Bảy hội sức sống của những điều giáo hóa
Bùi Xuân Đính
11/1/2023
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa thu tháng Bảy (năm Quý Mão niên hiệu Cảnh Trị đời vua Lê Huyền Tông - 1663), ban hành 44 điều giáo hoá”. Sự kiện này thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa không chỉ bởi nội dung thiết thực và sâu sắc của 44 điều giáo hóa được ban bố (vốn là công việc thường xuyên của nhiều triều vua), mà còn ở phương thức tổ chức tuyên truyền sau đó của nhà nước phong kiến cùng hiệu quả thực thi của các điều giáo hóa đó.
Trước hết, nội dung của 44 điều giáo hóa khá toàn diện, đề cập đến phần lớn các mối quan hệ xã hội mà Nhà nước phong kiến hằng quan tâm, cổ vũ theo những chuẩn mực mà nó đề ra, cũng rất phù hợp với tư tưởng và lối sống từ lâu đời của nhân dân ta. Có thể phân 44 điều giáo hóa này thành ba nhóm vấn đề chính:
Nhóm thứ nhất, khuyến cáo về việc giữ gìn các đạo lý tốt đẹp trong các quan hệ xã hội thường ngày xung quanh các quan niệm về trung - hiếu - lễ - nghĩa... của Nho giáo. Cụ thể, người “làm tôi” thì phải hết lòng trung thành; người làm con phải giữ tròn đạo hiếu; anh em phải hoà thuận, vợ chồng phải thương yêu nhau; bạn bè phải tin nhau để giúp nhau làm điều nhân; cha mẹ phải sửa mình để dạy con, thầy trò phải lấy đạo mà đãi nhau; người già, người trưởng phải lấy lễ mà ngăn người thân thuộc; con em phải cung kính phụ huynh. Nơi hương đảng người lớn, người nhỏ phải kính yêu nhau, cùng nhau làm lợi, bỏ hại, không được cậy mạnh mà lấn áp kẻ yếu, không được gây kiện tụng để làm lợi riêng, không được cố đem người già yếu mà gieo vạ cho người lương thiện, cùng ở một làng không được cướp đoạt tài vật của nhau”.
Nhóm thứ hai, là các điều khuyên răn mọi người trong việc không may phải dính vào việc kiện tụng, nhằm gìn giữ được hòa khí làng xóm. Đó là, người đi thưa kiện không được thêu dệt và vu oan; người làm chứng việc kiện không được ham tiền của mà nói điều sai trái, không được xúi bẩy người kiện tụng để lấy tiền của; mọi người không được cậy quyền thế mà gửi gắm việc kiện tụng và những hào cường thì không được tham dự vào xét kiện.
Nhóm thứ ba, liên quan đến việc tổ chức đời sống làng xã và giản tiện phong tục, bảo vệ phong hóa. Đó là, chọn những người tốt nắm giữ chức trưởng ở các phường, xã, thôn trang; người giữ sổ sách “không được làm điên đảo để kiếm lợi”; làng xã cần đề phòng kẻ gian nhưng không được cự tuyệt người đến ở trọ; không ai được chiếm đường đi để làm vườn tược, không được lấn khe ngòi làm hồ ao; các nguồn lợi của núi sông, chằm hồ, mọi người đều cùng hưởng; cầu cống, đường sá chỗ nào hỏng nát phải tuỳ nghi mà sửa đắp; các lăng miếu, từ mộ không được xâm phạm, hủy hoại; kẻ buôn bán không được tụ họp bè đảng để làm trộm cướp; trai gái không được bừa bãi thói dâm; nghiêm cấm người thường được ra làm phường đồng cốt, giả làm tăng ni để trốn tránh việc quan; nhà có tang không được hát xướng trong lễ Trung nguyên; không được dỗ dành người để đem đi bán; ai có nghề nghiệp cũng phải chăm, việc hương ẩm phải nên kiệm ước; lấy nhau phải phân biệt tộc loại, không được bàn đến tiền tài; tang lễ phải tùy giàu nghèo, không được yêu sách ăn uống; không được đòi nhau tiền thóc cấy ruộng xâm canh...

Thầy đồ viết thư pháp Tết xưa
Sau khi ban bố 44 điều giáo hoá trên đây, triều đình Lê - Trịnh đã tổ chức tuyên truyền một cách có hệ thống trong cả nước bằng cách: “Các nha môn thừa hiến phủ, châu, huyện đều phải sao ra một bản treo ở nơi coi việc và chuyển gửi cho các xã dân sở thuộc để viết ra bảng, treo ở trong đình, cho các quan viên, giám sinh, sinh đồ, xã trưởng, cứ đến ngày có việc làng thì hội họp con trai con gái lớn nhỏ đến giảng giải hiểu thị, để được tai mắt thấm nhuần, hiểu rõ sự khuyên răn của triều đình”.
Có thể coi 44 điều giáo hoá trên đây như là cuộc vận động xây dựng nếp sống mới trong các cộng đồng dân cư hiện nay. Với nội dung tương đối toàn diện, phù hợp với cuộc sống làng xã, với tâm tư, nguyện vọng và lối sống từ lâu đời của nhân dân; cũng rất phù hợp với yêu cầu bình ổn xã hội lúc đó, cùng phương thức tổ chức tuyên truyền rất bài bản từ trên xuống của Nhà nước, 44 điều giáo hoá đã được cư dân các cộng đồng làng xã đồng tình, tiếp thu. Điều này có thể thấy được qua những bản hương ước được soạn thảo ngay sau thời điểm này ít lâu, cũng là những bản hương ước có niên đại sớm nhất còn lưu giữ được ở nước ta, như Hương ước làng Mộ Trạch (nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), soạn năm Cảnh Trị thứ ba (Ất Tỵ, 1665), Hương ước làng Dương Liễu (nay là xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội), soạn năm Cảnh Trị thứ tư (Bính Ngọ, 1666) có nội dung quán triệt rất sâu sắc 44 điều giáo hoá trên đây, mang “âm hưởng” rất rõ tư tưởng của triều đình. Xin dẫn lời mở đầu của bản Hương ước làng Mộ Trạch: ”Từng nghe, quốc gia noi cái đạo trị bình, phải cắt đặt hết mọi kỷ cương; làng xã hun cái thói thuần hậu, cần làm sáng mọi điều thúc ước. Thể thức sao cho hợp nhất, điều khoản cốt cho được rõ ràng. Xin liệt kê các điều khoản dưới đây”. Hay Hương ước làng Phú Cốc (nay thuộc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) soạn năm Tân Mùi niên hiệu Chính Hòa (năm 1691): “Từng nghe, nước có trăm điều pháp luật để làm cho chính sự được ngay ngắn, xóm làng có từng ước lệ riêng để giúp cho phong tục thêm thuần hậu. Gốc của nước chính là ở dân này. Trên thuận dưới hòa, anh em thương kính. Phong tục dần thêm tốt đẹp, tình người ngày một hợp hòa. Giếng đào, ruộng cấy, cùng bước lên cảnh thọ vực xuân đài. Người lắm, vật nhiều, cùng sống chốn ấm yên, hạnh phúc”.
Có lẽ nhờ sự quán triệt sâu sắc đó, nhờ việc tổ chức cho dân học tập chu đáo và nắm được, hiểu được những lời giáo hoá của triều đình mà sử cũ ghi lại rằng “từ đấy lòng người dần dần theo về tục thiện”; nghĩa là cuộc vận động thực hiện các điều giáo hoá trên đây đã đạt được những hiệu quả nhất định; tạo ra cho xã hội Đại Việt những bước chuyển mình quan trọng để sau đó, bước vào “cuộc hưng trị, thái bình”, được giới sử học đánh giá là có phần nổi trội hơn so với sự thịnh trị dưới thời Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Sự thái bình, thịnh trị đó dưới chính sự của hai niên hiệu Vĩnh Trị (1676-1680), Chính Hòa (1680-1705) đời Vua Lê Huyền Tông được kế tiếp, trở nên “cực thịnh” dưới các niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705-1720) và Bảo Thái (1720-1729) đời vua Lê Dụ Tông được sử cũ ghi nhận là “trong nước vô sự, không xảy ra binh đao, nhân dân được yên nghiệp làm ăn, trăm quan kính giữ phép tắc chế độ, triều đình làm được rất nhiều việc, pháp độ rất đầy đủ, kỷ cương thi hành tốt, các nước phương xa đến nạp khoản, thượng quốc thì trả lại đất; nhà vua rủ ray áo mà ngồi, không khó nhọc mà đâu ra đấy, đáng gọi là bậc nhất đời Trung hưng”.
360 năm với 7 “hội” của năm Quý Mão, 30 “giáp” của “năm con Mèo” đã trôi qua, những nội dung mang đầy chất nhân văn, giáo dục và bảo vệ những đạo lý, lối sống tốt đẹp của dân tộc qua 44 điều giáo hóa được ban bố vào năm đầu niên hiệu Cảnh Trị (Quý Mão, 1663) cùng việc tổ chức tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả trong nhân dân, hẳn vẫn là những bài học có giá trị tham khảo đối với việc tuyên truyền, thực hiện và bảo vệ nếp sống mới trong các đơn vị dân cư của chúng ta hôm nay. Đó là sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa luật và tục, giữa những điều minh bạch, nghiêm cẩn của phép nước và những thuần hậu của lệ làng, giữa ban bố chính lệnh và tổ chức tuyên truyền, thực hiện, nhằm tạo ra sự ổn định cho các làng xã - đơn vị xã hội cơ sở, cơ bản của đất nước.