Đôi nét đặc sắc về ngày tết âm lịch trên đất Nghệ
Chu Trọng Huyến
28/12/2022
Trên bản đồ Tổ quốc, tỉnh Nghệ An, về bề ngang, được kéo dài suốt từ Tây qua Đông. Nơi địa đầu phía Tây Bắc, tỉnh ta có nguồn nước đổ vào sông Chu (Thanh Hóa), rồi xuôi về Tây-Nam, Lam Giamg nhận các sông suối từ nước bạn Lào chảy về. Núi và sông góp sức tạo nên phong tục, văn hóa dân gian. Từ hồi “Đẻ đất, đẻ nước”, cùng với người Kinh, trên lưu vực sông Lam này đã có đông đồng bào ít người cùng sinh sống. Tất cả đều chung sức xây đắp tỉnh nhà, phụng sự Tổ quốc và tôn trọng lẫn nhau cả trong tín ngưỡng, thờ tự.
Về ngày Tết của năm, cùng cúng lễ Nguyên đán với đồng bào Kinh, một số dân tộc anh em còn có ngày tết riêng.
Như một số tộc người ở Con Cuông, họ về chợ Tết vào ngày 25-12 tháng Chạp ta. Hôm đó, từ sáng sớm, cả đồng bào Đan lai, Ly hà... từ Lạng Khê, Bình Chuẩn, Đôn Phục đều phô diễn sắc màu, cùng kéo nhau về chợ, trao đổi hàng tết và giao duyên, hò hẹn(1).

Đồng bào Khơ Mú đón tết
Riêng người Thái, ngoài lễ Giao thừa chung là “Thingyan” thì họ còn có lễ Songkran. Lễ ấy, theo Phật lịch là vào khoảng 13 đến 15 tháng Tư hằng năm.Tức khi mặt trời chuyển dịch từ khu vực Hoàng đạo sang vùng Kim ngưu, nên ở hạ giới có tục té nước vào nhau và phóng sinh cho cả chim, cá. Đồng thời bà con các tộc người trên ấy còn cúng lễ Tam Bảo ( Phật佛, Pháp 法, Tăng僧).Họ rảy nước thơm lên bàn thờ, tượng Phật, rồi sau đó có lễ hội té nước vào nhau, nhằm làm cho con người được thanh khiết và vạn vật phồn vinh, muôn loài hữu dụng cùng phát triển.

Đồng bào Thái - Tương Dương đón tết

Đồng bào người Mông đón tết
Họ mời tổ tiên, ông bà:
“Ăn cho đủ, cho vừa
Phù hộ con cháu trong nhà, trong bản
Tay chân đều cứng cáp
Để ai cũng ăn nên, làm ra”.
Và chúc nhau:
“Sống có nhân, có nghĩa,
Nói có đức, có uy.
Gặp bề trên, trên nể,
Gặp kẻ có thế họ thương,
Gặp dân trong mường kết bạn”(2).
Tết đến nao nức là thế. Nhưng cuộc vui nào rồi cũng kết thúc, phải chia tay, cách trở, Người Mường, người Thái cùng chung một tâm tư:
“Xiểng tò nọc èm xao liệp nóng, vỉu lòng khôn khôn
Xiểng tỏ hua chở náng vón pẩy tàng.
Mương cảy mế náng léo. Hặc ơi!”
Tức:
“Én bay sải cánh theo sông,
Lòng em nao nức muốn bay cùng
Rày xa quê mẹ, em có buồn không”(3) !

Đồng bào Kinh đón tết
Đồng bào Kinh thì đón Tết vào ngày Ba mươi tháng Chạp(4). Thông thường, chiều lại, nhà nhà đều dựng cây nêu ở trước sân, báo với trời đất và các đấng thần linh là gia đình mình đã đón rước ông bà Ông Vải, đồng thời nồi bánh chưng cũng vừa chín và tràng pháo nổ vang trước bàn thờ.
Buổi sáng Mùng một tháng Giêng năm mới là thời điểm có rất nhiều ý nghĩa. Người ở đất học Xứ Nghệ có không khí và thời gian để làm câu đối, làm thơ chúc tụng nhau. Đến cụ già khiếm thị cũng có lúc ngẫu hứng đọc:
“Chiều Ba mươi, tai nghe tiếng pháo “đùng”, ờ ờ Tết;
Sáng Mùng một, trán chạm cây nêu “côộc”, ấy ấy Xuân”.
Và một bài thơ Tết được Quốc ngữ hóa, từng lưu truyền qua nhiều đời:
“ Minh niên khai bút, bút khai hoa,
Vạn sự giai thành, phúc lộc đa.
Đa tử, đa tôn, đa phú quý;
Thịnh văn, thịnh võ, thịnh hiền tài”
明 年 開 笔 笔 開 花
萬 事 皆 成 福 禄 多
多 子 多 孙 多 富 贵
盛 文 盛 武 盛 賢 财
Ấy cũng là lời chúc tốt lành cho cả năm của toàn cộng đồng cư dân trên lưu vực Sông Lam.