Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa qua trước tác của danh nhân xứ Nghệ (Kỳ 1)

Tử Quang
11/1/2023

Việt Nam là quốc gia ven biển, có vị thế địa chính trị và kinh tế rất quan trọng, với đường bờ biển dài khoảng 3.260km, là một không gian biển vô cùng rộng lớn. Do đó, từ rất sớm, người Việt đã biết dựa vào biển để khai thác những nguồn lợi từ biển. Trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, người Việt ngày càng có xu hướng hướng biển nhiều hơn, với nhiều hoạt động quy mô hơn, lâu dài hơn, trong đó các hoạt động khai thác, vận tải, giao thương đường biển, và thực thi bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo là những hoạt động nổi bật hơn cả. Chính vì vậy mà trong Hiến pháp các năm 1980, 1992, Luật biên giới quốc gia năm 2003, Việt Nam đã khẳng định rõ ràng chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 Trong các năm 1979, 1981, 1998, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố các sách trắng về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chắc nịch và với thế giới rằng Việt Nam có đầy đủ chứng cứ khoa học lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với quy định của Luật pháp quốc tế. 
Bên cạnh những tư liệu thành văn của Việt Nam thì tư liệu của các nước phương Tây cũng là một yếu tố hết sức quan trọng. Từ cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, người phương Tây đã đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và ghi nhận chủ quyền của nhà nước phong kiến Việt Nam đối với hai quần đảo này bằng những bộ sách nổi tiếng như: Nhật ký Batavia (xuất bản năm 1631 và tái bản vào các năm 1634, 1636) của Công ty Đông Ấn Hà Lan, tường thuật quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh hải Việt Nam do chúa Nguyễn hành xử để kiểm soát các tàu biển qua lại khu vực này; hay Nhật ký về xứ Đàng Trong (Mémoire sur la Cochinchine) năm 1744 của Pierre Poivre, ghi nhận việc quản lý của Việt Nam đối với Hoàng Sa dưới thời chúa Nguyễn; Hồi ức về xứ Đàng Trong (Le mémoire sur la Cochinchine) năm 1820 của Jean Baptiste Chaigneau và bài viết Ghi chép về địa lý xứ Đàng Trong (Note on the geography of Cochinchina) năm 1837 của Jean-Louis Taberd đều khẳng định sự kiện vua Gia Long tuyên bố chủ quyền bằng việc sai người đến cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa năm 1816... Thứ nữa là các công trình địa lý, lịch sử được xuất bản ở các nước Âu Mỹ miêu tả Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, tiêu biểu có Địa lý Vương quốc Đàng Trong (Geography of Cochin-China Empire) năm 1849 của Gutzlaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels (Hoàng Sa); Thế giới, lịch sử và mô tả các dân tộc Nhật, Đông Dương, Xây Lan năm 1850 của M.A.Dubois de Jancigny chép việc triều Nguyễn đã chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa được 34 năm (tức từ năm 1816); Địa lý tóm tắt (Compendio di Geografia) năm1850 do Adriano Balbi biên soạn, trong phần mô tả địa lý Vương quốc An Nam viết Paracels thuộc vương quốc này. Cuối cùng là các bản đồ phương Tây thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam và điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam mà thôi, tiêu biểu có bản đồ Atlas Thế giới năm 1827 của Philippe Vandermaelen, An Nam đại quốc họa đồ năm 1838 của Jean-Louis Taberd.

Phần vẽ và chú thích "Bãi Cát Vàng" trong "Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư"

Như vậy, Hoàng Sa và Trường Sa chưa từng được đề cập trong các sách lịch sử và địa lý của Trung Quốc trong suốt hơn 2.000 năm lịch sử mà lãnh thổ thuộc quyền quản lý của họ chỉ tới cực Nam của đảo Quỳnh Châu. Đặc biệt, rất nhiều tư liệu của Trung Quốc ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền quản lý của nhà nước phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XVII, như sách Hải ngoại kỷ sự của Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán viết năm 1696. Không những vậy, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng chưa từng được ghi nhận trong hệ thống phương chí và bản đồ hành chính của Trung Quốc. Các bản đồ Trung Quốc có niên đại sớm nhất từ năm 299 TCN cho đến đầu thế kỷ XX đều thể hiện cực Nam lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Quỳnh Châu, tiêu biểu như Hoàng triều địa dư toàn đồ năm 1728, Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ năm 1904, Đại Thanh đế quốc toàn đồ năm 1908, Trung Hoa Dân quốc phân tỉnh tân đồ năm 1933...
Như vậy, các nguồn tư liệu phong phú trong các thời kỳ lịch sử khác nhau của Việt Nam, các nước phương Tây và Trung Quốc đều cho thấy: Việt Nam là nước thực thi chủ quyền thực sự và liên tục, đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo dòng chảy lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVII cho tới cuối triều Nguyễn, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được ghi chép, mô tả một cách đầy đủ và chi tiết trong nhiều bộ thư tịch của nước ta. Điều đặc biệt là trong rất nhiều tác phẩm địa dư của Việt Nam viết về Hoàng Sa - Trường Sa dưới hai triều Lê và Nguyễn đều có sự đóng góp rất lớn của các Nho sĩ người Nghệ. Đây đều là những tư liệu gốc (original texts) có giá trị lớn về mặt khoa học, lịch sử và pháp lý góp phần rất lớn vào việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ lãnh hải của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.



Phần vẽ và chú thích "Bãi Cát Vàng" trong "Giáp Ngọ niên bình Nam đồ"

Kỳ 1. Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa được các danh nhân xứ Nghệ khẳng định sớm và liên tục
Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư 纂集天南四至路圖 của Đỗ Bá Công Đạo, Giáp Ngọ niên bình Nam đồ 甲午年平南圖 của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt, Quảng Thuận đạo sử tập 廣順道史集 của Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh, Đại Việt sử ký tục biên 大越史記續編 của Hoàng giáp Phạm Nguyễn Du (đồng biên soạn) hay những bộ chính sử của triều Nguyễn sau này cũng đều có những ghi chép, mô tả liên quan đến vùng biển Việt Nam ở thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX và tất cả những lĩnh vực liên quan tới biển đảo và hàng hải. Bài viết chi tiết về những tác phẩm nói trên chúng tôi đã đề cập ở Đặc san KHXH&NV Nghệ An, bạn đọc có thể tìm đọc ở các số trước đây.
Trước hết, đó là những ghi chép về các tuyến đường biển từ xứ Thuận Hóa vào phủ Gia Định. Các tuyến đường biển này đều được ghi chép rõ ràng về địa điểm, thời gian di chuyển từ điểm này đến điểm khác, trên đường đi sẽ qua những cửa biển nào, đặc điểm của từng cửa biển như mức độ nông, sâu, nơi tiếp giáp, số lượng các cửa biển trong mỗi xứ, như từ xứ Thuận Hóa vào xứ Quảng Nam, tổng cộng phải đi qua 20 cửa biển, từ cửa Ma Ly đến cửa Ba Thắc (thuộc phủ Gia Định) có 10 cửa biển. 
Thứ hai, khẳng định hoạt động giao thương của người Việt Nam với nước ngoài trên vùng biển Việt Nam. Theo những ghi chép và mô tả của Quảng Thuận đạo sử tập, thì tại các cửa biển thuộc vùng biển của Việt Nam, luôn có rất nhiều thuyền buôn nước ngoài tụ tập buôn bán, trao đổi hàng hóa. Như ở xứ Vũng Lấm (cửa Hàn) có “thương thuyền các nước đậu trên sông”, cửa Đại Chiêm thì “thương thuyền đậu rất nhiều”. 
Những ghi chép này tuy ngắn ngủi, vắn tắt, nhưng đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng, từ cuối thế kỷ XVIII về trước, người Việt Nam luôn chú trọng khai thác vùng biển để phục vụ cho các hoạt động giao thông, vận tải và buôn bán trao đổi hàng hóa với các nước, điều này cũng đã được nhiều thư tịch cổ của Việt Nam cũng như của nước ngoài chứng minh rõ.


Phần vẽ và chú thích "Cù Lao Ré" quê hương hải đội Hoàng Sa trong "Quảng Thuận đạo sử tập" 

Đặc biệt nhất, chúng ta thấy rằng những tư liệu viết về Hoàng Sa, Trường Sa trước cuộc chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh thứ 8 (1774-1775) chỉ duy nhất một tác phẩm có đề cập tới “Bãi Cát Vàng” 𡓁𡑪鐄 đó là Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá Công Đạo. Để viết cuốn sách này tác giả phải giả dạng lái buôn và thực hiện một cách bí mật và hoàn thành năm 1686. Với những ghi chép tỷ mỷ và chi tiết về Bãi Cát Vàng đã cho chúng ta thấy rằng đây chính là tác phẩm đầu tiên tại Việt Nam (cũng như cả thế giới lúc bấy giờ) có phần nhắc tới việc làm chủ của nhà nước phong kiến Việt Nam bấy giờ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay. Những mô tả về những yếu tố lịch sử, địa lý trong tác phẩm đều rất chi tiết đến từng phần nhỏ góp phần khẳng định rõ ràng Nhà nước phong kiến Việt Nam thời xưa đã chiếm hữu, chính thức làm chủ và tiến hành khai thác Bãi Cát Vàng (quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa). 

Phần vẽ và chú thích Bãi Cát Vàng trong sách "Nghệ An nhân vật chí"

Đặc biệt nhất chính là việc Đỗ Bá Công Đạo đi thực tế và biên soạn, hoàn thành theo lệnh của chúa Trịnh và dâng lên chúa vào những năm niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) có thể coi là văn kiện của nhà nước, một trước tác chính thức cấp nhà nước. Những thông tin thể hiện trong sách này cho thấy rõ ràng cương giới xứ Đàng Trong do chúa Nguyễn quản lý từ cuối thế kỷ XVI đã mở rộng ra khu vực các quần đảo ở giữa Biển Đông. Và cũng từ tên gọi “Bãi Cát Vàng” tức tên gọi nôm na mà dân gian xứ Đàng Trong đặt cho hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ngày nay đã được các Nho sĩ của xứ Đàng Ngoài sau này chuyển âm sang chữ Hán là “Hoàng Sa chử” 黃沙渚 hay gọi tắt là “Hoàng Sa” 黃沙 và chính thức sử dụng tên gọi này trong các bộ chính sử hay địa dư nổi tiếng bấy giờ như như Đại Nam thực lục 大南寔錄, Đại Nam nhất thống chí 大南一統誌全圖, Đại Nam nhất thống toàn đồ 大南一統全圖.
Tiếp sau đó, đến cuộc chiến năm Giáp Ngọ (1774) tức là cuộc chiến lần thứ 8 và là cuộc chiến cuối cùng giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn trong lịch sử chia cắt Nam Hà và Bắc Hà hơn 200 năm của nước Đại Việt, Đoan Quận công Bùi Thế Đạt đã vẽ bộ Giáp Ngọ niên bình Nam đồ từ trước niên hiệu Cảnh Hưng thứ 35 và hoàn chỉnh dâng lên chúa Trịnh trước khi diễn ra cuộc Nam tiến năm 1774. Sau khi chiếm được Phú Xuân thì đây là lần đầu tiên quân Trịnh chiếm được kinh đô của chính quyền Đàng Trong và đưa quan lại vào trấn trị, và cũng nhờ đó mà lần đầu tiên người xứ Đàng Ngoài được tự do tìm hiểu và viết về xứ sở Đàng Trong nhiều đến như vậy.
Chính vì vậy, nhiều Nho sĩ ở Bắc Hà ngoài các hoạt động chính trị quân sự, họ đã thu thập tư liệu của các Nho sĩ Nam Hà và điền dã thực tế tại các địa phương xứ Đàng Trong để viết nên những bộ địa dư có giá trị, trong đó có Quảng Thuận đạo sử tập của Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh với khoảng thời gian biên soạn từ khoảng năm 1774 đến 1785. 
Ở Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Nho sinh Đỗ Bá Công Đạo và Giáp Ngọ niên bình Nam đồ của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt mới chỉ mới nói đến Bãi Cát Vàng, còn tại Quảng Thuận đạo sử tập, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh đã nói đến Hải đội Hoàng Sa đã xuất hiện và hoạt động từ sớm, ít nhất phải trước những năm 1774 - 1785. Chính sử sách triều Nguyễn ở giai đoạn sau này khi biên soạn ghi chép đều cho rằng đội Hoàng Sa được thành lập từ thời các chúa Nguyễn đầu tiên và trấn nhậm phương Nam. Điều này chứng tỏ rằng, ngay từ trước khi Nguyễn Huy Quýnh viết tác phẩm Quảng Thuận đạo sử tập (trong 2 lần ông vào Thuận Hóa là năm 1774 và 1785), thì đã có sự tồn tại của đội Hoàng Sa nhị từ trước đó. Điều này đã được nhiều thư tịch của Việt Nam mô tả rất kỹ, như các tác phẩm Phủ biên tạp lục của Dĩnh Thành hầu Lê Quý Đôn, và đặc biệt là bộ chính sử Đại Việt sử ký tục biên của Hoàng giáp Phạm Nguyễn Du cùng các sử gia triều Lê đồng biên soạn.
Qua những chi tiết trên đây, chúng ta thấy rằng tất cả các tác giả đều sinh ra lớn lên tại mảnh đất Nghệ An thuộc xứ Đàng Ngoài, không phải là địa phương quản lý hành chính “Bãi Cát Vàng”, tuy nhiên họ luôn xem phần lãnh thổ, lãnh hải của Đàng Trong đều là phần máu thịt của tổ quốc và dân tộc. Chính vì vậy họ đều có trách nhiệm bảo vệ, ghi chép rất sớm, đầy đủ, nghiêm túc, liên tục, xuyên suốt, đồng nhất. 
Qua đó có thể thấy việc quản lý “Bãi Cát Vàng” dưới thời các chúa Nguyễn đã trở thành một hệ thống rất chặt chẽ và quy củ, và quan trọng hơn là ý thức của người Việt đối với lãnh thổ và lãnh hải không phân biệt thể chế hay quan điểm chính trị, khẳng định quyền làm chủ của người Việt đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước thế kỷ XVII. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các danh nhân khẳng định khá sớm và liên tục thông qua các bộ trước tác của họ trong lịch sử, qua đó tạo cơ sở lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của nước CHXHCN Việt Nam hiện nay và mai sau.
(Xem tiếp kỳ sau)

Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007): Văn kiện hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Trần Nghĩa, F.GROS chủ biên (1993), Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
3. Thích Đại Sán (2016), Hải ngoại kỷ sự, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
4.北史新删全編, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, VHv.1543.
5.纂集天南四至路圖書, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu VHv. A.2499.
6.廣順道史集, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu VHv.1375.
7.大越史記續編, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu HV.119.
8.海錄, 粤東謝清高著, 補讀軒藏版.
9.撫邊雜錄, Thư viện Quốc gia Việt Nam, kí hiệu: R.1605-NLVNPF-0709-01.

CÙNG CHUYÊN MỤC