Lợi đến Quỳ Hợp chọn Bãi Tập làm nơi luyện quân. Vương đã “vỗ về bộ lạc, thưởng cho các tù trưởng. Tuyển các đinh tráng sung vào bộ ngũ, được 5 nghìn người, quân thế ngày càng mạnh” . Bởi vậy, khi đem quân đến hạ thành Trà Lân thì “Bọn Phương Chính, Sơn Thọ đến Nghệ An, muốn cứu Cầm Bành mà không dám tiến quân, bèn sai người đưa thư xin giải vây cho Bành” .
Hiện  nay, trên vùng đất huyện nhà còn lưu nhiều dấu tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn như: Đền Chợ Bãi, đền Bản Dinh, đền Cửa Troóng, đền Đồi Chùa, đền Bản Can, đền Bản Lè, đền Bản Phày… . Những di tích này thờ các vị tướng, quân dân bản địa có công lao hay hi sinh trong cuộc khởi nghĩa. Đây là những minh chứng rõ nét về truyền thống yêu nước, bất khuất của nhân dân Quỳ Hợp.


Đền Choọng - Di tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Khi thực dân Pháp sang xâm lược Việt Nam, nhân dân huyện nhà tuy cách xa về địa lý nhưng hưởng ứng rất sôi nổi chiếu Cần Vương. Một bài vè chống Pháp thời đó được viết nguyên văn tiếng Thái có đoạn: “Đóng bè rời bản xuống miền xuôi/ Mường Miêng, mường Nghình, mường Ham biết mấy năm rồi…” . Mường Nghình nay thuộc xã Châu Hồng, mường Ham thuộc xã Châu Cường (thuộc vùng Khủn Tinh cũ). Bài vè ca ngợi ý chí bất khuất, quật cường của nhân dân nơi đây đã góp công, góp của, góp người để chống Pháp.
Sang thế kỷ XX, Hội Duy Tân do Phan Bội Châu chủ trương bạo động để cứu nguy Tổ quốc. Nhân dân Quỳ Hợp âm thầm chuẩn bị một cuộc khởi nghĩa lớn ở vùng Khủn Tinh cũ, cụ thể là bản Tổng Lôi. Cuộc khởi nghĩa nổ ra chưa dữ dội nhưng đây là cuộc khởi nghĩa duy nhất có sự chuẩn bị chu đáo và được sự ủng hộ của đông đảo người miền núi. Điều nàykhẳnng định lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc của họ.
Khi Đảng ra đời và lãnh đạo phong trào cách mạng, đồng bào các dân tộc huyện nhà nhiệt thành hưởng ứng và đi theo. Họ góp công, góp của, động viên con em nhập ngũ để đánh Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới phía Bắc... Lớp lớp thanh niên Quỳ Hợp đã dũng cảm theo tiếng gọi của Đảng lên đường nhập ngũ. Hàng ngàn đồng bào tham gia dân công hoả tuyến, mở đường, vận tải lương thực về xuôi, vào Nam cho bộ đội kháng chiến. Huyện nhà đã cống hiến hàng ngàn chiến sỹ, liệt sỹ cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đông đảo đồng bào miền xuôi tiến về miền Tây Nghệ An. Không ít người đã lựa chọn vùng đất Quỳ Hợp làm nơi dừng chân và khai hoang, tăng gia sản xuất để cung cấp lương thực cho tiền tuyến. Họ dần định cư ở đây, đóng góp lương thực cho bộ đội ăn no đánh giặc. Công cuộc chuyển lên Quỳ Hợp làm kinh tế vô vàn khó khăn, trắc trở nhưng họ kiên cường bám núi rừng vì sự nghiệp cách mạng chung. 
Sau ngày đất nước hoà bình, thống nhất, hàng ngàn cán bộ, bộ đội, giáo viên, bác sĩ, kỹ sư lựa chọn lên Quỳ Hợp để xây dựng cuộc sống mới, quê hương mới. Họ xây nhà, dựng cửa, làm đường, cải tạo núi rừng, kiến thiết các công trình… để đóng góp vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Đồng thời, làm thay đổi và khởi sắc hơn điều kiện kinh tế - xã hội nơi miền núi Quỳ Hợp.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đất và người Quỳ Hợp chứng tỏ được đây là nơi giàu truyền thống dân tộc và là vùng đất có lịch sử lâu đời với nhiều dấu tích khảo cổ. Cuộc sống con người nơi đây có sự hội tụ và phát huy nhiều truyền thống văn hoá đặc sắc. 
Đi qua các cuộc khởi nghĩa, chiến tranh rồi những chặng đường cách mạng vẻ vang của dân tộc càng chứng tỏ truyền thống yêu nước, bất khuất của nhân dân huyện nhà. Nhân dân Quỳ Hợp có những đóng góp không nhỏ cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.

Tài liệu tham khảo

1. Cổng thông tin điện tử huyện Quỳ Hợp: http://quyhop.gov.vn/vi/about/Gioi-thieu-ve-Quy-Hop.html
2. Huyện uỷ, HĐND, HBND huyện Quỳ Hợp, Địa chí huyện Quỳ Hợp, Nxb Nghệ An, 2003.
3. Ngô Sỹ Liên và các sử thần nhà Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, trọn bộ, Nxb Trẻ, 2001.
4. Ninh Viết Giao, Về văn hoá xứ Nghệ, Tập 1, 2, Nxb Nghệ An, 2008.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, H. 1998.
6. Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb
7. Hà Văn Tấn, Khảo cổ học Việt Nam, Tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, H.. 1998.
8. Bùi Thiết, Địa danh văn hoá Việt Nam, Nxb Thanh niên, H. 1996.








CÙNG CHUYÊN MỤC