Tản mạn về tết, năm mới, lịch

Đào Khang
11/1/2023

1. Tết Nếu như Giao thừa là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thì Tết là quãng thời gian cuối năm cũ và đầu năm mới của một cách tính lịch. Ngoài tết riêng của các dân tộc thiểu số(1), mỗi năm Việt Nam đón 3 cái tết chính(2):

1.1. Tết Dương lịch

Theo GS. Võ Tòng Xuân: Tập quán ăn Tết Dương lịch từ ngày 31/12 Dương lịch đã được các nước phương Tây áp dụng vào đầu thế kỷ thứ 16 và các thế kỷ tiếp theo (Calendopaedia - Bách khoa chuyên lịch): nước Ý áp dụng năm 1522, Đức 1544, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha 1566, Scotland 1600, Anh 1752, Nga 1918, Nam Tư và Rumani 1919)(3). 

1.2. Tết Âm lịch

Tết Âm lịch còn gọi là Tết Nguyên đán, Tết Cả, Tết Ta, Tết Cổ truyền. Các quốc gia còn đón Tết Âm lịch gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên (trước đây ăn Tết từ tháng 10, tháng 11, sau này chuyển sang mùng 1/1 âm lịch), Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Philippines, Mông Cổ, Ấn Độ, Bhutan, Singapore, Nhật Bản (đã chuyển sang đón Tết Dương lịch từ năm 1873 nhưng một số địa phương phía Nam như Okinawa vẫn đón Tết Âm lịch, dù không được nghỉ làm, nghỉ học). 

Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên đán có từ năm Tam Hoàng Ngũ Đế 2879 trước công nguyên (TCN) và thời điểm Tết có sự thay đổi theo từng thời kỳ: 

Đời Tam đại, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng Giêng/Dần. 

Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Chạp/Sửu.

Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Mười Một/Tý.

Đời Đông Chu, Khổng Tử cố định Tết vào tháng Giêng/Dần.

Đời nhà Tần, Tần Thủy Hoàng đổi qua tháng Mười/Hợi.

Đời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt vào tháng Giêng/Dần.

Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa. 

Tết Âm lịch, cứ 2 hoặc 3 năm có một năm rơi vào tháng 1, còn lại là tháng 2 DL.

1.3. Tết Độc lập

Ngoài các tết Dương lịch, Âm lịch, Việt Nam có thêm Tết Độc lập (Quốc khánh 2 - 9). Những năm chống Mỹ, Tết Độc lập rất được chú ý. Năm 1969, Bác Hồ mất (khi đó thông báo là ngày 3/9) nhân dân miền Bắc kết hợp Tết Độc lập với ngày giỗ Bác Hồ nên nhiều nơi đón Tết Độc lập rất vui, cúng Tết Độc lập rất chu đáo. Đến nay, đây là dịp các Đội Thiếu niên tiền phong tổ chức thi duyệt đội, kết thúc kỳ nghỉ hè sinh hoạt tại địa phương để bước vào năm học mới.

2. Năm mới

Không tính lịch riêng của các dân tộc thiểu số thì ở Việt Nam cũng như các nước theo lịch Trung Hoa cổ đại có ít nhất 5 ngày được coi là Ngày đầu năm mới:

2.1. 01 tháng 11 Âm lịch

Hệ đếm Can - Chi coi tháng 11/Tý là tháng đầu tiên của vòng thời gian một năm tính theo 12 con giáp: Tý = tháng 11, Sửu = tháng 12, Dần = tháng Giêng,..., Hợi = 10. Theo đó 01 tháng 11 Âm lịch là ngày đầu năm mới.

Ở Trung Quốc, đời Nhà Chu cũng chọn tháng Mười Một/Tý là Năm mới. Về sau, đời Đông Chu, Khổng Tử mới định Tết vào tháng Giêng/Dần.

Cư dân Bách Việt ngày xưa ăn Tết vào tháng Mười Một/Tý, đến thời Hán mới chính thức đổi vào tháng Giêng/Dần(4). 

2.2. Lập Xuân (04 hoặc 05/02, tùy từng năm; năm 2023 là 04/02).

“Một năm bắt đầu từ Mùa Xuân”. Mùa Xuân bắt đầu từ lập Xuân ở Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác gần xích đạo ở Bán cầu Bắc. 

Theo Dương lịch, mỗi năm có 1 tiết lập Xuân.

Theo âm lịch, tiết lập Xuân có năm sớm, có năm muộn hơn Tết Nguyên Đán; có năm có 1, có năm có 2, có năm không có lập Xuân.

Người Trung Quốc coi những năm không có lập Xuân là không tốt cho giá thú. Năm đó rất ít có đám cưới.

2.3. Ngày 01/01 Dương lịch

2.4. Ngày 01/01 Âm lịch

2.5. Ngày 01/4 Dương lịch

Một thời, Công lịch chọn ngày 01/4 là ngày đầu năm mới do khi đó người ta cho rằng đó là ngày sinh của Chúa Giêsu. 01/04 là ngày mọi người nhận quà năm mới. Về sau ngày sinh của Chúa được ấn định là 25/12, một số ng­ười vẫn quen gửi quà đầu năm vào ngày 01/4. Nhiều người vẫn ngóng quà nhưng không có. Một số người thích đùa gửi bưu phẩm nhưng bên trong không có quà. 01/4 trở thành ngày Lừa/Nói dối. 

3. Lịch

Không tính lịch riêng của các dân tộc thiểu số thì Việt Nam đang sử dụng đồng thời 3 loại lịch: Dương lịch (quan hệ Mặt Trời - Trái Đất), âm lịch (quan hệ Trái Đất - Mặt Trăng ) và Âm Dương lịch (Chu kỳ tiết - khí trong năm của Dương lịch). 

3.1. Dương lịch 

Dương lịch còn gọi là Công lịch (lịch Công giáo). 

Dương lịch lấy độ dài thời gian Trái đất quay quanh Mặt trời tròn một vòng, được gọi là một năm thật và bằng 365 ngày 5 giờ 48 phút 46 giây hay 365,2422 ngày, lấy tròn là 365 ngày. Số tròn 365 ngày là thời gian của một năm dương lịch. Như vậy, 1 năm dương lịch ngắn hơn 1 năm thật là 5 giờ 48 phút 46 giây hay 0,2422 ngày, gần bằng 6 giờ hay gần bằng 1/4 ngày. 

Năm dương lịch có 12 tháng. Nếu lấy mỗi tháng 30 ngày thì mỗi năm có 360 ngày, thiếu 5 ngày. Nếu lấy 1 tháng 30 ngày rồi đến một tháng 31 ngày thì mỗi năm có 366 ngày, thừa 1 ngày. 

Khi đương vị, Hoàng đế La Mã Julius Cesar (100 - 44 trước CN) mời nhà thiên văn Sôsigien từ Ai Cập đến soạn lịch, gọi là lịch Julien, được dùng từ năm 45 trước Công nguyên. 

Do Julius Cesar sinh tháng 7 nên tháng 7 và các tháng lẻ: 1, 3, 5, 7, 9, 11 lấy 31 ngày. 6 tháng chẵn 2, 4, 6, 8, 10, 12 có 30 ngày. Lịch này có 366 ngày, dư 1 ngày. 

Thời Chiếm hữu nô lệ, người La Mã chọn tháng Hai hành hình tù binh, coi là tháng xấu, mong qua nhanh nên bớt đi 1 ngày, còn 29 ngày. Mỗi năm có 365 ngày. Khi Augustin lên ngôi hoàng đế, do sinh vào tháng 8 nên sửa các tháng 8, 10, 12 thành 31 ngày. Mỗi năm có 366 ngày, nhiều hơn lịch thời Cesar 1 ngày. Các nhà làm lịch bớt tiếp tháng Hai 1 ngày, chỉ còn 28 ngày. 

Lịch Cesar lấy độ dài năm là 365,15 ngày, sai với thực tế là 365,2422 ngày. Theo đó, sau 15 thế kỷ, sai 10 ngày. Năm 1582, người ta phát hiện Mặt trời từ bán cầu Nam lên bán cầu Bắc, đến đường xích đạo là vào ngày 11 tháng 3, sớm hơn 10 ngày. Giáo hoàng Gregorius lập Hội đồng lịch pháp đổi lịch Cesar lập ra lịch        Gregoa, quyết định ngày tiếp theo thứ năm 04/10/1852 sẽ là thứ sáu 15/10/1852 chứ không phải là 05/10/1852. Nhiều n­ước không theo ngay mà rải rác sau nhiều năm, thậm chí nhiều thế kỷ. Đến thế kỷ XX, các nước theo lịch cũ sai lệch với Công lịch 13 ngày. N­ước Nga đổi lịch chậm nhất, vào năm 1918. Sau Cách mạng tháng Mười, Lênin ký sắc lệnh sửa đổi lịch, sau ngày 01/02/1918 là ngày 15/01/1918. Vì thế Cách mạng tháng 10 Nga 25/10 thực ra là ngày 07/11/1917 của Công lịch. 

Tại Việt Nam, trước năm 1967, lấy múi giờ Bắc Kinh GMT+8 làm chuẩn cho Âm lịch. Ngày 8 tháng 8 năm 1967, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị định 121/CP chính thức dùng múi giờ GMT+7 làm chuẩn ở miền Bắc, còn Việt Nam Cộng hoà vẫn sử dụng múi giờ GMT+8. Vì thế hai miền Nam Bắc đón Tết Mậu Thân hai ngày khác nhau (miền Bắc ngày 29/01, miền Nam ngày 30/1)(5). Từ năm 1976, cả nước mới dùng chung múi giờ GMT+7.

Một năm dương lịch ngắn hơn một năm thật gần 1/4 ngày. Cứ 4 năm sẽ ngắn hơn gần một ngày. Do đó cứ 3 năm 365 ngày thì phải có 1 năm 366 ngày, gọi là năm nhuận. Vì 5 giờ 48 phút 46 giây chư­a thật đúng là 1/4 ngày, dồn 4 năm còn thiếu 44 phút 56 giây nên theo Dư­ơng lịch, dồn 25 lần nhuận (100 năm) còn thiếu 3/4 ngày. Vì vậy cứ 400 năm phải bỏ đi 3 lần nhuận. Tính bình quân mỗi năm Dương lịch có 365 ngày 49 phút 12 giây, thì sau 3.000 năm sẽ sai 1 ngày. Để cho tiện, các nhà làm lịch quy định năm nhuận là những năm:

- Năm có 2 số cuối chia hết cho 4 (1948, 1952, 1956...).

- Năm tròn thế kỷ chia hết cho 4: năm 1600 (Thế kỷ 16: 16 chia hết cho 4), năm 2000 (Thế kỷ 20: 20 chia hết cho 4),...

Để khắc phục sự dôi thừa của Lịch Julius, Lịch Grêgoa chủ tr­ương không phải cứ 4 năm có một năm nhuận mà các năm có số thế kỷ không chia hết cho 4 sẽ không nhuận như­ các năm 1700, 1900. Quy tắc này bảo đảm dư­ơng lịch hiện nay còn đúng cho 3 thiên niên kỷ nữa mới sai 1 ngày.

3.2. Âm lịch

Âm lịch lấy thời gian Mặt trăng quay quanh Trái đất tròn một vòng là 1 tháng và bằng 29,53 ngày, lấy tròn 29,5 ngày. Tháng đủ 30 ngày, tháng thiếu 29 ngày. Ngày 15 trăng tròn, ngày 29 hoặc 30 không có trăng. 

Tổng 1 năm có 354 ngày, ít hơn dư­ơng lịch 11 ngày. Qua 3 năm thiếu 33 ngày. Cho nên cứ 3 năm thì nhuận 1 tháng và còn dư­ 3 ngày. Dồn 2 năm tiếp theo d­ư ra 25 ngày. Bình quân cứ 19 năm có 7 tháng nhuận. Mỗi tháng âm lịch có 1 ngày tiết và 1 ngày khí. Mỗi tiết khí có thời gian là 30 ngày + 4/10 ngày = 30,4 ngày. Số ngày của mỗi tháng Âm lịch là 29,5 ngày nên cứ 2 đến 3 năm sẽ có 1 tháng chỉ có ngày tiết mà không có ngày khí; tháng đó       đ­ược tính là Tháng nhuận(6).

Dương lịch và âm lịch có chu kỳ 19 năm lại trùng nhau:

Theo dương lịch, 19 năm có: 365,2422 ngày x 19 năm = 6.939,60 ngày. 

Theo âm lịch, 19 năm có 7 tháng nhuận: 12 tháng x 19 năm + 7 tháng = 235 tháng x 29,53 ngày = 6.939,55 ngày(7).

3.3. Âm dương lịch

Lịch hiện nay Việt Nam và một số n­ước ở châu Á sử dụng là âm dư­ơng lịch.

Âm dư­ơng lịch chia một năm thành 24 tiết, mỗi tiết cách nhau 15 hoặc 16 ngày, dựa vào vị trí của Trái đất tại 24 điểm trên đư­ờng Hoàng đạo khi chuyển động xung quanh Mặt trời. 24 tiết t­ương ứng với các ngày sau: 

- Lập xuân (04 hoặc 05/02 DL): Thời tiết ấm dần, vạn vật sinh sôi nảy nở. 

- Vũ thuỷ (18 hoặc 19/2 DL): Mưa và nhiệt độ bắt đầu tăng.

- Kinh trập (05 hoặc 06/3 DL): Sấm ra. Côn trùng ngủ đông thức dậy, ngoi lên khỏi mặt đất.

- Xuân phân (20 hoặc 21/3 DL): Mặt trời mọc chính Đông lặn chính Tây. Ngày đêm dài bằng nhau. Bán cầu Bắc ngày dài dần. Bán cầu Nam thì ngược lại.

- Thanh minh (04 hoặc 05/4 DL): Trời ấm, cỏ cây xanh tươi.

- Cốc vũ (20/4 DL): Mưa. Cây cối phát triển.

- Lập hạ (05/5 DL): Sấm nhiều, nhiệt độ và độ ẩm cao.

- Tiểu mãn (21/5 DL): Lúa mạch chín, no đủ (Mãn: no đủ).

- Mang chủng (06/6 DL): Ở Trung Quốc bắt đầu trồng lúa nước.

- Hạ chí (21 hoặc 22/6 DL): Bán cầu Bắc ngày dài nhất và đêm ngắn nhất. Bán cầu Nam thì ngược lại.

- Tiểu thử (06 hoặc 07/7 DL): Nắng oi. 

- Đại thử (22 hoặc 23/7 DL): Nóng nhất trong năm.

- Lập thu (07 hoặc 08/8 DL): Bắt đầu mùa thu mát mẻ.

- Xử thử (23/8 DL): M­ưa ngâu. Giao mùa, nhiệt độ hạ dần. 

- Bạch lộ (07 hoặc 08/9 DL). Nắng nhạt. Mát mẻ. Buổi sáng có sương.

- Thu phân (23/9 DL): Mặt Trời mọc chính Đông lặn chính Tây. Ngày đêm dài bằng nhau. Bán cầu Bắc ngày ngắn dần. Bán cầu Nam ngược lại.

- Hàn lộ (08 hoặc 09/10 DL): Chuyển lạnh. Sương nhiều. Cây cỏ bắt đầu khô rụi.

- S­ương giáng (23 hoặc 24/10 DL). Hơi nước chuyển thành sương. Thu hoạch vụ thu.

- Lập đông (07 hoặc 08/11 DL). Chuẩn phòng chống rét.

- Tiểu tuyết (22 hoặc 23/11 DL): Hanh heo, rét nhẹ. 

- Đại tuyết (7/12 DL): Khô úa, rét đậm.

- Đông chí (21 hoặc 22/12 DL): Bán cầu Bắc ngày ngắn nhất. Bán cầu Nam ngược lại.

- Tiểu hàn (05 hoặc 06/01 DL): Trời lạnh.

- Đại hàn (20 hoặc 21/01 DL): Rét đậm. Bán cầu Bắc lạnh nhất trong năm. Bán cầu Nam ngược lại.

Tiếp đến lại là tiết Lập xuân của năm sau(8).

Các thiên thể trong Vũ trụ có ảnh hưởng mạnh mẽ và quan trọng nhất đối với Trái đất và con người là Mặt trời và Mặt trăng. 

Quan hệ Mặt trời - Trái đất tạo ra các quy luật chính: 

- Quy luật nhịp điệu: ngày - đêm, mùa, năm.

- Quy luật địa đới: các đới/vành đai nhiệt, khí áp - gió, El Nino, La Nina, bão từ, động vật di cư, ngủ đông,… Quan hệ Mặt trời - Trái đất là cơ sở để lập ra dương lịch. 

Quan hệ Trái đất - Mặt trăng chủ yếu tạo ra các chu kỳ tháng: tuần trăng, thủy triều, kinh nguyệt, sự phát triển của cây trồng,… Quan hệ Trái đất - Mặt trăng là cơ sở để lập ra âm lịch. Chỉ sử dụng dương lịch hay âm lịch là chưa kết hợp được hệ quả tác động của Mặt trời và Mặt Trăng đối với Trái đất và con người. Âm Dương lịch được xây dựng trên cơ sở kết hợp được quan hệ Mặt Trời - Trái Đất - Mặt Trăng đem lại nhiều lợi ích, nhất là đối với những quốc gia mà nền kinh tế còn gắn liền với sản xuất nông nghiệp như Việt Nam.

Chú thích

1. Tuổi Trẻ Online. Tết của người thiểu số ở Việt Nam. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2010.

2. Không tính các tết: Nguyên tiêu (15/1 ÂL), Thanh minh (Không cố định, Năm 2923 là ngày 5/3 ÂL (5/4/DL), Đoan ngọ (5/5 ÂL), Trung nguyên (15/7 ÂL), Trung thu (15/8 ÂL), Hạ nguyên (15/10 ÂL). 

3. Dẫn theo Nguyễn Phúc Giác Hải. Một đề án lịch quốc tế. Khoa học & Đời sống 16/7/2007).

4. Trần Văn Tam. Xây dựng nhà ở theo địa lý thiên văn dịch lý. NXB Văn hóa Thông tin.

5. Đoan Hùng. Lịch Ta, Lịch Tàu và sự khác biệt. Truy cập 20 tháng 8 năm 2007.

6. Thiên Lương Thông Việt. Bàn về Lịch Vạn niên. NXB Thời đại. 

7. Trần Văn Tam. Xây dựng nhà ở theo địa lý thiên văn dịch lý. NXB Văn hóa Thông tin.

8. Đào Khang (2005). Giáo trình Địa lý phong thủy dành cho sinh viên ngành Sư phạm Địa lý. Xưởng in ĐH Vinh.

Tài liệu tham khảo

1. Dẫn theo Nguyễn Phúc Giác Hải (2007). Một đề án lịch quốc tế. Khoa học & Đời sống 16/7/2007).

2. Đoan Hùng (2007). Lịch Ta, Lịch Tàu và sự khác biệt. Truy cập 20 tháng 8 năm 2007.

3. Đào Khang (2005). Giáo trình Địa lý phong thủy dành cho sinh viên ngành Sư phạm Địa lý.

4. Trần Văn Tam (2000). Xây dựng nhà ở theo địa lý thiên văn dịch lý. NXB Văn hóa Thông tin.

5. Tuổi Trẻ Online (2010). Tết của người thiểu số ở Việt Nam. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2010.

6. Tân Việt, Thiều Phong (2002). Bàn về Lịch vạn niên. NXB Văn hoá dân tộc.

7. Thiên Lương Thông Việt (2002). Bàn về Lịch Vạn niên. NXB Thời đại.


CÙNG CHUYÊN MỤC