Môi trường xã hội và gia đình đối với việc xây dựng nhân cách con người xứ Nghệ trong thời kỳ đương đại
Phan Mậu Cảnh
11/1/2023
1. Đặt vấn đề Dân tộc Việt Nam ta trải qua nhiều thời kì lịch sử xã hội biến động, lại nằm ở giao điểm các nền văn hóa lớn, dĩ nhiên chúng ta gần như ngay lập tức tiếp nhận tất cả các biến động và thay đổi của thời đại. Đất nước và con người Việt Nam vừa mang các đặc trưng chung có tính hằng thể của xã hội loài người như mọi quốc gia khác nhưng cũng có đặc trưng bản thể của dân tộc mình. Điều đó không chỉ được thể hiện qua nhân dạng, hình thức và biểu tầng bề ngoài mà còn ở sâu trong cốt cách, trong cơ tầng văn hóa của dân tộc. Trong chiến lược và mục tiêu xây dựng con người, Đảng ta đã từng bước làm rõ thêm vai trò của con người, của văn hóa và các giá trị trong xã hội. “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” [6]. Cùng với đó, các giá trị xã hội cũng được Đảng ta từng bước xác lập và minh định. Về văn hóa, các giá trị cơ bản của văn hóa Việt Nam là “nhân văn, dân chủ, tiến bộ”; về gia đình, giá trị gia đình Việt Nam là “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”; về con người, chuẩn mực của con người Việt Nam là “giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, tình nghĩa, có tinh thần quốc tế chân chính [5].
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, nhiều vùng miền; văn hóa, gia đình và cá nhân con người Việt Nam vừa có tính thống nhất vừa có tính đa dạng; mặt thống nhất thể hiện ở chỗ: tất cả đều có chung thuộc tính của xã hội và con người Việt Nam, với những giá trị và chuẩn mực chung; đa dạng thể hiện ở chỗ mỗi dân tộc, mỗi vùng miền có những giá trị mang tính đặc thù, riêng có, liên quan đến vị trí địa lí - xã hội được hình thành và cố kết qua nhiều thời kì lịch sử, thể hiện rõ nhất là ở nhân cách con người. Trong cái chung có cái riêng và ngược lại, cái riêng nằm trong cái chung; xã hội, gia đình, cá nhân nào cũng đều có tính hai mặt biện chứng ấy.
2. Nhân cách con người Nghệ và việc xây dựng nhân cách từ trong gia đình
2.1. Xứ Nghệ là một tiểu vùng văn hoá thuộc văn hoá vùng Bắc Trung bộ trên cơ tầng văn hoá Việt Nam. Con người xứ Nghệ hội đủ những phẩm chất của con người Việt Nam, đồng thời cũng có những nét đặc thù.
Trước hết, nói đến người xứ Nghệ là nói đến những người có gốc gác của vùng Nghệ An và Hà Tĩnh, mang đặc điểm văn hoá của xứ Nghệ (văn hoá Lam Hồng). Điều này đã được tìm hiểu, nghiên cứu khá hệ thống ở nhiều nguồn tư liệu từ trước tới nay [3; 8; 12; 13]. Người ta đánh giá con người xứ Nghệ với những biểu hiện về tích cách, những mặt tốt và mặt xấu của người vùng này. Chẳng hạn, Bùi Dương Lịch, từ thế kỷ 18 đã nhận xét: Nghệ An đất xấu, dân nghèo, phong tục thuần hậu [8; tr. 259]; Người Nghệ An chất phác, đôn hậu, tính tình từ tốn, chậm chạp, không sắc sảo [8; tr. 246]; chịu khổ nhẫn nại, cần cù, tằn tiện [tr. 259], liều mình vì người khác [8; tr.252]. Người các nơi thường trào phúng; người Nghệ là hủ lậu, keo kiệt, dối người, ích kỷ [8; tr.259],v.v...
Cho đến nay đã có thêm nhiều đánh giá về con người xứ Nghệ, dĩ nhiên người các vùng khác cũng có những điểm này nhưng ở người xứ Nghệ thì đậm nét hơn. Chẳng hạn, về ưu điểm: tính chịu khó (trong cuộc sống, sản xuất), có ý chí, nghị lực, kiên cường (học hành, chiến đấu, lao động), đôn hậu, thẳng thắn (trong giao tiếp ứng xử), linh hoạt, thích ứng nhanh (trong cơ chế thị trường hiện nay); về nhược điểm: nóng nảy, tính toán thực dụng, thiếu tính kỷ luật, hay kéo bè kéo cánh... Có người nêu nhận xét chung về người Nghệ: “gàn, thẳng ruột ngựa”.
Thứ hai, có thể bước đầu xác định, nhân cách người Nghệ được định hình nổi bật ở phẩm chất đạo đức (gồm: chịu khó, đôn hậu, ngay thẳng, có chí khí kiên cường) và năng lực tài năng (linh hoạt, thích ứng nhanh, thành đạt). Với những phẩm chất và năng lực nổi trội như vậy, xứ Nghệ làm thành một vùng văn hoá (phong tục, tiếng nói và nhân cách) có tính đặc thù, riêng có. Con người xứ Nghệ lại có xu hướng hoà nhập nhanh với các vùng văn hoá khác và với các thời kỳ hưng thịnh của đất nước. Bởi thế, với xứ Nghệ: người ta Thương vì đất quê nghèo khó; người ta Nhớ vì cảnh đẹp, con người đôn hậu chất phác; người ta Nể vì ý chí, ngay thẳng; người ta Trọng vì có nhiều hiền tài. Đó là tình cảm của người nơi khác dành cho một vùng đất địa linh, nguồn nhân kiệt tinh hoa và đông đảo; năng lượng nội sinh và ngoại sinh vượng.
2.2. Gia đình là một tổ chức xã hội nhỏ nhất, lâu đời và bền vững nhất; đó không chỉ là cái nôi, là tổ ấm của mỗi người mà còn là nơi mỗi người tiếp nhận những cái “đầu tiên”: xã hội đầu tiên, trường học đầu tiên, cha mẹ - người thầy - đầu tiên, những bài học làm người đầu tiên... Những cái đầu tiên ấy là vốn liếng làm hành trang để con người mang theo trong hành trình làm người. Gia đình còn là nơi lưu giữ đạo đức gia phong, nơi che đỡ mọi phong ba, là pháo đài bảo vệ, đẩy lùi sự công phá, va đập của những tiêu cực ngoài xã hội dội vào.
Với gia đình, những tác động, ảnh hưởng của “cơn bão” toàn cầu hoá, của cơ chế thị trường mang tính nhân loại làm cho cái đơn vị có tính xã hội nhỏ nhất, lâu đời và bền vững nhất này nhiều thay đổi. Cấu trúc gia đình truyền thống (vốn cố kết từ lâu đời ở các vùng quê xứ Nghệ) bị phá vỡ (từ gia đình “đa hệ” chuyển sang gia đình “đơn hệ”), các giá trị truyền thống thuộc gia phong, gia giáo (tình mẫu tử, phu thê, huynh đệ) gia bảo (của cải, hương ước) hay nhu cầu và thị hiếu đời sống vật chất (ăn, ở, mặc) và tinh thần (sở thích, quan hệ ứng xử) trong gia đình cũng khác trước.
Với cá nhân, những tác động ảnh hưởng từ bên ngoài dội vào mỗi người Việt Nam nói chung, người xứ Nghệ nói riêng, cũng không kém phần quyết liệt. Lớp trẻ đang có nhiều cơ hội, thuân lợi hơn thế hệ cha anh (điều kiện vật chất, tìm kiếm thông tin, cơ hội việc làm) nhưng cũng phải đối mặt với khó khăn thách thức mới phát sinh lớn hơn trước đây rất nhiều (áp lực, cạnh tranh, mất cân bằng, mất niềm tin); con người hiện nay dễ dẫn đến stress, bức xúc, bất an, khủng hoảng, trầm cảm... Xã hội hiện đại đang xuất hiện những hội chứng mới (cô đơn, trầm cảm) dẫn đến những cách xử lý tiêu cực (xa lánh cuộc sống, tự tử); ở nhiều quốc gia, trong đó có cả những nước phát triển, nạn tự sát tăng lên ở mức báo động (đến nỗi ở Anh, vừa mới đây Chính phủ phải thành lập hai bộ mới: Bộ trưởng cô đơn và Bộ trưởng chống tự tử (theo giaoduc&thoidai.vn, 14.11.2018). Để làm một con người tử tế, có nhân cách tốt và đứng vững ở đời quả không dễ dàng.
2.3. Thời thế thay đổi, xã hội thay đổi, đòi hỏi gia đình và cá nhân cũng thay đổi, đó là điều căn bản trong nhận thức. Trước đây, ta nặng về giáo dục cho con cái theo tư duy cổ truyền, với nền kinh tế tiểu nông, tự cung tự cấp, theo mô hình: Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa. Một túp lều tranh, hai trái tim vàng. Nay, tình hình nông thôn - nông dân - nông nghiệp, môi trường xã hội bình yên tự nhiên từ ngàn đời tạo nên văn hoá truyền thống đang chuyển dịch mạnh mẽ sang xã hội hiện đại công nghiệp hóa và đô thị hóa, tạo nên sự thay đổi nhiều khi nhanh đến “chóng mặt”: Buổi sáng đi xóm cũ vẫn là làng/ Lúc chiều về, làng đã xoay thành phố/ Nhà đã tắt tiếng ru con muôn thuở/ Tục ngữ ca dao chết trong sách giáo khoa/ Lũ trẻ chập chờn trong nhạc Rốc hát qua loa... (Trần Nhuận Minh, 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh).
Về tư tưởng, người dân xứ Nghệ đời cha cho chí đời con sống trên mảnh đất khô cằn, hạn hán, gió Lào, lũ lụt; lam lũ, nghèo đói, nên người xứ Nghệ quyết chí rời quê đi làm thuê làm mướn, tha phương cầu thực mong thoát nghèo đói, cao hơn là quyết chí học hành, thay đổi cảnh sống để thoát nghèo khổ, có danh phận. Đó cũng là nguyên nhân trước đây và hiện nay, lý giải vì sao người Nghệ có mặt khắp mọi nơi; có nhiều người đỗ đạt, thành danh, nhiều doanh nhân, triệu phú tỉ phú.
Những người làm cha làm mẹ đều thấu cảm sâu sắc từ thực tế: Nuôi con mới biết công lao mẹ thầy; để cho một đứa trẻ sinh thành và phát triển bình thường là một quá trình không hề đơn giản và dễ dàng, nhất là trong môi trường xã hội có nhiều thách thức ngày nay. Trong suốt quá trình sinh thành, nuôi dưỡng và trồng người, hầu như gia đình nào cũng phải “đầu tư” các mặt: thời gian, điều kiện kinh tế, nguồn nhân lực; rồi đến các nhân tố khác cần phải xử lý, như về nội sinh (tích cách tâm lý trẻ) hay ngoại sinh (quan hệ xã hội: làng xóm, nhà trường, bạn bè; điều kiện sống: phương tiện thông tin, dư luận xã hội). Những nhân tố ấy, gia đình nào cũng gặp khó khăn ở những mức độ khác nhau, nhất là vùng nông thôn dân nghèo như xứ Nghệ chúng ta.
2.4. Các nhà tâm lý học đã có nhiều nghiên cứu về tâm lý lứa tuổi, đã có những định hướng về nội dụng giáo dục từ trong gia đình (như: hướng trẻ vào đạo đức, lối sống tốt đẹp, rèn luyện nề nếp học tập, tự lập trong suy nghĩ, định hướng cho con cái trong học tập và nghề nghiệp). Điều đó rất đúng. Nhiều tài liệu hiện nay đề cập đến dạy con theo phương pháp truyền thống phương Đông hay theo phương pháp của gia đình phương Tây, gia đình hiện đại. Đó là những kinh nghiệm rất đáng để tham khảo. Chúng tôi chỉ nhấn mạnh một số điểm cơ bản, xuất phát từ kinh nghiệm cha ông và từ thực tế gia đình hiện nay.
Một là, dạy con phải bắt đầu từ buổi đầu, khi đang còn nhỏ, cũng như cái cây, chỉ có thể uốn nắn dễ dàng khi cây đang còn non: Dạy con dạy thuở đang thơ. Dạy vợ dạy thuở mới đưa vợ về. Hai là, tập cho con quen dần vào khuôn phép, tự lập, không nuông chiều con cái. Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi (Hiểu câu này theo nghĩa tượng trưng). Ba là, dạy con là một khoa học và là một nghệ thuật, do đó phải quan tâm đến trẻ: chú ý và thấu cảm với quá trình hình thành nhân cách của tuổi thơ bao giờ cũng khó khăn, phải có những bước đi thích hợp mỗi người, nhất là giai đoạn đầu của đời người: Mai sau con cưỡi gió mây/ Con bay vượt biển con bay băng ngàn/ Nhưng đường cũng chẳng gian nan/ Bằng đi từ ghế sang bàn hôm nay...(N.Xipaxôp); luôn quan tâm, định hướng cho trẻ từ những điều nhỏ nhất để con cái lớn lên bình thường và tiến bộ nhưng không áp đặt, ép buộc; để cho trẻ phát triển hồn nhiên, tự nhiên, tập tính tự lập nhưng không buông thả, phó mặc; tạo mọi điều kiện tốt để trẻ vui chơi, ăn uống, học hành nhưng không chiều chuộng quá mức. Bốn là dạy con biết kỹ năng sống: Đối với lớp trẻ ngày nay, cái thiếu hụt nhất, tạo thành lỗ hổng lớn nhất của các em, là kỹ năng sống, khả năng ứng biến với môi trường xã hội đầy phức tạp hiện nay, nên khi ra xã hội, các em rất lúng túng, (hoặc là cực đoan, trầm cảm, stress, mất phương hướng, trốn tránh....), khả năng chịu đựng áp lực, những tình huống bất ngờ, phức tạp kém, thiếu tự tin, không chủ động giao tiếp, chia sẻ, cởi mở khác với trẻ em phương Tây.
Đây là những định hướng căn bản để hiểu và vận dụng phù hợp với từng đứa trẻ và hoàn cảnh gia đình từng đối tượng. Nay thường gặp các trường hợp quan hệ giữa cha mẹ và con cái, sự giáo dục từ gia đình không đúng đắn, cần tránh:
- Khắt khe, ép buộc. Đây là xu hướng nuôi dạy con cái dùng ý chí người lớn ép buộc trẻ làm theo, khắt khe cứng nhắc quá mức. Không ít gia đình ngay từ nhỏ đã muốn con thật nhiều điều (ngoan, học phải đạt điểm cao, không thua bạn bè; con phải học ngày học đêm, làm việc nhà việc ngoài đồng, giúp đỡ bố mẹ; nhiều ông bố bà mẹ lại đe nẹt, doạ nạt con, thậm chí bạo hành con cái,v.v....). Điều này đem lại hậu quả vô cùng tai hại: là gây áp lực cho con trẻ, làm cho trẻ mất tính hồn nhiên, sợ sệt, nguyên nhân của sự trầm cảm...
- Chiều chuộng quá mức. Ngược lại với xu hướng trên, nhiều ông bố bà mẹ coi con mình như ông hoàng, là trung tâm của mọi trung tâm. Điều này thường hay gặp ở những trẻ là con một, gia đình có điều kiện. Ngay từ nhỏ, cách này đã vô tình làm cho đứa trẻ thói quen ỷ lại, muốn gì được nấy, từ đó tạo ra tâm lý đơn giản hoá cuộc sống, thiếu tính tự lập, khả năng chịu đựng thích nghi kém khi gặp khó khăn, gian khổ, thậm chí dễ dẫn đến vô tình, vô tâm, vô cảm...
- Phó mặc, buông lỏng. Đây cũng là xu hướng dạy con có thể gặp ở những gia đình mà người lớn hoặc khó khăn, bận rộn công việc không có thời gian và điều kiện để chăm sóc con cái (cho con tự lập quá sớm) hoặc những gia đình bố mẹ chạy theo kinh tế, buông lỏng sự dạy dỗ, không có thời gian gần gũi thân thiện với con cái.
2.5. Đối với lớp trẻ xứ Nghệ ngày nay, cái thiếu hụt nhất, tạo thành lỗ hổng lớn nhất của các em, là kỹ năng sống, khả năng ứng biến với môi trường xã hội đầy phức tạp hiện nay. (Đã xuất hiện hiện tượng có một số tỉnh ở phía Nam từ chối nhận người xứ Nghệ, vì người ta sợ tính cách, thái độ ứng xử của thanh niên người Nghệ đã từng làm việc, sinh sống thời gian qua [14]. Vì vậy, gia đình (cùng với nhà trường và xã hội) cần có sự định hướng và rèn luyện đầy đủ hơn cho họ về sự thiếu hụt này, nhất là các em trưởng thành lập nghiệp, làm ăn ở các vùng, các nước. Để xây dựng nhân cách con người xứ Nghệ phù hợp thời đại mới và hội nhập thành công, cần giáo dục lớp trẻ các nội dung sau:
- Vừa biết giữ nhân cách con người xứ Nghệ, phát huy những mặt tích cực (như cần cù, đôn hậu; có ý chí, nghị lực, linh hoạt, năng động).
- Cần tránh, cần hạn chế triệt để những tiêu cực (như thiếu tôn trọng luật lệ, kéo bè kéo cánh, ích kỷ, thực dụng).
- Tiếp thu học tập những cái ưu của các vùng khác (như khéo léo, mềm dẻo của người xứ Bắc, vồn vã khoáng đạt của người Nam).
- Nhân cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp giữa tinh hoa con người xứ Nghệ với tinh hoa Việt Nam và mang tầm cốt cách của văn hoá phương Đông. Tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh cần được giáo dục và thấm nhuần sâu sắc trong thế hệ trẻ xứ Nghệ.
Cuối cùng, theo tôi, con người xứ Nghệ ngày nay (cùng với những đức tính khác của người Việt Nam, như yêu nước, nhân ái) phải đạt được các đức tính: cần cù, trung thực, kỷ luật và linh hoạt sáng tạo...
Nếu con người xứ Nghệ hội đủ những phẩm chất và năng lực ấy thì càng tôn vinh nhân cách con người và vùng đất xứ Nghệ nhưng lại không thành một kiểu riêng khác mà hoà hợp với con người Việt Nam, với thời đại mới.
3. Thay lời kết luận
3.1. Vấn đề ảnh hưởng của môi trường xã hội với gia đình, với mỗi cá nhân là rất rộng lớn, liên quan đến nhiều vấn đề mà phạm vi một bài báo không thể đề cập hết được. Trong bài viết này, chúng tôi sơ giải về khái niệm nhân cách, giới hạn phạm vi nói về một số phương diện của môi trường xã hội và gia đình có ảnh hưởng, liên quan trực tiếp đến việc xây dựng nhân cách con người xứ Nghệ trong thời kỳ đương đại. Từ đó định hướng việc xây dựng nhân cách con người xứ Nghệ trên các phương diện: i) Về lý luận, làm rõ nhân cách con người xứ Nghệ (đã định hình từ trong quá trình sinh tồn trên mảnh đất này đến nay là như thế nào); Nhân cách người Nghệ đặt trong bối cảnh con người Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay thì như thế nào; đánh giá các mặt: tốt, xấu; phù hợp, chưa phù hợp (với thời kỳ đương đại, với cả nước). ii) Về thực tiễn, làm rõ các nội dung: xây dựng nhân cách con người xứ Nghệ thì chú trọng vào những đặc điểm gì để phù hợp với đặc thù xứ Nghệ nhưng lại không thành một kiểu riêng khác mà hoà hợp với con người Việt Nam, với thời đại mới; các giải pháp để xây dựng nhân cách con người Nghệ.
3.2. Bài viết cũng nêu một số vấn đề liên quan đến vấn đề xây dựng nhân cách con người xứ Nghệ trong bối cảnh xã hội hiện nay; mấy định hướng giáo dục đạo đức lối sống từ gia đình, những khuyết thiếu của lớp trẻ hiện nay cần bổ sung, rèn luyện, góp phần làm cho con người Việt Nam nói chung, con người xứ Nghệ nói riêng thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập tích cực với thời đại toàn cầu hoá.
3.3. Đó là những vấn đề đã và đang đặt ra cần nhiều thời gian; có những mặt đã được tìm hiểu, nghiên cứu lí giải khá thấu đáo từ trước tới nay, có những nội dung đã đang tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, bổ sung để ngày càng hệ thống, minh định hơn. Qua đó cũng góp phần thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã định hướng rõ: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” [6]. Làm được điều này, chúng ta đi đúng trọng tâm về chiến lược xây dựng con người Nghệ An nói riêng, con người Việt Nam nói chung trên con đường hội nhập sâu rộng và đáp ứng đòi hỏi nguồn nhân lực thời đại công nghiệp 4.0 đầy cơ hội và nhiều thách thức sắp tới.
Tài liệu tham khảo
1. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Nxb Hội nhà văn, H. 2000
2. Nguyễn Nhã Bản, Bản sắc văn hoá của người Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An, 2001.
3. Phan Mậu Cảnh, Một số đặc trưng văn hoá Việt Nam thể hiện qua ca dao người Việt, Đề tài KHCN cấp Bộ trọng điểm (Chủ nhiệm), mã số B2008.
4. Nguyễn Văn Dương, Nhân cách là gì. Các yếu tố hình thành, phát triển nhân cách (Luatduonggia.vn, 19-12-2022).
5. ĐCSVN, Cương lĩnh chính trị 2011 (bổ sung) (tuyengiao.vn, 15.11.2019)
6. ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.115-116
7. Cao Thu Hằng, Về sự hình thành nhân cách (Chung ta. com@facebook, 2014).
8. Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký, Nxb Khoa học xã hội, H. 2018.
9. Phạm Kim Oanh, Nhân cách là gì (Luathoangphi.vn, 25-5-2022).
10. Trần Nữ Quế Phương, Gia đình như một nề tảng tâm linh-mỹ học, Nxb Hội nhà văn, H. 2006.
11. Phan Ngọc, Bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb Văn học, H. 2006.
12. Trần Quốc Vượng, Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục, H. 1998.
13. Nhiều tác giả, Người nghệ, Nxb Nghệ An, T/c Văn hoá, 2015.
14. Đậu Hồng Quang, Không xin nổi việc làm vì là người... Nghệ An, Vietnamnet.com, 6.5.2013.