Hình tượng hoa sen trong đời sống văn hóa xứ Nghệ
Thu Vân
11/1/2023
Trong tâm thức của nhân dân xứ Nghệ, từ lâu, hình ảnh hoa sen đã vô cùng gần gũi, gắn bó mật thiết với đời sống. Sen không chỉ xuất hiện trong những câu hò, điệu ví: Hoa sen sao khéo giữ màu/ Nắng nồng không nhạt, mưa dầu không phai; mà còn rất thân thuộc trong tên gọi địa danh: Làng Sen, Kim Liên, Diệu ốc liên đàm… Hoa sen còn xuất hiện nhiều trong các công trình mang tính tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa; những công trình dân dụng hay ngay trong những đồ dùng sinh hoạt đời thường của nhân dân ta từ xưa đến nay. Từ bàn tay khối óc của các nghệ nhân xứ Nghệ, hình tượng hoa sen chính là những câu chuyện cuộc sống nhân sinh, thể hiện được nhiều tầng ý nghĩa của một nền văn hóa dân gian đậm đà bản sắc.
Các đồ án trang trí sen tại Nghệ An được phát hiện trong các di tích có niên đại sớm như Di tích Tháp Nhạn xã Hồng Long, huyện Nam Đàn. Trên Bảo vật quốc gia - Hộp đựng xá lị niên đại thế kỷ VII-VIII đã có hoa văn chạm khắc tinh xảo. Hoa sen mang những đức tính cao quý, gần gũi với triết lý của nhà Phật, chính vì vậy mà trên thân hộp đựng xá lị phật có hình tượng trang trí của bông hoa 3 cánh, chụm lại dưới một cái cuống với 2 đôi cánh là đối xứng nhau như dạng hoa sen cách điệu. Những bông hoa sen cách điệu này, được trang trí theo dải băng tạo thành một khung hoa văn chữ nhật. Việc phát hiện Hộp đựng xá lị Phật trong lòng Tháp Nhạn phần nào góp thêm tư liệu xác nhận rằng, xá lị Đức Phật đã có mặt tại Việt Nam từ khá sớm. Trong gần 300 hiện vật phát hiện được tại di tích Tháp Nhạn ngoài hiện vật Hộp đựng xá lị đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2017 thì hình tượng hoa sen hiện diện một cách rõ nét trên những viên gạch phù điêu tượng Phật ngồi trên tòa sen hay mảnh đầu ngói, mảnh vòng kiểu bánh xe trang trí hình bông sen 12 cánh, 6 cánh. Bề ngoài tháp trang trí những viên gạch được chạm tỉ mỉ hình Tam Thế Phật đang tọa thiền trên bệ sen. Hình tượng hoa sen trên những chứng tích Khảo cổ học Phật giáo tìm được ở Tháp Nhạn và từ những ngôi chùa tháp cổ khác trên đất xứ Nghệ là minh chứng sợi dây gắn kết của hoa sen với đạo Phật ngay từ những buổi đầu.

Đồ án trang trí Hoa Sen trên thân Hộp đựng xá lị - Bảo vật Quốc gia
Hoa sen không chỉ là biểu tượng của Phật giáo, mà còn thể hiện cho khát vọng hướng thượng của dân tộc Việt. Bởi vậy, hình tượng hoa sen trong nghệ thuật tạo hình ở nước ta nói chung và xứ Nghệ nói riêng được thể hiện ở rất nhiều hình thức trang trí mỹ thuật, từ đồ thờ cúng, vật dụng hàng ngày, và kiến trúc đặc trưng riêng cho mỗi thời kỳ lịch sử dân tộc.

Viên gạch chạm tỉ mỉ hình Tam Thế Phật đang tọa thiền trên bệ sen, hiện vật phát hiện tại di chỉ Tháp Nhạn hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An
Trong phép tạo hình dân gian, người xưa đặc biệt hay dùng lối hài thanh ngụ ý, một kiểu chơi chữ vòng vo. Đồ án Lộ lộ liên khoa xuất hiện trên Lư hương bằng gốm tại đền thờ Trần Đăng Dinh xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An xây dựng vào cuối thế kỷ 17 dưới thời Lê - Trịnh và hoàn thiện dần sau đó có hình ảnh cò lội giữa đầm sen. Chữ lộ nghĩa là cò, âm giống như chữ lộ nghĩa là đường đi, là lộ trình. Chữ hoa sen (liên hoa) có âm khá giống với chữ liên khoa. Vậy nên để thể hiện mong ước con đường công danh khoa bảng của con cháu trong nhà hoặc dòng họ được trôi chảy, người ta khắc nên những con cò trong đám sen. Đặc biệt là cột trụ đá trước thượng điện của đền thờ mang tư cách cây hương có niên đại năm Chính Hòa thứ 23 năm Nhâm Ngọ 1702 dưới chân trụ khắc một bông sen nhiều cánh lớn nở bung từng lớp bao bọc phần đài sen với rất nhiều hạt ở giữa như ý niệm sự thanh khiết, nhân quả luân hồi (Hoa nở tượng trưng cho quá khứ, đài sen tượng trưng cho hiện tại và hạt sen tượng trưng cho tương lai, sự nối tiếp liên tục).
Mảng chạm khắc hoa sen đầu trụ lửng tại đền Bạch Mã ở xã Võ Liệt (Thanh Chương) nơi thờ thần Phan Đà, một vị tướng trẻ có công lớn trong kháng chiến chống quân Minh ở thế kỷ XV được coi là một trong “Tứ linh” của xứ Nghệ. Hình tượng hoa Sen trên trụ lửng tại hạ điện của đền với phần đầu trụ được tạo tác thành những búp sen như những ngòi bút hướng xuống thể hiện khát vọng của người dân nơi đây về sự thành công trên con đường khoa cử, mong muốn con em mình sẽ thành đạt trong học hành, lưu lại tiếng thơm cho hậu thế, xứng đáng với truyền thống khoa bảng của tiền nhân (455 vị khoa bảng).

Hình tượng hoa Sen được thể hiện trên các chất liệu tại đền thờ Trần Đăng Dinh ở Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An
Ngoài ra trên các mảng chạm khắc trang trí bẩy hiên của đền Bạch Mã còn rất nhiều hoa văn trang trí truyền thống là tinh hoa từ bàn tay khối óc của những nghệ nhân dân gian, được hình thành bởi tư duy nông nghiệp, để phản ánh về một ý niệm truyền đời là cầu no đủ và mọi điều hạnh phúc. Mảng chạm bố cục khóm sen và cá hợp thành đồ án mà theo truyền thống văn hóa phương Đông thường bắt gặp gọi là liên niên hữu dư. Chữ liên nghĩa là hoa sen và liên trong câu này có nghĩa là liền nhau. Đây là hai từ đồng âm nhưng khác nghĩa. Chữ dư chỉ sự có thừa, có dư, song, trong tiếng Hán, nó lại đồng âm với chữ ngư, có nghĩa là con cá. Theo đó, từ đồ án các khóm sen được chạm khắc bên cạnh con cá thể hiện ước vọng một cuộc sống sung túc và dư dả của biết bao thế hệ con người. Sen còn gắn liền với rất nhiều linh vật, cỏ cây như chim sẻ, dơi, cò, rùa hay hóa rùa, khóm lau, khóm trúc chính là sự hòa hợp của biết bao nhiêu ý niệm dân gian tốt đẹp.

Mảng chạm khắc hoa Sen đầu trụ lửng tại đền Bạch Mã ở xã Võ Liệt
Trên bất cứ chất liệu tạo hình nào như gỗ, kim loại hay gạch đá thì hoa sen vẫn thể hiện được sự mềm mại, tinh tế về mỹ thuật, vừa toát lên ý nghĩa thanh cao vốn có. Dù lặng lẽ dưới những pho tượng Phật tôn nghiêm, hay là một phần nhỏ khiêm tốn bên những công trình kiến trúc cổ nhưng ta vẫn nhận ra yếu tố quan trọng của hoa sen là không thể thiếu, để tạo nên một tổng thể hài hòa, toàn mỹ. Đình Hoành Sơn thuộc xã Khánh Sơn (huyện Nam Đàn) được xây dựng và hoàn thành năm 1763, thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2020. Đình Hoành Sơn nổi danh bởi có nhiều chạm khắc trang trí trên gỗ độc đáo thể hiện quan điểm triết lý nhân sinh thấm đẫm tinh thần nhân văn của dân tộc và phản ánh nghệ thuật chạm khắc đã đạt đến trình độ bậc thầy thì Hoa sen vẫn xuất hiện trong hình tượng thân thuộc như: Phượng ngậm cành sen, hạc ngậm cánh sen, khóm sen... Ở góc độ mỹ thuật, kiến trúc cổ tự cùng những mảng điêu khắc lưu giữ một giá trị dân gian to lớn, thể hiện rõ đời sống và tinh thần của người Việt lúc đương thời.

Mảng chạm khắc trang trí đồ án "Liên niên hữu dư" trên bẩy hiên của đền Bạch Mã
Đồ án Sen hóa quỷ trên tam quan đền Đức Hoàng, xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An được đắp nổi lớn sừng sững nhìn xuống dân làng và khách hành hương. Lần ngược lại lịch sử, năm Bá Kếnh Dương Đức Vĩnh cho làm lại đền thờ vua Đinh cũng là vừa sau khi vua Duy Tân và phong trào Cần Vương bị dìm trong bể máu. Đúng như câu thơ trong bài Xuân vọng của Đỗ Phủ: Cảm thì hoa tiễn lệ (cảm thời hoa cỏ dòng châu). Quả thật dạng đồ án sen hóa quỷ chỉ xuất hiện trong mỹ thuật thời Nguyễn và phát triển đến sau này thì đó là một câu chuyện cũng đáng để thế hệ sau ghi nhớ: nước mất, nhà tan, sen vẫn còn đây gửi niềm đau phẫn uất tới thiên thu.
Hoa Sen có vai trò và vị trí đặc biệt cả về tâm linh và văn hóa của người Việt ban đầu được trồng ở trước tam quan và hai bên cạnh chùa tạo cho không gian, cảnh quan ngôi chùa sự tĩnh lặng hay là sự thanh cao trước những công trình kiến trúc cổ. Một điều thú vị là triều đình nhà Nguyễn đã giao việc trồng sen ở hào thành Nghệ An; mùa thu hoạch phải nộp hạt sen cho vua, tính bằng 1 sở linh 1 mẫu 3 thước phải nộp 5 cân 1 lạng 5 tiền (theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ); có lẽ vì thế mà sen hào thành thời trước luôn tươi tốt quanh năm.

Hoa Sen được trồng trước hào thành Nghệ An
Họa tiết hoa sen được khai thác, thể hiện dưới nhiều bố cục khác nhau góp phần tạo nên sự đa dạng, đẹp đẽ và cao quý cho các đồ án trang trí. Hoa Sen xuất hiện hằng xuyên theo chiều dài của lịch sử mỹ thuật ở những công trình kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ nhưng cũng thể hiện bước đi của lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ những hình ảnh hoa sen trang trí truyền thống trên mảnh đất xứ Nghệ cũng đã là một nguồn sử liệu bằng hình ảnh vô cùng phong phú và sống động. Qua đó phần nào đã thể hiện sức sống bền bỉ của hình ảnh hoa sen trong đời sống văn hóa Việt.