Một số sai sót về lịch sử đô thị Vinh trong các sách của PGS. Nguyễn Quang Hồng

Phạm Xuân Cần
11/1/2023

PGS Nguyễn Quang Hồng là tác giả có nhiều nghiên cứu về đô thị Vinh, bắt đầu bằng cuốn “Thành phố Vinh - Quá trình hình thành và phát triển (1804 - 1945)”, NXB Nghệ An, 2003. Đây là công trình nghiên cứu có giá trị lớn, đặc biệt lần đầu tiên nghiên cứu về đô thị Vinh đúng theo hướng lịch sử đô thị. Sau đó, tác giả xuất bản cuốn “Kinh tế Nghệ An từ năm 1885 đến năm 1945” (NXB Lý luận Chính trị, 2008) cũng đề cập một số vấn đề về đô thị Vinh. Gần đây là cuốn “Đô thị Vinh từ năm 1804 đến năm 1974” (NXB Đại học Vinh, 2019).


Mặc dù có đóng góp rất cơ bản, to lớn về lịch sử đô thị Vinh, nhưng những cuốn sách trên đây vẫn có những sai sót đáng kể, rất cần phải được chỉ ra để tránh nhầm lẫn cho người đọc, nhất là những người trích dẫn, hạn chế sự kéo dài, “nhân rộng” cái sai. 
Có thể chỉ ra một số sai sót theo từng vấn đề sau đây:
1. Sai sót về vị trí, địa điểm
- Sách “Thành phố Vinh - Quá trình hình thành và phát triển” (gọi tắt là sách QTHTPT) viết: “Thương nhân Hoa Kiều lập nên Phố Khách buôn bán sầm uất và độc chiếm một vùng đất quan trọng ngay trước khu vực chợ Vinh đi lên đến đền Hồng Sơn ngày nay (đường Vinh - Nam Đàn thuộc phương Cửa Nam) (tr.131).
Phố Khách là tên dân gian, từ khi Vinh có tên đường được mang tên Albert Sarraut (xem bản đồ Vinh - Bến Thủy năm 1936). Đây là con phố chạy từ ngã tư chợ Vinh vào thẳng cửa chợ, hiện nay mang tên Cao Thắng. Không phải như tác giả viết.
- Sách QTHTPT viết: “Xưởng in của Vương Đình Châu ở đường Ma rê san Phốc. Nhà in của Nguyễn Đức Tư ở đường Li ô tây” (QTHTPT, tr.230). 
Theo sách Thư mục Đông Dương 1933-1934 (1), cả hai nhà máy in này đều nằm trên đường Marechal Foch. Nhà in Vương Đình Châu ở các số 65, 67, 69; nhà in Nguyễn Đức Tư ở số 5. Không có tài liệu nào ghi nhà in Nguyễn Đức Tư ở đường Li-ô-tây (rue Liautey).


Cẩu chuyển gỗ của Công ty Lâm nghiệp và Thương mại Trung kỳ, Ảnh: T.L
 

2. Nhầm lẫn về thời kỳ:
“Các tư sản người Việt như Phạm Văn Phi, Trịnh Văn Ngấn, Tạ Quang Châu, Vương Đình Châu… mở nhà xưởng buôn bán đủ loại hàng hóa” (QTHTPT, tr.131). “Trịnh Văn Ngấn được coi là một trong những tư sản giàu có bậc nhất chuyên buôn bán bông vải sợi, hàng kim khí, lúa gạo và cả thuốc phiện” (QTHTPT, tr.147).
Đoạn này đang viết về đô thị Vinh trước năm 1927. Trước năm 1927 Trịnh Văn Ngấn đang còn nhỏ tuổi (ông sinh năm 1917). Thời kỳ này chỉ có thể nói về thân sinh của Trịnh Văn Ngấn là cụ Hàn Phượng, có hiệu buôn Ký Phượng nổi tiếng ngay trước cửa chợ Vinh. Tạ Quang Châu cũng chỉ xuất hiện với tư cách doanh nhân sau năm 1932, khi ông hùn vốn cùng Minh Tâm kinh doanh vận tải ô tô. Mặt khác, cũng chưa có tài liệu nào cho biết Vương Đình Châu mở hiệu buôn bán.

Báo Đường Ngay Ảnh: T.L

Tương tự: “Trong các hiệu cắt tóc lớn ở Vinh trước Cách mạng tháng Tám phải kể đến hiệu cắt tóc của Trần Xuân (nguyên là đội trưởng đội bóng đá Áo Vàng)” (QTHTPT, tr.149). “Trên đường Marechal Foch và đường Petain có hiệu cắt tóc của cụ Trần Xuân (từng làm đội trưởng đội Áo vàng) luôn đông khách” (QTHTPT, tr.162). 
Thực tế, theo bản khai lý lịch của ông Trần Xuân: Tháng 2/1939 Trần Xuân mãn lính, anh cùng người vợ trẻ dắt tay nhau về Vinh, nơi gia đình anh đã “lót ổ” sẵn từ bốn năm trước. Thế nhưng chưa kịp ấm chỗ thì chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Tháng 6 năm 1939, một lần nữa, Trần Xuân lại bị gọi vào lính. Anh được điều vào Đèo Ngang, lên núi gác tàu biển, sau lại được điều vô Sài Gòn xuống tàu làm lính thủy. Tháng 9 năm 1941, anh mãn lính trở lại Vinh, cùng vợ và hai người em là Kim và Ngọc trông coi hàng cơm của gia đình. Vốn là một cầu thủ có danh tiếng trước đó, về Vinh lần này Trần Xuân như được tái sinh và thăng hoa, anh được đội Corix Rouge mời về. Một thời gian ngắn sau, đội Corix Rouge và một vài đội khác được nhập vào ASNA và danh thủ Trần Xuân trở thành đội trưởng đội Áo Vàng trứ danh. Quán cơm của anh em Trần Xuân cũng trở thành nơi gặp nhau của anh em, bạn bè trong giới thể thao. Do đó quán cũng đổi tên thành Restaurant Sport Jeunesse.

Nghị định thành lập Trạm Y tế Vinh, năm 1898; Ảnh: T.L

3. Về sự ra đời của các công ty tiền thân của SIFA
- “Năm 1902 công ty Lâm sản và Thương mại Trung kỳ thành lập” (sách Đô thị Vinh từ năm 1804 đến năm 1974 (viết tắt ĐTV), tr.66).
- “Năm 1904 Công ty Rừng và Diêm Đông Dương thành lập” (ĐTV, tr.67).
Frédéric Mange là doanh nhân Pháp, gốc Thụy Điển. Năm 1888 ông cùng hai người anh em của mình đến Bến Thủy. Hai năm sau khi khởi nghiệp ở Bến Thủy, vào ngày 28 tháng 3, 1890, Công ty đã tổ chức khánh thành nhà máy cưa gỗ, chạy bằng máy hơi nước (2). Năm 1892, F. Mange mua lại doanh nghiệp của J. Dupuis. Trên cơ sở này, F. Mange đã lập Công ty Lâm nghiệp và Thương mại Trung kỳ (Société Forestière et Commercia le de L’Annam). 
Công ty Rừng và Diêm Đông Dương  (Société Indo-Chinoise Forestière et des Allumettes, viết tắt là SIFA) được F. Mange thành lập năm 1922, trên cơ sở sáp nhập Công ty Lâm nghiệp và thương mại Trung kỳ với Công ty Diêm Trung ương (l’Usine de Hano- de la Société Centrale des Allumettes). 


Nhà máy in Vương Đình Châu; Ảnh: T.L
 

4. Về Lê Viết Lới
: “Sự ra đời của SIFA ngày 10/12/1922 cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự phá sản của các thương nhân người Việt. Điển hình là sự phá sản của xưởng cưa do Lê Viết Lới thành lập ở Bến Thủy” (QTHTPT, trang 140). Cũng có một số tài liệu viết về sự phá sản của Lê Viết Lới, nhưng đều không rõ nguồn. Trên thực tế Lê Viết Lới vẫn kinh doanh và trở nên rất phát đạt vào những năm 1930. Ông là đại biểu công thương của Viện Dân biểu Trung kỳ ba khóa liền, từ năm 1927.
5. Về các rạp chiếu bóng ở Vinh: “Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các rạp chiếu bóng được xây dựng ở Vinh như Majetis, Annamcine. Trong đó Annamcine do Vương Đình Châu xây dựng và kinh doanh với sức chứa khoảng 800 người (QTHTPT, tr.168). “Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất người Pháp xây dựng rạp chiếu bóng Ma zet tich có quy mô khoảng 400 chỗ ngồi. Sau đó, Vương Đình Châu bỏ vốn đầu tư xây dựng rạp Annamcine có quy mô 800 chỗ ngồi” (QTHTPT, tr.165). 
“Tạ Quang Châu còn góp tiền xây dựng rạp chiếu phim” (Sách Kinh tế Nghệ An từ năm 1885 đến năm 1945, tr.173).
“Ngoài việc lập xưởng in, Vương Đình Châu còn bỏ vốn xây dựng rạp chiếu bóng 800 chỗ ngồi (Sách Đô thị Vinh (ĐTV) 1804-1974, tr.232). 
Thời thuộc Pháp ở Vinh có hai rạp chiếu bóng. Tất cả đều do công ty điện ảnh Việt Lào (Société anonyme des Cinémas Annam-Laos (S. A. C. A. L.) có trụ sở ở Vinh xây dựng. Trong đó rạp Annamcine được xây dựng năm 1927, ở gần chợ Vinh, rạp Majestic khánh thành năm 1934, ở khu vực trường Mầm non Quang Trung 2 hiện nay. Trong Công ty Điện ảnh Việt - Lào có tên một cổ đông người Việt là Nguyễn Văn Tịnh, một nhà công thương nổi tiếng ở Vinh. Không có tài liệu nào cho thấy ông Vương Đình Châu, hay ông Tạ Quang Châu xây dựng rạp chiếu bóng. 
6. Về trường Tiểu học Pháp - Việt và các trường Cao Xuân Dục, Nguyễn Trường Tộ ở Vinh: “Ngoài trường Quốc học Vinh, trong những thập kỷ đầu thế kỉ 20 ở Vinh - Bến Thủy còn có các trường tiểu học tiêu biểu là: Tiểu học Cao Xuân Dục, Tiểu học Nguyễn Trường Tộ” (QTHTPT, tr.175). “Năm 1912 trường Tiểu học Cao Xuân Dục được thành lập ở Vinh (QTHTPT, tr.186). “Năm 1912 người Pháp cho thành lập trường Cao Xuân Dục. Năm 1927 trường tiểu học mang tên Nguyễn Trường Tộ được thành lập riêng cho học trò nữ” (QTHTPT, tr. 277). 
Trường Tiểu học Pháp - Việt Vinh (École Franco-Annamite à Vinh) thành lập tháng 6 năm 1899 (3). Đến khoảng năm 1913, 1914 tách ra thành hai trường cho nam sinh và nữ sinh. Năm 1925, trường giành cho nam chính thức mang tên Cao Xuân Dục, trường cho nữ sinh mang tên Nguyễn Trường Tộ (4). Cả hai trường Cao Xuân Dục và Nguyễn Trường Tộ đều là tiểu học Pháp - Việt, đều là trường công.
7. Về các trường tư thục: “Trường tư thục Lễ Văn được thành lập năm 1938” (QTHTPT, tr.281). “Cuối năm 1938 trường tư thục Thuận An do thầy Hoàng Đức Thi làm hiệu trưởng” (QTHTPT, tr.282). 
Vào mùa thu năm 1937, một số chính trị phạm (chủ yếu do hoạt động trong đảng Tân Việt) được ra tù, như Hoàng Đức Thi, Phan Kiêm Huy, Đỗ Đức Chước… là những người có học vấn khá cao, lại đúng thời kỳ chính phủ phái Bình Dân lên cầm quyền ở Pháp, có nhiều cởi mở về chính sách thuộc địa, nên họ đã cùng nhau nhóm lại, thành lập nên trường trung học tư thục Minh Tân, do thầy Hoàng Đức Thi làm hiệu trưởng, thầy Phan Kiêm Huy làm quản lý (Le Grant). 
Rất tiếc khi thời cuộc diễn biến phức tạp nội bộ giáo viên trường Minh Tân lục đục, mâu thuẫn nhau về quan điểm chính trị. Mâu thuẫn đã dẫn đến việc tháng 1/1940 Minh Tân phải tuyên bố đóng cửa.
Sau khi Minh Tân đóng cửa, đội ngũ giáo viên chia làm hai. Một số cùng thầy Hoàng Đức Thi ở lại địa điểm cũ, lập nên trường tư thục Thuận An. 
Một số giáo viên khác gồm phần lớn là các cựu chính trị phạm như Phan Kiêm Huy, Đỗ Đức Chước, Nguyễn Năng Độ, Ngô Đức Mậu cùng nhau lập nên trường Lễ Văn. Các thầy mời ông Nguyễn Đức Bính làm hiệu trưởng (5). 
8. Về các tờ báo xuất bản ở Vinh: “Tờ Báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn có mục “Tiếng dân kêu” tố cáo tệ nạn tham quan ô lại của các quan lại địa phương và phần nào phản ánh nỗi cơ cực của nông dân làng xã, nhất là mùa sưu thuế hay trước những thiên tai. Đây là nguyên nhân mà tờ báo này bị đóng cửa cùng với tờ Tiên Long ở Huế (QTHTPT). “Ngày 3/8/1934 trợ bút Lê Hữu Nhơn và nghị viên dân biểu Trung Kỳ là Phó Đức Thành chủ hiệu buôn nổi tiếng là Vĩnh Hưng Tường xin chính quyền thuộc địa bỏ hai chữ tân văn thành lập tờ Báo Thanh Nghệ Tĩnh. Ngày 3/4/1934 TNT ra số đầu tiên dưới sự quản lý của Phó Đức Thành và hai biên tập chính là Lê Hữu Nhơn và Trương Đắc Du (Bến Thủy) (Chú thích: “Hiện thư viện Nghệ An vẫn còn lưu giữ được một số số báo của tờ báo này”) (QTHTPT, tr.193). “Sau Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931) Báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn đổi thành Thanh Nghệ Tĩnh, còn tờ Sao Mai mới được các nghị viên dân biểu ở Nghệ An, Hà Tĩnh thành lập, nhưng có lượng độc giả khá đông và có nhiều bài viết miêu tả về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở các tỉnh Bắc Trung kỳ, trong đó có mục Tiếng dân kêu rất đáng được quan tâm. Tại thư viện Nghệ An còn lưu được một số số báo của hai tờ báo này (NQH chú)” (QTHTPT, tr 182). “Lê Hữu Nhơn và Trương Đắc Du làm biên tập chính của tờ Thanh Nghệ Tĩnh” (QTHTPT, tr.131). 

Báo Đông Pháp, số ra ngày 18/6/1925, đưa tin về hai trường Cao Xuân Dục và Nguyễn Trường Tộ; Ảnh: T.L

 Báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn là tờ báo ra đời đầu tiên (tháng 8/1930) ở Nghệ An. Danh nghĩa là cơ quan của Hội Pháp - Việt văn học, nhưng thực chất đây là tờ báo do chính quyền ba tỉnh ủng hộ. Trụ sở của TNTTV đóng tại 124 Avenue Marechal Foch. Thời gian đầu người quản lý của báo là phó Công sứ Nghệ An Molli De Beauregard. Tháng 8 năm 1934, Hội Pháp - Việt văn học giải thể, do vậy, báo chuyển thành báo tư nhân, đổi tên là “Thanh Nghệ Tĩnh”, do Phó Đức Thành làm quản lý và Lê Hữu Nhơn làm chủ bút. Khảo sát tất cả các số báo TNTTV và TNT được lưu trên trang điện tử của Thư viện quốc gia Pháp (https://gallica.bnf.fr/), chúng tôi thấy: Trên báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn, cũng như báo “Thanh Nghệ Tĩnh” không hề có mục “Tiếng dân kêu”. Lý do báo TNTTV đình bản, đổi tên thành TNT cũng không phải vì mục “Tiếng dân kêu”. Trên măng set của TNTTV và TNT cũng chưa bao giờ xuất hiện tên của Trương Đắc Du, cũng chưa thấy có tài liệu nào viết Trương Đắc Du là biên tập của tờ TNT. Ngoài ra, Phó Đức Thành cũng chưa bao giờ là “nghị viên dân biểu Trung kỳ”. 
Ngoài ra: “Chú thích số 1: Chúng tôi tập hợp từ Báo TNTTV, Tạp chí L’eveil economic de L’Indochine các năm 1927, 1928, 1929” (ĐTV, tr.174). Đến năm 1929 Báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn chưa ra đời. 


Báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn; Ảnh: T.L

9. Về Võ Quý Huân và báo “Đông Phương”: “Vào khoảng cuối năm 1930, đầu năm 1931 ông Võ Quý Huân sau khi du học Pháp về lập ra tờ báo Đông Phương” (QTHTPT, tr.231).
Theo tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia 4: Toàn quyền Đông Dương đã ra Quyết định số 4748 ngày 10/10/1936 cho phép ông Võ Quí Huân và ông Nguyễn Đức Minh xuất bản tại Vinh tờ báo “Đông dương hoạt động” (“L’activité Indochinoise”), với 3 thứ tiếng là tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Trung. Trụ sở tòa soạn báo đặt tại số 41 đại lộ Destenay (nay là đường Phan Đình Phùng), thành phố Vinh. Số đầu tiên của báo ra ngày 6/1/1937. Do tờ báo có nội dung chống Pháp, nên chỉ ba tháng sau báo bị đình bản. Sau đó, Võ Quý Huân sang Pháp du học. Năm 1947, Võ Quý Huân là một trong bốn trí thức theo Hồ Chí Minh về nước tham gia kháng chiến. Ngoài ra các tờ báo có tên “Đông Phương” đều được xuất bản ở Hà Nội, không liên quan gì đến Võ Quý Huân.
10. Về báo “Đường Ngay”: “Giáo phận Vinh cho xuất bản tờ báo Đường Ngay từ năm 1912 (sách Kinh tế Nghệ An từ 1885-1945, tr.335).
Đường Ngay: Đây là tờ tuần báo của Giáo phận Vinh, được sáng lập bởi Giám mục Andre Joshep Eloy (thường được gọi là Đức cha Bắc) giám mục địa phận Vinh. Trên trang nhất của tờ báo năm 1936 có đề “Năm thứ nhất”. Báo hoạt động từ năm 1936 đến năm 1938.
11. Về sự ra đời của Bệnh viện Vinh
“Năm 1918, toàn quyền Đông Dương  Albert Sarraut cho phép khâm sứ Trung kỳ triển khai thực hiện việc xây dựng mạng lưới y tế ở 14 tỉnh thuộc Trung kỳ. Bệnh viện (dân gọi là Nhà thương) tỉnh Nghệ An đóng tại trung tâm đô thị Vinh với quy mô 200 giường bệnh” (ĐTV, tr.313).
Viết như thế này người đọc có thể hiểu bệnh viện Vinh được xây dựng từ năm 1918 trở về sau. Trên thực tế, Bệnh viện Vinh có tiền thân là Trạm Y tế Vinh (poste médicale) được thành lập ngày 3 tháng 1 năm 1898 (6) . Có nhiều tài liệu khác nhau về năm ra đời chính thức của Bệnh viện Vinh, hoặc 1901, hoặc 1902, nhưng không phải đến năm 1918 bệnh viện Vinh mới được thành lập. Mà, năm 1918 là năm mà sau khi được đầu tư nâng cấp, tại Nghị định ngày 18/9/1918, Bệnh viện Vinh được xếp hạng II trong các bệnh viện ở Trung kỳ. 
12. Về hiệu vàng Phú Nguyên: “Cuối năm 1927 đầu năm 1928, Phú Nguyên vừa là thợ kỹ thuật vàng bạc của tiệm vàng Bảo Nguyên, vừa là con rể đứng ra mở thêm hiệu vàng Phú Nguyên” (ĐTV, tr.164).
Ông Lê Văn Sợi, chủ hiệu vàng Phú Nguyên sau này cùng với hai người anh của mình là thợ học việc ở hiệu vàng Bảo Nguyên, cũng không phải con rể. Khi tay nghề đã cứng cáp, họ đã xin ông chủ cho ra mở cửa hàng riêng. Hai người anh lấy tên là hiệu vàng Đại Nguyên (anh cả) và hiệu vàng Đại Thành (anh thứ 2). 
Sau một thời gian vào Sài Gòn, ông Sợi về làm người thợ bạc dạo trong thành phố Vinh. Năm 1927 ông chính thức mở hiệu vàng Phú Nguyên. 
Trên đây là một số sai sót mà chúng tôi phát hiện được trong các cuốn sách của PGS. Nguyễn Quang Hồng. Xin được trao đổi cùng tác giả và bạn đọc. Với điều kiện tiếp cận và xác minh tài liệu và thông tin như trước đây, thì những sai sót đó cũng khó tránh khỏi. Những công trình vốn rất có giá trị của tác giả sẽ càng có giá trị hơn, khi những sai sót như trên được khắc phục.

Chú thích
1. Annuaire complet (européen et indigène) de toute l'Indochine, commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières...: Indochine, adresses, 1ère année 1933-1934/ éditeurs madame. L. Lacroix-Sommé, messieurs R. J. Dickson et A. J. Burtschy. 1933.
2. Le Journal des débats, 25 mai 1890.
3. Les colonies françaises. 4, L'Oeuvre scolaire de la France aux colonies / Henri.
4. Froidevaux. [suivi de ] Survivance de l'esprit français aux colonies perdues / par Victor Tantet. 1900.
5. Kỷ yếu “Lễ Văn một thời để nhớ” của thầy và trò trường Lễ Văn, Hà Nội, 2004.
6. Bulletin officiel de l'Indochine  française. 1898-01.

CÙNG CHUYÊN MỤC